Bài viết nghiên cứu đặc điểm tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi và chỉ ra một số vấn đề thẩm phán cần lưu ý trong việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm tâm lý này, bài viết làm rõ những khó khăn, trở ngại ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào quá trình tố tụng tại tòa án của bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, đồng thời đề ra những giải pháp để khắc phục những khó khăn, trở ngại này của bị hại trong thực tiễn xét xử hiện nay.

Ảnh minh hoa. Nguồn: tapchitoaan.vn.

1. Đặt vấn đề

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “…Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (Điều 37).

Trên tinh thần thượng tôn Hiến pháp, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đường lối, chính sách và pháp luật thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến thế hệ trẻ nói chung và người chưa thành niên nói riêng trong mọi mặt của đời sống xã hội như kinh tế, văn hóa, giáo dục..., song bên cạnh đó tình trạng người dưới 16 tuổi là nạn nhân (bị hại) trong các vụ án liên quan đến hành vi xâm hại tình dục ở Việt Nam vẫn đang xảy ra và ngày càng diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) từ năm 2020 đến 2023, chỉ riêng ở các tỉnh Đồng bằng, Trung du Bắc bộ, Tòa án các cấp đã xét xử 1.568 vụ/1.670 bị cáo phạm các tội xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi[1].

Đứng trước tình trạng này, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo nội dung của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý khác nhau, trong đó có các quy định của pháp luật hình sự quy định về các tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cụ thể như Điều 142, 144, 145, 146, 147…, cũng như ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành việc áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án hình sự loại này được chính xác và công bằng như Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử cho thấy, trong các vụ án hình sự liên quan đến tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, vấn đề xét xử vụ án khi có sự tham gia của bị hại là người dưới 16 tuổi đang còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế trên thực tế, một trong những khó khăn, hạn chế đó là việc thẩm phán sử dụng các kiến thức chuyên môn về đặc điểm tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi còn chưa thành thạo hoặc chưa mang lại hiệu quả cao trong thực tế xét xử. Trong một số trường hợp còn có nguy cơ gây ra tâm lý tiêu cực, hoang mang, lo sợ, hoài nghi, thậm chí là xấu hổ cho bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục. Chính vì vậy, thông qua bài viết này tác giả muốn góp một phần nghiên cứu của bản thân về vấn đề đặc điểm tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục vào kho tàng lý luận chung về khoa học xét xử hiện nay ở Việt Nam.

2. Đặc điểm tâm lý bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục[2]

a) Tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi trong các vụ án hình sự liên quan đến xâm hại tình dục

Bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục là người đặc biệt dễ bị tổn thương về mặt tâm lý và có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần bởi các hành vi xâm hại tình dục. Người dưới 16 tuổi thường gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và thường thiếu sự chín chắn về mặt tâm lý để ứng phó với áp lực mang tính cảm xúc nảy sinh trong quá trình tham gia hoạt động điều tra và xét xử vụ án hình sự với tư cách là bị hại. Các phẩm chất, năng lực tâm lý cá nhân của người dưới 16 tuổi để ứng phó với việc bị xâm hại tình dục thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như: độ tuổi, sự phát triển về thể chất, quan hệ xã hội và trạng thái cảm xúc cá nhân của người dưới 16 tuổi; mức độ hỗ trợ, quan tâm và chăm sóc từ phía các thành viên trong gia đình đối với bị hại. Tác động tâm lý, ám ảnh của việc bị xâm hại tình dục đối với bị hại trở nên trầm trọng hơn đặc biệt là trong các trường hợp người xâm hại (người phạm tội) là người mà bị hại luôn gần gũi và tin tưởng hoặc là người mà bị hại bị phụ thuộc về các nhu cầu cơ bản (ăn, ở, đi lại…), thậm chí trong một số trường hợp bị hại còn phải chịu khủng hoảng ngiêm trọng về mặt tâm lý khi những người có trình độ, địa vị xã hội lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình đối với bị hại hoặc bằng các thủ đoạn khác nhau nhằm mục đích dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với bị hại là người dưới 16 tuổi. Từ khủng hoảng về mặt tâm lý này kéo theo một loạt các phản ứng dây chuyền mang tính tiêu cực về mặt cảm xúc mà bị hại là người dưới 16 tuổi phải trải qua, mà những phản ứng này (hay đặc điểm về mặt tâm lý cảm xúc) đòi hỏi Thẩm phán cần phải hiểu rõ, nắm được và vận dụng một cách linh hoạt vào quá trình xét xử vụ án. Những phản ứng hay đặc điểm tâm lý đó là:

Một là, cảm xúc bất lực, phụ thuộc vào người lớn của bị hại là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục thường xảy ra nhiều nhất trong mối quan hệ bị phụ thuộc, bị kiểm soát hoặc chi phối từ người phạm tội. Bản thân người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục thường là nữ (thậm chí hiện nay là có thể nam) có thân hình nhỏ bé, đa phần là người sống phụ thuộc vào gia đình, người trưởng thành. Do độ tuổi này đang trong quá trình phát triển về thể chất, hình thành nhân cách nên thường có sự non nớt về mặt tâm lý cảm xúc. Bên cạnh đó, với nền văn hóa Á Đông nên từ nhỏ người dưới 16 tuổi đã được dạy là phải tôn trọng người lớn tuổi, nghe lời và không được cãi lại hoặc hỏi lại người lớn (hay nói cách khác là phản biện lại). Bởi vì điều này, người dưới 16 tuổi có nguy cơ rất dễ bị xâm hại bởi người đã trưởng thành (thậm chí trong một số vụ án liên quan đến xâm phạm tình dục người dưới 16 tổi, người phạm tội là người thân trong gia đình như cha mẹ, anh, chị, bạn bè hoặc thầy, cô…).

Thông thường chúng ta hay mặc định là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục sẽ có hành động cầu cứu hoặc phản ánh lại ngay cho gia đình. Tuy nhiên, sự mặc định này thường phù hợp với các trường hợp mà người dưới 16 tuổi bị người không quen biết xâm hại tình dục chứ không phải là trong những trường hợp có sự phụ thuộc và bất lực của người dưới 16 tuổi trong mối quan hệ mang tính phụ thuộc hoặc thân thiết đối với người phạm tội.

Hai là, cảm xúc trung thành và gắn bó của bị hại là người dưới 16 tuổi. Hầu hết người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục mà người phạm tội lại chính là thành viên trong gia đình nên bị hại vẫn sẽ duy trì tâm lý trung thành và gắn  bó với gia đình. Người dưới 16 tuổi mặc dù bị xâm hại tình dục vẫn luôn mong muốn có được sự chấp thuận và nhận được tình cảm của gia đình và thường sẽ giữ im lặng vì sợ mất đi tình cảm từ phía gia đình. Ngoài ra, người dưới 16 tuổi thường có xu hướng mong muốn được gần gũi với gia đình cũng như hướng tới về sự an toàn của bản thân và gia đình, cho dù sự tổn thương về mặt tâm lý do bị xâm hại tình dục nghiêm trọng đến mức nào và nếu được lựa chọn, người dưới 16 tuổi thường vẫn muốn được ở lại với gia đình. Người phạm tội xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi, thường khai thác nhu cầu được yêu thương và gắn bó để “gây cảm tình” với bị hại nhằm mục đích thực hiện hành vi xâm hại tình dục thông qua việc xây dựng niềm tin đối với bị hại và tạo ra sự gắn bó với bị hại trước khi bắt đầu hành vi xâm hại tình dục. Ngay khi mối quan hệ đã có dấu hiệu của việc xâm hại tình dục, người dưới 16 tuổi cũng cảm thấy khó khăn về mặt tâm lý khi “phản bội” người mà bị hại đã yêu thương và phụ thuộc về mặt tình cảm.

Ba là, tâm lý tội lỗi và xấu hổ dẫn đến tức giận và bị phản bội dẫn đến trạng thái tự cô lập đối với môi trường xung quanh. Nhiều người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, không hiểu hành vi xâm hại tình dục đó là hành vi vi phạm pháp luật của người phạm tội mà nhiều bị hại lại tự đổ lỗi cho bản thân chứ và tự coi mình là một người “xấu” đáng bị xâm hại. Ví dụ, người dưới 16 tuổi bị xâm hại về tình dục có thể tin rằng bản thân mình đã có hành vi xấu hoặc tại bản thân không biết giữ gìn, quá gần gũi với người phạm tội nên chính bản thân mình đã tạo cơ hội cho người khác xâm hại tình dục và việc bị xâm hại tình dục là do chính bản thân mình tạo ra. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục thường bị người phạm tội cố tình tạo ra cảm xúc ngộ nhân là bản thân mình rất đáng yêu và cần phải có sự âu yếm, gần gủi về mặt thể xác. Người phạm tội thường sẽ khuyến khích người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục cảm thấy rằng việc bản thân bị xâm hại tình dục luôn là sự tự nguyện và mong muốn của chính bị hại. Điều này dẫn đến việc bị hại tự hạ thấp lòng tự trọng và quan niệm về bản thân. Thực tế trong nhiều trường hợp, người dưới 16 tuổi có tâm lý tức giận với người phạm tội và có hành vi chống lại những người khác mà bị hại cảm thấy không được bảo vệ từ những người này. Nếu bản thân người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục mà người phạm tội lại chính là thành viên trong gia đình, điều này thường đi kèm với tâm lý bị phản bội do chính người mà bị hại yêu thương và tin tưởng gây ra.

