Luật hình sự là một công cụ đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm môi trường, nhằm đảm bảo cho con người được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường bằng pháp luật hình sự vẫn chưa được đảm bảo. Bài viết tập trung phân tích quy định của pháp luật hình sự trong việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường, chỉ ra những bất cập và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, bảo đảm con người được sống trong môi trường trong lành, an toàn.

Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh.vn

1. Đặt vấn đề

 Môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự sống con người và sinh vật. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa: “Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên”1. Hiện nay, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của môi trường và hệ sinh thái đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, chính sự ô nhiễm và hành vi hủy hoại môi trường tự nhiên đã trực tiếp tác động đến quyền thụ hưởng của con người đối với môi trường xung quanh. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, các quốc gia trên thế giới đã ban hành nhiều quy định có liên quan để phòng chống ô nhiễm môi trường, mặc dù tình hình thế giới vẫn phức tạp, các vấn đề môi trường nảy sinh không ngừng, nhưng cộng đồng quốc tế đã đạt được sự đồng thuận  về nỗ lực bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường2. Tại Việt Nam, bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường là một vấn đề lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Điều đó được ghi nhận tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Như vậy, quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền cơ bản, quyền hiến định của con người bên cạnh các quyền khác như quyền được sống, quyền được học tập, quyền được tự do.... Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về các vấn đề liên quan đến môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó, Bộ luật Hình sự được xem là công cụ quan trọng nhất để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm môi trường, bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, việc quy định và áp dụng quy định pháp luật hình sự để bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc chưa được thống nhất. Vì vậy việc phân tích quy định của pháp luật hình sự liên quan đến việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường, chỉ ra những điểm tồn tại và đưa ra giải pháp hoàn thiện là việc làm cấp thiết, nhằm đảm bảo pháp luật hình sự là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường.

2. Nội dung bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người trong lĩnh vực môi trường, trên cơ sở nội luật hóa những quy định có liên quan của pháp luật quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới, BLHS năm 2015 đã dành một chương riêng quy định về các tội phạm môi trường (chương XIX, gồm 12 Điều, từ Điều 235 đến Điều 246). So với BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, BLHS năm 2015 đã bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm môi trường; cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể trong cấu thành tội phạm về môi trường; mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền, quy định dẫn chiếu cụ thể các văn bản để làm cơ sở đánh giá mức độ vi phạm của các hành vi phạm tội. Về hình phạt chính được áp dụng đối với cá nhân bao gồm phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn. Đối với pháp nhân thương mại hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra cá nhân và pháp nhân thương mại có có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm (đối với cá nhân); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc cấm huy động vốn (đối với pháp nhân thương mại). Các tội phạm môi trường xâm phạm đến sự bền vững và ổn định của môi trường, xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra hậu quả lớn cho môi trường sinh thái cũng như cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người3. Với những điểm mới, tiến bộ của BLHS năm 2015, cho thấy quyết tâm của Nhà nước ta trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường đã được Bộ luật Hình sự thể hiện qua ở các phương diện sau đây :

Thứ nhất, bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành thông qua việc trừng phạt các tội phạm gây ô nhiễm môi trường, các tội xâm phạm quy định về quản lý và bảo vệ môi trường.

Quyền con người được sống trong môi trường trong lành thể hiện qua nguyên tắc phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường. Nguyên tắc này thể hiện qua quy định về các hành vi bị cấm; về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hay các quy định về bảo vệ môi trường theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh,... nhằm phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường. Các quy định này của luật góp phần quan trọng vào quá trình bảo vệ môi trường sống trong lành, sạch đẹp. Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường ảnh hưởng đến môi trường sống, lợi ích của con người nghiêm trọng sẽ bị xử lý bằng chế tài hình sự. Cụ thể, những hành vi xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành và xâm phạm các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường quy định trừng phạt từ Điều 235, 236, 237, 238, 239 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể là các tội: Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là nhóm tội phạm tác động trực tiếp tới môi trường sống của con người và trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch.

Thứ hai, bảo đảm môi trường sống an toàn, không có dịch bệnh cho con người, động vật, thực vật thông qua việc trừng phạt các tội phạm gây dịch bệnh cho con người, động vật, thực vật.

Để con người được sống trong môi trường trong lành, an toàn về sức khỏe, những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, động vật, thực vật trong lĩnh vực môi trường được quy định xử phạt tại Điều 240, 241 về các tội danh: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người; Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Đây là những tội phạm không gây ra ô nhiễm môi trường nhưng đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh sinh thái của con người và sinh vật, gây mất cân bằng sinh thái.

Thứ ba, bảo đảm quyền được thụ hưởng lợi ích từ các tài nguyên môi trường con người thông qua việc trừng trị các hành vi hủy hoại những tài nguyên này

Tài nguyên thiên nhiên được hiểu là điều kiện cần để giúp phát triển nền kinh tế, trên thực tế có thể thấy mỗi khi chúng ta biết cách khai thác những tài nguyên thiên nhiên này một cách hợp lý và hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế phát triển tốt hơn và đem lại hiệu quả đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và các quan hệ xã hội liên quan đến việc đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh kinh tế - xã hội của đất nước, những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 242, 243 Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội danh: Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản; Tội huỷ hoại rừng.

Thứ tư, bảo vệ môi trường sống trong lành của con người thông qua việc trừng phạt các hành vi đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái tự nhiên.

Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Ở nước ta có rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đẹp và được sự công nhận của thế giới. Tuy nhiên, lại có những hành vi vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên chính vì vậy mà Nhà nước đã có những chính sách đặc biệt quy định về nhóm tội này. Cụ thể, trong BLHS năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm phạm đến một số đối tượng đặc biệt của môi trường tại Điều 244, 245 BLHS năm 2015 về các tội: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Các quy định nêu trên của BLHS Việt Nam hiện hành được thiết lập nhằm bảo vệ những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được sống trong môi trường sạch đẹp, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có ô nhiễm, suy thoái hay sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động bình thường của con người.

3. Một số hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật hình sự Việt Nam về bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường

Về cơ bản các tội phạm về môi trường được quy định trong BLHS năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm quyền con người trong lĩnh vực môi trường, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi vi phạm quyền con người trong lĩnh vực môi trường, BLHS năm 2015 còn bộc lộ một số hạn chế sau:

Thứ nhất, chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy định dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quá trình áp dụng. Hiện nay pháp luật hình sự quy định các tội phạm môi trường theo hướng dẫn chiếu, để xác định tội phạm về môi trường thường phải căn cứ vào việc xác định các hành vi vi phạm các quy tắc, quy định cụ thể trong các công ước, nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn quốc gia... được sử dụng để làm cơ sở đánh giá mức độ vi phạm của các hành vi phạm tội. Ví dụ, để xác định hành vi gây ô nhiễm môi trường thì phải căn cứ vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc Phụ lục A công ước Stockholm; hoặc để xác định một người có phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm hay không phải căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm (ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ)  hoặc phụ lục 1 Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Tuy nhiên, việc có quá nhiều văn bản quy định về cùng nội dung nên dẫn đến việc áp dụng khó khăn, ngoài ra các văn bản này còn chưa thống nhất dẫn đến chồng chéo, ví dụ chưa có sự thống nhất về danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhất là giữa danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ với danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; hoặc có quá nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, mà chưa được phân loại, hệ thống hóa, dẫn đến việc tra cứu và áp dụng gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, chưa có sự phân hóa trách nhiệm hình sự cao trong một số tội phạm về môi trường. Với quy định dẫn chiếu như đã phân tích ở trên, để xử lý hành vi vi phạm pháp luật hình sự về tội phạm môi trường thì cần căn cứ vào các quy định của luật chuyên ngành. Ví dụ, các hành vi vi phạm quy định trong các tội như: tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên. Vậy muốn xử lý các hành vi vi phạm này phải đối chiếu với quy định của luật chuyên ngành. Tuy nhiên, luật hình sự Việt Nam chưa cho phép quy định truy cứu trách nhiệm hình sự trong luật chuyên ngành. Chính vì thế các hành vi vi phạm đến mức xử lý hình sự thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi các hành vi vi phạm quy định trong luật chuyên ngành có mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng khi xử lý hình sự thì như nhau, điều đó dẫn đến không công bằng đối với người có hành vi vi phạm các quy định. Cho thấy chưa có sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong những trường hợp vi phạm cụ thể.

