Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại, đem lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với quyền con người.  Bài viết này phân tích tác động hai mặt của AI đối với quyền con người, chỉ ra các cơ hội và thách thức chính, từ đó đặt ra vấn đề AI cần phát triển như thế nào để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn

1. Đặt vấn đề

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành một trong những công nghệ có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến mọi mặt của đời sống xã hội. AI mang lại nhiều cơ hội quan trọng cho quyền con người, như tăng cường quyền tiếp cận thông tin, hỗ trợ hệ thống tư pháp, nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe và giáo dục… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, AI cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với bảo đảm quyền con người. Sự phát triển không kiểm soát của AI có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư. Đặc biệt, AI có thể tác động tiêu cực đến quyền lao động khi ngày càng nhiều công việc bị thay thế bởi tự động hóa. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phù hợp để đảm bảo AI phát triển theo hướng tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Câu hỏi đặt ra là: AI thực sự là một cơ hội để nâng cao quyền con người, hay là một thách thức đe dọa các quyền cơ bản? Làm thế nào để tận dụng lợi ích mà AI mang lại đồng thời hạn chế các rủi ro? Những tranh luận này về AI và quyền con người là cơ sở để xây dựng nên hai văn bản quan trọng. Một là Tuyên bố Toronto về Bảo vệ Quyền Bình đẳng và Không Phân biệt Đối xử trong hệ thống Máy học( Machine Learning Systems) (“Tuyên bố Toronto”), được mở để ký vào ngày 16 tháng 5 năm 2018.[1] Tuyên bố Toronto nêu bật những tác động tiêu cực tiềm tàng của máy học đối với quyền bình đẳng và quyền không phân biệt đối xử, đồng thời kêu gọi phát triển các cơ chế khắc phục hiệu quả cho tất cả những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hệ thống này. Thứ hai là Dự thảo Chiến lược của Bộ Ngoại giao Canada về Ý nghĩa của AI đối với Chính sách đối ngoại và Nhân quyền, trong đó xem xét cách AI có thể tác động đến quyền bình đẳng, quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và quyền hội họp, đồng thời đề xuất những cách để khắc phục những tác động này.[2] Điều đó cho thấy những cơ hội và thách thức mà AI đặt ra trong việc bảo vệ quyền con người đã dành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và những người hoạch định chính sách.

2. Tác động tích cực của Trí tuệ nhân tạo đối với việc bảo đảm quyền con người

Thứ nhất, AI hỗ trợ quyền tiếp cận công lý của người dân

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở thành công cụ quan trọng trong việc cải thiện khả năng tiếp cận công lý và bảo vệ quyền con người. Một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ giữa AI và luật pháp là việc ứng dụng AI trong quản lý và thực thi pháp luật. Theo nghiên cứu của Surden, các hệ thống AI có thể xử lý hàng triệu trang văn bản pháp luật, các án lệ và tài liệu liên quan để hỗ trợ các chuyên gia pháp lý đưa ra quyết định chính xác hơn.[3] Nhiều cơ quan chính phủ hiện nay đang sử dụng các hệ thống AI để hỗ trợ ra quyết định trong các vấn đề pháp lý và chính sách công. Một ví dụ đáng chú ý là việc AI được tích hợp vào quá trình đánh giá rủi ro của bị cáo trong các vụ án hình sự. Khi xem xét quyết định tại ngoại trước xét xử, thẩm phán phải cân nhắc khả năng bỏ trốn hoặc tái phạm của bị cáo. Các hệ thống AI, thông qua phân tích dữ liệu tội phạm trong quá khứ, có thể đưa ra điểm số rủi ro, hỗ trợ thẩm phán trong việc đánh giá tình huống. Mặc dù quyết định cuối cùng vẫn thuộc về thẩm phán, nhưng các đánh giá này có thể tác động đáng kể đến phán quyết.[4] Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực công việc cho thẩm phán và luật sư, mà còn góp phần đảm bảo tính nhất quán và khách quan trong xét xử.

Thứ hai, AI phát hiện và ngăn chặn tin giả, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân

AI còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn tin giả (fake news), một yếu tố có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tiếp cận thông tin chính xác của công dân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, AI có khả năng học hỏi và thích ứng liên tục để nâng cao hiệu quả phát hiện tin giả. Các mô hình trí tuệ nhân tạo hiện nay không chỉ dựa trên việc phân tích ngữ nghĩa và cú pháp mà còn sử dụng công nghệ học sâu (deep learning) để nhận diện các mô thức lan truyền của tin giả, từ đó nhanh chóng xác định và cảnh báo người dùng.[5] Hệ thống AI như Grover đã được phát triển để không chỉ nhận diện tin giả mà còn đưa ra cảnh báo về mức độ tin cậy của nội dung truyền thông.[6]  Các nền tảng truyền thông lớn như Facebook, Twitter và Google đã ứng dụng AI vào quy trình kiểm duyệt nội dung nhằm phát hiện và gỡ bỏ những thông tin không chính xác trước khi chúng lan rộng. Hơn nữa, các công cụ kiểm tra tính xác thực của tin tức do AI hỗ trợ cũng được cung cấp cho người dùng cá nhân, giúp họ tự đánh giá độ tin cậy của một nguồn thông tin trước khi chia sẻ, nhằm bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Thứ ba, hỗ trợ quyền được giáo dục thông qua AI

Một trong những tác động lớn nhất của AI đối với giáo dục là khả năng cá nhân hóa nội dung học tập. Các hệ thống học tập thông minh có thể theo dõi tiến độ học tập của từng học sinh, phân tích dữ liệu để xác định điểm mạnh, điểm yếu, từ đó điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu cá nhân. Điều này giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo tốc độ riêng của họ, thay vì bị áp đặt theo một chương trình học chung. Theo nghiên cứu của Luckin et al., các nền tảng học tập dựa trên AI như Khan Academy, Duolingo và Coursera đã chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện khả năng tiếp thu của học sinh thông qua các bài giảng tương tác và phản hồi tức thời. Hơn nữa, AI có thể tạo ra lộ trình học tập tối ưu, giúp học sinh duy trì động lực học tập và đạt được kết quả tốt hơn.[7]

Bên cạnh đó, AI cũng hỗ trợ học sinh có nhu cầu đặc biệt, bao gồm những học sinh mắc chứng khó đọc, khiếm thính, khiếm thị hoặc các rối loạn học tập khác. Công nghệ nhận diện giọng nói và chuyển đổi văn bản thành giọng nói (Text-to-Speech & Speech-to-Text) giúp học sinh khiếm thính tiếp cận nội dung bài giảng một cách dễ dàng hơn. Tương tự, các ứng dụng như Microsoft Immersive Reader hỗ trợ học sinh mắc chứng khó đọc bằng cách điều chỉnh kích thước chữ, màu sắc nền và tốc độ đọc để tăng khả năng nhận diện chữ cái. Ngoài ra, AI còn giúp dịch ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản hoặc giọng nói, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khiếm thính tham gia vào lớp học trực tuyến hoặc trực tiếp.[8] Những cải tiến này không chỉ nâng cao trải nghiệm học tập mà còn giúp học sinh có nhu cầu đặc biệt tiếp cận nền giáo dục bình đẳng hơn.

Một lợi ích quan trọng khác của AI là mở rộng cơ hội giáo dục đến các khu vực kém phát triển. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, việc thiếu giáo viên và cơ sở hạ tầng giáo dục khiến nhiều học sinh không thể tiếp cận các bài giảng chất lượng. AI giúp giải quyết vấn đề này thông qua các nền tảng giáo dục trực tuyến, cung cấp tài nguyên học tập miễn phí hoặc chi phí thấp cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Các hệ thống như EdX, Udemy và FutureLearn cho phép người học tiếp cận các khóa học từ những trường đại học hàng đầu trên thế giới mà không cần đến lớp học truyền thống. Ngoài ra, một số chương trình như M-Shule ở Kenya sử dụng AI để cung cấp bài học qua SMS cho học sinh không có internet, giúp họ có thể học tập ngay cả khi thiếu kết nối mạng. Theo tác giả Holmes et al., AI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dịch thuật nội dung giáo dục sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và mở rộng phạm vi tiếp cận tri thức.[9]

Thứ tư, tăng cường quyền tiếp cận y tế thông qua AI

AI đang cách mạng hóa lĩnh vực y tế bằng cách hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhanh hơn, chính xác hơn và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của AI đối với y tế là khả năng hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực hình ảnh y khoa. Các mô hình học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) có thể phân tích hình ảnh y tế như X-quang, CT, MRI để phát hiện các dấu hiệu bất thường với tốc độ và độ chính xác cao hơn so với các phương pháp truyền thống.

