Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay, Đảng và Nhà nước ta coi trọng con người, lấy con người, quyền con người là trung tâm cho việc hoạch định chính sách, pháp luật. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thông qua việc tổ chức, triển khai thực hiện, Đề án góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người; nâng cao tri thức về quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành, cũng như đội ngũ giáo viên, giảng viên và học viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đã bước đầu triển khai việc tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người, tập huấn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa; xây dựng nhiều tài liệu tham khảo và chuyên khảo về quyền con người, phục vụ công tác giáo dục; nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia của một số nước. Các hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam cũng như trong các cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế; được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về nỗ lực và quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy giáo dục quyền con người; góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg, nội dung giáo dục về quyền con người gồm nội dung cơ bản của quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; các cơ chế bảo vệ quyền con người; kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Thực tiễn hiện nay, trong đào tạo nghề nghiệp không có môn học về quyền con người với tư cách là một môn học độc lập mà lồng ghép trong một số môn học. Tuy nhiên, việc lồng ghép nội dung quyền con người trong các môn học chung bắt buộc và trong chương trình đào tạo của các ngành nghề cụ thể còn hạn chế. Nguyên nhân là: (i) dung lượng kiến thức về quyền con người trong chương trình giảng dạy của giáo dục nghề nghiệp quá ít, chưa tương xứng với nhu cầu của đối tượng đào tạo; chưa đưa ra các quan điểm, cách tiếp cận của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, giúp người học có khả năng nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam; (ii) việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giảng dạy còn tuỳ thuộc vào nhận thức về mức độ cần thiết và năng lực của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp (iii) đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về quyền con người; ảnh hưởng đến nhận thức, kỹ năng và triển khai các nhiệm vụ; (iv) tài liệu và học liệu giảng dạy, học tập về quyền con người ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu và ít; (v) nội dung quyền con người chưa được lồng ghép trong các giờ giảng, do nhiều nguyên nhân hoặc có đề cập đến chỉ mang tính chất giới thiệu, thiếu khái quát do những hạn chế của giảng viên về vấn đề này.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm: có sự tham gia, đồng hành, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương, địa phương; các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Đổi mới hình thức, áp dụng mô hình truyền thông mới, có hiệu quả trong thực tiễn, gắn với công nghệ thông tin, các nền tảng số; đảm bảo thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện. Nghiên cứu tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Áp dụng công nghệ thông tin và lợi ích của các mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục quyền con người. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những lợi ích từ các mạng xã hội để phổ biến các thông tin về quyền con người một cách nhanh chóng và tiếp cận được rất nhiều đối tượng sử dụng.

Tổ chức lồng ghép giáo dục quyền con người với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo thuộc phạm vi quản lý của Bộ LĐTBXH.

Hai là, tăng cường hoạt động giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, xác định đúng các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp cho từng nhóm đối tượng và trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng).

Nghiên cứu đưa nội dung quyền con người thành một môn học vào chương trình đào tạo nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các trường chuyên luật. Đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp không chuyên luật, do xuất phát từ đặc thù của giáo dục nghề nghiệp, thực hiện lồng ghép mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người một cách hợp lý, vào các môn học có liên quan, trong các chương trình đào tạo, với những nội dung cụ thể và cho từng đối tượng cụ thể. Đối với học sinh sinh viên, chú trọng quyền con người trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm; cơ chế bảo vệ quyền con người; kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động; quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Đối với học sinh sinh viên học các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho cá nhân người lao động hoặc cộng đồng, có tính rủi ro cao về các chuẩn mực về quyền con người trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động thì cần được bổ sung ở thời lượng nhiều hơn, chuyên sâu hơn.

Ba là, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN rà soát, chỉnh lý, xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giáo dục và lồng ghép nội dung quyền con người vào chương trình đào tạo ở tất cả các ngành nghề. Xây dựng các hình thức, phương pháp giáo dục riêng, thích hợp với điều kiện, khả năng của từng đối tượng giúp việc truyền tải nội dung giáo dục quyền con người một cách sinh động, phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng ngay vào thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục quyền con người (phương pháp thuyết trình, nghiên cứu, đọc tài liệu; tự thuyết trình; phản hồi từ học sinh; thảo luận nhóm, phân tích bài tập tình huống, các tiểu phẩm v...v...; lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, khi học sinh sinh viên đi thực hành thực tập tại doanh nghiệp...); kết hợp với giáo dục ý thức khi sinh hoạt chính trị đầu vào, tác phong công nghiệp và cả luật tục đối với học sinh sinh viên các dân tộc.

Bốn là, đội ngũ nhà giáo về quyền con người là tiền đề quan trọng cho hoạt động giáo dục quyền con người, do đó cần phải có những biện pháp thích hợp để có được đội ngũ giáo viên, giảng viên có khả năng đảm nhiệm được môn học về quyền con người. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy quyền con người cho từng ngành nghề, trình độ đào tạo để có thể thực hiện lồng ghép và nhằm truyền tải nội dung quyền con người phù hợp với từng nhóm đối tượng giáo dục cụ thể, cũng như có thể vận dụng vào các chương trình đào tạo trong và ngoài nhà trường.

Năm là, tăng cường nguồn nhân lực và tài chính cho hoạt động giáo dục quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp, bởi lẽ nguồn lực về con người và tài chính là cần thiết đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động trong đó có công tác giáo dục quyền con người. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quốc tế trên lĩnh vực giáo dục quyền con người. Mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đào tạo với các cơ sở trên thế giới, liên kết với các tổ chức nhân quyền để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, tài liệu, kinh phí...cho hoạt động giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Nguyễn Hải Cường

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp