Bảo vệ môi trường được xác định là vấn đề quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn và liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là cơ sở, tiền đề cho việc định hình đường lối và chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh: đặt bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Bởi vậy, bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Bài viết tập trung phân tích quy định của pháp luật về quyền được sống trong môi trường trong lành, đánh giá thực trạng môi trường và một số định hướng bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.

Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn.

1. Về quyền được sống trong môi trường trong lành

Quyền được sống trong môi trường trong lành được quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành” (Điều 43). Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 lần đầu tiên đã cụ thể hóa quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”1.

Trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và năm 2020 đã kế thừa và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, luật hóa chủ trương của Đảng, quy định cụ thể hơn nội dung bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đồng thời, bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới như: tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường...; hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Điều 4, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tiếp tục quy định quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân mà còn là một nghĩa vụ tất yếu. Quyền được sống trong môi trường trong lành được coi là một phần không thể tách rời của cuộc sống và sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh và quyền con người. Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tiến hành hoạt động bảo vệ môi trường không gây phương hại chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu. Trên cơ sở đó, nhiều chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền con người về bảo vệ môi trường được ban hành.

Trong quá trình hội nhập, mở cửa, Việt Nam đã chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Nhà nước tích cực hoàn thiện pháp luật và xây dựng các chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, với mục tiêu chính là bảo đảm mọi người được sống trong môi trường trong lành. Đồng thời, sự hỗ trợ đáng kể từ cộng đồng quốc tế cũng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền con người và môi trường ở Việt Nam. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền sống trong môi trường trong lành, được coi là tiêu chuẩn quốc tế, đang được áp dụng rộng rãi và coi là một công cụ tiến bộ trong bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

2. Tình hình môi trường, bảo vệ môi trường ở Việt Nam thời gian qua

Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó: nhận thức của các cấp, các ngành, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường đã được nâng cao; Nhà nước đã tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý và thực hiện hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường; tổ chức bộ máy bảo vệ môi trường ngày càng được hoàn thiện; công tác bảo vệ môi trường được thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; chú trọng đến chất lượng môi trường sống, đảm bảo cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế và vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường2.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa tốt; vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được tận dụng đầy đủ, dẫn đến xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; hiệu quả và sức răn đe của các biện pháp ngăn ngừa và xử lý vi phạm vẫn chưa đạt được; quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhà nước vẫn còn thiếu sự mạnh mẽ và kịp thời trong một số khía cạnh; chậm trong việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã diễn biến nhanh hơn so với dự báo, gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của nước ta vẫn còn hạn chế, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là tại các khu đô thị và thành phố lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong xã hội3.

Ô nhiễm nguồn nước mặt ở lưu vực các sông, như sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, và Đồng Nai - Sài Gòn, đang diễn ra một cách nghiêm trọng và tiếp tục gia tăng theo hướng tiêu cực. Khối lượng nước thải từ đô thị, nhất là các đô thị lớn, mật độ dân cư đông ngày càng tăng lên, phần lớn không được xử lý và được xả trực tiếp ra môi trường, gây ra ô nhiễm trong nguồn nước mặt tại các khu đô thị. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị và các địa phương trên cả nước hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu.

Vấn đề ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), đang ngày càng trở nên nguy hiểm tại Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp và tiêu cực đến sức khỏe, gây ra tâm lý lo lắng và bất an cho người dân. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn ở một số địa phương do sự gia tăng của các chất ô nhiễm từ hoạt động kinh tế. Chất lượng không khí tại các khu đô thị và khu vực đông dân cư, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang giảm sút đáng kể.

Ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề đang tăng lên đáng báo động. Chất thải rắn trở thành vấn đề bức bối, đòi hỏi sự ưu tiên đầu tư và giải quyết khẩn cấp. Với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn từ ngành công nghiệp và hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại được sinh ra mỗi năm, việc xử lý các loại rác thải này đang đặt ra thách thức lớn. Đáng lo ngại hơn, hầu hết chất thải rắn vẫn chưa được phân loại tại nguồn, dẫn đến việc xử lý không hiệu quả và gây ra nhiều vấn đề môi trường. Phần lớn chất thải rắn hiện nay vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tuy nhiên, nhiều bãi chôn lấp không đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh, gây ra sự bức xúc trong cộng đồng dân cư. Mùi hôi từ các bãi chôn lấp lan ra các khu dân cư, gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe và môi trường sống.

Tình trạng ô nhiễm trên Biển Đông đang trở nên phức tạp và đang đòi hỏi các biện pháp ứng phó hiệu quả từ cộng đồng quốc tế cũng như từ các quốc gia vùng biển Đông Á. Rác thải nhựa, các hoạt động nạo vét và tiếp tục sự xuất hiện của các sự cố môi trường biển như ô nhiễm dầu từ hoạt động khai thác dầu khí và giao thông biển, đã và đang gây ra tác động lớn đến môi trường biển và các khu vực ven biển ở Việt Nam. Các chất có nguồn gốc từ đất liền đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước biển ven bờ, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh thái và nền kinh tế của các vùng đất ven biển.

Chất lượng môi trường tiếp tục suy giảm tại một số địa phương, đồng thời sự thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa đạt đủ mức linh hoạt và hiệu quả. Điều này đặt ra một loạt thách thức và nguy cơ mà cần được giải quyết một cách khẩn trương và quyết liệt. Sự giảm sút của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học không chỉ làm suy giảm giá trị sinh thái mà còn ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái và sự ổn định của môi trường. Điều này có thể dẫn đến mất mát về nguồn lợi sinh vật và gây ra các vấn đề về sức khỏe môi trường. Mặc dù có những tiến bộ trong việc phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và trở ngại. Việc phát triển chậm chạp trong lĩnh vực này có thể dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về xử lý và tái chế chất thải, đồng thời không thể đảm bảo mức độ an toàn và sạch sẽ cho môi trường. Tình trạng nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên liệu và vật liệu không đáp ứng chuẩn môi trường cũng chưa được khắc phục đúng mức, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường mà còn có thể gây ra các vấn đề về an toàn và sức khỏe cộng đồng4.