Nghiên cứu của các tác giả Esteva và công sự đã chỉ ra rằng, AI có thể đạt độ chính xác tương đương hoặc thậm chí vượt qua bác sĩ da liễu trong việc phát hiện ung thư da thông qua phân tích hình ảnh tổn thương da. Hệ thống AI này được đào tạo bằng hàng triệu bức ảnh bệnh lý da liễu và có khả năng phân biệt giữa tổn thương lành tính và ác tính với độ chính xác cao. Tương tự, trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư vú, AI đã giúp phát hiện những khối u nhỏ mà mắt thường hoặc bác sĩ có thể bỏ sót, nhờ vào việc phân tích hàng loạt hình ảnh nhũ ảnh và nhận diện những điểm bất thường tiềm ẩn.[10] Những tiến bộ này giúp bác sĩ đưa ra quyết định chẩn đoán nhanh hơn, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp, nơi thời gian là yếu tố quyết định sự sống còn của bệnh nhân.

Bên cạnh khả năng chẩn đoán, AI còn cải thiện quyền tiếp cận y tế thông qua các chatbot và trợ lý ảo. Những công nghệ này cho phép người dân nhận được thông tin y tế đáng tin cậy và hướng dẫn sơ bộ mà không cần đến bệnh viện, đặc biệt hữu ích cho những người sống ở các vùng xa xôi, nơi điều kiện y tế còn hạn chế. Các chatbot y tế như Ada Health, Babylon Health và Buoy Health có thể đánh giá triệu chứng của bệnh nhân thông qua câu hỏi tương tác và đề xuất bước xử lý tiếp theo, chẳng hạn như tự chăm sóc tại nhà hoặc đến bệnh viện để kiểm tra thêm.[11] Điều này giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, đồng thời giúp bệnh nhân nhận được tư vấn nhanh chóng mà không cần chờ đợi lâu.

Ngoài ra, AI cũng được triển khai trong các chương trình phúc lợi xã hội để hỗ trợ chính phủ quản lý hiệu quả hơn. Các hệ thống tự động thường được lập trình theo một tập hợp quy tắc nhất định để xác định liệu một cá nhân có đủ điều kiện nhận hỗ trợ hay không. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ, giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên chính phủ.[12]

3. Trí tuệ nhân tạo thách thức trong việc bảo vệ quyền con người

Thứ nhất, nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân

Một trong những vấn đề quan ngại của nguy cơ này là việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân không minh bạch. Các công ty công nghệ, nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm thường thu thập hành vi trực tuyến, vị trí địa lý, lịch sử mua sắm, thông tin tài chính và dữ liệu sinh trắc học để phục vụ mục đích thương mại hoặc phân tích hành vi người dùng. Tuy nhiên, nhiều người dùng không nhận thức được mức độ dữ liệu mà họ đang chia sẻ cũng như cách dữ liệu đó được sử dụng. Điển hình là vụ Google bị phạt 50 triệu euro vào năm 2019 vì không tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR), do thiếu minh bạch trong chính sách thu thập và sử dụng dữ liệu riêng tư của người dùng.[13]

AI còn được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giám sát và nhận diện khuôn mặt, gây ra những lo ngại về sự xâm phạm quyền riêng tư trong không gian công cộng. Các hệ thống này có thể theo dõi hành vi của công dân, nhận diện danh tính mà không có sự đồng ý của họ và thậm chí sử dụng dữ liệu này để đánh giá hoặc kiểm soát xã hội. Ví dụ, công ty Clearview AI (2020) đã thu thập hàng tỷ bức ảnh từ các trang mạng xã hội để xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt mà không có sự đồng ý của người dùng, làm dấy lên mối lo ngại về việc lạm dụng AI trong giám sát cá nhân.[14] Nếu không có các biện pháp kiểm soát phù hợp, AI có thể trở thành công cụ xâm phạm tự do cá nhân.

