Nhất quán quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt chú trọng đến an ninh con người (ANCN). Từ năm 2021 đến nay, trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực có những biến động khó lường, đất nước bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, với quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, phát triển toàn diện con người. Bài viết khái quát những kết quả nổi bật trong thực hiện đường lối của Đảng về đảm bảo ANCN trong Nghị quyết Đại hội XIII, trên cơ sở đó dự báo một số vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
1. Định hướng của Đảng về đảm bảo an ninh con người trong Nghị quyết Đại hội XIII
Có nhiều cách quan niệm về ANCN, với góc độ nghiên cứu, bài viết tiếp cận theo định nghĩa của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) : “An ninh con người là sự an toàn của con người trước các mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những sự cố bất ngờ, gây tổn thương trong cuộc sống hàng ngày, dù ở trong nhà, ở nơi làm việc hay trong cộng đồng”[1].
Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người và ANCN được Đảng ta chú trọng trong suốt quá trình lãnh đạo, được xác lập trong các Nghị quyết, Hiến pháp, pháp luật. Trong Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng nhất quán: “Con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”[2]; “Khơi dậy… tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[3]. Theo đó,
vấn đề ANCN được Đảng ta đề cập đến như là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phát triển toàn diện con người: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, ANCN; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh… thực hiện phúc lợi xã hội, an sinh xã hội”[1].
Nhằm đảm bảo ANCN một cách toàn diện, quan tâm đến các đối tượng yếu thế, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”[2]; “Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi… Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”[3].
Để đạt được mục tiêu phát triển vì con người, giải pháp quan trọng mà Đảng xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ vững và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[4]. Xác định “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”, văn hoá thực sự là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển đất nước”.
“Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội”; “Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội… tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”[5]. Quan điểm xác định trong Nghị quyết số 42-NQ/TW (ngày 24/11/2023) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới” cho thấy sự chuyển hướng tiếp cận chính sách xã hội từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, ANCN, an ninh xã hội...
2. Một số kết quả về bảo đảm an ninh con người từ 2021 đến 2024
Thứ nhất, an ninh kinh tế được đảm bảo và nâng cao.
An ninh kinh tế là yếu tố cơ bản trong nội hàm của ANCN. Những năm qua, dù nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19 cũng như bất ổn chính trị - xã hội của khu vực, thế giới song Chính phủ luôn nỗ lực để phục hồi, phát triển kinh tế, vì sự ổn định đời sống nhân dân. Theo đó, nếu năm 2021 tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58% thì năm 2022 tăng lên 8,02%. Năm 2024, mức tăng trưởng ước đạt khoảng 7%. Sự gia tăng kinh tế trong điều kiện kiểm soát lạm phát, mức sống thực tế của người dân tăng lên (theo báo cáo, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có tỉ lệ lạm phát thấp của thế giới (dưới 3,2%)). Kết quả đó là nền tảng quan trọng để thực hiện các mục tiêu xã hội, vì con người.
Một kết quả khác đáng quan tâm là, trong khi ước tính thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 tính cả 2 năm (2020 - 2021) lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD; tạo ra điểm nghẽn của chuỗi kinh tế; gây áp lực đến các mục tiêu khác… Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng. Tính riêng năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP trên 2,58%; kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt trên 633,22 tỷ USD (trong đó xuất khẩu hơn 317,45 tỷ USD), tăng 22,4%[6], đưa Việt Nam trở thành nước xuất siêu 6 năm liên tiếp; cũng là đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cùng với gia tăng tỷ trọng thương mại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng gia tăng. Việt Nam thu hút trên 29 tỷ USD trong năm 2021, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020.
Điều quan trọng nữa là, những năm qua nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Năm 2021, thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế", có nhiều giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu. Năm 2022, Nhà nước đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỉ đồng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Năm 2024, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơn bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc. Song với những giải pháp cấp bách và kịp thời của Chính phủ, hoạt động kinh tế - xã hội nhanh chóng khôi phục, tạo đà để cả năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7%.
Thứ hai, an sinh xã hội đảm bảo tính hiệu quả, thực sự vì con người.
Năm 2021 là năm đánh dấu nhiều quyết sách của Chính phủ trong bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã triển khai Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; bao phủ vaccine đến toàn dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch, điều trị bệnh... Trong 03 năm phòng, chống dịch, Nhà nước hỗ trợ hơn 120.000 tỉ đồng và hơn 200.000 tấn gạo cho trên 68 triệu lượt người dân gặp khó khăn; trích hơn 38.000 tỉ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động[7].
