Hiện nay, trong mọi hoạt động của Liên hợp quốc các chủ đề, chương trình nghị sự đều xoay quanh vấn đề con người, quyền con người và định hướng mục tiêu lấy con người là trung tâm của sự phát triển, xác định con người là chủ thể trung tâm của các quyền và tự do cơ bản nên con người phải là đối tượng được thụ hưởng chính, cũng như phải tham gia tích cực vào việc thực hiện các quyền và tự do. Bài viết này đi sâu làm rõ quan điểm, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế về con người là chủ thể trung tâm của quyền con người, được tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển - vận dụng vào phát triển lý luận xây dựng và phát triển đất nước ở Việt Nam hiện nay.
Con người tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển.
Nguồn: laodong.vn.
1. Quan điểm, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế về con người là chủ thể trung tâm của quyền con người
Khi đề cập con người là chủ thể trung tâm của quyền con người, không phải không có quan điểm cho rằng tại sao vậy, bởi con người không là chủ thể của quyền con người, thì ai mới là chủ thể của quyền con người. Vậy, nếu điều đó là hiển nhiên, thì tại sao trong bản Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên năm 1993 và nhiều tuyên bố, văn kiện khác của Liên hợp quốc đều nhiều lần nhắc lại “thừa nhận và khẳng định rằng, tất cả các quyền con người đều xuất phát từ nhân phẩm và giá trị vốn có của con người, và bởi con người là chủ thể trung tâm của các quyền và tự do cơ bản nên con người phải là đối tượng thụ hưởng chính, cũng như phải tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do này”1.
Để hiểu con người là chủ thể trung tâm của quyền con người, trước hết phải hiểu quyền con người là gì và những ai/đối tượng nào mới là chủ thể của quyền con người?
Quyền con người, theo cách hiểu đơn giản nhất thì đó là những đặc quyền tự nhiên thuộc về tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, dòng dõi, địa vị xã hội...: Tất cả mọi người đều có quyền con người, vì đơn giản chúng ta là con người. Các quyền con người đều xuất phát từ những nhu cầu, khát vọng tự nhiên, bắt nguồn từ nhân phẩm vốn có, được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia2. Theo cách hiểu này, quyền con người là giá trị phổ quát, khi xem xét các vấn đề cụ thể có liên quan tới quyền con người phải tính tới giá trị đặc thù về dân tộc, khu vực, bối cảnh lịch sử văn hóa, tôn giáo; quyền con người là không thể chia cắt (phải công nhận tầm quan trọng như nhau của tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội); các quyền con người phụ thuộc và có quan hệ lẫn nhau3.
Từ khái niệm và đặc trưng của quyền con người, theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, khi đề cập đến con người, thì trước hết phải đề cập đến khía cạnh cá nhân, tức con người đơn lẻ (individual person), con người cá nhân (human person) và do đó, bàn đến quyền con người thì trước hết và chủ yếu cũng mang tính cá nhân (tức quyền con người là quyền của cá nhân con người đơn lẻ – individual person/ individual rights), nhưng cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận khía cạnh con người không chỉ cá nhân, mà mỗi cá nhân con người cùng hợp thành nhóm người (nhất là nhóm có cùng đặc điểm giống nhau về nhân chủng học, về giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo...), và vì vậy khía cạnh quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân, mà còn quyền của nhóm, thậm chí quyền của quốc gia, dân tộc (collective group rights). Điều này đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận bằng việc Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn về quyền phát triển năm 1986, đã chính thức thừa nhận quyền phát triển là quyền con người (theo đó quyền con người vừa là một đặc quyền của cả dân tộc và của cả các cá nhân tạo dựng nên dân tộc đó4) và các ví dụ khi nói đến bảo vệ quyền môi trường, hay bảo vệ quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội là hàm ý thừa nhận khía cạnh quyền tập thể/quyền của nhóm. Như vậy, từ năm 1986 Liên hợp quốc đã chính thức thừa nhận quyền phát triển vừa là quyền của cá nhân, vừa là quyền tập thể (quyền của nhóm, quốc gia, dân tộc).
Hiện nay, Liên hợp quốc đang dự thảo Công ước quốc tế về quyền phát triển, hướng tới hiệu lực pháp lý quốc tế bắt buộc đối với các quốc gia thành viên khẳng định quyền phát triển là quyền con người, trong đó bao gồm cả quyền của cá nhân và quyền của tập thể, đó là (1) Mỗi cá nhân và tất cả các dân tộc đều có quyền không thể chuyển nhượng là quyền phát triển, mà theo đó họ được quyền tham gia, đóng góp và thụ hưởng sự phát triển về dân sự, văn hóa, kinh tế, môi trường, chính trị và xã hội mang tính không thể tách rời, tương thuộc và tương quan với tất cả các quyền con người và tự do cơ bản khác; và (2) Mọi cá nhân và tất cả các dân tộc đều có quyền tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa vào sự phát triển và do đó, vào sự phân phối lợi ích một cách công bằng5.
Như vậy, từ quan điểm, cách tiếp cận chung của cộng đồng quốc tế như phân tích ở trên đã thừa nhận chủ thể của quyền con người bao gồm cả quyền của cá nhân và quyền của tập thể/quyền của nhóm/cộng đồng và rộng hơn nữa là quyền của quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, giữa quyền con người cá nhân và quyền con người tập thể thì cách tiếp cận nào mới là cốt lõi và xuyên suốt toàn bộ các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người? Nghiên cứu kỹ các quy định quốc tế từ Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, đến các công ước quốc tế về quyền con người sau này cho thấy, về cơ bản các quy định là hướng vào chủ thể quyền với tư cách là quyền cá nhân; do đó có thể khẳng định rằng, chủ thể cơ bản của quyền con người (right-holders) là các cá nhân (individuals).
Trong bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người có 30 điều, từ Điều 1 đến Điều 30 được xây dựng đều hướng vào bảo vệ quyền cá nhân với ngôn từ được dùng là mọi người có quyền. Sau này, Liên hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội vào năm 1966, các quyền được quy định trong cả hai công ước này cũng đều hướng tới bảo vệ chủ thể quyền con người là cá nhân với ngôn từ được sử dụng là “mọi người có quyền”.
Đối với quyền mang tính chất tập thể/nhóm/quốc gia/dân tộc, cả hai Công ước dùng chung một điều, đó là thừa nhận quyền tự quyết dân tộc. Điều 1 của hai công ước quy định như sau6: (1) Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. (2) Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế, quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc. (3) Các quốc gia thành viên Công ước, kể cả quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.
Với quan điểm, cách tiếp cận về chủ thể quyền con người như trên cho thấy chủ thể của quyền con người vừa là quyền của cá nhân, vừa là quyền của tập thể/nhóm và rộng hơn có thể là quyền của quốc gia dân tộc, tuy nhiên chủ thể cơ bản, chủ thể trung tâm của khái niệm quyền con người là quyền của cá nhân. Đây là cách tiếp cận xuyên suốt, nhất quán trong các quy định của Liên hợp quốc về quyền con người.
2. Quan điểm, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế về quyền tham gia của con người và quyền được thụ hưởng thành quả của sự phát triển
Lời mở đầu Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền phát triển năm 1986 đã thừa nhận rằng, “con người là trung tâm của quá trình phát triển và do đó chính sách phát triển cần phải đưa con người trở thành người tham gia chính và là người được thụ hưởng thành quả của sự phát triển”7. Trong bản Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên (năm 1993), thừa nhận và khẳng định lại rằng “bởi con người là chủ thể trung tâm của các quyền và tự do cơ bản nên con người phải là đối tượng được thụ hưởng chính, cũng như phải tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do của mình”8.
