Quyền con người được xác định “là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”[1]. Trong lịch sử phát triển của nhân loại cũng như của mỗi quốc gia, con người luôn là trung tâm và là mục tiêu phấn đấu của cộng đồng quốc tế. Những thành tựu pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia đều hướng tới bảo vệ, phục vụ con người trên nền tảng an ninh con người phải được bảo đảm nhằm mục đích xây dựng cuộc sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho mỗi con người trong tiến trình phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nguồn: qdnd.vn

1. Khái quát về an ninh con người

* Khái niệm an ninh con người

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhằm lý giải câu hỏi thế nào là an ninh con người, nhưng các cách thức tiếp cận đều thừa nhận con người có quyền được bảo vệ an toàn và an ninh đối với bản thân họ. Nói cách khác, con người phải được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài đối với bản thân mình và tạo lập cảm giác an toàn trong cuộc sống gia đình, nơi làm việc cũng như trong xã hội. Vì vậy, xuất hiện các quan điểm khác nhau khi định nghĩa an ninh con người.

Quan điểm theo "nghĩa hẹp" định nghĩa an ninh con người tập trung chủ yếu vào các mối đe dọa bằng bạo lực đối với các cá nhân, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Kofi Annan cho rằng: "An ninh là việc bảo vệ các cộng đồng và các cá nhân khỏi bạo lực từ bên trong" [2]. Vì thế, quan niệm này thường tập trung phân tích và nghiên cứu chiến tranh, xung đột, bạo lực... và các tác động của chúng tới con người. Theo nghĩa này, an ninh con người gồm nhiều cách tiếp cận nhằm ngăn chặn và giải quyết các xung đột bạo lực, bảo vệ thường dân ở những nơi xung đột diễn ra và tăng cường năng lực của Nhà nước để bảo đảm an ninh cho người dân. Đặt con người vào trung tâm chính sách an ninh sẽ tăng cường an ninh quốc gia và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển ấm no của con người. An ninh của từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế suy cho cùng sẽ đòi hỏi phải ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột trong biên giới quốc gia.

Quan điểm theo nghĩa rộng thể hiện rõ nhất tại "Báo cáo phát triển con người" năm 1994, an ninh con người có hai khía cạnh: (1) An toàn trước các mối đe dọa triền miên như đói khát, bệnh tật, áp bức; (2) Con người cần được bảo vệ trước những biến động bất thường và có hại đối với cuộc sống hàng ngày dù ở trong gia đình, nơi công sở hay ở cộng đồng. Ủy ban an ninh con người của Liên hợp quốc định nghĩa an ninh con người là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, nghĩa là bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa và tình huống nguy hiểm và hiện hữu ở khắp mọi nơi. Nói cách khác, cần phải tạo dựng cùng lúc các hệ thống chính trị, pháp luật, môi trường, kinh tế, quân sự và văn hóa để giúp con người đặt nền móng cho sự tồn tại, cho cuộc sống của bản thân và nhân phẩm của chính mình. Nhiều nước trên thế giới ủng hộ cách tiếp cận này của Liên hợp quốc, nhất là các nước châu Á. 

Như vậy, cho dù còn nhiều cách hiểu và quan niệm khác nhau nhưng trên phương diện quốc tế thì cách tiếp cận của Liên hợp quốc về an ninh con người là đầy đủ và cần thiết. Bởi lẽ từ cách tiếp cận đó mỗi quốc gia tùy thuộc đặc thù điều kiện riêng của mình để xử lý vấn đề an ninh con người sao cho hiệu quả nhất. Tất nhiên, kết quả có thể khác nhau nhưng đều thể hiện nỗ lực chung của các quốc gia, đó là hợp tác và phát triển vì con người.

Từ các quan điểm trên đây, có thể khẳng định: An ninh con người là những bảo đảm bằng pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia để con người không bị đe dọa trước các mối nguy hiểm và tạo lập một cuộc sống an toàn, phát triển.

* Các yếu tố cấu thành an ninh con người

Báo cáo phát triển con người của UNDP năm 1994 đã miêu tả chi tiết an ninh con người: "Nó có nghĩa là an toàn từ các mối đe dọa đói nghèo, bệnh tật, tội phạm, sự đàn áp. Nó cũng có nghĩa bảo vệ khỏi sự đổ vỡ có hại và bất ngờ trong mẫu hình của đời sống hàng ngày tại gia đình, công việc, trong cộng đồng hay trong môi trường của chúng ta"[3]. Cụ thể hơn, an ninh con người nghĩa là trẻ em không bị chết, các bệnh tật sẽ không lan truyền, các công việc sẽ không bị mất, các căng thẳng cộng đồng sẽ không chuyển thành xung đột bạo lực và những người không theo đạo, không bị cưỡng bức phải im lặng. Báo cáo cũng khẳng định an ninh con người được cấu thành từ bảy yếu tố, đó là: An ninh kinh tế (bảo đảm việc làm và thu nhập); an ninh lương thực (không bị thiếu ăn); an ninh sức khỏe (không bị dịch bệnh); an ninh môi trường (không bị ô nhiễm về không khí, nguồn nước…); an ninh cá nhân (không bị đe dọa, bắt bớ giam cầm); an ninh cộng đồng (duy trì bản sắc văn hóa, đặc trưng dân tộc) và an ninh chính trị (bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người về dân sự, chính trị). Thực chất, an ninh con người được xác lập trên nền tảng của bảy yếu tố và để đảm bảo cho an ninh con người thì các yếu tố đó phải được đảm bảo và duy trì ở mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi thế giới. Điều này phản ánh mối quan hệ biện chứng theo đó việc bảo đảm lĩnh vực này là tiền đề cho an ninh của lĩnh vực hoặc chủ thể khác. Mặc dù các quốc gia chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm về an ninh con người nhưng những nội dung của an ninh con người hầu như không bị tranh cãi nhiều, ngoại trừ cách thức làm sao để thực hiện việc đảm bảo an ninh con người dựa trên các yếu tố đó.

Tóm lại, mặc dù còn nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau nhưng thực tế là tất cả các mối quan hệ quốc tế ngày nay đều xoay quanh lợi ích và sự phát triển của mỗi quốc gia trong đó có an ninh con người ở quốc gia đó. Hơn nữa, mỗi quốc gia với đường lối, thể chế chính trị khác nhau nhưng đều hướng tới tạo dựng sự no ấm trong an toàn của người dân. Vì vậy, an ninh con người với những đặc điểm và các yếu tố cấu thành sẽ là tiền đề để mỗi quốc gia có thể hoạch định chính sách, xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân cũng như những chuẩn mực quốc tế. Các yếu tố cấu thành an ninh con người theo quan điểm của Liên hợp quốc, thực chất là những bảo đảm cho an ninh con người mà thiếu nó an ninh con người sẽ khó được trở thành hiện thực. Mặt khác, các yếu tố đó vừa xác định an ninh cho từng cá nhân con người cụ thể nhưng đồng thời nó cũng nhằm khẳng định an ninh cho cả cộng đồng và dân tộc, quốc gia. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Việt Nam khi bàn về vấn đề dân chủ, nhân quyền và an ninh, theo đó mỗi cá nhân con người luôn sống trong một cộng đồng nhất định và lợi ích của cá nhân luôn phải đặt trong lợi ích của cộng đồng và lợi ích cộng đồng đã hàm chứa lợi ích của cá nhân. Đồng thời, nó cũng phản bác lại quan điểm của các nước phương Tây khi nhìn nhận vấn đề an ninh con người và quyền con người, họ đã tuyệt đối hóa cá nhân mà xem nhẹ yếu tố cộng đồng, đề cao quyền của cá nhân mà xem nhẹ quyền của tập thể của dân tộc.

