Để bảo đảm quyền con người trong hoạt động kinh doanh, pháp luật quốc tế đã đặt ra các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, thực tế trong kinh doanh, các doanh nghiệp có thể có những lúc vì lợi nhuận mà vi phạm các nguyên tắc kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền con người, trong đó có trẻ em. Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu các quy định về các nguyên tắc kinh doanh và việc bảo đảm quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế, qua nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện các nguyên tắc này ở Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp tuân thủ đúng các nguyên tắc kinh doanh và bảo đảm quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh của mình.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng trường học cho con em người lao động. Nguồn: vneconomy.vn.
1. Quy định về các nguyên tắc kinh doanh và bảo đảm quyền trẻ em trong pháp luật quốc tế
Hiện nay, vấn đề quyền trẻ em trong kinh doanh đã trở thành một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp. Điều không tránh khỏi là, hoạt động kinh doanh, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới trẻ em. Trẻ em là những người có liên quan chính trong kinh doanh với vai trò là khách hàng, là người trong gia đình của nhân viên, là lao động trẻ, là những nhân viên và là nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai. Và thực tế, cũng không thiếu các trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ảnh hưởng tới quyền trẻ em. Ví dụ, các quảng cáo về sản phẩm của các doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền trẻ em; các chương trình, dự án từ doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe trẻ em; doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em...
Để tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh không ảnh hưởng đến quyền con người, thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình, ngoài việc căn cứ vào công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, Hội đồng Quyền con người năm 2011 đã ban hành “Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và nhân quyền” đưa ra khuôn khổ rộng giúp các doanh nghiệp thực thi sự tôn trọng quyền con người; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đặc biệt chú ý tới các nhóm hoặc các bộ phận dân số thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương. Trong nhóm dân số dễ bị tổn thương đó có trẻ em. Để cụ thể hóa nội dung này, Ủy ban Quyền trẻ em đã ban hành Bình luận chung số 16 về “nghĩa vụ của nhà nước đối với tác động của khu vực doanh nghiệp lên quyền trẻ em” năm 2012. Bình luận này đã đưa ra bốn nguyên tắc chung làm nền tảng cho hoạt động doanh nghiệp và quyền trẻ em bao gồm: (1) Quyền không bị phân biệt đối xử: nhà nước đảm bảo quy định pháp luật trong hoạt động doanh nghiệp không có những phân biệt đối xử với trẻ em; (2) Đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ: nhà nước tích hợp các nội dung này trong các quy định pháp luật, hành chính, tư pháp liên quan đến hoạt động vận hành của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến trẻ em; (3) Quyền sống, tồn tại và phát triển: các hoạt động của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền này của trẻ như ô nhiễm môi trường, quảng cáo sản phẩm không phù hợp... Doanh nghiệp phải có những điều chỉnh trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh để bảo đảm quyền này; (4) Quyền được lắng nghe của trẻ: yêu cầu này đặt ra nhằm bảo đảm các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh cần cân nhắc quan điểm của những trẻ bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh của mình.
Căn cứ vào các nguyên tắc chung của Bình luận chung số 16, với mong muốn thúc đẩy việc bảo đảm quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), Sáng kiến Hiệp ước toàn cầu của LHQ (UN Global Compact) và UNICEF trên cơ sở tham vấn với các chuyên gia về kinh doanh, chuyên gia về quyền trẻ em, tổ chức xã hội dân sự, chính phủ và trẻ em đã xây dựng nội dung “Quyền trẻ em và các Nguyên tắc kinh doanh”1. Theo đó, “Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh” kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các nội dung sau trong quá trình kinh doanh:
1. Bảo đảm trách nhiệm tôn trọng quyền trẻ em và cam kết hỗ trợ quyền con người của trẻ em.
2. Góp phần xóa bỏ sử dụng lao động trẻ em trong tất cả các hoạt động và mối quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tạo việc làm bền vững cho lao động trẻ tuổi, các bậc cha mẹ và người chăm sóc gia đình.
4. Bảo đảm sự được bảo vệ và an toàn cho trẻ em trong tất cả các hoạt động và cơ sở kinh doanh.
5. Bảo đảm sự an toàn của các sản phẩm và dịch vụ, và tìm cách hỗ trợ quyền trẻ em thông qua các sản phẩm và dịch vụ này.
6. Sử dụng các hình thức tiếp thị và quảng cáo tôn trọng và hỗ trợ các quyền trẻ em.
7. Tôn trọng và hỗ trợ các quyền trẻ em đối với các vấn đề liên quan đến môi trường, trưng thu và sử dụng đất.
8. Tôn trọng và hỗ trợ trẻ em trong các thỏa thuận an ninh.
9. Giúp bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi các tình huống khẩn cấp.
10. Tăng cường các nỗ lực của cộng đồng và chính phủ để bảo vệ và thực hiện các quyền trẻ em.
Căn cứ vào các nghiên cứu và quy định trên, có thể thấy trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền trẻ em theo Bình luận chung số 16 thì doanh nghiệp cần: (1) Không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ: thực hiện kinh doanh đúng quy định, giải quyết vấn đề lao động trẻ em và thành viên gia đình họ; (2) Đảm bảo quyền sống, tồn tại và phát triển: những sản phẩm dịch vụ doanh nghiệp cung cấp đảm bảo sự an toàn với trẻ em; trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo, marketing, kinh doanh phải bảo vệ môi trường, hỗ trợ trẻ em trong những tình huống khẩn cấp; (3) Quyền được lắng nghe của trẻ: yêu cầu này đặt ra nhằm bảo đảm các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh cần cân nhắc quan điểm của những trẻ bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh của mình, phối hợp cùng các bên có liên quan trong việc bảo đảm quyền trẻ em.
2. Quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm quyền trẻ em trong pháp luật Việt Nam
Doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm quyền con người trước hết là việc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định bắt buộc trong hệ thống pháp luật quốc gia; các bộ tiêu chuẩn quốc tế về nguyên tắc kinh doanh và quyền con người (trách nhiệm pháp lý) và trách nhiệm không bắt buộc sẽ bao gồm và các bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp tự đưa ra (ví dụ: các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, sản phẩm, các quy định về chế độ phúc lợi...).
Ở nước ta, pháp luật mà doanh nghiệp tuân thủ bao gồm: Hiến pháp, văn bản luật, nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Đối với trẻ em, khung pháp luật điều chỉnh vấn đề quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh được quy định chủ yếu trong: Hiến pháp năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... Cụ thể như sau:
(1) Không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ: bao gồm nội dung thực hiện kinh doanh đúng quy định, giải quyết vấn đề lao động trẻ em và thành viên gia đình họ:
Điều 26 26 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Đối với việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh doanh, Điều 93, Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm của tổ chức kinh tế trong kinh doanh như sau: trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em và không vi phạm quyền của trẻ em theo quy định, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp có sử dụng lao động là bố mẹ trẻ em, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động thực hiện trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có sử dụng lao động trẻ em, người sử dụng lao động tạo điều kiện cho trẻ em được học nghề, được bố trí việc làm phù hợp với khả năng, độ tuổi của trẻ em.
Bộ luật Lao động năm 2019 cũng có những quy định về lao động chưa thành niên tại Điều 144:
Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.
Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Điều 145 bộ luật này quy định, khi muốn sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì người sử dụng lao động phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền chăm sóc với trẻ em khi sử dụng lao động là cha mẹ của trẻ em, Bộ luật Lao động cũng có những quy định về thai sản tại Chương X cho lao động nữ và lao động nam về thời gian nghỉ thai sản, chăm sóc thai sản, không bị sa thải khi đang giai đoạn nuôi con dưới 12 tháng... Hoặc quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp “Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động” tại Điều 136.