3. Một số định hướng bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành

Để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường góp phần bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành, cần thực hiện tốt một số định hướng sau:

Thứ nhất, Đảng ta đặt ra những mục tiêu bảo vệ môi trường đến năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo đảm quyền sống trong môi trường trong lành cho nhân dân. Việc nâng cao chất lượng môi trường không khí và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư là vấn đề luôn được quan tâm. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ tư duy và xây dựng thể chế phát triển bền vững là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, triển khai các hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường là vô cùng quan trọng. Hệ thống cơ chế giám sát môi trường cũng được đề cập nhằm tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Đảng ta nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải, góp phần vào việc hình thành chuỗi sản xuất liên tục, tạo ra nền kinh tế bền vững trong thời gian tới là một trong những nội dung trọng tâm.

Bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề riêng lẻ mà còn liên quan mật thiết đến bảo vệ chủ quyền quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực biển đảo. Bởi môi trường không biên giới, vấn đề môi trường ở một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác nhau như ô nhiễm biển có thể lan rộng qua biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến nguồn lợi sinh vật biển, kinh tế biển và cả sức khỏe cộng đồng. Biển đảo thường chứa đựng các tài nguyên quan trọng như dầu mỏ, khí đốt, và nguồn lợi thủy sản, vì vậy bảo vệ môi trường biển đảo không chỉ đảm bảo sự bền vững của các nguồn tài nguyên mà còn giúp bảo vệ và củng cố chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trên biển. Môi trường biển là không gian quan trọng để vận chuyển hàng hóa, năng lượng và thông tin, môi trường biển không an toàn có thể tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình đó, việc hợp tác với các quốc gia khác trong bảo vệ môi trường biển có thể xây dựng hòa bình và ổn định, đồng thời tăng cường uy tín và tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trên cộng đồng quốc tế. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cũng như các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và tài nguyên biển đảo của đất nước.

Thứ hai, những quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường nhằm đảm bảo xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho nhân dân. Ở các địa phương, cần nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo toàn diện công tác bảo vệ môi trường, từ việc đưa ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cho đến việc chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong việc đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường ở địa phương theo từng cấp độ phát triển kinh tế - xã hội, vừa có những giải pháp trước mắt vừa có chiến lược lâu dài.

Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển mới. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua đã xác định rõ bảo vệ  môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cấp bách và có tính chiến lược; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo vệ môi trường phải được đặt ra đối với tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề. Những nội dung này đã được ghi nhận trong các nghị quyết của Đảng và được thể chế hóa thành quy định của pháp luật, được quán triệt trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, từng ngành và mỗi địa phương.

Thứ ba, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thì sự tham gia của người dân, các cá nhân và tổ chức vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường cần được tiếp tục hiện thực hóa và ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, sự tham gia này vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở cơ sở, vì vậy, cần tăng cường hơn nữa thực hành dân chủ ở cơ sở với hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát để đảm bảo việc thực thi quyền của người dân được sống trong môi trường môi trường trong lành trên cơ sở phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư. Để tăng cường sự minh bạch và công bằng, cần thực hiện hiệu quả cơ chế người dân có thể tham gia trực tiếp vào việc đánh giá, phản biện các báo cáo môi trường. Chỉ khi có sự hợp tác và sự tham gia đồng lòng từ mọi tầng lớp xã hội, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng quyền con người được sống trong môi trường trong lành được bảo vệ và thực thi một cách hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, giám sát và kiểm tra để đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn môi trường, qua đó, đưa ra biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Về tổng thể, Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt, phần lớn do việc xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe cùng với đó là việc giám sát thực thi pháp luật thiếu hiệu quả. Giám sát thực thi pháp luật chưa hiệu quả cũng góp phần dẫn đến những hạn chế trong việc phòng tránh và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục cảnh quan, sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm rủi ro thiên tai ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở vùng đầu nguồn nước, khu dân cư và vùng ven biển để người dân được thụ hưởng môi trường trong lành theo tinh thần Đảng, Nhà nước đã xây dựng.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống, cơ chế giám sát môi trường và biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian tới. Những hoạt động này bao gồm việc dự báo và cảnh báo về thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, cũng như đề ra kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại tài nguyên và ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và khu đô thị gây ra. Tình trạng đô thị hóa ồ ạt như hiện nay ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường cũng là vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm, xử lý của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cả hệ thống chính trị.

Thứ năm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân thông qua việc tập trung xử lý chất thải, khuyến khích tái sử dụng, tái chế và sản xuất năng lượng từ chất thải thông qua việc hình thành chuỗi sản xuất liên tục và liên kết. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở huy động và ưu tiên các nguồn lực từ nguồn lực con người, tổ chức bộ máy đến nguồn lực kinh tế, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong bảo vệ môi trường.

Như vậy, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người dân và của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước và ở các địa phương. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giữ gìn, bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành, xã hội phồn vinh, hạnh phúc./.

TS. Cao Thị Dung

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 38 (06/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, trang 66,67

(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), “Thành tựu đạt được trong thực tiễn quản lý, điều hành lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường”, Chuyên trang chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/thanh-tuu-dat-duoc-trong-thuc-tien-quan-ly-dieu-hanh-linh-vu.html

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, trang 86.