Sáng kiến xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em đã được triển khai tại hơn 30 quốc gia nhằm giải quyết yêu cầu về việc thực hiện các quyền của trẻ em trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, đô thị hóa và di dân từ nông thôn ra thành thị đã trở thành xu hướng chính trong suốt ba thập kỷ qua, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với sự phát triển, phồn thịnh của Thành phố, nhiều trẻ em vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển của trẻ.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, đô thị hóa và di cư từ nông thôn ra thành thị đã trở thành xu hướng chính trong suốt ba thập kỷ qua và hiện nay đã trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong khu vực có số dân đô thị lớn nhất Ðông Á, với hơn 32 triệu người, trong đó trẻ em chiếm 26%. Dự báo đến năm 2025, sẽ có khoảng 52 triệu người sống ở các khu vực đô thị. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Thành phố Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh) là hơn 13 triệu người (khoảng 80% sống ở khu vực thành thị), trong đó có khoảng hơn 1,5 triệu trẻ em độ tuổi 0-16 (trong đó hơn 16.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hơn 35.000 em đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 25.000 trẻ sống trong các hộ cận nghèo và hơn 350.000 trẻ sống trong các hộ nhập cư và chỉ có đăng ký tạm trú). Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tạo ra nhiều lợi thế cho dân cư thành thị nhưng bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa quá tải ở Việt Nam nói chung, ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, dẫn đến tình trạng một bộ phận dân cư thành thị không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ, tiện ích cơ bản, kéo theo đó là các quyền cơ bản của trẻ em không được đảm bảo.

Sáng kiến “Thành phố thân thiện với trẻ em” được khởi xướng từ năm 1996 đã tạo ra một phong trào ở tất cả các khu vực để hướng dẫn các thành phố và quản trị địa phương cách thức nhằm đảm bảo quyền của trẻ em sẽ được đặt ở vị trí trung tâm trong các chính sách, chương trình và cơ cấu. Trong hơn 25 năm qua, sáng kiến này đã thu hút được sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan với sự hỗ trợ của UNICEF tại hơn 50 quốc gia nhằm đảm bảo các thành phố sẽ thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em sẽ được ghi nhận, phản ánh trong các chính sách, luật pháp, chương trình và ngân sách, mà trong đó trẻ em chính là những tác nhân chủ động ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định.

Trên tinh thần đó, ngày 25/9/2015, Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng UNICEF Việt Nam ký cam xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành “Thành phố thân thiện với trẻ em” đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ em tham gia hoạt động thông qua các cơ chế được thiết lập; cam kết xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với trẻ em trong các chính sách, hành động của chính quyền địa phương; bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em, đặc biệt là các quyền cơ bản như: quyền được sống và phát triển, quyền được đi học, quyền được bảo vệ... trước những tác động của quá trình đô thị hoá nhanh và di dân mạnh mẽ.

2. Nội dung nghiên cứu

a) Những thách thức đối với việc bảo vệ quyền trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh đô thị hóa

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có thu nhập cao nhất cả nước, đóng góp gần 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP bình quân đầu người gấp ba lần mức trung bình quốc gia. Nhưng sự phồn thịnh này cũng ẩn giấu đói nghèo và bất bình đẳng ảnh hưởng đến người nghèo đô thị, bao gồm cả trẻ em. Với tốc độ đô thị hoá và sự gia tăng dân số cơ học nhanh chóng, trẻ em từ các hộ gia đình thành thị nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quan trọng, đây chính là nguyên nhân gây nên vòng luẩn quẩn của bất bình đẳng, nghèo đói và tụt hậu. Hiện nay, trẻ em ở TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với những thách thức cơ bản sau:

Thứ nhất, vấn đề dinh dưỡng trẻ em - “gánh nặng kép”

Theo báo cáo khu vực ASEAN của UNICEF/WHO, trẻ em TP Hồ Chí Minh hiện nay đang phải đối mặt với cả 2 vấn đề: thừa và thiếu dinh dưỡng, đây được coi là “gánh nặng kép” về dinh dưỡng trẻ em1. Bên cạnh suy dinh dưỡng thể thấp còi, thì tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì (suy dinh dưỡng thể béo phì) ngày càng gia tăng ở thành phố lớn. Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì trên toàn quốc là 5,3%; riêng TP Hồ Chí Minh, số trẻ thừa cân, béo phì đã tăng lên gấp 3 lần trong vòng 10 năm gần đây (từ 3,7% lên 11,5%)2. Nguyên nhân chủ yếu được xác định bao gồm các nguyên nhân trực tiếp (không hoạt động thể chất, mất cân bằng năng lượng, nạp thừa vi chất dinh dưỡng), các nguyên nhân sâu xa (các thực hành dinh dưỡng, chỉ đủ khả năng mua thực phẩm không lành mạnh), và các nguyên nhân có tính hệ thống (lối sống, chương trình y tế học đường, tình hình kinh tế - xã hội,...). Đặc biệt, ở nguyên nhân có tính hệ thống, một phần là do tâm lý, quan niệm của người lớn thích trẻ bụ bẫm, một phần là do điều kiện kinh tế - xã hội ở đô thị phát triển nhanh, nhiều gia đình khá giả có khả năng đáp ứng tốt các nhu cầu của trẻ. Kèm theo đó là sự đa dạng về nguồn lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thức ăn nhanh, thức ăn đường phố phong phú và đa dạng, hợp khẩu vị của trẻ nhưng trong đó hàm chứa nhiều chất béo khó chuyển hoá cũng là những nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.

Thứ hai, vấn đề nhiễm HIV/AIDS

Theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần ba lần so với năm 20113. Thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Đặc biệt ở những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh - với tốc độ đô thị hoá và di dân nhanh dẫn đến tình trạng thành phần dân cư phức tạp, trình độ không đồng đều, cộng với việc nhiều gia đình, bố mẹ bận rộn với công việc, mưu sinh nên ít có thời gian quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển thể chất cũng như tâm - sinh lý của trẻ, khiến trẻ dễ bị lôi kéo, dụ dỗ sa vào những sinh hoạt, lối sống thiếu lạnh mạnh làm cho tỷ lệ trẻ em có nguy cơ lây nhiễm hoặc bị lây nhiễm HIV/AIDS tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống, chuẩn mực và giá trị xã hội, thiếu chính sách liên quan tới thanh - thiếu niên, hoàn cảnh gia đình, văn hóa, nghèo đói, môi trường cộng đồng và trường học.

Thứ ba, vấn đề tiếp cận giáo dục

Trong 25 năm qua, tỷ lệ trẻ em đi học ở TP Hồ Chí Minh tăng cao, đặc biệt là đạt mức cao đỉnh điểm vào năm học 2011-2012 nhờ chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ mầm non đi học tăng cao thì số lượng giáo viên mầm non công lập ở TP Hồ Chí Minh lại chỉ đáp ứng được khoảng hơn một nửa và trẻ mầm non nhập học trường công lập có xu hướng giảm so với khu vực ngoài công lập4. Đặc biệt, trẻ em nhập cư chiếm phần lớn trong tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở độ tuổi 5 tuổi và tiểu học (lần lượt là 92% và 86,4%). Điều này cho thấy trẻ em nhập cư tiếp cận giáo dục hạn chế hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ khuyết tật5 ngoài nhà trường ở TP Hồ Chí Minh còn chiếm tỷ lệ cao, số trẻ khuyết tật 5 tuổi ngoài nhà trường cao gấp gần 6 lần tỷ lệ này ở những trẻ không khuyết tật6. Mặc dù tỷ lệ học sinh TP Hồ Chí Minh bỏ học thấp (do học sinh đông), nhưng số lượng học sinh bỏ học lại khá lớn so với cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của giáo dục trong dài hạn, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu giáo viên có kỹ năng (đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học), nạn phân biệt đối xử, bắt nạt và bạo lực học đường, thiếu dữ liệu về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để có chính sách hỗ trợ kịp thời...

