Trong những năm gần đây, quyền được sống trong môi trường trong lành đang nhận được sự quan tâm trên thế giới bởi đây là quyền nhằm đảm bảo các lợi ích cho con người trong bối cảnh môi trường thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài viết nghiên cứu về nội hàm của quyền được sống trong môi trường trong lành theo quy định của pháp luật quốc tế và một số khu vực trên thế giới. Đồng thời, nhóm tác giả đưa ra các giải pháp để việc thực thi quyền đạt được hiệu quả cao nhất tại Việt Nam.
1. Lý luận chung về quyền được sống trong môi trường trong lành
Kể từ sau Tuyên bố về Môi trường Con người tại Hội nghị Liên hợp quốc được tổ chức tại Stockholm 1972, nhiều văn kiện quốc tế khác đã bổ sung và phát triển các vấn đề về quyền được sống trong môi trường trong lành. Khái niệm “môi trường trong lành” bằng những cách diễn đạt khác nhau, song nội dung cốt lõi của quyền được sống trong môi trường trong lành vẫn hướng đến mục tiêu đảm bảo môi trường trong sạch với hệ sinh thái cân bằng, không có ô nhiễm hay sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và các hoạt động bình thường của con người. Nhìn chung, quyền con người trong lĩnh vực môi trường là “tổng thể các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ phát sinh, thay đổi hay chấm dứt để nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích tự nhiên vốn có và khách quan của con người đối với các yếu tố vật chất cấu tạo thành môi trường, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia, các thoả thuận pháp lý quốc tế phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và phát triển quốc gia”1.
Học giả John Lee từng định nghĩa hành vi vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành là hiện tượng được tạo ra sau quá trình hành động của nhà nước (state action) mà ở đó, môi trường bị suy thoái tạo ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe (serious health consequences) hay phá vỡ cuộc sống của con người2. Trong khi định nghĩa này thừa nhận yếu tố tác động tiêu cực của môi trường đến sức khoẻ con người, nó vẫn tồn tại ba điểm cần suy xét thêm3. Thứ nhất, hành vi vi phạm quyền được sống trong môi trường lành mạnh không nên bó hẹp trong trách nhiệm và hành động của Nhà nước. Mọi cá nhân đều có nghĩa vụ không vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành. Thứ hai, điểm nút để đánh giá ảnh hưởng của môi trường đến sức khoẻ con người nên để ở ngưỡng “đáng kể” thay vì “nghiêm trọng”. Thứ ba, định nghĩa này chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Quyền được sống trong môi trường trong lành còn là quyền của thế hệ tương lai, do đó, một hành vi vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành nên được định nghĩa rộng hơn, suy tính tới cả các hiện tượng để lại hậu quả lâu dài tới tương lai, gây thương tích hoặc huỷ hoại động thực vật làm mất cân bằng hệ sinh thái,... Đó là những yếu tố cần thiết để quyền được sống trong môi trường trong lành vượt lên trên những khuôn khổ của luật mềm và hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh vốn có của nó.
Quyền môi trường gồm các quyền thực định (substantive rights) và quyền thủ tục (procedural rights). Về quyền thực định, quyền được sống trong môi trường trong lành được hưởng các yếu tố sau: không khí trong lành (clean air), khí hậu an toàn (safe climate), tiếp cận nước sạch và vệ sinh đầy đủ (access to safe water and adequate sanitation), thực phẩm an toàn (healthy and sustainably produced food), môi trường sống, làm việc, học tập và vui chơi lành mạnh (non-toxic environments in which to live, work, study and play) và đa dạng sinh học, hệ sinh thái lành mạnh (healthy biodiversity and ecosystems)4. Về quyền thủ tục, có ba quyền gồm tiếp cận thông tin (access to information), tham gia cộng đồng (public participation) và tiếp cận công lý và các biện pháp hiệu quả (access to justice and effective remedies)5.
Về chủ thể, quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền cá nhân, đồng thời cũng là quyền tập thể. Quyền cá nhân được hiểu là các quyền thuộc về mỗi cá nhân, không phân biệt họ có là thành viên của bất kỳ nhóm xã hội nào hay không. Quyền tập thể lại là những quyền mang tính đặc thù chung của một tập thể hay một nhóm xã hội nào đó. Nếu như phần lớn các quy định pháp lý quốc tế đề cập đến quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền cá nhân6 thì cũng có công cụ pháp luật khác xác định đây là quyền tập thể7. Quyền được sống trong môi trường trong lành sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng mối liên kết giữa quyền này với quyền cá nhân và quyền tập thể8. Ví dụ, sẽ thuận tiện hơn khi xác định đối tượng bị ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu là một nhóm (một nhóm dân tộc riêng biệt, một số lượng lớn người tại một khu vực,...), nhưng một cá nhân đưa ra yêu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền hoặc đưa ra yêu cầu trước toà lại được xác định là dễ dàng hơn so với một tập thể. Do đó, các nhà lập pháp và cộng đồng quốc tế ngày nay xem quyền được sống trong môi trường trong lành vừa là quyền cá nhân, vừa là quyền tập thể9.
Bên cạnh đó, quyền được sống trong môi trường trong lành thường được thảo luận như quyền của thế hệ thứ ba (third generation right), nghĩa là quyền của thế hệ tương lai về một môi trường trong lành. Điều này đòi hỏi mỗi người có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hiện tại nhằm đảm bảo thế hệ tương lai sẽ có môi trường trong lành tốt hơn thế hệ hiện tại. Quyền này gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm của nhà nước. Nói cách khác, chủ thể chính của nghĩa vụ bảo vệ, thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành là nhà nước. Thông qua các biện pháp, chính sách và hệ thống pháp luật, nhà nước điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức theo hướng có lợi cho môi trường, hạn chế các tác động xấu đến môi trường, từ đó bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành cho tất cả mọi người.
Ảnh minh họa. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
2. Quyền được sống trong môi trường trong lành trong luật pháp quốc tế
Trên bình diện quốc tế, hướng tiếp cận quyền con người trong vấn đề bảo vệ môi trường đã bắt đầu được quan tâm và công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế trong đầu những năm 1970. Tuyên bố về Môi trường con người tại Hội nghị Liên hợp quốc (Hội nghị Stockholm) năm 1972 được xem là dấu mốc đánh dấu sự gắn kết của hai vấn đề quyền con người và môi trường. Trong Tuyên bố của Hội nghị này, nguyên tắc 1 nêu rõ: “Con người có quyền cơ bản được tự do, bình đẳng và đầy đủ các điều kiện sống, trong một môi trường chất lượng cho phép cuộc sống có phẩm giá và phúc lợi mà con người có trách nhiệm trong bảo vệ và cải thiện cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Sau này, Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển (Hội nghị Rio) năm 1992 cũng khẳng định tương tự: “Con người là trung tâm của những mối quan tâm về sự phát triển lâu dài. Con người có quyền được hưởng một cuộc sống hữu ích, lành mạnh và hài hoà với thiên nhiên”. Như vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành khẳng định rằng pháp luật về môi trường đi cùng với sự phát triển về quyền của con người.
Ngày 8/10/2021, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 48/13, lần đầu tiên công nhận môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền con người và kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hợp tác để thực hiện quyền này. Cùng ngày, Hội đồng đã thông qua Nghị quyết 48/14, thành lập Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nghị quyết 48/13 đã “thừa nhận tầm quan trọng của một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là yếu tố quan trọng đối với việc thụ hưởng tất cả các quyền con người”, “quyền có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững có liên quan đến các quyền khác và luật pháp quốc tế hiện hành” và “khẳng định rằng việc thúc đẩy quyền con người đối với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững đòi hỏi phải thực hiện đầy đủ các hiệp định đa phương về môi trường theo các nguyên tắc của luật môi trường quốc tế”.
