Bài viết này sẽ tập trung phân tích các tư tưởng về quyền con người trong thời kỳ cổ đại, với trọng tâm là triết học Hy Lạp, đồng thời làm rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận của các triết gia tiêu biểu như Socrates, Plato, Aristotle, Epicurus …. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được nền tảng triết học sơ khai cho khái niệm quyền con người và ảnh hưởng của chúng đến các thời kỳ sau.
1. Đặt vấn đề
Quyền con người là một khái niệm quan trọng trong lịch sử tư tưởng phương Tây, bắt nguồn từ thời cổ đại. Các nhà tư tưởng thời kỳ này không bàn trực tiếp đến khái niệm “nhân quyền” hay “quyền con người” như một đối tượng nghiên cứu và thảo luận. Nhưng, họ đã bàn nhiều đến các giá trị mà quyền con người đã bao hàm trong đó như “công bằng” , “bình đẳng”, “phẩm hạnh”, “tự do”…. Vì vậy, khi xem xét tư tưởng về quyền con người thời kỳ này, chúng ta cần xem xét tư tưởng của họ về các giá trị bao hàm đó.
Quyền con người đồng thời cũng là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài, gắn liền với những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa và triết học của xã hội loài người. Thời kỳ cổ đại, đặc biệt là ở Hy Lạp, là giai đoạn mà những ý tưởng đầu tiên về vị trí của con người trong xã hội, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cũng như các giá trị tự do, công bằng, bình đẳng và hạnh phúc bắt đầu được định hình.
Bài viết này sẽ tập trung phân tích các tư tưởng về quyền con người trong thời kỳ cổ đại, với trọng tâm là triết học Hy Lạp, đồng thời làm rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận của các triết gia tiêu biểu như Socrates, Plato, Aristotle, Epicurus …. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được nền tảng triết học sơ khai cho khái niệm quyền con người và ảnh hưởng của chúng đến các thời kỳ sau.
2. Bối cảnh lịch sử phương Tây thời cổ đại
Tư tưởng phương Tây thời cổ đại dược tập trung ở hai trung tâm lớn là Hy Lạp và La Mã, nơi được coi là cội nguồn của tư tưởng, văn hóa phương Tây cho đến tận ngày nay. Các giá trị của quyền con người (QCN) là một trong những nội dung cơ bản của triết học Hy – La cổ đại, được hình thành trước hết dựa trên những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của chế độ chiếm hữu nô lệ Hy- La cổ đại.
Về điều kiện tự nhiên, Là một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Địa Trung Hải, có nhiều vũng, vịnh, thuận lợi cho việc lập những hải cảng. Khu vực này còn có nhiều khoáng sản tương đối dễ khai thác như đồng, vàng, bạc… điều kiện địa lý tự nhiên đã giúp Hy Lạp có nền kinh tế dựa trên thủ công nghiệp và thương nghiệp, nhất là buôn bán đường biển rất phát triển, đồng thời vừa có lợi thế trong giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của nền văn minh cổ đại phương Đông. Hy Lạp là một trong những đỉnh cao của nền văn minh nhân loại thời cổ đại, nơi có nền văn hóa phát triển vô cùng rực rỡ với sự phong phú, đa dạng. Đây là cái nôi của triết học phương Tây, văn học (Homer, Hesiod), toán học (Pythagoras, Euclid), lịch sử (Herodotus), kịch (Sophocles, Euripides, Aistophanes), của thế vận hội Olympic và nền dân chủ.