Trong những năm qua, chính quyền Thành phố, ngành giáo dục và đào tạo cũng như các ban ngành liên quan đã dành nhiều nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục nhằm đảm bảo mọi trẻ em của Thành phố đều được đến trường và đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em chưa được đi học, còn nhiều trẻ vẫn đang học tại các cơ sở chất lượng không đảm bảo. Hơn nữa, có những chính sách, ví dụ chính sách miễn học phí tại các trung tâm dạy nghề, không áp dụng với trẻ em tự di cư hoặc di cư theo bố mẹ lên thành phố làm việc và chưa có hộ khẩu. Ngoài ra, mặc dù các “lớp học tình thương” và “các lớp phổ cập” đã tạo cơ hội giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy những lớp học này đáp ứng các kết quả giáo dục như mong đợi.

Thứ tư, vấn đề bạo lực và bóc lột trẻ em

Vấn đề bạo lực đối với trẻ em hiện nay vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở cả đô thị và nông thôn, dù ít hay nhiều tuỳ thuộc vào mỗi gia đình. Việc sử dụng bạo lực đối với trẻ em như một hình thức kỷ luật thường được coi là vấn đề nội bộ trong gia đình ở Việt Nam và chưa được các cơ quan chức năng can thiệp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, thời gian gần đây tình trạng bạo lực học đường, không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn giữa giáo viên và học sinh cũng diễn ra khá phổ biến. Tình trạng các trẻ em gái bị xâm hại, quấy rối ở các địa điểm công cộng như bến xe, công viên, đường phố... vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Trong những năm qua, tại TP Hồ Chí Minh, vấn đề trẻ em nhập cư và lao động trẻ em ở thành phố vẫn trong tình trạng khó kiểm soát và ít nhiều còn lúng túng trong can thiệp, trong cơ chế phối hợp giữa thành phố với các địa phương có nhiều trẻ em đến TP Hồ Chí Minh. Hơn nữa, các nhà máy lớn thường áp dụng những chính sách nghiêm ngặt về tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi nên để kiếm thu nhập do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em thường làm việc ở các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hay trong gia đình - nơi mà các em có nhiều nguy cơ bị bóc lột. Có nhiều em phải làm việc tăng ca liên tục, chưa kể đến điều kiện và môi trường lao động nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm - sinh lý của trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do quá trình đô thị hóa nhanh  kèm theo việc nhập cư ồ ạt dẫn đến khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, cư dân nghèo thành thị phải bươn chải để mưu sinh; một phần do các chuẩn mực xã hội dung túng việc sử dụng bạo lực để kỷ luật trẻ em, việc thiếu một cơ chế điều phối hiệu quả, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, một số quy định chưa phù hợp, thiếu dữ liệu tin cậy về bạo lực đối với trẻ em. Đây là những thách thức lớn đối với việc nỗ lực chấm dứt tình trạng xâm hại và bóc lột trẻ em.

Chương trình bảo vệ trẻ em của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 xác định rõ mục tiêu “Mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm thiểu nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ trẻ em để không bị xâm hại; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển”7. Tuy nhiên, đến nay Chương trình chưa được tổng kết đánh giá để xác định những hiệu quả mang lại cho trẻ em, cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Thứ năm, vấn đề vi phạm pháp luật ở trẻ chưa thành niên

Số người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại TP Hồ Chí Minh luôn ở con số báo động. Từ năm 2018 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do 884 nghi can dưới 18 tuổi thực hiện, trong đó người dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 27,26%, dưới 18 tuổi là 69,12%. Nam giới chiếm hơn 95%. Hơn 71% người trẻ phạm pháp ở TP Hồ Chí Minh có trình độ học vấn thấp, phần lớn đã bỏ học: có 3,75% không biết chữ, tiểu học 29,33%, THCS 46,51%, THPT 20,41%. Trong 884 đối tượng phạm pháp có đến 553 đối tượng đã bỏ học (chiếm 71,44%)8. Đặc biệt, trộm cắp tài sản và cướp giật là loại vi phạm đặc biệt phổ biến của người chưa thành niên ở TP Hồ Chí Minh (290/884 vụ). TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên và đang thí điểm mô hình hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: một mặt là do cha mẹ vì điều kiện kinh tế, mưu sinh mà ít quan tâm, chia sẻ, giám sát trẻ; một mặt là ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện Internet, mạng xã hội phát triển - trẻ tiếp thu quá nhanh nhưng thiếu chọn lọc, bị sai lệch, thiếu sự định hướng của phụ huynh. Trên môi trường mạng đã xuất hiện các hội nhóm hoạt động lôi kéo, kích động thanh thiếu niên phạm pháp (gây rối, đánh nhau, đua xe, trộm cắp...). Tuy nhiên, vấn đề thực trạng trẻ em phạm pháp không chỉ là trách nhiệm từ phía gia đình, mà còn là trách nhiệm từ phía nhà trường và xã hội.

