Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra giá trị vượt tầm thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Trong bài viết này tác giả tập trung phân tích tính hiện đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và tầm quan trọng của các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, phân tích tư tưởng của Người về các quyền trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá, từ đó chỉ ra việc tiếp tục vận dụng những tư tưởng đó trong xây dựng đất nước giai đoạn hiện nay.
(Tiếp theo kỳ trước và hết)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy in Tiến Bộ, 14/5/1959. Nguồn: tcnn.vn
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền kinh tế
Ngày nay, trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, quyền về kinh tế là một quyền có nội hàm rộng, bao gồm các quyền như quyền lao động, quyền sở hữu, quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng.
a)Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lao động
Một là, người khẳng định quyền lao động công bằng là dành cho mọi người, công nhân, nông dân và trí tức là chủ thể của quyền lao động, sự gắn bó của việc có quyền con người- quyền lao động với tư cách là một người công dân của một quốc gia độc lập. Quyền con người không phải là quyền con người chung chung mà phải được thực hiện trong chế độ tự do, không phải làm nô lệ :
- Công nhân ta chẳng những không còn là người "culi" như dưới chế độ thực dân, phong kiến, mà cũng không phải là "vô sản" theo nghĩa đen chữ đó, tức là không có của cải gì. Ngày nay, công nhân ta là người chủ tập thể của các xí nghiệp, là giai cấp lãnh đạo nước nhà.
- Nông dân ta không còn là nô lệ của địa chủ, không còn phải mơ ước có một "miếng đất cắm dùi" như thời xưa. Ngày nay nông dân ta là người chủ tập thể của hợp tác xã, của nông thôn. Hơn bao giờ hết, họ là người bạn trung thành nhất của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Trí thức ta không còn là những người chỉ nằm trong cái tháp ngà và xa rời quần chúng. Ngày nay, trí thức ta là những người lao động trí óc, luôn luôn hòa mình với công nông và cùng công nông ra sức xây dựng xã hội mới[1].
Bác cũng khẳng định vai trò, trách nhiệm bảo đảm quyền sở hữu của chủ thể nghĩa vụ là nhà nước đối với quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, đưa ra ý tưởng về công tư hợp doanh trong sản xuất kinh tế:
- Đối với người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện.
- Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác[2].
b) Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền sở hữu
Quyền lao động và quyền sở hữu là những vấn đề có tính quan trọng trong mọi thời đaị, đặc biệt là trong thời kỳ mới của giai đoạn đất nước mới ra đời, sau nhiều tháng năm lầm than nô lệ.
Một là, Hồ Chí Minh khẳng định rõ con người có quyền kinh tế, được nhà nước bảo trợ trong quá trình lao động, bảo vệ quyền sở hữu.
"Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân......."
Người cũng chỉ rõ mối liên hệ và phụ thuộc giữa các quyền con người, quyền này được bảo đảm hay bị vi phạm thì sẽ các tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quyền khác, qua sự phân tích rõ mối quan hệ giữa các quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội:
"Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào.
Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn.
Về văn hóa, "có thực mới vực được đạo", kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh"[3].
Hai là, Người phân tích các nội hàm của quyền lao động, quyền sở hữu theo hướng khẳng định sự sự công bằng cho mọi người:
Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ:
- "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng;
- Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"[4].
Ba là, Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm và chỉ rõ những chuẩn mực của quyền lao động, thông qua kinh nghiệm của các quốc gia tiến bộ để làm kinh nghiệm học tập, áo dụng cho việc bảo đảm quyền lao động ở Việt Nam. Người đưa ra quan điểm của Nhật Bản, Trung Quốc về những quyền cơ bản của người lao động: tự do hội họp, bãi công, thành lập hiệp hội, chế độ làm việc 8 giờ/ngày, bảo vệ lao động nữ...