Về phương diện xã hội, thời kỳ Home (thế kỷ XI-IX TCN) ở Hy Lạp đã chớm bắt đầu quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc, được thúc đẩy bởi sự phân công lao động lần thứ nhất, diễn ra trong nông nghiệp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Đặc trưng cơ bản thời kỳ này là sự chuyển từ “chế độ dân chủ quân sự” (vừa có những thủ lĩnh quân sự đầy quyền uy, đồng thời lại có sự tồn tại của các đại hội nhân dân) sang thời kỳ xuất hiện có giai cấp và nhà nước (thế kỷ VIII-V TCN). Chế độ sở hữu công cộng của thị tộc từng bước được thay thế bởi chế độ tư hữu. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, thủ công nghiệp là lực đẩy quan trọng cho trao đổi, buôn bán, giao lưu với các vùng lân cận. Sự hưng thịnh của kinh tế thời kỳ này đã kích thích quá trình vượt biển tìm đất mới, dẫn đến những cuộc di thực ồ ạt, xâm chiếm các khu vực láng giềng, bắt người làm nô lệ. Sự phát triển và ngày càng lấn át của chế độ tư hữu làm cho số lượng nô lệ tăng lên đông đảo, dẫn tới sự thay đổi, phân hóa giai cấp diễn ra sâu sắc trong xã hội, với ba giai cấp chính: quý tộc, bình dân và nô lệ. Mâu thuẫn đối kháng phát triển ngày càng gay gắt, không thể điều hòa và dẫn đến sự ra đời của nhà nước, trên cơ sở sự tan rã của xã hội thị tộc, hầu như không có sự can thiệp bạo lực từ bên ngoài.
Về phương diện kinh tế, Trong thế kỷ V-IV TCN, nền kinh tế Aten (một thành bang theo thể chế cộng hòa dân chủ của Hy Lạp cổ đại) đạt tới sự cực thịnh với sự phát triển của công thương nghiệp và hàng hải. Tuy nhiên, nền kinh tế Hy Lạp cơ bản vẫn tồn tại và phát triển dựa trên cơ sở bóc lột sức lao động của nô lệ. Nô lệ là tài sản riêng, thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Họ chỉ là những “công cụ biết nói”, không có tài sản riêng, không có gia đình riêng và cũng không có tên gọi riêng. Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư và trong hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội, nhưng địa vị của nô lệ quá thấp hẹn, thân phận mong manh và bị bóc lột một cách tàn nhẫn. Làm cho mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô và nô lệ trở thành mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, đây cũng là đặc trưng cơ bản của chế độ chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp cổ đại.
Về phương diện văn hóa, cùng với sự hình thành các thị quốc, nền văn hóa cũng được xác lập, trở thành bộ phận hữu cơ của đời sống xã hội Hy Lạp cổ đại. Biểu hiện ra ngoài là hệ thống các giá trị tinh thần mới là sự duy lý hóa tư duy, ý thức về nhân cách, ca ngợi lòng quả cảm và năng lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên, các quan niệm về tự do, đạo đức cao quý. Thế kỷ IV TCN, Hy Lạp lâm vào sự khủng hoảng. Đến năm 146 TCN, bị chinh phục và sát nhập vào đế quốc La Mã. Nhưng chính đế quốc La Mã lại bị Hy Lạp chinh phục về văn hóa. Engels đã nhận xét “không có cơ sở văn minh Hy Lạp và đế quốc La mã thì không có châu Âu hiện đại được”. Thời kỳ này, sự giao lưu văn hóa Đông – Tây diễn ra mạnh mẽ và phổ biến. Người Hy Lạp tiếp thu được nhiều thành tựu văn hóa, khoa học của các nước phương Đông, với sự phát triển rực rỡ của các môn khoa học tự nhiên, như toán học (Euclit, Thalet, Acsimet…), thiên văn học (Arintakhơ, Xamoxki, Ptoleme…). Ph.Ăngghen đánh giá cao giai đoạn Hy Lạp hóa trong lịch sử khoa học tự nhiên cổ đại và cho rằng “Những bước đầu nghiên cứu một cách chính xác giới tự nhiên ở người Hy Lạp chỉ đến thời Alecxandro mới được tiếp tục phát triển”[1].
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
3. Tư tưởng về quyền con người
a) Heraclit (khoảng 540-475 TCN)
Ông sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp chủ nô quý tộc thành Êphedo-trung tâm kinh tế, văn hóa của Hy Lạp cổ đại.
Trong lý giải về nguồn gốc của vạn vật cũng như con người, ông xuất phát từ lập trường duy vật, cho rằng dạng vật chất ban đầu với tư cách bản nguyên của thế giới, cơ sở duy nhất và phổ biến của tất cả mọi sự vật hiện tượng là từ lửa. Lửa trong quan niệm của Heraclit không phải là lửa thông thường có thể quan sát bằng kinh nghiệm, mà nó là nguồn gốc của vạn vật, là khởi nguyên của sự sống. Vũ trụ luôn luôn đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh viễn bùng cháy. Ông khẳng định, các sự vật hiện tượng đều phát sinh từ lửa, nghĩa là, mọi dạng khác nhau của vật chất chỉ là những trạng thái chuyển hóa khác nhau của lửa mà thôi. Có thể thấy, cách quan niệm này của Heraclit về lửa, có sự tương đồng với “Đạo” của Lão tử trong tư tưởng Đạo gia ở phương Đông[2]. Điều này cũng cho thấy rằng, mặc dù không bàn đến sự tồn tại, đối lập và bất công của hệ thống đẳng cấp trong xã hội, Heraclit cũng đã nhìn thấy sự “bình đẳng trong nguồn gốc” của mọi người.
