Ngày 01/7, Ban Điều hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Đề án) phối hợp với Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức chương trình tập huấn kiến thức quyền con người cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Trung tại Thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, thiết chế truyền thông, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Các cơ quan báo chí thông qua các phương thức như: Truyền thông và định hướng dư luận về quyền con người; là diễn đàn tự do ngôn luận của người dân; cung cấp và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; phát hiện, lên án các hành vi vi phạm quyền con người; nêu gương các điển hình trong đấu tranh bảo vệ quyền con người; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người... Muốn thực hiện tốt những nhiệm vụ này, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí phải nắm vững những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về quyền con người.
GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban điều hành
Đề án giáo dục quyền con người cùng các chuyên gia, giảng viên và học viên của lớp tập huấn.
Lớp tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nhằm mục đích cập nhật kiến thức, thông tin về quyền con người và giáo dục quyền con người, từ đó nâng cao năng lực cho đội ngũ làm báo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình.
Chương trình tập huấn kiến thức quyền con người cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Trung diễn ra từ ngày 01 - 03/7. Các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt 6 chuyên đề: Khái quát chung về quyền con người; pháp luật quốc tế về quyền con người và tự do báo chí; pháp luật Việt Nam về quyền con người và tự do báo chí; thành tựu bảo đảm quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam; cơ chế quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền theo UPR, chu kỳ IV ở Việt Nam; vai trò, trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí về bảo vệ quyền con người trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, phóng viên và biên tập viên cơ quan báo chí cũng được thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp liên quan tới quyền con người; các thành tựu bảm đảm quyền con người trong thời kì đổi mới; cơ chế quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người; vai trò của báo chí về bảo vệ quyền con người trong tình hình mới…
Lê Hữu Đạt
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh