Đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai là một trong những yếu tố then chốt. Bởi thực hiện tốt quyền tiếp này là tiền đề để thực hiện, bảo đảm các quyền khác; là công cụ để giám sát, nâng cao chất lượng quản lý, ngăn ngừa vi phạm về đất đai. Do đó, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai ở Việt Nam hiện nay, bài viết đưa ra những gợi mở chính sách nhất định cho Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn.
1. Quyền tiếp cận thông tin về đất đai
Quyền tiếp cận thông tin về đất đai là một trong những quyền cơ bản của con người và được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.
Tại Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”1. Và khoản 1 đến khoản 3 Điều 2 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016: “Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”2; “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản”3 và “tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin”4. Như vậy, có thể hiểu quyền tiếp cận thông tin là quyền tự do ý kiến, tự do đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và truyền bá thông tin.
“Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”5. “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”6. Theo đó, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trong việc quản lý đất đai và thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch về quản lý đất đai cho các chủ sở hữu khác (toàn dân). Quyền tiếp cận thông tin về đất đai được hiểu là quyền của mỗi cá nhân được tự do ý kiến và tự do thông tin về đất đai, cụ thể là đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin tài liệu về đất đai do Nhà nước quản lý và xây dựng.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai
Việc đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin về đất đai nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân trong lĩnh vực này chính là chìa khoá để thúc đẩy quản trị tốt đất đai; giảm thiểu xung đột, ngăn ngừa sai phạm; nâng cao giá trị sử dụng đất. Chính vì thế, quyền tiếp cận thông tin về đất đai được pháp luật Việt Nam vô cùng quan tâm và được quy định trong Hiến pháp và một số Luật như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... cùng một số văn bản hướng dẫn, thi hành luật như Nghị định số 148/2020/NĐ-CP87, Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT8, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP9 và Thông tư số 46/2018/TT-BTC10. Các nội dung liên quan đến tiếp cận thông tin trong đất đai bao gồm các quy định về quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân; trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin về đất đai của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan quản lý đáp ứng yêu cầu cung cấp, tiếp cận thông tin về đất đai của người dân.
Cụ thể, quyền tiếp cận thông tin là một quyền đã được quy định trong Hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp” (Điều 25, Hiến pháp năm 2013). Tiếp đó, sự ra đời của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 là văn bản pháp lý toàn diện nhất quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân nói chung và quyền tiếp cận thông tin về đất đai nói riêng. Theo tinh thần của Luật này, Nhà nước có trách nhiệm phải công khai thông tin với 16 nhóm nội dung trong đó có có nhóm nội dung về đất đai bao gồm “thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn” (Điều 17, Luật Tiếp cận thông tin). Với công dân, luật quy định công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trong đó có các thông tin về đất đai (trừ một số thông tin không được tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện).
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã đưa ra nhiều nguyên tắc, quy định nhằm phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công trong đó đề cập “Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình” (Khoản 1, Điều 9); “Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân” (Khoản 1, Điều 11). Luật cũng quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân thông qua việc “Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin” (Khoản 2, Điều 14). Một trong những điểm nhấn trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong Luật Phòng, chống tham nhũng đó là Luật đã quy định chi tiết, cụ thể hơn đối với trách nhiệm công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước từ việc quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức của công khai thông tin; các tiêu chí đánh giá cũng như các biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thực hiện công khai, minh bạch thông tin phục vụ cho phòng chống tham nhũng. Mới đây nhất, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022 đã khẳng định một trong những nguyên tắc để thực hiện dân chủ cơ sở đó là “Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình” (Khoản 5, Điều 3), bên cạnh đó cần phát huy quyền của người dân “Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật” (Khoản 1, Điều 5); “Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc” (Khoản 2, Điều 7).
Luật Đất đai năm 2013, đề cập trực tiếp đến các vấn đề trong quản lý đất đai, trong đó có đề cập đến quyền tiếp cận thông tin về đất đai dựa trên việc quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như xây dựng, quản lý hệ thống thông tin; Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai; Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai; Tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật (Điều 28). Đồng thời luật cũng nghiêm cấm hành vi “Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật” (Khoản 9, Điều 12). Bên cạnh đó, với mỗi nội dung cụ thể trong quản lý đất đai (như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, thu hồi đất; Cấp quyền sử dụng đất...) đều đã thể hiện chi tiết các nội dung công khai thông tin liên quan. Luật cũng quy định chi tiết các thông tin phải được công khai trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (Điều 120, 121) hay công khai thông tin về đất đai trên môi trường mạng (Điều 122);... Mặc dù đã đề cập đến quyền tiếp cận thông tin tuy nhiên Luật Đất đai năm 2013 mới chỉ đề cập theo chiều hướng 1 chiều từ phía các cơ quan nhà nước mà chưa nhắc đến quyền tiếp cận thông tin dưới góc độ người dân - chủ thể của quyền này. Những hạn chế này đã làm giảm khả năng tiếp cận thông tin của công dân do người dân chưa nắm rõ được các quyền của mình cũng như những nội dung thông tin mình được phép tiếp cận hoặc không được phép tiếp cận. Trong Luật Đất đai năm 2023 đã bổ sung quy định về tiếp cận thông tin đất đai trong đó bổ sung thêm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với đất đai (Điều 25). Cụ thể các thông tin đất đai mà công dân được quyền tiếp cận bao gồm Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai; bảng giá đất; Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; Thông tin về các thủ tục hành chính; Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai... Đây có thể coi là nỗ lực của các cơ quan xây dựng Luật trong việc đáp ứng một cách hiệu quả hơn quyền được tiếp cận thông tin đất đai của người dân.
Như vậy, có thể thấy với sự ra đời của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đất đai cùng một số luật và văn bản dưới luật khác, cơ sở pháp lý cho việc thừa nhận, bảo đảm và thực hiện quyền tiếp cận thông tin về đất đai ở nước ta đã tương đối hoàn thiện, thể hiện rõ quyền của người dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong mối quan hệ đất đai. Xét một cách tổng thể các quy định pháp lý trên đã thể hiện rõ các trụ cột quan trọng nhằm thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân; cải thiện và nâng cao tính minh bạch, tính công khai trong quản lý đất đai; nâng cao khả năng giám sát của người dân với hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên thực tế quá trình triển khai, thực hiện các quy định pháp lý về quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng cho thấy nhiều nút thắt, hạn chế. Cụ thể như:
(1) Về nội dung thông tin không được công khai, không được tiếp cận: Luật Tiếp cận thông tin cũng như Luật Đất đai đều quy định các thông tin không được công khai, không được tiếp cận khi thuộc thông tin bí mật quốc gia (Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin, Điều 19 Luật Đất đai). Tuy nhiên Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện nay lại chưa đưa ra cụ thể những nội dung nào thuộc bí mật quốc gia không được phép công khai hoặc tiếp cận. Điều này khiến người dân khó khăn trong việc xác định thông tin mình muốn tiếp cận có thuộc diện “bí mật nhà nước” hay không. Đây cũng là kẽ hở để nhiều cơ quan quản lý lấy đó làm lý do từ chối yêu cầu cung cấp thông tin của người dân.
(2) Luật Đất đai quy định các cơ quan nhà nước phải công bố kịp thời, công khai thông tin đất đai, tuy nhiên với mỗi nội dung quản lý đất đai, lại chưa cụ thể các loại thông tin, văn bản nào buộc phải công khai, trình tự, thể thức công khai, dẫn đến việc công khai chưa đầy đủ, chưa thống nhất giữa các địa phương.
(3) Với các hành vi nghiêm cấm, cả Luật Đất đai nghiêm cấm việc không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên lại chưa có các quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp xảy ra sai phạm trong cung cấp thông tin đất đai, điều này làm giảm hiệu lực pháp lý, tính răn đe của pháp luật cũng như ý thức thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai.
(4) Theo Luật Tiếp cận thông tin, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra (Điều 9), tuy nhiên với thông tin đất đai, ví dụ như thông tin về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cơ quan ban hành là UBND cấp tỉnh/thành phố, tuy nhiên cơ quan nắm giữ, lưu trữ thông tin và có trách nhiệm công khai lại là UBND huyện. Việc giới hạn chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là các cơ quan tạo lập, ban hành văn bản mặc dù giúp bảo đảm tính chính xác, chính thống của thông tin được cung cấp tuy nhiên lại hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người dân, tạo điều kiện để một số cơ quan đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin.
