Tại Việt Nam, giáo dục quyền con người đã được chú trọng đưa vào hệ thống giáo dục nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và ý thức trách nhiệm cho công dân về quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện giáo dục quyền con người vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, như sự thiếu hụt tài liệu giảng dạy chuyên sâu, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ, và nhận thức xã hội còn chưa đồng đều về ý nghĩa của quyền con người. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những thách thức này, từ đó làm rõ các vấn đề cần giải quyết để giáo dục quyền con người ở Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: giadinh.suckhoedoisong.vn

1. Đặt vấn đề

Giáo dục nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng văn hóa tôn trọng quyền con người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi giáo dục nhân quyền gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với đặc thù văn hóa và bối cảnh của từng quốc gia. Bài viết này sẽ thảo luận về mục tiêu của giáo dục nhân quyền theo Liên hợp quốc và phân tích những khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục nhân quyền, đồng thời gợi ý một số giải pháp khả thi.

2. Mục tiêu của giáo dục quyền con người

Giáo dục quyền con người (Human Rights Education) được các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc kì vọng là phương pháp quan trọng để tăng cường hiểu biết và hòa hợp giữa các cộng đồng, nhằm kiến tạo hòa bình và thấu hiểu lẫn nhau[1]. Mục tiêu của giáo dục quyền con người là nhằm “xây dựng một nền văn hóa phổ quát về quyền con người”.[2] Theo đó, nền tảng của “nền văn hóa phổ quát” này chính là việc tôn trọng quyền con người và tự do căn bản, phát triển toàn diện phẩm giá con người, thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các quốc gia, cộng đồng, thúc đẩy được sự tham gia hiệu quả của con người trong một xã hội tự do, và củng cố vai trò của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình.[3] Giáo dục quyền con người, vì vậy, có thể được tiến hành trên ba khía cạnh: kiến thức, giá trị, và hành động[4]. Các khía cạnh này về sau được Liên Hiệp Quốc làm rõ hơn vào năm 2011 bao gồm ba cấu thành chính đó là: giáo dục về quyền con người (about), giáo dục vì quyền con người (for), và giáo dục thông qua quyền con người (through)[5].

Theo đó, giáo dục về quyền con người nhấn mạnh vào việc phổ biến kiến thức về các giá trị, nguyên tắc, và cơ chế quyền con người. Đây là phương pháp truyền thống với mục tiêu trang bị kiến thức lý thuyết cho người học nhằm giúp họ xây dựng nhận thức về quyền con người và nhận diện các vi phạm quyền con người tiềm ẩn. Mặt khác, giáo dục vì quyền con người thì lại nhấn mạnh vào các hoạt động cụ thể nhằm trao quyền cho người học tham gia vào việc vận động nhằm thúc đẩy hoặc bảo vệ quyền con người. Cuối cùng, giáo dục thông qua quyền con người nhấn mạnh vào mối quan hệ tôn trọng tự do và quyền giữa người học và người dạy, nhằm xây dựng văn hóa quyền con người trong chính môi trường học thuật. Ba cầu thánh này nếu được sử dụng hiệu quả sẽ giúp lan tỏa kiến thức và cách làm tốt về quyền con người, xây dựng nhận thức bảo vệ và thúc đẩy quyền trong cộng đồng, đồng thời giúp nhận diện và xử lý các vụ việc vi phạm quyền con người. Từ đó, văn hóa tôn trọng quyền con người sẽ được xây dựng và nhân phẩm con người sẽ được tôn vinh.

3. Khó khăn phổ biến trong áp dụng giáo dục quyền con người

Các mục tiêu và cấu thành giáo dục quyền con người được ghi nhận trong các văn bản của Liên Hiệp Quốc tuy rõ ràng, nhưng không dễ thực hiện. Khó khăn chủ yếu nằm ở hai khía cạnh: sự thiếu thống nhất về quan điểm quyền con người tại những quốc gia khác nhau, và mâu thuẫn tiềm ẩn giữa các cấu thành của giáo dục quyền con người.