Ngoài ra, còn có các văn bản khác ghi nhận quyền con người được sống trong môi trường trong lành như Nghị quyết công nhận quyền trẻ em với môi trường trong lành (Nghị quyết A/HRC/RES/45/30, thông qua ngày 13/10/2020), Quyền của con người đối với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững (Nghị quyết UNGA A/76/L.75, thông qua ngày 26/7/2022). Với Nghị quyết UNGA/76/L.75, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố rằng việc tiếp cận với môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền con người phổ quát.
Thực tiễn đã ghi nhận những án lệ liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành đối với từng nhóm đối tượng khác nhau. Tiêu biểu như, không chỉ con người nói chung, biến đổi khí hậu gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với quyền trẻ em, thách thức khung pháp lý quốc tế hiện có theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UNCRC) như trong Vụ Sacchi v. Argentina. Vào tháng 9 năm 2019, 16 trẻ em và thanh thiếu niên đã đệ trình năm đơn kiện lên Ủy ban Quyền trẻ em (CRC) cáo buộc rằng Argentina, Brazil, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ (các quốc gia bị đơn) đã vi phạm quyền của các em theo UNCRC do không giải quyết đầy đủ cuộc khủng hoảng khí hậu. Vào tháng 10 năm 2021, CRC đã bác bỏ các kiến nghị về việc không sử dụng hết các biện pháp khắc phục trong nước, dù vậy CRC nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu thực sự là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em và các quốc gia phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải của mình. Vào tháng 6 năm 2021, CRC đã quyết định soạn thảo Bình luận chung về quyền trẻ em và môi trường với trọng tâm đặc biệt là biến đổi khí hậu, cho thấy ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu như một vấn đề chính trị toàn cầu sâu rộng.
Cơ chế bảo vệ tích cực của Liên hợp quốc hiện nay về vấn đề này là Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường (Special Rapporteur on Human Rights and the Environment). Vào tháng 3 năm 2012, Hội đồng Nhân quyền đã quyết định thành lập một nhiệm vụ về quyền con người và môi trường, cơ quan này nghiên cứu các nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc thụ hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, và thúc đẩy các thực tiễn tốt nhất liên quan đến việc sử dụng nhân quyền trong hoạch định chính sách môi trường10. Theo Nghị quyết 38/11 (2018) của Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo viên đặc biệt sẽ có các nhiệm vụ chính, nhằm (i) kiểm tra các nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc thụ hưởng một môi trường an toàn, trong sạch, lành mạnh và bền vững; (ii) thúc đẩy bảo đảm quyền trong hoạch định chính sách môi trường; (iii) xác định những thách thức và trở ngại đối với việc toàn cầu công nhận và thực hiện quyền có một môi trường an toàn, trong sạch, lành mạnh và bền vững; và (iv) có chuyến thăm các quốc gia và kịp thời ứng phó với các vi phạm nhân quyền11.
Như vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành đang dần được hình thành và quy định cụ thể trong các văn kiện pháp lý quốc tế của Liên hợp quốc. Các văn bản không có tính ràng buộc các quốc gia, tuy nhiên, việc quy định đã đem lại bước tiến lớn về việc ghi nhận quyền, tạo tiền đề cho các văn bản khác sau này. Bên cạnh đó, dù chưa có một cơ quan tài phán ràng buộc xử lý những vụ việc liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành, luật pháp quốc tế đã ghi nhận thực tiễn xảy ra thông qua cơ chế như các cơ quan thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (Uỷ ban về quyền trẻ em). Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Liên hợp quốc đã thành lập một cơ chế tích cực là Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và môi trường, đem lại hiệu quả tích cực cho việc thực thi và bảo vệ quyền trong tương lai.
3. Quyền được sống trong môi trường trong lành trong pháp luật các khu vực
a) Quyền được sống trong môi trường trong lành trong pháp luật khu vực châu Phi
Trong phạm vi khu vực, các quốc gia đã phát triển một cơ sở pháp lý khu vực quan trọng khẳng định quyền có một môi trường trong lành. Liên minh Châu Phi có ba cơ chế chính để bảo vệ nhân quyền, bao gồm: Hiến chương, Ủy ban và Tòa án.
Về Hiến chương, Hiến chương Châu Phi về Quyền con người và Nhân dân (1981) quy định rằng: “Các dân tộc sẽ có quyền có một môi trường thỏa đáng chung thuận lợi cho sự phát triển của họ”. Điều đáng chú ý là Hiến chương châu Phi khác với các văn bản khác ở chỗ nó không trao quyền này cho các cá nhân mà cho một nhóm. Địa vị pháp lý của quyền con người đối với một môi trường trong sạch và lành mạnh đã được quy định tại mục 24 trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Nam Phi, thể hiện một bước quan trọng trong việc thừa nhận hiến pháp và bảo vệ quyền con người. Theo đó, điều đã trao cho “mọi người quyền được hưởng một môi trường không gây hại cho sức khỏe hoặc hạnh phúc của họ”. Không chỉ vậy, quy định đặt ra nhiệm vụ đối với nhà nước trong việc ngăn ngừa ô nhiễm và các thiệt hại khác đối với môi trường, và thúc đẩy bảo tồn và phát triển bền vững.
Về cơ chế bảo vệ của Uỷ ban Nhân quyền châu Phi, trong Vụ SERAC vs. Nigeria, năm 1996, hai tổ chức phi chính phủ đã đưa đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Phi, khiếu nại Nigeria khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ12. Theo đó, bên cạnh các vấn đề liên quan đến môi trường, Ủy ban châu Phi cho rằng Nigeria đã vi phạm Điều 24 về quyền có một môi trường thỏa đáng để phát triển13. Ủy ban kêu gọi chính phủ Nigeria bồi thường cho các nạn nhân của những vi phạm này, và cung cấp thông tin về các rủi ro môi trường và sức khỏe liên quan đến sự phát triển đó cho các cơ quan quản lý và ra quyết định trong các cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự phát triển dầu. Đây là lần đầu tiên Ủy ban mở rộng về ý nghĩa, cách giải thích và phạm vi của quyền được hưởng một môi trường thích hợp được quy định trong Hiến chương châu Phi14.
Về cơ chế bảo vệ Toà án, một Nghị định thư đối với Hiến chương Châu Phi thành lập Tòa án Nhân quyền và Nhân dân châu Phi (Tòa án) đã được thông qua vào năm 1998 và có hiệu lực vào năm 2004. Tòa án có 11 thẩm phán do Hội đồng Liên minh châu Phi bầu ra. Tuy nhiên, quyền tài phán của Tòa án chỉ áp dụng cho 26 Quốc gia phê chuẩn Nghị định thư của Tòa án và chỉ có 6 Quốc gia đưa ra các tuyên bố tùy chọn theo Điều 34 (6) của Nghị định thư cho phép công dân đưa ra các khiếu nại cá nhân15.
b) Quyền được sống trong môi trường trong lành trong luật pháp châu Mỹ Latinh
Tại châu Mỹ, Nghị định thư San Salvador đối với Công ước về Nhân quyền châu Mỹ (1998) công nhận quyền của mọi người được “sống trong một môi trường lành mạnh” và Thỏa thuận Escazú (2018) tiếp tục bổ sung Điều 1 rằng “quyền của mỗi người trong thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong môi trường trong lành và phát triển bền vững”. Thỏa thuận Escazú là điều ước môi trường khu vực đầu tiên ở Mỹ Latinh và Caribe, là điều ước duy nhất có nguồn gốc từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio + 20) và là điều ước đầu tiên trên thế giới thiết lập các điều khoản cụ thể cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phòng thủ của những người bảo vệ nhân quyền trong các vấn đề môi trường16. Điều 4 ràng buộc rõ ràng các Quốc gia thành viên “Đảm bảo quyền của mọi người được sống trong một môi trường lành mạnh và bất kỳ quyền con người nào khác được công nhận trên toàn cầu liên quan đến Thỏa thuận hiện tại”. Thỏa thuận tiếp tục mở rộng phạm vi chủ sở hữu quyền bao gồm mọi người của thế hệ hiện tại và tương lai. Đặc biệt, tính năng đổi mới chính của Thỏa thuận Escazú, so với các điều ước môi trường khác, là mối liên hệ chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường và nhân quyền. Theo nghĩa này, Thỏa thuận Escazú áp dụng Nguyên tắc 10 của Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển, đưa ra một nền tảng chưa từng có để tăng cường năng lực của các Quốc gia và sự hợp tác của các quốc gia trong việc bảo vệ và bảo tồn môi trường và hưởng đầy đủ các quyền con người17.
