Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Từ khi ra đời đến nay, Quân đội ta luôn đóng vai trò tiên phong trong công cuộc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc; xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình; thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần bảo vệ quyền con người trên toàn cầu. Bài viết nhìn lại sứ mệnh của QĐNDVN trong chặng đường suốt 80 năm chiến đấu để bảo vệ quyền con người và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có cơ sở sắc bén để phản bác các luận điệu sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề “nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam nói chung và QĐNDVN nói riêng.
1. Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời, chiến đấu vì mục tiêu giải phóng con người, bảo vệ quyền con người trong bảo vệ Tổ quốc
Sứ mệnh chiến đấu để giải phóng con người, bảo vệ quyền con người của QĐNDVN là mục tiêu hàng đầu và mang tính chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định khi quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của QĐNDVN ngày nay. Sứ mệnh này được thể hiện xuyên suốt thông qua quá trình chuẩn bị đến thành lập, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của QĐNDVN.
Giai đoạn từ khi thành lập đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công
Trước khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, ở Việt Nam đã có các tổ chức quân sự công nông như Đội Tự vệ Đỏ, Đội du kích Bắc Sơn, Quân du kích Nam Kỳ. Các tổ chức vũ trang nêu trên đã anh dũng chiến đấu, không ngại hy sinh, gian khổ để bảo vệ các quyền, lợi ích dân tộc cơ bản; chống lại áp bức của thực dân và tay sai. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động còn phân tán, chưa thống nhất trong xây dựng, phát triển lực lượng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”1. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức được thành lập. Trong Chỉ thị thành lập Đội, viết: “Tên, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”2. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định: “Muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được”3. Trong bài diễn văn thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”4. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời đã đánh dấu bước phát triển trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Đồng thời, nêu cao mục tiêu, lý tưởng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng là để “giải phóng dân tộc” khỏi áp bức, bóc lột của thực dân và tay sai của chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với các dân tộc bị áp bức thì việc sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng để giành và giữ chính quyền là một tất yếu lịch sử. Bởi vì, “chế độ thực dân tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu”5.
Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang trong cả nước thành Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945)6. Trước tình hình diễn biến mau lẹ của thế giới và khu vực, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chỉ trong vòng 12 ngày (từ 14 đến 25/8/1945), Việt Nam giải phóng quân, cùng các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi trong cả nước. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập đã chỉ ra những tội ác của bọn thực dân vi phạm nghiêm trọng, chà đạp lên quyền con người của dân tộc Việt Nam. Đồng thời khẳng định quyền cơ bản của con người là tự nhiên, vốn có, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”7 và tuyên bố về quyền của dân tộc Việt Nam “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”8. Một lần nữa, tính chính nghĩa trong cuộc đấu tranh vì quyền con người của Việt Nam giải phóng quân, của toàn thể dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra bằng những bằng chứng đanh thép và chân lý.
Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)
Sau khi giành được độc lập, Việt Nam giải phóng quân cùng với lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân yêu nước vừa chiến đấu chống các thế lực phản cách mạng, đồng thời chống quân xâm lược, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ; diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Trước sức ép của quân Tưởng Giới Thạch, ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố “tự ý giải tán” nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Cũng trong thời gian này, Việt Nam giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn, theo yêu sách của Tưởng về giải tán quân đội chính quy. Sau hàng loạt các hoạt động gây hấn và phá hoại của thực dân Pháp, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 71/SL đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ I (19/10/1946), Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải thắng Pháp”9. Để bảo vệ nền độc lập dân tộc, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân đội nhanh chóng xây dựng, phát triển; vừa chiến đấu chống thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan kháng chiến, vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phối hợp đánh địch... Lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng được rèn luyện trong chiến đấu, từng bước trưởng thành, phát triển và thực sự làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong khi cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc tại Việt Nam đang diễn ra ác liệt, ngày 10/12/1948, tại Paris (Pháp), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người. Đây là văn kiện có ý nghĩa nhân văn cao cả, ra đời đúng thời điểm, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại tiến bộ. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Quân đội Quốc gia Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng vốn dĩ đã là một cuộc đấu chính nghĩa; nay lại có thêm cơ sở pháp lý quốc tế và được nhân dân yêu chuộng hòa bình ủng hộ. Quân đội Quốc gia Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, các vùng giải phóng không ngừng được mở rộng, chính quyền nhân dân ngày càng được củng cố. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đổi tên Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành QĐNDVN, với ý nghĩa hết sức to lớn Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”10, “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”11.
Từ một đội quân chỉ vài trăm người tham gia Tổng khởi nghĩa, QĐNDVN đã phát triển mạnh mẽ, trở thành lực lượng vũ trang hùng mạnh với các sư đoàn chủ lực, không ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Với lý tưởng và mục tiêu rõ ràng, quân đội đã giành được nhiều chiến công vang dội, trong đó đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vào ngày 7/5/1954. Chiến thắng này không chỉ là một mốc son chói lọi, mà còn khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân và lực lượng vũ trang vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, một lòng chiến đấu dưới lá cờ Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, tinh thần yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất, và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Những yếu tố này đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng này không chỉ kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn ghi dấu ấn lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra trang sử vàng cho dân tộc Việt Nam. Đánh dấu sự tích lũy kinh nghiệm, nghệ thuật chiến đấu, chiến thắng và từng bước trưởng thành của QĐNDVN trên chặng đường đấu tranh giải phóng con người.
Ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. QĐNDVN vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quân đội đứng trước thời kỳ mới “Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”12.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) là một trong những giai đoạn lịch sử đầy hào hùng và gian khổ của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 9 năm chiến đấu kiên cường, Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã thể hiện tinh thần bất khuất và sự hy sinh vô bờ bến để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Đây không chỉ là cuộc chiến bảo vệ sự sống, mà còn là cuộc đấu tranh giành quyền làm chủ đất nước, vì một Tổ quốc tự do, hạnh phúc. Các cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN đã chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: Độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Chính sự hy sinh cao cả này đã tạo nên sức mạnh phi thường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến.
Giai đoạn kháng chiến chống Đế quốc Mỹ (1954-1975), chiến tranh biên giới, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả vì quyền con người
Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, QĐNDVN đã cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang khác đoàn kết, tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và đầy gian khổ. Tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã xác định rõ đường lối cách mạng Việt Nam, với mục tiêu tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: “Một là, thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở miền Bắc; Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tiến tới thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trên toàn quốc”13. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Để làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh của nhân dân miền Nam, Tổng Quân ủy ra chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - một bộ phận của QĐNDVN chiến đấu trên chiến trường miền Nam14. Ngày 15/02/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập. Trong chiến đấu, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt, trở thành lực lượng nòng cốt giải phóng miền Nam, và thống nhất đất nước. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã lập nên những kỳ tích vĩ đại, tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc, đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972. Cuối cùng, cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước và mở ra một thời kỳ phát triển mới. Năm 1976, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hợp nhất với QĐNDVN, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày đất nước thống nhất, trong khi hậu quả nặng nề của chiến tranh còn chưa được khắc phục, QĐNDVN lại tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đồng thời, QĐNDVN cũng thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hỗ trợ nhân dân Lào bảo vệ thành quả cách mạng, phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia tấn công, tiêu diệt các căn cứ của chế độ Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. QĐNDVN đã giúp Campuchia thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và phát triển đất nước; sát cánh cùng nhân dân Lào và nhân dân Campuchia trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, vì độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, QĐNDVN không chỉ đấu tranh vì mục tiêu giải phóng con người, bảo vệ quyền con người của dân tộc Việt Nam, mà trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, QĐNDVN đã cùng các lực lượng cách mạng Lào và Campuchia chiến đấu, hy sinh quên mình vì quyền con người – quyền tự nhiên vốn có của mỗi dân tộc. Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến gian khổ đã được nhân dân và đất nước chùa tháp gọi bằng tên gọi đầy kính trọng “Đội quân nhà Phật”15.
Giai đoạn hàn gắn vết thương sau chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các quyền con người cơ bản
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không chỉ để lại những vết thương sâu sắc trong lòng đất nước và mỗi người dân Việt Nam mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội. QĐNDVN lại bước vào một giai đoạn mới, không chỉ bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước, mà còn trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tham gia vào công tác cứu trợ, sửa chữa cơ sở hạ tầng, khôi phục các tuyến giao thông và hỗ trợ những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh; tích cực giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các vấn đề cấp bách cho những người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Sự hiện diện của QĐNDVN đã góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, hàn gắn những vết thương tinh thần cho các gia đình, cộng đồng. Với phương châm “vì nhân dân phục vụ”, quân đội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong mọi công tác hậu phương, góp phần bảo đảm sự ổn định và khôi phục đất nước trong giai đoạn hậu chiến.
