Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, sáng kiến hay trong bảo đảm quyền của người cao tuổi và ứng phó với tình trạng già hóa dân số tại các nước châu Á có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, xã hội với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, hữu ích đối với nước ta. Trong phạm vi bài viết, tác giả khái quát về người cao tuổi, bảo đảm quyền của người cao tuổi, phân tích thực tiễn bảo đảm quyền của người cao tuổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc từ đó rút ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam góp phần bảo đảm tốt hơn nữa quyền của người cao tuổi trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: hnct.bacgiang.gov.vn/.
1. Khái quát về người cao tuổi, bảo đảm quyền của người cao tuổi
Tính đến thời điểm hiện nay, khái niệm người cao tuổi chưa có tính thống nhất chung giữa các quốc gia trên thế giới. Theo pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước châu Âu quy định 65 tuổi là mốc để một người được hưởng các quyền lao động dành cho người cao tuổi. Ở một số quốc gia châu Phi do tuổi thọ trung bình của người dân thấp hơn 60 tuổi nên độ tuổi được xem là người cao tuổi cũng thấp hơn (khoảng từ 50 đến 55 tuổi). Ở Việt Nam, theo Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009, người cao tuổi được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Ở Trung Quốc, theo Điều 2, Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi, ngưỡng tuổi của người cao tuổi ở nước này là 60 tuổi. Như vậy, người cao tuổi được hiểu là người có nhiều cống hiến xây dựng gia đình, xã hội, sức khỏe suy giảm, dễ bị tổn thương cần được quan tâm, chăm lo, bảo vệ, ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử, thờ ơ, lạm dụng, bạo hành và bỏ quên. Nhất là trong những năm gần đây, trước xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh, các quốc gia trên thế giới trên cơ sở thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh của từng nước đã có sự điều chỉnh về chính sách, tăng độ tuổi nghỉ hưu thêm từ 2 đến 5 tuổi nhằm tranh thủ nguồn lực giàu tri thức, tâm huyết, kinh nghiệm và kỹ năng này đồng thời phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Điều này đặt ra bài toán khó cho nhiều quốc gia trước những thách thức như: gia tăng tình trạng bất bình đẳng, người cao tuổi bị bạo lực, lạm dụng, bỏ quên; chi tiêu công không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở người cao tuổi; nguy cơ mất cân đối bảo hiểm xã hội; kinh tế tăng trưởng chậm... Tình trạng trên sẽ gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội của các nước, đặc biệt với các nước nghèo, chậm phát triển, đồng thời đặt ra vấn đề phải bảm đảm quyền của người cao tuổi.
Tuy nhiên hiện nay, quyền của người cao tuổi mới được ghi nhận và nằm rải rác trong một số văn kiện về quyền con người. Điển hình như: Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948; Bình luận chung số 6 năm 1995 chuyên về vấn đề quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người cao tuổi, Bình luận chung số 20 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (khổ 29), Chương trình hành động quốc tế Viên về người cao tuổi năm 1982, Tuyên bố chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid về người cao tuổi năm 2002, Công ước CEDAW năm 1979... Ở cấp độ khu vực, các nước Mỹ Latinh đã thông qua Công ước liên Mỹ về bảo vệ quyền của người cao tuổi năm 2015.
Trong các văn kiện này, người cao tuổi có một số quyền cơ bản như: quyền được hưởng về an sinh xã hội; quyền có việc làm; quyền về sức khỏe, thể chất và tinh thần; quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng; quyền không bị phân biệt đối xử, quyền được sống và phát triển, quyền tự do...
Tóm lại, quyền của người cao tuổi là những đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá cao quý, vốn có, phổ biến của con người mà người cao tuổi được hưởng, được làm, không thể phân chia, không thể chuyển nhượng, được cộng đồng quốc tế và quốc gia công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế và các bảo đảm khác. Bảo đảm quyền của người cao tuổi được hiểu là việc các chủ thể (Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, doanh nghiệp, cá nhân) tạo ra các điều kiện, tiền đề thuân lợi để người cao tuổi chắc chắn thực hiện được các quyền vốn có của mình trên thực tế một cách đầy đủ, trọn vẹn, có ý nghĩa nhất.
2. Thực tiễn bảo đảm quyền của người cao tuổi tại một số quốc gia châu Á
Ở Nhật Bản, chính quyền thể hiện sự nỗ lực, cố gắng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền cho người cao tuổi. Cụ thể, về bảo đảm nhận thức, các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quan điểm, tư tưởng tiến bộ góp phần thay đổi nhận thức của người dân không muốn kết hôn, khuyến khích tăng dân số, cải thiện tỷ lệ sinh. Nhà nước cũng tập trung tuyên truyền đầy đủ thông tin về dân số già hóa, các thách thức, khó khăn mà đất nước đang phải đối diện và các chính sách, các gói hỗ trợ đang được chính quyền triển khai thực hiện. Về bảo đảm pháp lý, hệ thống chính sách, pháp luật được quan tâm, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo thời gian. Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 1947 về quyền của người cao tuổi, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Đạo luật về Dịch vụ phúc lợi xã hội cho người già, Đạo luật về Phúc lợi cho bà mẹ và trẻ em, Đạo luật về bảo hiểm chăm sóc dài hạn, Đạo luật Bảo đảm cuộc sống hàng ngày, Bộ luật Dân sự... và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, nhất quán trên phạm vi cả nước. Trước những thách thức từ vấn đề già hóa dân số, gần đây Nhật Bản đã sửa đổi Bộ luật Dân sự, Đạo luật Vị thành niên... tiếp tục triển khai nhiều biện pháp khuyến khích người dân kết hôn sớm hơn, sinh nhiều con và tạo điều kiện cho phụ nữ sau sinh đi làm lại. Mặt khác giảm chi phí khám và chữa bệnh cho trẻ nhỏ, nới rộng thêm quyền cho người trẻ, thậm chí Nhật Bản đã thành lập cơ quan Trẻ em và gia đình để tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến dân số. Chính phủ Nhật Bản... đã điều chỉnh tăng lương, tăng tuổi nghỉ hưu và kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi để tranh thủ nguồn lực, đồng thời thu hút, mở rộng chính sách, khuyến khích sinh viên đến du học, người nước ngoài ở lại làm việc, định cư nhằm phòng ngừa tình trạng thiếu hụt lao động. Chính quyền cũng khuyến khích người cao tuổi và người dân tham gia bảo hiểm xã hội (bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế) và bảo hiểm lao động (bảo hiểm việc làm, bảo hiểm bồi thường tai nạn cho người lao động). Về bảo đảm kinh tế, Nhà nước quan tâm, đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống y tế, chăm sóc lão khoa. Ngân sách tài chính năm 2022 dành đến 36.270 tỷ yên (chiếm 1/3 ngân sách) để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh1. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng công bố gói ngân sách 2.000 tỷ yên để mở rộng các trường mẫu giáo (miễn phí cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học). Hiện nay, chi phí an sinh xã hội phần lớn dành cho người cao tuổi (chiếm khoảng 1/3) ngân sách của nước này. Với những cố gắng đó đã góp phần bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Nhật Bản.
Cũng giống Nhật Bản, Singapore là quốc gia chịu nhiều tác động từ vấn đề già hóa dân số. Singapore dự kiến trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026. Chính vì thế, Singapore cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền của người cao tuổi. Về bảo đảm nhận thức, chính quyền quan tâm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người cao tuổi. Các cơ quan chức năng đầu tư đáng kể vào các sáng kiến học tập suốt đời để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Người dân có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt và pháp luật cũng rất nghiêm khắc đối với những quy định nơi công cộng. Về bảo đảm pháp lý, Nhà nước coi trọng việc hoàn thiện pháp luật. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan đến người cao tuổi đã được ban hành nhằm tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền, điển hình như: Bộ luật Tuyển dụng và lao động, Đạo luật về môi trường và sức khỏe cộng đồng năm 1969 (sửa đổi năm 2014), Đạo luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến; Đạo luật Chương trình ưu đãi chăm sóc người cao tuổi và y tế, Đạo luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi năm 2018, Đạo luật Việc làm... Chính phủ mở rộng các lựa chọn nhà ở cho người cao tuổi, đầu tư xây dựng thêm viện dưỡng lão, các trung tâm trị liệu, chăm sóc sức khỏe. Chính quyền tỏ ra khá mạnh tay, nghiêm khắc nếu người dân vi phạm pháp luật liên quan đến người cao tuổi. Về bảo đảm kinh tế, văn hóa, xã hội, tính đến tháng 9/2022, hơn 450 triệu SGD tín dụng việc làm dành cho người cao tuổi đã được giải ngân, mang lại lợi ích cho gần 100.000 người sử dụng lao động và hơn 460.000 lao động người cao tuổi2. Ngân sách nhà nước được đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, lắp đặt thêm hệ thống thang hiện đại, tiên tiến, trang thiết bị hỗ trợ giao thông công cộng. Hiện nay, chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của Singapo hiện đại đứng đầu trong khu vực và thế giới. Các viện dưỡng lão được triển khai xây dựng thêm. Các khóa học thể thục, thể thao, văn nghệ cho người cao tuổi, các lớp học tập thể dục dưỡng sinh, khí công... ngày càng gia tăng. Các phòng khám đa khoa được chính phủ trợ giá, cơ sở vật chất được trang bị hiện đại, sử dụng robot, AI trong chăm sóc người cao tuổi. Người dân trên 65 tuổi được giảm giá tới 75% phí tham vấn và điều trị. Các công viên cây xanh, công viên trị liệu được quy hoạch xây dựng khoa học theo chủ đề nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và thuận tiện cho người cao tuổi sử dụng, tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Để phòng ngừa tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, chính phủ đã nới lỏng các quy định pháp luật về nhập cư, thu hút lao động nước ngoài, điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu, khuyến khích người dân sinh đẻ. Nhìn chung, nhiều biện pháp, chính sách hiệu quả đã được chính quyền triển khai từ sớm, các kế hoạch được chuẩn bị kỹ và triển khai có hiệu quả đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc bảo đảm quyền của người cao tuổi tại quốc gia này.
Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nhất trên thế giới. Theo Cục thống kê quốc gia, dự đoán tỷ lệ người cao tuổi sẽ đạt 37% vào năm 2050 và 39,9% vào năm 20603 trong khi tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Về bảo đảm pháp lý, Hàn Quốc chủ động xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quyền cho người cao tuổi điển hình như: Hiến pháp năm 1987, Đạo luật Y tế quốc gia năm 2021, Đạo luật Bảo hiểm chăm sóc dài hạn dành cho người cao tuổi năm 2020, Đạo luật Thúc đẩy việc làm cho người cao tuổi sửa đổi năm 2008 (có hiệu lực năm 2020), Luật An ninh hưu trí người lao động... Hàn Quốc đã áp dụng hình thức bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 1989, thông qua hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia kết hợp giữa công và tư nhân. Hệ thống hưu trí bao gồm các chế độ trợ cấp khác nhau. Hệ thống hưu trí doanh nghiệp được vận hành trên cơ sở tự nguyện. Theo các đạo luật này người cao tuổi Hàn Quốc sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt về các khoản trợ cấp bằng tiền, đồng thời nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới, tuổi tác của người cao tuổi trong tuyển dụng lao động. Về bảo đảm chính trị, kinh tế, Nhà nước quan tâm xây dựng thêm các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất lớn trong việc xây dựng các kế hoạch, dự án, triển khai nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với tỷ lệ sinh thấp và xã hội dân số già. Về bảo đảm kinh tế, nguồn ngân sách đã được chi hơn 200 tỷ USD để cố gắng tăng dân số trong 16 năm (từ năm 2006 đến năm 2022). Chính quyền quan tâm đến việc khởi nghiệp của người cao tuổi, khuyến nghị các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng người lao động trên 55 tuổi. Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đã tăng vọt từ 76.000 vào năm 2017 lên 89.643 vào năm 20224. Các bệnh viện tư nhân đấu thầu xây dựng nhà dưỡng lão và có tính cạnh tranh cao, do đó dịch vụ của các Viện dưỡng lão khá tốt. Cơ quan quốc gia nhân quyền Hàn Quốc đang nghiên cứu để bảo đảm và thúc đẩy quyền của người cao tuổi, giảm tỷ lệ người cao tuổi tự tử. Chính quyền quan tâm, triển khai robot AI trong chăm sóc thể chất người cao tuổi và giúp giảm bớt sự cô đơn.
Ở Trung Quốc, trước xu hướng già hóa dân số, chính quyền đã điều chỉnh chính sách sinh con từ chỉ cho phép mỗi gia đình sinh một con thành cho phép sinh hai con. Gần đây, Luật Dân số và kế hoạch hóa gia đình (sửa đổi, bổ sung năm 2021) đã mở rộng nới lỏng cho phép sinh ba con, thậm chí tặng thưởng cho các cặp đôi kết hôn và sinh con sớm. Về bảo đảm pháp lý, Trung Quốc chủ động xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ, bảo đảm các quyền cho người cao tuổi, điển hình như: Hiến pháp năm 1954, 1975, 1978, 1982 (sửa đổi, bổ sung các năm 1988, 1993, 1999, 2004, 2018), Luật Hợp đồng lao động năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Lao động năm 2018, Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi năm 1996 (sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2012, 2015 và 2018), Luật Khuyến khích việc làm và Quy chế quản lý và dịch vụ việc làm năm 2008, Luật An ninh mạng năm 2017, Luận An sinh xã hội năm 2018, Luật Khuyến khích y tế và chăm sóc sức khỏe cơ bản năm 2019, Luật Dân số và kế hoạch hóa gia đình năm 2015 (sửa đổi năm 2021)... Gần đây, Trung Quốc cải thiện hệ thống lương hưu, ban hành chính sách hướng dẫn xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi cơ bản vào năm 2025. Về bảo đảm kinh tế, để thực hiện và thúc đẩy quyền của người cao tuổi, Chính phủ đã huy động nhiều nguồn lực như: ngân sách nhà nước, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp... Mặt khác khuyến khích người cao tuổi, người dân tham gia bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động. Nhà nước tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển xã hội. Chế độ phúc lợi xã hội Trung Quốc nhằm hướng đến các bảo đảm: ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế và chi phí cho những người già, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền bảo đảm cuộc sống cơ bản của người cao tuổi thông qua bảo hiểm hưu trí và các nhu cầu y tế cơ bản, đồng thời chú trọng cải tạo các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cũ, xây dựng thêm các cơ sở chăm sóc mới. Hệ thống hưu trí người cao tuổi gồm chế độ hưu trí cho người lao động thành thị, chế độ hưu trí cho người dân nông thôn và chế độ hưu trí dành cho công chức và lao động chính phủ. Mặc dù trong chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi vẫn còn bộc lộ hạn chế, tính dự báo, tính ổn định còn chưa cao, một số quy định mang tính nguyên tắc, tuy nhiên không thể phủ nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo đảm, thúc đẩy quyền cho người cao tuổi và ứng phó với tình trạng già hóa dân số.
3. Thực tiễn bảo đảm quyền của người cao tuổi tại Việt Nam
Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam luôn là nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của Ðảng và Nhà nước ta. Trong thời gian qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Về bảo đảm đường lối, chính sách, trong thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, các ngành đã tích cực tham mưu, triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm quyền cho người cao tuổi. Ngày 25/4/2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg, lấy tháng 10 hàng năm là tháng hành động vì người cao tuổi. Các cấp chính quyền tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ người cao tuổi. Về bảo đảm pháp lý, quyền của người cao tuổi được ghi nhận thông qua các bản Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Người cao tuổi năm 2009, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Việc làm năm 2013... Cùng với đó Chính phủ, các Bộ những năm qua đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến bảo đảm quyền của người cao tuổi và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Điển hình như: Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, ngày 14/1/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/2/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Về bảo đảm kinh tế, cả nước đã vận động ngồn lực trên 80 tỷ đồng để chăm sóc đời sống, sức khỏe cho người cao tuổi năm 2022 và có trên 2.000.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp theo Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ5. Nhà nước quan tâm hỗ trợ các hộ nghèo cao tuổi đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Về bảo đảm văn hóa - xã hội: đã có nhiều văn bản được ban hành góp phần bảo đảm văn hóa - xã hội cho người cao tuổi như: Thông tư số 71/2011/TT-BCTVT, ngày 30/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng, Thông tư số 127/2011/TT-BTC ngày 9/9/2011 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với người cao tuổi... Theo đó, người cao tuổi được miễn phí vé đi xe buýt công cộng, giảm vé khi tham quan các di tích, danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, các câu lạc bộ thơ ca, dưỡng sinh, võ thuật, dân vũ... cũng được triển khai thành lập. Hiện cả nước có khoảng 77.000 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút 2,5 triệu người cao tuổi tham gia6.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền của người cao tuổi ở nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, quá trình triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Bảo hiểm, Luật An toàn vệ sinh lao động... còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập như: hệ thống chăm sóc sức khỏe thực tế còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế, thiếu thốn; mức độ bao phủ, mức độ trợ cấp còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời nhất là khi giá cả biến động, lạm phát tăng cao, dịch bệnh, thiên tai, xâm nhập mặn, bão lũ xảy ra. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay vẫn còn một bộ phận người cao tuổi phải tự mưu sinh, kiếm sống, cô đơn không nơi nương tựa cần được giúp đỡ, còn khoảng 5 % người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn nhân lực từ 60 tuổi đến 70 tuổi còn chậm được triển khai mạnh mẽ dẫn đến lãng phí chất xám. Mặc dù pháp luật đã điều chỉnh, tăng tuổi nghỉ hưu, song với những thách thức, khó khăn trước vấn đề già hóa dân số đòi hỏi Việt Nam cần có sự điều chỉnh chính sách, pháp luật, đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bảo đảm, thúc đẩy hơn nữa quyền của người cao tuổi trong thời gian tới.
