Bài viết này sẽ tập trung phân tích các tư tưởng về quyền con người trong thời kỳ cổ đại, với trọng tâm là triết học Hy Lạp, đồng thời làm rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận của các triết gia tiêu biểu như Socrates, Plato, Aristotle, Epicurus …. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được nền tảng triết học sơ khai cho khái niệm quyền con người và ảnh hưởng của chúng đến các thời kỳ sau.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
(Tiếp theo và hết)
d) Socrates (khoảng 470-399 TCN)
- Nhắc tới Socrates, không thể không nhắc tới quyền truy cầu tri thức, truy cầu chân lý. Sống trong thời kỳ tự do học thuật, ông thường ra đường diễn thuýet và tranh luận. Câu nói nổi tiếng của Socrates “Người ta coi tôi có học vấn nhất Aten vì tôi là người duy nhất ở Aten biết rõ mình chẳng biết gì cả”. Ông là người đầu tiên hiểu rằng, triết học là sự nhân thức của con người về bản thân mình. Luận điểm “con người, hãy nhận thức chính mình” trở thành câu nói của miệng trong các buổi đàm thoại của ông. Nhờ có năng lực tự ý thức mà con người có thể tự thể nghiệm mình bằng cách suy xét mọi thứ bên ngoài. Quá trình đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đặt ra từ sự suy xét chính là thực chất cuộc sống của tâm hồn. Vì thế, “theiéu sự thể nghiệm thì cuộc sống không còn là cuộc sống dành cho con người”[1]. Cũng chính vì lẽ đó, Socrates đặc biệt đề cao vai trò của tri thức, coi tri thức là nền tảng của đạo đức bởi nó giúp con người sống hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Socrates tin rằng mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ và theo đuổi tri thức. Ông khuyến khích người khác đặt câu hỏi và tự tìm hiểu chân lý, thay vì chấp nhận những quan điểm có sẵn một cách mù quáng. Đây có thể được coi là nền tảng của quyền tự do ngôn luận và tư tưởng.
- Quan niệm quyền tự chủ của Socrates, với xuất phát lý luận có điểm giống với con người lý tính trong quan niệm của Immanuel Kant, một nhà triết học cổ điển Đức thời cận đại. Theo Socrates, năng lực cơ bản của tâm hồn là lý tính, khả năng tư duy và suy luận có logic. Đối lập với lý tính là cảm xúc, dục vọng được sinh ra từ cơ thể và được kích thích bởi các yếu tố bên ngoài. Cảm xúc, dục vọng lfa sự mong muốn, khát khao, lôi kéo con người, chúng thúc đẩy những ham muốn hành vi vô độ, sự thái quá và thường xuyên đe dọa phá vỡ trạng thái cân bằng của tâm hồn. Lý tính là cội nguồn của sự tự chủ, thông qua đó con người thực hiện quyền lực của lý tính trước những bùng nổ tự phát của cuộc sống. Khi con người tự chủ trước cuộc sống thì con người sẽ tự do.
-Quan niệm về tự do: Socrates coi tự do là tài sản tuyệt mỹ và lớn nhất đối với con người; hành động tự do là hành động một cahcs hợp lý và tốt nhất. Xuất phát từ bản chất con người là lý tính, ông qua niệm “nô lệ của những khoái cảm, dục vọng sẽ đưa cả cơ thể và tâm hồn tới sự nhục nhã”, ông cho rằng người tự do là người biết cahcs điều khiển và hạn chế dụng vọng. Một con người trở thành nô lệ của những khoái cảm, dục vọng, đam mê, thói hám tiền… thì không thể có tự do. Tuy nhiên, ông không phải là người theo chủ nghĩa khắc kỷ nghiệt ngã mà chủ trương hạn chế dục vọng thông qua lý tính để con người không đánh mất tâm hôn và đến với tự do. Theo ông, tự do là kỹ năng điều khiển bản thân mình, làm cho lý tính luôn là chủ nhân của thể xác. Vì vậy, anh hùng không phải là người chiến thắng kẻ thủ bên ngoài mà là người chiến thắng kẻ thù bên trọng.
-Trong mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, ông cho rằng, nhà nước nếu đưcọ tổ chức tốt sẽ ảo đảm cho mọi công dân những lợi ích to lớn.
-Trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, ông cho rằng, nghĩa vụ là luật mà con người có lý tính cần phải tuân theo trong cuộc sống. Người hiểu luật là người hiểu được mối quan hệ giữa phúc lợi với đức hạnh và nghĩa vụ. Nội dung cơ bản của nghĩa vụ là tránh những điều xấu xa và hướng về những gì tốt đẹp. Trong Socrates, khi ncon người nhân jthức được một cahcs logci về phúc lợi, đức hạnh và nghĩa vụ thì con người sẽ không còn làm điều ác và sẽ hướng tới một cuộc sống đạo đức.
- Socrates đề cao ba loại đức hạnh cơ bản là sự tự chủ, dũng cảm và sự công bằng, trong đó sự tự chủ là cơ sở của mọi đức hạnh khác, mà thiếu nó thì con người không thể sống và làm việc được.
- Socrates chủ trương phi bạo lực. Ông khẳng định sự vô dụng của bạo lực, mà coi trọng việc thuyết phục trong giáo dục con người. Điều này giống với tư tưởng của Không Tử, Mặc Tử. Theo ông, “người nào bị cưỡng chế bằng sức mạnh thì người đó sẽ có lòng căm thù như nó đã bị tước mất một cái gì đó, còn người nào được sự thuyết phục tác động thì lòng yêu thương dường như giúp đỡ một cái gì đó”.
e) Platon (khoảng 427-247 TCN):
-Quyền giáo dục: với sự chú trọng, đề cao tri thức cũng giống như Socrates. Nhưng Platon còn ở mức độ cao hơn và thực tiễn hơn. Thứ nhất, ông cho rằng, người trị vì đất nước cần hiểu triết học, cần là nhà triết học ưu tú nhất dùng cái thiện để cai trị đất nước, cái thiện ở đây giống như vầng thái dương, là sức mạnh sáng tạo và thúc đẩy mọi thứ. Đồng thời Palton cũng là người sáng lập ra Academia -trường học đầu tiên trong lịch sử phương Tây, cũng là trường đại học học đầu tiên trên thế giới, và nó tồn tại trong gần 1000 năm như là một trung tâm học tập cao cấp (cho tới khi hoàng đế La mã Justinnia đóng cửa năm 529 TCN)[2]. Theo ông, chỉ có những nhà triết học mới có phương pháp hiệu quả cùng khả năng chiến thắng dược những dục vọng thấp hèn trong cơ thể và do đó, mới có khả năng vươn đến đỉnh cao của quá trình nhận thức.
- Sự bình đẳng. Là một nhà triết học duy tâm khách quan, Platon gắn nguồn gốc con người với linh hồn. Theo ông, trong mỗi người, ba bộ phận của linh hồn đã bẩm sinh (lý tính, xúc cẩm và cảm tính) chiếm ưu thế khác nhau. Tương ứng với ban phần của linh hồn, ông chi làm ba hạng người, tùy theo bộ phận linh hồn nào đóng vai trò chủ đạo. Trong linh hồn người nào mà lý tính đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của họ thì họ sẽ hướng tới cảm thụ cái đẹp,khát vọng vươn tới phúc lợi tối cao , tới sự thật và công lý; đó là người biết kiềm chế, ôn hòa; họ có thể đảm nhận được vai trò lãnh đạo, trị vì xã hội trong nhà nước lý tưởng. Đây chính là nhà triết học-nhà thông thái. Những người nào linh hồn tràn đầy xúc cảm gan dạ và dũng cảm, biết quy phục các khát vọng cảm tính đối vưới lý trí, với nghĩa vụ thì đó sẽ là những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho nhà nước lý tưởng. Còn những người thuộc tần lớp nông dân, thợ thủ công – họ là những người về cơ bản khong đi xa hơn những khát vọng cảm tính; họ thường khỏe mạnh, thích nghi với lao động chân tay bởi ngay từ khi sinh ra đã gần gũi với các sự vật cảm tính; nhiệm vụ chủ yếu của họ là làm ra của cải vật chất, đảm bảo cho cuộc sống lý tưởng. Thực ra, với quan điểm này, Platon lại thể hiện sự cứng nhắc, mặc dù xuất phát từ quan hệ giữa yếu tố linh hồn và thể xác, Platon cho rằng linh hồn từ khi hòa vào thể xác mới tới khi thể xác đó chết đi, thì linh hồn vẫn không biến đổi (vì linh hồn là bất tử), nên việc nhìn nhận sự thay đổi về cá tính, tư duy của con người đối với Platon còn cứng nhắc. Việc phân ra ba hạng người, gắn với ba chức năng xã hội như vậy, cũng phần nào còn thể hiên jtư tưởng phân biệt đẳng cấp, chưa vượt ra được bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Cũng chính vì vậy, ông cho rằng trong xã hội cần duy trì các hạng người khác nhau, và do đó không thể có sự hoàn toàn bình đẳng giữa mọi người. Theo khía cạnh này, cong lý trong xã hội là ở chỗ, mỗi hạng người làm hết trách nhiệm của mình, sống đnugs với địa cị của tầng lớp mình. Và đó cũng là mục đihcs tồn tại của họ.
Đến đây, có thể nhận thấy nhiều sự tương đồng với học thuyết của Nho gia khi chia trong xã hội thành những hạng người, gán cho mỗi hạng người những bản tính riêng và không thay đổi, cũng như cho rằng mỗi người có một sứ mệnh (thiên mệnh) riêng cho mình từ khi sinh ra, và họ phải sống đúng thiên mệnh đó.
-Về mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, theo Platon, con người chỉ có thể hoàn thiện nhân cách trong một nhà nước lý tưởng, nhà nước được tổ chức hợp lý. Song về thực chất, trong cách nhìn của Platon, con người phải hoàn toàn phục tùng nhà nước, tự do các nhân chỉ được thừa nhận trong chừng mực nó là cần thiết cho nhà nước mà thôi.
-Về Đức hạnh, ông khẳng định sự chính nghĩa là đức hạnh cao nhất, cơ bản nhất của con người. Platon nói “Đương nhiên, sống là ngọt ngào”. Nhưng con người thật sự dũng cảm không hợp với sự quan tâm như vậy, nó không cần phải suy nghĩ làm sao để sống lâu hơn, không cần phải bám lấy sự sống, mà cần phải tìm kiếm phương thức trải qua những ngày tháng trước mắt một cách xứng đáng nhất”[3]. Cách quan niệm này giống với cách quan niệm “cuộc đời con người sống quý nhất là phải sống xứng đáng, sống có ích cho xã hội…..”. Có thể coi quan niệm đức hạnh của Platon cũng giống như quan niệm về phẩm giá, một trong những thành tố cốt lõi của quyền con người vậy.
- Về công lý: Ông đã thể hiện quan điểm của mình về công lý trong một số đoạn trích trong tác phẩm Luật pháp, được bàn dưới dạng một số đoạn hội thoại trong cả tác phẩm. khi nói về pháp luật, Platon nhấn mạnh đến luật tự nhiên. Nhưng luật tự nhiên của Platon là luật do Ngài – Thượng đế xếp đặt. Và do vậy, việc thi hành công lý cũng là do Ngài – Thượng đế thực hiện. Theo đó, công lý với nghĩa trừng phạt những kẻ vi phạm luật tự nhiên cũng mang tính tự nhiên. Ở đây, Platon nhắc đến sự “thuận nhận” hay “tâm phục khẩu phục” cũng mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho công lý. Tức là kẻ làm sai cũng nhận thấy cái sai của mình và vui vẻ, chấp thuận mà đồng ý với biện pháp trừng phạt áp dụng đối với mình. Đây là sự khác nhau giữa “trừng phạt” theo nghĩa thông thường và “trừng phạt” của “công lý tự nhiên”. Kẻ làm sai nếu bị trừng phạt theo nghĩa thông thường có thể không “thuận nhận”.
Platon cho rằng, thi hành công lý khác với trừng phạt, về cả mục đích lẫn bản chất. Thi hành công lý có nghĩa là đem lại sự công bằng cho cái bị xâm phạm nhưng hoàn toàn không có sự cưỡng bức, áp chế đối với kẻ làm sai. Bởi khi nhận ra cái sai của mình, thì kẻ làm sai sẽ “thuận nhận”, tức là chấp nhận, thuận theo công lý. Còn trừng phạt là hành vi mang tính cá nhân, trả thù, mang lại sự đau khổ cho kẻ làm sai. Ông nói:
“Kẻ nhập vào bè xấu phải làm và chịu đựng những cái mà những kẻ theo bản chất ấy thường nói và làm đối với nhau, cái đau khổ không phải là công lý nhưng là sự trừng phạt; vì công lý và sự ngay thẳng thì cao quý, còn trừng phạt là sự đau khổ đi liền với sự bất chính”[4]
Theo Platon, công lý là sự công bằng trong hai mối quan hệ: giữa hành vi vi phạm với mức độ của sự trừng phạt, và công bằng giữa tất cả mọi người. Ông nói: “kẻ nào bất tuân dù ngay cả với viên chức bảo vệ luật pháp, cũng phải bị trừng trị bằng một hình phạt thích đáng”. Tuy chỉ thể hiện qua một số đoạn hội thoại ngắn, nhưng có thể nhận thấy tư tưởng của Platon có những điểm gần với các quan điểm hiện đại về vấn đề công lý. Đó là sự gắn bó chặt chẽ nhưng không đồng nhất giữa công lý với luật pháp, là việc xét xử công minh, và không có sự thiên vị dành cho bất kỳ cá nhân nào trong xã hội, dù là người dân hay là viên chức bảo vệ pháp luật. .
f) Aristotle (384-322 TCN)
Được coi là bộ bách khoa toàn thư, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất thời cổ đại Hy Lạp. Ông là người học trò của Platon và được Platon đánh giá rất cao. Tư tưởng trong các tác phẩm của ông hầu như đề cập đơi smọi lĩnh vực, trong đó vấn đề về con người là một trong những nội dung quan trọng.
-Cũng giống như Platon, Aristotle đề cao lý tính. Theo ông, tồn tại 3 dạng linh hồn: Linh hồn thực vật, linh hồn động và linh hồn lý tính, trong đó linh hồn lý tính là dạng cao nhất của linh hồn và chỉ có ở con người- đó là khả năng tư duy. Như vậy nghĩa là, ông không phân ra 3 loại linh hồn ứng với 3 hạng người trong xã hội như Platon. Mà ông con người, tức là mọi người đều có linh hồn lý tính với khả năng tư duy của mình. Tuy nhiên, không có nghĩa là trong con người chỉ có linh hồn lý tính, mà linh hồn lý tính là linh hồn chủ yếu trong con nguowì. Linh hồn thực vật không ảnh hưởng đến lý tính, nhưng linh hồn động vật sẽ tác động đến lý tính theo những huonwgs khác nhau bởi nó sinh ra những nhu cầu,khát vọng. Và phẩm chất đạo đức của con người thể hiện ở chỗ phải tìm ra con đường của sự thật và chính nghĩa. Muốn làm được điều đó đòi phải phải có năng lực đặc biệt, đó chính là đức hạnh tối cao.
- Aristotle bàn nhiều và nhấn mạnh đến phẩm hạnh của con người. Với ông, phẩm hạnh là cái tốt đẹp nhất ,là lợi ích tối cao mà mọi người cần có. Đó là khả năng biết định hướng, tìm tòi, làm việc và được thể hiện lồng trong giá trị của hạnh phúc. Đối với ba quan niệm về hạnh phúc phổ biến lúc bấy giờ, theo Aristotle cũng có những cách nhìn nhận riêng. Với quan niệm hạnh phúc chỉ là sự thỏa mãn và hưởng thụ cảm tính, theo ông, chỉ là cuộc sống nô lệ và chỉ đáng là động vật. Với quan niệm xem hạnh phúc là sự tôn kính và vinh quan, theo ông đó chỉ là cái ở bên ngoài và do đó phụ thuộc vào người đem lại chúng; quan niệm thứ ba hiểu hạnh phúc là tăng thêm của cải, sự giàu có, ông cho rằng mục đích cuộc sống như vậy là điều vô căn cứ, bởi của chỉ chỉ là phương tiện để đạt đên cái gì đó còn tự thân nó sẽ không có ý nghĩa gì. Vì vậy, ông cho rằng mục đích tối cao cuộc sống con người nói chung là hướng đến đức hạnh, và đức hạnh tối cao chính là sự công bằng.
