Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm an ninh trật tự, xâm phạm quyền và lợi ích của người khác trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Để giải quyết thực trạng trên, biện pháp giới hạn quyền tự do ngôn luận thường được áp dụng. Trong bài viết này, nhóm tác giả nêu lên một số vấn đề lý luận, trình bày kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc, làm rõ thực trạng nhằm đề ra kiến nghị hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng.

Các nhà báo trong và ngoài nước đang tác nghiệp tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 
Nguồn: TTXVN.

Đặt vấn đề

Tự do ngôn luận (TDNL) là một trong những quyền cơ bản đặc biệt quan trọng được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và hầu hết pháp luật của các quốc gia. Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ 4.0, sự xuất hiện của không gian mạng (KGM) đã tạo một môi trường cởi mở để thực hiện quyền TDNL. Tuy nhiên, vấn đề về giới hạn quyền TDNL trên KGM được đặt ra trước những hành vi lợi dụng quyền TDNL xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trước thực trạng trên, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh về quyền TDNL trên KGM là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay

1. Khái quát về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

Quyền TDNL đã sớm được ghi nhận và được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc nhìn của triết học, “tự do” được xem là một giá trị cao quý, cơ bản của nhân loại. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm TDNL được tìm thấy từ các văn bản pháp luật lâu đời như Bộ luật về quyền của Vương quốc Anh (1689), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789). Quyền TDNL được ghi nhận tại Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người”1. Nội dung này được tái khẳng định tại khoản 2 điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”2.

Hiện nay, có nhiều khái niệm khác nhau về KGM. Theo từ điển Cambridge “cyberspace” (KGM) có nghĩa là “một khu vực tưởng tượng không có giới hạn, nơi bạn có thể gặp gỡ mọi người và khám phá thông tin vềcác chủ đề”3. Hay theo từ điển Oxford thì là “không gian thực tế ảo, môi trường khái niệm trong đó giao tiếp điện tử (đặc biệt là qua internet) diễn ra”4. Tại Việt Nam, theo Luật An ninh mạng năm 2018 định nghĩa “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”5.

Tóm lại, quyền TDNL trên KGM là quyền tự do biểu đạt của con người được thực hiện trên hệ thống trực tuyến mà trong đó có sự liên kết và kết nối giữa các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin như mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu với nhau trên phạm vi toàn cầu.

   Tuy là một trong các quyền cơ bản không thể xoá bỏ hay tách rời của con người nhưng TDNL phải diễn ra trong một khuôn khổ nhất định, tức là việc thực hiện quyền này phải chịu những sự giới hạn nhất định cần thiết theo quy định của pháp luật. Khoản 3 điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị đã quy định việc giới hạn quyền TDNL nhằm hai mục đích chính: “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác”6“Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”7.

Việc giới hạn quyền con người xuất phát từ các cơ sở sau: (i) bất cứ điều gì vượt quá giới hạn đều không tốt, ngay cả với quyền con người, quyền công dân. Nếu như tất cả các quyền đều là tuyệt đối thì sẽ không hình thành nên xã hội, không hình thành lên những cộng đồng người. Bản chất con người luôn sống và tồn tại trong tổng hòa các mối liên hệ xã hội8; (ii) giới hạn quyền để không xâm phạm đến quyền của người khác, xâm phạm đến trật tự xã hội. Việc sử dụng quyền TDNL để bôi nhọ danh dự người khác sẽ không được chấp nhận. Do đó, vấn đề giới hạn quyền được đặt ra; (iii) giới hạn quyền để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của chủ thể khác, lợi ích chung của cộng đồng. Trong tình hình trong nước và quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp trên mọi lĩnh vực vấn đề giới hạn quyền TDNL trên KGM đang là vấn đề rất được quan tâm. TDNL trên KGM được diễn ra nhằm đem lại đem lại công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, nhưng không được phép lạm dụng nó để kích động thù hận, để kỳ thị, phân biệt chủng tộc, chống phá chính quyền nhân dân,... Do đó, cần phải có quy định cứng rắn được đặt ra giới hạn của quyền TDNL trong pháp luật để tránh việc lạm dụng quyền tự do vì các mục đích không tốt đẹp.

2. Kinh nghiệm pháp luật của Trung Quốc về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

Trung Quốc được biết đến như một vùng đất phát triển công nghệ - khoa học mạnh mẽ và bảo vệ quyền tự do ngôn luận rộng rãi. Nhưng đồng thời, đây cũng là quốc gia có các chính sách rất chặt chẽ trong việc giới hạn quyền TDNL trên KGM. Chính phủ Trung Quốc không chỉ đưa ra các quy định về giới hạn việc trao đổi thông tin, bày tỏ ý kiến mà còn kiểm soát việc phát triển của các trang mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến trong nước và ngăn cản sự thâm nhập của các trang mạng nước ngoài vào KGM của Trung Quốc.

Pháp luật Trung Quốc thừa nhận hai trường hợp giới hạn quyền TDNL trên KGM. Thứ nhất là giới hạn để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Luật An ninh mạng của Trung Quốc ra đời năm 2016 có các quy định yêu cầu người sử dụng KGM cần phải “tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ trật tự công cộng và đạo đức xã hội; không được gây nguy hiểm cho an ninh mạng và không được sử dụng Internet tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, danh dự quốc gia và lợi ích quốc gia; không được kích động lật đổ chính quyền quốc gia, lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa; kích động chủ nghĩa ly khai, phá vỡ sự thống nhất của quốc gia, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố hoặc cực đoan, ủng hộ hận thù dân tộc và phân biệt đối xử dân tộc,...”9. Thứ hai là giới hạn để bảo vệ quyền tự do của người khác. Từ quy định của Hiến pháp và việc cụ thể hóa các quy định này bằng các luật khác nhau (từ Hình sự đến Hành chính), Trung Quốc nghiêm cấm hành vi sử dụng quyền TDNL trên KGM nói riêng và các quyền tự do nói chung để xâm phạm đến các quyền của người khác.

Một dự án vô cùng quan trọng và nổi bật của Trung Quốc trong việc kiểm soát quyền tự do trên KGM là dự án “Đại tường lửa” và còn có thể được biết đến với nhiều cái tên được ví von khác như “Vạn Lý Trường Thành trên mạng”, “Tường lửa vĩ đại”,... Mô hình này được thực hiện bằng cách tập hợp nhiều phương pháp lại với nhau như: giả mạo DNS, khóa địa chỉ IP, phân tích và lọc URL, chặn VPN, kiểm tra và lọc thông tin từ gói dữ liệu,... Hệ thống này đã gây khó khăn cho không chỉ các trang mạng xã hội mà còn hầu hết các công ty internet lớn của thế giới khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Có vô cùng nhiều các website bị chặn trong đó cũng bao gồm cả những cái tên quen thuộc với nhiều người như: facebook, instagram, google,... Đồng thời, Trung Quốc đã ban hành ba pháp lệnh lớn về việc sử dụng internet được áp dụng xuyên suốt trong việc giới hạn quyền tự do ngôn luận trên KGM10. Pháp luật và chính sách của Trung Quốc về quyền TDNL trên KGM chặt chẽ hơn khá nhiều so với các quốc gia khác. Đây cũng là một kinh nghiệm dành cho Việt Nam về vấn đề hoàn thiện hơn nữa các thể chế để đảm bảo việc thực hiện quyền TDNL trên KGM diễn ra trong một giới hạn hợp lí. Tuy nhiên bên cạnh các ưu điểm đó, Chính phủ Trung Quốc cũng vướng phải nhiều tranh cãi về việc lợi dụng pháp luật và các dự án mạng như “Đại tường lửa” để giới hạn quyền được nói của công dân hay nhăm xóa bỏ, che giấu các thông tin về bạo loạn, về các vấn đề tồn đọng trong lịch sử,...

3. Kinh nghiệm pháp luật của Hàn Quốc về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

   Hiến pháp năm 1987 của Hàn Quốc đã ghi nhận quyền TDNL tại Điều 21: “(1) Mọi công dân được hưởng các quyền TDNL và báo chí, tự do hội họp và lập họp. (2) Việc cấp phép hoặc kiểm duyệt ngôn luận và báo chí, cũng như việc hội họp và lập hội không được công nhận... (4) Ngôn luận cũng như báo chí không được xúc phạm danh dự, quyền lợi của người khác hoặc phá hoại đạo đức công cộng, đạo đức xã hội. Nếu ngôn luận hoặc báo chí xâm phạm quyền lợi của người khác, có thể thực hiện khiếu nại về các thiệt hại đó”. Tuy nhiên, Điều 10 Hiến pháp cũng ghi nhận việc giới hạn quyền TDNL trong các trường hợp sau: (i) vì lý do bảo đảm quyền và tự do của người khác; (ii) nhằm bảo đảm trật tự công cộng, đạo đức xã hội; (iii) nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

   Bộ luật Hình sự Hàn Quốc xem hành vi bôi nhọ người khác là tội phạm tại Điều 307, 308. Hành vi bôi nhọ người khác có thể bằng các công khai sự thật hoặc sai sự thật, bôi nhọ người đã chết cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hàn Quốc đã đặt ra vấn đề hành vi bôi nhọ bằng thông tin đúng hoặc sai sự thật để có những hình phạt tương thích. Bộ luật Dân sự Hàn Quốc còn ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi bôi nhọ người khác tại Điều 751.

Luật kinh doanh viễn thông năm 1991 quy định rằng một người sử dụng viễn thông sẽ không thực hiện những nội dung truyền thông nếu nội dung này chứa thông tin gây tổn hại đến hoà bình trật tự, đạo đức xã hội. Những nội dung có hại được xác định theo Nghị định của Tổng thống, nội dung truyền thông có hại được xác định là nội dung nhằm xoá bỏ một hành vi phạm tội, hoặc nhằm thực hiện các hoạt động chống đối Nhà nước, hoặc đi ngược lại thuần phong mỹ tục tốt hay các khía cạnh khác nhằm bảo đảm trật tự xã hội. Điều 7 Luật An ninh quốc gia quy định hình phạt từ 2-7 năm tù đối với hành vi tuyên truyền, khuyến khích, phổ biến các thông tin bất hợp pháp của các tổ chức chống chính phủ hoặc hợp tác với các nhóm chống đối Nhà nước. Những hành vi này có nguy cơ xâm phạm đến an ninh và sự tồn tại của Nhà nước hoặc trật tự cơ bản của xã hội dân chủ. Luật Chống khủng bố và bảo vệ công dân và an ninh công cộng năm 2016 có quy định yêu cầu xoá bỏ khẩn cấp các tài liệu xúi giục hoặc tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố trong trường hợp bất kỳ bài viết hay biểu đạt tượng trưng nào kích động tuyên truyền khủng bố, các phương pháp tạo vật phẩm nguy hiểm như chất nổ có thể phục vụ hoạt động khủng bố... được lưu hành trên internet... Người đứng đầu các cơ quan liên quan có quyền yêu cầu sự hợp tác từ người đứng đầu các tổ chức có liên quan loại bỏ khẩn cấp, đình chỉ, giám sát. Khuôn khổ pháp lý hiện tại của Hàn Quốc, quản lý nội dung trên internet do hai cơ quan chính phủ gồm Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc (KCSC) và Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC).

   Nhóm tác giả nhận thấy việc giới hạn quyền TDNL với lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng được viện dẫn nhiều tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc xác định nội hàm cụ thể lý do an ninh quốc gia, trật tự công cộng chưa được xác định rõ ràng. Một số kinh nghiệm Việt Nam có thể tham khảo như thừa nhận quyền TDNL là quyền cơ bản của con người đồng thời ghi nhận giới hạn của quyền này, làm rõ nội hàm của an ninh quốc gia, trật tự công cộng để việc giới hạn quyền TDNL không bị thực hiện một cách tuỳ tiện.

4. Pháp luật Việt Nam về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

a) Thực trạng pháp luật Việt Nam về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

Quyền TDNL lần đầu tiên được quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 1946 cùng với quyền tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đều ghi nhận quyền TDNL. Tương ứng với nội dung Điều 18, 19 ICCPR, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền TDNL được quy định tại Điều 15 gắn với các quyền liên quan: tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình và quyền tiếp cận thông tin (thay cho quyền được thông tin(.

Quá trình hiến định quyền TDNL ở Việt Nam cho thấy, do hoàn cảnh lịch sử nên Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 không có quy định về điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, từ Hiến pháp năm 1980 về sau, việc thực hiện TDNL đều kèm theo điều kiện: “theo quy định pháp luật, phù hợp với lợi ích nhà nước và xã hội”. Nhìn tổng thể, quyền TDNL và điều kiện thực hiện quyền này đã sớm được Nhà nước ta ghi nhận từ đầu và liên tục trong các bản Hiến pháp11.

Luật Báo chí năm 2016 đã nhiều điểm mới tiến bộ nổi bật, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng và cụ thể hoạt động báo chí tiếp tục phát triển bền vững, thể hiện trong các quy định về quyền tự do thông tin, quyền TDNL; đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí, của Nhà nước đối với những quyền tự do thông tin, TDNL trên báo chí của công dân.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã có quy định về bảo đảm thực hiện quyền TDNL của công dân tại Điều 167: “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm...”.

Trong Nhà nước pháp quyền, việc ghi nhận quyền sẽ song song việc hạn chế quyền để bảo đảm một số mục tiêu, lợi ích mà nhà cầm quyền hướng tới. Quyền TDNL trên KGM sẽ “bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc giam trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng” theo quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Trong KGM, những giới hạn này được quy định cụ thể chủ yếu trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Các văn bản này không cấm thực hiện quyền TDNL nhưng là cơ sở pháp lý và là công cụ quan trọng để làm lành mạnh thông tin mạng, giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trên KGM xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Việc pháp luật thừa nhận và bảo đảm quyền TDNL của người dân cũng chính là tiền đề cho việc bảo đảm quyền TDNL trên KGM. Với chính sách cởi mở của Internet và sự phát triển của mạng xã hội, Việt Nam là một thực tế sinh động và đầy thuyết phục đối với việc tiếp cận Internet và mạng xã hội của người dân. Việt Nam không cấm mạng xã hội mà chỉ hạn chế mặt trái do mạng xã hội gây ra, tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của người dân cũng như những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh - chính trị đất nước.

Song điều này cũng dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc giới hạn quyền TDNL trên không gian mạng ở Việt Nam như:

(1) Trong một số trường hợp, cơ quan thông tin chính thống không hoạt động hiệu quả bằng các trang thông tin, blog cá nhân có lượng người theo dõi đông đảo, có sức lan toả, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Việc quản lý các blog cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng có thể khẳng định lượng blog cá nhân ở Việt Nam là không hề nhỏ. Nội dung thông tin của các trang này hết sức đa dạng phong phú, nhiều chiều, không tốt cho xã hội.

(2) Chính phủ Việt Nam mong muốn các công ty cung cấp dịch vụ Internet phải định vị nhất là một máy chủ tại Việt Nam và cung cấp dữ liệu về người sử dụng theo yêu cầu của nhà chức trách. Các nhà cung cấp quốc tế lớn như Google, Facebook, eBay thì không hợp tác quy định này vì lo ngại “bóp nghẹt sự đối mới” do thông tin về người dùng có thể bị Chính phủ kiểm soát.

(3) Vấn đề khó khăn trong việc áp dụng chính sách pháp luật là do tính chất không biên giới của Internet. Một hành vi trên Internet có thể vi phạm pháp luật của một nước nhưng lại được phép ở một quốc gia khác nên việc xử lý, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên KGM cũng gặp khó khăn. Hiện nay, việc xử lý còn phụ thuộc vào quy định định tính, chưa cụ thể về hành vi vi phạm, chưa có sự phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan. Một vài vụ việc liên quan đến vấn để giới hạn quyền TDNL trên KGM trong thời gian qua:

Vụ việc thứ nhất, ngày 2/11/2015, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang có công văn số 1192 gửi hiệu trưởng các trường trực thuộc. Văn bản này đề nghị hiệu trưởng các trường trực thuộc triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn đơn vị với tinh thần khi tham gia mạng xã hội nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo... Văn bản này đã gây ra những ý kiến trái chiều, tranh luận gay gắt trong dư luận và bị thu hồi vào chiều 24/11/201512. Vụ việc này cho thấy nguy cơ lạm dụng việc giới hạn quyền TDNL trên KGM trong thực tế.

Vụ việc thứ hai, từ tháng 3/2021, bị can Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp qua mạng internet tại TP Hồ Chí Minh để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người. Bị can Phương Hằng thừa nhận, các thông tin mà mình phát ngôn gây đều do đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh13. Vụ việc là minh chứng sinh động của việc áp dụng biện pháp hình sự đối với các hành vi lợi dụng quyền TDNL để phát ngôn sai sự thật, bịa đặt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.

Bên cạnh những thành tựu trong việc bảo đảm thực thi quyền TDNL trên mạng xã hội, một số vướng mắc bất cập còn tồn tại. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân: sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ khiến cho các nhà lập pháp khó bắt kịp, các quy định còn chưa cụ thể dẫn đến khi áp dụng xuất hiện tình trạng lạm quyền, ý thức về quyền TDNL, trách nhiệm sử dụng mạng xã hội chưa cao... Điều này đặt ra việc cần có biện pháp hoàn thiện quy định và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về TDNL trên KGM.

b) Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng

Thứ nhất, cần ghi nhận quyền TDNL là quyền cơ bản của con người và có quy định cụ thể rõ ràng hơn về giới quyền TDNL trên KGM, gắn liền với các nguyên tắc khi giới hạn quyền.

Thứ hai, làm rõ nội hàm an ninh quốc gia, trật tự công cộng trong các văn bản pháp lý, từ đó cụ thể hoá để việc áp dụng được hiệu quả, không bị viễn dẫn tuỳ tiện dẫn đến xâm phạm quyền TDNL trên KGM.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan trung ương và địa phương; các công trình hạ tầng trọng yếu, các tập đoàn kinh tế quan trọng có kết nối mạng.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống Việt Nam; Tham gia các công ước, thoả thuận quốc tế về bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia, phòng, chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu khoa học, công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia.

Thứ năm, nâng cao nhận thức, năng lực của người sử dụng mạng internet, tuyên truyền pháp luật, kỹ năng phòng tránh các hành vi vượt quá giới hạn quyền TDNL trên KGM.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát trong chính đội ngũ cán bộ về an ninh mạng để vừa đảm bảo thực hiện việc giới hạn quyền TDNL trên KGM nhưng cũng vừa bảo vệ được thông tin cá nhân, cơ sở dữ liệu. Tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi vì xuất phát từ các mục đích không đúng đắn.

Kết luận

Quyền TDNL được xem như thước đo sự tiến bộ và văn minh của xã hội. Việt Nam luôn thừa nhận, tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người. Tuy nhiên, trước thực trạng lợi dụng các quyền tự do xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, biện pháp giới hạn quyền được áp dụng tại Việt Nam. Bằng góc nhìn kinh nghiệm từ hai quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về giới hạn quyền TDNL trên KGM.

 Bùi Lê Hiếu - Nguyễn Hà Phương Anh

Học viện Tòa án

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 36 (02/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Điều 11, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, năm 1789.

(2) Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, 1966.

(3) Cambridge dictionary, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/cyberspace. Truy cập ngày 29/10/2023.

(4) Oxford dictionary, https://www.oed.com/search/dictionary/?scope=Entries&q=cyberspace. Truy cập ngày 29/10/2023.

(5) Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng, Hà Nội.

(6) Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, 1966.

(7) Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, 1966.

(8) Grégoire, W. C.N. (2009). The Negotiable Constitution - On the Limitation of Rights. Truy cập tại Trang: https://academic.oup.com/icon/article/8/4/988/667112?login=false. Truy cập ngày 29/10/2023.

(9) Mạc Thị Hoài Thương (2020), Quyền tự do ngôn luận theo pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia - một số giá trị cho Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

(10) Nguyễn Minh Vọng (2019), Quyền tự do ngôn luận trên internet trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

(11) Lương Thị Hồng Hương, Bùi Lê Hiếu (2023), “Tự do ngôn luận trên không gian mạng dưới góc độ nhân quyền - Kinh nghiệm của một số nước và gợi mở cho Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hoàn thiện hệ thống pháp luật qua 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trường Đại học luật Hà Nội, tr. 383.

(12) Chinhphu.vn (2023), “Thông tin mới nhất về vụ án Nguyễn Phương Hằng”, Báo Chính Phủ, https://baochinhphu.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-vu-an-nguyen-phuong-hang-102230130170738991.htm. Truy cập ngày 05/11/2023.

(13) Đức Vịnh (2015), “Ngành giáo dục Châu Đốc: Cấm like một số chuyện trên Facebook”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/nhip-song-so/nganh-giao-duc-chau-doc-cam-like-mot-so-chuyen-tren-facebook-1006720.htm. Truy cập ngày 05/11/2023.