Trẻ em là người dân tộc thiểu số1 (DTTS) cư trú tại vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt số khăn2 (sau đây gọi tắt là trẻ em người DTTS) là nhóm rất dễ bị tổn thương về quyền con người do sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các quyền trẻ em cơ bản. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện, thực thi có hiệu quả chính sách đặc thù về các quyền trẻ em. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần có những giải pháp mang tính chất thiết thực hơn nữa. Bài viết làm rõ một số vấn đề về bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em là người DTTS, đề xuất một số giải pháp đảm bảo các quyền con người cơ bản của đối tượng này.

Nhà nước và toàn thể xã hội chung tay đảm bảo các quyền cho trẻ em nói chung, trẻ em là người DTTS nói riêng được hưởng thụ những quyền con người cơ bản của trẻ em. Nguồn: vov2.vov.vn

1. Thực tiễn bảo đảm các quyền con người cơ bản của trẻ em là người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở Việt Nam

Các quyền con người cơ bản của trẻ em là người DTTS được bảo đảm bằng đường lối xuyên suốt, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo đảm các quyền của trẻ em nói chung và trẻ em là người DTTS nói riêng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển con người được Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện xuyên suốt, nhất quán.  Các quan điểm, đường lối của Đảng ta về quyền trẻ em được cụ thể hóa trong nhiều văn kiện như: Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 01/9/1947 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về Công tác thanh vận; Chỉ thị số 197-CT/TW ngày 19/3/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác thiếu niên, nhi đồng; Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ưởng Đảng khóa VII (ngày 30/5/1994) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII (ngày 28/6/2000) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới...

Trong đó, Đảng chỉ rõ: “thiếu nhi là những người gánh vác tương lai nên chúng ta phải chăm sóc”, “Bảo vệ, giáo dục thiếu nhi là trách nhiệm của toàn Đảng”, “mọi ngành đều phải lấy nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục thiếu nhi là nhiệm vụ của mình”3. Từ đây, Ðảng ta khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”4. Đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục quan điểm này: “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, xâm hại trẻ em”5.

Như vậy, những quan điểm, đường lối của Đảng được thể hiện trong các văn kiện là cơ sở quan trọng để hình thành các chính sách và pháp luật của Nhà nước về đảm bảo các quyền trẻ em Việt Nam, giúp trẻ em được phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa của thế giới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các quyền của trẻ em là người DTTS được đảm bảo bằng hệ thống pháp luật về quyền trẻ em

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, ngay từ rất sớm, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận về đảm bảo các quyền trẻ em nói chung và trẻ em là người DTTS nói riêng. Cụ thể, Hiến pháp năm 1946, quy định: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14) và “Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ giúp” (Điều 15). Các bản Hiến pháp các năm: 19596, 19807, 19928(sửa đổi, bổ sung năm 2001) ngày càng không ngừng hoàn thiện hơn nữa các quyền của trẻ em Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngày 20/2/1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC). Ngay sau khi phê chuẩn CRC, Việt Nam đã tiến hành luật hóa Công ước CRC vào cơ chế Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 không chỉ ghi nhận, cải tiến mạnh mẽ, mà còn có bước đột phá trong việc đảm bảo các quyền trẻ em. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Không chỉ ghi nhận quyền trẻ em trong Hiến pháp, Nhà nước còn phát triển hệ thống pháp luật về quyền trẻ em toàn diện và đầy đủ các quyền của trẻ em theo Công ước CRC. Luật Trẻ em năm 2016 (gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em); Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Quốc tịch, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và gia đình... Hệ thống pháp luật này đã bổ sung các quy định mới, đặc biệt là tiếp thu khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với Việt Nam để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn; bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; tiếp thu những quan điểm pháp lý tiến bộ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền trẻ em, nhất là vấn đề bảo vệ trẻ em; hội nhập quốc tế, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người, quyền trẻ em, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước CRC cũng như các điều ước quốc tế khác có liên quan.

Thực thi Hiến pháp và hệ thống pháp luật về quyền trẻ em, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em như: Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư 30/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 34/2017/TT-BYT hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; Thông tư 34/2017/TT-BYT hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; Thông tư 33/2017/TT-BYT quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi; Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm; Thông tư 23/2017/TT-BYT hướng dẫn việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ theo độ tuổi cho trẻ em; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng... cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về các chế độ, chính sách và đảm bảo các nhóm quyền của trẻ em, trẻ em nghèo, trẻ em là người DTTS...

Có thể khẳng định, Nhà nước Việt Nam đã có quy định bằng hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả để đảm bảo các nhóm quyền của trẻ em nói chung, trẻ em là người DTTS nói riêng. Điều này thể hiện rõ quan điểm nhất quán về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách toàn diện và không có ngoại lệ; đồng thời là nỗ lực, thiện chí, tận tâm thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước CRC.

Các quyền của trẻ em là người DTTS được đảm bảo bằng chương trình, hành động của Chính phủ

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, chương trình hành động để các quyền của trẻ em được đảm bảo và thực thi trên thực tế. Ngày 07/01/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, với các mục tiêu cụ thể: Phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; bảo vệ trẻ em; giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em... Chương trình đã đặt ra 24 chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, nổi bật là các chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030; Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi xuống dưới 9% vào năm 2025 và dưới 6% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi xuống 17% vào năm 2025 và dưới 15% vào năm 2030; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin vào năm 2030; Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% vào năm 2025 và xuống 4,5% vào năm 2030; Từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn, duy trì mức giảm số cuộc tảo hôn từ 2 đến 3% hằng năm giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030; Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 97% vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 97% vào năm 2025 và đạt 99% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 88% vào năm 2025 và đạt 93% vào năm 20309.

Cùng với việc ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành nhiều các văn bản khác để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em một cách toàn diện như: Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 2232/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 Phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 Phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1863/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 Ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, trong đó có trẻ em DTTS; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó, Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” với mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030,  chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào DTTS...

Các chương trình, hành động của Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, hành động; hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực...

Các quyền con người cơ bản của trẻ em là người DTTS được đảm bảo bằng sự chung tay của toàn thể xã hội

Cùng với Chính phủ, nhiều tổ chức, cá nhân chung tay với chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, dự án để trẻ em là người DTTS được thụ hưởng các quyền con người cơ bản, tiêu biểu như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) là quỹ duy nhất của Nhà nước được thành lập từ ngày 4/5/1992 theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay sửa đổi là Luật Trẻ em năm 2016), có chức năng vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được nhà nước ưu tiên. Tính đến năm 2022, sau 30 năm hoạt động, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em đã vận động gần 7.610 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 34 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn10. Quỹ có nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm của cộng đồng đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: “Mùa xuân cho em”, “Phẫu thuật nụ cười”, “Cùng em đến trường”, “Vì trái tim trẻ thơ”... đã hỗ trợ nhiều mặt cho các em từ thể chất lẫn tinh thần, giúp các em tiếp cận với các điều kiện để phát triển toàn diện; Chương trình “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện góp phần đảm bảo quyền sống, quyền được phát triển, được bảo vệ tạo cơ hội cho hàng nghìn trẻ em nghèo, mồ côi, trẻ em là người DTTS sinh sống ở biên giới được sống trong môi trường đầy đủ hơn, được đến trường và vươn lên học tập, rèn luyện tốt. Tính đến năm 2022, toàn lực lượng BĐBP đã đỡ đầu hơn 5.000 học sinh với tổng số tiền khoảng 95 tỷ đồng, trong đó, có gần 1.000 em mồ côi và gần 200 em ở khu vực biên giới của nước bạn Lào và Campuchia; các đồn biên phòng đang nhận nuôi 356 học sinh (41 cháu mồ côi cả cha và mẹ, 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, 5 cháu là con liệt sĩ, 3 cháu bị tật nguyền...), trong đó 271 cháu sinh hoạt, học tập tại đơn vị và 85 cháu vẫn ở cùng người thân. Những em được đón vào ở các đồn biên phòng được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng và có cán bộ phụ trách chăm sóc; Quỹ “Trò nghèo vùng cao” được Bộ Nội vụ cấp phép ngày 25/2/2014. Đây là quỹ xã hội từ thiện có tiền thân là Chương trình Cơm có thịt. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm mục đích tham gia hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao Việt Nam, bao gồm cả trẻ em là người DTTS có bữa ăn tại lớp nhiều dinh dưỡng hơn, có quần áo ấm, ủng, đồ dùng học tập, sách truyện, thuốc chữa bệnh, ký túc xá, phòng học và những trợ giúp cần thiết khác. Ngoài ra, còn có hàng trăm, hàng nghìn các tổ chức thiện nguyện, tình nguyện khác của các tổ chức hội, đoàn, nhóm, cá nhân đã, đang cùng Nhà nước và toàn thể xã hội chung tay đảm bảo các quyền cho trẻ em nói chung, trẻ em là người DTTS nói riêng được hưởng thụ những quyền con người cơ bản của trẻ em; tạo cơ hội cho trẻ em là người DTTS, trẻ em nghèo có cơ hội được sống trong yêu thương, đầy đủ hơn về vật chất, được bảo vệ, sống trong môi trường an toàn.

Với sự chung tay của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực trong việc đảm bảo quyền cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em người DTTS.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách đặc thù, xã hội chung tay đảm bảo các quyền con người cơ bản cho trẻ em là người DTTS, nhưng việc tiếp cận và thụ hưởng các quyền trẻ em còn một số khó khăn, thách thức, cụ thể:

Một là, đa số trẻ em là người DTTS mức sống cơ bản chưa đảm bảo, nhiều trẻ em còn sống trong điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Theo các báo cáo về phát triển ở Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), cứ 10 trẻ em DTTS thì có tới 8 em thiếu thốn các nhu cầu cơ bản. Ngân hàng Thế giới năm 2020 cũng đưa ra cảnh báo, Việt Nam nằm trong 34 quốc gia phải đối mặt với suy dinh dưỡng ở trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có khoảng 1/3 trẻ em người DTTS, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh11. Kết quả điều tra ban đầu năm 2023 của Dự án Alive&Thrive12, FHI360 tại 11 tỉnh, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các DTTS còn thấp (khoảng từ 4% - 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở DTTS (khoảng từ 33% - 52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguồn dinh dưỡng của trẻ cũng không được bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Hai là, đảm bảo quyền giáo dục cho trẻ em là người DTTS gặp nhiều thách thức. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, năm 2019 cho thấy: 5,2% thôn, bản vùng DTTS chưa có đường giao thông đến xã, huyện được rải nhựa, bê tông hay sỏi, đá; khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học và THCS gần nhất của đồng bào DTTS lần lượt là 2,2km và 3,7km; 10,9 % tỷ lệ hộ DTTS chưa có mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện phục vụ sinh hoạt, làm phương tiện đưa đón con đi học hàng ngày. Tình trạng trẻ em đi học không đúng độ tuổi còn tồn tại ở tất cả các cấp học (đến năm 2019, tiểu học 3,1%, THCS 18,4%, THPT 53%); tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 80,9%. 1,4% thôn thuộc vùng DTTS không có điện lưới quốc gia; 16,3% địa bàn đồng bào DTTS khu vực biên giới chưa có phòng học kiên cố, đặc biệt là ở một số tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ...

Ba là, trẻ em là người DTTS phải đối mặt với tình trạng lao động nặng nhọc từ rất sớm và có nguy cơ phải bỏ học để lao động phụ giúp gia đình. Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2018 cho thấy: Uớc tính có 9,1% trẻ em từ 5-17 tuổi trên cả nước (hơn 1,75 triệu) tham gia các hoạt động kinh tế, trong đó 5,3% trẻ em (hơn 1 triệu) là lao động trẻ em; 84% lao động trẻ em tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp; khoảng 40,5% lao động trẻ em là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Bốn là, trẻ em là người DTTS đối diện với nguy cơ, thách thức bị xâm hại, nhất là trẻ em gái. Theo số liệu báo cáo của 33/52 Ban Dân tộc các tỉnh về Ủy ban Dân tộc, từ tháng 7/2019 đến nay có tổng số 1.087 trẻ em bị xâm hại. Số trẻ em là người DTTS bị xâm hại theo thống kê của 9/52 tỉnh là 188 em13. Ủy ban Dân tộc đánh giá, tình hình xâm hại trẻ em nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong trường học, cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình.

Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong quá trình triển khi thực hiện tại một số địa phương đã bị một số cán bộ, đảng viên tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cắt giảm, thậm chí không thực hiện hoặc thực hiện khống một số chính sách dành cho người DTTS nói chung và trẻ em là người DTTS nói riêng sinh sống ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Những hạn chế bên trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, các hộ gia đình người DTTS đa số là hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn khó khăn khiến bữa ăn hằng ngày cho trẻ không đầy đủ các dưỡng chất cần thiết; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khiến trẻ em là người DTTS có nguy cơ gặp các bệnh về mặt di truyền; hệ thống y tế còn thiếu thốn, lạc hậu khiến quá trình khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn; một số địa phương triển khai nội dung của các dự án liên quan đến dinh dưỡng trẻ em DTTS tiến độ còn chậm; kinh phí phân bổ cho chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em DTTS thấp; tình trạng tham nhũng thậm chí tại một số cơ sở giáo dục tiểu học còn có tình trạng cắt xén khẩu phần ăn của học sinh DTTS gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Thứ hai, giao thông khó khăn là nguyên nhân khách quan khiến cho trẻ em là người DTTS khó tiếp cận với giáo dục, thông tin; thu nhập thấp, kinh tế khó khăn là một rào cản đáng kể cho giáo dục phát triển ở các vùng DTTS. Ở một số địa phương, vai trò của các cấp chính quyền thúc đẩy giáo dục chưa thực sự phát huy hiệu quả mặc dù hệ thống chính sách ưu tiên, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em người DTTS được ban hành khá nhiều; kèm theo đó là việc thực thi, giám sát thực thi có lúc chưa hiệu quả; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan còn chưa chặt chẽ.

Thứ ba, nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động và người môi giới lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em; nghèo đói vẫn được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia lao động sớm. Nguồn lực đầu tư, bố trí kinh phí để triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em còn hạn chế. Một số địa phương phân bổ chậm hoặc phân bổ kinh phí rất hạn hẹp để triển khai thực hiện chương trình. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ do vậy việc triển khai, thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn...

Thứ tư, việc xâm hại trẻ em xuất phát từ những hủ tục đã tồn tại nhiều năm ở vùng đồng bào DTTS; trình độ dân trí thấp cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Mặt khác, hầu hết trẻ em là người DTTS nếu được đi học thì tổ chức học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà, nên khó khăn trong quá trình tiếp cận, hỗ trợ trẻ. Phần lớn các em còn rụt rè, không cởi mở, ở nhóm trẻ DTTS nhanh nhẹn hơn thì các em lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Từ đó, các em bị rủ rê đi chơi, bị xâm hại tình dục mà không hề hay biết, cũng như không dám lên tiếng...

2. Một số giải pháp đảm bảo các quyền của trẻ em là người dân tộc thiểu số

Đảm bảo các quyền của trẻ em là người DTTS là vấn đề hết sức khó khăn do vừa phải thay đổi nhận thức của vùng đồng bảo DTTS đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Do trẻ em là người DTTS sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vì vậy trước tiên cần tập trung bảo đảm các quyền con người cơ bản của trẻ em là người DTTS, hướng đến đảm bảo toàn diện các quyền của trẻ em. Cùng với việc thực hiện các giải pháp mang tính chất vĩ mô, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho người DTTS về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người DTTS; đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội, thay đổi cách nghĩ, cách làm, xóa bỏ những hủ tục của người DTTS, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, rất nhiều địa phương có các mô hình hay và hiệu quả về phát triển kinh tế cho đồng bào các DTTS như hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và cây trồng; phát triển các ngành nghề truyền thống theo đặc điểm của địa phương; hình thành các khu du lịch sinh thái tạo việc làm cho nguồn nhân lực tại chỗ... Đây là giải pháp mang tính thiết thực bởi khi nhận thức thay đổi, kinh tế bớt khó khăn thì các nhóm quyền cơ bản của trẻ em là người DTTS như quyền được sống còn, quyền được phát triển... mới được đảm bảo ở mức tối thiểu. Khi nhận thức xã hội tốt hơn, kinh tế được nâng cao thì các nhóm quyền cơ bản của trẻ em trong gia đình sẽ được nâng cao theo tỉ lệ thuận với trình độ phát triển kinh tế.

Hai là, giao thông, trường học, thầy cô và chính sách đãi ngộ cho thầy cô giáo dạy học ở vùng  DTTS và vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là các vấn đề có mối qua hệ mật thiết với nhau. Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có sách đầu tư xây dựng đường giao thông để kết nối hạ tầng, kết nối học sinh và trường lớp tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đến trường; xây trường học kiên cố, nơi ăn, ở bán trú cho học sinh (đối với những trường học bán trú), thu hút nhân lực chất lượng tốt. Đảm bảo trẻ em người DTTS có cơ hội thuận lợi tiếp cận với chính sách giáo dục. Sử dụng ngân sách và các nguồn lực hiệu quả, minh bạch để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030, hỗ trợ cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS; bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng trường học, các điểm vui chơi, giải trí... cho trẻ em là người DTTS.

Ba là, ngoài thực hiện các giải pháp quy định tại Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cần tập trung công tác tuyên truyền hướng dẫn đồng bào DTTS không sử dụng trẻ em làm việc gùi hàng, vác gỗ, củi hoặc thực hiện các hoạt động lao động nặng nhọc khác. Đồng thời, có kế hoạch ngắn, trung và dài hạn phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS đề hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em.

Bốn là, tăng cường truyền thông, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em nhằm giúp các em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, bạn bè trước các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột. Tuyên truyền, hướng dẫn phát hiện, thông báo, tố giác hành vi, trường hợp, nguy cơ trẻ em bị xâm hại thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 hoặc các cơ quan có thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em và việc bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em... tư vấn hỗ trợ pháp lý trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội các hoạt động liên quan đến việc thực thi chính sách, sử dụng ngân sách nhà nước trong đảm bảo các quyền của trẻ em là người DTTS để hoạt động này được thực hiện đúng, hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy, tiến tới đảm bảo toàn tiện các quyền của trẻ em là người DTTS.

Đại úy Lô Văn Lâm - ThS. Thân Thị Lý Thuyết

Khoa Pháp luật, Trường Cao đẳng Biên phòng, Bộ đội Biên phòng

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 38 (06/2024)

---

Tài liệu trích dẫn

(1) “Trẻ em là người dân tộc thiểu số” là trẻ em người dân tộc thuộc các dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia. Việt Nam có 54 dân tộc, chỉ có dân tộc Kinh là dân tộc đa số, 53 dân tộc còn lại đều là dân tộc thiểu số do các dân tộc đều có dân số dưới 50% tổng dân số. (Xem: Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc)

(2) Gồm: Xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là xã thuộc vùng III quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTG ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục xã vùng III, II, I vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025; Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là các xã được quy định tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Thôn đặc biệt khó khăn, được quy định tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

(3)  Một số văn kiện Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (1996), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(4) Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ban hành ngày 4/11/2013.

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 271.

(6) Xem: Điều 24, 35 Hiến pháp năm 1959.

(7) Xem: Điều 47, 65 Hiến pháp năm 1980.

(8) Xem: Điều 40, 59, 65 Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001).

(9) Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030

(10) https://tapchilaodong.vn/quy-bao-tro-tre-em-viet-nam-hanh-trinh-30-nam-ket-noi-yeu-thuong-vi-tre-em-viet-nam-1323291.html. Truy cập ngày 05/4/2024.

(11) https://xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/bao-dam-che-do-dinh-duong-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so. Truy cập ngày 05/4/2024.

(12) Alive & Thrive (A&T) là một dự án tăng cường các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện thực hành cho ăn bổ sung.

(13) https://thanhtravietnam.vn/dan-toc-ton-giao/tinh-hinh-xam-hai-tre-em-vung-dtts-van-dien-bien-phuc-tap-196884. Truy cập ngày 05/4/2024.