Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội mới. Để đạt các mục tiêu đặt ra 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, chúng ta phải sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi quyền con người, quyền công dân phải được cộng nhận, được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả, do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra theo quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm là “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội”.

Để làm rõ vấn đề này, bài viết tập trung đi sâu làm rõ khía cạnh lý luận và định hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bảo đảm quyền con người để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới,

kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Nguồn: vovlive.vn

1. Theo Tổng Bí Thư Tô Lâm, Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên Công nghiệp, Kỷ nguyên Thông tin, Kỷ nguyên Kỹ thuật số, Kỷ nguyên Vũ trụ. Còn trước đây là Kỷ nguyên Đồ đá, Kỷ nguyên Cổ đại, Kỷ nguyên Trung cổ…Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại…[1]

Trên các diễn đàn xã hội cũng đang bàn luận sôi nổi về cụm từ “kỷ nguyên vươn mình” được hiểu là gì? Nội hàm của nó thế nào? Mặc dù vậy, việc tiếp cận có thể là còn khác nhau, nhưng kỷ nguyên có thể hiểu một cách đơn giản là ở mỗi thời kỳ được đánh dấu bằng sự chuyển biến về chất của xã hội, của đất nước, của quốc gia, dân tộc. Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam là thời kỳ lịch sử mới trong tiến trình phát triển của dân tộc, mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được thực hiện, hoàn thành, tạo ra bước ngoặt (sự biến đổi về chất) trong tiến trình phát triển mới của dân tộc.

Trong thời đại Hồ Chí Minh kể từ ngày lập Nước năm 1945 đến nay, nước ta đã trải qua những dấu mốc quan trọng như kỷ nguyên độc lập dân tộc, kỷ nguyên thống nhất đất nước, kỷ nguyên Đổi mới đất nước và hiện nay sau 40 năm đổi mới, chúng ta chính thức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dưới góc độ quyền con người, kỷ nguyên mới mở ra một thời kỳ mà ở đó mỗi con người, mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản đã được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, trong đó nhất là quyền của người dân được tham gia đầy đủ, hiệu quả, thực chất vào các công việc của nhà nước và xã hội; thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ bản thân, được tham gia đóng góp xây dựng, phát triển đất nước và quyền được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, thành quả của công cuộc đổi mới.

Vậy quyền con người là gì? Tại sao tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ tốt quyền con người lại quan trọng đến mức là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước?

Quyền con người, theo cách hiểu đơn giản nhất, là những đặc quyền tự nhiên thuộc về tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, dòng dõi, địa vị xã hội…; tất cả mọi người đều có quyền con người, vì đơn giản chúng ta là con người; các quyền con người đều xuất phát từ những nhu cầu, khát vọng tự nhiên, bắt nguồn từ nhân phẩm vốn có, được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng pháp luật quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia[2].

Quyền con người theo cách hiểu ngày nay là giá trị phổ quát, khi xem xét các vấn đề cụ thể có tính tới giá trị đặc thù về dân tộc, khu vực, bối cảnh lịch sử văn hóa, tôn giáo; quyền con người là không thể chia cắt (phải công nhận tầm quan trọng như nhau của tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội); các quyền con người phụ thuộc và có quan hệ lẫn nhau[3]. Và theo nhận thức chung của quốc tế, quyền con người chủ yếu mang tính cá nhân, nhưng vừa có các khía cạnh tập thể, nhất là từ khi Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn về quyền phát triển năm 1986, đã chính thức thừa nhận quyền phát triển là quyền con người (theo đó quyền con người vừa là một đặc quyền của cả dân tộc và của cả các cá nhân tạo dựng nên dân tộc đó[4]) và các ví dụ khi nói đến bảo vệ quyền môi trường, hay bảo vệ quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội là hàm ý thừa nhận khía cạnh quyền tập thể/quyền của nhóm.