Nhiều trường hợp bị hại còn có tâm lý xấu hổ và tội lỗi khi tiếp xúc với những người khác. Nhu cầu phải giữ bí mật về việc bị xâm hại tình dục khiến họ tự cách ly khỏi môi trường xung quanh như cha mẹ, anh chị em và các thành viên khác trong gia đình hoặc bị hại có thể mang tâm lý lo sợ bị ghẻ lạnh hoặc tách biệt ra khỏi gia đình. Điều này thường biểu hiện trong các vấn đề cá nhân của bị hại như tâm lý hoài nghi, không tin tưởng vào người khác, kỹ năng xã hội kém hoặc miễn cưỡng khi nói về bản thân…

Bốn là, tự điều chỉnh tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục nhiều lần thường có xu hướng phát triển tâm lý bất lực, cho rằng bản thân bị mắc kẹt trong hoàn cảnh và chấp nhận hoàn cảnh của mình để tồn tại. Với mong muốn tự điều chỉnh tâm lý bản thân, người dưới 16 tuổi thường tự đưa ra một số chiến lược đối phó hoặc các biện pháp khác để đối phó với tình trạng bị xâm hại đang diễn ra, từ việc “đóng cửa” cảm xúc và cố gắng tỏ ra với những người xung quanh là bản thân không có chuyện gì xảy ra, cho đến xuất hiện tâm lý chạy trốn, tự tổn hại bản thân, lạm dụng chất gây nghiện và có hành động thiếu chuẩn mực đối với người khác. Một số bị hại tự “tách ra” hoặc tự loại bỏ chính mình trong tâm lý của bản thân khi việc xâm hại đang xảy ra - trong khi cơ thể bị hại đang bị hành hạ, thì tự đánh lừa tâm lý của mình là bản thân đã “trốn thoát” đến một nơi an toàn. Bị hại là nữ thường tự phản ứng bằng cách nội tâm hóa cảm xúc của họ thông qua việc thu mình lại, tự tổn hại bản thân, hoặc thực hiện các hành vi cực đoan như tự tử, bỏ trốn hoặc lạm dụng các chất gây nghiện hoặc đồ uống có cồn. Bị hại là nam lại thường thể hiện cảm giác bất lực và tức giận của mình thông qua các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng chất gây nghiện/đồ uống có cồn.

b) Một số vấn đề thẩm phán cần nghiên cứu về đặc điểm tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục

Người dưới 16 tuổi là bị hại của hành vi xâm hại tình dục, thường có cảm giác rất xấu hổ và tội lỗi. Thẩm phán cần hiểu rõ các phản ứng khác nhau (đặc điểm tâm lý) của bị hại là người  dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, bởi có rất nhiều ý kiến xoay quanh việc người bị xâm hại tình dục là người dưới 16 tuổi cần phải phản ứng và cư xử như thế nào? Do những phản ứng tâm lý phức tạp này, nhiều bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục đã phản ứng theo những cách tiêu cực như sau:

Một là, việc giữ bí mật về việc bị xâm hại của bị hại là người dưới 16 tuổi. Trái với mặc định thông thường rằng bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng thực tiễn nhiều bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục có xu hướng giữ bí mật về việc xâm hại tình dục trong nhiều năm. Có nhiều lý do giải thích việc bị hại giữ im lặng và không trình báo việc bị xâm hại tình dục hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ đó là: (i) Do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên bị hại không hiểu rằng hành vi xâm hại tình dục là sai trái hoặc bất thường; (ii) bản thân tự mình cảm thấy xấu hổ nên muốn giữ kín vấn đề; (iii) bị hại cho rằng chính mình đã tự gây ra việc xâm hại; luôn có tâm lý lo sợ hậu quả cho bản thân (ví dụ: bị tách khỏi gia đình); (iv) luôn có tấm lý lo sợ hậu quả cho gia đình (ví dụ: thủ phạm bị bắt giữ, cha mẹ ly hôn, các thành viên khác trong gia đình sẽ bị tổn thương); (v) luôn có tâm lý lo ngại rằng gia đình sẽ chối bỏ bị hại; (vi) sợ bị trừng phạt hoặc khiến bản thân hay người khác gặp rắc rối; (vii) tâm lý lo sợ người phạm tội và các mối đe dọa do người phạm tội gây ra; (viii) bị mua chuộc hoặc bi đe dọa; (ix) tâm lý lo sợ bị nghi ngờ là gian dối hoặc sẽ bị
đổ lỗi.