3. Thực tiễn áp dụng quyền tiếp cận thông tin về đất đai và gợi mở chính sách cho Việt Nam hiện nay
Theo Báo cáo giám sát chuyên đề “Về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7//2016 đến ngày 1/7/2021” của Quốc hội, trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tới trên 69,5% số đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này cho thấy đất đai là một trong những vấn đề xã hội nổi cộm, đồng thời cũng phản ánh nhiều tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đất đai. Mặc dù những năm qua, Trung ương cũng như các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế cho thấy đất đai là một trong những lĩnh vực thường xuyên để xảy ra tình trạng sai phạm, làm trái pháp luật; tình trạng tham ô, tham nhũng dẫn đến đất đai sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây bất ổn xã hội, làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý công...
Thực tế cho thấy, đất đai là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như liên đới trực tiếp đến quyền, lợi ích của số đông người dân, do đó thông tin về đất đai là thông tin rất được người dân quan tâm. Tuy nhiên khả năng tiếp cận thông tin về đất đai của người dân hiện còn rất hạn chế. Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (PAPI), tỉ lệ người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương chỉ đạt 13,89% (2020 là 16,32%). Điều này cho thấy cho thấy việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đất đai chưa được thực hiện tốt và có xu hướng giảm hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía người dân. Chính việc không tiếp cận được với thông tin về đất đai, dẫn đến việc người dân tham gia vào quá trình giám sát, quá trình quản lý đất đai cũng chưa hiệu quả. Tỉ lệ người cho biết họ đã được thông báo về kế hoạch sử dụng đất của địa phương giảm từ khoảng 18% năm 2020 xuống 14% năm 2021. Ngoài ra, tỉ lệ người trả lời cho biết họ có cơ hội đóng góp ý kiến vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương giảm từ 27% xuống 25%.
Việc người dân chưa tiếp cận được với các thông tin về đất đai có nhiều nguyên nhân từ bản thân người tiếp nhận (như chưa nhận thức đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin; hạn chế trong khai thác tìm kiếm thông tin...) nhưng cũng một phần xuất phát từ việc các thông tin về đất đai chưa được công khai, minh bạch. Cũng theo PAPI 2021, điểm đánh giá về chỉ tiêu công khai, minh bạch mà cụ thể là công khai, minh bạch trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương giảm từ 1.36 điểm (2020) xuống còn 1.3 điểm (2021). Theo số liệu điều tra năm 2019 của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội11, trong một số lĩnh vực tiến hành điều tra, lĩnh vực đất đai là một trong những nhóm lĩnh vực có mức độ công khai, minh bạch thông tin tương đối thấp. Trong 1810 người dân được hỏi, chỉ có 15% nắm được thông tin công khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 31% cho biết chính quyền có công khai công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với các thông tin về thu hồi, giải phóng mặt bằng việc người dân tiếp cận được cũng còn rất hạn chế: Chỉ có 19% cho biết chính quyền có công khai quy trình, thủ tục thu hồi đất, giao đất; 36% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai thẩm quyền thu hồi đất, giao đất; 37% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai quyết định phương án phê duyệt, đền bù giải phóng mặt bằng, danh sách các tổ chức, cá nhân đền bù, giải phóng mặt bằng; 24% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai thẩm quyền phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng; 11% cho biết chính quyền có công khai các khoản thu từ hoạt động đấu giá đất, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế, phí từ giải quyết thủ tục hành chính; và 4% cho biết chính quyền có công khai báo cáo thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai; 18% cho biết chính quyền có công khai báo cáo giải trình về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức phục vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Luật Tiếp cận thông tin cũng như Luật Đất đai, các thông tin về đất đai được các cơ quan quản lý công khai trên nhiều phương tiện khác nhau trong đó hiện nay hình thức công khai thông tin trên các cổng thông tin của các cơ quan quản lý đang được chú trọng bởi tính thuận tiện, kịp thời, dễ tiếp cận. Tuy nhiên theo một báo cáo nghiên cứu mới được công bố vào tháng 3/2023 của UNDP và CEPEW12, thực trạng công khai thông tin về đất đai mà cụ thể là thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (cấp huyện) và bảng giá đất (cấp tỉnh) trên hệ thống thông tin mạng hiện vẫn cho thấy nhiều yếu kém.
