Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ngày càng mạnh mẽ dẫn đến đòi hỏi về nguồn nhân lực pháp lý có chuyên môn về quyền con người ngày càng gia tăng, việc nghiên cứu và đào tạo quyền con người tại các trường đại học chuyên luật là cần thiết để đáp ứng nhu cầu này. Bài viết phân tích tầm quan trọng của nghiên cứu, đào tạo quyền con người tại các trường đại học chuyên luật. Trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo quyền con người tại các trường đại học chuyên luật ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

1. Sự cần thiết nghiên cứu, đào tạo quyền con người tại các trường đại học chuyên luật

Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã xác định nguyên tắc có tính chất khái quát về quyền con người như sau: “Tất cả mọi người đều có những quyền bình đẳng và không thể chuyển nhượng. Đó là nền tảng của tự do và chân lý trên thế giới. Và các quyền con người phải được bảo vệ bằng chế định pháp luật”. Như vậy, quyền con người một mặt mang tính chất tự nhiên (quyền tự nhiên), mỗi cá nhân sinh ra đã có các quyền đó, nhưng mặt khác khi chưa được nhà nước, pháp luật ghi nhận thì “các quyền tự nhiên” chưa có hành lang pháp lý để bảo đảm thực hiện. Hay nói cách khác, pháp luật là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền con người.

Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập các tổ chức bảo vệ quyền con người, các cơ quan chuyên nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới cơ cấu quyền con người là môn học bắt buộc hoặc lồng ghép quyền con người với các môn học khác. Các quốc gia Bắc Âu mà điển hình là Thụy Điển có Viện Luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế Raoul Wallenberg; ở các nước Châu Á, giáo dục quyền con người là cách thức cơ bản nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy, bảo vệ và thực thi quyền con người được áp dụng phổ biến và hiệu quả trong hệ thống các trường đại học chuyên luật1.

Các trường đại học chuyên luật là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học pháp lý. Giảng viên, học viên, sinh viên ở các trường đại học chuyên luật chính là những chủ thể có vai trò quan trọng trong hoạch định cũng như thực thi chính sách, pháp luật trên nhiều nội dung, trong đó có liên quan trực tiếp đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Học viên, sinh viên chuyên ngành luật sau khi tốt nghiệp có cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, hay các vị trí liên quan như luật sư, công chứng viên,... Trách nhiệm nghề nghiệp chung cho nhóm công việc này là tham gia vào việc bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân. Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người ngày 09/12/2011 của Liên hợp quốc đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con người và tự do căn bản cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc phổ quát, không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau của các quyền con người”. Do đó, trang bị kiến thức về quyền con người cho giảng viên, học viên, sinh viên các trường đại học chuyên luật thông qua hoạt động nghiên cứu và giảng dạy mang lại lợi ích thiết thực, giúp nâng cao nhận thức về các quyền tự do cơ bản, góp phần xây dựng một xã hội tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

2. Thực trạng nghiên cứu, đào tạo quyền con người tại các trường đại học chuyên luật ở Việt Nam hiện nay

a) Những kết quả đạt được

- Trong đào tạo về quyền con người

Tương tự như ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam các nội dung về quyền con người chủ yếu được nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học chuyên ngành Luật, Chính trị, Quan hệ quốc tế,... Tại các trường đại học chuyên luật ở Việt Nam sẽ tiếp cận quyền con người từ những môn thuộc phần bắt buộc trong khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp đến các môn học thuộc phần tự chọn. Điều này góp phần không nhỏ vào việc triển khai quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân.

Việc lồng ghép nội dung quyền con người tập trung ở một số môn như: môn Luật Hiến pháp Việt Nam (chuyên đề riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân); Luật Lao động (nội dung về quyền về việc làm, quyền thành lập và gia nhập công đoàn, quyền được hưởng an sinh xã hội); Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự (nội dung bảo vệ quyền con người trên cơ sở các quy định pháp luật, từ đó xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của bị can, bị cáo); Luật Dân sự (nội dung về quyền nhân thân, quyền sở hữu,...);... Xét về vai trò trong hệ thống kiến thức khoa học pháp lý, các môn học trên là nền tảng của chương trình đào tạo cử nhân luật; đây cũng là những môn học thể hiện khá đậm nét những nội dung cơ bản của quyền con người thông qua hoạt động giảng dạy.