Hai là, việc khai báo một phần hoặc tiết lộ chi tiết vụn vặt, cắt bỏ hoặc thay đổi lời khai của bị hại là người dưới 16 tuổi. Đây cũng là vấn đề các Thẩm phán cũng cần hết sức lưu ý trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như tiến hành thẩm vấn tại phiên tòa bởi lẽ, khi người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục khi được yêu cầu trình báo sự việc hay tìm kiếm sự giúp đỡ, bị hại có thể không trình báo toàn bộ các chi tiết về việc bị xâm hại ngay cùng một lúc, ban đầu bị hại có thể khai báo một phần hoặc bỏ qua, cắt bớt đi những tình tiết đã xảy ra hoặc che giấu thông tin. Điều này là do tâm lý muốn che giấu, giữ bí mật có thể khá ăn sâu, hoặc do tâm lý của bị hại là không tin vào người lớn. Do vậy, có thể thấy có nhiều điểm khác biệt trong lời khai của bị hại giữa các buổi lấy lời khai khác nhau và bị hại thường sẽ không khai báo một cách đầy đủ với cơ quan, người tiến hành tố tụng trong buổi lấy lời khai đầu tiên. Bị hại bị xâm hại tình dục là người dưới 16 tuổi thường có xu hướng thay đổi lời khai của mình và phủ nhận việc tội phạm đã xảy ra, hoặc từ chối tham gia tố tụng sau lần khai báo ban đầu.

Ba là, tâm lý sợ hãi đối với thủ phạm hoặc lo sợ bị gia đình từ chối hoặc không được gia đình tin tưởng của bị hại là người dưới 16 tuổi. Do việc bị đe dọa một cách công khai hoặc không công khai đối với bị hại hoặc thành viên gia đình của bị hại. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại nhiều lần hoặc do người quen biết thực hiện việc xâm hại, có thể sẽ không tin vào cơ quan chức năng có thể bảo vệ được bị hại, đặc biệt là khi gia đình của bị hại đã không bảo vệ được mình. Ngoài ra, sự từ chối tới từ phía gia đình trong việc khai báo của bị hại còn làm gia tăng tâm lý bất lực, tuyệt vọng, tự cô lập và tự đổ lỗi cho bản thân của bị hại. Điều này có thể thúc đẩy bị hại thay đổi lời khai của mình để giành lại sự tin tưởng và sự chấp nhận của gia đình bị hại.

Bốn là, tâm lý tự cho rằng bản thân phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra hoặc bị chi phối từ phía gia đình hoặc môi trường xung quanh. Thông thường, việc bị hại trình báo về việc bị xâm hại tình dục sẽ gây ra một loạt các phản ứng từ bên ngoài mà người dưới 16 tuổi chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cảm xúc để đối mặt, đặc biệt là khi người phạm tội lại chính là cha mẹ, thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Sự việc đó có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình về hậu quả pháp lý trong tương lai có thể xảy ra. Bị hại có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những gián đoạn đột ngột trong cuộc sống gia đình và có thể dẫn đến tâm lý cho rằng, bị hại là người có lỗi vì hủy hoại gia đình. Trong một số trường hợp, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi gia đình hoặc môi trường xung quanh đổ lỗi cho bị hại vì đã mang đến hậu quả pháp lý bất lợi cho gia đình.

Năm là, tâm lý mâu thuẫn của bị hại là người dưới 16 tuổi trong cảm xúc đối với người phạm tội. Vì tâm lý mâu thuẫn của bị hại đối với người phạm tội, người dưới 16 tuổi thường hành động mang tính mâu thuẫn. Chúng ta thường mặc định cho rằng, bị hại sẽ có tâm lý căm ghét người phạm tội và tránh việc ở cạnh hay tiếp xúc với người phạm tội bất kể khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, đối với người dưới 16 tuổi, có nhiều cảm xúc phức tạp, đặc biệt nếu người phạm tội là thành viên trong gia đình, nếu việc xâm hại xảy ra liên tục và kéo dài hoặc nếu người phạm tội đã “tạo cảm tình” để bị hại tin rằng việc bị xâm hại là một cách thể hiện tình cảm hoặc một phần của mối quan hệ “đặc biệt” giữa bị hại và người phạm tội. Nhiều bị hại sẽ tiếp tục thân thiện hoặc tự nguyện dành thời gian với người đã xâm hại mình, và thậm chí có thể cảm thấy được bảo vệ hoặc che chở từ người phạm tội.

Khi giải quyết các vụ án liên quan đến bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục, Thẩm phán phải nhận thức được những tác động về mặt tâm lý của hành vi xâm hại tình dục đối với bị hại để tránh việc định tội danh và quyết định hình phạt dựa trên những giả thuyết không chính xác về hành vi ứng xử và tâm lý cá nhân của bị hại.

3. Những khó khăn, trở ngại ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào quá trình tố tụng tại tòa án của bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục và một số giải pháp

a) Những khó khăn, trở ngại

Mặc dù bị hại là người dưới 16 tuổi có khả năng đưa ra lời khai khi được hỏi một cách đúng cách, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp người dưới 16 tuổi gặp khó khăn khi tham gia tố tụng tại Tòa án do một số trở ngại như sau:[3]

Một là, trạng thái tâm lý căng thẳng đến từ tính trang nghiêm của thủ tục tố tụng tại tòa án. Người dưới 16 tuổi là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục thường bị căng thẳng có xu hướng hoạt động ở mức độ thấp hơn, điều này khiến bị hại khó khăn hơn trong việc suy nghĩ một cách rõ ràng, ghi nhớ và thể hiện bản thân. Dành thời gian để xây dựng mối quan hệ và tạo ra môi trường thân thiện với bị hại có thể giúp giảm bớt căng thẳng và cho phép bị hại đưa ra lời khai chính xác hơn. Tính trang nghiêm của phòng xử án có thể khiến người dưới 16 tuổi cảm thấy rất lo lắng và cản trở khả năng trả lời các câu hỏi của Thẩm phán. Ngoài ra, việc thẩm vấn tại Tòa án rất khác so với hình thức trò chuyện hàng ngày mà người dưới 16 tuổi đã quen và bị hại có thể thấy cách xét hỏi của Tòa án là rất phức tạp và mang tính “thù địch”.

Hai là, tâm lý ngượng ngùng hoặc xấu hổ của bị hại là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi có thể cảm thấy khó khăn khi phải nói trước đám đông, đặc biệt khi bị hại ở trong một môi trường nghiêm trang như phòng xử án và được yêu cầu nói về những gì đã xảy ra hay mang tính riêng tư của mình đặc biệt là phải nói đến những hành vi xâm hại tình dục mà bị hại phải trải qua. Người dưới 16 tuổi thường cảm thấy xấu hổ và khó chịu khi kể lại các chi tiết của việc bị xâm hại tình dục trong phòng xử án khi có mặt những người không quen biết.

Ba là, tâm lý sợ hãi của bị hại là người dưới 16 tuổi khi phải gặp bị cáo. Hầu hết, bị hại là người dưới 16 tuổi sẽ không quen với quá trình khai báo trước tòa. Việc không hiểu những gì mọi người mong đợi ở bị hại và lần đầu tiên đối mặt với môi trường phòng xử án trong ngày xét xử có thể khiến bị hại có tâm lý sợ hãi, lo lắng đồng thời làm suy yếu khả năng cung cấp chứng cứ của bị hại. Một phản ứng cũng hết sức tự nhiên đó là lo sợ phải nhìn thấy người đã xâm hại mình có thể khiến bị hại rất khổ tâm và thường góp phần khiến người chưa dưới 16 tuổi cảm thấy miễn cưỡng khi tham dự phiên tòa hoặc cản trở khả năng trả lời câu hỏi của Thẩm phán.

Bốn là, sự mất tập trung, tâm lý mệt mỏi của bị hại là người dưới 16 tuổi. Người dưới 16 tuổi thường mắc chứng rối loạn thiếu tập trung có thể dễ bị phân tâm và mất tập trung vào những gì đang nói. Trong phòng xử án, bị hại có thể dễ dàng bị phân tâm bởi những người ra, vào, hoặc di chuyển trên vị trí ghế ngồi
của họ.

