Tiếp cận thông tin là một trong những công cụ hữu hiệu đảm bảo phòng chống tham nhũng, là điều kiện để đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho mọi người là nguồn “vắc-xin” hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng. Bài viết trên cơ sở phân tích khái quát quyền tiếp cận thông tin và thực trạng quyền tiếp cận thông tin trong Luật Phòng, chống tham nhũng, từ đó đề xuất một số giải pháp bảo đảm quyền này ở Việt Nam hiện nay.

Tranh minh họa. Nguồn: quochoi.vn.

1. Khái quát về quyền tiếp cận thông tin trong Luật Phòng, chống tham nhũng

Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là quyền cơ bản của con người trong việc được tiếp nhận, tìm kiếm và phổ biến các thông tin1. Quan trọng hơn nữa, quyền TCTT là khả năng để chủ thể quyền được đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu hiểu biết được nội dung thông tin2. Trong phòng chống tham nhũng (PCTN), quyền TCTT bao gồm:

(1) Quyền tiếp nhận thông tin: mọi người đều được quyền tiếp nhận thông tin trong PCTN qua các kênh truyền thông công khai, sẵn có mà không cần phải yêu cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin phải bảo đảm công khai các thông tin và hoạt động của mình một cách thường xuyên.

(2) Quyền tìm kiếm thông tin: mọi người có quyền yêu cầu các chủ thể có thông tin phải có nghĩa vụ cung cấp những thông tin mà mình cần hoặc quan tâm trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép.

(3) Quyền phổ biến thông tin: mọi người có quyền được truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin với các chủ thể khác, không phân biệt ranh giới hay hình thức phổ biến.

(4) Quyền được hiểu nội dung thông tin: mọi người có quyền được chủ thể có thẩm quyền cung cấp thông tin giải thích, làm rõ những vấn đề có liên quan xung quanh thông tin được tiếp cận. Việc đảm bảo tốt quyền này giúp tăng cường trách nhiệm giải trình từ chủ thể có liên quan trong PCTN.

Ở Việt Nam, quyền TCTT là một quyền hiến định, thể hiện ở 4 chiều cạnh sau: tất cả mọi người đều có quyền TCTT trong PCTN; tất cả các thông tin liên quan trong PCTN mọi người đều được tiếp cận; những thông tin trong PCTN mọi người đều được quyền tiếp cận vào bất kỳ lúc nào và quyền TCTT trong PCTN phải được bảo đảm cho mọi người ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Tất nhiên, những chiều cạnh của quyền TCTT trong PCTN cũng có thể bị hạn chế. Tuy nhiên, sự hạn chế đó phải được thực hiện theo một số điều kiện và phải do Quốc hội quy định.

Theo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005, nguyên nhân đầu tiên, trước hết khiến tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, đó là, các quy định về công khai, minh bạch chưa hoàn thiện, chế độ thông tin, báo cáo về PCTN chưa cụ thể3. Chính vì thế, việc bảo đảm cho mọi người được TCTT một cách hiệu quả là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng4. Bởi chỉ có dựa vào sức mạnh của nhân dân mới xây dựng được chính quyền trong sạch, giữ vững kỉ cương, an ninh, quốc phòng, từ đó tạo động lực to lớn phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức rõ điều này, một trong những quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN) là xây dựng cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”5.

Mục tiêu trước tiên của Luật PCTN là phòng ngừa tham nhũng. Đây là biện pháp hữu hiệu trong việc chữa tận gốc nguyên nhân của tham nhũng. Bởi vì, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thì sẽ ngăn chặn được hành vi tham nhũng và hạn chế được những thiệt hại do tham nhũng gây ra. Do đó, nếu đảm bảo quyền TCTT được thực hiện triệt để sẽ thực chất là liều “vắc-xin” hữu hiệu để PCTN.

2. Thực trạng quyền tiếp cận thông tin trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ nhất, về chủ thể TCTT, phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng. Luật PCTN quy định “công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin”6. Như vậy, trong PCTN, công dân là chủ thể thực hiện quyền TCTT và cơ quan nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định chung của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Luật TCTT). Đồng thời đây cũng là điểm mới của Luật PCTN năm 2018, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước trong hoạt động PCTN. Bởi so với Luật PCTN năm 2018, Luật PCTN năm 2005 không có quy định cụ thể quyền TCTT của công dân. Điều này làm cho công tác thông tin trong PCTN thời gian vừa qua chưa cụ thể, việc tham gia của cộng đồng trong công tác PCTN gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Bên cạnh đó, Luật PCTN năm 2018 còn mở rộng hơn các hình thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng so với quy định của Luật PCTN năm 2005. Việc cung cấp thông tin về tham nhũng có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau như phản ánh, tố cáo, báo cáo7. Qua đó, các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thu thập các thông tin về tham nhũng có thể phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời. Quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng cũng giúp khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

Tuy đã có nhiều điểm bổ sung song việc bảo đảm quyền TCTT trong PCTN đối với người nước ngoài còn là vấn đề đang bị bỏ ngỏ. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đối với một quốc gia, người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống đã tất yếu trở thành bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng dân cư của quốc gia đó. Người nước ngoài cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của quốc gia nơi họ làm ăn, sinh sống. Vì vậy, bên cạnh các quy định pháp luật đảm bảo quyền lợi của công dân, từng quốc gia đều phải đối diện với nghĩa vụ quốc tế là tạo cơ sở và điều kiện để người nước ngoài hưởng chế độ pháp lý phù hợp với sự tồn tại hợp pháp của họ trên lãnh thổ quốc gia đó. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ trong vấn đề này. Với phương châm chủ động  và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, Việt Nam càng phải thể hiện rõ sự tích cực, nghiêm chỉnh trong việc tạo cơ sở và điều kiện để người nước ngoài hưởng chế độ pháp lý phù hợp với họ. Do đó, quyền TCTT của người nước ngoài làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam trong PCTN cần phải được ghi nhận nhất là khi liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của họ. Nhưng hiện nay, Luật PCTN không ghi nhận quyền này đối với người ngoài cư trú tại Việt Nam, mà chỉ quy định dưới dạng nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế trong hoạt động PCTN đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài8. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo9. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tố cáo năm 2018 quy định, cá nhân có quyền tố cáo10. Cá nhân ở đây bao gồm: công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Như vậy, có thể nói Luật PCTN đã hạn chế quyền tố cáo của mọi người trong PCTN.

Thứ hai, về nội dung công khai, minh bạch trong PCTN. Các thông tin về  việc thực hiện chính sách pháp luật; tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công; công tác tổ chức cán bộ... đều phải công khai, minh bạch được quy định ở Luật PCTN11 đều đã được quy định tại danh mục thông tin phải công khai của Luật TCTT12. Điều này dẫn đến tình trạng, việc công khai, minh bạch trong các lĩnh vực và nội dung công khai, minh bạch là những thông tin mang tính chất chung chung, nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Giải thích cho quy định này, các nhà làm luật cho rằng: Công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực khác nhau đã được các luật chuyên ngành quy định đầy đủ và chặt chẽ cả về nội dung và trình tự, thủ tục. Vì thế, đây là cách thức để bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, so với Luật hiện hành13. Tuy nhiên, tác giả không đồng ý với quy định và cách giải thích như trên. Bởi vì, một là, nếu là đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, Luật PCTN đã công khai, minh bạch những thông tin trùng lặp với thông tin phải được công khai trong Luật TCTT. Luật TCTT là luật áp dụng chung cho việc TCTT của công dân và Luật PCTN là luật chuyên ngành về PCTN lại tiếp tục quy định giống như trong Luật TCTT. Đây là thể hiện sự chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật. Điều này vi phạm đến một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam là tính thống nhất và đồng bộ yêu cầu nội dung các quy phạm pháp luật không được trùng lặp. Hai là, Luật PCTN phải là cơ sở để nhận diện tham nhũng. Muốn làm được điều đó, nhà nước phải ban hành các quy định để nhận diện tham nhũng và phân biệt được tham nhũng với các hiện tượng xã hội khác. Các quy phạm pháp luật về quyền TCTT trong PCTN cũng phải thể hiện được các thông tin liên quan đến việc nhận diện tham nhũng. Các thông tin nhận diện hành vi tham nhũng phải là thông tin trực tiếp liên quan đến: người có chức vụ, quyền hạn; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; yếu tố vụ lợi. Nói cách khác, để đảm bảo quyền TCTT được thực hiện hiệu quả trong PCTN, pháp luật phải quy định các thông tin nhận diện trên phải công khai, minh bạch và mọi người đều được quyền tiếp cận. Khi mà có được thông tin đầu vào để xác định có hành vi tham nhũng hay không sẽ là biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Do đó, nội dung công khai, minh bạch trong Luật PCTN chưa rõ ràng, cụ thể, không mang tính khả thi, không đáp ứng được tiêu chí phòng ngừa tham nhũng. Ba là, về thông tin bị hạn chế tiếp cận trong PCTN: quyền con người có thể bị hạn chế, bởi vì, nếu quyền con người luôn mang tính tuyệt đối, tất yếu sẽ có xu hướng làm cho con người không thể gắn kết với nhau thành một xã hội, dẫn tới sự hủy hoại xã hội. Bởi vậy, mục đích và cũng là lí do của sự hạn chế đối với quyền con người, là bảo đảm quyền tự do của người khác mà cũng để đảm bảo sự yên bình, hài hòa trong xã hội14. Quyền TCTT là quyền hiến định và cũng có thể bị hạn chế. Quốc hội là cơ quan duy nhất được quyền hạn chế và Quốc hội phải giải thích rõ sự hạn chế đó là cần thiết và biện pháp hạn chế đưa ra là phù hợp với lợi ích công cộng cần được bảo vệ15. Luật TCTT quy định 2 loại thông tin công dân không được tiếp cận16 trong đó có thông tin gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác là không được tiếp cận. Theo Luật PCTN, kê khai tài sản, thu nhập là một biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Mục đích của kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm minh bạch tài sản, thu nhập. Đa số các quốc gia đều cho rằng, kê khai, công khai tài sản, thu nhập là biện pháp chủ yếu nhất, quan trọng nhất để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn17. Tuy nhiên, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong Luật PCTN, không được công khai rộng rãi cho công chúng. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện trong những trường hợp nhất định và với phạm vi không gian hạn chế, nên chủ thể được tiếp cận sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia là cơ sở dữ liệu lõi, được dùng chung, chia sẻ sử dụng thuận tiện giữa các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương khác nhau, phù hợp với yêu cầu quản lí18. Cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực là thông tin phải được công khai do Luật TCTT quy định19. Do đó, cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực là thông tin mà công dân được tự do tiếp cận, chứ không cần thực hiện quyền yêu cầu. Tuy nhiên, Luật PCTN quy định, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là loại thông tin được tiếp cận khi phải có yêu cầu và chỉ những người chủ thể có thẩm quyền mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin này20. Có thể gọi đây là hạn chế quyền TCTT của mọi người trong PCTN. Tuy nhiên, Luật PCTN không có sự giải thích về việc hạn chế trong trường hợp này.

3. Một số giải pháp cơ bản nâng cao quyền tiếp cận thông tin trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Trên cơ sở phân tích thực trạng quyền TCTT trong Luật PCTN ở Việt Nam, để đảm bảo quyền này, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần quan tâm giúp người dân nâng cao năng lực, khả năng TCTT trong PCTN, phổ biến để mọi người nhận thức đây là quyền, trách nhiệm trong công tác PCTN.

Thứ hai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần sớm ban hành “Danh mục thông tin phải công khai”, đặc biệt công khai thông tin trong PCTN, chẳng hạn như thông tin định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn…

Thứ ba, Chính phủ cần khẩn trương ban hành quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cần quy định cụ thể các trường hợp kê khai, trình tự, thủ tục… trong công tác tổ chức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Thứ tư, Thanh tra Chính phủ khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để làm nguồn cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác trong PCTN. Cần có quy định cụ thể, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thứ năm, pháp luật cần xử lý nghiêm minh những hành vi xâm phạm quyền TCTT trong PCTN, vi phạm về công khai thông tin.

Thứ sáu, Luật PCTN quy định hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện. Thời gian tới, nên nghiên cứu mở rộng phạm vi chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, chủ thể được TCTT để tăng cường tính công khai, minh bạch trong mọi tổ chức của đời sống xã hội, đảm bảo phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Thứ bảy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có những biện pháp kịp thời để bảo vệ, khen thưởng người cung cấp thông tin trong PCTN. Bên cạnh đó, phải công khai kết quả xử lý những vụ việc đó, để người cung cấp thông tin nhận thức, đánh giá đúng hành vi tham nhũng. Góp phần khích lệ, tạo sự an tâm của mọi người trong việc cung cấp thông tin để PCTN.

Tóm lại, việc ghi nhận quyền TCTT trong Luật PCTN đã đem lại nhiều ý nghĩa lớn, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật trước đây, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác PCTN. Bảo đảm quyền TCTT là góp phần phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Đấu tranh PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và khó khăn, phức tạp, lâu dài, cho nên, chúng ta phải luôn xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

ThS. Dương Văn Quý

Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 38 (06/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Đinh Thanh Phương (2018), “Mối quan hệ giữa quyền tiếp cận thông tin và quyền giám sát của nhân dân”, Tạp chí Luật học, số 5, tr.77.

(2) Trần Thái Dương (2017), “Các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12, tr.52.

(3) Tài liệu giới thiệu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/de-cuong.aspx?ItemId=268.

(4) Điều 13 Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.

(5) Thanh tra Chính phủ - Bộ Tư pháp, Tài liệu Giới thiệu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, địa chỉ http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/de-cuong.aspx?ItemId=268.

(6) Khoản 2, Điều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(7) Điều 6, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

(8) Điều 89 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(9) Khoản 1, Điều 30 Hiến pháp năm 2013.

(10) Khoản 1, Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018.

(11) Điều 9, Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

(12) Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(13) Thanh tra Chính phủ - Bộ Tư pháp, Tài liệu Giới thiệu Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, địa chỉ http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/de-cuong.aspx?ItemId=268.

(14) Tô Văn Hòa (2018), “Tư tưởng hạn chế quyền con người và nội dung nguyên tắc hạn chế quyền cơ bản hiến định theo Hiến pháp năm 2013”, Tạp chí Luật học, số 8, tr.35.

(15) Tô Văn Hòa (2018), tlđd, tr.41.

(16) Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(17) Vũ Công Giao, Đỗ Thu Huyền (2016), “Pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12, tr.74.

(18) http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=380498

(19) Điểm l, khoản 1, Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

(20) Điều 54 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018