Bài viết nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng các công ước quốc tế như Công ước về xoá bỏ mọi hình thức đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) nhằm bảo vệ phụ nữ, trẻ em và mọi người khỏi bạo hành và phân biệt đối xử, đồng thời chỉ ra nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thực hiện các hành động cụ thể và bền vững nhằm chấm dứt GBV và thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng trong xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: dhannd.edu.vn.
Dẫn nhập
Bạo lực trên cơ sở giới (GBV) là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hàng triệu người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái tại nhiều quốc gia và khu vực. GBV rất đa dạng, không chỉ bao gồm bạo lực thể chất mà còn bao gồm bạo lực tình dục, tâm lý, và kinh tế. Vấn nạn này không chỉ là biểu hiện của sự bất bình đẳng giới mà còn là sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, vì vậy, việc giải quyết GBV là một yêu cầu cấp thiết trên thế giới.
Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về GBV, trong đó, tiếp cận vấn đề từ góc độ quyền con người đòi hỏi nhìn nhận nó không chỉ như một hành vi vi phạm pháp luật thông thường mà còn là sự xâm phạm đến các quyền cơ bản như quyền được sống, quyền được an toàn và quyền được tôn trọng nhân phẩm của nạn nhân. Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người năm 1948 và các công ước quốc tế như CEDAW, ICESCR và ICCPR đều khẳng định sự cần thiết và có nhiều quy định nhằm bảo vệ mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, khỏi bạo lực và phân biệt đối xử như là một phần không thể thiếu của việc bảo vệ quyền con người.
Bài viết này góp phần làm rõ bản chất và các biện pháp phòng chống GBV trên thế giới hiện nay từ các góc nhìn lý thuyết về giới và nhân quyền. Chỉ khi kết hợp nhiều cách tiếp cận, đặc biệt là từ cách tiếp cận của luật nhân quyền, mới có thể xoá bỏ GBV một cách hiệu quả, bền vững, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội.
1. Khái lược về giới và bạo lực trên cơ sở giới
a) Khái lược về giới
Giới (Gender) là một khái niệm đa chiều và phức tạp, được nghiên cứu bởi nhiều ngành khoa học xã hội như nhân học, tâm lý học, xã hội học, luật học... Quan điểm phổ biến cho rằng giới không chỉ đơn thuần là giới tính sinh học (biological sex) mà còn bao gồm các vai trò, hành vi, chuẩn mực và kỳ vọng xã hội liên quan đến nam và nữ1. Trong tác phẩm "The Gendered Society" (2000)2, Michael Kimmel phân biệt giữa giới tính sinh học và giới tính xã hội, trong đó giới tính sinh học (Sex) được xác định bởi các đặc điểm sinh học như nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục, và các đặc điểm sinh lý khác; giới tính xã hội (Gender, còn gọi tắt là Giới) được xây dựng từ các yếu tố văn hóa và xã hội, bao gồm các vai trò và hành vi mà một xã hội nhất định gán cho đàn ông và phụ nữ. Từ cách tiếp cận nhân học về giới, Margaret Mead cho rằng vai trò giới không phải là bẩm sinh mà là sản phẩm của văn hóa; thể hiện qua việc những gì được coi là “nam tính” hay “nữ tính” có thể rất khác nhau giữa các nền văn hóa3. Trong khi đó, Sherry B. Ortner cho rằng sự phụ thuộc của phụ nữ vào vai trò sinh học của họ, đặc biệt là vai trò sinh sản, đã dẫn đến sự phân biệt giới tính và sự bất bình đẳng giới trong nhiều xã hội4. Đây cũng là quan điểm của De Beauvoir trong tác phẩm "The Second Sex"5 - một trong những tác phẩm quan trọng nhất của phong trào nữ quyền - trong đó phân tích cách thức mà các quan niệm và chuẩn mực xã hội đã giới hạn phụ nữ vào những vai trò và vị trí thấp hơn nam giới, dẫn đến sự bất bình đẳng và áp bức với phụ nữ. Đi xa hơn, Bell Hooks, trong các tác phẩm như "Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism" (1981)6, "Feminist Theory: From Margin to Center" (1984)7, và "All About Love: New Visions" (2000)8, cho rằng giới không thể được hiểu một cách đầy đủ nếu không xem xét các yếu tố liên quan khác như chủng tộc và giai cấp, và rằng sự phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên giới thường liên quan chặt chẽ đến các hình thức bất công khác.
Tóm lại, từ những phân tích trên, có thể hiểu Giới là một khái niệm bao gồm các khía cạnh sinh học, xã hội, văn hóa, tâm lý và quan hệ quyền lực. Khái niệm này không chỉ liên quan đến giới tính sinh học (sex) mà còn bao gồm vai trò, hành vi, chuẩn mực và kỳ vọng xã hội gán cho nam và nữ. Các quan điểm về giới được hình thành thông qua quá trình xã hội hóa và liên quan chặt chẽ đến các định kiến và vai trò giới. Nói về giới cũng cần đề cập đến bản dạng giới và quan hệ quyền lực giới, trong đó bản dạng giới phản ánh cảm nhận cá nhân về giới tính của mình, có thể trùng hoặc không trùng với giới tính sinh học, còn quan hệ quyền lực giới xem xét sự phân bố quyền lực giữa các giới, ảnh hưởng đến sự tham gia và khả năng tiếp cận trong các lĩnh vực khác nhau. Qua những các cách tiếp cận đa dạng như vậy về giới, cho phép chúng ta có cái nhìn về GBV theo hướng mở và toàn diện hơn.
b) Bạo lực trên cơ sở giới (GBV)
Để tìm hiểu về GBV, trước hết cần tìm hiểu về bạo lực (violence).
Bạo lực có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tùy theo ngữ cảnh và quan điểm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Trong thực tế, khái niệm này vẫn đang tiếp tục được thảo luận và hoàn thiện để phù hợp với các bối cảnh xã hội đa dạng. Liên Hợp quốc cho rằng: Bạo lực là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại về mặt vật lý hoặc tâm lý đối với người khác, đặc biệt khi nó liên quan đến sức mạnh hoặc quyền lực9. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực là "việc sử dụng cố ý sức mạnh hoặc quyền lực, dưới dạng đe dọa hoặc thực hiện, chống lại bản thân, người khác, hoặc một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến tổn hại, tử vong, tổn thương tâm lý, phát triển không bình thường, hoặc lệch lạc10.
Xem xét từ những góc độ khác, Bell Hooks cho rằng bạo lực là công cụ để duy trì sự bất bình đẳng giới và quyền lực lấn át của nam giới trong xã hội11, trong khi Urie Bronfenbrenner cho rằng môi trường sống ảnh hưởng đến bạo lực thông qua các yếu tố đặc thù của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội12; còn Kimberlé Crenshaw nhấn mạnh vào sự giao thoa của nhiều yếu tố như giới tính, chủng tộc, giai cấp, và địa vị xã hội đối với sự phát sinh và việc giải quyết vấn đề bạo lực13.
Những phân tích ở trên phản ánh cái nhìn đa chiều về bản chất và nguyên nhân phát sinh bạo lực, qua đó cho thấy, để giải quyết vấn đề bạo lực, không thể chỉ dùng các giải pháp can thiệp đơn giản mà cần có giải pháp toàn diện, có chiều sâu, xuất phát từ cách tiếp cận liên ngành khoa học xã hội.
Bạo lực trên cơ sở giới là một trong những hình thức bạo lực diễn ra trong các xã hội, song có tính chất nghiêm trọng và phức tạp, vì thế thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm phân tích sâu sắc thực trạng, các nguyên nhân và hậu quả của GBV trên thế giới, từ đó xác lập cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc cho việc đề ra các chiến lược, biện pháp phòng chống GBV toàn diện và hiệu quả. Năm 1993, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua "Tuyên ngôn về Loại bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ," trong đó lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về GBV và khuyến nghị các biện pháp cần thực hiện để xoá bỏ tệ nạn này14. WHO cũng góp phần quan trọng trong vấn đề này, với việc thông qua Báo cáo về bạo lực và sức khỏe vào năm 2002, trong đó xác định GBV là một vấn đề sức khỏe công cộng cần phải ưu tiên giải quyết15.
Vấn đề GBV cũng thu hút sự quan tâm lớn của giới học thuật, với rất nhiều nghiên cứu phản ánh ba cách tiếp cận chính về bản chất và cách thức phòng chống tệ nạn này, cụ thể như sau:
Tiếp cận Nữ quyền: Tiếp cận Nữ quyền được xem là một trong những cách tiếp cận chính để phân tích GBV. Cách tiếp cận này xem xét sự bất bình đẳng giới và các cơ chế duy trì quyền lực của nam giới như những nguyên nhân chính của GBV. Theo quan điểm nữ quyền, GBV không chỉ là hành vi cá nhân mà còn là một công cụ hệ thống để duy trì sự kiểm soát và áp bức đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số giới khác16. Sự chênh lệch về quyền lực, cơ hội và tài nguyên giữa nam và nữ tạo ra một môi trường mà trong đó bạo lực trở thành một phương tiện để duy trì sự thống trị của nam giới. Hệ thống quyền lực nam giới (hay chế độ phụ quyền), được coi là nền tảng cấu trúc của GBV. Chế độ phụ quyền tạo ra và củng cố các chuẩn mực giới bất bình đẳng, quy định rằng nam giới có quyền lực và quyền kiểm soát hơn phụ nữ. GBV được sử dụng như một công cụ để duy trì trật tự này, đảm bảo rằng phụ nữ và các nhóm thiểu số giới khác không thể thách thức hay làm xói mòn quyền lực của nam giới. Lý thuyết nữ quyền cũng phân tích cách thức mà các yếu tố xã hội và văn hóa góp phần tạo nên và duy trì GBV, trong đó các chuẩn mực văn hóa, truyền thống và giáo dục giới tính thường phản ánh và củng cố sự bất bình đẳng giới, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho GBV phát triển17.
Tiếp cận liên ngành: Đây là cách tiếp cận do Kimberlé Crenshaw giới thiệu vào cuối những năm 1980, xuất phát từ sự cần thiết phải nhận diện và phân tích cách thức mà các hệ thống quyền lực và áp bức phụ nữ đan xen vào nhau. Theo lý thuyết liên ngành, để hiểu rõ về GBV, cần phải xem xét sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố như giới tính, chủng tộc, giai cấp, khuynh hướng tình dục, và các yếu tố xã hội khác18. Ví dụ, một phụ nữ da màu ở Mỹ có thể trải qua GBV một cách khác biệt so với một phụ nữ da trắng do sự kết hợp của phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Tương tự, phụ nữ nghèo hoặc thuộc các nhóm thiểu số khác cũng có thể đối mặt với những hình thức bạo lực và áp bức đặc thù. Những hình thức áp bức này không chỉ tồn tại song song mà còn tương tác và tạo ra những trải nghiệm đặc thù cho các cá nhân. Điều này có nghĩa là các chính sách và biện pháp phòng chống GBV cần phải được thiết kế sao cho đáp ứng được sự đa dạng và phức tạp của những trải nghiệm này19. Lý thuyết liên ngành hiện đã được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu và phân tích GBV. Nó giúp nhận diện và giải quyết những hạn chế của cách tiếp cận trước đây mà vốn thường chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất của bất bình đẳng giới.
Tiếp cận Hệ sinh thái: Lý thuyết hệ sinh thái của Urie Bronfenbrenner được trình bày trong tác phẩm "The Ecology of Human Development: Experiments by Nature and Design" (1979). Trong tác phẩm này, Bronfenbrenner mô tả sự phát triển của con người như một quá trình tương tác giữa cá nhân và môi trường của họ, bao gồm nhiều hệ thống lồng vào nhau mà có thể chia thành bốn cấp độ chính20: (i) Hệ vi mô (microsystem) như gia đình, trường học, bạn bè, nơi làm việc; (ii) Hệ trung mô (mesosystem) là sự kết nối giữa hệ vi mô với nhau mà sự tương tác giữa chúng có thể ảnh hưởng đến hành vi và sự phát triển của cá nhân; (iii) Hệ ngoại vi (exosystem) bao gồm các môi trường mà cá nhân không trực tiếp tham gia nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng, như chính sách công, môi trường làm việc của cha mẹ, hoặc hệ thống y tế và dịch vụ xã hội; (iv). Hệ vĩ mô (macrosystem) bao gồm các giá trị văn hóa, luật pháp, và chuẩn mực xã hội - những yếu tố này tạo ra bối cảnh và môi trường xã hội rộng lớn hơn, ảnh hưởng đến tất cả các cấp độ khác. Lý thuyết hệ sinh thái của Urie Bronfenbrenner cung cấp một khung phân tích toàn diện và đa chiều để hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động đến GBV. Bằng cách xem xét các yếu tố từ cấp độ cá nhân đến cấp độ xã hội, lý thuyết này giúp phát triển các chiến lược và chính sách can thiệp toàn diện hơn, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu GBV hiệu quả hơn.
Tổng hợp lại, những cách tiếp cận (hay lý thuyết) nêu trên giúp nhận diện những nguyên nhân sâu xa và phức tạp của GBV, bao gồm sự bất bình đẳng giới, các hệ thống quyền lực, và sự giao thoa của các yếu tố như giới tính, chủng tộc, sắc tộc, giai cấp và địa vị xã hội. Những kiến thức này cho phép xây dựng các chính sách và biện pháp can thiệp hiệu quả, không chỉ xoá bỏ các biểu hiện mà còn giải quyết tận gốc các nguyên nhân, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội, tạo ra môi trường hỗ trợ cho các nạn nhân của GBV.
Ngoài các cách tiếp cận hay lý thuyết trên, một số học giả còn có những cách tiếp cận khác về GBV như lý thuyết về hành vi xã hội, lý thuyết về văn hóa và xã hội, lý thuyết về kinh tế chính trị…vv. Việc tìm hiểu những lý thuyết này cũng rất có ý nghĩa vì chúng mở rộng và làm sâu sắc thêm nền tảng khoa học để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tiễn về GBV một cách toàn diện và hiệu quả.
c) Bạo lực trên cơ sở giới trong xã hội hiện đại
Trước đây, GBV thường được coi là vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, hiện nay, GBV được xem là vấn đề ảnh hưởng đến mọi giới tính, bao gồm cả nam giới, người phi giới tính (non-binary), và người chuyển giới (transgender)21. Về hình thức, hiện tại ngoài bạo lực gia đình và tình dục, GBV còn bao gồm buôn người, bạo lực kinh tế, và ép buộc sinh sản22. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, những phương thức mới của GBV cũng được hình thành, cụ thể như quấy rối trực tuyến và tấn công mạng23. GBV không chỉ xảy ra trong các mối quan hệ cá nhân mà còn trong các bối cảnh như trường học, nơi làm việc, và trong các tình huống xung đột vũ trang24. Tất cả những yếu tố này đều cần tính đến khi xây dựng và thực hiện các chiến lược và biện pháp phòng chống GBV.
2. Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong các chuẩn mực quốc tế về quyền con người
Hậu quả của GBV là nghiêm trọng và đa chiều, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn đến các gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, vấn đề phòng, chống GBV đã được thể hiện trong nhiều văn kiện và hướng dẫn của luật nhân quyền quốc tế, trong đó tiêu biểu là:
a) Các văn kiện luật nhân quyền quốc tế
Công ước về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (CEDAW)
CEDAW được thông qua năm 197925 bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc, là một trong những công ước quan trọng nhất liên quan đến quyền của phụ nữ nói chung và phòng chống GBV nói riêng. Điều 1 Công ước định nghĩa phân biệt đối xử với phụ nữ bao gồm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính, mà có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hóa việc phụ nữ, bất kể tình trạng hôn nhân của họ như thế nào, được công nhận, hưởng thụ hay thực hiện các quyền con người và tự do cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, hay bất kể lĩnh vực nào khác, trên cơ sở bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Điều 2 yêu cầu các quốc gia thành viên phải xóa bỏ các luật, chính sách và thông lệ phân biệt đối xử. Điều 5 kêu gọi các quốc gia thay đổi các khuôn mẫu xã hội và văn hóa về hành vi và vai trò giới có tính chất định kiến với phụ nữ. Công ước cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia trong việc thực hiện các biện pháp lập pháp và hành chính để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, đảm bảo phụ nữ có quyền tiếp cận đến sự bảo vệ pháp lý chống lại bạo lực và thúc đẩy giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội về ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ.
Tuyên bố về Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ (DEVAW)
DEVAW được thông qua năm 199326, trong đó mở rộng định nghĩa về GBV và nhấn mạnh nghĩa vụ của quốc gia trong việc bảo vệ phụ nữ. Điều 4 Tuyên bố này yêu cầu các quốc gia điều chỉnh luật pháp để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Điều 5 kêu gọi các quốc gia thiết lập các biện pháp để phòng ngừa và trừng phạt các hành vi bạo lực. Tuyên bố cũng nêu ra nghĩa vụ của quốc gia trong việc: Xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia nhằm phòng chống bạo lực đối với phụ nữ; Tạo điều kiện cho nạn nhân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn, chăm sóc y tế và hỗ trợ pháp lý; Tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức về bạo lực đối với phụ nữ.
Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)
ICCPR27 là một trong hai điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người của Liên hợp quốc (cùng với ICESCR). Nội dung của ICCPR bao gồm các quy định bảo vệ tất cả mọi người khỏi bạo lực và phân biệt đối xử. Cụ thể, Điều 7 Công ước quy định: Không ai bị tra tấn hoặc bị đối xử hay trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ nhục. Điều 26 nêu rõ, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau, không bị phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do nào. Công ước cũng xác định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc: Bảo vệ tất cả công dân, bất kể giới tính, khỏi bạo lực và đối xử tàn bạo hay hạ nhục; Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc khuynh hướng tình dục.
Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR)
ICESCR28 cũng có những quy định nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền của tất cả mọi người được sống mà không bị bạo lực. Điều 12 Công ước quy định quyền của mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được về sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều 11 quy định quyền có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm lương thực thực phẩm, nhà ở và các điều kiện sống khác. Công ước cũng xác định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc: Đảm bảo quyền tiếp cận của tất cả mọi người đến các dịch vụ y tế và hỗ trợ xã hội; Bảo vệ mọi người khỏi bạo lực trong môi trường gia đình, xã hội và công việc
Công ước về Quyền Trẻ em (CRC)
CRC29 bảo vệ trẻ em gái khỏi mọi hình thức bạo lực, bao gồm GBV. Điều 19 Công ước yêu cầu các quốc gia phải bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và bỏ rơi. Điều 34 kêu gọi bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục. Công ước cũng xác định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc: Thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và lạm dụng; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi cho trẻ em bị ảnh hưởng.
Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Nghị quyết 1325 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 200030, tập trung vào phụ nữ, hòa bình và an ninh, đặc biệt trong bối cảnh xung đột vũ trang và hậu xung đột. Văn kiện này yêu cầu các quốc gia phải bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực, bao gồm bạo lực tình dục, trong các tình huống xung đột vũ trang, đồng thời khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột. Theo Nghị quyết, các quốc gia có nghĩa vụ: Thực hiện các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong các khu vực xung đột; Tăng cường vai trò của phụ nữ trong quá trình hòa bình và an ninh.
Có thể thấy các văn kiện nêu trên của luật nhân quyền quốc tế đã nhấn mạnh quyền của mọi người được sống không bị bạo lực và phân biệt đối xử, bất kể giới tính, xu hướng tình dục hay bản dạng giới, đồng thời đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia trong việc bảo vệ và đảm bảo quyền này. Đây chính là nền tảng cơ bản để xoá bỏ GBV.
b) Các hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế
Bên cạnh các văn kiện nêu trên, một số tổ chức quốc tế cũng đã xây dựng và thông qua những hướng dẫn quan trọng, có tính chất trực tiếp về phòng chống GBV trong một số bối cảnh cụ thể, tiêu biểu như sau:
Nguyên tắc Hành động của Liên Hợp Quốc về Bạo lực trên cơ sở giới trong xung đột (UN Action Against Sexual Violence in Conflict)31: Văn kiện này cung cấp hướng dẫn cho các quốc gia trong các vấn đề như: Xây dựng và thực hiện các chiến lược phòng ngừa và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực tình dục trong các khu vực xung đột vũ trang; Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như y tế, tâm lý và pháp lý cho các nạn nhân của bạo lực tình dục; Thúc đẩy việc truy cứu trách nhiệm và đưa các thủ phạm bạo lực tình dục ra trước pháp luật.
Nguyên tắc Yogyakarta
Nguyên tắc Yogyakarta32 được xây dựng bởi các chuyên gia về nhân quyền quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc để áp dụng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cho các vấn đề về xu hướng tình dục và bản dạng giới, trong đó Nguyên tắc 2 quy định quyền được bình đẳng và không bị phân biệt đối xử; Nguyên tắc 5 quy định quyền được bảo vệ khỏi tất cả các hình thức bóc lột, bạo lực và ngược đãi. Văn kiện này cũng xác định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc: Xóa bỏ các luật, chính sách và thông lệ phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục và bản dạng giới; Bảo vệ người đồng tính, người chuyển giới và các nhóm giới khác khỏi bạo lực và ngược đãi.
Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Phòng chống Bạo lực Giới (CEDAW General Recommendation No. 19 and 35)33: Văn kiện này nêu ra định nghĩa và phân loại các hình thức GBV, bao gồm bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và kinh tế. Nó khuyến nghị các quốc gia áp dụng những biện pháp lập pháp, hành pháp để ngăn chặn và bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ các định kiến giới tính.
Chiến lược của WHO về Phòng chống Bạo lực Giới34: Văn kiện này nêu ra các biện pháp chiến lược nhằm thu thập và phân tích dữ liệu về các hình thức GBV; cung cấp hướng dẫn về việc xây dựng các chính sách và chương trình can thiệp hiệu quả cũng như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và tâm lý cho nạn nhân GBV.
Chiến lược của Ngân hàng Thế giới về Giới và Phát triển35: Văn kiện này đề xuất các biện pháp lồng ghép vấn đề phòng chống GBV vào trong các chương trình phát triển kinh tế và xã hội; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế để tăng cường quyền lực kinh tế của họ và xây dựng các chính sách phát triển toàn diện, bao gồm yếu tố giới, để đảm bảo sự công bằng và bền vững.
3. Nghĩa vụ quốc gia trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Tiếp cận từ góc độ quyền con người, GBV đặt ra nghĩa vụ với các quốc gia trong việc: Thừa nhận quyền của mọi người được sống không bị bạo lực trên cơ sở giới; Bảo vệ mọi người khỏi mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới; Hỗ trợ mọi người trong việc phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới trong việc tiếp cận công lý, được đền bù và phục hồi.
