BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

HỒ CHÍ MINH

*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2021

CHUẨN ĐẦU RA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ

NGÀNH PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI

Tên ngành đào tạo: Pháp luật về Quyền con người

Tên chương trình đào tạo: Tiến sỹ Pháp luật về Quyền con người

Mã số ngành đào tạo: Thí điểm

Bậc đào tạo: Tiến sỹ

1. Mục tiêu đào tạo

1.1. Mục tiêu chung

Chương trình đào tạo trình độ Tiến sỹ Pháp luật về quyền con người nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về lý luận và năng lực thực tiễn trong lĩnh vực quyền con người; có khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống có liên quan tới quyền con người; có khả năng tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người; bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực quyền con người, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể

Chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ Pháp luật về quyền con người nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh:

               - Hệ thống kiến thức chuyên sâu, cập nhật và toàn diện các vấn đề lý luận và pháp luật về quyền con người; nắm vững và có khả năng phân tích, bình luận và đánh giá các quan điểm, học thuyết đương đại về quyền con người trong lịch sử nhân loại; luận giải và khả năng dự báo được những vấn đề mới có liên quan tới bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới;

             - Khả năng tư duy, nghiên cứu độc lập, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề khoa học liên quan đến lý luận, pháp luật và thực tiễn bảo vệ, thúc đẩy quyền con người;

               - Khả năng phân tích, đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định pháp luật quốc gia với chuẩn mực quốc tế về quyền con người; vận dụng lý luận

và pháp luật về quyền con người vào giải quyết các vấn đề do thực tiễn đòi hỏi;

               - Khả năng xây dựng mạng lưới nghiên cứu, khả năng lãnh đạo, hướng dẫn chuyên môn trên lĩnh vực pháp luật về quyền con người;

    - Năng lực nghiên cứu, giảng dạy, tư duy tranh biện học thuật về các vấn đề lý luận, pháp luật và thực tiễn bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá và giải quyết những vấn đề mới có ý nghĩa khoa học để đáp ứng nhu cầu công việc tại cơ sở nghiên cứu, giảng dạy hoặc các cơ quan xây dựng, áp dụng hoặc thực thi pháp luật, các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác ở trong và ngoài nước;

- Khả năng nhận biết, đấu tranh và phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về quyền con người, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng về quyền con người.

2. Chuẩn đầu ra

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người học sẽ đạt được các kiến thức và kỹ năng dưới đây:

Về kiến thức

- Có hệ thống kiến thức cơ bản, cập nhật những vấn đề lý luận và pháp luật về quyền con người;

- Có hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn thuộc đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh;

-  Có kiến thức về tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển các kiến thức mới thuộc ngành pháp luật về quyền con người.

Về kỹ năng 

- Có kỹ năng làm chủ các lý thuyết khoa học, phương pháp, công cụ phục vụ nghiên cứu và phát triển ngành pháp luật về quyền con người bao gồm hệ thống phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý, nghiên cứu liên ngành, đa ngành, đặc biệt là phương pháp nghiên cứu pháp luật về quyền con người và có khả năng vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học này để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học về quyền con người;

- Có kỹ năng phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề nhằm góp phần làm giàu và bổ sung tri thức chuyên môn mới cho ngành pháp luật về quyền con người;

- Có kỹ năng đề xuất các đề tài khoa học, chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan tới quyền con người từ cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước;

- Có các kỹ năng mềm của một nhà khoa học: kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng trình bày, truyền đạt kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thiết lập mạng lưới nghiên cứu giữa các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy quốc gia và cơ sở nghiên cứu, giảng dạy quốc tế về quyền con người v.v….

Về năng lực nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Pháp luật về quyền con người, nghiên cứu sinh có thể đảm nhiệm các công việc nhưng không giới hạn ở các vị trí:

- Nghiên cứu viên nghiên cứu về pháp luật và quyền con người tại các cơ sở giáo dục và đào tạo (trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu…);

- Giảng viên giảng dạy lý luận, pháp luật về quyền con người, giáo dục công dân ở các bậc đào tạo trung học, đại học và sau đại học;

- Chuyên gia làm công tác tham mưu, tư vấn, xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền con người trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mật trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, xã hội nghề nghiệp;

- Chuyên gia tư vấn, xây dựng và thực hiện quyền con người cho các dự án, chương trình, tổ chức quốc tế.

Về phẩm chất đạo đức

- Được rèn luyện đạo đức, rèn luyện tư cách, thái độ ứng xử xã hội đúng yêu cầu của một nhà khoa học có trình độ học vấn tiến sỹ.

- Có nhân cách và phẩm chất chính trị vững vàng, có tinh thần cầu thị, hợp tác và tôn trọng đồng nghiệp trong cuộc sống và hoạt động khoa học.

- Có phẩm chất nghề nghiệp cao, có tinh thần học tập suốt đời, say mê nghiên cứu, trung thực trong khoa học, có phương pháp làm việc khoa học, tư duy sáng tạo và đạt hiệu quả cao trong hoạt động nghiên cứu.

- Có ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân, cộng đồng và đất nước trên lĩnh vực quyền con người.