Người chưa thành niên là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, do nhu cầu mà họ buộc phải tham gia hoặc mong muốn được tham gia quan hệ lao động. Sự tham gia quan hệ lao động ở độ tuổi chưa trưởng thành như này kéo theo nhiều vấn đề liên quan. Thực tế cho thấy tình trạng vi phạm quyền của lao động chưa thành niên vẫn diễn ra, làm cho quyền và lợi ích của người lao động chưa thành niên không được đảm bảo. Trên cơ sở tìm hiểu những quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên ở Việt Nam trong thời gian tới
Ảnh minh họa. Nguồn: laodongthudo.vn
1. Khái quát về lao động chưa thành niên
Trên phương diện sinh học, theo quan niệm quốc tế: “Người chưa thành niên (Juvenile) là người từ 15 đến 18 tuổi, thanh niên (Youth) là người từ 15 đến 24 tuổi, người trẻ tuổi (Young persons) bao gồm trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên”1. Tại Việt Nam, người chưa thành niên được hiểu là người chưa đủ 18 tuổi. Có thể thấy, việc nhận định một cá nhân chưa thành niên dựa trên căn cứ cơ bản về độ tuổi sinh học của cá nhân đó tại thời điểm xác định. Việc lấy căn cứ là tuổi sinh học của cá nhân như trên hoàn toàn phù hợp với các đặc tính về sự phát triển tự nhiên: về mặt thể chất và tinh thần của cá nhân đó.
Trên phương diện pháp lý, trong một quan hệ pháp luật cụ thể, người chưa thành niên là người chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên). Trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 (UDHR) khẳng định, quyền lao động là một trong những quyền cơ bản của con người. Với nhu cầu và là quyền cơ bản của con người, có thể hiểu, mọi cá nhân, ở mọi độ tuổi đều có quyền được lao động, kể cả đối tượng chưa thành niên. Tuy vậy, tính đến hiện nay, trên thế giới, chưa có khái niệm rõ ràng về lao động chưa thành niên, mà chỉ sử dụng thuật ngữ lao động trẻ em, được nêu trong Công ước Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước số 182 năm 1999 của Tổ chức lao động quốc tế. Tại Việt Nam, “Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi”2, “tham gia vào quan hệ lao động với công việc phù hợp được quy định, làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động”3.
Những phân tích trên cho thấy lao động chưa thành niên có những đặc thù về độ tuổi, về mặt tâm sinh lý và về mặt pháp lý so với lao động thành niên như sau:
Thứ nhất, về khía cạnh sinh học, đây là độ tuổi đang hình thành nhân cách, chưa phát triển toàn diện về thể lực, trí lực đáp ứng yêu cầu về nhận thức và điều khiển hành vi cũng như khả năng tham gia tất cả các quan hệ xã hội nói chung bao gồm quan hệ lao động. Với sự phát triển chưa hoàn thiện, cũng như đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, ngoài sự đảm bảo quyền lao động trong giới hạn cần thiết, thì lao động chưa thành niên khi tham gia quan hệ lao động cần được đảm bảo về sự phát triển, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cũng như thể chất của người lao động chưa thành niên.
Thứ hai, về khía cạnh trí lực, lao động chưa thành niên chưa tích lũy đầy đủ về nhận thức nên còn có những hạn chế trong nhận diện và điều khiển hành vi. Đây cũng là độ tuổi thường có những biểu hiện về mặt tâm lí khá phức tạp, chưa có sự định hình về nhân cách, dễ thay đổi và dễ bị ảnh hưởng, tác động của môi trường sống và làm việc. Đối tượng này còn phải đảm bảo yêu cầu vừa lao động, vừa học tập tích lũy kiến thức, hoàn thiện nhân cách. Việc bố trí thời gian lao động cần đặt trong mối tương quan đảm bảo quyền học tập. Bên cạnh đó, việc sử dụng lao động làm công việc với môi trường thiếu lành mạnh cùng các ngành nghề nguy hiểm, độc hại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực và nhân cách của họ.
Thứ ba, về năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật của lao động chưa thành niên chưa đầy đủ. Người lao động chưa thành niên bị hạn chế một phần năng lực hành vi khi giao kết hợp đồng lao động trong những trường hợp nhất định. Vì vậy, với lao động chưa thành niên, việc giao kết hợp đồng lao động, cũng như tham gia giao dịch liên quan đến lao động là một trở ngại lớn, khi không thể tự mình thực hiện giao dịch mà cần phải thông qua người đại diện hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, đây cũng là quy định để đảm bảo an toàn cho các chủ thể chưa thành niên tham gia vào các giao dịch dân sự, đặc biệt là giao dịch về lao động, tránh để họ bị lợi dụng hoặc lừa dối, thậm chí là bị đe dọa.
2. Sự cần thiết trong việc bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên
Theo thống kê tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 1 triệu người trong độ tuổi 5-17 tham gia lao động, chiếm 5.4% tổng số người chưa thành niên trong độ tuổi này. Trong số hơn 1 triệu lao động chưa thành niên thì có tới 63% người chưa thành niên được tiếp cận giáo dục (tăng gần 20 % so với năm 2012); 51,2% người chưa thành niên từ 15 đến 17 tuổi4. Điều này cho thấy tình trạng về sử dụng lao động chưa thành niên hiện nay ngày một gia tăng, bất chấp những nỗ lực của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam trong việc hạn chế sử dụng lao động chưa thành niên. Có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan làm cho việc giảm, hay chấm dứt việc sử dụng lao động chưa thành niên khó thực hiện được trong bối cảnh hiện tại. Do vậy yêu cầu cấp bách cần phải thúc đẩy những biện pháp nhằm bảo vệ lao động chưa thành niên trong thực tiễn.
Việc bảo vệ quyền lợi người lao động chưa thành niên có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của người chưa thành niên nói riêng.
Một là, bảo đảm cho người chưa thành niên có được môi trường an toàn, lành mạnh. Người chưa thành niên là công dân đặc biệt được gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc. Người chưa thành niên là đối tượng còn chưa phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, nên người chưa thành niên không thể tự mình thực hiện đầy đủ các quyền mà phần nhiều phải dựa vào người đại diện hoặc người giám hộ. Do vậy, trong môi trường lao động, người lao động chưa thành niên cần phải được đảm bảo môi trường lao động tốt, lành mạnh về sức khỏe và tinh thần, từ đó có thể tác động tốt tới sự phát triển toàn diện của người chưa thành niên.
Hai là, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại người chưa thành niên. Với đặc điểm là chủ thể chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần, do vậy đối tượng lao động là người chưa thành niên rất dễ bị lợi dụng và xâm hại, tuy nhiên họ cũng không thể tự vệ, không thể tự đấu tranh bảo vệ bản thân mình. Việc đặt ra quy định bảo vệ quyền lợi của người lao động chưa thành niên tạo nên khung pháp lý phòng tránh các hành vi lợi dụng, xâm hại người chưa thành niên trong lao động; cũng như người lao động chưa thành niên có được những hiểu biết, công cụ pháp lý để bảo vệ bản thân mình trong lao động.
Ba là, tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại của Việt Nam. Bằng việc thực hiện những quy định về đảm bảo quyền lợi của người lao động nói chung và lao động chưa thành niên nói riêng, sẽ phần nào giúp doanh nghiệp có được sự ổn định về nguồn nhân lực trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh của mình, thu hút được nguồn nhân lực có năng lực, đóng góp mạnh mẽ về trí và về lực cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng khốc liệt hơn.
3. Quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đồng thời, Việt Nam cũng phê chuẩn hai Công ước cơ bản của ILO liên quan trực tiếp đến vấn đề lao động trẻ em là Công ước số 138 năm 1973 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Với tinh thần trách nhiệm thành viên của các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền của lao động nói chung và lao động chưa thành niên nói riêng, Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực trong việc nội luật hóa, cũng như xây dựng khung pháp lý phù hợp về đảm bảo quyền của lao động chưa thành niên. Trong Bộ luật Lao động năm 2019, tại Chương XI đã xây dựng về những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác. Những quy định riêng biệt đối với lao động chưa thành niên thể hiện tinh thần của Đảng và Nhà nước về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với lao động chưa thành niên.
(1) Về độ tuổi lao động tối thiểu
Để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em trong mọi hoàn cảnh, cũng như thực hiện các quyền cơ bản của con người, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990 có yêu cầu các quốc gia thành viên phải xây dựng thể chế cụ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền đối với đối tượng dưới 18 tuổi. Cụ thể, tại Điều 32 của Công ước có quy định: “các Quốc gia thành viên phải: a. Quy định một hay nhiều mức tuổi tối thiểu được phép thu nhận vào làm công”5. Quy định này cho thấy việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi không phải là điều cấm. Cũng theo quy định tại Điều 2, Công ước số 138 năm 1973 về Độ tuổi lao động tối thiểu của ILO: “...độ tuổi tối thiểu được tuyển dụng vào làm việc hoặc được tham gia lao động tới độ tuổi mà thanh thiếu niên đạt được mức độ phát triển đầy đủ nhất về thể chất và trí lực”6. Mặc dù cho phép sử dụng lao động chưa thành niên, nhưng trong các Công ước quốc tế đều yêu cầu các quốc gia thành viên phải đặt ra một độ tuổi phù hợp để một cá nhân có thể tham gia vào quan hệ lao động. Điều này dựa trên đặc thù của chủ thể là người chưa thành niên, không thể giao mọi công việc cho đối tượng này như những lao động bình thường, mà phải có sự chọn lọc đặc biệt là sự chọn lọc về độ tuổi phù hợp để có đầy đủ nhận thức cũng như điều kiện thể chất phù hợp với công việc lao động. Theo tinh thần của cộng đồng quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 18 tuổi, tại Điều 143 của Bộ luật Lao động năm 2019 đã phân loại cụ thể các nhóm lao động chưa thành niên, gồm nhóm từ đủ 15 đến chưa đủ 18; nhóm từ đủ 13 đến chưa đủ 15 và nhóm chưa đủ 13 tuổi. Việc phân loại nhóm lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 giúp hiểu rõ hơn về khái niệm người lao động chưa thành niên. Việc phân chia nhóm lao động như trên căn cứ vào đặc điểm phát triển của từng nhóm tuổi về thể chất, về ý thức và về năng lực lao động; tương ứng với sự phát triển về mặt sinh học, để có thể áp dụng quy định, cơ chế pháp lý phù hợp với từng chủ thể lao động. Từ đó, có thể có sự phân chia phù hợp các công việc lao động tương ứng với từng độ tuổi phù hợp, đảm bảo quyền lao động, cũng như quyền phát triển của mỗi cá nhân lao động chưa thành niên.
(2) Về điều kiện lao động
Theo quy định tại Điều 145, Bộ luật Lao động năm 2019, quy định cụ thể về điều kiện lao động của lao động chưa thành niên. Điều kiện lao động này yêu cầu các đơn vị, chủ sử dụng lao động phải đảm bảo khi sử dụng lao động chưa thành niên. Cụ thể, khi sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc thì phải đảm bảo các điều kiện cơ bản sau:
Thứ nhất, chủ sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó. Điều này đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch lao động, đảm bảo quyền cơ bản trong quan hệ lao động và đặc biệt ghi nhận về năng lực pháp lý của lao động chưa thành niên khi tham gia quan hệ lao động. Bên cạnh đó, lao động chưa thành niên cũng phải đảm bảo điều kiện cơ bản về lý lịch tư pháp và cam kết cá nhân để có thể thực hiện giao kết hợp đồng lao động.
Thứ hai, phải bố trí gian làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi. Quy định này cho thấy đặc thù của lao động chưa thanh niên là chưa hoàn thiện về mặt tinh thần, tri thức, nên việc bồi dưỡng văn hóa là điều cần thiết. Điều này cho thấy không chỉ đảm bảo quyền lao động, mà còn đảm bảo quyền được học tập của đối tượng chưa thành niên; đảm bảo sự phát triển toàn diện của đối tượng này. Đặc biệt điều kiện về đảm bảo điều kiện học tập còn là một điều khoản bắt buộc trong hợp đồng lao động đối với lao động chưa thành niên.
Thứ ba, chủ sử dụng lao động phải đảm bảo sức khỏe của lao động chưa thành niên, đảm bảo thể trạng của người lao động phù hợp với công việc và đặc biệt phải thực hiện tổ chức kiểm tra định kỳ sức khỏe của lao động chưa thành niên ít nhất một lần trong 06 tháng. Không chỉ có vậy, chủ sử dụng lao động cũng cần phải bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động... phù hợp với lứa tuổi. Có thể thấy Bộ luật Lao động năm 2019 thể hiện rất rõ tinh thần được quy định tại Điều 32 của Công ước về quyền trẻ em, đó là: “Trẻ em được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ công việc gì nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ em, hoặc có hại đối với sức khỏe hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em”7.
Bên cạnh những điều kiện cơ bản nêu trên, những lao động từ đủ 13 tuổi cho đến 15 tuổi cũng chỉ được làm các công việc nhẹ theo danh mục quy định, cũng như đảm bảo môi trường làm việc theo quy định. Ngoài ra, đối tượng đặc biệt là lao động dưới 13 tuổi, do đặc thù nghề nghiệp, thì các đối tượng này được tham gia quan hệ lao động về một số lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao. Tuy nhiên các công việc này không được làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và đặc biệt là phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động theo quy định của pháp luật.
Trong Bộ luật Lao động năm 2019 còn quy định về các công việc và địa điểm làm việc cấm lao động chưa thành niên. Quy định cấm tại Điều 147, Bộ luật Lao động năm 2019 đối với lao động chưa thành niên, nhằm đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh cho sự phát triển về thể chất và tinh thần đối với người lao động. Môi trường lao động an toàn, điều kiện làm việc tốt sẽ đảm bảo sức khỏe cho lao động chưa thành niên. Môi trường lành mạnh, sẽ giúp cho lao động chưa thành niên phát triển nhân cách, tâm lý theo hướng tích cực hơn, hoàn thiện con người, giúp họ trở thành công dân tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, môi trường an toàn và lành mạnh là chưa đủ, lao động chưa thành niên cần một môi trường đảm bảo điều kiện làm việc và an toàn vệ sinh lao động. Với tốc độ phát triển xã hội ngày càng mạnh, việc xác định đâu là môi trường không gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên là khá khó. Bởi lẽ, có những địa điểm trá hình, như các sòng bạc, quán bar, công xưởng gia công... vẫn không kiểm soát được lao động chưa thành niên tại địa điểm đó. Bên cạnh đó, còn rất nhiều môi trường, công việc phát sinh trong thời đại công nghệ số gây ảnh hưởng tiêu cực đến lao động chưa thành niên nhưng vẫn chưa được giám sát chặt chẽ, như quán cầm đồ, cửa hàng cho vay tài chính, hay những quán chơi điện tử... Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện môi trường lao động chưa thành niên, đảm bảo môi trường thuận lợi, an toàn và lành mạnh; giúp cho lao động chưa thành niên không những có được thu nhập mà vẫn có thể phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
(3) Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp
Thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ thời gian làm việc giúp họ có đủ điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lao động, cũng như thời gian nghỉ ngơi giúp họ tái tạo sức lao động, đảm bảo duy trì thể lực và trí lực để lao động hiệu quả. Riêng đối với lao động chưa thành niên, thời giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi có ý nghĩa lớn hơn. Bởi thời gian làm việc cố định giúp họ tránh việc bị lạm dụng thời gian từ người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ ngơi không chỉ giúp họ tái tạo sức lao động, mà còn duy trì và phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần cũng như tri thức. Chính vì vậy, thời gian lao động của lao động chưa thành niên thường được rút ngắn hơn và thời gian nghỉ ngơi tăng thêm so với lao động thành niên.
Theo quy định tại Điều 146, Bộ luật Lao động năm 2019 về thời gian làm việc của lao động chưa thành niên là:
- Không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với người chưa đủ 15 tuổi.
- Không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với một số nghề và công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định8.
Việc quy định thành một điều khoản riêng về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của lao động chưa thành niên, là căn cứ cụ thể, rõ ràng hơn đối với chính những lao động chưa thành niên và người sử dụng lao động; là điều khoản bắt buộc trong việc bảo vệ quyền lợi của lao động chưa thành niên. Quy định về thời gian lao động và thời gian nghỉ ngơi được quy định phù hợp với từng đối tượng. Với đối tượng chưa đủ 15 tuổi, thể chất và tâm lý còn chưa ổn định, do vậy thời gian lao động chỉ được phép tối đa là 04 giờ trong 01 ngày. Bên cạnh đó, đối tượng này sẽ không được làm thêm giờ hay làm việc vào ban đêm, quy định này nhằm đảm bảo sức khỏe, sự phát triển thể chất tự nhiên của đối tượng lao động chưa đủ 15 tuổi. Tuy nhiên, với đối tượng lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thể trạng và tâm lý dần đi vào ổn định, do vậy khả năng lao động có thể đáp ứng được lượng thời gian lao động lâu hơn, cũng như có thể làm thêm giờ hoặc đáp ứng được những công việc vào ban đêm đối với một số ngành nghề nhất định theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, việc quy định về thời gian còn nhiều điểm chưa cụ thể, điển hình như chưa quy định cụ thể về 04 giờ hay 08 giờ lao động là thời điểm nào trong ngày, có ảnh hưởng đến việc học tập của đối tượng này hay không; Hay việc người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động mà không có sự phân biệt người lao động chưa thành niên hay đã thành niên. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý thời gian lao động của lao động chưa thành niên, cũng như lao động nói chung.
(4) Về các hình thức xử lý vi phạm các quy định về lao động chưa thành niên
Trên tinh thần của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990, có yêu cầu các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp lập pháp, hành chính, xã hội và giáo dục để bảo đảm thực hiện, đặc biệt là xây dựng các chế tài để nhằm đảm bảo thực hiện bảo vệ quyền của người chưa thành niên. Trong quan hệ xã hội nói chung và trong quan hệ lao động nói riêng, người chưa thành niên được coi là đối tượng yếu thế, chính bởi vậy, việc đặt ra các chế tài đối với những đối tượng vi phạm quy định về bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên là điều cần thiết. Qua đó, không chỉ đảm bảo hơn về quyền lợi của lao động chưa thành niên, mà còn mang tính chất răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của các chủ thể khi tham gia quan hệ lao động nói chung và quan hệ lao động với người chưa thành niên nói riêng.
Về chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về lao động chưa thành niên được quy định trong Điều 29, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022. Về các hành vi bị coi là vi phạm được quy định bao gồm: không lập sổ theo dõi đối với lao động chưa thành niên; Sử dụng lao động chưa thành niên khi chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định... Tuy nhiên, mức xử phạt với những hành vi vi phạm quyền của lao động chưa thành niên chỉ thuần túy được xử lý dưới góc độ là xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là phạt tiền đối với chủ thể vi phạm là người sử dụng lao động, mà không đặt ra cơ chế bồi thường đối với lao động chưa thành niên. Bởi lẽ, quan hệ lao động cũng là quan hệ bình đẳng, chủ thể bị thiệt hại cũng sẽ phải được bồi thường xứng đáng với những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Đặc biệt hơn là đối tượng phải chịu thiệt hại là người chưa thành niên, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Không chỉ là các chế tài dân sự, các nhà làm luật cũng cần xây dựng chế tài hình sự, nhằm răn đe, giáo dục sâu sắc hơn đối với những đơn vị sử dụng lao động đang cố tình cưỡng bức, bóc lột lao động chưa thành niên, từ đó, tạo một hành lang pháp lý cứng rắn hơn trong việc bảo vệ lao động chưa thành niên nói riêng và trẻ em nói chung.
Nhìn từ góc độ lao động, người chịu thiệt hại trong quan hệ lao động cũng có thể là đơn vị sử dụng lao động, như việc người lao động chưa thành niên làm hỏng cơ sở vật chất của đơn vị sử dụng lao động. Khi đó, việc giải quyết thiệt hại trong quan hệ lao động sẽ được xử lý như nào khi bản thân người chưa thành niên chưa hoàn toàn có năng lực trách nhiệm pháp lý đầy đủ để có thể tự chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm mà mình gây ra.
4. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo quyền của lao động chưa thành niên
Bộ luật Lao động năm 2019 về cơ bản đã thể hiện được tinh thần của Công ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em, cũng như Công ước số 138 năm 1973, tạo ra khung pháp lý phù hợp trong việc đảm bảo quyền lao động, cũng như quyền cơ bản của người chưa thành niên. Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên, bài viết xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
(1) Thống nhất quy định pháp luật về tuổi trẻ em và người chưa thành niên. Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, tuy nhiên trên thế giới lại đưa ra độ tuổi được coi là trẻ em là dưới 18 tuổi. Chính bởi vậy, khi đề cập đến lao động chưa thành niên, vẫn còn những băn khoăn về độ tuổi cũng như cách gọi tên đối tượng này trong các quan hệ pháp luật cụ thể.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn về điều kiện làm việc đới với lao động chưa thành niên. Đặc biệt là việc quy định cụ thể các công việc được coi là công việc nặng hay nhẹ, như các công việc nhẹ có thể là các công việc phi chính thức như: giúp việc gia đình, lao động trên nền tảng internet... Ngoài ra cũng cần có quy định cụ thể về phạm vi làm việc của lao động chưa thành niên trong các công việc này.
(2) Bổ sung quy định về thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên, cụ thể, cần xem xét lại quy định về việc người chưa thành niên có thể được làm thêm giờ, hoặc làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc. Bởi, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện; đồng thời, đây cũng là đối tượng cần được tạo mọi điều kiện để phát triển về sức khỏe, thể chất và tinh thần, vậy nên, các công việc dù nặng nhọc hay nhẹ nhàng đều ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của nhóm người này. Bên cạnh đó, việc quy định thời gian làm việc cũng cần xem xét tránh ảnh hưởng đến việc học tập của người chưa thành niên. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về chế độ nghỉ ngơi, thời gian nghỉ ngơi riêng đối với lao động chưa thành niên, đảm bảo nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của đối tượng này.
(3) Bổ sung các quy định về biện pháp xử lý vi phạm mạnh mẽ và quyết liệt hơn đối với người sử dụng lao động khi có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng người lao động chưa thành niên. Như: nâng mức phạt tiền đối với biện pháp phạt tiền, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động của người sủ dụng lao động trong xử lý hành chính; bổ sung các quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động vi phạm; Bổ sung các quy định về nghĩa vụ bồi thường đối với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi chính đáng trong quan hệ lao động của lao động chưa thành niên...
(4) Xây dựng hệ thống giám sát, thanh tra, kiểm tra từ cơ quan trung ương đến địa phương; từ khu vực công đến khu vực tư9. Việc mở rộng mô hình và phạm vi giám sát đảm bảo quyền của lao động chưa thành niên giúp việc thực hiện pháp luật trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên cũng như quyền trẻ em; cùng với đó kết hợp chiến lược phát triển kinh tế bền vững, hướng tới mục tiêu chung của toàn cầu là giảm số lượng lao động chưa thành niên, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho đối tượng yếu thế đặc biệt này.
(5) Nâng cao nhận thức pháp luật về bảo đảm quyền của lao động chưa thành niên, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, những vùng kinh tế khó khăn, dân trí chưa cao. Xây dựng các chương trình hướng nghiệp, tư vấn đối với lao động chưa thành niên, để học có thể nhận thức đúng đắn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là giải pháp mang tính thực tiễn cao. Doanh nghiệp có thể nâng cao trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử với các quy định về việc đảm bảo quyền của lao động chưa thành niên trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả các chuỗi cung ứng.
Kết luận
Bộ luật Lao động 2019 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/02/2021. Với những quy định của Bộ luật đã góp phần làm rõ ràng hơn về quyền lợi, lợi ích của người lao động chưa thành niên đồng thời giúp cụ thể hóa cách xử sự của các chủ thể trong quan hệ lao động, nhận thức được đúng đắn quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó xác định rõ được trách nhiệm của không chỉ người sử dụng lao động mà chính bản thân gia đình, người thân của người lao động chưa thành niên cũng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích cho người lao động chưa thành niên. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người lao động chưa thành niên là vấn đề cần thiết đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội cũng như bối cảnh hội nhập ngày nay.
ThS. Bùi Hồng Ngọc
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 37 (04/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Đoàn Thị Ngọc Hải (2019) “Quyền của người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, nguồn: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2420, ngày truy cập: 16/2/2024.
(2) Điều 143, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14.
(3) Lâm Hồng Loan Chị, Ngô Nguyễn Phương Thủy (2023) “Pháp luật về người lao động chưa thành niên ở Việt Nam – Bất cập và giải pháp hoàn thiện”, Tạp chí Nghiên cứu khoa học và Phát triển kinh tế Trường đại học Tây Đô, số 17(2023), tr 112-118, nguồn: https://vjol.info.vn/index.php/tcdaihoctaydo/article/view/82472/70292, ngày truy cập: 16/2/2024.
(4) Đặng Hoa Nam (2023) “Nỗ lực của Việt Nam trong xóa bỏ lao động trẻ em”, nguồn: https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/no-luc-cua-viet-nam-trong-xoa-bo-lao-dong-tre-em-19384, ngày truy cập: 16/2/2024.
(5) Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1990.
(6) Công ước về Độ tuổi tối thiểu năm 1973 của Tổ chức Lao động thế giới (Công ước số 138).
(7) Công ước của Liên Hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1990.
(8) Điều 146, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14.
(9) Khúc Thị Trang Nhung, Phạm Thị Hương Giang (2022) “Hoàn thiện pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam”, nguồn: https://kiemsat.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-su-dung-lao-dong-tre-em-o-viet-nam-63521.html, ngày truy cập: 16/2/2024.