- Không giống như Platon, ông cho rằng, linh hồn con người khi mới sinh ra như tấm bảng sạch, chưa hề có tri thức. Do đó, cái để phân biệt con người với các thực thể khác chính là trí tuệ. Theo ông, sự tiếp cận với cái tối cao chỉ có thể thông qua hoạt động trí tuệ, do đó con người có đức hạnh bao giờ cũng là con người có trí tuệ và ngược lại, trí tuệ càng kém phát triển thì càng ít có khả năng thực hiện cái thiện. Trí tuệ con người càng lớn thì hạnh phúc càng mở rộng. Qua quá trình hoạt động nhận thức, con người tự hoàn thiện mình và từ đó có khả năng vươn tới hạnh phúc tối cao.
- Về mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội. Aristotle cho rằng, con người là một sinh vật xã hội, bản tính của nó là sống cộng đồng. Ồng cho rằng, nhà nước được ra đời từ gia đình và gia đình là cơ sở cho nhà nước xuất hiện. Gia đình trong quan niệm của Aristotle là hình thức đầu tiên, thấp nhất của cộng đồng người, từ đó phát triển thnàh những cộng đồng lớn hơn là làng xóm (thành bang) và nhà nước. Cá nhân cần thiết phải tham gia vào đời sống cộng đồng của nhà nước, quan đó con người được hoàn thiện và vượt lên trên sự tồn tại của động vật. Nếu con người tách khỏi nhà nước, xa lạ với pháp luật thì sẽ trở thành sinh vật tồi tệ nhất. Nhà nước có sứ mệnh bảo đảm cho con người cuộc sống hạnh phúc không chỉ về vật chất mà còn bảo đảm công lý. Nhà nước phải đại diện cho các giá trị công bằng, hợp lý và đức hạnh. Nhưng trong bối cảnh xã hội cổ đại lúc bấy giờ, việc quan tâm của nhà nước đến người dân chỉ được hiểu như sự quan tâm của người cha đối với con cái, quan niệm như vậy vô tình đã mang vị trí của nhà nước lên cao hơn so với người dân, chăm lo người dân (con) là trách nhiệm của nhà nước (cha) và ngược lại, người dân (con) phải có nghĩa vụ tuân thủ đối với nhà nước (cha). Mọi người phải phụ thuộc vào nhà nước, phục tùng và tuân thủ pháp luật của nhà nước. Hơn nữa, trong quan niệm của ông không bao gồm nô lệ, bởi nô lệ chỉ được xem là các “công cụ biết nói” chứ không phải con người.
- Aristotle cũng đa bước đầu nhận thức được quan hệ giữa đạo đức với kinh tế, tìm ra cơ sở kinh tế của sự công bằng và bình đẳng trong xã hội. Theo ông, sự hoàn thiện của con người thể hiện qua các chuẩn mực đạo đức như cái thiện – ác, công bằng- bất công… Ông cho rằng, tùy theo những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể khác nhau mà quan niệm về đạo đúc trong xã hội cũng không giống nhau. Hạnh phúc phải gắn liền với hoạt động nhận thức, với ước vọng làm điều thiện.
Kết luận
Tư tưởng về quyền con người thời cổ đại đã đặt nền tảng cho các khái niệm tự do, công bằng và bình đẳng trong các thời kỳ sau. Dù chưa mang tính phổ quát như quan niệm hiện đại, các triết gia Hy Lạp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tư tưởng quyền con người. Đó là sự nhấn mạnh vai trò của lý trí và đạo đức, hạnh phúc cá nhân và sự tự do nội tâm.
Những khác biệt trong quan điểm của các triết gia phản ánh bối cảnh xã hội và hệ thống giá trị của thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, tất cả đều góp phần định hình những nguyên lý cơ bản của quyền con người, ảnh hưởng sâu sắc đến triết học, chính trị và pháp luật của các thời kỳ sau. Qua việc nghiên cứu các tư tưởng này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự phát triển của khái niệm quyền con người và tầm quan trọng của chúng trong xã hội hiện đại.
TS. Nguyễn Thế Anh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Đỗ Minh Hợp- Nguyễn Thanh- Nguyễn Anh Tuấn, Đại cương lịch sử triết học phương Tây, SDd, tr.92,93
[2] Forrest E.Baird, Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr.11
[3] Đỗ Minh Hợp-Nguyễn Thanh-Nguyễn Anh Tuấn, Đại cương lịch sử triết học phương Tây, sdd, tr 145
[4] “Platon chuyên khảo”, Benjamin Jowett và M.J.Knight, Nxb Văn hóa thông tin, HCM, 2008, tr.823