4. Giá trị tham khảo cho Việt Nam
Qua nghiên cứu tình hình bảo đảm quyền của người cao tuổi và thực tiễn bảo đảm quyền của người cao tuổi tại một số quốc gia châu Á, có thể rút ra một số kinh nghiệm gợi ý cho Việt Nam như sau:
(1) Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người dân về vai trò, công lao đóng góp của người cao tuổi và sự cần thiết phải bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền của người cao tuổi.
Đây là giải pháp quan trọng mang tính chiến lược, lâu dài, là trọng tâm để phát triển bền vững được nhiều quốc gia chú trọng. Công tác tuyên tuyền, phổ biến kiến thức, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người cao tuổi và Nhân dân cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, có sự điều chỉnh, tính toán cụ thể bảo đảm tiết kiệm, phù hợp, khả thi tránh qua loa, hình thức, lãng phí. Về nội dung tuyên truyền nên thiết kế, tập trung các chuyên mục phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam như: vai trò, vị thế, trách nhiệm của người cao tuổi đối với gia đình, xã hội; cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe bản thân người cao tuổi; tiết kiệm chi tiêu, tích lũy tuổi già; toàn dân quan tâm, bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi; con, cháu hiếu thảo, lễ phép với bố mẹ, ông, bà; gương sáng điển hình về thực hiện công tác người cao tuổi; động viên người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia các câu lạc bộ, các chương trình, hội thi dành cho người cao tuổi, luyện tập thể dục, thể thao. Ngoài ra, cần quan tâm tuyên truyền trên báo, tạp chí điện tử hướng tới đông đảo bạn đọc. Chú ý bảo đảm dung lượng súc tích, dễ hiểu, ngắn ngọn, chất lượng, hấp dẫn, tiết kiệm, phù hợp từng diện đối tượng. Quan tâm tuyên truyền các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến người cao tuổi đang triển khai như: Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi năm 2021 - 2030; đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025; đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế...
(2) Tập trung nghiên cứu, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người cao tuổi.
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản... người cao tuổi khởi nghiệp là vấn đề được các quốc gia rất quan tâm. Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khuyến khích, ưu tiên người lao động cao tuổi khởi nghiệp. Mặt khác lồng ghép chính sách người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dành ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người cao tuổi. Việt Nam có thể tham khảo, chọn lọc các chính sách tạo việc làm, quan tâm, tạo điều kiện khởi nghiệp của người cao tuổi nhằm cải thiện thu nhập cho họ trong thời gian tới. Đồng thời có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Singapore... trong việc giữ chân sinh viên, người nước ngoài đang làm việc, học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Đặc biệt có chính sách, quy định pháp luật phù hợp nhằm trọng dụng, thu hút sinh viên xuất sắc, giỏi sau khi ra trường được ưu tiên tuyển dụng, công tác tại các cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp.
Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, ban hành sớm, khắc phục vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Việc làm nên có thêm các quy định hướng tới người cao tuổi, khuyến khích người cao tuổi khởi nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp thuê người cao tuổi làm việc bằng cách giảm thuế hoặc cung cấp các ưu đãi khác. Sự gia tăng tuổi thọ và thể chất, trong tương lai ngày càng nhiều người cao tuổi mong muốn được làm việc. Do đó, việc quan tâm, đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, hỗ trợ người cao tuổi tìm việc làm phù hợp cần được chú trọng hơn trong thời gian tới. Chính quyền địa phương các cấp cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm, Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 của Bộ Y tế...
