Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra giá trị vượt tầm thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Trong bài viết này tác giả tập trung phân tích tính hiện đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và tầm quan trọng của các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, phân tích tư tưởng của Người về các quyền trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá, từ đó chỉ ra việc tiếp tục vận dụng những tư tưởng đó trong xây dựng đất nước giai đoạn hiện nay.

1. Tính hiện đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và tầm quan trọng của các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin và sự đúc rút từ thực tiễn cách mạng của một nhân tài kiệt xuất. Tư tưởng về quyền con người của Người là vấn đề gắn liền với tư tưởng độc lập dân tộc, nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa xã hội. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người thể hiện sự tương thích với những quan điểm quyền con người hiện đại ở một số vấn đề cụ thể sau:

Một là, tư tưởng quyền con người là dành cho tất cả mọi người. Hồ Chí Minh  coi trọng con người, người dân Việt Nam là trung tâm trong quá trình cách mạng. Trong quá trình tham gia soạn thảo Hiến pháp 1946, tư tưởng về tính phổ quát của quyền con người đã được thể hiện trong Hiến pháp tại Điều thứ Nhất: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Trong dự thảo Hiến pháp 1946, tham gia ban soạn thảo, Người cho rằng:

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Có quyền làm việc,

 Có quyền nghỉ ngơi,

Có quyền học tập,

Có quyền tự do thân thể,

 Có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình,

Có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, Có quyền bầu cử, ứng cử, v.v..

Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục và thể dục[1]. Đó chính là việc ghi nhận bằng pháp luật những quyền con người cơ bản mà sau này trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và 2 công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị và quyền kinh tế xã hội và văn hoá mà Việt Nam ký kết, tham gia đã khẳng định. Điều đó cho thấy tư tưởng quyền con người vượt thời gian của Hồ Chí Minh.

Hai là, quyền con người có tính phổ quát và có tính đặc thù, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá của mỗi quốc gia. Những đặc trưng cơ bản của quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 và 2 công ước quốc tế Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hoá năm 1966, Tuyên bố và chương trình hành động Viên 1993 sau này đã ghi nhận những tính chất cơ bản của quyền con người nhưng cũng đã có sự tương thích từ rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính phổ biến và tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo; không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, khu vực địa lý, v.v.. được ghi nhận trong Tuyên ngôn và Tuyên bố Viên đã thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập. Người đã nhắc lại rằng: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và tự do".

Quyền con người là không thể phân chia, đặc tính đó khẳng định rằng: Quyền con người dù ở lĩnh vực dân sự, chính trị hay kinh tế, xã hội, văn hóa thì chúng đều có tầm quan trọng như nhau và tạo nên một chỉnh thể thống nhất đòi hỏi phải thực thi đồng thời. Không nhóm quyền nào được coi là quan trọng hơn, giữ vị trí cao hơn so với nhóm quyền khác. Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau thể hiện ở nội dung: các quyền trong mỗi lĩnh vực là khác nhau, song chúng đều có mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thực thi các quyền kinh tế cấp bách không thể bỏ qua hay vi phạm quyền dân sự, chính trị, quyền xã hội, văn hóa. Sự phụ thuộc của quyền có mức sống thích với quyền tự do ngôn luận, báo chí và tham gia quản lý nhà nước, xã hội; quyền về việc làm bị tác động bởi quyền được giáo dục và ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc sức khỏe... Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”[2].

Ba là, coi trọng vai trò của các quyền kinh tế xã hội và văn hoá trong đời sống xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ", "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"[3]. Do đó, độc lập dân tộc là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng là tự do, hạnh phúc cho mọi nhà và mọi người Việt Nam.Những quan điểm đó cho thấy rõ ràng sự tôn trọng giá trị của quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, hướng đến từng cá nhân cụ thể trong cộng đồng xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô tô 1-5,

lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội (năm 1963) . Nguồn: hochiminh.vn

2. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền văn hoá

Quyền văn hoá hiện nay được hiểu là quyền hàm chứa bao gồm các quyền về giáo dục và quyền được Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học.