Cụ thể, mới chỉ có 41/63 tỉnh/thành phố (chiếm 65,1%) thực hiện công khai bảng giá đất cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh/thành, trong đó chỉ có 9,8% số địa phương công khai đúng thời hạn theo quy định. Với thông tin về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, có 48.9% số huyện trong cả nước đã thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của UBND huyện, trong đó chỉ có 30,4% số huyện thực hiện công khai đúng thời gian quy định. Đặc biệt với thông tin về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022, mặc dù thời điểm kết thúc điều tra là cuối năm 2022, mới chỉ có 55,2% số huyện thực hiện công khai trên cổng thông tin của UBND huyện. Với các huyện thực hiện công khai, tỷ lệ công khai đầy đủ tất cả các loại giấy tờ liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tương đối thấp. Cũng theo điều tra trên, tỷ lệ phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin đất đai của người dân cũng chưa được bảo đảm, thực hiện tốt. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành gửi yêu cầu cung cấp thông tin về đất đai đến 561 văn phòng UBND huyện, trong đó chỉ có 146/561 cơ quan đã phản hồi bao gồm 108 cơ quan cung cấp thông tin (chiếm 19.3%), 06 cơ quan từ chối cung cấp thông tin (chiếm 1.1%) và 32 cơ quan có phản hồi khác (chiếm 5.7%).
Từ việc nghiên cứu, so sánh số liệu của các cuộc điều tra đã kể trên có thể thấy việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin về đất đai cũng như việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin về đất đai còn tồn tại nhiều hạn chế. Các cơ quan quản lý chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thông tin theo quy định pháp luật; chưa thực hiện tốt trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân khi được yêu cầu; thông tin được cung cấp chưa đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời như tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin. Nhiều vi phạm trong công khai thông tin, cung cấp thông tin đất đai đã diễn ra tuy nhiên hoạt động giám sát, kiểm tra, phát hiện cũng như công tác xử lý sai phạm chưa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả. Hệ quả của việc thông tin về đất đai chưa được thực hiện công khai dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động giao dịch liên quan đến đất đai. Ví dụ theo PAPI 2021 mới chỉ có 2% người dân có thể lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử địa phương khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các sai phạm trong lĩnh vực đất đai diễn ra thường xuyên với tính chất phức tạp và quy mô ngày một mở rộng.
Qua báo cáo của UNDP, CEPEW đã nêu ở trên, có thể thấy hai vấn đề nổi bật trong việc thực hiện công khai thông tin, thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở đất đai hiện nay đó là:
Thứ nhất, mặc dù quy định pháp luật là áp dụng chung cho công tác quản lý đất đai ở tất cả các địa phương tuy nhiên kết quả thực hiện việc công khai thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về đất đai ở các địa phương là khác nhau. Điều này cho thấy các quy định pháp lý là tương đối hoàn thiện tuy nhiên để đưa các quy định pháp luật vào thực tế, biến các quy định trên giấy tờ thành những mục tiêu, kết quả cụ thể lại phụ thuộc vào cách thức triển khai, tổ chức thực hiện của mỗi địa phương, trong đó nhận thức và quyết tâm thực hiện của UBND các tỉnh/thành phố là vô cùng quan trọng.
Theo chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, một trong các địa phương được đánh giá cao trong việc công khai các thông tin đất đai thì yếu tố quyết định thành công đó là quyết tâm chính trị cao của UBND tỉnh trong việc phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý đất đai, từ quyết tâm đó tỉnh đã cụ thể hoá bằng các biện pháp như:
i) Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh dựa trên các nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy định pháp luật; Bảo đảm quyền được biết, được tham gia của người dân; Bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của người dân về đất đai… Quy chế thể hiện rõ những nội dung phải công khai; hình thức công khai; hình thức tham gia ý kiến của người dân cũng như công tác giám sát thực hiện.