Thứ ba, trong quy định của luật hình sự chưa có cơ chế bắt buộc chủ thể phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra đối với nạn nhân - người bị ảnh hưởng bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, về nguyên tắc khi người dân có yêu cầu bồi thường thì Tòa án mới đặt ra vấn đề bồi thường. Đây là một bất cập lớn, người dân bị ảnh hưởng bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường không thể đủ khả năng, chuyên môn và trình độ để chứng minh mình bị thiệt hại như thế nào. Việc định lượng giá tổn thất và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp và có nhiều điểm chưa thống nhất kể cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn quy định trong pháp luật quốc gia4. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Thứ tư, cơ quan chức năng chưa có cơ chế cung cấp thông tin về vụ án và các giai đoạn xử lý các vụ án về môi trường. Cơ quan tiến hành tố tụng rất hiếm khi phổ biến thông tin đến người dân, khi vụ án gây ô nhiễm môi trường xảy ra người dân không được cập nhật kịp thời, không biết vụ việc được tiến hành xử lý đến giai đoạn tố tụng nào, mức độ ảnh hưởng đến con người, hệ sinh thải xung quanh và quyền lợi của mình ra sao. Điều này dẫn đến người dân sống trong khu vực bị ô nhiễm sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

4. Một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật hình sự Việt Nam nhằm bảo vệ hiệu quả quyền con người trong lĩnh vực môi trường

   Việc xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ cấp bách để thực hiện việc quản lý nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của con người. Hệ thống pháp luật, chính sách của nước ta trong những năm qua đã qua sửa đổi, bổ sung ngày càng hoàn thiện, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập cần phải được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Để đảm bảo cho các quy định về đấu tranh phòng, chống tội phạm có chất lượng, các văn bản pháp luật ban hành dễ dàng áp dụng vào thực tiễn và để đẩy lùi tội phạm môi trường, bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực môi trường, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp sau:

   Một là, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường, cần rà soát, pháp điển hóa thành văn bản thống nhất để đảm bảo dễ áp dụng và tránh được tình trạng chồng chéo mâu thuẫn giữa các quy định, nhất là các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề bảo vệ động, thực vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên; cần có sự phối hợp ban hành một danh mục loài; cách quản lý, trách nhiệm của hai Bộ cho thống nhất5. Đồng thời cần hệ thống hóa, phân loại hóa các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thành văn bản thống nhất để dễ dàng áp dụng, xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Hai là, cần tiếp tục nội luật hóa những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong pháp luật quốc tế vào chương các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Cần sửa đổi, bổ sung quan trọng để tập trung vào giải quyết hai vấn đề lớn là kiểm soát ô nhiễm môi trường và kiểm soát suy thoái tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học để bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và được thụ hưởng quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, đúng quy định. Hướng đến việc mở rộng nguồn của luật hình sự, hiện nay một số quốc gia thừa nhận luật hình sự phụ như Cộng hòa Liên bang Đức hay Pháp, tức là bên cạnh BLHS thì các luật chuyên ngành đều có quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự và hình phạt6. Việc mở rộng nguồn của BLHS tạo điều kiện phân hóa trách nhiệm hình sự tốt hơn.

Ba là, cần quy định nguyên tắc “chủ thể của tội phạm gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại” tại một điều luật cụ thể trong chương các tội phạm về môi trường. Khi đã quy định việc bồi thường thiệt hại thành nguyên tắc trong luật hình sự thì trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Với trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc điều tra, chứng minh hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, sẽ đảm bảo tính thống nhất trong quy định pháp luật không chỉ áp dụng hình phạt tiền hay phạt tù, mà đối tượng vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người dân - nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi môi trường bị ô nhiễm do hành vi phạm tội gây ra.

