Việt Nam là quốc gia thực hiện có hiệu quả các cam kết và nỗ lực bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những thành tựu trong việc bảo đảm và thực thi quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao, trong đó có việc Việt Nam thực hiện trách nhiệm báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Bài viết đánh giá thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam theo Báo cáo UPR lần thứ IV (UPR), góp phần phản bác những thông tin chưa được kiểm chứng, những nhận định thiếu khách quan, không có căn cứ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì buổi họp báo công bố
Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV
Nguồn: cand.com.vn.
1. Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hay còn gọi là Kiểm điểm định kỳ phổ quát (viết tắt là UPR), là cơ chế duy nhất trong hệ thống nhân quyền của Liên hợp quốc xem xét hồ sơ nhân quyền của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và bất kỳ văn kiện nhân quyền quốc tế nào khác mà quốc gia được xem xét là một bên, cũng như các cam kết tự nguyện do quốc gia đưa ra. Cơ chế này được thành lập theo Nghị quyết Đại hội đồng 60/251 ngày 03/4/2006 với những điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, các văn bản làm cơ sở để thực hiện việc kiểm điểm một nhà nước về tình hình hình nhân quyền căn cứ vào các tài liệu: (i) Báo cáo quốc gia do nhà nước kiểm điểm gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC); (ii) Hồ sơ thông tin của Liên hợp quốc về quốc gia được đánh giá, do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc soạn thảo (theo Nghị quyết A/HRC/RES/5/1); (iii) Bản tóm tắt các thông tin được nộp từ những bên có liên quan khác (gồm cả những người hoạt động xã hội dân sự)1 cũng được chuẩn bị bởi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (theo Nghị quyết A/HRC/RES/5/1).
Thứ hai, phiên họp kiểm điểm: phiên họp này diễn ra tại Geneva2 của Nhóm làm việc về UPR3, bao gồm 47 quốc gia thành viên của HRC. Kiểm điểm hình thức một cuộc đối thoại tương tác kéo dài ba tiếng rưỡi giữa quốc gia bị kiểm điểm và các quốc gia thành viên, quan sát viên của Hội đồng. Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày kể từ buổi đối thoại tương tác, Nhóm làm việc sẽ thông qua bản báo cáo của cơ chế rà soát định kỳ phổ quát.
Thứ ba, hồ sơ chứa báo cáo (gọi là Hồ sơ đầu ra) của Nhóm làm việc và quan điểm của quốc gia bị kiểm điểm về các khuyến nghị được đưa ra và sau khoảng 2 tháng sẽ được thông qua vào phiên họp toàn thể tiếp sau đó của HRC. Mỗi hồ sơ đầu ra sẽ có một giờ đồng hồ dành riêng cho việc thông qua. Trong một giờ đồng hồ này, thời gian được chia đều cho các đối tượng sau: (1) Quốc gia bị kiểm điểm; (2) Các quốc gia khác; (3) Các định chế nhân quyền quốc gia; (4) Các Tổ chức phi chính phủ (NGO) quan sát viên, để các chủ thể này ra các tuyên bố miệng, bình luận về phiên đánh giá/kiểm điểm UPR.
Thứ tư, tại phiên họp định kỳ, tiếp sau việc HRC thông qua hồ sơ đầu ra UPR là đến phiên thảo luận chung theo khoản mục 6 trong chương trình nghị sự, về kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát. Trong một số trường hợp, các quốc gia bị kiểm điểm theo cơ chế UPR sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến bộ họ đạt được trong việc thực hiện các cam kết mà họ từng đưa ra và những khuyến nghị mà họ từng chấp thuận trong quá trình bị kiểm điểm theo cơ chế UPR.
Như vậy, UPR có vai trò quan trọng nhất của HRC, được tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền của các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc. Đây là cơ chế nhân quyền quốc tế đầu tiên, quan trọng nhất giải quyết vấn đề nhân quyền ở tất cả các quốc gia và liên quan đến tất cả các quyền con người; từ đó, thúc đẩy các quốc gia thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch. Vì vậy, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc - Ban Ki-moon cho rằng: “Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát có tiềm lực để quảng bá và bảo vệ nhân quyền tại những góc cạnh tối tăm nhất trên thế giới”4.
2. Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia thực hiện chính sách nhất quán trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người; do đó, cũng là quốc gia tôn trọng và coi trọng cơ chế UPR. Qua các chu kỳ báo cáo quốc gia theo UPR đã khẳng định Việt Nam nghiêm túc, có thiện chí trong việc tổ chức xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại tất cả các chu kỳ. Năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành và chính thức nộp báo cáo UPR chu kỳ IV. Toàn văn báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV đã được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao bằng hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Việt.
Chính phủ Việt Nam khẳng định, quá trình xây dựng báo cáo và nội dung báo cáo đã đảm bảo tính nghiêm túc, tính toàn diện, tính chuyên nghiệp, cũng như sự chủ động và tích cực trên các điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, quy trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam chu kỳ IV đã được thực hiện có sự tham gia, tham vấn rộng rãi của tất cả các bên liên quan và đông đảo các cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện Báo cáo quốc gia được tiến hành trên nguyên tắc công khai, minh bạch, toàn diện; đảm bảo sự tham gia của các kết cấu xã hội khác nhau. Quá trình xây dựng Báo cáo, các chủ thể có trách nhiệm ở Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Nhiều lượt ý kiến của các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận theo nhiều kênh khác nhau. Bộ Ngoại giao phối hợp với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương thực hiện 06 hội thảo (mỗi hội thảo có từ 30-40 đại biểu) đại diện cho nhiều tầng lớp, các cơ quan, tổ chức và có sự hiện diện của Đại sứ quán nhiều quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam tham dự. Các ý kiến tham vấn của các bên liên quan về nội dung Báo cáo đã được tiếp thu, nghiên cứu cầu thị, điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam còn tiếp nhận ý kiến tham vấn, góp ý cho Báo cáo của các tổ chức, cá nhân thông qua email5. Với cách thức tiến hành như trên, có thể khẳng định Báo cáo quốc gia về UPR chu kỳ IV của Việt Nam thể hiện ý chí “tập thể”, “cộng đồng trách nhiệm” của các bên liên quan và phản ánh thực tế kết quả của một giai đoạn nỗ lực thực thi các cam kết và bảo đảm về quyền con người trong điều kiện kinh tế - xã hội có hơn 02 năm đại dịch COVID-19 xảy ra. Trong quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia theo UPR chu kỳ IV,Việt Nam luôn thực hiện có hiệu quả nguyên tắc bảo đảm sự tôn trọng, hiểu biết, có đối thoại và hợp tác, bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người.
Thứ hai, nội dung Báo cáo quốc gia về quyền con người theo chu kỳ IV của Việt Nam đã trình bày tổng thể các vấn đề về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực (dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa) kể từ lần rà soát trước (chu kỳ III). Đồng thời, Báo cáo cũng nêu rõ quá trình rà soát một cách toàn diện việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III (với 241 khuyến nghị).
Trong Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV, Việt Nam đã mô tả tình hình với những dẫn chứng, số liệu cụ thể, thông tin đa chiều về: (i) Hoàn thiện thể chế (hệ thống pháp luật); (ii) Những thành tựu của Việt Nam trong công tác giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường xã hội và sinh thái để người dân được sống an toàn, có cơ hội phát triển; (iii) Bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; (iv) Sự tham gia đối thoại hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực quyền con người.
Thứ ba, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Báo cáo quốc gia chu kỳ IV cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian qua khi thực hiện các khuyến nghị chấp thuận tại chu kỳ III như: tác động sâu rộng mang tính toàn cầu của đại dịch COVID-19; sự biến đổi khí hậu, thiên tai; tác động tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống khác; các yếu tố bất lợi của tình hình chính trị trên thế giới... Những thách thức này sẽ còn tiếp tục kéo dài và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, trong một số Báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc về về UPR chu kỳ IV chưa phản ánh chính xác và đầy đủ về thực tiễn và những nỗ lực trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, các báo cáo riêng này còn thể hiện nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng6; có nhiều đánh giá không khách quan mang tính áp đặt, phiến diện, không công bằng, không phản ánh chính xác, đầy đủ về tình hình, cũng như nỗ lực và thành tựu của Việt Nam.
Thể hiện sự không đồng tình của Việt Nam với các Báo cáo riêng do các cơ quan Liên hợp quốc về UPR chu kỳ IV, ông Đoàn Khắc Việt (Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã chỉ ra rằng, các Báo cáo riêng của các chủ thể này chưa đảm bảo tính minh bạch, chưa tương xứng với những thiện chí hợp tác7. Bởi lẽ, việc xây dựng các Báo cáo riêng này Việt Nam không được biết, không được tham vấn với tư cách bên có liên quan. Qua cách thức làm việc này cho thấy, các cơ quan Liên hợp quốc đã thể hiện không đúng với tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa các bên, cũng như các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc đã nhất trí8.
Trong Hiến chưong Liên hợp quốc có ghi nhận nguyên tắc quan trọng: “không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia”. Nguyên tắc này cũng được xác định là nguyên tắc nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại. Trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam coi “không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia” là nguyên tắc mang tính nền tảng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Việt Nam luôn tôn trọng thể chế chính trị của các nước. Chính phủ Việt Nam, Nhân dân Việt Nam kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc mà một số cơ quan của Liên hợp quốc đã đưa ra liên quan đến quá trình thực hiện, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam mong muốn và kêu gọi các cơ quan thông tấn, báo chí – truyền thông, Đại sứ quán các quốc gia tại Việt Nam, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế khác sáng suốt lựa chọn, sử dụng báo cáo đã qua kiểm chứng, có căn cứ nhằm đảm bảo nguyên tắc của UPR là bình đẳng, đối thoại, khách quan và minh bạch.
3. Thành tựu cơ bản về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2019-2023
Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các cam kết quốc tế, chủ động, tích cực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Nội dung Báo cáo quốc gia về quyền con người chu kỳ IV thể hiện rõ những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ nhất, Việt Nam nghiêm túc và nỗ lực thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ III
Tại chu kỳ III, Việt Nam đã chấp thuận 241 khuyến nghị. Cho đến hết tháng 01 năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209/241 khuyến nghị (chiếm 86,7%); thực hiện một phần của 30 khuyến nghị (chiếm tỷ lệ 12,4%); chỉ còn 02 khuyến nghị (chiếm tỷ lệ 0,82%) đang được Nhà nước Việt Nam xem xét và thực hiện vào thời điểm thích hợp. Những kết quả nêu trên cho thấy, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc những khuyến nghị đã chấp nhận ở chu kỳ III. Kết quả nêu trên đã khẳng định nỗ lực to lớn của Việt Nam, nhất là việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2019-2023 diễn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức vô cùng lớn của COVID-19 tác động sâu sắc tới tổng thể đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thế giới đã và đang diễn biến vô cùng phức tạp, tác động lớn và tạo ra những thách thức không nhỏ đến việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Xung đột vũ trang ở một số quốc gia đang có xu hướng gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, môi trường, an ninh, công nghệ (nhất là trí tuệ nhân tạo)... đang hàng ngày, hàng giờ tác động, thẩm thấu, tạo ra sức ép vô hình cho các quốc gia nói chung, cho Việt Nam nói riêng - một quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế chưa cao,... trong việc bảo đảm đầy đủ, toàn diện và ngày càng cao đối với các chuẩn mực, các nhu cầu của quyền con người.
Thứ hai, thể chế và pháp luật về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng hoàn thiện.