Khu vực châu Mỹ cũng có một Toà án về quyền con người và từng giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành. Tiêu biểu là Vụ Lhaka Honhat (Our Land) Association vs. Argentina18. Thay mặt cho 132 cộng đồng bản địa thuộc ở tỉnh Salta, các thành viên cộng đồng bản địa từ Hiệp hội Lhaka Honhat đã kiện Argentina để bảo vệ quyền của mình về môi trường trong lành, lương thực đầy đủ. Các hoạt động của người định cư Creole, như khai thác gỗ trái phép, chăn nuôi gia súc và lắp đặt hàng rào, đã diễn ra trên các vùng đất của các cộng đồng bản địa. Những hoạt động này đã dẫn đến mất tài nguyên rừng và đa dạng sinh học và ảnh hưởng nặng nề đến các phương thức truyền thống mà các cộng đồng bản địa tiếp cận thực phẩm và nước. Tòa án Nhân quyền liên châu Mỹ (Inter-American) cho rằng Argentina đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 1.1 của Công ước châu Mỹ về Nhân quyền và Điều 26 liên quan, bằng cách từ chối các cộng đồng bản địa của họ đối với một môi trường lành mạnh, thức ăn, nước uống đầy đủ, trong một thời gian hợp lý. Lần đầu tiên, Tòa án phân tích các quyền đối với môi trường trong lành, đủ thức ăn, nước uống và bản sắc văn hóa theo Điều 26 của Công ước. Tòa án nhận thấy rằng các hoạt động như khai thác gỗ bất hợp pháp do những người định cư Creole thực hiện đã ảnh hưởng bất lợi đến lối sống và khả năng tiếp cận nước, thực phẩm và môi trường trong lành của các cộng đồng bản địa. Tác động bất lợi đối với chế độ ăn uống và lối sống truyền thống của cộng đồng đã ảnh hưởng đến lối sống văn hóa và bản sắc văn hóa của các cộng đồng bản địa. Nhà nước đã nhận thức được những hoạt động có hại này và tác động của chúng đến lối sống của người bản địa và đã không ngăn chặn chúng một cách hiệu quả.
c) Quyền được sống trong môi trường trong lành trong luật pháp khu vực châu Âu
Ở khu vực châu Âu, sự cần thiết phải công nhận một quyền cơ bản mới của con người, đó là quyền có một môi trường lành mạnh và cân bằng, chỉ mới dần được phát triển. Công ước Aarhus (1998) trong điều đầu tiên khẳng định “quyền của mỗi người trong thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong một môi trường phù hợp với sức khỏe và hạnh phúc của họ”. Còn Hiến chương về các quyền cơ bản của châu Âu quy định, liên quan đến bảo vệ môi trường, rằng mức độ cao về bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường phải được lồng ghép trong chính trị của EU và được đảm bảo theo nguyên tắc phát triển bền vững19. Trong Công ước châu Âu về Nhân quyền, cụm từ “môi trường” không được đề cập trong các quy định của và ít có khái niệm về quyền có môi trường trong lành20. Công ước không trực tiếp xác định liệu một cá nhân có quyền có một môi trường lành mạnh hay không. Mặc dù không có điều khoản nào trong Công ước về Nhân quyền hoặc các Nghị định thư bổ sung đề cập rõ ràng đến quyền có một môi trường lành mạnh và cân bằng về mặt sinh thái, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã công nhận trong án lệ của cơ quan này và của Ủy ban châu Âu. Thông qua phán quyết trọng Vụ López-Ostra vs. Tây Ban Nha21, Tòa án thể hiện sự thừa nhận gián tiếp đầu tiên về sự tồn tại của quyền con người đối với một môi trường lành mạnh và an toàn. Quyết định trong trường hợp này đã chứng minh sự linh hoạt về mặt pháp lý cũng như cho thấy sự phát triển pháp luật khi thấy rằng các vi phạm môi trường được coi là vi phạm nhân quyền, do đó tăng cường bảo vệ pháp lý cho các nạn nhân22. Theo phán quyết, rằng một số loại sự suy thoái của môi trường với những hậu quả nghiêm