Quyền con người đóng vai trò then chốt trong lịch sử nhân loại, đại diện cho những giá trị cơ bản của sự công bằng, tự do và phẩm giá con người. Magna Carta (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Đại hiến chương) được ký kết cách đây hơn 800 năm, nổi bật như biểu tượng của bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Văn bản này khẳng định quyền tự do cá nhân, giới hạn quyền lực tuyệt đối của vua, và đảm bảo công bằng trong xét xử. Magna Carta đã đặt nền móng cho phát triển của các nguyên tắc quyền con người trong xã hội và pháp luật hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế giới công bằng và tự do cho mọi người.
Tranh cổ: Vua John ký Magna Carta. Nguồn: cand.com.vn
1. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời Magna Carta
Trước khi Magna Carta ra đời, nước Anh trải qua một giai đoạn phong kiến đầy biến động và bất ổn. Cần biết Magna Carta không phải là hiến chương đầu tiên được chấp thuận bởi một vị vua nước Anh. Trước đó một thế kỷ, vua Henry I, với việc ban hành một Hiến chương tự do (Charter of Liberties-được ban hành năm 1100), đã chỉ ra rằng ông ta sẽ tôn trọng các đặc quyền của giới quý tộc hơn so với những người tiền nhiệm của mình. Nhưng những người kế vị Henry sau đó đã nhanh chóng trở lại với các biện pháp chuyên quyền độc đoán trong các thời kỳ trị vì của họ.
Năm 1199, Vua John lên ngôi sau cái chết của anh trai ông, Richard I. Tuy nhiên, thời kỳ cai trị của John lại nổi bật bởi sự quản lý kém cỏi, những cuộc chiến tranh tốn kém và sự áp đặt thuế má nặng nề lên dân chúng và giới quý tộc. John và những người tiền nhiệm của ông cai trị dựa trên nguyên tắc “vis et voluntas”, tức "bắt buộc hay tự nguyện", ôm đồm cả quyền hành pháp và tư pháp, dựa trên nguyên lý cơ bản là nhà vua còn ở trên pháp luật1.
Dưới chế độ phong kiến, các nam tước (quý tộc) là “chư hầu” cấp cao, thề trung thành với triều đình, cung cấp binh lính và đóng thuế, để đổi lấy đất đai (gọi là thái ấp, hoặc lãnh địa) và sự bảo trợ của nhà vua. Tuy nhiên, từ thập niên 1190, lợi tức mà nhà vua thu thập được từ thuế phong kiến và các thái ấp chỉ như “muối bỏ biển” so với chiến phí để giành lại đất của Anh từ tay nước Pháp. Để tài trợ cho các cuộc chiến tranh tại Pháp và các chiến dịch quân sự khác, John đã tăng thuế và áp đặt các khoản phạt khắc nghiệt lên quý tộc và dân chúng. Điều này đã làm dấy lên sự phẫn nộ và sự kháng cự từ nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới quý tộc, những người cảm thấy quyền lợi và tài sản của họ bị đe dọa.
Sau loạt viễn chinh quân sự thảm họa ở Pháp, được kết thúc bằng thất bại tại Normandy năm 1204 đã khiến vua John thiếu tiền trầm trọng. Để xây dựng một đội quân mới, nhà vua quyết định lạm dụng hết mức thuế phong kiến. Vua tăng mức triều cống và thu tiền ngay cả khi không có chiến tranh. Thuế thừa kế2 tăng lên nhanh chóng. Những khoản moi từ quý tộc cũng leo thang. Năm 1211, lợi tức hoàng gia tăng đến 145.000 bảng, gấp khoảng 10 lần so với mức trung bình thập niên 11903. Tuy nhiên, thất bại quân sự của John tại trận Bouvines năm 1214 càng làm tình hình tồi tệ hơn, đã thổi bay số tiền và gột sạch bất kỳ thiện chí nào còn sót lại trong giới quý tộc. Thêm vào đó, thất bại quân sự của John tại trận Bouvines năm 1214 càng làm tình hình tồi tệ hơn. Trận thua này không chỉ gây thiệt hại nặng nề về nhân lực và tài chính mà còn làm suy yếu uy tín của John. Kết quả là, lòng trung thành của quý tộc đối với nhà vua suy giảm nghiêm trọng, tạo ra một môi trường chính trị căng thẳng và đầy bất ổn.
Bên cạnh vấn đề tài chính, những quy trình tố tụng từng phù hợp dưới thời các vị vua trước đã trở nên vô cùng lạc hậu. Những cải cách của Henry II đã đặt tiền đề cho hệ thống tòa án trung ương và khởi đầu cho việc pháp điển hóa thông luật. Tuy nhiên, những cải cách đã giới hạn quyền lực tòa án địa phương của các nam tước và những nhượng bộ mà Henry II đã chấp nhận có thể bị vô hiệu hoặc rút lại bởi một vị vua kém công minh hơn-đặc biệt là vua John. Tòa án Hoàng gia ngày càng nhiều quyền lực và được dùng để phạt tiền vì những lý do mơ hồ. Vua John còn nổi tiếng với sự độc đoán và không tôn trọng pháp luật. Ông thường xuyên can thiệp vào các vụ án pháp lý, làm mất niềm tin của dân chúng vào hệ thống tư pháp. Sự độc tài và tham nhũng của ông càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhà vua và quý tộc.
Sau sự thất bại của chiến dịch giành lại Normandy năm 1214, sự bất mãn của quý tộc lên đến đỉnh điểm đã dẫn đến một cuộc nổi dậy chống lại quyền lực của John. Với sự tham gia của Stephen Langton4, tổng giám mục Canterbury, các quý tộc yêu cầu một bản cam kết từ nhà vua nhằm bảo vệ quyền lợi của họ và hạn chế quyền lực hoàng gia. Điều này đã đặt nền móng cho việc hình thành Magna Carta, một văn kiện lịch sử đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển quyền con người và pháp luật ở Anh và trên toàn thế giới.Sau những thất bại quân sự và sự cai trị độc đoán, quý tộc Anh, dưới sự dẫn dắt của các lãnh đạo mạnh mẽ như Robert Fitzwalter5, quyết định hành động để bảo vệ quyền lợi của mình. Vua John phải đối mặt với một cuộc nổi dậy nghiêm trọng của các nam tước.
Cộng thêm áp lực từ Tổng giám mục Langton, nhằm tránh một cuộc đụng độ đổ máu, vào ngày 10/6/1215, các quý tộc và Vua John đã gặp nhau và chấp nhận đàm phán tại Runnymede, một đồng cỏ gần sông Thames. Phe nổi dậy trình điều khoản của các nam tước, cố gắng ngăn ngừa hầu như mọi nỗ lực lạm quyền của nhà vua mà đã từng xảy ra trong triều đại của John. Tại đây, dưới áp lực của quân nổi dậy, ngày 15/6/1215 các bên đã nhất trí chung về nội dung và Vua John buộc phải chấp nhận và đóng ấn lên tài liệu.
Năm 1218, tài liệu đó mới được đặt tên là Magna Carta (tiếng Latin của “Đại Hiến chương”). Ngày nay nó vẫn được tôn kính như một tài liệu nền tảng cho thể chế dân chủ hiện đại và tinh thần thượng tôn pháp luật. Mặc dù khi được ban hành, Magna Carta mang tính chất là một “hợp đồng”, một sự thỏa thuận chủ yếu là để bảo vệ quyền hợp pháp của các nam tước khỏi sự xâm phạm của nhà vua.
2. Nội dung chính của Magna Carta
Magna Carta có gần 4000 chữ, bao gồm 63 điều khoản, mở đầu bằng lời khẳng định rằng Anh giáo phải được tự do khỏi sự can thiệp của nhà vua, và phải có những quyền riêng “không bị thuyên giảm”, là sự nhượng bộ của nhà nước quân chủ tập trung với sự đòi hỏi của dân chúng, mà đại diện ưu tú thời bấy giờ là các nhà quý tộc, là pháp luật lần đầu được ban hành để bảo đảm cho sự tự do của Giáo hội và tình trạng pháp lý của các chư hầu. Từ góc độ quyền con người, có thể tiếp cận Magna Carta từ các khía cạnh sau:
Thứ nhất, giới hạn quyền lực nhà Vua, phản ánh tinh thần thượng tôn pháp luật, theo đó pháp luật là thiêng liêng và tối thượng, là cơ sở xác lập và bảo hộ cho mối quan hệ hài hoà giữa người với người trong xã hội. Thượng tôn pháp luật chính là khởi nguồn và nền tảng của tư tưởng pháp quyền (rule of law) - một tư tưởng cột trụ của các nền dân chủ. Trong Magna Carta, luật pháp là quy tắc cư xử chung mà chính nhà vua cũng bị ràng buộc và phải tôn trọng. Điều này trên thực tế đã xoá bỏ nhận thức về vị trí và quyền lực tuyệt đối, đứng trên pháp luật của vua chúa phong kiến. “Không có điều gì trong Đại Hiến chương Magna Carta ngăn cản việc ban hành và thực thi các điều luật không công bằng, nhưng nó đưa luật pháp lên một tầng cao mới, vượt qua giới hạn ý chí của những người cai trị”6.
Không chỉ vậy, theo Lord Michael Williams, thành viên Thượng viện Anh, ý nghĩa chính của Magna Carta là lần đầu tiên, quyền lực của "giới cầm quyền bị giới hạn bằng văn bản"7. Khẳng định mức độ cao hơn, Magna Carta còn được coi là “...điểm mốc cực kỳ quan trọng không chỉ với lịch sử Anh quốc hay châu Âu mà trên toàn cầu”8.
Lần đầu tiên trong chế độ phong kiến của nước Anh (và có lẽ là trên toàn thế giới), quyền lực chuyên chế của nhà vua bị giới hạn và bị kiểm soát một cách công khai.
Thể hiện trước hết, nó hạn chế quyền vua thu thuế mà không có sự đồng ý của hội đồng quý tộc. Điều 2 Magna Carta ấn định mức thuế thừa kế 100 bảng không hơn mà người thừa kế của một bá tước hay nam tước phải trả cho nhà vua để nhận phần thừa kế. Điều 12 cấm tăng mức triều cống, trừ phi đó là ý của “nhóm cố vấn chung của vương quốc”. Điều 16 thể hiện mối bất bình chính của các nam tước với nhà vua, khi quy định rằng không ai có nghĩa vụ phải nộp phí (triều cống) quân dịch nhiều hơn mức quy định.
Tiếp nữa, Magna Carta giới hạn quyền lực tuyệt đối của vua bằng cách yêu cầu vua tuân thủ các quy định pháp lý và chấp nhận sự giám sát từ phía quý tộc. Nó thiết lập một chuẩn mực mới cho quyền lực vua, đặt ra nguyên tắc rằng quyền lợi của người dân phải được bảo vệ và tôn trọng. Điều 61 hay “điều khoản an ninh”, một hội đồng 25 lãnh chúa sẽ được thiết lập để giám sát và bảo đảm rằng Vua John sẽ tuân thủ hiến chương trong tương lai9. Nếu trong vòng 40 ngày kể từ khi được hội đồng nhắc nhở, Vua John có hành vi không tuân thủ hiến chương, hội đồng 25 lãnh chúa có quyền chiếm giữ đất đai và các lâu đài của nhà vua cho tới khi, theo đánh giá của họ, những sai lầm được sửa chữa . Các quý tộc buộc phải tuyên thệ hỗ trợ hội đồng trong việc kiểm soát nhà vua, nhưng sau khi nhà vua đã “sửa sai”, ông sẽ được tiếp tục cai trị như trước kia. Đại Hiến chương đã lần đầu tiên thiết lập một cơ chế mang tính tập thể khống chế quyền lực của nhà quân chủ11.
Thứ hai, quyền xét xử công bằng. Một trong những điểm đặc biệt quan trọng của Magna Carta là việc đảm bảo mọi người được xét xử công bằng. Điều 39 Magna Carta khẳng định: “Không một công dân tự do nào bị bắt giữ hay giam cầm, bị tước đoạt quyền hay tài sản, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật hay đầy ải, hay bị tước đi địa vị theo bất cứ một cách nào; chúng ta cũng không thể dùng vũ lực dể ép buộc công dân đó hoặc trao quyền cho người khác làm việc đó, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với anh ta hoặc bởi luật pháp của vùng anh ta cư trú”. Điều 18 quy định rằng những phiên tòa lưu động nhất định phải được tổ chức bởi một ủy ban lưu động gồm hai thẩm phán và bốn hiệp sĩ ở mỗi quận ít nhất bốn lần một năm, cung cấp quyền tiếp cận công lý nhanh chóng cho mọi người. Điều 39 thậm chí còn có ý nghĩa hơn khi bổ sung các quyền mà sau này được ghi nhận trong Đạo luật Hebeas Corpus năm 1679, khẳng định rằng không người tự do nào có thể bị bắt, bị bỏ tù, bị tịch biên, bị lưu đầy, bị xem là phạm tội hay bị đối xử tàn nhẫn theo bất kỳ cách nào trừ phi có “phán quyết hợp pháp của hội thẩm nhân dân” hoặc bởi luật của địa phương. Điều 40 khẳng định một nguyên tắc có tác động mạnh mẽ khác, khi quy định rằng “Chúng ta sẽ không bán, chúng ta cũng sẽ không từ chối hay trì hoãn quyền hay công lý đối với bất kỳ ai”12. Quy định này đã đặt ra một nguyên tắc rất quan trọng trong tố tụng, đó là ngay cả khi vụ việc chưa có luật quy định, thẩm phán cũng vẫn phải thụ lý và xét xử, bởi “công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối” (Justice delayed is justice denied).
Mặc dù ở thời kỳ đầu, quy định trên chỉ áp dụng với tầng lớp lãnh chúa, quý tộc, song đây chính là tiền đề để sau này Nghị viện Anh đã ban hành các đạo luật bảo vệ các quyền và tự do của tất cả mọi người.
Thứ ba, bảo vệ quyền tự do và tài sản, Magna Carta đảm bảo quyền tự do cá nhân và tài sản của mọi người. Trong thời đại đó, không có khái niệm về quyền lợi cá nhân và tài sản như chúng ta hiểu ngày nay. Việc thi hành pháp luật thường dựa vào quyền lực và sự tùy tiện từ phía vua và quan lại, khiến cho dân chúng và các cá nhân khác trở thành nạn nhân của sự miễn cưỡng và độc đoán. Magna Carta thiết lập một hệ thống pháp luật công bằng và phân quyền, đảm bảo rằng mọi người đều được xét xử công bằng và tuân thủ các quy định pháp lý. Nó khẳng định rằng không ai có thể bị tước đoạt tự do hoặc tài sản một cách bất hợp pháp, và mọi quyết định pháp lý phải tuân theo quy định của Magna Carta. Điều 18 quy định không được ép gả góa phụ13. Điều 61 quy định John cam kết ông sẽ “không cướp đoạt của bất kỳ ai, trực tiếp hoặc gián tiếp”. Điều 39 một lần nữa bảo vệ quyền tự do và tài sản, khi ngăn cản vua hoặc các quan chức thực hiện việc tịch thu tài sản một cách tùy tiện mà không có sự xét xử công bằng và theo luật pháp.
Điều 2 và Điều 3 Magna Carta cũng quy định rằng khi một quý tộc qua đời, người thừa kế của họ sẽ được quyền thừa kế tài sản mà không phải chịu các khoản phí bất hợp lý hoặc bị tước đoạt tài sản. Quy định này giúp bảo vệ quyền sở hữu tài sản của gia đình quý tốc và ngăn chặn việc tước đoạt tài sản từ người thừa kế hợp pháp.
Nhằm ngăn chặn việc vua tăng thuế hoặc thu phí một cách tùy tiện để tước đoạt tài sản của các lãnh chúa và dân chúng, Điều 12 và Điều 14 Magna Carta quy định rằng, nhà vua không thể áp đặt thuế hoặc phí mà không có sự đồng ý của Hội đồng Quý tộc. Điều này giúp bảo vệ tài sản của các lãnh chúa và dân chúng khỏi các chính sách thuế bất công và không minh bạch.
Với mục đích nhằm bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng tài sản của cá nhân, ngăn chặn việc quan chức hoặc nhà vua chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp. Điều 28 Magna Carta quy định quan chức của vua không được lấy tài sản của bất kỳ người nào mà không có sự đồng ý của người đó. Điều 31 cũng quy định nguyên tắc không một người nào bị buộc phải bán, cho thuê hoặc trao đổi tài sản của mình với vua mà không có sự đồng ý của người đó.