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền giáo dục

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền giáo dục tiếp cận một cách sắc bén với quyền giáo dục được quy định tại Điều 13 và 14 của CESCR năm 1966. Điều 13 ICESCR (1966) khẳng định nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên Công ước "thừa nhận quyền của mọi người được học tập" và "giáo dục phải hướng vào việc phát triển đầy đủ nhân cách và ý thức về nhân phẩm, và phải nhằm tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người". Trong Công ước này còn ghi nhận các quốc gia có nghĩa vụ “thực hiện các bước hướng tới” để thực hiện đầy đủ quyền được giáo dục trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có theo Điều 2 CESCR năm 1966, điều này cũng được thể hiện trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò của các chủ thể trong việc bảo đảm quyền được giáo dục.

Trước hết, Người nhận định rõ ràng về tầm quan trọng của giáo dục và quyền được giáo dục sẽ là cơ sở để mang lại nhân cách tốt, cũng chính là cơ sở tạo ra ý thức về nhân phẩm, và phải nhằm tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người: "Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"[4].

Quyền được giáo dục là cơ sở, nền tảng để xây dựng đất nước: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"[5]."Người nhấn mạnh tính bền lâu và ảnh hưởng của giáo dục tốt tới sự phát triển của tương lai đất nước: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ."[6]

Hai là, theo Hồ Chí Minh, người chỉ rõ chủ thể của quyền được giáo dục là mọi người. Quyền được giáo dục là dành cho mọi người, ai sinh ra cũng có quyền được giáo dục với tư cách là một con người. Người cũng nhận định, quyền được giáo dục để phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có phải gắn liền với sự độc lập của quốc gia. Nhưng chúng ta phải cố gắng nữa, phải làm thế nào cho trong một thời gian gần đây, tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc biết viết. Ngày ấy mới là hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận diệt giặc dốt"[7]. Trong đó người quan tâm sâu sắc tới quyền được học tập của phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên- những nhóm người mà ngay nay pháp luật quốc tế cũng như quốc gia luôn là nhóm dễ bị tổn thương, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để thúc đẩy quyền được học tập của họ.

Người đánh giá cao nỗ lực của nhà nước trong việc giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số: "Hiện nay lại có hơn 30 trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động. Loại trường đó rất tốt, cần giúp cho những trường đó phát triển đúng phương hướng, là vì có chỗ chưa đúng. Như ở Hòa Bình, Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa có nhiều kinh nghiệm, kết quả tốt, nhưng phát triển đến lúc có nhiều trâu bò, nhiều ruộng đất, có máy móc cải tiến, rồi biến nó thành nông trường. Làm như thế là không đúng. Đây là trường học để đào tạo cán bộ, chứ không phải là nông trường để kinh doanh có lãi. Cố nhiên là phải làm để cho có đủ ăn, đủ mặc, nhưng phải nhớ rằng đây không phải là nông trường để kinh doanh lấy lãi. Các chú cần phải chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm đó. Bây giờ nhiều tỉnh đã có. Những tỉnh chưa có phải cố gắng mở những trường như thế. Giai cấp công nhân phát triển trong các dân tộc thiểu số khá nhiều. Ở các mỏ apatít Lào Cai, mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, công nhân người các dân tộc rất đông. Hồi trước, mấy cô bé dân tộc còn hay xấu hổ. Bây giờ đã lái được xe, lái được máy xúc, không kém gì công nhân nam giới. Đó là một tiến bộ rất lớn"[8].

Người cũng nhận định thanh niên là người chủ tương lai của đất nước và tầm quan trọng của việc thực hiện quyền giáo dục đối với thanh niên: Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc.... Ngày nay, ta có được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập.[9]

Ba là, Người chỉ rõ các chủ thể thực hiện việc bảo đảm quyền được học tập hay nói cách khác là chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền này là các đoàn thể, chính quyền và cũng chỉ rõ trách nhiệm học tập là nghĩa vụ, nhiệm vụ của cá nhân: "Đó là nhiệm vụ của các cán bộ bình dân học vụ. Đó cũng là nhiệm vụ của những đồng bào đã biết chữ, của các đoàn thể nhân dân, của chính quyền địa phương mà cũng là nhiệm vụ của đồng bào chưa biết chữ. Tất cả mọi người, mọi đoàn thể đều đồng tâm hiệp lực quyết làm cho kỳ được, thì chúng ta nhất định hoàn toàn thành công"[10].

Chủ thể bảo đảm quyền được nêu một cách cụ thể và nhận định trách nhiệm và sự phối hợp rõ ràng trong việc bảo đảm quyền được giáo dục, đó là gia đình, trường học, xã hội: "Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà"[11]. Người cũng nhấn mạnh vai trò phối hợp của các chủ thể bảo đảm quyền. Người nhắc nhở: Nhưng vì giáo dục nhà trường không kết hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, cho nên trong giờ học thì cháu nào cũng ngoan, ngoài giờ học thì có một số vì nhàn rảnh và không ai săn sóc mà dễ sinh hư. Việc giáo dục trẻ con, mọi người đều phải đóng góp một phần, nhưng Đoàn Thanh niên phải là người phụ trách chính, Đảng thì phải ra sức giúp[12].

Bốn là, Người chỉ rõ các nội dung của việc thực hiện quyền được học tập, nói cách khác chính là việc giáo dục cho người học điều gì và phương pháp dạy cho người học như thế nào. "Học sinh cần phải nhận rõ rằng: Học là cốt để lao động cho tốt, sản xuất cho tốt, để đưa toàn lực lượng tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội"[13]. "Tiểu học và trung học là giáo dục phổ thông, nó bồi dưỡng học sinh thành những công dân có giác ngộ, có văn hóa, có sức khỏe, thành đạo quân lao động hậu bị to lớn: Mục đích chính của học sinh là để góp phần vào phát triển sản xuất của xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, cần phải chuẩn bị tư tưởng cho học sinh sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng khác. "[14]. Người nhấn mạnh: "Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội[15]. Như vậy, thực hiện việc giáo dục cho học sinh không chỉ là giáo dục nhận thức, mà còn nâng cao sức khoẻ và tạo ra nguồn nhân lực có khả năng lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, hoặc công việc xây dựng.

Các nội dung học tập còn được chỉ ra đối với thanh niên: "Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để:

- Yêu Tổ quốc: cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chốớng lại.

- Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học, chúng ta kiên quyết chống lại.

- Yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động.

Học để phụng sự ai?

Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà"[16].

Những tiêu chí của nội dung giáo dục đã được phân tích rất rõ ràng qua văn bản trên: giáo dục sự tôn trọng mọi người, giáo dục về ý thức với lao động, khoa học, đạo đức và mục tiêu giáo dục hướng tới không phải chỉ để phục vụ cá nhân người đó mà chính là rèn luyện lý tưởng vì mọi người, vì tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, từ đó trở thành người làm chủ nước nhà.

2.2 Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học kỹ thuật

Mối quan hệ giữa văn hoá, văn nghệ với kinh tế và chính trị được Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Ý nghĩa và bản chất của mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá chính là ở chỗ đó. Nghĩa là: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”[17].

Người cũng khẳng định ý nghĩa của văn hoá với đời sống con người và đưa ra những quan điểm lớn, rõ ràng về xây dựng nền văn hóa dân tộc: "Ý nghĩa của văn hoá: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

 Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc.

 1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

 4- Xây dựng chính trị: dân quyền.