Sau bão Yagi (9/2024), nhằm giúp các địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ nhanh chóng phục hồi, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện 6 nhóm giải pháp cấp bách và 8 nhóm giải pháp ổn định đời sống nhân dân với phương châm: Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm “không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày”[8]. Chính phủ thực hiện các đợt hỗ trợ, trích dự phòng ngân sách Trung ương 430 tỉ đồng và xuất 432.585 tấn gạo để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói[9]. Và việc tổ chức xây dựng 40 nhà tái định cư cho người dân Thôn Làng Nủ (Lào Cai) là một giải pháp và việc làm mang ý nghĩa lịch sử, đảm bảo ANCN trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa…
Các chính sách an sinh xã hội được triển khai sâu rộng. Đã có 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế[10]; Chính phủ đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn (tính đến 2020)[11]; các chính sách xóa đói, giảm nghèo cũng được tăng cường. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2,9% (2022). Chính sách tiền lương mới được triển khai từ ngày 01/07/2024 cũng là một kết quả nổi bật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ngày càng được quan tâm. Việt Nam cũng thực hiện tốt các khía cạnh về giảm tỉ lệ tử vong mẹ, tăng tỉ lệ đi học của trẻ em gái, và phụ nữ tham gia lực lượng lao động… điều đó đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ.
Thư ba, chỉ số phát triển con người ngày càng tăng bậc.
Chỉ số phát triển con người được coi là thước đo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 được UNDP tại Việt Nam công bố ngày 09/09/2022: Chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam là 0,726 (2021), đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu. Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhận định: “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch COVID-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua”[12]. Đó là kết quả của những chính sách đúng đắn, hiệu quả và nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người dân.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam là một minh chứng rõ ràng về sự phát triển chỉ số con người. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.694 USD; năm 2022 tăng lên 4.110; năm 2023 chỉ số này đạt là 4.347 USD và năm 2024 ước đạt 4.469 USD[13].
Ở Việt nam những năm qua, Đảng và Nhà nước triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao... Vì vậy, trình độ học vấn, mức sống của người dân được tăng lên rõ rệt qua các năm.
Thứ tư, hệ thống pháp luật về quyền con người ngày càng được hoàn thiện.
Những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân. Hàng năm, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng nhiều đạo luật mới, như: Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật An ninh mạng (năm 2018)... Các quy định của những bộ luật này đều nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, quyền con người.
Pháp luật về kinh tế xây dựng theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân cũng được chú trọng. Năm 2023 và 2024, có nhiều luật được thông qua và thực thi như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Căn cước, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giá, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai… Hệ thống luật đã cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và Nghị quyết, chính sách của Đảng về đảm bảo ANCN trên tất cả các phương diện xã hội.
3. Một số vấn đề đặt ra
Trong những năm tới, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, những vấn đề toàn cầu như thiên tai, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống (nhất là an ninh
mạng), ô nhiễm môi trường,… được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Những vấn đề đó là thách thức đối với Việt Nam trong việc đảm bảo ANCN. Vì vậy, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng tạo ra những bất ổn trong đảm bảo ANCN như sự phân hóa giàu – nghèo; tội phạm kinh tế gia tăng; trong khi mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam là “cần một xã hội mà trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”[14]. Vì vậy, để phát huy quyền công dân, quyền con người, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, đảm bảo người dân được thụ hưởng lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa… một cách đầy đủ, hài hòa. Bởi chỉ khi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mang tính toàn diện và pháp lý cao nhất thì khi đó con người mới có điều kiện phát triển toàn diện. Đây cũng là “bức tường chắn” không để các thế lực phản động lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá. Cùng với đó, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao thu nhập và đảm bảo sự bình đẳng. Chú trọng thực hiện an sinh xã hội, nâng cao mức sống của đối tượng yếu thế (mức trợ cấp, chính sách bảo hiểm y tế…). Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kiên quyết xử lý các vi phạm để đảm bảo quyền con người một cách công bằng.
Thứ hai, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm trong quá trình cải cách bộ máy hành chính.