Ngoài ra, khi AI xử lý và lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ, nguy cơ rò rỉ và lạm dụng dữ liệu cá nhân cũng gia tăng đáng kể. Các vụ tấn công mạng nhằm vào dữ liệu cá nhân đang trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và y tế.. Không chỉ dừng lại ở việc bị đánh cắp, dữ liệu cá nhân còn có thể bị bán trên thị trường chợ đen, hoặc bị sử dụng để xây dựng hồ sơ chi tiết về hành vi của từng cá nhân, phục vụ cho các mục đích thương mại hoặc chính trị.[15]

Thứ hai, nguy cơ mất việc làm do AI

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động. Một trong những tác động đáng kể nhất là việc AI dần thay thế con người trong các công việc lặp lại, có tính chất tự động hóa cao. Tại Hoa Kỳ, khoảng 47% công việc có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa trong vòng hai thập kỷ tới.[16]  Những ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn nhất là sản xuất, dịch vụ khách hàng, giao thông và tài chính, nơi các hệ thống AI có thể thực hiện công việc nhanh hơn, chính xác hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với con người.[17] Điều này dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là đối với lao động phổ thông hoặc những người không có kỹ năng số phù hợp để chuyển đổi sang các công việc mới.

AI còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế. Khi AI ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi trong nền kinh tế, những công ty công nghệ lớn và các quốc gia phát triển có điều kiện sở hữu dữ liệu, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao sẽ có lợi thế vượt trội. Trong khi đó, các nước đang phát triển thường không có đủ khả năng đầu tư vào AI, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn về năng suất lao động và thu nhập. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự bất cân bằng trong ứng dụng AI có thể làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo, khi các tập đoàn công nghệ hàng đầu tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, còn các doanh nghiệp nhỏ và lực lượng lao động truyền thống gặp khó khăn trong việc thích nghi.[18]

Hơn nữa, việc AI tập trung lợi ích vào một nhóm nhỏ các công ty sở hữu công nghệ tiên tiến làm giảm cơ hội tiếp cận của phần lớn dân số. Những người có kỹ năng cao trong lĩnh vực công nghệ sẽ có thu nhập ngày càng cao, trong khi những người không có khả năng chuyển đổi kỹ năng sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường lao động. Xu hướng này không chỉ xảy ra ở cấp độ cá nhân mà còn ở quy mô quốc gia, khi các nước kém phát triển phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và khả năng cạnh tranh ngày càng suy giảm.

Thứ ba, AI thiên vị thuật toán, dẫn đến phân biệt đối xử ngày càng trầm trọng

Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích trong nhiều lĩnh vực, nhưng một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề thiên vị thuật toán. AI không phải là một thực thể trung lập; nó học từ dữ liệu huấn luyện mà con người cung cấp. Nếu dữ liệu đó chứa đựng những định kiến sẵn có trong xã hội, AI sẽ không chỉ tiếp thu mà còn khuếch đại chúng. Điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử trong các lĩnh vực quan trọng như tuyển dụng, tài chính và chăm sóc y tế. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tuyển dụng, nếu một công ty sử dụng AI để đánh giá hồ sơ ứng viên dựa trên dữ liệu lịch sử, hệ thống có thể ưu tiên các nhóm ứng viên đã được tuyển chọn trong quá khứ, vô tình loại bỏ những nhóm ít có cơ hội hơn, chẳng hạn như phụ nữ hoặc người thiểu số. Điều này khiến những thành kiến xã hội tồn tại lâu dài và trở nên khó thay đổi hơn.