Với những thách thức đó, nếu chính quyền và người dân thành phố không có những giải pháp kịp thời thì quyền của trẻ em khó có thể được đảm bảo như cam kết trong các điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia.

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường 
và trong cộng đồng của mình. Nguồn: tuyengiao.vn.

b) Những vấn đề trọng tâm của công cuộc xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh đô thị hoá

Thứ nhất, xây dựng các chương trình, chính sách đáp ứng các nhu cầu của trẻ.

Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em đòi hỏi các chính sách và chương trình hành động phải xuất phát từ chính nhu cầu của trẻ, có khả năng đáp ứng các nhu cầu của trẻ. Các chương trình, chính sách cần tập trung vào việc nâng cao năng lực của trẻ như: năng lực tư duy và phản biện với các vấn đề trong gia đình - nhà trường - xã hội; nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin và niềm tin vào khả năng tạo ra những thay đổi tích cực; làm cho trẻ ý thức được sự tham gia của bản thân vào quá trình phát triển gia đình và xã hội, để trẻ cảm thấy tự hào vì có thể làm được điều đó. Xây dựng các nhóm liên kết hỗ trợ gia đình; thiết kế các chương trình đào tạo kỹ năng và nhận thức cho giáo viên có vai trò thiết yếu để dạy dỗ, định hướng và tham vấn tâm lý cho trẻ. Kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, tổ chức đoàn - hội, doanh nghiệp thông qua các câu lạc bộ, diễn đàn hoặc nền tảng trực tuyến.

Tăng cường quan hệ đối tác với cộng đồng đô thị và thu thập bằng chứng về phúc lợi trẻ em ở thành thị để xây dựng chính sách. Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em đòi hỏi sự tham gia và mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế để cải thiện tình trạng của trẻ em nghèo, trẻ em bị yếu thế, những em có nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng.

Để thực hiện được điều này, cần phải tiến hành các nghiên cứu, đánh giá, khảo sát và thu thập các bằng chứng để làm căn cứ xây dựng chương trình, chính sách bảo vệ các quyền trẻ em về các vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, cung cấp dịch vụ thiết yếu cho trẻ, nâng cao kỹ năng làm việc của lao động trẻ yếu thế... Đây sẽ là cơ sở để xây dựng có hiệu quả mô hình “thành phố thân thiện với trẻ em”, đảm bảo thực hiện nội dung trọng tâm trong mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư hiệu quả, an toàn, đồng bộ và bền vững.

Thứ hai, ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em.

Để thúc đẩy và bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho trẻ em dễ bị tổn thương tại thành phố thịnh vượng nhất của cả nước, việc xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em là hết sức cần thiết để tiếng nói, nhu cầu, ưu tiên và quyền của trẻ em trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình, chính sách công. Điều này có thể thực hiện thông qua việc đảm bảo các nội dung sau:

Một là, ưu tiên tăng cường các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, tăng cường sức khỏe sinh sản vị thành niên, gồm cả phòng chống HIV/AIDS; đảm bảo trẻ nhập cư có thể tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế cơ bản; tăng cường triển khai việc cải thiện thu thập và việc làm, quản lý dữ liệu của trẻ và nhóm trẻ yếu thế. Cụ thể là cần xây dựng các giải pháp can thiệp dinh dưỡng tập trung vào 1000 ngày đầu đời theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia9; đào tạo nâng cao năng lực mạng lưới cán bộ dinh dưỡng, phối hợp các chuyên khoa sản – nhi với vai trò chủ lực của đơn vị chuyên môn về dinh dưỡng của địa phương là Trung tâm Dinh dưỡng thành phố; đầu tư nguồn lực của chính quyền thành phố và sự tham gia của cộng đồng trong việc tăng cường dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời, góp phần nâng cao sức khoẻ thể lực lẫn trí tuệ, tinh thần cho trẻ cũng như góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, của quốc gia.

Hai là, cải thiện vấn đề tiếp cận giáo dục cơ bản, chất lượng. Với đặc thù là thành phố đông dân, cả ngụ cư lẫn nhập cư, số trẻ trong độ tuổi đi học ở TP Hồ Chí Minh luôn ở mức cao. Do đó, một số quy định hiện nay không phù hợp với đặc thù của thành phố cần sớm được điều chỉnh. Cụ thể như: quy định liên quan đến trường mầm non tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT10 về diện tích đất/trẻ tối thiểu của trường mầm non là 10-12m2/trẻ (trước đây là 8m2/trẻ), quy định trường mầm non có tối thiểu 9 nhóm-lớp (trước đây là các nhóm - lớp mầm non có từ 70 trẻ trở xuống) đều không phù hợp với thành phố “đất chật, người đông”. Do đó cần điều chỉnh quy định để đảm bảo cơ sở vật chất trường, lớp đủ cho trẻ được đến trường. Nếu số lượng học sinh nhiều hơn phải xây thêm lớp học hoặc thêm trường để đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chỉ tiêu “300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học”11 với lộ trình và các giải pháp cụ thể, kết hợp thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp song song với quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền “mọi trẻ em đều được đi học”. Đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên để không chỉ dạy cho trẻ kiến thức mà còn dạy kỹ năng, hình thành nhân cách, phát triển tư duy nhận thức cho trẻ cũng như tham vấn tâm lý cho trẻ khi cần thiết.

Ba là, giải quyết vấn đề bạo lực đối với trẻ em. Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình bởi đây là đối tượng nhạy cảm đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, phát triển thể chất và tâm - sinh lý. Do đó, ngăn chặn, ứng phó và giải quyết tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em trong môi trường hoạt động hàng ngày là một trong những vấn đề không chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh - bao gồm trong trường học, tại gia đình và cộng đồng - và xuyên suốt các lĩnh vực giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Luật Trẻ em, đặc biệt áp dụng các phương pháp hướng tới ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em trước khi hành vi xảy ra và phản ứng khi/sau khi bạo lực xảy ra, sớm xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em đáp ứng nhiều hình thức và nguyên nhân bạo lực khác nhau. Đồng thời, nâng cao năng lực nhận thức và kỹ năng kiềm chế cảm xúc cho cha mẹ, người chăm sóc để chấm dứt tình trạng kỷ luật bạo lực trong gia đình, nhà trường gắn với tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội để hỗ trợ các gia đình giải quyết được các yếu tố thuộc về nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực đối với trẻ em.

Bốn là, ngăn chặn sự gia tăng hành vi vi phạm pháp luật của trẻ chưa thành niên. Để giải quyết được tình trạng này cần có sự phối hợp từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, xã hội để đánh giá một cách toàn diện về hoàn cảnh gia đình, trong từng sự việc… để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật thì mới có giải pháp phù hợp, kịp thời. Gia đình và nhà trường đều đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ: gia đình là một trong các bên thực hiện quản lý, định hướng cho trẻ phát triển như dạy dỗ, tham vấn tâm lý; trong khi đó nhà trường lại có vai trò quan trọng trong việc trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng sống, kỹ năng cân bằng trạng thái cảm xúc và cân bằng cuộc sống... thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động toàn diện, tạo nhiều sân chơi, tạo môi trường thỏa mãn niềm đam mê của trẻ kết hợp định hướng tâm lý cho trẻ vì thực tế cho thấy đa số người trẻ phạm tội phần lớn đã nghỉ học vì nhiều lý do, trong đó có lý do vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đổ vỡ. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp tạo ra mạng lưới để hỗ trợ các em tinh thần phòng ngừa một cách chủ động. Trong giai đoạn hiện nay có thể sử dụng công cụ mạng xã hội để tạo ra các kết nối ảo nhưng tạo ra giá trị thật giữa gia đình và nhà trường, giữa các trường với cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo để công tác quản lý, giáo dục trẻ em đạt hiệu quả cao nhất. Ở góc độ gia đình, cha mẹ cần kiểm soát hành vi và kiểm duyệt những nội dung phim ảnh của con em mình vì trẻ thường có xu hướng làm theo các hình ảnh trên phim, mạng internet...

Thứ ba, bảo đảm thực hiện các nguyên tắc kinh doanh và quyền trẻ em12.

 Tăng cường cơ chế phối hợp và bảo đảm thực hiện các cam kết của cộng đồng khối doanh nghiệp trong việc tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em đã được nêu trong các nguyên tắc kinh doanh thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Một số ngành công nghiệp chủ chốt hiện nay có tác động tiềm ẩn lớn đối với trẻ em như: (1) Ngành may mặc và da giày: là ngành công nghiệp cung cấp nhiều cơ hội việc làm ổn định cho người lao động, tạo ra nguồn thu nhập quan trọng cho các gia đình và giảm nghèo. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải bảo đảm các vấn đề về bảo vệ lao động nữ có con nhỏ/đang cho con bú, lao động đang mang thai, lao động trẻ em... (2) Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): tham gia hỗ trợ việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt hiện nay, ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, các thiết bị số như điện thoại di động, iPad, máy vi tính kết nối internet, ti vi kỹ thuật số, máy chơi trò chơi điện tử... đều có sẵn ở mọi nơi (tại nhà riêng, khu vui chơi giải trí, tiệm Internet...), nếu thiếu sự quan tâm, giám sát, hướng dẫn của người lớn thì trẻ em rất dễ bị phụ thuộc và ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng không đúng cách các thiết bị này. Do đó, việc cải thiện cách tiếp cận Internet, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin và thực hiện các biện pháp can thiệp để thúc đẩy môi trường mạng an toàn hơn cho trẻ em là thực sự cần thiết và cần có sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp. (3) Ngành du lịch và lữ hành: tham gia giải quyết vấn đề cơ bản liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, đó là vấn nạn buôn bán trẻ em và trẻ em tham gia vào hoạt động mại dâm. Vì vậy thông điệp “hãy là khách du lịch, lữ hành an toàn với trẻ em” cần được tuyên truyền sâu rộng trong mọi cuộc hành trình, mọi điểm đến của ngành này để mọi người đều có trách nhiệm thực hành và khai báo dù là trông thấy hay có dấu hiệu nghi ngờ nhằm đảm bảo tất cả trẻ em đều không bị xâm hại về thể chất, tinh thần và tình dục.

Đối với người lao động có con nhỏ đang làm việc trong doanh nghiệp, họ thường xuyên phải đối mặt với vấn đề gửi con và chăm con bên cạnh vấn đề kiếm tiền mưu sinh. Nếu doanh nghiệp cam kết hỗ trợ, quan tâm và giúp họ tháo gỡ vấn đề này thì họ sẽ yên tâm làm việc và những đứa trẻ đó trong tương lai có thể trở thành nguồn lực lao động, là nhà đầu tư và cũng là khách hàng của chính doanh nghiệp. Đó cũng chính là việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Do đó, tôn trọng quyền trẻ em trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Mặc dù trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện với trẻ em thông qua việc triển khai các chính sách và chương trình bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, các hình thức xâm phạm quyền trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp và chịu ảnh hưởng lớn của nhiều yếu tố nguy cơ ở các cấp độ khác nhau đòi hỏi phải có cam kết mạnh hơn, nỗ lực phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các ban ngành, tổ chức dân sự, các doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng và của cả chính trẻ em nhằm chấm dứt tình hình vi phạm quyền của trẻ em. Trong những năm tới, cần xác định hướng ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện ở địa phương thông qua việc tăng cường điều phối, phối hợp liên ngành, phát triển nghề công tác xã hội, tăng cường các dịch vụ phòng ngừa và bảo vệ chuyên biệt để đáp ứng các nhu cầu bảo vệ trẻ em, và thúc đẩy hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em.