Không chỉ tham gia vào các hoạt động cứu trợ và khôi phục hậu quả chiến tranh, QĐNDVN còn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước. Trong giai đoạn đầu của đất nước thống nhất, khi nền kinh tế còn rất khó khăn, quân đội đã chủ động tham gia vào các công trình phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Các đơn vị quân đội đã thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, góp phần ổn định nền kinh tế sau chiến tranh, tham gia xây dựng khu công nghiệp, phát triển nông thôn, trồng trọt và khai hoang đất đai, tham gia các dự án lớn như thủy điện, giao thông vận tải và các công trình quốc phòng. Những đóng góp này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào việc phục hồi nền kinh tế đất nước.
Mặc dù Việt Nam đã giành được độc lập và thống nhất, nhưng các mối đe dọa từ bên ngoài và sự bất ổn trong khu vực vẫn còn tiềm ẩn. Vì vậy, QĐNDVN tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, quân đội không chỉ tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, mà còn chuyển sang một chiến lược quốc phòng toàn diện, kết hợp giữa bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế, xây dựng một lực lượng quân đội mạnh mẽ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Bất cứ trong điều kiện hoàn cảnh nào, dù là thời chiến, hay thời bình; lúc khó khăn hay hiểm nguy, QĐNDVN luôn xác định tinh thần hi sinh hết mình trong công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, và phát triển đất nước đã góp phần tạo dựng một Việt Nam hòa bình, ổn định và ngày càng giàu mạnh, vì hạnh phúc, ấm no của toàn thể dân tộc và của con người.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 tìm kiếm nạn nhân mất tích trong trận sạt lở đất
tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nguồn: qdnd.vn.
2. Quân đội Nhân dân Việt Nam và việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền con người trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh mới, khi đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của QĐNDVN cũng có sự thay đổi để phù hợp với tình hình của đất nước, khu vực và thế giới. Cần phải khẳng định rằng, các quyền con người được QĐNDVN bảo vệ theo quy định của các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người. Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của QĐNDVN được khái quát bốn vấn đề cơ bản sau:
Một là, QĐNDVN bảo vệ quyền con người thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc16 là một trong những phương thức quan trọng mà quân đội thực hiện để bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn cho nhân dân và đất nước.
QĐNDVN luôn xác định rõ rằng bảo vệ quyền con người không chỉ là bảo vệ từng cá nhân mà là bảo vệ quyền được sống trong một đất nước hòa bình, không bị xâm phạm bởi các thế lực bên ngoài. Chính vì vậy, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm của quân đội mà còn là cách thức bảo vệ quyền sống và quyền tự do của toàn dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, QĐNDVN đã không ngừng chiến đấu để bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn lịch sử, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ đến các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, đều là những cuộc chiến vì quyền con người. Cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN không chỉ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn để bảo vệ quyền sống, quyền tự do của nhân dân khỏi sự tàn bạo và áp bức của các thế lực ngoại xâm. Chính trong những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ấy, QĐNDVN đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ quyền con người, bảo vệ những giá trị nhân đạo cao đẹp như tự do, độc lập và hạnh phúc cho nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam không chỉ là bảo vệ đất đai, biên giới mà còn liên quan đến việc bảo vệ quyền con người. QĐNDVN đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân thông qua các nhiệm vụ bảo vệ biên giới, lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của Tổ Quốc. QĐNDVN không chỉ hoạt động quân sự đặc thù mà còn tham gia vào việc bảo vệ quyền tự do, quyền được sống trong một môi trường an toàn và ổn định cho mọi người.
Chính chức năng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của QĐNDVN đã góp phần tạo dựng một môi trường an toàn, ổn định, tạo điều kiện để mỗi người có thể phát triển và thụ hưởng những quyền con người thích đáng.
Hai là, QĐNDVN bảo vệ quyền con người thông qua chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Một trong những vai trò quan trọng của QĐNDVN QĐNDVN trong bối cảnh mới là tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và thực hiện đúng các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các chiến sĩ quân đội, đặc biệt là các đơn vị làm công tác tuyên truyền, đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc giải thích, truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Quân đội luôn xác định rằng, để bảo vệ quyền con người, trước hết phải giúp nhân dân hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội, đặc biệt là những quyền cơ bản được Hiến pháp và pháp luật đảm bảo như quyền bầu cử, quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản, và quyền được hưởng các quyền lợi về giáo dục, y tế, văn hóa, và xã hội. Quân đội thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã giúp nhân dân hiểu và thực hiện quyền của mình, qua đó giảm thiểu các xung đột và bất bình đẳng xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện quyền con người trên phạm vi toàn quốc.
Với truyền thống “quân với dân như cá với nước”, QĐNDVN luôn là lực lượng gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tham gia vào công tác vận động quần chúng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không chỉ là công tác của các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của quân đội, nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, từ đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân.
Thông qua các hoạt động như tuyên truyền về các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, QĐNDVN đã tham gia trực tiếp vào các công việc này, giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi cá nhân và quyền lợi cộng đồng. Khi người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, họ sẽ tham gia tích cực hơn vào công cuộc bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm quyền con người, qua đó đóng góp vào việc bảo vệ sự bình yên và phát triển của xã hội.
Ba là, QĐNDVN bảo vệ quyền con người thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước
QĐNDVN đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, tạo dựng cơ sở vật chất và nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong thời hòa bình, quân đội thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. QĐNDVN đã tham gia vào nhiều dự án phát triển kinh tế quan trọng như xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, khu công nghiệp, các dự án phát triển nông thôn mới, khai thác và chế biến tài nguyên. Mặt khác, quân đội còn tham gia trực tiếp vào các công việc sản xuất tại các doanh nghiệp quốc phòng, các đơn vị kinh tế, giúp tạo ra hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bằng việc thực hiện các nhiệm vụ lao động sản xuất, quân đội đã giúp ổn định kinh tế, giảm thiểu các vấn đề thất nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, từ đó bảo vệ quyền được sống, quyền có công việc, quyền được hưởng các phúc lợi cơ bản của công dân trong một xã hội phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, QĐNDVN không chỉ bảo vệ Tổ quốc về mặt quân sự mà còn chủ động kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự phát triển toàn diện cho đất nước. Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế không chỉ là xây dựng lực lượng quân đội mạnh mẽ mà còn giúp bảo vệ và phát triển quyền lợi của nhân dân, đảm bảo sự ổn định, hòa bình cho các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu văn hóa, giáo dục. Các chiến lược quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế được quân đội triển khai hiệu quả thông qua việc tham gia xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, các khu công nghiệp, các công trình phúc lợi xã hội như bệnh viện, trường học, khu dân cư. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ an ninh, mà còn tạo ra môi trường sống tốt hơn cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công dân trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và phát triển văn hóa. Quân đội tham gia phát triển kinh tế còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho đất nước, từ đó không chỉ bảo vệ quyền lợi vật chất của nhân dân mà còn giúp củng cố quyền được tham gia vào một xã hội công bằng, hiện đại và thịnh vượng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của QĐNDVN trong bảo vệ quyền con người là tham gia vào công tác phòng thủ dân sự, giúp bảo vệ người dân trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, hoặc chiến tranh. Các lực lượng quân đội luôn sẵn sàng tham gia cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong các tình huống như động đất, bão lũ, dịch bệnh, thảm họa tự nhiên.
Chính sự có mặt kịp thời của quân đội trong những tình huống này đã bảo vệ quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền được bảo vệ tính mạng của công dân. Quân đội cũng tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thông qua công tác phòng thủ dân sự, quân đội không chỉ giúp cứu người, mà còn trực tiếp bảo vệ quyền con người của các công dân trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là quyền có cuộc sống an toàn và đầy đủ.
Không chỉ trong các nhiệm vụ lao động sản xuất và quốc phòng, quân đội còn là lực lượng chủ chốt trong việc phát triển các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh trật tự và góp phần củng cố quốc phòng toàn dân. Quân đội luôn gắn kết với cộng đồng, cùng nhân dân tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ quê hương, tạo ra sự đoàn kết toàn dân tộc. Trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, quân đội không chỉ tham gia thi công các công trình xây dựng mà còn tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các chiến sĩ quân đội đã gắn bó với nhân dân trong những công việc cụ thể, giúp người dân vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, qua đó bảo vệ quyền con người.
Bốn là, QĐNDVN bảo vệ quyền con người thông qua chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ quốc tế
Những năm qua, QĐNDVN đã đóng góp vào các sứ mệnh hòa bình quốc tế, đặc biệt là qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc17 và các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế. Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, QĐNDVN không chỉ xây dựng hình ảnh của Việt Nam với thế giới mà còn thể hiện cam kết bảo vệ quyền sống, quyền tự do và quyền được bảo vệ của các dân tộc.