Thứ nhất, về vấn đề thiếu sự thống nhất về quan điểm quyền con người tại những quốc gia khác nhau: nền tảng của giáo dục quyền con người hiện nay là các chuẩn mực quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia khác nhau thường sẽ có kiến giải khác nhau đối với các quyền cụ thể. Ví dụ, có sự nhận định khác nhau giữa các quốc gia về việc quyền công dân và quyền con người có phải là hai khái niệm riêng biệt hay không.[6] Điều này dẫn đến việc hợp tác quốc tế trong giáo dục quyền con người gặp khó khăn. Nhiều chương trình giáo dục quyền con người thường có tham vọng làm rõ khái niệm của các quyền con người. Điều này khiến việc thiếu thống nhất trong cách hiểu về nội hàm một quyền trở thành thử thách chính cho các chương trình giáo dục quyền con người tại quốc gia. Trong một vài trường hợp, việc cố gắng áp dụng cách hiểu “phổ biến” về giá trị và quyền con người nhưng xa lạ với văn hóa địa phương cũng khiến người học gặp khó khăn trong việc tiếp thu, thậm chí là phản kháng.[7] Cách làm của một vài quốc gia đó là sử dụng các cách hiểu về quyền con người mang tính “nội địa hóa” nhằm tạo cảm giác gần gũi cho người học.[8] Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự củng cố các quan điểm sai về quyền con người, phớt lờ những hành động vi phạm quyền con người của nhà nước.

Thứ hai, về vấn đề có sự mâu thuẫn tiềm ẩn trong các phương pháp giáo dục: thực tế thì khó khăn này cũng đã phần nào hiện hữu trong khó khăn đầu tiên đã nêu. Tác động không thể tránh khỏi của cấu thành giáo dục về quyền con người, theo tác giả Felisa L. Tibbitts đó là việc áp đặt một chuẩn mực lên xã hội và có nguy cơ củng cố những bất công, vi phạm quyền con người mang tính hệ thống.[9] Chẳng hạn, trong bối cảnh một quốc gia có sự chênh lệch quá lớn về giàu nghèo, thì việc áp đặt các khái niệm tự do cá nhân theo hướng của tự do bị động (negative liberty) có thể chỉ làm củng cố thêm các bất công xã hội. Nạn nhân đầu tiên của việc áp đặt này chính là người học, trong bối cảnh có sự chênh lệch quyền lực đối với người dạy. Từ đó, phương pháp giáo dục thông qua quyền con người sẽ không thể thực hiện. Bên cạnh đó, việc áp đặt như vậy cũng dễ khiến người học cảm thấy các kiến thức mình học xa lạ với các vấn đề của địa phương, khiến việc giáo dục vì quyền con người không đạt được mục tiêu đề ra.

Cả hai khó khăn nêu trên đặc biệt rõ ràng trong giáo dục pháp lý, nơi đòi hỏi tính chính xác về mặt khái niệm và cổ vũ thực hành bên cạnh lý thuyết.

4. Bối cảnh Việt Nam

Giáo dục pháp lý của Việt Nam có lẽ cũng sẽ không nằm ngoài những khó khăn kể trên. Theo Đề án về giáo dục quyền con người tại Việt Nam, giáo dục pháp lý có một vai trò kép - vừa phải đảm bảo những yêu cầu của giáo dục đại học cơ bản, vừa phải đảm bảo những yêu cầu của giáo dục chuyên sâu phân ngành luật. Theo đó, giáo dục quyền con người tại các cơ sở đào tạo pháp lý có vẻ đang tập trung nhiều vào mô hình giáo dục về quyền con người với sự kết hợp giữa các kiến thức rất cụ thể về các quyền con người, quyền công dân và các cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Về phương pháp, Đề án có vẻ ưu tiên cách làm là tích hợp, lồng ghép nội dung về quyền con người vào các môn học pháp lý thông thường tại nhà trường. Điều này tuy là cách làm phổ biến và có giá trị nhất định, nhưng tác giả cho rằng khó tạo được các chuyển biến trong nhận thức của người học ngoài việc cung cấp thêm một khối lượng kiến thức cho họ.

Trong bối cảnh như vậy, thiết nghĩ, giáo dục pháp lý của Việt Nam có thể thử nghiệm thêm những cách làm mới bên cạnh hoạt động phổ biến kiến thức. Theo đó, mục tiêu của giáo dục pháp lý chính là đào tạo ra những luật sư, cán bộ pháp lý đủ khả năng làm việc với các vụ việc vi phạm quyền con người cụ thể. Phương pháp sư phạm của giáo dục pháp lý từ xưa đến nay là phương pháp kết hợp giữa lý thuyết pháp luật thực định (doctrinal study) và giải quyết các vụ việc cụ thể (case study), trong đó thực tiễn và lý luận thường có mối quan hệ tương hỗ, bổ sung lẫn nhau. Người học thông qua phương pháp lý thuyết pháp luật thực định trang bị những công cụ cơ bản để giải quyết các vụ việc, và thông qua các vụ việc để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các kiến thức pháp lý cơ bản, từ đó rút ra được câu trả lời cho câu hỏi vì sao pháp luật được xây dựng như vậy, và giá trị nền tảng nào chi phối hệ thống pháp luật. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc vừa giúp kiến tạo công bằng xã hội, vừa giúp hoàn thiện thể chế pháp lý.

Tác giả cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này cho việc giáo dục quyền con người tại Việt Nam, mà giáo dục pháp lý có thể đóng vai trò chủ chốt. Thông qua hoạt động của các legal clinics (trung tâm trợ giúp pháp lý), giáo dục pháp lý cung cấp một nguồn vụ việc đáng kể để giúp người học có thể nhận diện được những bức xúc, bất ổn, bất công trong xã hội để làm sáng tỏ các vấn đề quyền con người mang tính địa phương. Ngược lại, giáo dục lý thuyết pháp luật có lẽ cần phải sử dụng những vụ việc cụ thể làm nền tảng để cùng người học tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đâu là nền tảng giá trị thúc đẩy phẩm giá và tự do của con người Việt Nam. Việc giáo dục về quyền con người vì vậy cần tập trung vào yếu tố giá trị của thể chế, hệ thống pháp luật thay vì tập trung vào pháp luật thực định. Khi người học có thể nhận diện được các vấn đề quyền con người tại địa phương, và hiểu sâu sắc về các giá trị cốt lõi của Việt Nam trong việc bảo vệ phẩm giá con người, thì việc học về quyền con người sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Và khi đã thống nhất được với nhau về giá trị nền tảng, và mục tiêu là cùng tìm ra phương thức giải quyết các thực tiễn vi phạm quyền con người tại địa phương, người học và người dạy sẽ có thể có cơ sở xây dựng môi trường học tập tôn trọng, thấu hiểu, và cùng nhau xây dựng một văn hóa tôn trọng tự do và quyền con người.

5. Kết luận

Giáo dục nhân quyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự bảo vệ các quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, những thách thức về việc điều chỉnh chương trình giảng dạy sao cho phù hợp với bối cảnh quốc gia và văn hóa địa phương vẫn còn hiện hữu. Bằng cách áp dụng các phương pháp giảng dạy dựa trên giá trị và vụ việc, giáo dục pháp lý có thể trở thành công cụ hữu hiệu giúp khắc phục các khó khăn này. Sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục nhân quyền sẽ góp phần xây dựng một nền văn hóa tôn trọng nhân quyền và thúc đẩy công bằng xã hội.

ThS. Lê Nguyễn Duy Hậu

Trường Đại học Thái Bình Dương


[1] Xem thêm A/52/469/Add.1, Guidelines for national plans of action for human rights education (1994)

[2] Như trên

[3] Như trên

[4] Như trên

[5] United Nations Declaration on Human Rights Education and Training (2011)

[6] Xem ví dụ Dubrovskiy, Dmitry, Teaching Human Rights in Russian Legal Education: The Re-Sovietization of Rhetoric in Human Rights Courses, VerfBlog, 2024/2/14, https://verfassungsblog.de/teaching-human-rights-in-russian-legal-education/, DOI: 10.59704/d9cfdeb294c0576f.

[7] Xem ví dụ Krystian Complak, What and How to teach when we are teaching human rights in the Polish Law Schools, bài viết trong hội thảo IALS 2013 Annual Meeting Papers Key Issues in Teaching Human Rights in Law Schools, https://www.ialsnet.org/wp-content/uploads/2013/04/Papers-Key-Issues-in-Teaching-Human-Rights-in-Law-Schools.pdf

[8] Như trên.

[9] Felisa L. Tibbitts, Revisiting ‘Emerging Models of Human Rights, International Journal of Human Rights Education, Vol. 1, Issue 1, Article 2 (2017).