(2) Đảm bảo quyền sống, tồn tại và phát triển: những sản phẩm dịch vụ doanh nghiệp cung cấp đảm bảo sự an toàn với trẻ em; trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo, marketing, kinh doanh phải bảo vệ môi trường, hỗ trợ trẻ em trong những tình huống khẩn cấp:
Điều 93, Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm của tổ chức kinh tế trong kinh doanh như sau: trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phải thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em.
Luật Quảng cáo cũng có những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền trẻ em. Tại Điều 7 Luật Quảng cáo quy định: cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em (Điều 8).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 đều có quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây:
a) Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật (Điều 121);
b) Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
Thực hiện các nội dung, yêu cầu trên để bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành (Điều 4)
(3) Quyền được lắng nghe của trẻ: yêu cầu này đặt ra nhằm bảo đảm các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh cần cân nhắc quan điểm của những trẻ bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh của mình.
Luật Trẻ em quy định: khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương (Điều 5).
Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng (Điều 34).
Như vậy, khung pháp lý để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về quyền trẻ em trong kinh doanh về cơ bản đã khá đầy đủ và rõ ràng. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định này cũng đã góp phần rất tích cực trong việc bảo đảm quyền trẻ em và sẽ là công cụ để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, thời gian đầu hoạt động kinh doanh thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm quyền trẻ em chủ yếu thông qua hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Các công ty này thường xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực văn hóa kinh doanh có tính phổ quát để có thể áp dụng trên nhiều địa bàn, thị trường khác nhau. Dần dần là những công ty Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp có những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và hiện nay việc thực hiện các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền trẻ em nói riêng đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và có một số thành tựu đáng kể:
(1) Không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ
Nội dung này các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, việc làm tại các doanh nghiệp. Theo cuộc tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 độ tuổi tham gia thị trường lao động trẻ em có giảm xuống: Dân số từ 15 tuổi trở lên có xu hướng tham gia vào thị trường lao động muộn hơn so với năm 2009: Tỷ trọng dân số từ 15-24 tuổi tham gia lực lượng lao động trong năm 2019 chiếm 12,6%, thấp hơn so với năm 2009 (20,9%)3. Hơn hết nữa về cơ bản đăng tin tuyển dụng chỉ tuyển dụng những lao động từ 18 tuổi trở lên. Các thành tựu về kinh tế cùng với các yêu cầu cao hơn của thị trường về chất lượng nguồn lao động trong những năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động muộn để kéo dài thời gian học tập, chuẩn bị tốt các kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu thị trường hơn trước khi tham gia vào thị trường lao động. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đến sự phát triển đầy đủ và toàn diện đối với trẻ em.
Trong một số trường hợp có tuyển dụng lao động trẻ em, doanh nghiệp cũng đảm bảo các quy định về bảo vệ lao động trẻ em, bố trí những việc làm phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của trẻ. Không yêu cầu đối tượng lao động trẻ em làm tăng ca, làm việc độc hại, nguy hiểm… Đối với cha mẹ của trẻ, về cơ bản các doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Lao động về thời gian nghỉ thai sản và nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nhiều doanh nghiệp đã cố găng xây dựng nhà trẻ cho công nhân, người lao động hoặc trả thêm chi phí gửi trẻ vào lương của người lao động đối với những lao động có con nhỏ4.
Rất nhiều tấm gương về hoạt động thực hiện nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em như: Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai tổ chức Lễ tuyên dương “Học giỏi, Sống tốt” cho tất cả các cháu - là con em của cán bộ công nhân viên, tặng quà cho các cháu thiếu nhi nhân dịp 1/6 hàng năm5;
Nhà máy công ty May Phương Nam tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ giải quyết vấn đề bảo vệ lao động trẻ (trên 15 và dưới 18 tuổi) mà còn sắp xếp công việc phù hợp và phát triển kỹ năng cho công nhân từ 18 - 25 tuổi. Nhà máy hy vọng duy trì lực lượng lao động trẻ (chiếm 30% tổng lực lượng lao động) bằng cách đầu tư vào bảo vệ, phát triển kỹ năng và phúc lợi cho lao động trẻ. Nhà máy công ty PouYuen Việt Nam, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, đã nâng cao nhận thức về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc và có kế hoạch ban hành chính sách và hỗ trợ cho các lao động nữ đang nuôi con bú sử dụng phòng vắt và trữ sữa trong giờ làm việc6.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày là những doanh nghiệp thực hiện rất tốt các quy định về bảo đảm quyền trẻ em trong lao động thực hiện trách nhiệm xã hội. Hàng năm đều có những doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng liên quan đến trẻ em đạt danh hiệu doanh nghiệp trách nhiệm xã hội và không khó để tìm các tên tuổi đó, ví dụ: Coca-Cola, Pepsi food, Jonshon and Jonshon, CRS như Unilever, Honda Việt Nam, sữa Vinamilk7..
Các doanh nghiệp bên cạnh việc tự mình thực hiện nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em thì cũng cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đối tác trong chuỗi cung ứng bảo đảm quyền trẻ em ví dụ như: không sử dụng hoặc nhận các sản phẩm có sử dụng lao động trẻ em...
(2) Đảm bảo quyền sống, tồn tại và phát triển
Các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh luôn tính đến việc thực hiện việc kinh doanh đúng pháp luật, sản xuất ra những sản phẩm dịch vụ đặc biệt là những sản phẩm dịch vụ liên quan đến trẻ em đều đáp ứng những tiêu chuẩn và nhu cầu của trẻ, mong hướng đến những lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, để hoạt động kinh doanh đảm bảo quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, các doanh nghiệp đều cần phải có những giấy phép về việc bảo vệ môi trường rất ngặt nghèo trước khi đi vào hoạt động...Và thực hiện nguyên tắc kinh doanh một cách tự nguyện trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền sống của trẻ em.
Ví dụ: Công ty P&G tại Việt Nam đã có 25 năm gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam với các thương hiệu nổi tiếng quen thuộc như Pampers, Tide, Ariel, Whisper, Pantene, Downy, Oral-B, Olay, Head & Shoulders và Gillette... đã tạo ra những sản phẩm tốt cho trẻ em thông qua những sáng kiến công nghệ. Đồng thời P&G đã tiếp cận và cải thiện cuộc sống hàng trăm nghìn người kém may mắn trên toàn quốc thông qua những hoạt động phát triển bền vững tiêu biểu, như chương trình thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, xây nhà cho người nghèo tại đồng bằng sông Cửu Long, chương trình Nước uống sạch cho trẻ em8...
Jonshon and Jonshon tập trung vào việc giảm tác động đến môi trường bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế khác nhau. Trên toàn cầu, Johnson & Johnson cũng hoạt động để cung cấp nước sạch và an toàn cho cộng đồng9.
(3) Quyền được lắng nghe của trẻ
Nội dung này càng ngày càng nhận được sự quan tâm của gia đình, cộng đồng và xã hội, có rất nhiều chương trình, dự án về việc đảm bảo quyền được lắng nghe của trẻ thông qua rất nhiều cuộc khảo sát với chính trẻ em. Trong lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp dần dần cũng quan tâm đến nội dung này, ví dụ: ngày 27 tháng 11 năm 2020 - Đại diện của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UNICEF đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn đã giúp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan tái định hình các chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, góp phần thúc đẩy quyền trẻ em và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Tại diễn đàn này, Ban tổ chức cũng đã có chương trình tham vấn ý kiến của trẻ em về mong muốn việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: các em mong doanh nghiệp tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, quan tâm tới lợi ích của trẻ10...
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các hoạt động kinh doanh có thực hiện đúng nguyên tắc bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam vẫn còn một số điểm tồn tại:
(1) Không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ
Vấn đề lao động trẻ em:
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng lao động trẻ em trong khu vực không có quan hệ lao động (khu vực kinh tế phi chính thức). Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2019, hiện nay tổng số trẻ em toàn quốc là 26,37 triệu, trong đó có tới 1,442 triệu trẻ em bị bóc lột (bao gồm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật)11.
Trên thực tế, để đáp ứng các tiêu chí của nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người nói chung và bảo đảm quyền trẻ em nói riêng, yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải đầu tư những khoản tiền không nhỏ cũng như thời gian, công sức, nhân lực thực hiện. Đây là cái khó đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi các doanh nghiệp này thường hạn chế về vốn, nên vấn đề lợi nhuận thường được đặt lên hàng đầu và ưu tiên đáp ứng cho yêu cầu tái sản xuất. Giám đốc một doanh nghiệp may mặc cho biết, nếu có thực hiện các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người cũng là để đối phó với đối tác đặt hàng, vì khi lợi nhuận chủ yếu dựa vào nguồn nhân công giá rẻ thì chuyện thực hiện chính sách về lao động là hầu như không thể12. Thực hiện nguyên tắc kinh doanh bảo vệ môi trường hướng tới bảo đảm quyền trẻ em tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì chi phí cho việc này khá tốn kém trong khi người tiêu dùng thì mong muốn giá rẻ. Từ đó việc sử dụng lao động giá rẻ hoặc lao động trẻ em trong khối phi chính thức làm công việc thời vụ vẫn là con số rất lớn ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn hoặc là doanh nghiệp xuất khẩu luôn có những yêu cầu về việc thực hiện nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người đối với các đối tác, nhà cung ứng nhưng thực tế họ gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, giám sát nhà cung ứng thực hiện nội dung này13.
(2) Đảm bảo quyền sống, tồn tại và phát triển
Vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kinh doanh tạo ra sản phẩm tốt đảm bảo quyền tồn tại, phát triển của trẻ em và bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề nổi cộm tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, vô vàn vụ việc doanh nghiệp “thờ ơ” các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người diễn ra gây xôn xao và bất bình trong dư luận như vụ Công ty Vedan xả thải, Công ty Nicotex Thanh Thái phi tang thuốc trừ sâu dưới lòng đất... Rất khó để thống kê có bao nhiêu doanh nghiệp xả thải, gây ô nhiễm môi trường hoặc tận diệt tài nguyên...; bao nhiêu doanh nghiệp, hộ kinh doanh coi nhẹ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng khi cung cấp ra thị trường thực phẩm “bẩn” chứa chất gây ung thư, chất tạo nạc, làm sữa giả, bánh kẹo giả...; các hành vi kinh doanh đó đã gây ra những hệ lụy đến quyền được phát triển, quyền được bảo vệ của trẻ em.
Cũng không khó để tìm các hoạt động kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em như thiết kế và quảng cáo sản phẩm sai sự thật, sử dụng hình ảnh trẻ em quảng cáo sản phẩm khi chưa được phép, các quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh...
(3) Quyền được lắng nghe của trẻ em
Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển (Save the Children Sweden) trong việc Khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam, năm 2020 thì có một kết luận rút ra: cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Đây có lẽ cũng phản ánh tình trạng chung về việc đảm bảo quyền được lắng nghe của trẻ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp sản xuất những sản phầm, hàng hóa dịch vụ có tham khảo ý kiến của trẻ em gần như cũng rất hiếm. Trên thực thế, việc tích hợp quyền trẻ em vào các chính sách và quy tắc ứng xử của doanh nghiệp hầu hết thường bị hạn chế vẫn chưa quan tâm đầy đủ, nếu có cũng chỉ chủ yếu chỉ tích hợp phần liên quan tới lao động trẻ em, trong khi đó đáng lẽ sẽ cần quan tâm đến tiếng nói của trẻ, quan tâm đến quyền được phát triển của trẻ em...
Pháp luật cũng đã ban hành các khung pháp lý, các chế tài xử phạt những doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vi phạm những hành vi bóc lột lao động trẻ em, làm hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật môi trường, nặng thì rút giấy phép kinh doanh và cấm hoạt động; nhẹ thì phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc nhắc nhở, kiển trách... Song trên thực tế thì mọi hình thức kỷ luật, xử phạt theo pháp luật hiện hành còn là quá nhẹ chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc các doanh nghiệp thực hiện các nguyên tắc kinh doanh và chưa xứng đáng nếu so sánh với những hậu quả để lại.
Hiện nay, khung pháp luật về trách nhiệm kinh doanh bảo đảm quyền con người được bổ sung như: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017; Bộ Luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, các nội dung điều chỉnh, bổ sung này hiện vẫn chỉ dừng mang tính quy định chung chung mà chưa có văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể các nội dung về quyền con người, quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người, thực tế quá trình triển khai thực hiện phụ thuộc vào doanh nghiệp là chính.
3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh doanh
Để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và bảo đảm quyền trẻ em trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức: cần tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến quyền trẻ và các nguyên tắc trong kinh doanh, cũng như lợi ích của việc doanh nghiệp đạt các danh hiệu doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi và đối tượng tuyên truyền về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, tới các cộng đồng dân cư và địa phương, kể cả đưa vào trong lĩnh vực giáo dục, từ đó trong quá trình tiêu dùng người dân sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người.
Thứ hai, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh:
- Đối với vấn đề không phân biệt đối xử và giải quyết vấn đề lao động trẻ em:
Trong thời gian tới cần có những hướng dẫn cụ thể các nội dung này để các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, đồng thời nên có những quy định về khen thưởng đối với các doanh nghiệp có những thực hành tốt nội dung này.
- Đối với vấn đề đảm bảo quyền phát triển của trẻ em, cần xử lý đối với vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật ảnh hưởng đến quyền trẻ em.
Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rõ về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; trong đó, khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam. Bên cạnh những chế tài hình sự thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này nhiều khi vẫn chưa đủ sức răn đe (tham khảo khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/ NĐ-CP mức phạt cao nhất cũng đến 60.000.000 đồng). Vì vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đặc biệt đánh nặng vào các sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho trẻ em thì cần có những xử phạt cao hơn. Và trong trường hợp vi phạm gây những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em thì cần có những xử lý hình sự một cách thích đáng.
- Vấn đề vi phạm pháp luật môi trường trong kinh doanh:
Trong tương lai, các thủ tục tư pháp xử lý các vụ việc ô nhiễm môi trường từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cần có những hướng dẫn và đổi mới về quy trình thu thập chứng cứ, chứng minh... cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể đối với các hành vi xâm hại quyền trẻ em trong kinh doanh nói riêng và quyền con người nói chung.
Thứ ba, về lâu dài, việc thực các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng là một điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Do đó, cần luật hóa các nguyên tắc kinh doanh và quyền con người trong các văn bản pháp lý cụ thể như Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo... Ví dụ: vấn đề lao động việc làm cần có những tiêu chuẩn nào, lao động trẻ em ra sao, chất lượng sản phẩm hàng hóa như thế nào để đạt chuẩn bảo đảm quyền trẻ con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng... Bên cạnh đó, cần tập trung trong một số biện pháp:
- Xây dựng bộ tiêu chuẩn, chỉ số đánh giá các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người để các doanh nghiệp dễ vận dụng.
- Cần quy định về chế độ kiểm tra, báo cáo việc thực hiện các nguyên tắc kinh doanh và bảo đảm quyền trẻ em của các doanh nghiệp.
- Xây dựng các chính sách, khuyến khích khen thưởng với các doanh nghiệp thực hiện tốt các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em có thể thông qua các biện pháp ưu đãi về thuế, đất đai...
- Để chống lại sự vi phạm các quyền trẻ em có liên quan đến kinh doanh, Nhà nước phải tạo ra cơ chế phù hợp để những người bị vi phạm quyền có thể dễ dàng lên tiếng, tố cáo những hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Đồng thời, cần quy định các chế tài xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, đối với trường hợp các doanh nghiệp vi phạm các nghĩa vụ về bảo đảm quyền con người trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác.
Thứ tư, bên cạnh những rào cản về quy định pháp luật thì các rào cản về cơ chế, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của cơ quan có trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em cũng là một nội dung cần được lưu tâm.
Vì trên thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vi phạm quyền trẻ em rất nhiều, nhưng thực tế các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này còn mỏng nên không đủ để thực hiện hết công việc. Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm và đạo đức công vụ của các lực lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp cũng là vấn đề. Đồng thời cần tạo cơ chế để cả cộng đồng, tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em của các doanh nghiệp.
Kết luận
Ngày nay, việc thực hiện các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng là một điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp gia nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. Khi doanh nghiệp không thực hiện kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm quyền con người thì hàng hóa không thể được xuất khẩu đến một số quốc gia thành viên có yêu cầu nhà sản xuất, nhà gia công tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền trẻ em. Vì vậy, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển tạo khuôn khổ công bằng, bình đẳng cho các DN hoạt động không vi phạm các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người thì cần có các quy định một cách đầy đủ, rõ ràng các nguyên tắc kinh doanh và quyền con người trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các quy định về thực hiện các nguyên tắc kinh doanh bảo đảm quyền con người cần đảm bảo phù hợp doanh nghiệp có thể thực hiện được chứ không phải là các quy định mơ hồ, gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp khi thực hiện.
ThS. Bùi Thị Hường
Viện Nhà nước và Pháp Luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 38 (06/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Unicef, Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh, 2017.
(2) Save the Children, Corporate Social Responsibility and Chidren’s right in South Asia, 2007, p 12.
(3) Tổng cục Thống Kê, Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, NXB Thống Kê, 2019, trang 130.
(4) Ví dụ: Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa, có nhà gửi trẻ cho công nhân người lao động có con nhỏ, trên http://tiensonaus.com/trang-chu/chinh-sach-nguoi-lao-dong/, truy cập 20/1/2024.
(5) Nguyễn Thị Thanh, Luận văn Thạc sỹ, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai, Học viện Khoa học xã hội, 2021, trang 49.
(6) VCCI, và Unicef tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chia sẻ các thực hành tốt về việc bảo đảm quyền trẻ em trong kinh doanh https://www.unicef.org/vietnam.
(7) Vũ Cừ, Vinh danh 31 doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp năm 2021, https://doanhnghiepvadautu.info.vn/vinh-danh-31-cong-ty-thuc-hien-tot-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-nam-2020/ - ngày 20/21/2020, truy cập 20/1/2024.
(8) P&G, P&G Việt Nam 4 năm liền đạt giải thưởng Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp từ AmCham, trên https://thanhnien.vn/ban-can-biet/pg-viet-nam-dat-giai-thuong-trach-nhiem-xa-hoi-doanh-nghiep-4-nam-lien-1317542.html ngày 16/12/2020, truy cập 20/1/2024.
(9) https://www.businessnewsdaily.com/4679-corporate-social-responsibility.html
(10) Thông tin trên https://www.unicef.org/vietnam.
(11) Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giảm thiểu lao động trẻ em: Cần hành động thiết thực, http://www.xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2020/13922/Giam-thieu-lao-dong-tre-em-Can-hanh-dong-thiet-thuc.aspx, 16/6/2020, truy cập 20/1/2024 - sau đại dịch covid 19 theo Unicef số lượng lao động trẻ em trên thế giới tăng lên, Việt Nam cũng chưa có điều tra tổng lao động nên con số trên cũng chưa phản ảnh được chính xác số lao động trẻ em.
(12) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dệt may chưa dễ để thực hiện trên http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=15114, truy cập 20/1/2024.
(13) VCCI và Unicef, các khảo sát trong, Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh tại nơi làm việc, http://crbp.com.vn/vi/bo-cong-cu/khao-sat-quyen-tre-em-va-cac-nguyen-tac-kinh-doanh-crbp-tai-noi-lam-viec-o-viet-nam.