Để thực hiện những nghĩa vụ nêu trên, xét từ góc độ vĩ mô và qua những phân tích ở các mục trên, có thể xác định ba nhóm biện pháp mà các quốc gia cần tiến hành để phòng, chống GBV như sau:
Thứ nhất, xây dựng và thực thi pháp luật
Xây dựng và thực thi pháp luật là một bước rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền nói chung và sự an toàn nói riêng của tất cả mọi người ở các quốc gia. Việc xây dựng khung pháp luật tương thích với các quy định quốc tế về phòng chống GBV là yêu cầu đầu tiên để các quốc gia thực hiện được các nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề này. Pháp luật quốc gia về phòng chống GBV cần được xây dựng một cách cẩn thận và chi tiết, bao gồm việc xác định rõ các hành vi GBV cùng những biện pháp phòng ngừa, xử lý nhanh chóng các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cũng cần thiết lập các cơ chế giám sát và đánh giá để đảm bảo rằng luật pháp về phòng chống GBV được thực thi nghiêm chỉnh và hiệu quả.
Bên cạnh việc xây dựng pháp luật, việc thiết lập các chính sách và chương trình phòng chống GBV cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường nhận thức, nâng cao trách nhiệm xã hội và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Những chính sách này có thể bao gồm việc đào tạo cán bộ có chức năng, nhiệm vụ xử lý các trường hợp GBV, tăng cường cơ chế hỗ trợ cho nạn nhân và người tố cáo, cũng như thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn chặn GBV.
Thứ hai, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân thực chất là đảm bảo quyền tiếp cận của nạn nhân với các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội. Đây là một phần quan trọng trong việc đối phó với GBV. Việc tạo ra môi trường an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân GBV là yếu tố then chốt giúp họ có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng và bắt đầu quá trình phục hồi. Điều này gắn với việc xây dựng, duy trì hệ thống các nhà tạm trú, tư vấn và hỗ trợ về pháp lý và tâm lý.
Từ một góc nhìn khác, việc xây dựng và duy trì các cơ chế hỗ trợ toàn diện và hiệu quả không chỉ giúp nạn nhân GBV phục hồi mà còn đề cao giá trị nhân văn và đối xử công bằng trong xã hội. Trong một xã hội nơi mọi người được đối xử bình đẳng và được bảo vệ thì sẽ có cơ hội xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phát triển bền vững.
Thứ ba, đào tạo và nâng cao nhận thức cho các chủ thể liên quan
Việc tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về GBV đóng vai trò cốt yếu trong việc thay đổi thái độ và hành vi xã hội, từ đó tạo ra một cộng đồng hỗ trợ và không chấp nhận bạo lực. Chỉ bằng cách nâng cao nhận thức về tác động của GBV đến mọi cá nhân trong xã hội mới có thể thúc đẩy sự đồng cảm, hỗ trợ và khuyến khích các hành động tích cực để ngăn chặn và chấm dứt bạo lực. Vì vậy, các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về GBV cần xây dựng theo hướng không chỉ nhắm đến việc truyền đạt kiến thức về vấn đề này mà còn hướng tới việc thay đổi cách suy nghĩ, thái độ và hành vi của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục cần được tổ chức thực hiện một cách rộng khắp, theo những cách thức phù hợp, tại các cơ sở giáo dục, trung tâm cộng đồng, nơi làm việc và qua các phương tiện truyền thông, để có thể lan toả thông điệp về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người nói chung, và trong việc phòng, chống GBV nói riêng.
Bên cạnh việc giáo dục và nâng cao nhận thức về GBV cho mọi chủ thể trong xã hội, cũng cần đào tạo chuyên sâu cho nhân viên thực thi pháp luật, y tế và xã hội về GBV để họ có kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc phát hiện, can thiệp và hỗ trợ nạn nhân một cách kịp thời, hiệu quả.
Thứ tư, cơ chế giám sát và báo cáo vi phạm
Việc thiết lập các cơ chế giám sát, thu thập dữ liệu về GBV cũng rất quan trọng trong phòng chống tệ nạn này. Bằng việc theo dõi chặt chẽ và ghi nhận đầy đủ thông tin về tình hình GBV, chúng ta có thể đánh giá được mức độ, xu hướng và các yếu tố gây ra bạo lực, từ đó thiết kế, điều chỉnh các biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả hơn để ngăn chặn và giảm bạo lực. Để đạt được mục đích đó, cần thu thập số liệu về các trường hợp bạo hành, phân tích tính chất của các hành vi bạo hành, đánh giá ảnh hưởng của GBV đến nạn nhân và cộng đồng, đánh giá nhận thức và phản ứng của cộng đồng với GBV. Thông qua phân tích kết quả khảo sát, cần xác định những vấn đề cấp bách cần giải quyết, đồng thời đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã triển khai và đề xuất các cải tiến để nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa và kiểm soát GBV.
Thứ năm, hợp tác quốc tế
Việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác là một biện pháp quan trọng để phòng chống GBV. Qua việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống GBV, các quốc gia có thể tìm ra những cách tiếp cận mới, ý tưởng sáng tạo và giải pháp thực tế để ngăn chặn và giảm bạo lực ở nước mình.
Hợp tác quốc tế cũng là cần thiết để giải quyết vấn đề GBV theo nghĩa đây là vấn nạn ngày càng mang tính xuyên quốc gia. Tham gia và hỗ trợ các chiến dịch và sáng kiến quốc tế chống GBV cũng thể hiện sự đồng thuận và là sự đóng góp của các quốc gia vào việc xây dựng một cộng đồng toàn cầu phòng chống GBV./.
GS.TS. Vũ Công Giao
Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Hoàng Anh Dũng
Học viên Cao học Pháp luật về quyền con người, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 39 (08/2024)
---
* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài: Quản trị quốc gia tốt và việc chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước ở Việt Nam (mã số: 505.01-2021.07), do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ.
Tài liệu trích dẫn
(1) Judith Butler: "Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity." Routledge, 1990
(2) Kimmel, Michael. "The Gendered Society." Oxford University Press, 2000
(3) Mead, Margaret. "Sex and Temperament in Three Primitive Societies." William Morrow, 1935
(4) Ortner, Sherry B. "Is Female to Male as Nature Is to Culture?" In Woman, Culture, and Society, edited by Michelle Zimbalist Rosaldo and Louise Lamphere, 67-87. Stanford University Press, 1974
(5) Beauvoir, Simone de. "The Second Sex." Translated by H. M. Parshley. Vintage Books, 1949
(6) Hooks, Bell. "Ain’t I a Woman: Black Women and Feminism." South End Press, 1981
(7) Hooks, Bell. "Feminist Theory: From Margin to Center." South End Press, 1984
(8) Hooks, Bell. "All About Love: New Visions." William Morrow, 2000
(9) United Nations. (1993). "Declaration on the Elimination of Violence against Women."
(10) WHO, World report on violence and health. 2022, https://www.who.int/publications/i/item/9241545615
(11) Hooks, Bell. "Feminist Theory: From Margin to Center." South End Press, 1984
(12) Bronfenbrenner, U. (1979). "The Ecology of Human Development: Experiments by Nature and Design." Harvard University Press
(13) Crenshaw, K. (1991). "Mapping the Margins: Intersectionality, Identity Politics, and Violence against Women of Color." Stanford Law Review, 43(6), 1241-1299
(15) United Nations. (1993). "Declaration on the Elimination of Violence against Women."
(15) World Health Organization. (2002). "World report on violence and health."
(16) MacKinnon, C. A. (1989). "Toward a Feminist Theory of the State." Harvard University Press
(17) Andrea Dworkin (1981). "Pornography: Men Possessing Women"
(18) Kimberlé Crenshaw, (1989) "Demarginalizing the Intersection of Race and Sex: A Black Feminist Critique of Antidiscrimination Doctrine, Feminist Theory, and Antiracist Politics"
(19) Kimberlé Crenshaw, (1991). "Mapping the Margins: Intersectionality, Identity Politics, and Violence against Women of Color"
(20) Bronfenbrenner, U. (1979). "The Ecology of Human Development: Experiments by Nature and Design." Harvard University Press.
(21) Peacock, D., & Barker, G. (2014). "Working with men and boys to prevent gender-based violence: Principles, lessons learned, and ways forward." Men and Masculinities, 17(5), 578-599