Mặc dù là quyền tự nhiên, nhưng thực tiễn quyền con người lại không tự động đến được với mọi người, mọi dân tộc; mà để dành, bảo vệ các quyền tự nhiên của mình, con người đã phải trải qua quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, phải trả bằng máu và nước mắt của của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới qua hàng ngàn năm lịch sử để bảo vệ những giá trị cốt lõi là quyền bình đẳng, quyền được sống, được tôn trọng phẩm giá con người với mục tiêu hướng tới một xã hội tự do, công bằng mà không có sự sợ hãi, sự thiếu thốn, không bị có bất cứ sự phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tín ngưỡng, địa vị xã hội, dân tộc…

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhờ đoàn kết dân tộc mà đã huy động được sức mạnh để chống chọi với thiên tai, địch họa, duy trì nòi giống,  mở rộng biên giới, lãnh thổ quốc gia; đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh, chính nhờ phát huy nhân tố con người, phát huy được các giá trị của quyền con người (không phân biệt giai cấp, đảng phái, già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo…), Đảng ta đã xây dựng được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì thế, một đất nước muốn phát triển bền vững, thì phải đặc biệt quan tâm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền của tất cả mọi người, nhóm người, mỗi dân tộc sinh sống trong phạm vi lãnh thổ với quan điểm đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết giai cấp, để huy động được sức mạnh, trí tuệ của từng người, mỗi người và nhóm người…tạo nên sức mạnh cộng sinh của cả dân tộc; đó là cơ sở phát triển bền vững đất nước. Vì thế bài học lịch sử rút ra bất kỳ dân tộc nào, quốc gia nào không dựa trên các nguyên tắc tôn trọng các giá trị khác biệt dẫn tới sự kỳ thị, phân biệt đối xử, đàn áp, áp bức dựa trên cơ sở về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dòng dõi dân tộc, quan điểm, chính kiến khác biệt… thì dễ rơi vào rối loạn xã hội, thậm chí là phân ly, chiến tranh, xung đột xã hội.

2. Trong thư gửi Hội thảo khoa học Quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển đất nước”, Tổng Bí thư Tô Lâm có đề cập đến khái niệm “phát triển con người XHCN” và “phát huy vai trò, giá trị quyền con người XHCN để tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Đối với phát triển con người mới XHCN thì không phải là khái niệm mới, nhưng quyền con người XHCN thì đây là lần đâu tiên, Đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đề cập. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt cần được định hướng trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới và đề xuất xây dựng nền tảng, tư tưởng lý luận mới của Đảng cộng sản Việt Nam về quyền con người xã hội chủ nghĩa, khi đất nước chính thức bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Quyền con người XHCN không mâu thuẫn với giá trị phổ quát của quyền con người mà Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, qua đó quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại. Chúng ta nhấn mạnh yếu tố XHCN, trước hết để khẳng định, xã hội XHCN là một chế độ xã hội tốt đẹp nhất trong tất cả các chế độ xã hội mà loài người đã trải qua đó là vì con người, vì quyền con người. Chỉ có CNXH quyền con người mới thực sự được bảo đảm, con người mới thực sự được giải phóng, không còn chế độ người bóc lột người; con người mới có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; mới có điều kiện để thụ hưởng đầy đủ, trọn vẹn nhất các quyền và tự do của mình; mới có điều kiện là chủ và làm chủ đất nước.   

Hiện nay Đảng ta chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế dựa trên 3 trụ cột: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN, trong đó, xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không chỉ xác định con người là trung tâm, mà còn xác định quyền con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Thực hiện hiệu quả các quyền và tự do cơ bản của con người sẽ là cơ sở để hiện thực hóa quan điểm lấy con người là trung tâm. Đặc biệt tầm quan trọng của quyền con người trong mối quan hệ với 3 trụ cột còn được thể hiện ở chỗ, đó là quyền con người không phải là phái sinh từ 3 trụ cột, mà là nền tảng để trên cơ sở đó xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì thế, không thể có nền kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ XHCN đích thực, nếu như quyền con người không được công nhận, được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả trong xã hội.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và đặc biệt là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, một trong những nguyên tắc đặc biệt quan trọng là công dân được phải làm tất cả những gì pháp luật không cấm? cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định và quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Đây là một trong những trăn trở rất lớn của Tổng Bí Thư Tô Lâm với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo hiện nay là “mở rộng không gian phát triển”; “chấm dứt tư tưởng không quản lý được thì cấm”. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, nguyên tắc vận hành phải tuân theo đó là thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật. Nhưng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền là “phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân[5]”. Do đó, phải thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Nghĩa là dựa trên cơ sở pháp luật, nếu có quy định cấm thì công dân không được làm, ngược lại không có quy định cấm thì công dân được làm. Do đó yêu cầu pháp luật phải minh bạch để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không dẫn tới vi phạm pháp luật không đáng có.