"Giai cấp vô sản (Trung Quốc) có tổ chức đưa ra yêu sách:
1) Tự do hội họp;
2) Quyền bãi công và thành lập các hiệp hội;
3) Chế độ ngày lao động 8 giờ dành cho người lớn và ngày lao động 6 giờ dành cho thiếu niên;
4) Bảo vệ những điền chủ hạng nhỏ;
5) Cấm lao động thêm giờ trong các ngành sản xuất nguy hiểm;
6) Cấm lao động ban đêm đối với phụ nữ và trẻ em;
7) Chế độ nghỉ phép 2 tuần, mỗi năm 2 lần, có trả lương; Nghỉ 8 tuần lễ trước và nghỉ 8 tuần lễ sau sinh con đối với phụ nữ làm các công việc nặng nhọc; Nghỉ 6 tuần lễ trước và 6 tuần lễ sau khi sinh con đối với phụ nữ làm công việc nhẹ.
8) Chế độ kiểm soát của công nhân đối với việc thi hành bảo hiểm công nhân;
9) Nhà nước trợ cấp cho các tổ chức công nhân để áp dụng chế độ giáo dục ngoài nhà trường cho công nhân lớn tuổi"[5]
c) Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng, bao gồm thực phẩm, quần áo, nhà ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội
Theo quan điểm của pháp luật quốc tế quyền này lần đầu tiên được đề cập trong Khoản 1 Điều 25 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người, trong đó nêu rằng, mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các khía cạnh ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tàn phế, góa bụa, già nua hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ. Quy định kể trên sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 11 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hoá 1966.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiệm cận với vấn đề này từ rất sớm. Trong suốt qúa trình cống hiến cho cách mạng của mình, Người luôn hướng tới thực hiện ước muốn tột bậc của mình là làm cho người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người viết bài Giấc ngủ mười năm với một giấc mơ được kể, thể hiện rõ quan điểm về việc mỗi người đều cần có lương thực, thực phẩm, có chỗ ở, được chăm sóc:
Mai, ngày kia cha khỏe, đi thăm phố và làng, cha sẽ không nhận ra được nữa. Vì bây giờ dân ta, nước ta khác hẳn ngày trước rồi. Từ Nam Bộ đến Bắc Bộ, từ vùng ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến thôn quê, không còn có một người nào mù chữ, không còn có một người nào đói rách, không còn có một người nào thất nghiệp nữa.
"Phố xá làng mạc, nơi nào cũng sạch sẽ, xinh tươi.
"Trường học, thư viện, nhà hát, phòng phát thuốc, sân thể thao, nơi nào cũng có.
"Cờ bạc, hút xách, trộm cắp, đĩ điếm đều mất.
"Những phong tục hủ lậu, những vết tích chiến tranh cũng hết sạch.
"Những đại biểu trong Quốc hội, những nhân viên trong Chính phủ, những cán bộ trong các đoàn thể đều là những người có tài, có đức, những người "anh hùng thi đua ái quốc" do nhân dân cử ra. Ai cũng thực hành bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính và câu châm ngôn "chí công vô tư".
"Con không biết rõ đời Nghiêu Thuấn thịnh vượng thế nào, chứ nước ta ngày nay thật là một nước lễ nghĩa, một nước tự do và hạnh phúc[6].
4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền xã hội
Trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia nhóm quyền xã hội bao gồm một số quyền cơ bản như: Quyền được hưởng ASXH, quyền được hỗ trợ về gia đình, quyền được chăm sóc sức khoẻ.
a) Quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được hỗ trợ về gia đình
Tiếp cận với vấn đề an sinh xã hội ngay khi đất nước còn nghèo đói thể hiện rõ tư tưởng của một nhà lãnh đạo đất nước có trách nhiệm với những cam kết về các quyền kinh tế xã hội và văn hoá. Tư tưởng đó của Hồ Chí Minh thể hiện rõ quan điểm với từng chủ thể của quyền với cách tiếp cận quyền dựa trên sự khác biệt về nhu cầu của các chủ thể quyền như người công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, phụ nữ, viên chức, doanh nhân, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi...Đó chính là cách tiếp cận đảm bảo hướng tới sự bình đẳng thực chất của một quốc gia đối với các quyền con người nói chung cũng như với quyền an sinh xã hội nói riêng.
