Duyên hải miền Trung, địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “mặt tiền của đất nước”, “khúc ruột” của Tổ quốc, "cửa ngõ"  ra biển cả. Phát triển vùng duyên hải miền Trung nhanh, bền vững là chủ trương, nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Để thực hiện nhiệm vụ đó, việc bảo đảm quyền học tập của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết làm rõ thực trạng việc bảo đảm quyền học tập theo tinh thần Đại hội XIII từ thực tiễn vùng duyên hải miền Trung, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Toàn cảnh Đại hội Đảng lần thứ XIII

1. Nội dung về quyền học tập trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Quyền học tập là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Được hưởng thụ quyền học tập sẽ giúp cho con người phát triển đầy đủ nhân cách, trí tuệ, tài năng, thay đổi cuộc sống của mình và thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt quan tâm đến quyền học tập; khẳng định “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”1; “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”2. Nhất quán quan điểm coi giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, trong giai đoạn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”3; “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”4 trong đó có quyền học tập; “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT”5;... Những nhiệm vụ cụ thể được xác định nhằm bảo đảm quyền học tập như: tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT; chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn6; sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng, có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới7;...

2. Thực trạng bảo đảm quyền học tập theo tinh thần Đại hội XIII từ thực tiễn vùng duyên hải miền Trung

Vùng duyên hải miền Trung là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, bao gồm 14 tỉnh, thành phố giáp biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam; diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm khoảng 28,9% diện tích của cả nước, có bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km). Đây cũng là vùng có nguồn lực to lớn về con người với dân số khoảng 20,34 triệu người, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau vùng đồng bằng Sông Hồng, trong đó có khoảng 50 dân tộc cùng sinh sống (chiếm 22,2% tổng số dân tộc thiểu số trong cả nước). Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế mà các vùng miền khác không có được (địa hình đa dạng vừa có miền biển, miền núi, vừa có hải đảo, vùng sâu vùng xa, đồng bằng, các đô thị lớn) nhưng cũng là vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt, thiên tai thường xuyên xảy ra gây ra nhiều bất lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quyền học tập của người dân. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của quyền học tập, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII về GD&ĐT, về quyền học tập, bằng những chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, cùng với sự nỗ lực tự thân của vùng, thời gian qua mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng giáo dục vùng duyên hải miền Trung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quyền học tập của người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

a) Những kết quả đạt được

Các địa phương vùng duyên hải miền Trung đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Một số địa phương đã ban hành chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục, từng bước bảo đảm tốt hơn quyền học tập cho người dân. Theo số liệu thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GD&ĐT tại khu vực tăng dần qua các năm. Trong đó, tổng chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 83,1% và tổng chi đầu tư chiếm 10,6% tổng chi ngân sách của vùng dành cho GD&ĐT8.

Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong vùng thời gian qua đã giúp giảm các trường học có quy mô nhỏ và các điểm trường lẻ. Quy mô và hệ thống mạng lưới trường, lớp các cấp học được cũng cố, đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho trẻ trong độ tuổi giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều được đi học và đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; có 138.270 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, có 117.397 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ kiên cố hóa 84,9%9. Cơ sở vật chất, , thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa.

Để bảo đảm quyền học tập của người dân theo tinh thần đại hội XIII, công tác huy động trẻ đến trường và học sinh nhập học đúng độ tuổi được các địa phương đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm cao cùng với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học của vùng trong những năm qua đều gia tăng, tương đương so với mức bình quân chung cả nước. Toàn vùng có 13/14 tỉnh, thành phố duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% các tỉnh duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 41,5% tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở có chiều hướng gia tăng và cao hơn bình quân cả nước. Chất lượng GD&ĐT từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, bảo đảm quyền học tập cho người dân. Năm học 2021-2022, toàn vùng có 258.255 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 12.598 giáo viên so với năm học 2010 - 2011). Tổng số giảng viên của vùng là 10.080 giảng viên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn có ý thức tự đào tạo và thường xuyên được đào tao, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy, học, bảo đảm quyền học tập của người dân theo tinh thần Đại hội XIII, vùng duyên hải miền Trung chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học trong vùng tăng dần hằng năm và cao hơn so với bình quân của cả nước. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của vùng là 55,04% (tăng 37% so với năm học 2010 - 2011), cao hơn 3,12% so với bình quân cả nước và đứng ba trong sáu vùng kinh tế - xã hội, sau vùng đồng bằng Sông Hồng (65,47%) và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (57,97%). Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 75,27% (cao hơn 7,16% so với bình quân cả nước). Giáo dục mũi nhọn ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn vùng hiện có 17 trường chuyên và 1 khối trung học phổ thông chuyên. Hệ thống trường chuyên đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tính trong giai đoạn 2013 -2023, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia của vùng là 5.645 học sinh (đạt 53,3% tổng số thí sinh tham dự, chiếm 23,3% tổng số giải trong cả nước) và 84 giải tại Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (chiếm 23,3% tổng số giải của cả nước).

Việc bảo đảm quyền học tập theo tinh thần đại hội XIII từ thực tiễn vùng duyên hải miền Trung còn được thể hiện ở nội dung các địa phương chú trọng phát triển giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học. Quy mô đào tạo đại học và sau đại học ổn định và tăng dần qua các năm. Toàn vùng hiện có 44 cơ sở giáo dục đại học với 28 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT và chuẩn kiểm định quốc tế. Bình quân hằng năm, có hơn 31.000 sinh viên và hơn 2.400 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Quy mô đào tạo đại học và sau đại học ổn định và tăng dần qua các năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác xóa mù chữ, bảo đảm quyền học tập của người dân, các địa phương trong vùng đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, nhất là ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác. Đến nay, tất cả các đơn vị cấp tỉnh, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 57,1% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 chiếm tỷ lệ 98,54% (cao hơn 0,45% so với bình quân cả nước và đứng thứ hai cả nước).

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục góp phần bảo đảm quyền học tập. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh, đều khắp các địa phương, thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần bảo đảm quyền học tập của người dân.

Với sự quan tâm, thúc đẩy, bảo đảm đảm quyền học tập theo tinh thần Đại hội XIII, thời gian qua chất lượng lao động của vùng duyên hải miền Trung ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ của vùng năm 2021 đạt 25,8% (xếp thứ 3 cả nước sau đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ). Trong đó, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực kinh tế biển được đào tạo các trình độ đạt khoảng 68% (tăng 39,6% so với năm 2010) cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

b) Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc bảo đảm quyền học tập theo tinh thần Đại hội XIII từ thực tiễn vùng duyên hải miền Trung vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cụ thể như:

Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế. Hiện nay, vùng duyên hải miền Trung vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa, thiếu thốn về cơ sở vật chất, gây khó khăn cho việc đến trường của học sinh, khó khăn cho công tác quản lý, bố trí giáo viên, nhân viên và tổ chức các hoạt động chung. Vẫn còn hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2021 - 2022 toàn vùng còn 1.036 phòng học nhờ, mượn (chiếm 17,4% tổng số phòng học nhờ, mượn trên cả nước), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học. Các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa, tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa của vùng đang thấp hơn 0,5% so với trung bình cả nước và tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đạt thấp hơn 0,1% so với trung bình cả nước.

Nhiều chỉ số phát triển giáo dục của vùng còn thấp hơn mức trung bình của cả nước ảnh hường đến việc bảo đảm quyền học tập của người dân: tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và trẻ 5 tuổi đều thấp hơn so với bình quân của cả nước và không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường của vùng thấp nhất cả nước. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường toàn vùng đạt 62,2% (thấp hơn 3,9% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường mới đạt 98,8%, thấp hơn 0,6% so với bình quân chung và là vùng có tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi thấp nhất cả nước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục các cấp học đều thấp hơn bình quân của cả nước (Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học là 95,39% (thấp hơn 0,9% so với bình quân cả nước); hoàn thành chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở là 98,29% (thấp hơn 0,11% so với bình quân cả nước); hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông là 97,56% (thấp hơn 0,84% so với bình quân cả nước)). Tỷ lệ lao động có bằng cấp thấp hơn 0,3% so với mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên/lớp các cấp học trong vùng đều thấp hơn định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu tại các địa phương, trường học.

Việc đảm bảo quyền học tập, bảo đảm sự công bằng trong học tập cho nhóm đặc biệt, yếu thế vẫn còn hạn chế, đặt ra nhiều thách thức. Hơn một nửa các tỉnh vùng duyên hải miền Trung vẫn chưa có trường hoặc trung tâm giáo dục đặc biệt, chưa có trường dành riêng cho đối tượng khuyết tật. Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và giữa các cơ sở giáo dục khu vực thành thị với khu vực nông thôn và miền núi ảnh hưởng đến quyền học tập của người dân. Mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn có khoảng cách đáng kể với các dân tộc đa số khác; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ vẫn còn khá lớn; tỷ lệ người có trình độ học vấn cao còn thấp,...

Là vùng có diện tích lớn, dân số đông so với cả nước nhưng quy mô đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương, lợi thế của vùng. Còn thiếu tính liên thông giữa các trình độ và các phương thức đào tạo. Tiềm năng nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học chưa được phát huy triệt để. Hiện nay, duyên hải miền Trung vẫn đang là vùng có tỷ lệ người học đại học thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội,...

c) Nguyên nhân của khó khăn, thách thức

Nguyên nhân của những khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền học tập theo tinh thần Đại hội XIII từ thực tiễn vùng duyên hải miền Trung có thể kể đến như: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên nhiều địa phương vùng duyên hải miền Trung không thuận lợi gây ra nhiều khó khăn trong việc bảo đảm quyền học tập của người dân; điều kiện kinh tế vùng còn nhiều khó khăn; ngân sách dành cho việc bảo đảm quyền học tập của người dân chưa đáp ứng nhu cầu; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, ý nghĩa của việc bảo đảm quyền học tập; điều kiện kinh tế và nhận thức về quyền học tập của một bộ phận đồng bào chưa cao; đồng bào dân tộc thiểu số nhiều người chưa sử dụng tốt tiếng phổ thông dẫn đến những hạn chế tiếp thu kiến thức trong học tập; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển GD&ĐT, bảo đảm quyền học tập cho một số nhóm đặc biệt, yếu thế;...

3. Giải pháp bảo đảm quyền học tập cho người dân vùng duyên hải miền Trung theo tinh thần Đại hội XIII

Để bảo đảm tốt hơn quyền học tập của người dân vùng duyên hải miền Trung theo tinh thần Đại hội XIII cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT, bảo đảm quyền học tập cho người dân. Mặt khác, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển giáo dục, bảo đảm quyền học tập cho người dân vùng duyên hải miền Trung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và những đặc điểm riêng có của vùng. Vùng duyên hải miền Trung với đặc thù vừa có miền biển, miền núi, vừa có hải đảo, vùng sâu vùng xa, đồng bằng, các đô thị lớn,... Với sự đa dạng đó, thì việc tổ chức GD&ĐT, bảo đảm quyền học tập cho người dân cần phải tính đến yếu tố đa dạng tương ứng: tập trung phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển và vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng mạng lưới cơ sở GD&ĐT khoa học, hợp lý, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của từng địa phương; có cơ chế, chính sách đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các đối tượng thụ hưởng quyền học tập; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho các em khi học tập, tiếp thu kiến thức bằng tiếng phổ thông; khắc phục, loại bỏ những hủ tục lạc hậu không để trở thành các rào cản ngăn bước trẻ em đến trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trong dạy học;...

Hai là, tăng cường và da dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về quyền và nghĩa vụ học tập của người dân cho các chủ thể trong xã hội để mọi người có ý thức và chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập. Hoạt động này còn có tác động thúc đẩy các phong trào, hoạt động của cộng đồng xã hội trong việc ủng hộ, giúp đỡ thiết thực thúc đẩy phát triển GD&ĐT, bảo đảm quyền học tập cho người dân nói chung, đặc biệt là phát triển GD&ĐT vùng miền núi, ven biển, hải đảo, vùng khó khăn, bảo đảm quyền học tập cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội.

Ba là, chú trọng quy hoạch, bố trí, đào tạo đội ngũ giáo viên và các bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có đạo đức phẩm chất trong sáng. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi và tâm huyết cống hiến về vùng duyên hải miền Trung công tác, hoặc về địa bàn khó khăn của vùng công tác trong thời gian phù hợp nhằm thúc đẩy phong trào, tạo sức lan tỏa, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên khác, nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm bảo đảm tốt hơn quyền học tập cho người dân địa bàn.

Bốn là, tăng cường hợp tác, kết nối và liên kết vùng, tiểu vùng, hợp tác quốc tế nhằm phát triển GD&ĐT, bảo đảm tốt hơn quyền học tập của người dân. Cần tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới thu hút nguồn nhân lực của vùng, của cả nước và bạn bè trên thế giới đến học tập và cống hiến.

Bảo đảm quyền học tập cho người dân vùng duyên hải miền Trung theo tinh thần Đại hội XIII cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong nhóm các giải pháp tác giả đã xây dựng nhiều nội dung cụ thể để có thể định hướng cho các hoạt động thực hiện. Đây là những giải pháp chủ yếu, có tính khả thi vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hệ thống và đặt trong tính chỉnh thể sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy GD&ĐT phát triển, đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, bảo đảm tốt hơn quyền học tập cho người dân vùng duyên hải miền Trung./.

TS. Đào Thị Tùng

Học viện Chính trị Khu vực III

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 43 (12/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Điều 39, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013), Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 14/1/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa IX) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH, trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, Hà Nội.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd,  tr. 175

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd,  tr. 232

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.136-140

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tr.233

(8) PV (2023), Nâng chỉ số giáo dục đào tạo Bắc Trung bộ - duyên hải Trung bộ, xem https://dangcongsan.vn/giao-duc/tao-dot-pha-cho-giao-duc-dao-tao-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-641828.html

(9) Các số liệu trong bài viết được sử dụng từ Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tổ chức tại Quảng Trị ngày 14/7/2023.