Như vậy, quyền tham gia và quyền được thụ hưởng của con người là hai quyền được đề cập song song với nhau, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Cộng đồng quốc tế đề cao sự tham gia của con người vào quá trình phát triển và là đối tượng chính được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, nên rất cần được làm rõ trên các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, bàn về sự tham gia của con người vào quá trình phát triển. Tuyên ngôn về quyền phát triển năm 1986, Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên năm 1993 nhấn mạnh, các chính sách phát triển cần phải đưa con người trở thành người tham gia chính và tham gia tích cực vào việc thực hiện những quyền và tự do của con người.
Hai khía cạnh cần phải được làm rõ, đó là các chính sách phát triển của quốc gia phải đưa con người trở thành người tham gia chính, có mối liên hệ với cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, chủ thể của các chương trình, chiến lược phát triển, tức phát triển vì con người. Khía cạnh này, con người là mục tiêu hướng tới, mục tiêu cần đạt được trong hoạch định các chương trình, chính sách phát triển. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển vì con người, con người không thể thụ động, ỷ lại, chờ đợi, mà con người phải tham tích cực vào quá trình phát triển. Vậy tham gia bằng cách nào, phải chăng đó chính là thừa nhận và thực hiện các quyền và tự do của con người. Do đó, muốn con người trở thành chủ thể tham gia chính vào quá trình phát triển, vào hoạch định, thực thi các chương trình, chính sách phát triển thì phải thực hiện đầy đủ các quyền và tự do của con người.
Theo chuẩn mực quốc tế về quyền con người, trách nhiệm đầu tiên trong việc thực hiện các quyền con người trước hết thuộc về nhà nước với ba cấp độ nghĩa vụ (tôn trọng, bảo vệ và thực hiện). Nhà nước phải có cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện các quyền con người, để mỗi cá nhân con người đều ý thức được quyền, tích cực, chủ động thực hiện quyền và tự do của mình. Và như vậy, sự tham gia của con người, chính là thực hiện các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây là cốt lõi không chỉ nhằm đạt được mục tiêu lấy con người là trung tâm, là chủ thể mà còn hướng tới sự phát triển toàn diện con người.
Thứ hai, khía cạnh con người là đối tượng thụ hưởng chính thành quả của sự phát triển.
Phát triển đối với cá nhân con người là sự toàn diện về thể chất, về tinh thần theo các tiêu chí phát triển con người; phát triển đối với phạm vi quốc gia, dân tộc là một tiến trình toàn diện, với sự hưng thịnh về dân sự, văn hóa, kinh tế, môi trường, chính trị và xã hội mà mục đích hướng tới là cải thiện không ngừng phúc lợi của toàn thể dân chúng và của tất cả các dân tộc cùng sinh sống trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, các cá nhân trên cơ sở sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của họ vào phát triển và sự phân bổ công bằng các lợi ích thu được từ đó.
Phát triển được hiểu không chỉ trên phương diện tăng trưởng kinh tế, mà còn là một phương tiện mở rộng lựa chọn của mọi người nhằm đạt được trạng thái tồn tại thỏa đáng hơn về mặt trí tuệ, cảm xúc, đạo đức và tinh thần mà gốc rễ nằm ở bản sắc văn hóa và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc.
Khi con người tham gia tích cực vào quá trình phát triển, vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển quốc gia, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tổ chức thực hiện hiệu quả, lẽ dĩ nhiên, không ai khác, chính họ phải là người đầu tiên được thụ hưởng thành quả phát triển đó. Đây là quyền con người cơ bản - quyền được thụ hưởng thành quả phát triển. Và để bảo đảm thực hiện quyền này, đòi hỏi sự phân phối lợi ích một cách công khai, công bằng dựa trên nguyên tắc xuyên suốt của luật nhân quyền quốc tế, đó là bình đẳng và không phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tiêu chí đánh giá sự thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, chính là con người được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và về môi trường, an ninh, quốc phòng... với quan điểm phát triển bao trùm là không được để ai bị bỏ lại phía sau.
3. Vận dụng quan điểm, cách tiếp cận con người là chủ thể trung tâm của quyền con người, được tham gia và được thụ hưởng thành quả của sự phát triển vào phát triển lý luận về xây dựng và phát triển đất nước ở Việt Nam hiện nay
Nhận thức đầy đủ quan điểm cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế về con người, chủ thể của quyền con người, quyền được tham gia và quyền được thụ hưởng thành quả phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, phát triển con người, phát triển kinh tế, xã hội, hướng mục tiêu vì con người, lấy con người là trung tâm, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Để giải mã vấn đề này, trước hết cần phải làm rõ một số vấn đề thuộc về quan điểm, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế như phân tích ở trên đã được Đảng ta tiếp cận, vận dụng và phát triển như thế nào; những vấn đề nào còn là khoảng trống trong nhận thức của Đảng so với cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong giai đoạn mới, góp phần vào phát triển đất nước.
Thứ nhất, về quan điểm lấy con người là trung tâm, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”9. Như vậy, quan điểm này của Đảng hoàn toàn phù hợp cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế. Đồng thời từ cách tiếp cận và xác định con người là trung tâm trong hoạch định chính sách phát triển tại Đại hội XI của Đảng thì đến Đại hội XIII của Đảng, phát triển thêm một bước chủ thể hưởng quyền đó là nhân dân: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”10.
Thứ hai, về quan điểm con người là chủ thể trung tâm của quyền con người.
Với cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế, con người được thừa nhận vừa với tư cách cá nhân và vừa với tư cách con người tập thể/nhóm/quốc gia/dân tộc. Và do đó, chủ thể của quyền con người vừa với tư cách là cá nhân, vừa với tư cách là tập thể. Tuy nhiên, chủ thể của quyền con người với tư cách cá nhân là xuyên suốt và đây là cách tiếp cận chủ đạo trong các công ước quốc tế về quyền con người.
Vậy cách tiếp cận này ở Việt Nam thế nào? Hiện nay nghiên cứu các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội hầu như Đảng ta chưa đề cập con người là chủ thể trung tâm của quyền con người. Liên quan tới cách tiếp cận này, Đảng ta mới chỉ dừng lại ở việc xác định “con người” và cụ thể hơn “nhân dân” là trung tâm. Vấn đề đặt ra là con người, hay nhân dân trong cách tiếp cận của Đảng là con người cá nhân hay con người tập thể; tương tự nhân dân là ai, hàm ý là cá nhân, hay nhóm, hay cả quốc gia dân tộc?
Trong Hiến pháp năm 2013, trong tổng số 120 điều, có 36 điều Hiến pháp quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Nghiên cứu kỹ các quy định của Hiến pháp cho thấy, Hiến pháp quy định và liệt kê các quyền con người cũng chủ yếu là quyền con người với tư cách là quyền của cá nhân, công dân. Và bên cạnh quyền của cá nhân, có quy định quyền có tính tập thể, quyền của nhóm, như quyền trẻ em, phụ nữ, thanh niên...
Hiện nay, trong bản dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về quyền phát triển, một trong những nguyên tắc được đưa ra là “Phát triển lấy cá nhân và các dân tộc làm trung tâm: cá nhân và các dân tộc là những chủ thể trung tâm của phát triển và cần phải là những chủ thể tham gia tích cực và thụ hưởng quyền phát triển”11. Chính vì vậy, một trong những vấn đề cần làm rõ đó là khi Đảng đề cập con người là trung tâm, cần phải hiểu theo cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế, vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách tập thể/nhóm và tương tự, khi nói về “nhân dân” cũng cần phải hiểu nhân dân vừa với tư cách là cá nhân, vừa với tư cách tập thể và nhóm. Và như vậy, quyền con người là hàm ý quyền cá nhân và cả quyền của nhóm; quyền của nhân dân, vừa hàm ý quyền của cá nhân và quyền của tập thể, nhưng xuyên suốt đó là quyền của cá nhân như cách đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Nhận thức rõ vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tiếp cận quyền con người trong hoạch định các chính sách phát triển quốc gia, phát triển con người. Đặc biệt là sự vận dụng quan điểm lý luận của Đảng về lấy con người, lấy nhân dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước.
Thứ ba, về con người tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển.
- Về quyền tham gia: quyền tham gia là một trong những quyền dân chủ về chính trị được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quyền tham gia của nhân dân thể hiện trong nhiều Văn kiện của Đảng, với quan điểm là “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”12 và thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời đề cao sự tham gia của người dân vào các công việc của Đảng, Nhà nước với quan điểm: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”13.
Quan điểm của Đảng về bảo đảm sự tham gia của người dân đã được hiến định và luật định. Điều 28, Hiến pháp năm 2013 quy định (1) Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; (2) Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định cụ thể về những nội dung nhân dân bàn và quyết định (Chương 2, mục 2 nhân dân bàn và quyết định; mục 3 nhân dân tham gia ý kiến).
Từ quan điểm của Đảng và so sánh với quan điểm, cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế, thấy rõ về cơ bản quan điểm của Đảng là phù hợp với cách tiếp cận chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quan điểm của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cho thấy hiện nay mới chỉ dừng lại cách tiếp cận bảo đảm sự tham gia với việc Nhà nước tạo điều kiện để người dân tham gia (như ngôn ngữ của Hiến pháp) và quy định các hình thức tham gia chủ yếu mới ở cấp cơ sở; chưa chú ý tiếp cận và có quy định về các biện pháp để nâng cao ý thức người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các quyền và tự do của con người, của công dân.
- Về quyền thụ hưởng: Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Mặc dù chưa nêu rõ nội hàm dân thụ hưởng là gì, tuy nhiên quyền được thụ hưởng của người dân lần đầu tiên được quy định tại Điều 7, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 với nội hàm bao gồm:
(i) Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(ii) Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.
(iii) Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.
(iv) Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Như vậy, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều đã có cách tiếp cận và quy định quyền tham gia và quyền thụ hưởng. Tuy nhiên, chưa có sự gắn kết 2 quyền này đi song song với nhau đặc biệt nguyên tắc bảo đảm thụ hưởng trên cơ sở sự phân bổ nguồn lực công bằng các lợi ích thu được từ thành quả phát triển. Trên cơ sở quan điểm của Đảng và các quy định của Hiến pháp, pháp luật, quyền tham gia và quyền thụ hưởng cần tiếp tục được nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, bảo đảm quyền tham gia thực chất, chủ động của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, chủ động, tích cực tham gia thực hiện các quyền và tự do của con người, của công dân đã được Hiến pháp, pháp luật quy định và quyền được thụ hưởng công bằng thành quả của quá trình phát triển, thành quả của công cuộc đổi mới.
PGS. TS Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 41/2024
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người - Tuyển chọn, sách tham khảo, Nhà Xuất bản lý luận chính trị, trang 57.
(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nhà Xuất bản Lý luận chính trị, trang 14.
(3) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người - Tuyển chọn, sách tham khảo. Nhà Xuất bản Lý luận chính trị, trang 60.
(4) Như trên, trang 54.
(5) A/HRC/WG.2/23/2 (ohchr.org).
(6) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người - Tuyển chọn, sách tham khảo, nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 119, 120.
(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người - Tuyển chọn, sách tham khảo, Nhà Xuất bản Lý luận chính trị, trang 53.
(8) Sđd, trang 57.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia. H.2016, trang 76 .
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.28.
(11) A/HRC/WG.2/23/2 (ohchr.org).
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương. H. 2016, trang 169.
(13) Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3734)”.