Văn hoá nhân quyền là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và phát triển bền vững. Văn hoá nhân quyền không chỉ dừng lại ở việc hiểu biết về các quyền cơ bản của con người, mà còn bao gồm sự tôn trọng, công bằng và sự cảm thông giữa các cá nhân. Tại các trường đại học, xây dựng văn hoá nhân quyền góp phần quan trọng trong việc tạo nên một môi trường học tập an toàn, nơi sinh viên được khuyến khích bày tỏ quan điểm, phát triển tư duy phản biện và tôn trọng sự đa dạng. Đồng thời, đây cũng là yếu tố giúp các sinh viên nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: hust.edu.vn.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các trường đại học Việt Nam ngày càng chú trọng xây dựng văn hoá nhân quyền để đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu. Việc phát triển văn hoá này không chỉ giúp sinh viên nhận thức sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ cá nhân, mà còn góp phần hình thành lối sống nhân văn, sẵn sàng hành động vì lợi ích chung. Bài viết này sẽ làm rõ giá trị cốt lõi của văn hoá nhân quyền trong môi trường đại học, từ đó đề xuất các giải pháp để thúc đẩy và nâng cao văn hoá nhân quyền trong các trường đại học ở Việt Nam, hướng đến một nền giáo dục hiện đại và tiến bộ.

1. Hệ thống khái niệm

Ngài Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong một dịp phát biểu về Công ước về quyền trẻ em, đã nói rằng: ”Bảo vệ quyền trẻ em là xây dựng một nền văn hóa nhân quyền cho tương lai”. Tại sao xây dựng văn hóa nhân quyền lại bắt nguồn từ việc bảo vệ quyền trẻ em? Có thể lý giải rằng, nếu trẻ em được nuôi dưỡng, giáo dục tốt, được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và đạo đức, được giáo dục và tiếp cận các quyền con người thì tương lai đất nước sẽ tươi sáng, sánh vai với các cường quốc năm châu, nền văn hóa nhân quyền sẽ luôn được củng cố và phát triển. Ngược lại, nếu trẻ em bị bỏ rơi, thiếu thốn, không được giáo dục tốt thì tương lai đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách và lẽ đương nhiên, nền văn hóa nhân quyền cho tương lai cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trong lời khẳng định của ngài Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc, thì việc xây dựng văn hóa quyền con người không chỉ bắt đầu xây dựng văn hóa quyền con người trong trường đại học, mà còn phải bắt đầu xây dựng văn hóa quyền con người ngay từ khi sinh ra sống trong gia đình và được giáo dục tại hệ thống các trường mầm non. Hay nói cách khác, xây dựng văn hóa quyền con người trong trường đại học là sự tiếp diễn và phát triển từ hệ thống trường mầm non, THCS, THPT.

Văn hóa nhân quyền là thuật ngữ được nhắc đến khá sớm ở góc độ quốc tế, cụ thể trong chương trình phát động Thập kỷ giáo dục nhân quyền (1995 - 2004), Chương trình thế giới về nhân quyền (2005 - 2007), với nội dung như sau:

(1) Tăng cường sự tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản

(2) Phát triển toàn diện nhân cách và hiểu biết về sự tôn nghiêm của nhân cách

(3) Tăng cường hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, dân bản xứ, giữa các nhóm nhân chủng, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ

(4) Đảm bảo để mọi công dân đều có khả năng tham gia hiệu quả vào xã hội tự do và dân chủ trong khuôn khổ pháp luật

(5) Xây dựng và gìn giữ hòa bình

(6) Đẩy mạnh sự phát triển, duy trì được vị trí con người là trung tâm và chính nghĩa trong xã hội.

Ở Việt Nam, cũng đã có một số nghiên cứu về văn hóa nhân quyền, tuy nhiên, chưa nhiều nghiên cứu đào sâu. Điển hình, có quan điểm cho rằng, VHNQ là thói quen ứng xử dựa trên nhận thức: tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung, đối với mọi người và trách nhiệm đối với người khác và cộng đồng, trong khi, một số quan điểm khác thì cho rằng văn hóa nhân quyền là những giá trị dẫn dắt những hành vi của con người phải đạt tới và phải được mọi người thừa nhận trong lĩnh vực quyền con người, một số khác thì cho rằng: “Văn hóa nhân quyền chính là văn hóa của công dân toàn cầu, những người nắm rõ các nguyên tắc cơ bản của quyền con người, nhất trí chung trên thế giới để vận dụng hiệu quả vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày ở địa phương”

Điều này diễn giải ra rằng, văn hóa nhân quyền của mỗi quốc gia là không giống nhau. Lấy ví dụ, ở phương Tây đều ủng hộ quan điểm về tính phổ biến về quyền con người, trong khi, ở phạm vi khu vực, các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Inđônêxia, Nhật Bản hay Việt Nam đều ủng hộ quan điểm về tính đặc thù về quyền con người thông qua việc đề xướng lý luận về những giá trị châu Á, các quyền con người thường hướng vào những nhân tố đoàn kết cộng đồng, lòng khoan dung, tôn trọng quyền lực nhà nước, tôn trọng danh tiết, phẩm giá con người, tôn trọng chủ nghĩa nhân đạo, và tiến bộ xã hội, hạn chế chủ nghĩa cá nhân. Ở khía cạnh khác, với phương Tây mỗi con người là một cá thể có chính kiến của riêng mình, sống độc lập và tôn trọng cái “tôi” là đặc trưng của cách sống phương tây, trong khi, phương Đông nhấn mạnh các quyền con người thường hướng vào những nhân tố đoàn kết cộng đồng, lòng khoan dung, tôn trọng quyền lực nhà nước, tôn trọng danh tiết, phẩm giá con người, tôn trọng chủ nghĩa nhân đạo, và tiến bộ xã hội, hạn chế chủ nghĩa cá nhân.

Hiện nay, ở cấp độ đại học, pháp luật về quyền con người được đào tạo trong các trường chuyên luật như Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa Luật Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học An Giang.., đã có một môn học riêng về quyền con người, với các cơ sở đào tạo khác, môn học này được truyền tải thông qua phương thức lồng ghép ở một số môn học như: Luật hiến pháp, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Tố tụng hành chính… Đây là cơ sở hình thành nên nền văn hóa nhân quyền trong trường đại học.

Vậy xây dựng văn hóa nhân quyền trong trường đại học là gì? Xây dựng văn hóa nhân quyền trong trường đại học được hiểu là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người trong hệ thống các trường đại học nhằm xây dựng thói quen ứng xử dựa trên nhận thức: tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung, đối với mọi người và trách nhiệm đối với người khác và cộng đồng phù hợp với từng quốc gia và có tôn trọng giá trị đặc thù.

2. Xây dựng văn hóa nhân quyền trong các trường đại học

Thứ nhất, văn hóa bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, tôn trọng sự khác biệt

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Kế thừa những nội dung đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Trên cơ sở đó, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, tôn trọng sự khác biệt được hiểu là việc nam, nữ và các giới khác, có vị trí và vai trò ngang nhau, đều được tạo điều kiện để phát huy năng lực của mình (cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng); Được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Điều này, Hiến pháp 2013 quy định rất rõ rằng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 16); “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới (Điều 26). Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.Do vậy,

(i) Dù là nam, nữ hay giới nào khác, cũng đều được khuyến khích, tạo điều kiện để đi học, phát triển bản thân;

(ii) Đều được thừa kế, đứng tên sở hữu đất đai, tài sản của gia đình, theo đúng quy định pháp luật;

(iii) Đều có vai trò bình đẳng trong hôn nhân, có tiếng nói và quyền ra quyết định như nhau;

(iv) Đều có thể đảm nhận các vai trò nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, làm nương rẫy, hay tham gia các công việc ngoài xã hội, dù là nam hay nữ - tùy vào lựa chọn của mỗi người;

(vi) Đều được tự đưa ra quyết định và chọn lựa đối với cuộc sống của mình, như chọn kết hôn với ai và khi nào, lựa chọn nghề nghiệp và nơi ở theo ý muốn…

(vii) Không phải tuân theo các khuôn mẫu về giới khi đưa ra lựa chọn hay thể hiện bản thân (như cách ăn mặc, nghề nghiệp muốn làm, người muốn yêu…).

Thứ sáu, Văn hóa đồng cảm, sẻ chia, có tinh thần yêu thương đùm bọc lẫn nhau đối với những mảnh đời bất hạnh, trên cơ sở đó, tôn trọng các nhóm quyền dễ bị tổn thương trong xã hội như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, nhóm cộng đồng LGBT…xem nhóm người dễ bị tổn thương là chủ thể quyền và nhóm người này được quyền tôn trọng và bảo vệ thay vì coi nhóm người này thuộc đối tượng của lòng thương hại.

Trước hết thể hiện trong kho tàng thơ ca, tục ngữ dân gian của Việt Nam như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” rồi “Ở hiền thì lại gặp lành” hoặc là “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em”. “Nhân nghĩa là chúa muôn đời. Bạc tiền là khách qua chơi bấy giờ”. Thể hiện trong các tác phẩm văn hóa của các danh nhân văn hóa trong thời kỳ trung đại như Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi với chủ nghĩa nhân đạo bao trùm “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Trên cơ sở đó, sinh viên cần có thái độ cảm thông, tôn trọng, giúp đỡ đối với nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội, bởi vì về cơ bản các nhóm người dễ bị tổn thương được dùng để chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người, và bởi vậy, cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác.

Bên cạnh đó, nếu như trước đây, theo nhận thức của đông đảo xã hội, nhóm người dễ bị tổn thương bị coi là đối tượng của lòng thương hại, việc bảo vệ, hỗ trợ họ chủ yếu dựa trên cách tiếp cận của tình thương và lòng nhân đạo, chứ không bắt nguồn từ nhận thức rằng họ cũng là những chủ thể của quyền và các nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân khác có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện các quyền của nhóm người dễ bị tổn thương. Ví dụ: Sự chuyển biến về nhận thức dẫn tới sự thay đổi cả cách gọi tên của nhóm xã hội này, thay cho việc dùng từ những người tàn tật(disable persons) có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm xã hội này được gọi một cách chính xác và trân trọng là những người khuyết tật(persons with disabilities). Với một sự thay đổi về tên gọi cũng như cách nhận thức như vậy, sẽ giúp người khuyết tật tự tin hơn và dễ hòa đồng hơn trong xã hội.

 Thực tế cho thấy, cách tiếp cận cũ không những không bảo đảm cho những người thuộc nhóm người dễ bị tổn thương được hưởng đầy đủ các quyền con người mà còn ngăn cản họ tham gia, hội nhập có hiệu quả vào đời sống xã hội, thậm chí bị đẩy ra ngoài lề của xã hội. Ví dụ: quyền của nhóm cộng đồng LGBT.

Thứ hai, văn hóa trao quyền: có tiếng nói cá nhân, được quyền nói và chia sẻ những bất công… Tuy nhiên, văn hóa dân chủ trong phạm vi quy định của pháp luật và tôn trọng giá trị đặc thù của mỗi quốc gia.

Theo luật nhân quyền quốc tế, tồn tại 2 hệ thống nhóm quyền, đó là quyền tương đối và quyền tuyệt đối. Sự khác biệt giữa hai loại quyền này chủ yếu dựa trên tiêu chí mức độ, điều kiện hưởng thụ quyền. Quyền tuyệt đối là những quyền bắt buộc tôn trọng và thực hiện trong đa số hoàn cảnh mà không cần bất cứ điều kiện gì kèm theo. Trong khi đó, quyền có điều kiện là các quyền mà chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn những yêu cầu nhất định. Quyền được tôn trọng về nhân phẩm, trong đó bao gồm quyền không bị làm nô lệ, quyền không bị tra tấn và đối xử một cách tàn ác, được phần đông thừa nhận mang tính tuyệt đối, không thể bị hạn chế. trong khi đó, quyền tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí…là nhóm quyền bị hạn chế trong những trường hợp luật định vì một số lý do như bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”. Như vậy, văn hóa trao quyền: có tiếng nói cá nhân, được quyền nói và chia sẻ những bất công…, tuy nhiên, phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt một số hạn chế luật định được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật.

Thứ ba, văn hóa biết ơn sự hy sinh của cha ông để xây dựng một nền độc lập cho Tổ quốc và nước nhà.

Quyền dân tộc cơ bản được khẳng định rõ nét thông qua chỉ thị cho toàn Đảng khi được tin Nhật sắp đầu hàng Đồng minh: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ, Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vang dậy núi sông: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuồng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp”[1]. Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh vào miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miềm Bắc, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quyết tâm chống Mỹ, cứu nước với chân lý “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một long kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta[2]. Sinh viên hiện nay đang sống trong hòa bình phải biết biết ơn sự hy sinh máu xương của cha ông để xây dựng một nền độc lập cho tổ quốc và nước nhà. Trên cơ sở đó, mới có thể tránh được một số những suy nghĩ lệch lạc trước những thông tin sai lệch, bôi xấu và không đúng sự thật về Đảng và Nhà nước ta.

Thứ tư, truyền tải tinh thần khoan dung, nhân đạo là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử dân tộc và thời đại.

Dưới triều đại nhà Lý, văn hoá nhân quyền còn thể hiện rõ nét nhất qua hành động của vua Lý Thánh Tông đối với tù nhân: Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: trẫm ở trong cung sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa[3]. Điều 17 Chương Danh Lệ - Bộ Luật Hồng Đức quy định nhân văn đối với người già và trẻ nhỏ như: “Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người bị phế tật, phạm tội lưu trở xuống đều cho chuộc bằng tiền,..”[4]. Nét nhân văn thể hiện rõ trong sự quan tâm của nhà nước đối với người nghèo khó, tật nguyền, cô nhi. Theo quy định của Điều 12 Chương Hộ hôn - Bộ Luật Hồng Đức: Những người goá vợ, goá chồng, mồ côi và người tàn tật nặng, nghèo khổ không có người thân thích để nương tựa, không thể tự mình mưu sống được mà quan sở tại bỏ rơi họ thì bị xử đánh 50 roi, biếm một tư. Nếu họ được cấp cơm áo, mà quan lại ăn bớt đi thì phải khép vào tội như người giữ kho ăn trộm của công [5]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh được thể hiện ở lòng yêu thương, cảm thông, chia sẻ, rộng lượng… đối với con người. Khi đánh giá hay nhận xét một con người, Người cho rằng, trong xã hội có người tốt, cũng có người chưa tốt. Với những người chưa tốt thì trong họ cũng có phần tốt cho nên ta luôn phải khoan dung, cảm hóa họ để làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, còn phần xấu sẽ dần dần bị mất đi. Làm được như vậy xã hội sẽ có nhiều người tốt. Trên cơ sở đó, tư tưởng khoan dung, nhân đạo được kế thừa trong các Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự như giảm số lượng hình phạt tử hình, liệt kê các tình tiết giảm nhẹ TNHS…

Thứ năm, xây dựng được văn hóa ứng xử trước những tác động của văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, chủ động ứng phó được với những thông tin xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Thông tin xấu độc thường được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông của các tổ chức, cá nhân chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin gây giật gân, gây sốc, thu hút sự chú ý đông đảo của cư dân mạng; bài viết có định dạng phông chữ lạ, không có sự thống nhất giữa tiêu đề, nội dung, hình ảnh minh họa, thời gian đăng tin và thời gian xảy ra sự kiện được phản ánh, đăng tải trên trang giả mạo gây hiểu lầm là các trang thông tin chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…Thông tin xấu, độc thường phản ánh các nội dung sau: Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc. Phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…. Nếu như sinh viên không xây dựng được văn hóa ứng xử trước những tác động của văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, chủ động ứng phó được với những thông tin xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, rất dễ bị “diễn biến trong nhận thức” và nguy cơ vi phạm pháp luật và không trung thành với Tổ quốc - nơi mình sinh ra.

3. Giải pháp xây dựng văn hóa quyền con người trong trường đại học

Một là, đặt ra mục tiêu xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trong trường đại học.

Hiện nay, vấn đề xây dựng văn hóa quyền con người trong trường đại học còn khá mới mẻ, hầu như chưa nhiều nghiên cứu đào sâu. Với những vấn đề mới mẻ như vậy, thiết nghĩ cần phải đặt ra mục tiêu xây dựng một nền văn hóa nhân quyền trong trường đại học và liệt kê những nội dung cụ thể của một nền văn hóa nhân quyền trong trường đại học.

Hai là, tổ chức thực hiện giáo dục quyền con người, xây dựng văn hóa quyền con người.

Trong Tuyên ngôn Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo về nhân quyền cũng đã khẳng định rất rõ nét rằng giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và việc chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và tự do căn bản cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc phổ quát, không thể tách rời và phụ thuộc lẫn nhau của các quyền con người… Cụ thể, giáo dục quyền con người trước tiên, thông qua các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đạo đức, xã hội và gia đình, đồng thời, có thể tham khảo các nội dung như đã nêu.

Ba là, triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 và một số bộ luật, luật liên quan về quyền con người.

Có thể nói, Hiến pháp 2013 là văn bản pháp lý ghi nhận đầy đủ nhất các quyền con người, đây không chỉ là sự kế thừa hệ thống quyền con người từ các Công ước quốc tế về quyền con người mà còn là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người, mọi công dân được hưởng thụ và thực hiện cũng như bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một số văn bản pháp lý khác cũng ghi nhận việc bảo vệ quyền con người như Luật phòng chống tham nhũng, Luật tiếp cận thông tin, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự…là những dữ liệu pháp luật quan trọng để triển khai quyền con người trên thực tiễn.

Bốn là, thực hiện công tác đào tạo chuyên gia pháp luật về quyền con người, đặc biệt là vấn đề văn hóa nhân quyền, có sự tiếp thu những tiến bộ phù hợp với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Năm là, giáo dục văn hóa nhân quyền cho đứa trẻ từ trong gia đình, bắt đầu từ hệ thống mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và tiếp đó, đến bậc đại học. Bởi văn hóa thông thường hình thành từ thói quen, nếp sống. Vì vậy, để hình thành văn hóa, trước tiên phải hình thành và duy trì thói quen và cần một thời gian dài để hình thành nhận thức, ứng xử của một cá thể trong xã hội.

ThS. Nguyễn Phương Nhung

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, Tập 4, tr.131.

[4] Khoa Luật Đại học QG Hà Nội (2011), Tư tưởng về quyền con người, (tuyển tập tư liệu thế giới và Việt Nam), tr.704, Nxb Lao động - Xã hội.

[5] Nt