Một là, chỉ tính từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, có 44 luật đã được Việt Nam thông qua, trong đó đa số các văn bản luật này đã trực tiếp hoặc gián tiếp quy định hoặc liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Nhiều quy định trong Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp và bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điển hình có thể kể đến: quyền sống; quyền được sống trong môi trường trong lành; quyền xác định dân tộc; quyền của người chuyển giới tính, người đồng tính, lưỡng tính; quyền của người chấp hành án phạt tù, quyền của bị can, bị cáo đã được bổ sung, cụ thể hóa đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về các quyền này. Thời gian tới, trong kế hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thực hiện các giai đoạn trong quy trình xây dựng và ban hành một số đạo luật, như: Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật Giám sát, Luật Chuyển giới; Luật Chống phân biệt đối xử v.v..
Hai là, để đảm bảo và thực thi quyền con người, Việt Nam đã và đang rà soát các luật, văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chủ động gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người khi đáp ứng các điều kiện; đồng thời nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc triển khai các điều ước quốc tế. Cụ thể như sau: (i) Đến năm 2024, đã tham gia: 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người và tham gia 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); (ii) Từ năm 2019 đến năm 2023 đã gia nhập 02 Công ước của Tổ chức Lao động thế giới (đó là: Công ước số 989 và Công ước 10510); (iii) Tham gia đàm phán và chính thức tham gia Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự11 (GCM).
Ba là, là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm tạo ra những tiến bộ trong lĩnh vực quyền con người. Minh chứng sinh động được chỉ ra đó là: i) năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) đã được ký kết. Việc ký kết hai Hiệp định này với Liên minh châu Âu là minh chứng khẳng định Việt Nam là quốc gia tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người12 về cơ bản đã đảm bảo các điều kiện về nhân quyền; ii) Việt Nam là một trong số 14 quốc gia trở thành thành viên HCR nhiệm kỳ 2023-2025 do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào ngày 11 tháng 10 năm 2022. Với tư cách là thành viên của HCR nhiệm kỳ 2023-2025 đã khẳng định uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; đồng thời, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về kết quả mà Việt Nam đã nỗ lực thực hiện trong việc thực thi chính sách và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người trên tất cả các phương diện. Trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên HCR nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã thể hiện dấu ấn nổi bật trong sự kiện kỷ niệm 75 năm ngày Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao đề xuất và việc soạn thảo Nghị quyết này13.
Thứ ba, một số thành tựu nổi bật về quyền con người ở Việt Nam trong UPR
Một là, kể từ năm 2009, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Hệ thống bảo hiểm y tế có tỷ lệ bao phủ tăng từ 81,7% (năm 2016) lên 92% (năm 2022); mạng lưới y tế dự phòng đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức rộng khắp trên toàn quốc; y tế dự phòng đã gắn chặt với y tế cơ sở nhằm bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe. Tại Việt Nam, thời gian qua, việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đã được đầu tư, đến tháng 01 năm 2024 đạt 98,3% số hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh (tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2018). Về công trình xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp đang hoạt động đạt tỷ lệ 90,69% (so với năm 2019 tăng 13 khu công nghiệp). Có 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp xã hội, được chăm sóc và phục hồi chức năng; số người khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội tăng dần hằng năm.
Hai là, sau 26 năm kết nối internet, tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Việt Nam đã đầu tư và ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông, internet, báo chí, mạng xã hội phát triển. Xây dựng cơ chế và bảo đảm cho người dân, các chủ thể xã hội thực hiện cơ chế dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí và hội họp hòa bình. Đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo đều có cơ hội được nghe, xem, theo dõi các phương tiện truyền thông, truy cập internet, mạng xã hội. Chính các phương tiện này đã và đang là phương tiện đắc lực để người dân thể hiện quyền tự do, dân chủ; là công cụ hữu hiệu giám sát quá trình tổ chức đời sống xã hội của Nhà nước và việc thực thi chính sách, pháp luật, bảo đảm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Ba là, đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 72.000 hội đang hoạt động. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội có những đóng góp to lớn của các chủ thể này. Việt Nam cũng đã và đang tham vấn chính sách từ các hội có liên quan.
Bên cạnh đó, thời gian qua, việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam đã được các chủ thể có uy tín trên thế giới đánh giá. Điển hình, trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 của UNDP cho thấy mức độ bất bình đẳng ở Việt Nam duy trì ở mức vừa phải và ổn định, trong đó bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019. Thành tựu nổi bật mà Việt Nam đạt được chính là thực hiện tốt bình đẳng giới, với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997, đứng thứ 65/162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm. Nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam có tỷ lệ trong nhóm cao nhất trên toàn cầu. Việt Nam nằm ở nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm không sống khỏe theo tỷ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100.000 dân). Và còn rất nhiều những thành tựu khác trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đã đạt được.
Tại Hội nghị triển khai “Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam”14 Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp quan trọng: “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông điệp này không những khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực để thúc đẩy quyền con người mà còn là một tuyên bố về nhân quyền thiết thực nhất của Việt Nam.
Tóm lại, ở Việt Nam, con người là trung tâm của sự phát triển, mọi chính sách, quy định đều hướng đến phát triển con người và vì con người. Cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Việt Nam xác định mục tiêu lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện có hiệu quả thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau". Tôn trọng, có thiện chí trong việc thực hiện các nguyên tắc quốc tế về quyền con người đã được Việt Nam cam kết và bảo đảm. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia đã được Việt Nam quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đạt được trong lĩnh vực quyền con người thời gian qua là nền tảng để Việt Nam tiếp tục đạt được những tiến bộ mới thời gian tiếp theo. Việt Nam bác bỏ những thông tin phiến diện, một chiều, những đánh giá không khách quan về nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ thúc đẩy quyền con người./.
TS. Vũ Thị Thu Quyên
Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 37 (04/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Thông tin về việc nộp đầu vào cho báo cáo của các bên liên quan có thể tham khảo tại:
http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR/Pages/NgosNhris.aspx
(2) HCR họp tại Phòng XX (phòng 20), Palais des Nations, Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.
(3) Nhóm làm việc về UPR, có 47 quốc gia thành viên của HRC, do người đứng đầu HRC chủ trì, thực hiện rà soát Báo cáo về nhân quyền của một quốc gia. Nhóm này họp ở Geneva mỗi năm ba kỳ, mỗi kỳ kéo dài hai tuần; tiến hành: (1) Kiểm điểm 14 quốc gia mỗi kỳ (tức là 42 quốc gia mỗi năm); (2) Tổ chức đối thoại tương tác với quốc gia bị kiểm điểm; (3) Thông qua một báo cáo có các khuyến nghị, kết luận và cam kết tự nguyện.
(4) Theo: “Universal Periodic Review”, The Guardian; Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2024.
(5) Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại buổi họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam diễn ra chiều ngày 15 tháng 4 năm 2024, tại Hà Nội (xem trên http://www.mofa.gov.vn).
(6) Điển hình như, cho rằng: Việt Nam không bảo đảm quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí; hay “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình”…
(7) Trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra chiều ngày 11 tháng 4 năm 2024, tại Hà Nội (xem trên http://www.mofa.gov.vn.).
(8) Như đã dẫn số 7.
(9) Công ước của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, năm 1949. Việt Nam đã gia nhập Công ước này theo Nghị quyết số: 80/2019/QH14 của Quốc hội ngày 14 tháng 6 năm 2019.
(10) Công ước của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, năm 1957. Việt Nam đã gia nhập Công ước này theo Nghị quyết số: 104/2020/QH14 của Quốc hội, ngày 08 tháng 6 năm 2020.
(11) Ngày 20 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM.
(12) Các đối tác tham gia hai Hiệp định này có những yêu cầu cao về nhân quyền, và họ chỉ ký kết hiệp định thương mại với các quốc gia về cơ bản bảo đảm được các điều kiện về nhân quyền.
(13) Tại Phiên họp cấp cao khoá 52 của HCR diễn ra vào tháng 2/2023, Việt Nam đưa ra sáng kiến về việc ban hành một văn kiện của HCR. Nội dung của văn kiện này khẳng định lại những mục tiêu, giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn, tuyên bố về quyền con người và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
(14) Việt Nam lấy ngày 17 tháng 10 hằng năm là ngày “Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam”.