 5- Xây dựng kinh tế.[18]

Nội hàm của quyền văn hoá rất rộng, Điều 27 UDHR khẳng định quyền văn hoá (cultural right) của con người: 1) Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy. 2) Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình. Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR- International Covenant on Economic, Social and Cutural Rights) tiếp tục tái khẳng định và nhấn mạnh các giá trị cơ bản về quyền văn hoá trong Tuyên ngôn, theo đó, “Các quốc gia thành viên của Công ước này thừa nhận quyền của mỗi cá nhân: (a) Tham gia vào đời sống văn hóa; (b) Hưởng thụ lợi ích từ tiến bộ khoa học và ứng dụng của nó; (c) Hưởng lợi từ việc bảo vệ các lợi ích tinh thần và vật chất từ hoạt động nghiên cứu khoa học, văn học và sáng tạo nghệ thuật mà mình là tác giả”.[19] Bình luận chung số 21 Quyền của mọi người tham gia vào đời sống văn hóa (điều 15, đoạn 1 (a), của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) nêu rằng: Quyền văn hóa là một bộ phận cấu thành của quyền con người và cũng giống như các quyền khác, có tính phổ biến, không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau. Việc thúc đẩy và tôn trọng đầy đủ các quyền văn hóa là điều cần thiết để duy trì phẩm giá con người và tương tác xã hội tích cực giữa các cá nhân và cộng đồng trong một thế giới đa dạng và đa văn hóa[20].

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền văn hoá thể hiện sự tiếp cận với những quan điểm văn minh hiện đại quốc tế trên cơ sở tôn trọng tư tưởng văn hoá quốc gia mình.

Một là, người khẳng định mọi người đều có quyền tiếp cận văn hoá, con người là chủ thể của quyền đồng thời cũng là người có nghĩa vụ xây dựng nền văn hoá tốt đẹp. Người khẳng định chính con người là người tạo nên văn hoá và có quyền được thực hiện quyền văn hoá của mình: "Quần chúng có biết sáng tác không? Có sáng tác được không? Vấn đề ấy cũng phải dứt khoát. Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo. Nhưng, quần chúng không phải chỉ sáng tạo ra những của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa. Chắc các cô các chú cũng biết là những câu tục ngữ của ta do ai làm ra. Đó là do quần chúng làm ra. Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không "trường thiên đại hải", dây cà ra dây muống[21].

Nhấn mạnh tới việc thực hiện quyền văn hoá của con người, Hồ Chí Minh khẳng định: "Nói tóm lại: giai cấp lao động cần phải làm chủ văn hóa, nếu không thì giai cấp tư sản sẽ giành quyền làm chủ. Nội dung của văn nghệ phải phong phú, hình thức phải tươi đẹp để phục vụ chính trị, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình thế giới"[22]. Như vậy, mặc dù là chủ thể quyền nhưng để bảo vệ quyền đó đòi hỏi con người phải có nhận thức để làm chủ quyền đó của mình, vận dụng sáng tạo quyền đó để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình thế giới.

Là một nhà văn hoá lớn, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự tôn trọng với những chủ thể quyền văn hoá. Người luôn thể hiện sự trân trọng đối với những nhà văn hoá, nghệ thuật có lòng yêu hoà bình: "Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân.

Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc"[23].

Hai là, Người chỉ ra chủ thể có trách nhiệm hiện thực hoá quyền văn hoá của con người. "Các cán bộ văn hóa cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý. Muốn làm như thế thì cố nhiên là phải có chính trị, có kỹ thuật, thì mới mài cho viên ngọc ấy thành tốt, khéo và đẹp"[24]. Chủ thể bảo đảm quyền văn hoá cần nắm được ý chí nguyện vọng của người dân, thông qua các hoạt động thực tiễn: "Cơ quan trong Bộ Văn hóa, các cơ quan các ngành, các ty văn hóa thì cần xuống nông thôn, vào nhà máy, vào bộ đội nhiều hơn nữa, mà đi vào như thế thì phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Chứ nếu đi xuống nông thôn mà lại lao động phất phơ, rồi ăn riêng, ở riêng thì cảm thông sao được, gần gũi sao được với công nông, với bộ đội. Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng của quần chúng như thế nào... "[25]. Một chủ thể đặc biệt của thời đại, có trách nhiệm thực hiện quyền văn hoá đó là hợp tác xã đã được người ghi nhận: "Hợp tác xã từ 100 hộ trở lên là một đại gia đình. Ngoài công việc chính là tăng gia sản xuất, hợp tác xã phải tổ chức tốt những việc xã hội và văn hóa như: giúp già, dạy trẻ, cưới hỏi, trông nom người ốm đau, giúp đỡ đàn bà khi thai nghén, v.v.."[26]

Người còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí và vai trò vẻ vang của nhà báo trong việc thực hiện quyền văn hoá, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận của người dân: "Trong lúc các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình, các nhà báo Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang"[27].

Ba là, theo người nội dung của quyền văn hoá phải bảo đảm gắn với phục vụ nhân dân, hiểu rõ thời đại mới và đời sống cùng nguyện vọng của nhân dân. Văn hóa không chỉ hướng tới việc giải trí mà còn trang bị kiến thức của Chủ nghĩa Mác Lênin, trang bị lập trường lý luận chống lại những quan điểm phải dân chủ, phản chủ nghĩa xã hội trong chính các hoạt động văn hoá: "Văn nghệ phải nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để vũ trang mình. Phải kiên quyết chống những khuynh hướng phản dân chủ, phản chủ nghĩa xã hội trong giới văn nghệ.

- Phải hiểu rõ thời đại mới và đời sống cùng nguyện vọng của nhân dân. Tất cả các ngành văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, múa nhảy, tuồng hát, vẽ... phải quần chúng hóa và dân chủ hóa.

- Văn nghệ phải xây dựng tác phong gian khổ, chất phác. Phải chống xa rời quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động[28].

Một điểm đặc biệt tiến bộ trong tư tưởng của người về quyền văn hoá đó chính là việc coi trọng vai trò của đa dạng văn hoá, tôn trọng bản sắc dân tộc và ngôn ngữ chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số. Người khẳng định:

1. Huỷ bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình.

2. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo[29] các lớp nhân tài.

3. Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ.

4. Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh[30].

(Còn tiếp)

TS. Trần Thị Hồng Hạnh

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.12, tr.377.

[2] Hồ Chí Minh: Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr. 11

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 175, 64

[4] Thư gửi các học sinh, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.4, tr.34.

[5] Thư gửi các học sinh, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.4, tr.35.

[6] Phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II và cấp III toàn miền Bắc, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr. 528.

[7] Thư gửi nha Bình dân học vụ, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.7, tr.12,13.

[8] Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.14, tr.163, 164.

[9] Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.9, tr.178,179.

[10] Thư gửi nha Bình dân học vụ, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.7, tr.12,13.

[11] Gửi các em học sinh,  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.10, tr.176.

[12] Bài nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.28.

[13] Học sinh và lao động, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.213, 214.

[14] Học sinh và lao động, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.211, 212.

[15] Bài nói chuyện với cán bộ và học sinh trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.270.

[16] Nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội), Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.9, tr.178,179.

[17] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000

[18] Những hiểu biết cơ bản về quân sự. Bài giảng của Ủy viên trưởng, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.3, tr.458.

[19] Right to culture, bài viết đăng trên website của Tổ chức Human rights Education Associates, ngày 20/10/2009.

[20]http://docstore.ohchr.org/SelfServices/FilesHandler.ashx?enc=4slQ6QSmlBEDzFEovLCuW1a0Szab0oXTdImnsJZZVQc5ReG9hKvddWC2ML5U76E63nT%2BeY%2BtmSVIRS0ynN0q4EDmpjJye7rC1DxEtC%2FGxx7WLBcmnxGwpWSXy0fmnHDS

[21] Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.559.

[22] Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.474.

[23] Thư gửi họa sĩ Picátxô, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.186.

[24] Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.559

[25] Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.559

[26] Guồng máy nông nghiệp, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.13, tr.123.

[27] Điện mừng Hội nghị các nhà báo Á-Phi, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.14, tr.69.

[28] Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.11, tr.474.

[29] Trong nguyên bản chụp mi-crô phim chỗ này bỏ trống, không có chữ đào tạo (BT).

[30] Chương trình Việt Minh, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.3, tr.629-631.