Lời kết

Trí tuệ nhân tạo đang tái định hình cách thức con người sống, làm việc và tương tác với thế giới, đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống pháp lý, đạo đức và quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo quyền con người không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng công nghệ mà còn vào cách chúng ta định hướng và kiểm soát sự phát triển của AI. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp để xây dựng một khuôn khổ pháp lý minh bạch và tăng cường bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương. Quan trọng hơn, AI phải được phát triển theo hướng lấy con người làm trung tâm, cân bằng giữa đổi mới công nghệ và các giá trị nhân quyền cốt lõi. Chỉ khi đó, trí tuệ nhân tạo mới thực sự trở thành một công cụ thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội trong kỷ nguyên số.

TS. Chu Thị Thúy Hằng

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[2] Filippo Raso, Hannah Hilligoss, Vivek Krishnamurthy, Christopher Bavitz, Lê Văn Kim (2018), Artificial Intelligence and Human Rights Protection: Challenges and Opportunities, tr.8. https://cyber.harvard.edu/publication/2018/artificial-intelligence-human-rights

[3] Surden, H. (2020). Artificial Intelligence and Law: An Overview. Georgia State University Law Review, 36(4), tr.1332

Ashley, K. D. (2017). Artificial intelligence and legal analytics: New tools for law practice in the digital age. Cambridge University Press.

[4] Surden, H. (2020). Artificial Intelligence and Law: An Overview. Georgia State University Law Review, 36(4), tr.1332

[5] Zellers, R., Holtzman, A., Rashkin, H., Bisk, Y., Farhadi, A., Roesner, F., & Choi, Y. (2019). Defending against neural fake news. Advances in Neural Information Processing Systems (NeurIPS), 32.

[6] Zellers, R., Holtzman, A., Rashkin, H., Bisk, Y., Farhadi, A., Roesner, F., & Choi, Y. (2019). Defending against neural fake news. Advances in Neural Information Processing Systems (NeurIPS), 32.

[7] Luckin, R., Holmes, W., Griffiths, M., & Forcier, L. B. (2016). Intelligence unleashed: An argument for AI in education. Pearson Education, https://static.googleusercontent.com/media/edu.google.com/en//pdfs/Intelligence-Unleashed-Publication.pdf

[8] Holmes, W., Bialik, M., & Fadel, C. (2019). Artificial intelligence in education: Promises and implications for teaching and learning. Center for Curriculum Redesign, https://curriculumredesign.org/wp-content/uploads/AIED-Book-Excerpt-CCR.pdf

[9] Holmes, W., Bialik, M., & Fadel, C. (2019). Artificial intelligence in education: Promises and implications for teaching and learning. Center for Curriculum Redesign, https://curriculumredesign.org/wp-content/uploads/AIED-Book-Excerpt-CCR.pdf

[10] Esteva, A., Kuprel, B., Novoa, R. A., Ko, J., Swetter, S. M., Blau, H. M., & Thrun, S. (2017). Dermatologist-level classification of skin cancer with deep neural networks. Nature, 542(7639), 115-118.

[11] Topol, E. (2019). Deep medicine: How artificial intelligence can make healthcare human again. Basic Books.

[12] Surden, H. (2020). Artificial Intelligence and Law: An Overview. Georgia State University Law Review, 36(4), tr.1332

[13] https://www.edpb.europa.eu/news/national-news/2019/cnils-restricted-committee-imposes-financial-penalty-50-million-euros_en

[16] Michael Coelli, Jeff Borland, Working Paper Series, Behind the headline number: Why not to rely on Frey and Osborne’s predictions of potential job loss from automation, October 2019, https://melbourneinstitute.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0005/3197111/wp2019n10.pdf

[17] Michael Coelli, Jeff Borland, Working Paper Series, Behind the headline number: Why not to rely on Frey and Osborne’s predictions of potential job loss from automation, October 2019, https://melbourneinstitute.unimelb.edu.au/__data/assets/pdf_file/0005/3197111/wp2019n10.pdf

[18] Daron Acemoglu and Pascual Restrepo, Automation and New Tasks: How Technology Displaces and Reinstates Labor, Journal of Economic Perspectives—Volume 33, Number 2—Spring 2019—Pages 3–30, https://pubs.aeaweb.org/doi/pdfplus/10.1257/jep.33.2.3