trọng đối với các cá nhân hoặc thậm chí việc các cơ quan công quyền không cung cấp thông tin về những rủi ro sinh thái mà những kẻ xâm hại phải chịu có thể cấu thành vi phạm một số quyền được bảo vệ thông qua các quy định của Công ước, chẳng hạn như quyền sống, quyền đối với cuộc sống riêng tư và gia đình hoặc quyền đối với tài sản23. Vào tháng 9 năm 2021, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu đã thông qua một nghị quyết ủng hộ việc thông qua một nghị định thư bổ sung cho Công ước châu Âu về Nhân quyền để duy trì quyền có một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững trong hệ thống nhân quyền Châu Âu và dự thảo của Hội đồng hiện sẽ được Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu xem xét, cơ quan có tiếng nói cuối cùng về vấn đề này24.
Tại châu Âu, bên cạnh hệ thống văn kiện về quyền con người, Công ước Nhân quyền này còn quy định thành lập một cơ chế giám sát bao gồm Tòa án Quyền con người châu Âu (The European Court of Human Rights) và Ủy ban Các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (The Committee of Ministers of the Council of Europe)25. Toà án Quyền con người ở Châu Âu đã thụ lý Vụ Oneryildiz vs. Thổ Nhĩ Kỳ26. Vụ việc bắt nguồn từ một đơn kiện Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đệ trình lên Tòa án theo Điều 34 của Công ước Bảo vệ Nhân quyền và Quyền tự do Cơ bản của hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Căn cứ vào Điều 2, 8 và 13 của Công ước và Điều 1 của Nghị định thư số 1, những người nộp đơn cho rằng các nhà chức trách quốc gia phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người thân của họ về việc vụ nổ khí mêtan đã xảy ra tại vào năm 1994, mà nguyên nhân vụ nổ là do chất thải phun ra từ núi chất thải. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã không hành động để ngăn chặn cái chết của những người thân của nguyên đơn. Kết luận, Tòa án nhất trí rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm Điều 2 của Công ước Bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản, do thiếu các bước thích hợp để ngăn chặn cái chết do tai nạn của người dân.
Như vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành đã dần được quy định tại các văn kiện trong khu vực. Ở phạm vi quốc tế dường như nội hàm của quyền này chưa có sự đồng thuận cao. Điều này do đặc thù của luật pháp từng khu vực khác nhau trên thế giới, về cả vấn đề quyền con người và lĩnh vực luật môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung đối với quyền được sống trong môi trường trong lành, các khu vực đều cho thấy tầm quan trọng của việc cần ghi nhận quyền, là quyền của thế hệ tương lai và khẳng định trách nhiệm của các Quốc gia. Với cơ chế bảo vệ quyền tại các khu vực, các khu vực có Toà án đã từng giải quyết các vụ việc có liên quan đến quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, các Toà án này thường là toà về môi trường hoặc Tòa án về Nhân quyền mà chưa có sự thống nhất, kết hợp của cả hai lĩnh vực. Ngoài ra, các cơ chế bảo vệ khác như của Uỷ ban hay một cơ quan được thành lập theo các Công ước riêng biệt chưa được phát huy vai trò hay tồn tại một cách độc lập và hiệu quả.
4. Đề xuất giải pháp bảo đảm hiệu quả hơn quyền được sống trong môi trường trong lành tại Việt Nam
Thông qua việc nghiên cứu nội hàm của quyền được sống trong môi trường trong lành, tìm hiểu các quy định của pháp luật quốc tế và luật pháp một số khu vực về quyền này, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý để việc quy định và áp dụng quyền hiệu quả.
Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và bảo đảm thực thi quyền con người này. Trong đó, một số vấn đề của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cần tiếp tục được bổ sung hoặc quy định chi tiết như: hướng dẫn riêng giữa hệ thống thoát nước thải ở khu đô thị và khu công nghiệp, phân loại quan trắc môi trường theo mục đích, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất gắn liền với nền kinh tế tuần hoàn, làm rõ các thông tin môi trường được công khai,...27 Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm việc thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp. Một là, thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành được nêu trong các văn bản pháp luật và Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, tuyệt đối không đánh đổi môi trường và tính mạng, sức khoẻ của người dân để phát triển kinh tế. Các cơ quan nhà nước cần tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật khi phê duyệt, cấp phép cho các dự án đầu tư, đồng thời thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế, quản lý chất thải từ các khu vực này, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Hai là, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và người dân trong giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời cần nâng cao hiệu quả việc huy động nguồn lực của xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Để huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội trong việc bảo vệ môi trường, cần phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, thuế, đất đai, thủ tục hành chính,... cho các chủ thể trong khu vực tư tham gia thực hiện các dịch vụ về môi trường.
Thứ hai, cần học tập, phối hợp tích cực với các cơ quan quốc tế như các cơ quan của Liên hợp quốc hay các chương trình của Liên hợp quốc. Với Liên hợp quốc, Việt Nam cần tuân thủ phù hợp các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền hay Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc28. Ngoài ra, Việt Nam có thể phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) - cơ quan chuyên trách điều phối các hoạt động về môi trường, hỗ trợ các quốc gia trong việc áp dụng các chính sách hợp lý về môi trường29. Việt Nam cần tăng cường làm việc với UNEP để tạo ra các dự án nâng cao nhận thức và vận động hành động vì môi trường hiệu quả. Một chương trình khác mà Việt Nam có thể phối hợp là Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Theo đó, chương trình hạn chế cung cấp hỗ trợ cho các hoạt động có thể góp phần vi phạm nghĩa vụ nhân quyền của Nhà nước và các điều ước nhân quyền quốc tế cốt lõi, và tìm cách hỗ trợ việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người30. Các chương trình và dự án của UNDP bắt buộc phải được cung cấp thông tin bằng phân tích nhân quyền, bao gồm từ các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc. Tương tự, Việt Nam có thể xây dựng một chương trình hành động, đề ra các quy chuẩn cấp phép, đầu tư cho các hoạt động, dự án để đảm bảo các hoạt động, dự án này không vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Bên cạnh đó, dựa theo cơ chế của UNDP, Việt Nam nên phát triển các chương trình dành có các đối tượng bị thiệt thòi như người khuyết tật, người lao động phái tiếp xúc với môi trường làm việc độc hại để họ thực hiện được quyền sống trong môi trường trong lành trên cơ sở bình đẳng với những người khác.
Thứ ba, việc xây dựng các thiết chế chuyên trách về bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành là một hướng đi mới cho Việt Nam. Liên quan đến quyền tiếp cận tư pháp và khởi kiện những chủ thể vi phạm quyền được sống trong môi trường trong lành, ở Việt Nam chưa có một cơ quan chuyên biệt nào được thành lập để giải quyết những vụ việc này. Trong khi đó, những vụ việc liên quan tới môi trường có đặc thù phức tạp, cần phải có đội ngũ Thẩm phán có chuyên môn về môi trường để xác định đúng đắn tính chất vụ việc, mức độ thiệt hại đối với việc thụ hưởng quyền được sống trong môi trường trong lành. Việt Nam cần xem xét nghiên cứu, xây dựng một thiết chế tư pháp tương tự, với mô hình cụ thể. Về địa vị pháp lý, cần thành lập các Toà án chuyên trách về môi trường trực thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Thêm vào đó, trước hết chỉ nên thành lập Tòa môi trường tại một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và xuất hiện nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề môi trường. Việc thành lập này dựa trên những cơ sở như: (i) Gánh nặng về chi phí hoạt động cũng như việc thiếu những thẩm phán có kinh nghiệm, kiến thức về môi trường khiến cho việc thành lập Tòa chuyên trách về môi trường ở cấp huyện, ở cấp tỉnh tại mọi địa phương là bất khả thi; (ii) Sự chênh lệch về mức độ phát triển kinh tế xã hội, kéo theo đó là sự phân hoá về mức độ nghiêm trọng của những vấn đề về môi trường, dẫn đến việc yêu cầu về giải quyết những vụ việc về môi trường ở các địa phương là không đều31; (iii) Cần phải thực hiện thí điểm hoạt động của Toà môi trường tại một số địa phương và xem xét tính hiệu quả, những mặt hạn chế của Toà án chuyên trách này trước khi mở rộng thành lập tại nhiều địa phương khác nhau...32. Về đội ngũ nhân sự của Toà án chuyên trách về môi trường, cần chú trọng đến 3 nhóm đối tượng sau: Thẩm phán, hội thẩm nhân dân và đội ngũ chuyên gia tư vấn. Trong đó, đội ngũ thẩm phán có thể lựa chọn từ những người có kiến thức về môi trường hoặc đào tạo, tập huấn kiến thức về môi trường cho đội ngũ thẩm phán sẵn có, trong khi đó hội thẩm nhân dân có thể ưu tiên lựa chọn những vị chuyên gia về môi trường tham gia trực tiếp xét xử. Ngoài ra, để hỗ trợ Tòa án giải quyết những vấn đề phức tạp, có tính kỹ thuật cao về môi trường, cần phải có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để hỗ trợ thẩm phán, hội thẩm thực hiện hiệu quả công tác xét xử của mình. Bên cạnh đó, cần xây dựng những thiết chế chuyên biệt về vấn đề quyền con người và môi trường nhằm nâng cao vai trò giám sát việc ban hành và thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành mọi người. Những thiết chế này có thể được trao quyền đưa ra khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan tới quyền được sống trong môi trường trong lành, cũng như thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng về vấn đề thực thi quyền con người này.
Như vậy, bài viết đã tìm hiểu nội hàm của quyền được sống trong môi trường trong lành trong luật pháp quốc tế và quy định tại một số khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những thách thức khi áp dụng quyền được sống trong môi trường trong lành tại Việt Nam, bao gồm: (i) tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và bảo đảm thực thi quyền con người này; (ii) học tập, phối hợp tích cực với các cơ quan quốc tế như các cơ quan của Liên hợp quốc hay Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Programme - UNDP); và (iii) đề xuất áp dụng mô hình một Tòa án chuyên trách về lĩnh vực môi trường và quyền con người.
Đinh Thị Tùng Lâm - Trịnh Linh Nhi
Sinh viên Khóa 47, Học viện Ngoại giao
Trịnh Bình Minh
Sinh viên Khóa 48, Học viện Ngoại giao
Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 43 (12/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Doãn Hồng Nhung, Quyền con người trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường với vấn đề phát triển bền vững ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, năm 2015.
(2) J. Lee, The Underlying Legal Theory to Support a Well-Defined Human Right to a Healthy Environment as a Principle of Customary International Law, năm 1999, tr. 285.
(3) Erin Eacott, A Clean & Healthy Environment: The Barriers & Limitations of This Emerging Human Right, năm 2001, tr.91.
(4);(5) Theo Báo cáo của đặc phái viên về nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến quyền thụ hưởng một môi trường an toàn, trong sạch, lành mạnh và bền vững tại Khóa họp lần thứ 43 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
(6) Xem thêm tại Điều 11 Nghị định thư bổ sung vào Công ước châu Mỹ về Nhân quyền trong lĩnh vực các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa San Salvador năm 1988.
(7) Xem thêm tại Điều 87 Hiến pháp Nam Tư năm 1974.
(8) Erin Eacott, A Clean & Healthy Environment: The Barriers & Limitations of This Emerging Human Right, Dalhousie Journal of Legal Studies, năm 2001, trang 90.
(9) Alan Boyle, Human Rights and the Environment: A Reassessment, 18 Fordham Environmental Law Review, năm 2010, tr. 471-511.