An ninh con người bao gồm việc bảo vệ con người khỏi những đe dọa, những tình huống nguy hiểm có tính phổ biến, những biến cố trong đời sống. Quyền con người và an ninh con người có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy trong bài viết này, tác giả phân tích vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với việc bảo đảm an ninh con người và quyền con người; từ đó nêu một số kiến nghị về nội dung của Luật này từ góc nhìn an ninh con người và bảo đảm một số quyền con người cụ thể.

1. Đặt vấn đề
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của nước ta khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Các quyền con người được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và các đạo luật quan trọng của đất nước.
Ngoài ra, các văn kiện của Đảng cũng xác định “an ninh con người” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nêu rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển đất nước giai đoạn 2016 - 2020 là: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững”1.  Văn kiện Đại hội Đảng XIII (năm 2021) tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người…”, “…Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương...”2. Đồng thời, “Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII” cũng khẳng định: “...thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”3.
Khái niệm “an ninh con người” được phân tích trong nhiều tài liệu và ở các góc độ khác nhau4. Theo Báo cáo về phát triển con người năm 1994 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), an ninh con người được xem xét ở hai góc độ. Thứ nhất, an ninh con người có nghĩa là an toàn của con người trước những mối đe dọa thường xuyên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp. Thứ hai, an ninh con người có nghĩa là bảo vệ con người khỏi những phá vỡ mang tính chất đột ngột và tổn thương trong đời sống hằng ngày5. Như vậy, an toàn giao thông liên quan chặt chẽ với khía cạnh thứ hai trong khái niệm an ninh con người, đó là bảo vệ con người khỏi những những biến cố trong đời sống hàng ngày. 
Báo cáo về an ninh con người năm 2003 của Ủy ban về an ninh con người của Liên hợp quốc6 nêu khái niệm an ninh con người trong bối cảnh mới như sau: 
“An ninh con người là bảo vệ những giá trị cốt lõi trong cuộc sống của con người bằng cách tăng cường tự do và sự đầy đủ của con người. An ninh con người có nghĩa là bảo vệ tự do cơ bản của con người - tự do thiết yếu đối với đời sống. An ninh con người có nghĩa là bảo vệ con người khỏi những đe dọa, những tình huống nguy hiểm có tính phổ biến…”7.
Như vậy, an ninh con người bao gồm việc bảo vệ tự do cơ bản của con người hay nói cách khác là bảo vệ quyền con người. Đồng thời, an ninh con người cũng bảo vệ con người khỏi những tình huống nguy hiểm có tính phổ biến. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ có thể coi là những tình huống nguy hiểm trong đời sống. Tỷ lệ tử vong và thiệt hại về sức khỏe do các vụ tai nạn giao thông đường bộ gây ra thật sự gây ra lo ngại cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, cách tiếp cận của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm an ninh con người là phòng ngừa sớm8. Chính vì vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB) có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ con người khỏi những tình huống nguy hiểm trong giao thông.
Cần đề cập rằng, vấn đề “quyền con người” và “an ninh con người” có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Khái niệm an ninh con người nêu ở trên cũng đã phản ánh mối quan hệ nội tại chặt chẽ giữa hai vấn đề này. Để có được an ninh con người thì cần bảo đảm quyền con người. Quyền con người và an ninh con người đều hướng vào con người là trung tâm, vì vậy đều cùng tập trung vào xây dựng và phát triển các nguyên tắc, thể chế trong xã hội như những điều kiện để bảo đảm an ninh con người và quyền con người một cách bền vững. Do vậy, việc chú trọng những nội dung bảo đảm quyền con người và an ninh con người trong Luật TTATGTĐB rất cần thiết để xây dựng được một văn bản pháp lý hoàn thiện, cụ thể hóa các quyền con người đã nêu trong Hiến pháp.
Vừa qua, Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Dự án Luật TTATGTĐB để báo cáo Quốc hội; đồng thời chuẩn bị xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về dự án này. Hiện tại, Dự thảo Luật này cũng đã được trao đổi, bàn thảo ở các Hội nghị khoa học. Trong bài viết này, tác giả phân tích vai trò của Luật TTATGTĐB đối với việc bảo đảm an ninh con người và quyền con người, bao gồm: quyền tự do đi lại, quyền được chăm sóc sức khỏe và quyền về môi trường. Từ đó, bài viết nêu một số định hướng cần chú trọng trong xây dựng Luật này từ góc nhìn về an ninh con người, cũng như các kiến nghị cụ thể đối với quy định của Dự thảo Luật TTATGTĐB lần 69.

Chiến sĩ Cảnh sát giao thông giúp đỡ người cao tuổi qua đường.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

2. Vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với bảo đảm một số quyền con người cụ thể, bảo đảm an ninh con người và các kiến nghị
Theo Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, an ninh con người cần được triển khai trong 7 lĩnh vực, bao gồm: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị10. Mỗi lĩnh vực này có vai trò nhất định trong tổng thể bảo đảm an ninh con người. Trong các lĩnh vực đó, an toàn giao thông đường bộ có ảnh hưởng trực tiếp và có vai trò quan trọng đối với an ninh cá nhân, an ninh sức khỏe và an ninh môi trường. Mỗi lĩnh vực an ninh con người này có liên quan mật thiết với các quyền con người tương ứng, gồm quyền tự do đi lại; quyền về sức khỏe và quyền về môi trường. 
a) Vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với bảo đảm quyền tự do đi lại, an ninh cá nhân và các kiến nghị
Thứ nhất, vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với bảo đảm quyền tự do đi lại và an ninh cá nhân 
Điều 13 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 tuyên bố rằng mọi người đều có quyền tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Pháp điển hóa nội dung này, Điều 12 Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại... trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó”. Ở nước ta, Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại... Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Như vậy, quyền tự do đi lại cần được bảo đảm bằng các quy định cụ thể của pháp luật, trong đó có Luật TTATGTĐB. 
Ở góc độ an ninh con người, an ninh cá nhân là bảo vệ cá nhân khỏi các hành vi bạo lực ở mọi hình thức, những yếu tố nhà nước và ngoài nhà nước, bao gồm bạo lực từ những cá nhân khác, ví dụ như những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm...11 Có thể thấy rằng, giao thông có vai trò rất quan trọng đối với đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân, khi ra ngoài khuôn viên của gia đình, cá nhân sẽ phải tham gia vào giao thông để đến một địa điểm khác mà họ muốn lưu trú, làm việc, học tập, tham quan hay thực hiện những hoạt động khác. Tham gia giao thông là hành vi phổ biến của cá nhân trong đời sống, trong khi đó các vụ việc vi phạm an toàn giao thông đã và đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại về an toàn đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản. Vì vậy, việc xây dựng Luật TTATGTĐB với những nội dung bảo vệ cá nhân khỏi những sự đe dọa, những nguy cơ về an ninh cá nhân có ý nghĩa tối quan trọng. Những nội dung đó đặc biệt liên quan đến những vấn đề sau đây: quy tắc giao thông đường bộ, tổ chức thực hiện quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ... Các quy tắc giao thông càng rõ ràng, chặt chẽ và đầy đủ thì càng giúp bảo đảm trật tự, an toàn trong giao thông, từ đó bảo đảm quyền tự do đi lại và an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông.
Thứ hai, các kiến nghị về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với bảo đảm quyền tự do đi lại và an ninh cá nhân
Như đã phân tích ở trên, Luật TTATGTĐB có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh cá nhân và bảo đảm quyền tự do đi lại. Luật này khi được ban hành sẽ là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi rất phổ biến, hành vi thường ngày của người dân, vì vậy nội dung cần cụ thể để tránh trường hợp phải tra cứu văn bản dưới luật. Từ góc độ quyền tự do đi lại và an ninh cá nhân, Luật TTATGTĐB cần chú trọng các nội dung về quy tắc giao thông, bao gồm: quy tắc chung và quy tắc riêng cho những trường hợp hoặc loại đường, đoạn đường đặc thù. Đây là vấn đề cốt lõi, cơ bản trong trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đối với vấn đề này, Dự thảo Luật TTATGTĐB cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung cụ thể liên quan đến quy tắc giao thông sau đây.
- Về hệ thống biển báo giao thông đường bộ: Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 và luật một số nước rất chú trọng quy định về hệ thống biển báo giao thông đường bộ, bởi lẽ không có hệ thống biển báo giao thông thì không thể có trật tự, an toàn trong giao thông đường bộ. Thậm chí, Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1968 đưa quy định về hệ thống biển báo giao thông đường bộ được đưa lên trước những quy định khác12. Một số nước tuy không đưa quy định hệ thống về biển báo giao thông lên đầu tiên, nhưng khi quy định về quy tắc giao thông cũng xuất phát và đặt nền tảng trên sự quy định các biển báo giao thông. Ví dụ, khoản 1 Điều 37 về Tín hiệu của đèn giao thông, tín hiệu của đèn kiểm soát làn đường và mũi tên xanh trong Luật về giao thông đường bộ của Đức quy định: “Tín hiệu của đèn giao thông có hiệu lực cao hơn các quy tắc ưu tiên và dấu hiệu giao thông ưu tiên khác. Người điều khiển phương tiện giao thông không được dừng trong khoảng cách 10m trước đèn ưu tiên nếu phương tiện giao thông che lấp đèn giao thông”13.
Đáng chú ý là Điều 25 Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về an toàn giao thông đường bộ năm 2003 đưa ra quy tắc: “Hệ thống biển báo giao thông đường bộ được sử dụng thống nhất trên toàn bộ đất nước”.14 Hiện nay, khi tham gia giao thông, chúng tôi thấy hệ thống biển báo giao thông đường bộ đã khá thống nhất, tuy nhiên Dự thảo Luật TTATGTĐB chưa quy định về sự thống nhất của hệ thống biển báo giao thông như một quy tắc trong bảo đảm an toàn giao thông. Thiết nghĩ, chúng ta nên tham khảo luật nước ngoài để đưa nội dung này vào trong các quy tắc chung có tính chất bắt buộc trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Về quy tắc giao thông ở những đường (đoạn đường) đặc biệt: tham khảo quy định của một số nước cho thấy luật về giao thông đường bộ của họ có quy định riêng về quy tắc giao thông ở những đường (đoạn đường) đặc biệt, bao gồm đường cao tốc và đoạn đường đang được sửa chữa, bảo trì. Cụ thể, Luật về giao thông trên cao tốc của Bang Ontorio, Canada quy định rất nhiều nội dung liên quan đến giao thông trên đường cao tốc, bao gồm quy định về trạm dừng trên đường cao tốc, trạm sạc điện trên đường cao tốc15. Luật về giao thông đường bộ của Trung Quốc có quy định riêng về quy tắc giao thông ở đoạn đường đang được bảo trì16.
Hệ thống đường cao tốc ở nước ta ngày càng phát triển. Trong Dự thảo Luật TTATGTĐB đã nêu quy tắc riêng về giao thông trên đường cao tốc (Điều 24) nhưng chưa có khái niệm “đường cao tốc” (chỉ có khái niệm đường ưu tiên). Mặt khác, quy định này khá đơn giản nên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, tham khảo thêm luật nước ngoài để quy định đầy đủ, điều chỉnh tốt hoạt động giao thông trên đường cao tốc trước sự phát triển nhiều đường cao tốc trên cả nước, ví dụ: quy định về trạm dừng trên đường cao tốc. Ngoài ra, thời gian qua nhiều đoạn đường bộ trên cả nước được sửa chữa, bảo trì nhưng vẫn chưa có những quy tắc thống nhất về giao thông ở những đoạn đường đặc biệt này. Dự thảo Luật TTATGTĐB cần bổ sung thêm quy tắc giao thông trong trường hợp này.
- Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hiện nay Hệ thống hỗ trợ tự động đối với người lái (Advanced Driver Assisstance System - ADAS) đã được lắp đặt ở nhiều loại xe. Cơ quan quốc gia về điều hành an toàn giao thông cao tốc của Mỹ (National Highway Traffic Safety Administration) cho rằng: “Đến một ngày, hệ thống lái tự động, còn gọi là xe tự động, có thể thực hiện toàn bộ nhiệm vụ lái xe mà chúng ta không cần thực hiện hoặc không thể thực hiện”17. Theo cơ quan này, mức độ tự động được chia làm 6 loại, từ Mức độ 0 đến Mức độ 5. Một số quốc gia, ví dụ, Đức, đã cho phép xe không người lái lưu thông chung trên đường công cộng ở những địa bàn nhất định18. Mặt khác, hệ thống hỗ trợ lái xe tự động ở các mức độ thấp hơn đã được lưu thông ở đường phổ thông, có tài liệu còn cho rằng an toàn của công nghệ còn cao hơn lỗi của con người trong tham gia giao thông như: say rượu, say do dùng chất kích thích hoặc các lỗi về năng lực điều khiển và xử lý tình huống phức tạp, bất ngờ...19
Về vấn đề này, Điểm đ khoản 1 Điều 34 Dự thảo Luật TTATGTĐB đang quy định: “Phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng hoạt động trong phạm vi quy định và phải bảo đảm các điều kiện tại điểm a, b, c khoản này”. Cách viết này có thể hiểu rằng những loại xe này chỉ được lưu thông trên những “đường” hay “đoạn đường” được phép, có nghĩa là giới hạn phạm vi lưu thông, giới hạn quyền tự do đi lại khi sử dụng các phương tiện này.
Trong quy định nêu trên, thuật ngữ “phương tiện giao thông công nghệ mới” được hiểu như thế nào, Dự thảo chưa nêu khái niệm. Mặt khác, các xe sử dụng hệ thống hỗ trợ tự động cho người lái mà chưa đến mức 100% (người lái xe vẫn có mặt để điều khiển trong trường hợp cần thiết) có được xem là phương tiện giao thông công nghệ mới không. Nếu có, nên có sự điều chỉnh cho phù hợp với quyền tự do đi lại và nên sửa lại là: “Phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng hoạt động theo quy định và phải bảo đảm các điều kiện tại điểm a, b, c khoản này”. 
Bên cạnh những vấn đề trên, Dự thảo Luật TTATGTĐB sử dụng đa dạng các thuật ngữ về phương tiện tham gia giao thông. Phần giải thích thuật ngữ nêu: “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng” (khoản 4 Điều 3 Dự thảo). Trong khi đó, trong quy định còn sử dụng nhiều thuật ngữ khác như: “xe cơ giới”, “phương tiện giao thông công nghệ mới”, “phương tiện giao thông đa tính năng” mà không có sự kết nối với các thuật ngữ đã được giải thích. Nói cách khác, giải thích thuật ngữ “phương tiện tham gia giao thông đường bộ” còn chưa thật sự rõ và chưa hàm chứa hết các thuật ngữ sử dụng trong Luật. Vì vậy, giải thích này cần xem xét thêm để dễ hiểu và đầy đủ.
b) Vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với quyền về sức khỏe, an ninh sức khỏe và các kiến nghị 
Thứ nhất, vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với quyền về sức khỏe và an ninh sức khỏe 
Điều 25 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã nêu rằng mọi người có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ bảo đảm sức khỏe. Cụ thể hóa điều này, Điều 12(1) Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR) nêu rõ: “Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.” Đồng thời, Điều 38 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe …”.
Quyền về sức khỏe là một quyền cơ bản của con người, không thể thiếu để thực hiện các quyền con người khác. Theo định nghĩa nêu tại Điều lệ của Tổ chức Y tế thế giới thì “sức khỏe” là “trạng thái thoải mái về điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội, không chỉ thuần túy là không có bệnh tật hay không ổn định”20. Theo tài liệu Bình luận về ICESCR, Quyền về sức khoẻ phụ thuộc vào bốn nhóm yếu tố cơ bản, gồm: (i) Khả năng sẵn có (Availability): cơ sở chăm sóc sức khoẻ công và cơ sở y tế, các loại hàng hoá và dịch vụ, cũng như các chương trình chăm sóc sức khỏe cần có đủ số lượng; (ii) Khả năng có thể tiếp cận (Accessability): mọi người có thể tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khỏe, hàng hoá và dịch vụ y tế; (iii) Khả năng chấp nhận được (Acceptability): các cơ sở chăm sóc y tế và hàng hóa, dịch vụ phải được cung cấp phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và văn hóa; (iv) Chất lượng: các cơ sở chăm sóc y tế và hàng hóa, dịch vụ phải được cung cấp phù hợp với tiêu chuẩn khoa học và y tế21.