Bên cạnh sự tác động của một số yếu tố như cạnh tranh chiến lược, xung đột giữa các quốc gia thì ở nước ta, việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm của người dân. Đặc biệt, công tác cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được triển khai mạnh mẽ, nhất là sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… điều đó sẽ tác động lớn đến cơ cấu việc làm cũng như tâm lý xã hội. Vì vậy, để đảm bảo ANCN không bị đe dọa bởi các nguy cơ thì Chính phủ, các bộ ngành chức năng cũng cần chú trọng gia tăng các kênh tạo việc làm thông qua hợp tác quốc tế; có chính sách hỗ trợ vốn, thuế nhằm thúc đẩy người dân tự chủ sáng tạo phát triển ngành nghề; xây dựng luật, chính sách, chế độ phù hợp, chủ động phòng tránh những lỗ hổng xã hội sau quá trình cải cách.
Thứ ba, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là trên không gian mạng.
An ninh con người gắn liền với an ninh quốc gia, cần được bảo đảm trên mọi phương diện. Theo đó, trong điều kiện tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, tội phạm mạng gia tăng, sự chống phá, làm xói mòn văn hóa truyền thống dân tộc cũng bộc lộ rõ nét thì việc đảm bảo ANCN cần được quan tâm hơn. Vì vậy cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; chủ động đối phó với các nguy cơ làm mất ổn định chính trị như khủng bố, nguy cơ an ninh lương thực; lành mạnh các quan hệ xã hội. Thực thi nghiêm Luật An ninh mạng; đổi mới công nghệ và đảm bảo an toàn mạng để người dân yên tâm tham gia các dịch vụ, giao dịch điện tử. Phòng chống các biểu hiện xâm phạm, bôi nhọ danh dự của người khác trên các trang mạng xã hội.
Kết luận
Với quan điểm coi con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển, những năm qua việc đảm bảo ANCN, tạo điều kiện để phát triển toàn diện con người được Đảng ta xác định là một yêu cầu cốt lõi trong quá trình hướng tới phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cùng với tăng trưởng kinh tế, Đảng chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội; tạo điều kiện để mọi người dân thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới. Những kết quả đạt được trong đảm bảo ANCN ở Việt Nam là minh chứng cho bản chất ưu việt của chế độ, của đường lối lãnh đạo mà Đảng tiến hành. Kết quả đó sẽ tạo sự gắn kết “Ý Đảng, lòng dân”, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc – nhân tố quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
ThS Đỗ Thị Quỳnh Anh, ThS Nguyễn Văn Huế
Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường Đại học Nguyễn Huệ - Bộ Quốc phòng
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.116
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.202
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.271
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.202
[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-42-NQ-TW-2023-doi-moi-nang-cao-chat-luong-chinh-sach-xa-hoi-xay-dung-To-quoc-589023.aspx
[6] https://vneconomy.vn/techconnect//xuat-nhap-khau-vut-sang-muc-tieu-660-ty-usd-da-can-ke.htm
[7] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nghi-quyet-so-143-nq-cp-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-119240918043109252.htm
[8] Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử, dẫn theo https://baochinhphu.vn/thu-tuong-6-nhom-nhiem-vu-giai-phap-lon-sau-sieu-bao-lich-su-102240915121451353.htm (15/09/2024)
[9] Hương Giang – Chính phủ báo cáo Quốc hội: Bão số 3, http://thanh tra.com.vn/, ngày 22/10/2024.
[10] https://baohiemxahoi.gov.vn/chidaodieuhanh/pages/thong-tin-bao-chi.aspx?ItemID=23225&CateID=125
[11]https://brvt.baohiemxahoi.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=6618&IsTA=False
[12] Chỉ số HDI của Việt Nam tăng điểm https://nhandan.vn/chi-so-hdi-cua-viet-nam-tang-diem-post800470.html
[13] https://vtcnews.vn/quy-mo-kinh-te-viet-nam-sap-vuot-singapore-len-thu-nhap-trung-binh-cao-2025-ar915843.html#:~:text=Tuy%20nhi%C3%AAn%2C%20c%C5%A9ng%20theo%20CEBR,thu%20nh%E1%BA%ADp%20trung%20b%C3%ACnh%20th%E1%BA%A5p.
[14] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.21.
[1] TS. Nguyễn Đức Hòa, Pháp luật về an ninh con người của phạm nhân ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay – Những vấn đề đặt ra và hướng hoàn thiện, https://iluatsu.com/hinh-su/phap-luat-ve-an-ninh-con-nguoi-cua-pham-nhan-o-viet-nam/. Ngày truy cập 21/04/2021.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 47
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Sđd, tr.116