Bên cạnh những môn học tích hợp, lồng ghép các nội dung về quyền con người, các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật đã xây dựng những môn học riêng như: “Lý luận và pháp luật về quyền con người” tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; “Luật Quốc tế về quyền con người” tại Học viện Toà án,  Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, môn “Pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quyền con người”, “Fundamental civil rights in the moderm world” (Quyền dân sự cơ bản của người dân trong thế giới hiện đại) tại Trường Đại học Luật Hà Nội; môn “Pháp luật về quyền con người” tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội... Các môn học trên được thiết kế với 2 hoặc 3 tín chỉ tuỳ thuộc vào kế hoạch giảng dạy chung. Chương trình học trang bị cho sinh viên kiến thức lý luận và pháp lý vững vàng về quyền con người, bao gồm cả khái niệm chung và các nhóm quyền cụ thể. Nhờ vậy, sinh viên có khả năng xử lý chính xác các vấn đề và tình huống liên quan đến quyền con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc sau này.

Đặc thù giảng dạy quyền con người bao trùm trên nhiều lĩnh vực, do đó, với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, các cơ sở đào tạo đại học chuyên ngành luật đã áp dụng các phương pháp giảng dạy đa dạng, tích cực. Có thể kể đến như phương pháp thuyết trình kết hợp với minh họa, đặt câu hỏi gợi mở nhằm giúp sinh viên phát triển nhận thức liên quan đến môn học hay phương pháp tình huống để sinh viên chủ động đánh giá những vấn đề thực tiễn về quyền con người, phát triển kỹ năng tư duy phản biện và ra quyết định. Thậm chí để phát triển kỹ năng tranh biện và làm việc nhóm, một số trường đào tạo chuyên luật đã xây dựng các chủ đề để sinh viên giải quyết vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Ví dụ như các chủ đề làm việc nhóm môn Luật Hiến pháp Việt Nam được trường Đại học Luật Hà Nội  xây dựng tập trung vào chế định quyền con người: 1) “Hiện nay, cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự định ban hành luật về quyền được lãng quên, trong đó người dân có quyền yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ tìm kiếm, lưu trữ xóa bỏ những thông tin mang tính nhạy cảm của mình trên Internet. Bằng kiến thức Luật hiến pháp hãy đưa ra các luận điểm để ủng hộ/phản đối quy định trên.” (Khoá 48); 2) “Để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, có ý kiến cho rằng cần thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam. Với kiến thức về Luật hiến pháp, hãy lập luận để ủng hộ/phản đối ý kiến trên” (Khoá 46); 3) “Trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động, có ý kiến cho rằng phải đặt ra nguyên tắc độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nữ bằng với nam giới. Hãy lập luận để ủng hộ/phản đối ý kiến trên.” (Khoá 45); v.v.. Hay ở một số trường đào tạo nghề luật như Học viện Toà án, Đại học Kiểm sát Hà Nội, phương pháp thực hành thông qua phiên toà giả định trong phòng xử án mẫu cũng là một cách thức quan trọng giúp sinh viên, học viên bồi dưỡng thái độ tích cực trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Với đặc thù là các đơn vị trực thuộc cơ quan tố tụng, sinh viên Học viện Toà án, Đại học Kiểm sát Hà Nội cũng được tiếp xúc với các chuyên gia đang công tác thực tiễn trong lĩnh vực tố tụng để được truyền đạt những góc nhìn mới cũng như kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người liên quan mật thiết đến hoạt động nghề nghiệp sau này.

- Trong nghiên cứu về quyền con người

Việc tạo ra kiến thức dựa trên cơ sở thực nghiệm và các nghiên cứu cơ sở là đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người. Nghiên cứu là công cụ quan trọng để đưa ra tài liệu cũng như hiểu rõ các vấn đề, giúp cụ thể hóa từng hoàn cảnh và chuẩn hóa các quyền con người trong nhiều trường hợp, đồng thời đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy và giáo dục quyền con người2. Ở Việt Nam, với những chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền đã đòi hỏi hoạt động nghiên cứu về quyền con người phải được đặt trên cơ sở lý luận về quyền con người phù hợp với chuẩn mực chung quốc tế cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia, đặc biệt cần phát triển các tư tưởng nhân đạo giải phóng con người của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước yêu cầu đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về quyền con người đã được triển khai và bước đầu đã đạt được một số thành công và đều có dấu ấn rất quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các trường đại học chuyên luật Việt Nam nói riêng.

Các trường đại học chuyên luật tại Việt Nam đang thể hiện sự chủ động mạnh mẽ trong việc khuyến khích giảng viên nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp từ cấp Nhà nước, cấp Bộ đến cấp cơ sở đã được triển khai. Có thể kể đến như Đề tài Nafosted và cấp Nhà nước do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì: “Sự xung đột giữa quyền con người và quyền sở hữu trí tuệ : Tiếp cận từ triết lý pháp luật và thực tiễn pháp lý” (2017-2019), “Nguyên tắc thủ tục pháp lý chặt chẽ và vai trò bảo vệ quyền con người ở Việt Nam” (2010-2020)3. Đề tài cấp Bộ do Đại học Luật Hà Nội chủ trì: “Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” (nghiệm thu năm 2019); Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền bí mật dữ liệu cá nhân (nghiệm thu 2017). Đề tài cấp Đại học quốc gia Hà Nội do Khoa Luật chủ trì: “Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật về tư pháp hình sự - Lý luận, thực trạng và hoàn thiện pháp luật” (nghiệm thu năm 2013). Đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, các trường đại học chuyên luật đều triển khai các chủ đề liên quan đến quyền con người với những khía cạnh riêng biệt. Như Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh: 15 đề tài giai đoạn 2010-20224; Học viện Toà án: 03 đề tài giai đoạn 2021-20245, Đại học Kiểm sát Hà Nội: 03 đề tài giai đoạn 2020-20226. Hay Đại học Luật Hà Nội với tư cách là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đã tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở về quyền con người theo bảng sau:

ThS. Lại Sơn Tùng

Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 43 (12/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Chu Mạnh Hùng (2016), Tình hình nghiên cứu, giảng dạy về Quyền con người tại Trường Đại học Luật (https://vass.gov.vn/hnht/pages/danh-sach-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemId=46&EventId=10).

(2) Tlđd.

(3) Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2024), Đề tài nghiên cứu khoa học khác (http://nckh.law.vnu.edu.vn/article-De-tai-NCKH-Khac-15731-1307.html).

(4) Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2024), Thông tin Thư viện số (https://thuvienso.hcmulaw.edu.vn).

(5) Học viện Toà án (2021-2023), Quyết định số: 174/QĐ-HVTA ngày 11/10/2021 V/v phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học cấp Học viện của cán bộ, giảng viên năm học 2021-2022; Quyết định số: 199/QĐ-HVTA ngày 14/9/2022 V/v phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học cấp Học viện của cán bộ, giảng viên năm học 2022-2023; Quyết định số 317/QĐ-HVTA ngày 15/9/2023 Vv phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học cấp Học viện của cán bộ, giảng viên năm học 2023-2024.

(6) Đại học Kiểm sát Hà Nội (2020-2022), Quyết định số 184/QĐ-T2 ngày 29/4/2020 về việc phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học năm 2020; Quyết định số 205/QĐ-T2 ngày 31/3/2022 về viêc ban hành Chương trình nghiên cứu khoa học năm 2022.

(7) Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Danh sách đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nghiệm thu năm 2017-2021 (https://research.hlu.edu.vn/Images/Post/files/PHÒNG%20QLKH%26TSTC/Nghien%20cưu%20khoa%20hoc/ĐTNCKH/Đe%20tai%20co%20so%202017-2021.pdf).

(8) Trường Đại học Luật Hà Nội (2022), Danh sách đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nghiệm thu năm 2022 (https://research.hlu.edu.vn/SubNews/Details/25540).

(9) Trường Đại học Luật Hà Nội (2023), Danh sách đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nghiệm thu năm 2023 (https://research.hlu.edu.vn/SubNews/Details/27337).

(10) Trần Lê Đăng Phương (2022), Thúc đẩy giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo đại học ngành luật trong xu hướng hội nhập quốc tế - Thực trạng và giải pháp (https://danchuphapluat.vn/thuc-day-giao-duc-quyen-con-nguoi-tai-cac-co-so-dao-tao-dai-hoc-nganh-luat-trong-xu-huong-hoi-nhap-quoc-te-thuc-trang-va-giai-phap).

(11) Tlđd.

(12) Bùi Nguyên Khánh, Phương pháp giáo dục quyền con người - Kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2011, tr. 67.