Bốn là, cơ quan tiến hành tố tụng cần xây dựng cơ chế công bố thông tin đến người dân nói chung và đến người dân bị ảnh hưởng do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra nói riêng tiến trình xử lý vụ án hình sự để đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, để người dân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc nắm được hướng xử lý. Bên cạnh đó, việc phổ biến các quy định pháp luật về môi trường cũng nhằm mục đích bảo vệ và thực hiện tốt quyền con người. Trong tuyên bố Rio năm 1992 đã khẳng định: “Các vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất với sự tham gia của tất cả người dân có liên quan ở cấp độ liên quan. Ở cấp quốc gia, mỗi cá nhân sẽ có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến môi trường do các cơ quan công quyền nắm giữ, bao gồm thông tin về các vật liệu và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng của họ và cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định. Các quốc gia phải tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhận thức và sự tham gia của công chúng bằng cách phổ biến rộng rãi thông tin. Phải đảm bảo khả năng tiếp cận hiệu quả các thủ tục tố tụng tư pháp và hành chính, bao gồm cả việc bồi thường và khắc phục”7. Thực tiễn cho thấy, quyền tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng và tiếp cận tư pháp có tác động rất lớn đến việc hiện thực hóa các quyền con người trong lĩnh vực môi trường. Các quyền này nhằm giúp cho con người đóng vai trò tích cực, chủ động hơn đối với các quyết định, chính sách của Nhà nước có liên quan tới môi trường; thực hiện dân chủ hóa đối với các quyết định, chính sách về môi trường nhằm nêu cao quyền con người và thượng tôn pháp luật thông qua việc đưa cá nhân, cộng đồng dân cư thường xuyên hứng chịu những tác động tiêu cực và ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường tham gia vào hoạch định chính sách có liên quan tới môi trường, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, về quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân nhằm nâng cao ý thức của tất cả mọi người, tạo sự đồng thuận trong xã hội thì việc hiện thực hóa quyền con người trong lĩnh vực môi trường sẽ đạt kết quả cao hơn.

5. Kết luận

Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành đã tội phạm hóa những hành vi đe dọa an ninh môi trường nhằm bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực môi trường, để tất cả mọi người được sống trong môi trường trong lành, an toàn và được thụ hưởng lợi ích do nguồn tài nguyên thiên nhiên  mang lại. Bên cạnh những hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường đã đạt được, các quy định này còn có một số hạn chế, bất cập và để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người cần  tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự trong việc xử lý tội phạm môi trường, quy định rõ ràng, chặt chẽ khung hình phạt và khoảng bồi thường thiệt hại đối với con người và môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, phổ biến các các quy định pháp luật về môi trường để bảo vệ môi trường, giúp phòng tránh, ngăn ngừa và giảm thiểu tác động xấu của các hiểm họa môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng bền vững hơn trong tương lai.

Trần Thị Yến Khoa

Công ty Cổ phần Giải pháp Sinh kế Mekong

ThS. Nguyễn Văn Tròn

Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 38 (06/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

(2) Wu, J., Wang, H., Sun, N., Wang, H., & Tatarinov, D., “International Criminal Law Protection of Environmental Rights and Sentencing Based on Artificial Intelligence”, Journal of Environmental and Public Health, 2022.

(3) Trần Văn Luyện, Phùng Thế Vắc, Lê Văn Thư, Nguyễn Mai Bộ, Phạm Thanh Bình, Nguyễn Ngọc Hà, Phạm Thị Thu, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Phần các tội phạm), Nxb. Công an Nhân dân, 2018.

(4) Mai Hải Đăng, Mai Hạnh Trang, “Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền môi trường”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập̣ 31, Số 4/2015, 40-49.

(5) Xem thêm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước (2023), Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, https://s.net.vn/Z148, truy cập ngày 10/4/2024.

(6) Về luật hình sự riêng lẻ và luật hình sự phụ, xem: Nguyễn Ngọc Hòa, “Nguồn của pháp luật hình sự - Những yêu cầu được đặt ra cho pháp luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 7/2011.

(7) Nguyên tắc 10 Tuyên bố Rio 1992.