"1. Công nhân. Ngày làm tám giờ. Định tiền lương tối thiểu. Công việc làm như nhau nhận tiền lương ngang nhau. Cứu tế thất nghiệp. Xã hội bảo hiểm. Cấm đánh đập, chửi mắng. Thủ tiêu các giấy giao kèo nô lệ, lập các giấy giao kèo chung của chủ và thợ. Công nhân giờ có lương hưu trí.
2. Nông dân. Nông dân ai cũng có ruộng cày. Giảm địa tô. Cứu tế nông dân trong những năm mất mùa.
3. Binh lính. Hậu đãi binh lính có công giữ gìn Tổ quốc và phụ cấp gia đình binh lính được đầy đủ.
4. Học sinh. Bỏ học phí, bỏ khai sinh hạn tuổi. Mở thêm trường học. Giúp đỡ học trò nghèo.
5. Phụ nữ. Về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông.
6. Thương nhân và các nhà kinh doanh. Chính phủ hết sức giúp các nhà có vốn tự do kinh doanh. Bỏ thuế môn bài và các thứ tạp thuế do đế quốc đặt ra.
7. Viên chức. Hậu đãi viên chức xứng đáng với công học hành của họ.
8. Người già và kẻ tàn tật. Được Chính phủ chăm nom và cấp dưỡng.
9. Nhi đồng. Được Chính phủ săn sóc đặc biệt về thể dục và trí dục.
10. Hoa kiều. Được Chính phủ bảo chứng tài sản an toàn: được đối đãi như dân tối huệ quốc."[7]
Ở Việt Nam hiện nay, một vấn đề mới mẻ hiện nay được quan tâm đến là kinh doanh có trách nhiệm, hay nói cách khác là doanh nghiệp tôn trọng quyền con người trong mọi hoạt động kinh doanh của họ bắt đầu được nghiên cứu và thực hành trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề đó đã xuất hiện từ rất sớm, mặc dù chỉ gắn với chủ thể hoạt động kinh tế mạnh mẽ lúc đó là các hợp tác xã. Người đã chỉ ra mô hình sản xuất có sự quan tâm đến quyền con người, quyền trẻ em và sự chăm sóc đến các hộ gia đình từ các chủ thể có trách nhiệm như Đảng, hợp tác xã, cán bộ lãnh đạo sẽ có hiệu quả đối với vấn đề phát triển kinh tế như thế nào.
"Hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), thiếu sức lao động, vì nhiều chị em phụ nữ đều bận nuôi con, không đi làm được. Vì vậy mà thu nhập của các gia đình xã viên kém đi. Chi bộ quyết định xây dựng một nhà gửi trẻ. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên xung phong gánh đất, làm nhà. Một ngôi nhà 5 gian xinh xắn được dựng lên. Chi bộ quyết định: trước tiên hãy nhận con các gia đình neo đơn. Nhưng các bà mẹ còn nghi ngờ không đưa các cháu đến gửi. Họ nói: "Nếu béo bở thì mời các ông cán bộ và đảng viên mang con đến gửi trước!".
Theo chỉ thị của chi bộ, các đảng viên đưa con mình đến gửi. Thấy các cháu này được săn sóc tốt, các bà mẹ trước kia chần chừ, nay đều mang con đến gửi. Thành thử không đủ chỗ cho tất cả các cháu. Chi bộ lại quyết định: Cán bộ và đảng viên đưa con mình về, để nhường chỗ cho những cháu các gia đình neo đơn.
Trong những ngày đầu, các cháu thì đông mà các cô giữ trẻ thì chưa đủ, sau buổi lao động các đồng chí đảng viên đều đến nhà gửi trẻ tắm rửa và săn sóc các cháu.
Hiện nay, nhà gửi trẻ này đã có hơn 100 cháu từ 3 tháng đến 4 tuổi, do 6 cô đoàn viên thanh niên săn sóc rất chu đáo.
Nhờ có nhà gửi trẻ này mà chị em phụ nữ thôn Bùi được giải phóng và hăng hái tham gia lao động sản xuất".[8]
b) Quyền được chăm sóc sức khoẻ
Quan tâm đến sức khỏe con người, Bác đã có bài viết “Sức khỏe và thể dục”, Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.”[9] Chính vì vậy, khi nói đến quyền này Người luôn khẳng định trách nhiệm của các chủ thể đối với việc bảo đảm quyền. Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3-1948 được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”[10]. “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[11].
Trong việc thực hiện quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương dựa trên yếu tố giới tính hoặc thể chất.
Người chỉ ra mô hình Liên Xô để học tập áp dụng ở Việt Nam: "Tất cả đàn bà có thai và trẻ con chưa đầy năm đều được thầy thuốc luôn luôn theo dõi sức khỏe. Cả nước có hơn 18.000 nhà nuôi hơn 1.000 nghìn trẻ con. Các nhà máy và các nông trường đều có nhà giữ trẻ. Các trẻ em lên ba có thể vào vườn gửi trẻ, bố mẹ chỉ phải trả 1 phần 2 tiền phí tổn"[12].
Người khẳng định, việc giáo dục, bồi dưỡng không chỉ hướng tới kiến thức mà còn quan tâm tới sức khoẻ của trẻ em, để trẻ em có thể học tập và lao động: "Tiểu học và trung học là giáo dục phổ thông, nó bồi dưỡng học sinh thành những công dân có giác ngộ, có văn hóa, có sức khỏe, thành đạo quân lao động hậu bị to lớn: Mục đích chính của học sinh là để góp phần vào phát triển sản xuất của xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất lao động.
Vì vậy, cần phải chuẩn bị tư tưởng cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác"[13].
5. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hoá trong bối cảnh Việt Nam hiện nay
a) Xây dựng chủ nghĩa xã hội với tư tưởng phát triển giá trị hạnh phúc
Tư tưởng kế thừa từ quan điểm của nhân loại về gía trị của hạnh phúc của Hồ Chí Minh về hạnh phúc gắn liền với những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Ngay sau khi lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc cho công dân của xã hội mới, cho Nhân dân của Nhà nước dân chủ mới. Khi miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân”[14].
Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hoá trong bối cảnh Việt Nam vẫn cần tiếp tục theo đuổi giá trị của hạnh phúc. Theo từ điển Tiếng Việt, “Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”[15]. Hiểu theo cách này, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và phi vật chất dùng để chỉ một trạng thái của con người. Quan điểm hạnh phúc của mỗi cá nhân là không giống nhau, nhưng đều có những điểm chung, và những điểm chung đó có thể tạo ra thang đo bằng điểm số giá trị của hạnh phúc, và từ đó có thể đặt ra đòi hỏi đo lường hạnh phúc bằng các chỉ số xã hội. Điều 28 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người UDHR (1948), Điều 2 Tuyên bố về phát triển và tiến bộ xã hội của Liên hợp quốc (1969) đã khẳng định, tiến bộ và phát triển xã hội phải dựa trên cơ sở tôn trọng phẩm giá và giá trị con người, và đảm bảo việc thúc đẩy các quyền con người và công bằng xã hội. Theo cách hiểu này, quyền con người có thể trở thành tiêu chí, thước đo hạnh phúc vì nó tạo cơ hội cho con người được tôn trọng và sống trong phẩm giá, đạt được sự công bằng. Ở nước ta, từ “hạnh phúc” được trang trọng đặt trong tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay thể hiện mục tiêu nhất quán mà người dân và Nhà nước Việt Nam mong muốn hướng tới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến thuật ngữ “hạnh phúc” và “chỉ số hạnh phúc”: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[16]. Chỉ số hạnh phúc là nghiên cứu định lượng của nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới với nhiều quan điểm và cách đo lường khác nhau: Chỉ số hạnh phúc hành tinh (Happy Planet Index - HPI) thuộc New Economics Foundation với cách tính toán tỉ lệ tuổi thọ trung bình và chỉ số hài lòng với cuộc sống với chỉ số dấu chân sinh thái hoặc theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report - WHR) của Mạng các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc với sự tính toán dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Đó là những cách đo lường hiện nay để nói về hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng chưa có một cách thức tính toán thống nhất được tất cả các quốc gia cùng thừa nhận trên toàn cầu về chỉ số này. Sự khác biệt về quan điểm và nhận thức về hạnh phúc sẽ đặt ra những thang đo lường khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn. Nhưng có lẽ điểm thống nhất trong quan điểm về chỉ số hạnh phúc để đo lường là đều hướng tới sự tôn trọng phẩm giá con người. Sự tranh luận có thể dừng ở đó với những quan niệm trái chiều, nhưng không thể phủ nhận, một cá nhân hạnh phúc không thể tách rời gia đình, cộng đồng, dân tộc và nhân loại. “Hạnh phúc” từ đó được đo lường trong sự kết hợp giữa giữa giá trị cá nhân với giá trị cộng đồng, giá trị quốc gia, giữa giá trị dân tộc với giá trị nhân loại. Và vì vậy, dù có tiêu chí khác nhau như thế nào thì chiến tranh, bạo lực, nghèo đói và thiếu một nền giáo dục là những yếu tố đầu tiên và cũng là cuối cùng làm con người không được “hạnh phúc”. Từ những luận điểm này, mỗi quốc gia có những con đường riêng để xây dựng và duy trì “hạnh phúc” của người dân trong quốc gia mình.
b) Mục tiêu và phương thức hướng tới hạnh phúc nhân dân trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội.
Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, thế giới đã từng có nhiều tranh luận về phát triển với những cách tiếp cận khác nhau: phát triển kinh tế có phải là mục tiêu duy nhất hay bên cạnh kinh tế còn cần nhiều yếu tố khác để con người được phát triển toàn diện, trong các tác phẩm của McKenzie (2004)[17], Sakamoto (2009)[18] Partridge (2005)[19] và Colantonio (2007)[20] hoặc Di Tella và MacCulloch (2014)[21] khi phân tích văn hóa xã hội, tín ngưỡng và kết quả hoạt động kinh tế.
Những tranh luận đó đã đặt ra yêu cầu cho mỗi quốc gia lựa chọn con đường phát triển của mình. Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Biểu ngữ ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” có lẽ cũng là một khía cạnh phát triển triết lý giá trị của quốc gia Việt Nam phồn thịnh, ở đó người đất nước tự chủ, người dân tự do và được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định rõ: “Chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ” [22]. Ông khẳng định, quan điểm phát triển của Việt Nam luôn gắn liền với hạnh phúc của nhân dân: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”[23]. Trong nhận định này, có thể nhìn thấy những đặc điểm quan trọng tạo ra chỉ số hạnh phúc: con người được sống trong phẩm giá- được bảo vệ quyền con người; con người được sống và bảo vệ bởi đạo đức- từ văn hoá và bản sắc dân tộc; con người được sống trong đầy đủ về kinh tế- gắn với môi trường tự nhiên trong lành và môi trường xã hội an toàn; con người được sống trong xã hội công bằng với chính quyền liêm chính và quyền lực chính trị thuộc về nhân dân.
Từ những luận điểm trên, theo quan điểm của người viết chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam có thể được dựa trên một số thành tố quan trọng sau: Độc lập, quyền con người, pháp quyền, đa dạng văn hoá, kinh tế bền vững (Independence, Human rights, the rule of law, cultural diversity, sustainable economy).
Việt Nam luôn ủng hộ hoà bình vì nhận thức được rõ sự mất mát sau những cuộc chiến tranh chống xâm lược. Chiến tranh mang đến mất mát về người và của cũng như những cơ hội để người dân được hưởng hạnh phúc, vì vậy, phương châm ngoại giao của Việt Nam là tôn trọng và kêu gọi hoà bình giữa các quốc gia dân tộc. Hoà bình và độc lập dân tộc là cơ sở quan trọng để hiện thực hoá các quyền con người trong thực tiễn. Chỉ số hạnh phúc có thể được đo lường thông qua việc thực hiện quyền con người, sức mạnh của pháp luật trong thực tiễn, sự phát triển về kinh tế và giữ gìn bản sắc của 54 dân tộc anh em và nền kinh tế công- nông nghiệp thân thiện môi trường và sự tin tưởng của người dân vào chính quyền nhà nước.
Có thể nhận định rằng, từ giá trị trừu tượng hạnh phúc có thể được cụ thể hoá thông qua việc đo lường giá trị thực tiễn của nó trong cuộc sống con người theo những chỉ báo khác nhau. Mỗi quốc gia có thể lựa chọn những cách thức riêng biệt để làm cho người dân của mình được hạnh phúc và Việt Nam lựa chọn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Có thể có những quan điểm đối lập, phản bác song không thể phủ nhận những thành tựu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện để người dân Việt Nam được thụ hưởng hạnh phúc trong hoà bình, an ninh trong suốt những năm qua. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế từ sai lầm của những cá nhân, tổ chức trong sự mâu thuẫn giữa việc nhìn nhận giá hạnh phúc cá nhân hạn hẹp của họ với hạnh phúc của cộng đồng. Trong thời gian vừa qua, người dân Việt Nam đã chứng kiến nhiều vụ tham nhũng lớn- đó là một trong những chỉ báo tạo ra tác động lớn đến chỉ số hạnh phúc của người dân theo cách thức tính toán WHR. Điều đó đặt ra những vấn đề cần tiếp tục sửa đổi trong mỗi cán bộ của Đảng, trong cán bộ công chức của cơ quan Nhà nước để tạo dựng niềm tin trong nhân dân, làm tăng giá trị hạnh phúc khi đo lường.
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Bài nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.117, 118.
[2] Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.12, tr.373.
[3] Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.8, tr.31.
[4] Bài nói tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.15, tr.224.
[5] Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.2, tr.475.
[6] Giấc ngủ mười năm, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.6, tr. 98, 99.
[7] Chương trình Việt Minh, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.3, tr.631.
[8] Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.364.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.241; tr.241
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.487
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.518
[12] Liên Xô vĩ đại, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.150.
[13] Học sinh và lao động, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.211, 212.
[15] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Hồng Đức , 2018, tr.533,534
[16] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.336
[17] Stephen McKenzie (2004), Social sustainability: towards some definitions, Tài liệu có tại: https://unisa.edu.au/SysSiteAssets/episerver-6-files/documents/eass/hri/working-papers/wp27.pdf. [Truy cập ngày 20/6/2022]
[18] Sakamoto, K., Onimaru, K., Munakata, K., Suda, N., Tamura, M., Ochi, H., and Tanaka, M. (2009) Heterochronic shift in Hox-mediated activation of sonic hedgehog leads to morphological changes during fin development. PLoS One. 4(4):e5121.
[19] Partridge, Emma (2005) ‘Social sustainability’: a useful theoretical framework?
Tài liệu có tại: http://cfsites1.uts.edu.au/find/isf/publications/partridge2005socialsustainability.pdf. [Truy cập ngày 20/6/2022]
[20] Dr Andrea Colantonio Oxford Brookes University, UK. Social sustainability: a review and critique of traditional versus emerging themes and assessment methods . Tài liệu có tại: https://www.sue-mot.org/conference-files/2009/restricted/papers/papers/Colantonio.pdf. [Truy cập ngày 20/6/2022]
[21]Rafael Di Tella and Robert MacCulloch, Culture, Beliefs and Economic Performance. Tài liệu có tại: file:///Users/macos/Downloads/SSRN-id2441766.pdf. [Truy cập ngày 20/6/2022]
[22] GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/ [Truy cập ngày 20/6/2022]
[23] GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-646305/ [Truy cập ngày 20/6/2022]