(3) Nâng cấp, đầu tư thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng AI và các công nghệ hiện đại khác trong cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Trên thế giới, nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều rất quan tâm, đầu tư nghiên cứu ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế. AI giúp hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán, theo dõi bệnh lý, quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu, tư vấn và quản lý dược phẩm, chăm sóc, trò chuyện cùng người cao tuổi... đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Thời gian tới, Việt Nam nên đẩy mạnh đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng số lượng, chất lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI nhiều hơn nữa vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ y tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi khoa học công nghệ. Phát huy những mặt tích cực AI mang lại đồng thời hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này hướng tới điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh. Việt Nam và các nước Asean có thể tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm hay trong xây dựng Đạo luật trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Nghị viện châu Âu thông qua năm 2024.
(4) Thành lập thêm các câu lạc bộ, mở các lớp thể dục, thể thao, văn nghệ cho người cao tuổi, các lớp học tập thể dục dưỡng sinh, khí công... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.
Bên cạnh nhu cầu gia tăng số lượng, chất lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi thời gian tới nhu cầu tập thể dục, thể thao và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi nước ta cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Để đáp ứng được nhu cầu này các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể dục, thể thao, câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh... duy trì hoạt động và nâng cao hiệu quả. Tập thể dục, thể thao và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe, sống vui, sống có ích cho gia đình, xã hội. Ngoài ra, cố gắng tổ chức thêm các hoạt động thi đấu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sản xuất thêm các chương trình, thước phim hay, ý nghĩa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các quyền văn hóa, xã hội. Liên quan đến vấn đề sản xuất phim cần lưu ý sửa đổi Luật Điện ảnh bảo đảm tính khả thi, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, tham gia sản xuất phim, đồng thời bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho điện ảnh phát triển.
(5) Xây dựng, khắc phục hạn chế, bất cập của hệ thống bảo hiểm nước ta.
Hoạt động tư vấn, giải quyết quyền lợi của người mua bảo hiểm khi xảy ra tranh chấp cần được quan tâm hơn. Kiên quyết xử lý dứt điểm các kiến nghị, phản ánh của người mua bảo hiểm khi có tranh chấp xảy ra. Đối với bảo hiểm y tế, bảo đảm thực hiện đồng bộ, bao phủ theo chiều rộng (dân số), chiều sâu (các gói dịch vụ), chiều cao (bảo vệ tài chính) đối với người cao tuổi. Nhà nước cần quan tâm, tăng cường nguồn lực, đầu tư nghiên cứu, dành ngân sách thỏa đáng xây dựng thêm hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi. Về vấn đề này Việt Nam nên tham khảo thêm kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn theo 06 cấp độ thụ hưởng.
TS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Khoa Luật, Học viện Chính trị Công an nhân dân
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 37 (04/2024)
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Mai Hồ (2022), Các nước thích ứng thế nào với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, http://mytequan3.medinet.goc.vn, đăng ngày 10/12/2022, truy cập ngày 24/01/2024.
(2) Tùng Anh (2023), Singapore: Kế hoạch quốc gia giúp người cao tuổi có đời sống và việc làm tốt hơn, https://dangcongsan.vn, đăng ngày 30/01/2023, truy cập ngày 19/01/2024.
(3) https://www.index.go.kr/potal/main/EachDtlPageDetail.do?idx_cd=1428. truy cập ngày 24/01/2023.
(4) Thương Nguyệt (2023), Hàn Quốc: Bùng nổ cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh dân số già hóa, https:hanoi.moi.vn, đăng ngày 5/7/2023, truy cập ngày 24/1/2023.
(5) Võ Đăng Khoa, Huỳnh Anh Tuấn (2023), Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, http://xaydungdang.org.vn, đăng ngày 23/11/2023, truy cập ngày 24/01/2024.
(6) Võ Đăng Khoa, Huỳnh Anh Tuấn (2023), Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, http://xaydungdang.org.vn, đăng ngày 23/11/2023, truy cập ngày 24/01/2024.