Nguyên tắc này cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban chấp hành trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.

Song song với thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, thì đồng thời cũng cần quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định và quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định vì họ là những người nắm quyền lực nhà nước, vận hành bộ máy công quyền, nên chỉ được làm theo đúng thẩm quyền pháp luật quy định, vì nếu vượt thẩm quyền thì sẽ dẫn tới lạm dụng quyền lực, vi phạm quyền con người, quyền công dân. Còn quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, có nghĩa khi công dân được hưởng quyền thì đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với nhà nước, xã hội mà mình đang sống với nguyên lý không ai chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ và ngược lại cũng không ai chỉ thực hiện nghĩa vụ mà không được hưởng quyền. Và như vậy, quyền và nghĩa vụ có mối quan hệ hài hòa, bổ sung cho nhau, không triệt tiêu nhau.

Nhà nước pháp quyền XHCN đề cao tính tối cao của hiến pháp và pháp luật, yêu cầu thượng tôn hiến pháp, thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền còn đòi hỏi tuân theo các tiêu chí của một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.

Để thực hiện mục tiêu này, rõ ràng việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái hiến pháp, trái với luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo đảm quyền con người trong kỷ nguyên vươn mình. Kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi quyền con người, quyền công dân phải được cộng nhận, được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả, do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra theo quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm là “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội[6]”. Vì vậy, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái hiến pháp, pháp luật mà có thể dẫn tới vi phạm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, kỷ nguyên vươn mình, cần thiết phải đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ. Đây là yêu cầu, là đòi hỏi trong quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, vì Nhà nước pháp quyền đề cao hiến pháp, pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, mà pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN là phải phát huy dân chủ, vì con người, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân nên rất cần đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ.

Các đạo luật do Quốc hội ban hành cũng như các văn bản dưới luật phải có đánh giá tác động về quyền con người, để bảo đảm rằng các quy định pháp luật được ban hành phải phù hợp với các quyền con người, quyền công dân đã được hiến pháp quy định và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Đây là yêu cầu bắt buộc để quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Cùng với thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản pháp luật trái hiến pháp, luật có thể dẫn tới vi phạm quyền con người, quyền công dân thì cũng cần quán triệt quan điểm, tinh thần của Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đó là xây dựng hệ thống pháp luật nhân đạo. Hệ thống pháp luật nhân đạo với quan điểm “pháp luật tồn tại phải vì con người, chứ không phải con người tồn tại vì pháp luật”, hệ thống pháp luật nhân văn, nhân đạo, vì con người, bảo vệ quyền con người liên quan rất nhiều đến xây dựng hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự, đặc biệt các điều luật có liên quan tới tính mạng con người, như vấn đề hình phạt và hình phạt tử hình.

Hiện nay, Việt nam chưa có kế hoạch sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Nhà nước ta đang còn có 18 tội danh có khung hình phạt tử hình. Theo chuẩn mực quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải bỏ tử hình trong bộ luật hình sự, nhưng khuyến khích các quốc gia giảm tử hình và tiến tới xóa bỏ tử hình. Trường hợp còn áp dụng tử hình thì chỉ nên áp dụng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là tội phạm cố ý giết người.

Theo số liệu thống kê mới nhất trên thế giới, hiện đã có 170 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bỏ án tử hình trong bộ luật hình sự hoặc ngưng thi hành án tử hình (áp dụng luật đình chỉ thi hành tử hình, nghĩa là tuyên nhưng không thi hành). Nghiên cứu Nghị quyết số 27/NQ-TW của Ban chấp hành trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới, thì quan điểm  là “xây dựng hệ thống pháp luật nhân đạo”. Điều này rất quan trọng trong vấn đề bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tránh mọi sai sót có thể xẩy ra trong hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với mục tiêu trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045; một xã hội phồn vinh, hạnh phúc, giàu có, thịnh vượng, trong đó mọi người đều được thụ hưởng đầy đủ quyền con người thì việc nghiên cứu có lộ trình và bước đi thích hợp trong việc từng bước tiếp tục giảm hình phạt tử hình là cần thiết trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

PGS.TS. Tường Duy Kiên

Viện trưởng Viện Quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[2] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 14

[3] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người – tuyển chọn, sách tham khảo. Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 60

[4] Như trên, trang 54