ii) Trong các văn bản do UBND tỉnh ban hành liên quan đến vấn đề đất đai đều có các điều khoản quy định buộc các cơ quan thực hiện, triển khai phải công bố thông tin qua các kênh khác nhau để người dân nắm được và tiếp cận được.
iii) Sau khi ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý đất đai đều có bộ phận chuyên trách giám sát quá trình tổ chức thực hiện văn bản đó, đảm bảo văn bản không chỉ ban hành để đó mà phải thực sự đi vào cuộc sống.
iv) Thực hiện tốt cơ chế liên thông, chia sẻ thông tin, mỗi văn bản liên quan đến công tác quản lý đất đai sau khi được ban hành sẽ được chuyển sang bộ phận phụ trách cổng thông tin của tỉnh, của các sở ngành, địa phương liên quan để kịp thời công bố, đăng tải.
v) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai bằng việc triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu về đất đai” nhằm tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai dựa trên xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và các cơ sở dữ liệu thành phần khác.
Thứ hai, có sự mâu thuẫn, tỷ lệ nghịch giữa số lượng các giao dịch đất đai với việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai. Theo báo cáo hầu hết các địa phương thực hiện tốt việc công khai thông tin, tiếp cận thông tin về đất đai lại là các địa phương có các giao dịch về đất đai không quá sôi động. Điều này đặt ra câu hỏi liệu có sự liên đới giữa lợi ích nhóm với việc công khai, minh bạch thông tin hay không?
Ngoài ra, một thực tế hiện nay là nhiều thông tin về đất đai được ban hành, nắm giữ bởi các cơ quan quản lý khu vực công chưa được đăng tải hoặc khó tìm kiếm trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan này lại được đăng tải rộng rãi trên nhiều trang thông tin của các công ty luật, báo chí, truyền thông... Điều này giúp liên tưởng đến việc tạo dựng dịch vụ cung cấp thông tin đất đai do tư nhân phụ trách đang được áp dụng ở một số nước như Úc, Canada, Thái Lan... Trong đó, các thông tin về đất đai được các cơ quan nhà nước cung cấp cho các “trung gian” được điều hành bởi tư nhân - được thành lập theo quy định của pháp luật. Các đầu mối trung gian này có trách nhiệm sắp xếp, phân loại thông tin một cách khoa học, thuận tiện sau đó cung cấp có tính phí với những yêu cầu được cung cấp thông tin từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Nguồn phí thu được sẽ được dùng một phần để tái đầu tư cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây được coi là một trong những giải pháp có tính khả thi để nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin nói chung và thông tin về đất đai nói riêng.
Kết luận
Việc thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin về đất đai được coi là một trong những động lực quan trọng để thực hiện quản trị tốt về đất đai; bảo đảm quyền sở hữu toàn dân về đất đai cũng như đập tan những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho rằng chúng ta đang phủ nhận hoàn toàn quyền sở hữu, thụ hưởng giá trị đất đai của cá nhân. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát huy giá trị sử dụng tài nguyên đất, hướng đến sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững. “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững”14.
TS. Nguyễn Trung Thành - Vũ Thị Huyền - Nguyễn Thanh Bình
Viện Nghiên cứu Pháp luật và Trợ giúp pháp lý
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 37 (04/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Hiến pháp năm 2013
(2) Khoản 1, Điều 2, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
(3) Khoản 2, Điều 2, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
(4) Khoản 3, Điều 2, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
(5) Điều 53, Hiến pháp năm 2013
(6) Điều 4, Luật Đất đai năm 2013
(7) Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành luật đất đai.
(8) Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
(9) Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin
(10) Thông tư số 46/2018/TT-BTC ngày 14/5/2018 của Bộ Tài chính quy định chi tiết chi phí thực tế để in, sao, chụp và gửi thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Tiếp cận thông tin
(11) Viện Khoa học Môi trường và Xã hội (2019), Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.
(12) UNDP, CEPEW (2023), Báo cáo “Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh năm 2022”, thuộc chương trình “Nghiên cứu thực chứng thường niên về việc thực hiện công khai thông tin đất đai ở Việt Nam” do UNDP tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp thực hiện.
(13) Bộ Tài Nguyên và Môi trường (2023), “Báo cáo đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo trong giai đoạn 2020-2022”.
(14) Ban chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết 18 “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” 16-6-2022.