Ngoài việc tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, Quân đội Việt Nam tham gia vào công tác cứu trợ nhân đạo ở nhiều quốc gia và khu vực, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, như giúp đỡ các nạn nhân của bão lũ, động đất18, dịch bệnh; cung cấp các nhu yếu phẩm, thuốc men, thực phẩm và điều kiện sống cho những người dân bị ảnh hưởng, đồng thời hỗ trợ phục hồi các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các chiến sĩ quân đội Việt Nam đã giúp bảo vệ quyền con người trong những tình huống khó khăn này, bảo vệ quyền sống và quyền được chăm sóc sức khỏe của hàng triệu con người. Việc tham gia cứu trợ nhân đạo không chỉ là trách nhiệm quốc tế mà còn thể hiện sự quan tâm, đồng cảm và mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người nghèo khổ, bất hạnh. Đây là một phần trong những nỗ lực của QĐNDVN trong việc bảo vệ quyền con người ở quy mô toàn cầu.
Bên cạnh việc tham gia cứu trợ nhân đạo, QĐNDVN còn đóng góp vào các hoạt động xây dựng hòa bình và ổn định xã hội tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia thuộc châu Phi. Quân đội Việt Nam tham gia vào các hoạt động huấn luyện, chuyển giao công nghệ quốc phòng và các kỹ năng cần thiết cho lực lượng quân sự và các tổ chức an ninh của các quốc gia, từ đó giúp củng cố hệ thống quốc phòng của các quốc gia này, góp phần vào việc duy trì ổn định và bảo vệ quyền con người.
Quân đội Việt Nam luôn tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển, duy trì hòa bình và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của nhân dân trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện cam kết tham gia các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc, trong đó có các hoạt động về gìn giữ hòa bình và bảo vệ quyền con người.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, QĐNDVN không những đã hoàn thành xuất sắc chức năng cơ bản là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất”19 mà còn là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo và bảo vệ quyền con người. Từ những ngày đầu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cho đến những nhiệm vụ quốc tế cao cả, quân đội đã luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh, chiến đấu không chỉ vì độc lập, tự do cho dân tộc mà còn vì quyền sống, quyền tự do và quyền được bảo vệ của mỗi con người. Nhìn lại chặng đường 80 năm, quân đội ta đã chứng minh rằng bảo vệ quyền con người không chỉ là mục tiêu, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng trong suốt mọi thời kỳ lịch sử. QĐNDVN đã thể hiện vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực từ quốc phòng, xây dựng đất nước, cứu trợ nhân đạo đến tham gia bảo vệ hòa bình thế giới, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong giai đoạn mới, QĐNDVN sẽ tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng một Việt Nam phát triển, hòa bình, độc lập và thịnh vượng. Những chiến công và hy sinh anh dũng trong suốt 80 năm qua của QĐNDVN sẽ mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam và là nền tảng vững chắc cho tương lai tươi sáng, trong đó quyền con người luôn được tôn trọng và bảo vệ./.
Thiếu tá Lô Văn Lâm
Giảng viên Khoa Pháp luật, Trường Cao đẳng Biên phòng
Đại úy Phạm Trung Đức
Giảng viên Khoa Pháp luật, Trường Cao đẳng Biên phòng
Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 43 (12/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 539.
(2) Hồ Chí Minh, tlđd.
(3) Vũ Anh, Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960, tr.120
(4) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 1995, tr.120
(6) Việt Nam Giải phóng quân là tên gọi của QĐNDVN từ tháng 5 đến tháng 11-1945. Việt Nam Giải phóng quân thành lập ngày 15-5-1945, tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) trên cơ sở thống nhất từ các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước, theo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (tháng 4-1945) họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang).
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr.1
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr.3
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 133
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 485.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 384 - 385.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H, 2002, tr.916.
(14) Xem: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vai-tro-cua-quan-giai-phong-mien-nam-viet-nam-doi-voi-su-nghiep-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-648596, truy cập ngày 08/11/2024.
(15) Xem: https://www.qdnd.vn/40nam-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam/tin-tuc/doi-quan-nha-phat-tren-dat-nuoc-chua-thap-559877, truy cập ngày 08/11/2024
(16) Xem: Khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018
(17) Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử 02 sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ Sĩ quan liên lạc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan. Sau hơn 10 năm triển khai lực lượng, đến nay, Việt Nam đã cử gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
(18) Tháng 2/2023 Bộ Quốc phòng cử 76 cán bộ đi cứu trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, gồm: 76 cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ lên đường tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, gồm: 30 đồng chí thuộc Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần), 30 đồng chí thuộc Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh), 9 đồng chí huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ thuộc Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và một số lực lượng khác.
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 24, Nxb CTQG, H, 2023, tr.847.