Trong các điều kiện trên, trật tự, an toàn trong giao thông đường bộ liên quan chặt chẽ với việc bảo đảm khả năng tiếp cận với cơ sở sở chăm sóc y tế của con người. Nếu người cần được chăm sóc sức khỏe không thể tiếp cận hoặc không thể tiếp cận kịp thời các cơ sở chăm sóc y tế thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm quyền về sức khỏe của họ.
Tương ứng, an ninh sức khỏe là một lĩnh vực quan trọng của an ninh cá nhân, bao gồm việc bảo vệ cá nhân khỏi những nguy cơ, đe dọa về sức khỏe. An ninh sức khỏe bao gồm sự an toàn trước những căn bệnh (bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm) và khả năng tiếp cận với hệ thống y tế để bảo vệ sức khỏe22. Quy tắc giao thông liên quan chặt chẽ đến việc bảo đảm cho người dân đang đối diện với những căn bệnh, nguy cơ nguy hiểm về sức khỏe được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế. Những nội dung trong Luật về TTATGTĐB trực tiếp liên quan đến an toàn sức khỏe trong an ninh con người bao gồm: quy định về điều kiện an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định về điều kiện đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ; quy định về cứu nạn, cứu hộ; quy định về xe ưu tiên và nhường đường cho xe ưu tiên trong trường hợp cấp cứu sức khỏe, tai nạn...
Nhìn từ góc độ an ninh sức khỏe và quyền con người về sức khỏe, thì các quy định về cứu nạn, cứu hộ và giải quyết tai nạn giao thông là nội dung quan trọng cần phải quy định để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của những người liên quan, đặc biệt là nạn nhân của các tai nạn và hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ23.
Thứ hai, các kiến nghị về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với bảo đảm quyền về sức khỏe và an ninh sức khỏe
Hiện Dự thảo Luật TTATGTĐB đã có một số quy định về giải quyết tai nạn giao thông (Chương V), bao gồm trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và người liên quan; trách nhiệm của người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông và cứu nạn, cứu hộ... Tuy nhiên, nhìn từ yêu cầu về tiếp cận hệ thống y tế trong an ninh sức khỏe thì có hai vấn đề cần xem xét. 
Một là, theo Dự thảo, địa chỉ để báo tin các vụ tai nạn giao thông là cơ quan Công an, Y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất (điểm a khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 52 và điểm a khoản 1 Điều 53 Dự thảo). Hiện nay chúng ta đã có những đường dây nóng để thông báo những sự cố cứu hộ, cứu nạn, cứu thương. Việc sử dụng đường dây nóng có thể nhanh chóng hơn việc tìm kiếm thông tin của Cơ quan Công an, Y tế hay Ủy ban gần nhất hoặc trực tiếp tìm đến những địa điểm này để báo tin. Do vậy, nên đưa thêm những đường dây nóng vào như những địa chỉ để báo tin vụ tai nạn. Mặt khác, theo Dự thảo, yêu cầu về báo tin đối với người điều khiển phương tiện, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông khác với những người còn lại. Họ chỉ báo tin cho Cơ quan Công an nơi gần nhất. Dự thảo nên quy định thống nhất và cho phép họ báo tin cho Cơ quan Y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, bởi lẽ khi cần cấp cứu người bị nạn thì Cơ quan Y tế là địa chỉ đáng tin cậy để nhanh chóng giúp đỡ nạn nhân. 
Hai là, hiện nay, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu được xác định là xe ưu tiên theo khoản 12 Điều 13 Dự thảo. Tuy nhiên, quy tắc giao thông chỉ quy định người điều khiển phương tiện giảm tốc độ khi có xe ưu tiên lưu thông (khoản 3 Điều 11 Dự thảo lần 6), không quy định về nhường đường24. Việc chỉ giảm tốc độ sẽ không đủ để giúp xe cứu thương di chuyển nhanh chóng, bảo đảm tiếp cận hệ thống y tế nhanh nhất để bảo đảm an ninh sức khỏe, quyền được chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hoặc người bị tai nạn. Tham khảo quy định một số nước, ví dụ: Điều 78 - 79 Luật An toàn giao thông đường bộ và đường bộ Bang Victoria, Australia năm 2017 (sửa đổi năm 2021) có quy định rõ về việc tránh và nhường đường cho xe ưu tiên (Keeping clear and giving way”)25. Do vậy, chúng tôi kiến nghị Dự thảo Luật TTATGTĐB nên bổ sung quy định về nhường đường cho xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ.
c) Vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với quyền về môi trường, an ninh môi trường và các kiến nghị
Thứ nhất, vai trò của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với quyền về môi trường và an ninh môi trường 
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lo ngại đối với an ninh con người. Công nghiệp hóa, đô thị hóa với tốc độ cao và sự gia tăng dân số đã dẫn đến những lo lắng cho toàn thế giới và mỗi quốc gia về an toàn của môi trường sống. Do vậy, trong các lĩnh vực của an ninh con người thì an ninh về môi trường được Chương trình phát triển của Liên  hợp quốc rất quan tâm. Những mối nguy cơ, đe dọa đối với an ninh môi trường bao gồm: nguy cơ, đe dọa về nguồn nước; nguy cơ, đe dọa về sự suy thoái của đất và rừng; nguy cơ, đe dọa ô nhiễm về không khí; nguy cơ, đe dọa về thiên tai. Những nguy cơ, đe dọa về môi trường này càng ngày càng nghiêm trọng, lâu dài26.
Trong lĩnh vực quyền con người, quyền về môi trường đã được chính thức ghi nhận trong một số văn kiện của khu vực như: Nghị định thư San Salvador bổ sung Hiến chương châu Mỹ về quyền con người (Điều 11. Quyền đối với môi trường có lợi cho sức khỏe - Right to a healthy environment)27. Với sự ghi nhận này, quyền về môi trường được coi là một quyền con người cụ thể. Mặt khác, từ góc độ ICCPR và ICESCR thì quyền về môi trường có thể coi là một quyền hàm chứa, nằm trong quyền về sức khỏe, quyền được hưởng và duy trì một mức sống thích đáng. Quyền về môi trường có thể hiểu là quyền của mọi người sống trong môi trường trong lành, có lợi cho sức khỏe28.
Việc gia tăng các phương tiện có sử dụng động cơ trong giao thông đường bộ đang đặt ra những nguy cơ, đe dọa trực tiếp đối với an ninh môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ phát triển nhanh, số lượng lớn và đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng gây ô nhiễm không khí ở các đô thị. Các chất thải từ phương tiện giao thông gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người29. Vì vậy, nội dung của Luật TTATGTĐB cần có những quy định góp phần bảo vệ an ninh môi trường. Những quy định trực tiếp liên quan bao gồm: điều kiện về thông số bảo vệ môi trường của phương tiện tham gia giao thông; điều kiện để bảo đảm tránh ùn tắc giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông. Khi xảy ra ùn tắc giao thông các phương tiện tập trung tại một địa bàn và có thể vẫn duy trì hoạt động của động cơ nên lượng chất thải độc hại ra môi trường tập trung với một lượng lớn, nồng độ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tham gia giao thông và cộng đồng dân cư của địa bàn đó.
Thứ hai, các kiến nghị về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với quyền về môi trường và an ninh môi trường
Nội dung của Luật TTATGTĐB cần chú trọng quy định điều kiện đối với người và phương tiện tham gia giao thông để bảo đảm an ninh sức khỏe và an ninh môi trường. Các phương tiện tham giao giao thông cần bảo đảm các thông số an toàn về kỹ thuật và an toàn về môi trường. Dự thảo đã quy định có tính hệ thống về vấn đề này, bao gồm: hành vi bị nghiêm cấm nếu vi phạm thông số bảo vệ môi trường; điều kiện của các phương tiện tham gia giao thông; các quy định về cấp giấy phép, rút giấy phép, đổi chủ sở hữu... 
Tuy nhiên, khảo sát Dự thảo, chúng tôi thấy rằng quy định đối với việc vận chuyển các chất có thể gây ra sự cố môi trường (như chất nổ, chất phóng xạ) chưa bao gồm yêu cầu về bảo vệ môi trường. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 48 Dự thảo yêu cầu về bảo vệ môi trường như sau:
“Điều 48. Bảo đảm an toàn giao thông xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ tham gia giao thông đường bộ
1...
2. Khi tham gia giao thông trên đường bộ, tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ phải chấp hành các quy định trong giấy phép vận chuyển hàng hoá và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ và bảo vệ môi trường”.