Năm là, vấn đề giới tính, ngôn ngữ và văn hóa của bị hại là người dưới 16 tuổi. Bị hại là nữ dưới 16 tuổi có thể phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn trong việc tiếp cận tư pháp và đưa ra lời khai một cách chính xác. Do các chuẩn mực xã hội về vai trò của giới và sự khác biệt trong cách nuôi dạy giữa con trai và con gái, bị hại là nữ có thể thiếu tự tin để thể hiện bản thân trước Tòa án. Một số bị hại là nữ cũng có thể cảm thấy không thoải mái khi bị Thẩm phán hoặc luật sư là nam giới đặt câu hỏi trước Tòa án. Người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục là người dân tộc thiểu số hoặc những người không nói ngôn ngữ được sử dụng tại Tòa án phải đối mặt thêm với các rào cản trong việc cung cấp chứng cứ. Văn hóa của bị hại cũng có thể tác động đến sự tự tin của họ trong môi trường trang nghiêm và cách giao tiếp trong phòng xử án.

b) Những giải pháp để khắc phục những khó khăn, trở ngại của bị hại là người dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục khi tham gia vào quá trình tố tụng tại Tòa án.

Để giúp cho người bị hại là người dưới 16 tuổi khắc phục được những khó khăn, trở ngại như đã nêu trên, các Thẩm phán cần hết sức chú ý đến những vấn đề sau: (i) Cần có sự phối hợp liên hệ với nhân viên xã hội đảm bảo rằng bị hại sẽ được đến thăm quan Tòa án trước ngày xét xử, nhằm tạo cơ hội dành thời gian để xây dựng mối quan hệ với bị hại; (ii) Thay đổi môi trường phòng xử án để trở nên thân thiện với bị hại hơn; điều chỉnh giọng điệu và phong cách thẩm vấn; sử dụng ngôn ngữ cơ thể mở; (iii) Xây dựng quan hệ; thân thiện và khích lệ; đảm bảo bị hại có cha mẹ hoặc người hỗ trợ để giúp cho bị hại tự tin khi tham gia phiên tòa; (iv) Cam đoan với bị hại rằng quyền riêng tư sẽ được bảo vệ; (v) Sắp xếp cho bị hại tham gia vào việc chuẩn bị xét xử trước phiên tòa để bị hại hiểu được những gì sẽ diễn ra và được đến thăm quan phòng xử án; (vi) Sắp xếp thời gian làm việc cho bị hại, ưu tiên lấy lời khai của bị hại/người làm chứng chưa thành niên để giảm thiểu thời gian chờ đợi của bị hại tại tòa; (vii) Giải quyết vụ án thật nhanh để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bị hại, bảo đảm bị hại được hỗ trợ bởi nhân viên hoặc cộng tác viên xã hội trước và sau phiên tòa, kiên nhẫn và thấu hiểu bị hại; (viii) Đồng cảm với những nhu cầu đặc biệt của bị hại là nữ bị xâm hại tình dục; (ix) Chỉ định phiên dịch viên chất lượng và bảo đảm họ diễn giải chính xác những gì bị hại nói, lưu ý đến những khác biệt về văn hóa. Ngoài ra trong việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục có sự tham gia của bị hại là người dưới 16 tuổi, Thẩm phán cần phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định tại Điều 18 và Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 đó là: (i) Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp , bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; (ii) Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi; (iii) Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh  nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; (iv) Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi; (v) Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi; (vi) Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; (vii) Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.

4. Kết luận

Như vậy, nghiên cứu đặc điểm tâm lý của bị hại là người dưới 16 tuổi và vận dụng được những đặc điểm tâm lý này vào thực tiễn tư pháp là vấn đề cấp thiết và quan trọng mà Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng khác cần phải lưu ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi trong bối cảnh cải cách tư pháp pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phạm Vũ Minh Trang

Thẩm phán Tòa án nhân dân Thành phố Bắc Ninh,

Nghiên cứu sinh Khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam


[1] Tòa án nhân dân tối cao (2020, 2021, 2022, 2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của các Tòa án. https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND319504

[2] Nội dung mục 1 được tác giả tham khảo, kế thừa, cập nhật từ nội dung trong tài liệu Tập huấn nâng cao cho thẩm phán tham gia xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên: Cẩm nang dành cho học viêncủa UNICEF, 2022, tr.05-18.

[3] Tài liệu “Tập huấn nâng cao cho thẩm phán tham gia xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người  chưa thành niên: Cẩm nang dành cho học viên” của UNICEF, 2022.