2. Quan điểm của Đảng về an ninh con người

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra một thời kỳ mới, có tính bước ngoặt cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”[4]. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước pháp quyền XHCN, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[5]; nhân dân là chủ nhân của đất nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, nhân dân là chủ thể của quyền và việc bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu cũng như động lực của quá trình phát triển xã hội. Có thể nói, những thành tựu pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia đều hướng tới bảo vệ, phục vụ con người trên nền tảng an ninh con người phải được bảo đảm nhằm mục đích xây dựng cuộc sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho mỗi con người trong tiến trình phát triển.

Với nhận thức như vậy nên an ninh con người phải là vấn đề cốt lõi trong nhận thức và hành động thực tiễn. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, là nhân tố quan trọng để phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển ở nước ta là vì con người và do con người. Do đó, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm, giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và của cả cộng đồng dân tộc, động viên và tạo điều kiện cho người Việt Nam phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước. Lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp [6]. Đảng xác định, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường…coi đó là tiền đề vật chất để đảm bảo an ninh con người.

Quan điểm lấy con người làm trung tâm trong chủ trương, đường lối cũng như pháp luật được coi là nền tảng tư tưởng để Việt Nam tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời hội nhập sâu rộng cùng cộng đồng quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa và sự tham gia hội nhập của Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội để phát triển nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng đứng trước không ít những nguy cơ, thách thức đòi hỏi Việt Nam phải kiên trì quan điểm, nhận thức và có được những giải pháp mang tính chủ động, tích cực. Những vấn đề như việc làm của người dân, sự lan tràn của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng của tội phạm, hậu quả của thiên tai... đang từng ngày, từng giờ trực tiếp tác động tới cuộc sống và sự an lành của người dân. Những vấn đề đó có thể là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, có thể là những mâu thuẫn bên trong mỗi quốc gia hoặc do thảm họa tự nhiên gây ra. Đó là những nguy cơ không chỉ đe dọa tới sự tồn vong, tiến trình phát triển của quốc gia mà hiện hữu hơn còn đe dọa đến cuộc sống thường ngày của người dân. Nhận thức rõ về nó và chủ động ứng phó là trách nhiệm mỗi quốc gia phải làm. Việt Nam phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân và như vậy mục đích cuối cùng cũng là chăm lo cho cuộc sống tốt lành của người dân. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam là thành viên tích cực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đang nỗ lực cùng tất cả các thành viên khác để hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột trong đó có Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN mà mục tiêu chính của cộng đồng này là lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN.

Tiến trình toàn cầu hóa làm cho các quốc gia tăng cường sự giao lưu, hợp tác nhưng quá trình đó cũng tạo tiền đề cho việc nhân rộng các mối đe dọa và một xu hướng an ninh có vẻ như đang đảo ngược: trước đây các nước lớn luôn là mối đe dọa đối với các nước khác thì ngày nay các nước đang phát triển cũng trở thành mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế nói chung liên quan đến các vấn đề như di dân, tội phạm, buôn lậu hoặc dịch bệnh... Ở mỗi quốc gia, các mối đe dọa cũng trở nên đa dạng và ở nhiều tầng nấc khác nhau. Nó có thể đến từ một nhóm chính trị, sắc tộc, tôn giáo, từ một vùng lãnh thổ hoặc từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Chính vì vậy, mối đe dọa đối với an ninh con người không chỉ đến từ bên ngoài mà còn đến từ bên trong, không chỉ bởi các tác nhân nhà nước mà còn có tác nhân phi nhà nước, nó có thể có biểu hiện bạo lực nhưng cũng có thể là các mối đe dọa phi bạo lực.

(Còn tiếp)

TS. Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Xem: Chỉ thị 12- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 12-7-1992

[2] Tạ Minh Tuấn (Chủ nhiệm đề tài) (2004), Các thách thức an ninh phi truyền thống ở Đông Nam Á: tác động đối với ASEAN và Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội.

[3] UNDP (1994), Human Development Report 1994, New York: United Nations

[4] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76, 85.

[5] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.9, 11, 80.

[6] Võ Khánh Vinh (Chủ biên) (2009), Quyền con người - Tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr47