Hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông chịu sự tác động bị chi phối, tác động của nhiều yếu tố xã hội từ văn hóa, pháp luật, lối sống, nội dung, hình thức, phương pháp, sự kết hợp giữa các thiết chế nhà trường, gia đình, xã hội; đặc điểm lứa tuổi và môi trường sống của học sinh và những người xung quanh góp phần giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và chấp hành trên toàn cầu với tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn.

Phần I. Một số kiến thức cơ bản về quyền con người, giáo dục quyền con người

1. Một số kiến thức cơ bản về quyền con người

Quyền con người

Quyền con người (tiếng Anh là “Human rights”) một phạm trù đa diện, do đó có nhiều định nghĩa khác nhau:

Theo một tài liệu của Liên hợp quốc, từ trước đến nay có đến gần 50 định nghĩa về quyền con người đã được công bố, mỗi định nghĩa tiếp cận vấn đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra những thuộc tính nhất định, nhưng không định nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người. Tính phù hợp của các định nghĩa hiện có về quyền con người phụ thuộc vào sự nhìn nhận chủ quan của mỗi cá nhân, tuy nhiên, ở cấp độ quốc tế, có một định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (Office of High Commissioner for Human Rights – OHCHR) thường được trích dẫn bởi các nhà nghiên cứu. Theo định nghĩa này, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.

Bên cạnh định nghĩa kể trên, một định nghĩa khác cũng thường được trích dẫn, theo đó, quyền con người là những sự được phép (entitlements) mà tất cả thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội...; đều có ngay từ khi sinh ra, đơn giản chỉ vì họ là con người. Định nghĩa này mang dấu ấn của học thuyết về các quyền tự nhiên.

Ở Việt Nam, đã có những định nghĩa về quyền con người do một số cơ quan nghiên cứu và chuyên gia từng nêu ra. Những định nghĩa này không hoàn toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Như vậy, nhìn ở góc độ nào và ở cấp độ nào thì quyền con người cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại, chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều rõ ràng là quyền con người là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong mọi giai đoạn lịch sử.

Quyền con người có thể được hiểu một cách đơn giản là những đặc quyền tự nhiên thuộc về tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, dòng dõi, địa vị xã hội...; các giá trị của quyền con người được luật pháp hóa, được cộng đồng quốc tế và các quốc gia thừa nhận, đó là giá trị  phổ biến/phổ quát chung toàn nhân loại. Điều này có nghĩa là chúng ta có quyền con người không phải bởi vì là công dân của một nước mà bởi vì chúng ta con người, nên có quyền con người; quyền con người gắn với nhân phẩm và giá trị con người, nên không thể bị tước bỏ một cách bất hợp pháp bởi bất cứ quyền lực nào, những giá trị thiêng liêng, cao quý của toàn thể nhân loại kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Trải qua quá trình đấu tranh của loài người nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, với khát vọng về tự do, bình đẳng, bác ái, quyền con người không ngừng được bồi đắp và phát triển.

Các quyền con người còn phụ thuộc lẫn nhau, liên quan lẫn nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Việc thực hiện tốt quyền này, sẽ bổ sung, hỗ trợ thực hiện quyền khác và ngược lại. Ví dụ, thực hiện tốt quyền giáo dục, sẽ giúp các em có tri thức để làm chủ cuộc sống, tham gia vào các công việc chung, trở thành chủ nhân tích cực, sáng tạo; hay thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin, giúp mọi người có thể kiểm soát cuộc sống; có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến…

Các quyền con người là tự nhiên, vốn có của mỗi cá nhân con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, khi thực hành các quyền và tự do đó, các cá nhân có thể có nguy cơ xâm phạm các quyền và tự do của người khác, để lại hậu quả cho các cá nhân và động đồng, xã hội. Vì vậy, nghĩa vụ xác định mối quan hệ và sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, giữa tự do và trách nhiệm, giữa lợi ích của cá nhân, cộng đồng, nhà nước, xã hội. Đồng thời, nghĩa vụ pháp lí là điều kiện để bảo vệ và bảo đảm quyền, tự do con người và công dân. Pháp luật quốc tế về quyền bên cạnh việc xác lập hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền thì cũng nhấn mạnh việc thực hiện quyền tự do của con người không được xâm phạm đến quyền và tự do của người khác.

Như vậy, có thể thấy quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

b) Các nguyên tắc cốt lõi của quyền con người

Tính phổ quát và không thể chuyển nhượng: Quyền con người là phổ biến và không thể chuyển nhượng. Tất cả mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có quyền hưởng các quyền này. Tính phổ quát của quyền con người được bao hàm trong lời nói của Điều 1 của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người: “tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.”

 Tính không thể phân chia: Quyền con người là không thể chia cắt. Tất cả các quyền con người đều có địa vị bình đẳng, và không thể được xếp theo thứ tự thứ bậc. Từ chối một quyền luôn cản trở việc thụ hưởng các quyền khác. Do đó, quyền của mọi người có mức sống đầy đủ không thể bị tổn hại do các quyền khác, chẳng hạn như quyền được chăm sóc sức khỏe hoặc quyền được học hành.

 Sự phụ thuộc lẫn nhau: Các quyền con người phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi người đều góp phần vào việc nhận thức phẩm giá con người của một người thông qua việc thỏa mãn các nhu cầu về phát triển, thể chất, tâm lí và tinh thần của họ. Việc thực hiện một quyền thường phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào việc thực hiện các quyền khác. Ví dụ, trong những trường hợp nhất định, việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe có thể phụ thuộc vào việc thực hiện quyền được phát triển, được giáo dục hoặc được cung cấp thông tin.

 Bình đẳng và không phân biệt đối xử: Đây vừa là giá trị vừa là nguyên tắc của quyền con người. Theo đó, mọi cá nhân đều bình đẳng với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại và dựa trên phẩm giá vốn có của mỗi con người. Do đó, không ai phải chịu sự phân biệt đối xử do chủng tộc, màu da, dân tộc, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, khuynh hướng tình dục, tôn giáo, chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia, xã hội hoặc địa lí, khuyết tật, tài sản hoặc tình trạng khác …

Sự tham gia: tất cả mọi người đều có quyền tham gia và thu thập thông tin liên quan đến quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc của họ. Các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền yêu cầu mức độ tham gia cao của cộng đồng, xã hội dân sự, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên, cộng đồng bản địa và các nhóm được xác định khác.

Trách nhiệm giải trình và Pháp quyền: các quốc gia và những người có trách nhiệm khác phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ các quyền con người. về vấn đề này, họ phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn pháp lí được quy định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Trong trường hợp họ không làm như vậy, chủ thể hưởng quyền bị vi phạm có quyền khởi kiện để giải quyết phù hợp trước tòa án có thẩm quyền hoặc cơ quan xét xử khác theo các quy tắc và thủ tục do pháp luật quy định.

2. Một số kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người

a) Khái niệm giáo dục quyền con người

Có nhiều định nghĩa về giáo dục quyền con người, tùy thuộc vào cách tiếp cận của các tổ chức khác nhau:

Trong Cuốn sách Hướng dẫn Giáo dục Quyền con người, bà Nancy Flowers định nghĩa giáo dục quyền con người "là tất cả những hiểu biết nhằm phát triển kiến thức, kỹ năng và các giá trị của quyền con người”.

Trung tâm nguồn khu vực Châu Á về Giáo dục quyền con người (2003): “Giáo dục quyền con người là một quá trình có sự tham gia bao gồm các hoạt động học tập được thiết kế có chủ ý sử dụng kiến ​​thức, giá trị và kỹ năng quyền con người làm nội dung chính, hướng tới công chúng để giúp họ hiểu hơn về trải nghiệm bản thân và kiểm soát cuộc sống”.

Trung tâm quyền con người Quốc gia Jordan: “Giáo dục quyền con người là tất cả việc học tập phát triển kiến ​​thức, kỹ năng và giá trị nâng cao quyền con người, trách nhiệm và hành động”.

Theo Trung tâm tài nguyên khu vực châu Á về giáo dục quyền con người: Giáo dục quyền con người là một quá trình có sự tham gia vào các hoạt động học tập được thiết kế có chủ ý lấy kiến thức, giá trị và kỹ năng quyền con người làm nội dung chính, hướng tới công chúng để giúp họ hiểu hơn về trải nghiệm bản thân và kiểm soát cuộc sống.

Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người khẳng định: Giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả cá hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, hoạt động nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người. Từ đó, góp phần vào việc phòng ngừa vi phạm và lạm dụng quyền con người bằng cách trang bị cho mọi người kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết và nâng cao thái độ, hành vi của họ, để trao quyền cho họ đóng góp vào việc xây dựng và thức đẩy văn hóa phổ quát về quyền con người.

Trung tâm Quyền con người thuộc đại học Minnesota (Mỹ) nêu quan điểm: Giáo dục quyền con người là một quá trình thu nhận kiến thức, kỹ năng và giá trị liên quan để hiểu, khẳng định và biện minh cho quyền của mỗi người dựa trên các tiêu chuẩn quyền con người quốc tế. Định nghĩa này ngụ ý rằng quyền con người là công cụ trao quyền… Qua việc khuyến khích phát triển năng lực và khả năng (giáo dục quyền con người) để mở rộng ý nghĩa của việc được làm người. Do đó, giáo dục có thể và nên là một quá trình trao quyền, cho phép những cá thể sống ngoài lề về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa để họ khẳng định vị thế là thành viên luôn tham gia vào cộng đồng.

Liên hợp quốc đã khởi xướng một số chương trình và chiến dịch về giáo dục quyền con người kể từ khi thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) năm 1948. Điểm nhấn quan trọng là vào năm 2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người. Điều 1 của Tuyên ngôn nhấn mạnh rằng mọi người đều có quyền đối với giáo dục quyền con người và cụ thể là quyền biết, tìm kiếm và nhận thông tin về tất cả các quyền con người và tự do căn bản; rằng giáo dục nhân quyền là cần thiết để có sự tôn trọng và thực thi các quyền con người rộng rãi hơn; và rằng giáo dục nhân quyền giúp tạo ra tiếp cận đến các quyền con người khác. Điều 2 đưa ra định nghĩa: Giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin, nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng phổ quát, thực hiện tất cả các quyền con người và tự do căn bản, từ đó đóng góp vào việc ngăn chặn các vi phạm quyền con người thông qua việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như phát triển thái độ và hành vi, trao quyền cho họ để tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng, thúc đẩy một văn hóa phỏ quát về quyền con người.

Giáo dục quyền con người là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có mục đích của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm hình thành ở họ tri thức về quyền con người để biết tự mình bảo vệ quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người.

Như vậy, có thể thấy, giáo dục quyền con người là một quá trình được thực hiện đối với mọi chủ thể, ở mọi lứa tuổi để giúp họ tìm hiểu về quyền của chính mình và quyền của người khác. Điều đó cho phép mọi người phát triển các kỹ năng và thái độ để thúc đẩy bình đẳng phẩm giá và sự tôn trọng trong cộng đồng.

b) Đặc điểm của giáo dục quyền con người

Cũng như giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người là quá trình tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học, qua đó giúp cho họ nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, tôn trọng quyền và tự do của người khác, tự giác tuân thủ pháp luật và hướng tới xây dựng nền văn hóa quyền con người toàn cầu.

Giáo dục quyền con người, trước hết là sự tuyên bố về cam kết của quốc gia thành viên đối với các quyền được quy định trong các văn kiện quốc tế về quyền con người,

Giáo dục quyền con người hướng tới tất cả mọi người, nhưng 3 chủ thể cần được ưu tiên nhất, đó là:

Chủ thể quyền (rights - holders): những người dễ bị vi phạm quyền con người nhất, họ có thể là cá nhân, công dân, nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội;

Chủ thể nghĩa vụ (duty - bearers), họ có nghĩa vụ bảo vệ và thực hiện quyền (nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước) và những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Giáo dục quyền con người nhằm hướng tới và thúc đẩy các nguyên tắc nền tảng của tự do và dân chủ trong xã hội;

Giáo dục quyền con người giúp phát triển các kỹ năng giao tiếp và những suy nghĩ có tính sáng tạo của cá nhân đối với việc xây dựng một xã hội dân chủ và hài hòa.

Giáo dục quyền con người cũng thúc đẩy tính sáng tạo trong suy nghĩ và hành động đối với người học;

Giáo dục quyền con người phải khẳng định được tính phụ thuộc lẫn nhau của các quyền, thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, tình bằng hữu và tính phức tạp của mối đe dọa toàn cầu, cơ sở, nguồn gốc sinh ra bạo lực và sự lạm dụng quyền lực và cách thức để tránh và tiến tới xóa bỏ trong tương lai.

c) Quan niệm về giáo dục quyền con người

Các hoạt động giáo dục quyền con người nên truyền đạt các nguyên tắc quyền con người cơ bản, như nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, trong khi khẳng định tính phụ thuộc, không thể phân chia và tính phổ biến của quyền con người; đồng thời các hoạt động phải có tính liên quan thực tiễn tới quyền con người trong kinh nghiệm đời sống thực tế của người học và giúp họ xây dựng các nguyên tắc quyền con người trong bối cảnh văn hóa của riêng họ. Thông qua các hoạt động này, người học được trao quyền để nhận biết và đề xuất các nhu cầu quyền con người và tìm kiếm các giải pháp phù hợp với các chuẩn mực quyền con người. Cả việc xác định dậy cái gì và cách dậy nên phải phản ánh các giá trị quyền con người, khuyến khích sự tham gia và thúc đẩy môi trường nghiên cứu tự do từ sự mong muốn và không bị sợ hãi.

Quyền được giáo dục và đào tạo về quyền con người là quyền vốn có và cơ bản, gắn liền với nhân phẩm con người và liên quan tới việc hưởng thụ có hiệu quả tất cả các quyền con người, dựa trên các nguyên tắc về tính phổ biến, không thể chia cắt, và tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các loại quyền.

Giáo dục và đào tạo quyền con người liên quan tới tất cả các cấp độ và các hình thức của giáo dục, đào tạo, bao gồm cả khu vực công và tư, chính thức và không chính thức, cả đào tạo hướng nghiệp, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo dục liên tục, giáo dục phổ thông và các hoạt động thông tin và nâng cao nhận thức.

Cũng như giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục quyền con người là quá trình tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học, qua đó giúp cho họ nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi, biết tự bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân, tôn trọng quyền và tự do của người khác, tự giác tuân thủ pháp luật và hướng tới xây dựng nền văn hóa quyền con người toàn cầu.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Hoa

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định