Điều 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) được quy định tại Bình luận chung số 22, thông qua tại Phiên họp lần thứ 48 Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 1993: “Nghiêm cấm việc thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng có tính chất tuyên truyền cho chiến tranh hoặc cổ vũ hận thù dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hay kích động sự phân biệt đối xử, thù địch hoặc bạo lực. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn những hành động đó bằng pháp luật”(1).
Ảnh minh họa. Nguồn: ttdn.vn.
Tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh, niềm tin và là nhu cầu tinh thần không thể thiếu được của một bộ phận nhân dân. Riêng ở địa bàn khu vực biên giới, hoạt động tôn giáo luôn gắn liền với vấn đề dân tộc thiểu số nên càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nhìn chung, những năm qua đại đa số các tôn giáo ở khu vực biên giới tiến hành các hoạt động tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và sự quản lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn ra ngày càng nhiều ở địa bàn khu vực biên giới, gắn với hoạt động của các đối tượng phản động lợi dụng dân tộc thiểu số, hoạt động di cư tự do, xuất cảnh trái phép của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2023, địa bàn khu vực biên giới nước ta đã xảy ra 112 vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Trong đó, tuyến biên giới biển xảy ra 58 vụ, giảm 38 vụ so với năm 2022; tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc xảy ra 09 vụ, giảm 07 vụ so với năm 2022; tuyến biên giới Việt Nam - Lào xảy ra 36 vụ, tăng 19 vụ so với năm 2022; tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia xảy ra 09 vụ, giảm 04 vụ so với năm 2022 (2). Có thể thấy rằng, tình hình hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở khu vực biên giới có giảm song chưa đáng kể, cá biệt có tuyến lại tăng lên, tập trung vào một số hoạt động sau:
Hoạt động truyền đạo Tin Lành trái pháp luật diễn ra ở địa bàn khu vực biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…gắn với hoạt động di cư tự do, xuất cảnh trái phép của người Mông và một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Một số tổ chức Tin Lành bất hợp pháp như “Tin Lành Đê - ga”, “Hội thánh Tin Lành đấng Christ Tây Nguyên” tăng cường hoạt động tuyên truyền kích động đồng bào dân tộc thiểu số chống chính quyền, gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh.
Hoạt động truyền bá các “tà đạo” như: “Pháp môn diệu âm”, “Bà Cô Dợ”, “Giê Sùa”, “Pháp Luân Công”, “Tâm linh Hồ Chí Minh”, “Hội thánh Đức chúa trời”…diễn ra ở hầu hết các tuyến biên giới. Các tà đạo này không được Nhà nước ta công nhận, hầu hết tuyên truyền các “giáo lý”, “giáo luật” chắp vá, xuyên tạc, trái với các tôn giáo chính thống, phản hiện thực, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, mang nặng tính mê tín, dị đoan hoặc lợi dụng sự lạc hậu của một bộ phận nhân dân, niềm tin mê muội vào “ngày tận thế”, “đấng cứu thế” và các nhu cầu về sức khỏe, công danh,…để cưỡng ép vào đạo hay vận động quyên góp tiền, vật chất nhằm trục lợi.
Hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo cơ sở thờ tự trái phép diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, tập trung chủ yếu ở tuyến biên giới biển.
Các hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên đã gây mất an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm trọng hơn, nó còn xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người được pháp luật thừa nhận, làm suy giảm uy tín của các tôn giáo chính thống.
Trước tình hình trên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng đã tích cực tham mưu và phối hợp với chính quyền các địa phương xử lý, giải quyết các vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Trong năm 2023, đã phát hiện, thu giữ 60 cuốn kinh thánh, 09 tờ rơi có nội dung tuyên truyền đạo Tin Lành trái pháp luật; 06 cuốn kinh, 08 cuốn sách có nội dung tuyên truyền đạo lạ “Tâm linh Hồ Chí Minh”; 1.349 tài liệu, vật phẩm có nội dung tuyên truyền tà đạo “Pháp môn diệu âm”; 07 cuốn kinh thánh tuyên truyền tà đạo “Bà Cô Dợ”; 201 cuốn sách, 4.160 tờ rơi, 170 móc khóa, 108 thẻ có nội dung liên quan “Pháp Luân Công”. Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là tín đồ các tôn giáo sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, từ bỏ các tà đạo để ổn định cuộc sống. Đã vận động 46 hộ/267 khẩu người Mông từ bỏ các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” để quay về tín ngưỡng truyền thống(2). Những kết quả trên tuy có điểm tích cực góp phần làm giảm các hoạt động tôn giáo trái pháp luật nhưng chưa bền vững và triệt để, chưa xóa bỏ căn bản những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh các hoạt động này.
Các hoạt động tôn giáo trái pháp luật có thể tồn tại và phát triển được ở địa bàn khu vực biên giới xuất phát từ một số nguyên nhân, điều kiện sau:
Trước hết, nằm trong âm mưu “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm gây mất ổn định chính trị tại Việt
Hai là, đời sống kinh tế của nhân dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu đất sản xuất, thất nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo ngày một sâu sắc. Bên cạnh khó khăn về đời sống, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vụ lợi, quan liêu, xa rời quần chúng đã dẫn đến tâm lý tiêu cực, mất niềm tin trong nhân dân và cần tìm một sự an ủi về tinh thần ở tôn giáo.
Bà là, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của các dân tộc thiểu số ở một số nơi đang bị mai một dần. Vị thế của “già làng”, “trưởng bản” giảm sút; các lễ hội truyền thống bị phai nhạt, biến tướng, thương mại hóa, không cuốn hút lớp trẻ và quần chúng. Trong khi đó, chưa có các hình thức sinh hoạt văn hóa mới mẻ, phù hợp, thu hút được quần chúng. Tình hình đó làm xuất hiện khoảng trống tâm linh, tinh thần, vì thế đã tạo điều kiện cho hoạt động tôn giáo trái pháp luật có “đất sống”.
Bốn là, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn biên giới có nơi còn yếu kém, việc giải quyết vấn đề tôn giáo của một số địa phương vùng dân tộc thiểu số còn rất lúng túng, bị động, thiếu sự thống nhất trong nhận thức nên có nơi thì buông lỏng, thả nổi. Có nơi lại cấm đoán, nôn nóng, dùng biện pháp cưỡng chế thô bạo. Việc giải quyết chưa hài hòa vấn đề tôn giáo đã tạo ra sự bất mãn, dần hình thành ý thức chống đối, bất hợp tác của tín đồ với chính quyền, làm mất lòng tin của đồng bào theo đạo đối với Đảng và Nhà nước, tạo kẽ hở cho kẻ địch lợi dụng kích động, chống đối.
Để phòng, chống có hiệu quả các hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở khu vực biên giới cần có sự tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các lực lượng nhằm từng bước khắc phục, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của nó. Đây là vấn đề mang tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Tuy nhiên trước mắt để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở khu vực biên giới phải tiến hành song song với các biện pháp bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người, tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng là tín đồ và nhân dân hoạt động tôn giáo theo pháp luật. Đây là biện pháp mang tính hiệu quả thường xuyên, lâu dài, góp phần thiết thực đưa chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, vừa quản lý được các hoạt động tôn giáo vừa ngăn chặn sự tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo.
Trên cơ sở nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, để góp phần thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người ở khu vực biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo để quần chúng hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các quy định khác có liên quan. Phải làm cho quần chúng hiểu rõ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của con người. Trong đó tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Một số công tác đối với đạo Tin Lành; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016; Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, hướng dẫn cho quần chúng hiểu rõ về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn phản động lợi dụng vấn đề tôn giáo để quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng trong việc đấu tranh. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và cụ thể với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.
Hai là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước để sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa, không để kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, kích động quần chúng chống lại cách mạng. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng là tín đồ các tôn giáo để giải quyết kịp thời; đẩy mạnh các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thông qua đó vận động, tập hợp quần chúng tín đồ vào các tổ chức cách mạng. Không để cho họ bị lôi kéo vào các hội, nhóm, các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp.
Ba là, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo. Phải coi đây là một công tác trọng tâm, cơ bản đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền và huy động được các ngành, các cấp cùng tham gia. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Đề xuất các mô hình sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, cuốn hút được quần chúng, chú trọng vào đối tượng thanh, thiếu niên thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các xã biên giới.
Bốn là, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và các ngành, các lực lượng có liên quan thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn cho các tôn giáo ở khu vực biên giới hoạt động đúng quy định của pháp luật trong các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, xây dựng, cải tạo cơ sở thờ tự. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng với chức sắc, tín đồ các tôn giáo thường xuyên đối thoại, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất đồng để đưa hoạt động tôn giáo vào nền nếp, hướng tín đồ đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Trung tá ThS Ngô Xuân Hoàng
Khoa Trinh sát và phòng chống tội phạm, Trường Cao đẳng Biên phòng, Bộ đội Biên phòng.
----
Tài liệu tham khảo:
(1) Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/03/2003 về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới”.
(2) Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Thông báo tình hình trên các tuyến biên giới, vùng biển năm 2023.
(3) Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
(4) PGS.TS. Vũ Công Giao - ThS Nguyễn Hữu Đà, Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới góc nhìn quốc tế, https://xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-duoi-goc-nhin-quoc-te-17310. Truy cập ngày 04/4/2024.
(5) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.