Kết luận

Việc thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em cũng như tích cực phát huy, tăng cường các hoạt động để đạt các tiêu chuẩn của “Thành phố thân thiện với trẻ em” rất cần sự đồng thuận, phối hợp của các tổ chức, đơn vị, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, cộng đồng, xã hội và những người có ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em, trong đó có khu vực tư nhân. Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống của trẻ em ở TP Hồ Chí Minh mà còn xây dựng thành phố và cộng đồng dân cư an toàn, hòa nhập, đáp ứng các nhu cầu của trẻ, bảo đảm thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em cũng như trực tiếp góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực Châu Á và có khả năng trở thành mô hình “thành phố thân thiện với trẻ em” kiểu mẫu trong khu vực, nơi mà mỗi trẻ em ngay từ khi sinh ra đều có cơ hội bình đẳng được sống và phát triển trong một môi trường an toàn. Sau TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn khác ở Việt Nam như Hà Nội và Đà Nẵng cũng đã tham gia mạng lưới xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em và có thể sẽ trở thành những mô hình điểm trong khu vực, đảm bảo mọi quyền lợi của trẻ em được thực hiện theo Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em nhằm xây dựng thành phố và cộng đồng dân cư thân thiện với trẻ em.

ThS. Hà Thị Liên

Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1) ASEAN, Liên minh Châu Âu, UNICEF và WHO, Báo cáo Khu vực về An ninh dinh dưỡng ở khu vực ASEAN, ASEAN, Tập 2.

(2) Báo cáo tại Hội nghị “Triển khai kế hoạch hoạt động dinh dưỡng năm 2018” ngày 12/4/2018 của Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh.

(3) “Số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 ngày càng gia tăng”, tại: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/so-tre-em-nhiem-hiv-do-tuoi-15-16-ngay-cang-gia-tang-626106/, truy cập ngày 05/8/2023.

(4) Báo cáo của UNICEF (2017), Phân tích tình hình trẻ em TP Hồ Chí Minh, trang 19

(5) Bao gồm Khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ theo Luật Người khuyết tật 2010.

(6) https://vietnam.un.org/sites/default/files/2019-08/Final_Policy_HCM_Viet.pdf

(7) “Chương trình bảo vệ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 3682/QĐ-UBND ngày 19/7/2016 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

(8) Trong số 516 vụ phạm pháp hình sự: giết người 11 vụ, cướp tài sản 47 vụ, hiếp dâm - cưỡng dâm 8 vụ, cố ý gây thương tích 70 vụ, trộm cắp 125 vụ, cướp giật 165 vụ, mua bán tàng trữ ma túy 17 vụ… Báo cáo của đại diện Công an TP. Hồ Chí Minh tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội” ngày 15/4/2021 do báo Thanh Niên tổ chức.

(9) Theo nhóm nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Hội Dinh dưỡng Việt Nam: dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày vàng có thể giúp cứu được khoảng 1 triệu trẻ em mỗi năm; giảm đáng kể nhân lực và chi phí chữa trị các bệnh như lao, sốt rét và HIV/AIDS; giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành; cải thiện năng lực học tập và kiếm sống của mỗi người.

(10) Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiều học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

(11) Đại hội Đảng bộ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu giáo dục phấn đấu đạt được 10 chỉ tiêu trọng tâm, trong đó có chỉ tiêu “đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học”.

(12) UNICEF - Quỹ cứu trợ trẻ em và mạng lưới hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc đã xây dựng cẩm nang quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh. Trong đó có những nguyên tắc như: Góp phần xóa bỏ lao động trẻ em trong tất cả các hoạt động kinh doanh và mối quan hệ kinh doanh; Tạo việc làm tốt cho lao động trẻ, cha mẹ và người chăm sóc; Đảm bảo sự bảo vệ và an toàn của trẻ em trong tất cả các hoạt động kinh doanh và cơ sở kinh doanh...