Magna Carta thiết lập những nguyên tắc quan trọng nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản khỏi sự lạm quyền của nhà vua và quan chức, đồng thời đảm bảo rằng quyền tài sản được bảo vệ thông qua các quy trình pháp lý công bằng và minh bạch. Điều này đã đặt nền móng cho các quyền sở hữu tài sản trong hệ thống pháp luật hiện đại. Những điểm này cùng nhau tạo nên một hệ thống pháp luật và quyền lợi cơ bản cho người dân, thiết lập một tiêu chuẩn mới cho quyền lực và công bằng trong xã hội. Magna Carta không chỉ là một tài liệu lịch sử, mà còn là một biểu tượng của sự đấu tranh cho quyền lực dân chủ và công bằng pháp lý.
Hiến chương được tái ban hành lần đầu năm 1216 khi Henry III lên ngôi và lần thứ hai 1218 khi tài liệu được đặt tên chính thức là Magna Carta. Lần tái bản năm 1225 mở rộng phạm vi bảo hộ của hiến chương từ “mọi người tự do” thành “mọi người”13.
Bản Hiến chương 1225 được xem như ấn bản cuối cùng và được đưa vào luật. Ấn bản đánh dấu sự chuyển mình của những đièu khoản mà nó liệt kê từ thông luật (luật phát triển dựa trên những phán quyết có trước) sang luật quy chế được thông qua bởi cơ quan lập pháp. Edward I đã khẳng định điều này trong lần tái bản năm 1297. Thế kỷ XIII cũng chứng kiến nỗ lực củng cố pháp lý trong thông luật. Dưới thời Edward III, những điều luật được gọi chung là Sáu điều luật đã mở rộng đối tượng bảo hộ của Magna Carta, bộ luật có những tuyên bố cụ thể về quyền không bị tịch thu tài sản hay nô lệ (1331) và rằng mọi người đều có quyền tiếp cận quy trình tố tụng hợp pháp nếu phạm tội (1368).
Thế kỷ XV, ảnh hưởng của hiến chương bị mai một khi quyền lực của nhà Tudor được tăng cường. Tuy vậy, đến thế kỷ XVII, hiến chương trở thành tấm khiên chắn hữu hiệu bảo hộ các quyền của nghị viện khỏi sức mạnh của các vua nhà Stuart trong cuộc nội chiến Anh, mà kết quả là Charles I bị hành quyết, Charles II bị lưu đầy và quyền cai trị về tay Cromwell.
Đến thế kỷ XIX ở Anh, phần lớn Magna Carta đã trở nên lỗi thời. Từ năm 1828 trở đi, đa số các điều khoản đã bị bỏ khỏi văn kiện này. Chỉ còn 04 điều khoản còn hiệu lực đến ngày nay. Điều đầu tiên, về quyền tự do của Anh giáo. Điều 13 về những đặc quyền của London; Điều 39,40 về quyền xét xử hợp pháp, cấm hoàng gia tịch biên tùy tiện. Nhờ hai điều khoản này mà Magna Carta vẫn được xem như nền móng cho các quyền hợp pháp ở Anh, và là bước ngoặt trong chính quyền hợp hiến và quyền con người.
Tựu trung, các điều khoản trong Magna Carta không chỉ là biểu hiện của bất mãn và yêu cầu cụ thể từ phía quý tộc và dân chúng, mà còn là một bước quan trọng trong việc thiết lập một hệ thống pháp luật công bằng và chế độ phân quyền, bảo vệ quyền lợi của cá nhân và giới hạn quyền lực tuyệt đối của vua. Ý nghĩa của các điều khoản này là không thể phủ nhận.
3. Giá trị của Magna Carta đối với lịch sử tư tưởng quyền con người
Thứ nhất, sự phát triển của quyền tự do và pháp quyền
Magna Carta không chỉ là một văn kiện lịch sử quan trọng của nước Anh mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của quyền tự do và pháp quyền trên toàn thế giới.
Một trong những đóng góp lớn nhất của Magna Carta là việc hạn chế quyền lực tuyệt đối của nhà vua. Trước Magna Carta, vua chúa có quyền lực tối cao và thường sử dụng quyền lực này một cách tùy tiện. Magna Carta đã thiết lập nguyên tắc rằng không ai, kể cả nhà vua, đứng trên pháp luật. Đây là tiền đề cho khái niệm pháp quyền, đảm bảo mọi người đều phải tuân theo luật pháp và được bảo vệ bởi luật pháp.
Magna Carta yêu cầu vua phải tham vấn với một hội đồng quý tộc trước khi áp đặt bất kỳ loại thuế mới nào. Điều này đã đặt nền móng cho sự phát triển của nghị viện, nơi quý tộc và sau này là các tầng lớp khác trong xã hội có tiếng nói trong quản lý đất nước. Hệ thống nghị viện phát triển từ đây đã trở thành mô hình cho nhiều quốc gia khác, nơi quyền lực được phân chia và cân bằng giữa các nhánh khác nhau của chính quyền.
Trong xã hội hiện đại, các nguyên tắc của Magna Carta vẫn giữ nguyên giá trị và được áp dụng rộng rãi. Khái niệm về xét xử công bằng, quyền bảo vệ trước pháp luật, và sự giới hạn quyền lực của chính quyền đã trở thành các nguyên tắc cơ bản trong nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới. Chúng không chỉ bảo vệ quyền tự do cá nhân mà còn đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền.
Magna Carta cũng có tác động đến sự phát triển của hệ thống tư pháp quốc tế. Các tổ chức như Tòa án Nhân quyền Châu Âu và Tòa án Hình sự Quốc tế đều dựa trên các nguyên tắc pháp quyền mà Magna Carta đã đề ra. Những tổ chức này hoạt động để bảo vệ quyền con người và xét xử các tội phạm quốc tế, đảm bảo rằng mọi người đều được xét xử công bằng và các quyền cơ bản của con người được bảo vệ.
Thứ hai, Magna Carta và các văn kiện quyền con người sau này
Magna Carta còn ảnh hưởng sâu rộng đến các văn kiện quyền con người sau này. Đây là một trong những tài liệu pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho khái niệm về quyền tự do cá nhân và pháp quyền, những yếu tố cơ bản được phản ánh trong nhiều văn kiện quyền con người trên toàn thế giới.
Một trong những ảnh hưởng rõ ràng nhất của Magna Carta là đối với Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ năm 1791 (Bill of Rights). Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã lấy cảm hứng từ Magna Carta khi soạn thảo Hiến pháp, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền tự do cá nhân và kiểm soát quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong Tu chính án thứ nhất đến thứ mười của Hiến pháp Hoa Kỳ, còn được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ. Nhiều điều khoản trong Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ, chẳng hạn như quyền được xét xử công bằng, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và quyền bảo vệ trước sự xâm phạm bất hợp pháp, đều phản ánh các nguyên tắc đã được nêu ra trong Magna Carta.
Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789 cũng chịu ảnh hưởng từ các tư tưởng của Magna Carta. Tuyên ngôn này khẳng định các quyền tự nhiên và không thể xâm phạm của con người, bao gồm quyền tự do, quyền sở hữu tài sản, an toàn, và quyền kháng cự lại áp bức. Nguyên tắc về sự bình đẳng trước pháp luật và sự bảo vệ quyền tự do cá nhân trong Tuyên ngôn Pháp được thừa hưởng từ tư tưởng pháp quyền mà Magna Carta đã đặt nền móng.
Magna Carta cũng ảnh hưởng đến Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người, được Liên hợp quốc thông qua năm 1948. Đây là một trong những văn kiện quan trọng nhất trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Các điều khoản trong Tuyên ngôn, như quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân, quyền được xét xử công bằng, và quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, đều phản ánh các nguyên tắc cơ bản của Magna Carta.
Magna Carta cũng ảnh hưởng đến nhiều hiệp ước và công ước quốc tế về quyền con người. Công ước châu Âu về Quyền con người, được ký kết vào năm 1950, và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, được thông qua vào năm 1966, đều chứa đựng các điều khoản bảo vệ quyền tự do cá nhân và pháp quyền. Các văn bản này nhấn mạnh sự bảo vệ quyền lợi của cá nhân trước sự lạm quyền của nhà nước và đảm bảo quyền được xét xử công bằng, những nguyên tắc đã được nêu ra trong Magna Carta.
Nhiều quốc gia đã xây dựng hệ thống pháp luật của mình dựa trên các nguyên tắc của Magna Carta. Ví dụ, Hiến pháp Ấn Độ và Hiến pháp Canada đều chứa đựng các điều khoản bảo vệ quyền tự do cá nhân và sự công bằng trong xét xử. Những nguyên tắc này giúp tạo ra một hệ thống pháp luật vững chắc, bảo vệ quyền lợi của công dân và ngăn chặn sự lạm quyền của chính quyền.
Có thể nói rằng, Magna Carta không chỉ là một văn kiện lịch sử quan trọng của nước Anh mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các văn kiện quyền con người sau này. Từ Hiến pháp Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp, đến Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và nhiều công ước quốc tế khác, Magna Carta đã đặt nền móng cho các nguyên tắc về quyền tự do cá nhân và pháp quyền. Các giá trị và nguyên tắc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của cá nhân mà còn đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp luật trên toàn thế giới. Magna Carta tiếp tục sống mãi như một biểu tượng của công lý và tự do, khẳng định tầm quan trọng không thể phủ nhận trong lịch sử nhân loại.
4. Tính thời sự của Magna Carta trong bối cảnh hiện nay
Đại hiến chương Magna Carta không chỉ là một văn kiện lịch sử mà còn là nền tảng cho nhiều nguyên tắc pháp lý và quyền con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các vấn đề quyền con người hiện nay, các nguyên tắc của Magna Carta vẫn giữ tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, toàn cầu hóa và sự lan tỏa các nguyên tắc pháp quyền
Toàn cầu hóa đã làm cho các quốc gia và xã hội trên khắp thế giới ngày càng gắn kết với nhau, từ kinh tế, văn hóa đến pháp lý. Các nguyên tắc pháp quyền của Magna Carta, như quyền được xét xử công bằng và giới hạn quyền lực của chính quyền, đã lan tỏa và trở thành tiêu chuẩn quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người. Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tòa án Nhân quyền Châu Âu, và các tổ chức phi chính phủ đã áp dụng những nguyên tắc này để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu.
Thứ hai, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh xung đột và di cư
Trong bối cảnh xung đột và di cư ngày càng gia tăng, các nguyên tắc của Magna Carta về quyền được xét xử công bằng và bảo vệ cá nhân trước sự lạm dụng quyền lực trở nên vô cùng quan trọng. Xung đột ở nhiều khu vực như Trung Đông, châu Phi và Đông Âu đã tạo ra những thách thức lớn đối với việc bảo vệ quyền con người. Hàng triệu người di cư và tị nạn cần được bảo vệ và hỗ trợ, và các nguyên tắc pháp quyền của Magna Carta đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng họ không bị đối xử bất công.
Các tổ chức quốc tế và quốc gia đang nỗ lực để áp dụng các nguyên tắc này trong việc giải quyết các vấn đề quyền con người liên quan đến di cư và tị nạn. Điều này bao gồm việc đảm bảo rằng những người di cư và tị nạn được xét xử công bằng và không bị trục xuất hoặc đối xử tàn nhẫn mà không qua quy trình pháp lý đầy đủ.
Thứ ba, khoa học công nghệ và quyền tự do cá nhân
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet đặt ra những thách thức mới đối với quyền tự do cá nhân và sự bảo vệ quyền riêng tư. Trong bối cảnh này, các nguyên tắc của Magna Carta về giới hạn quyền lực của chính quyền và bảo vệ quyền tự do cá nhân trở nên cực kỳ quan trọng. Các chính phủ và doanh nghiệp công nghệ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn để bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư không bị xâm phạm.
Các nguyên tắc pháp quyền của Magna Carta đã được áp dụng để tạo ra các quy định và luật pháp bảo vệ quyền lợi của người dùng internet. Chẳng hạn, Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR- General Data Protection Regulation ) được Nghị viện Châu Âu thông qua năm 2016 đã thiết lập các tiêu chuẩn cao về bảo vệ dữ liệu cá nhân, phản ánh các giá trị của Magna Carta về sự bảo vệ quyền tự do cá nhân trước nguy cơ lạm quyền.
Thứ tư, bất bình đẳng và công bằng xã hội
Toàn cầu hóa cũng làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia. Các nguyên tắc của Magna Carta về sự bình đẳng trước pháp luật và quyền được xét xử công bằng có thể được áp dụng để đối phó với các vấn đề này. Các phong trào xã hội và chính sách công bằng xã hội hiện nay đều dựa trên các giá trị của Magna Carta để đấu tranh cho quyền lợi của những người bị thiệt thòi và đảm bảo rằng mọi người đều được đối xử công bằng.
Ví dụ, các phong trào như Black Lives Matter14 và các cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng giới và sắc tộc đều sử dụng các nguyên tắc của Magna Carta để kêu gọi sự công bằng và minh bạch trong hệ thống tư pháp và xã hội.
5. Kết luận
Magna Carta, mặc dù đã hơn 800 tuổi, là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng trong lịch sử nhân loại, đặt nền móng cho sự phát triển của pháp quyền và quyền con người. Tầm ảnh hưởng lâu dài của Magna Carta vượt xa khỏi biên giới nước Anh và vẫn còn hiện hữu mạnh mẽ trong thế giới hiện đại. Văn kiện này đã trở thành biểu tượng toàn cầu của công lý và tự do, truyền cảm hứng cho nhiều cuộc cách mạng và phong trào dân chủ.
Các nguyên tắc được nêu trong Magna Carta vẫn tiếp tục định hình các thể chế pháp lý và chính trị trên toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng của các vấn đề quyền con người, những giá trị của Magna Carta càng trở nên quan trọng. Bằng cách cung cấp một khung pháp lý và đạo đức, Magna Carta tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
TS. Nguyễn Thế Anh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 39 (08/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Turner, Ralph (2009), King John: England's Evil King?. Stroud, UK: History Press. ISBN 978-0-7524-4850-3.
(2) Khi một quý tộc được thừa kế đất đai và tước vị.
(3) DK, Luật pháp - Khái lược những tư tưởng lớn, dịch giả Lê Hương Ly, Nxb Dân trí, 2023, tr.66-68.
(4) Stephen Langton (khoảng 1150 –1228) là một hồng y người Anh của Giáo hội Công giáo và Tổng giám mục Canterbury từ năm 1207 cho đến khi ông qua đời. Stephen Langton là người đứng ra thương thảo với các lãnh chúa nổi ậy về những yêu cầu của họ. Sau khi đề xuất đưa Giáo hoàng ra làm trọng tài bị thất bại, John đã chỉ thị Langton tổ chức các cuộc hòa đàm.
(5) Robert Fitzwalter (???- 1235) là một trong những nhà lãnh đạo của phe đối lập nam tước chống lại Vua John, và là một trong hai mươi lăm người bảo lãnh của Magna Carta. Ông là nam tước phong kiến của Little Dunmow. Là một phần của tầng lớp quý tộc chính thức do Henry I và Henry II tạo ra, ông đã phục vụ John trong các cuộc chiến tranh ở Normandy, trong đó ông bị vua Philip II của Pháp bắt làm tù binh và buộc phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
(6) https://nghiencuuquocte.org/2015/06/26/nguon-goc-va-y-nghia-cua-dai-hien-chuong-magna-carta. Truy cập 12/3/2024.
(7) https://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2014/12/141229_magna_carta_800_years.
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2014/12/141229_magna_carta_800_years.
(9) Turner, Ralph (2009). King John: England's Evil King?. Stroud, UK: History Press. ISBN 978-0-7524-4850-3.
(10) Danziger, Danny; Gillingham, John (2004). 1215: The Year of Magna Carta. Hodder Paperbacks. ISBN 978-0340824757.
(11) Goodman, Ellen (1995). The Origins of the Western Legal Tradition: From Thales to the Tudors. Federation Press. ISBN 978-1862871816.
(12) Bằng việc chấp thuận Điều 39 và 40, nhà vua lần đầu tiên đã tuyên thệ chịu sự ràng buộc bởi luận pháp.
(13) Những góa phụ giàu có bị vua để mắt thường bị ép gả.
(14) Tài liệu không nói rõ ràng rằng phụ nữ cũng được hưởng sự bảo hộ. Tuy nhiên, từ khi đó đã có một số lập luận rằng, khi ấy “người” có nghĩa là cả “người nam và người nữ”.