- Bên cạnh đó, Heraclit còn thể hiện sự bình đẳng khi cho rằng, mọi người đều có tư duy. Tuy nhiên, theo ông, không phải ai cũng có thể thấy rằng họ đã gặp những gì và hiểu những gì. Do đó, người ta cũng không hiểu được cái logos phổ biến mà họ cần phải tuân thủ. Việc tuân thủ logos không chỉ có nghĩa là tư duy đúng đắn, mà còn là hành động đúng đắn, tức là lắng nghe tự nhiên và hành động phù hợp với nó, nhưng ít người làm được điều này. Dấu hiệu cơ bản về tính sáng suốt đích thực của con người, theo Heraclit, là ở việc nhận thức được logos của tồn tại. Việc đánh giá con người về mặt đạo đức- chính trị của ông căn cứ vào trình độ đạt tới logos của họ. Dựa vào đó mà phân biệt người thông thái với kẻ thiểu năng, người tốt với kẻ xấu.
-Heraclit phê phán chế độ dân chủ, bởi theo ông, việc đám đông nắm quyền sẽ không còn chỗ cho những người ưu tú, những người tốt nhất. Với ông, một người tốt còn bằng hàng vạn người khác nên ông ủng hộ sự cầm quyền của thiểu số được coi là những người “tốt nhất”. Cách nhìn nhận này cũng có phần nào giống với Platon mà sẽ được trình bày ở phần sau.
b) Democrit (khoảng 460-370 TCN)
Ông là người có sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực, như triết học, đạo dức họ, tâm lý học, toán học, vật lý học, sinh vật học. C.Mác và Ph.Ăngghen coi ông là “một bộ óc bách khoa đầu tiên trong những người Hy Lạp”[3].
- Cũng giống như Heraclit về tính bình đẳng trong nguồn gốc, ông cho rằng, mọi sự vật hiện tượng trong thế giới chúng ta, kể cả con người, đều được tạo ra từ một nguồn. Có khác chăng ở đây, Democrit coi nguyên tử và khoảng không là nguồn gốc của mọi sự vật. Sự kết hợp hay phân tán các nguyên tử là nguồn gốc của sự xuất hiện, tiêu vong của mọi sự vật hiện tượng, còn sự biến đổi của chúng thì chẳng qua là sự thay đổi trình tự sắp xếp của các nguyên tử tạo nên chúng mà htôi.
-Ông coi con người như một động vật, nhưng về bản tính có khả năng học được bất kỳ cái gì (điểm này có thể giống với Heraclit khi nói rằng, mọi con người đều có khả năng tư duy). Chính khả năg đó làm nên bản chất thiên thần của con người. Ông thừa nhật trong con người có một phần bản chất thiên thần. Nếu so sánh với Phật giáo, khi quan niệm rằng, mọi người đều có phật tính, tức là bản chất thiện trong mỗi con người, thì cũng có phần nào tương tự. Bản chất thiên thần, phật tính… hay được thể hiện bằng ngôn từ nào đi nữa, thì đó cũng chính là phẩm giá, nhân phẩm của mỗi con người, là một trong những thành tố cốt lõi của quyền con người.
- Trong tư tưởng của Democrit, tự do và hạnh phục là mục tiêu của con người, là một trạng thái trong đó linh hồn sống trong bình yên, không bị quấy rầy bởi sự lo sợ hay mê tín hay bất kỳ một tình cảm nào khác tương tự. Người có đầu óc đúng đắn là người không buồn phiền về những cái mà anh ta không có, nhưng lại biết hưởng thụ những cái mà anh ta có. Cách nhìn nhận này thật giống với quan điểm của Phật giáo về “hạnh phúc trong hiện tại”. Trạng thái tự do, hạnh phúc này của con người, cũng gần đạt tới cảnh giới niết bàn của nhà phật chăng.
- Đi sâu hơn nữa, Democrit còn thể hiện lập trường đấu tranh chống chuyên chế, kêu gọi tự do và bảo vệ cho nền dân chủ Aten. Theo ông, cái nghèo trong một nhà nước dân chủ sẽ tốt hơn cuộc sống hạnh phúc trong sự chuyên chế, cũng giống như tự do sẽ tốt hơn nô lệ. Ông khẳng định, thà nghèo mà được tự do, dân chủ còn hơn là giàu có nhưng mất dân chủ và tự do. Mặc dù không vượt ra khỏi nền dân chủ chủ nô, nhưng cách hiểu này của Democrit có rất nhiều điểm tương đồng với quan điểm hiện đại về mối quan hệ giữa dân chủ và quyền con người trong thời hiện đại ngày nay.
c) Epiquya (341-270 TCN)
Ông là người kế tục, đồng thời bổ sung và phát triển học thuyết của Democrit, do vậy mà thế giới quan của ông của có nhiều điểm kế thừa.
Theo Epiquya, cuộc sống hiện thực của con người có nhiều bất công.
Epiquya coi nhiệm vụ chủ yếu của triết học (trong thời kỳ này, triết học là khoa học của mọi khoa học, nên có thể coi khi bàn đến triết học, là bàn đến tri thức nói chung) là lý giải những vấn đề đào đức – được hiểu như là nền tảng hoạt động của con người hướng đến tự do.
-Phát triển xa hơn những ý tưởng về xã hội mà Democrit đã đề cập, Epiquya thể hiện cách nhìn biện chứng khi cho rằng, sự đánh giá hành vi nào đó của con người là chính nghĩa hay phi chính nghĩa, phụ thuộc vào hoàn cảnh và sự biến đổi của những điều kiện nhất định. “Nếu các hành vi được thừa nhận là chính nghĩa, khi hoàn cảnh thay đổilại hóa ra là không phù hợp với quan niệm tự nhiên về sự chính nghĩa, thì các hành vi đó là phi nghĩa. Song nếu hoàn cảnh thay đổi mà chính các hành vi đã được thừa nhận là chính nghĩa, lại không còn hữu ích, thì chúng vẫn là chính nghĩa khi chúng còn là hữu ích cho sự giao tiếp qua lại giữa các công dân, nhưng sau đó,, khi chũng không còn là hữu chs nữa, thì chúng cũng không còn chính nghãi nữa”. Nhìn một cách giản đơn hơn, có thể nói, Epiquya đã nhìn nhận ra tính đặc thù của quyền con người, hay nói cách khác, để đánh giá một hành vi mang tính “nhân quyền” hay không, không thể có sự đánh giá chung chung, trừu tượng, mà cần dựa vào bối cảnh lịch sử cụ thể mà hành vi đó diễn ra.
-Đặc biệt hơn, Epiquya còn bàn tới mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, ông cho rằng, xã hội bị quy định bởi các cá nhân đơn lẻ, cá nhân có trước và quyết định mọi quan hệ giữa người với người trong xã hội. Do đó, không phải con người sống vì nhà nước, mà trái lại, nhà nước và xã hội phải bảo đảm cho hạnh phúc trong cuộc sống cá nhân của con người. Để đảm bảo quyền con người được thực hiện, có nhiều chủ thể tham gia, trong đó nhấn mạnh và trước hết đó chính là Nhà nước. Đây chính là quan điểm hiện đại được đề cập trong văn bản… của Liên hợp quốc. Và được coi là một trong những điểm sáng trong tư tưởng hiện đại về quyền con người trong thời đại mới. Tuy nhiên, nhìn nhận lại, cách đây hơn 2000 năm, trong chế độ chiếm hữu nô lệ, Epiaquya đã đề cập tới rồi.
(Còn tiếp)
TS. Nguyễn Thế Anh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] C.Mac và Ph.Ăngghen, Toàn tập, t20, tr.36
[2] Trong Đạo đức kinh, “Đạo” được coi là khởi thủy của vạn vật. Vô danh thiên địa chi thủy, Hữu danh vạn vật chi mẫu.
[3] C.Mac và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3. Tr.18