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa

Trưởng Khoa Luật hình sự, Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người, quyền công dân,

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Xem: Mục I (2) “Nhiệm vụ trọng tâm” Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
(2) Mục I (2) về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. 
(3) Mục I (2) về Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
(4) Xem PGS. TS. Nguyễn Viết Thông, An ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, An ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng (hdll.vn) (truy cập 28/4/2022).
(5) Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, trang 23 (Chương 2: Các khía cạnh mới của an ninh con người) xem tại: https://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/255/hdr_1994_en_complete_nostats.pdf, trang 23 (truy cập 28/4/2022). 
(6) Ủy ban về An ninh con người được thành lập vào tháng 01 năm 2001 trên cơ sở lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2000 cho một thế giới không có sự sợ hãi (free from fear) và không có sự thiếu thốn đối với nhu cầu cơ bản (free from want). Xem: Commission on Human Security (unescwa.org) (truy cập 24/4/2022).
(7) Ủy ban về An ninh con người (Commission on Human Security), Báo cáo về An ninh con người hiện nay, năm 2003, Human security now : (un.org) (truy cập 24/4/2022).
(8) Theo “Sổ tay về an ninh con người” năm 2016, các nguyên tắc cơ bản trong cách tiếp cận về an ninh con người là: lấy con người làm trọng tâm, tiếp cận toàn diện, tiếp cận trong những bối cảnh cụ thể, chú trọng phòng ngừa, bảo vệ và trao quyền cho con người. United Nations Trust Fund for Human Security, Human security handbook: An integrated approach for the realization of the Sustainable Development Goals and the priority areas of the international community and the United Nations system, tháng 7 năm 2016 tại: h2.pdf (un.org) trang 7 (truy cập 24/4/2022). 
(9) Xem Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần 6 ngày 11/02/2022 tại: Du_thao_Luat_TTATGT_5dfd5.doc (live.com) (truy cập 24/4/2022).
(10) Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, xem tại: https://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/255/hdr_1994_en_complete_nostats.pdf, trang 24 - 33 (truy cập 28/4/2022). Xem thêm: Pgs. Ts. Nguyễn Viết Thông, An ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, An ninh con người trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng (hdll.vn) (truy cập 28/4/2022), Sổ tay về An ninh con người tại United Nations Trust Fund for Human Security, Human security handbook: An integrated approach for the realization of the Sustainable Development Goals and the priority areas of the international community and the United Nations system, tháng 7 năm 2016 tại: h2.pdf (un.org), trang 7 (truy cập 28/4/2022).
(11) Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, xem tại: https://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/255/hdr_1994_en_complete_nostats.pdf, trang 30 (truy cập 28/4/2022).
(12) Điều 5 Công ước Vienna về Giao thông đường bộ năm 1968.
(13) Xem Luật giao thông đường bộ của Đức tại complete.pdf (bmvi.de), hoặc Phần 10 (Rules of the Road) Luật về giao thông trên đường cao tốc của Ban Ontorio, Canada tại Highway Traffic Act, R.S.O. 1990, c. H.8 (ontario.ca) hoặc § 11-203-Pedestrian-control signals, § 11-204-Flashing signals Luật mẫu thống nhất về phương tiện giao thông đường bộ của Mỹ, xem tại: Uniform vehicle Code Uniform Vehicle Code | The Center for Cycling Education (thecce.org) (truy cập ngày 4.4.2022).
(14) Xem: Luật về an toàn giao thông đường bộ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2003 tại laws (npc.gov.cn) (truy cập 25/4/2022). Ngoài ra, Điều 39 Quy định về Giao thông đường bộ của Đức năm 1934 (sửa đổi, bổ sung lần cuối năm 2020) nêu rằng: “các biển báo giao thông đưa ra hướng dẫn mang tính địa phương chỉ được lắp đặt khi điều kiện đặc biệt cần phải thực hiện”. Xem: complete.pdf (bmvi.de) (truy cập 25/4/2022).
(15) Xem: Luật giao thông trên đường cao tốc của Bang Ontorio, Canada (Highway Traffic Act) tại Highway Traffic Act, R.S.O. 1990, c. H.8 (ontario.ca) (truy cập 25/4/2022).
(16) Xem Điều 54 Luật về an toàn giao thông đường bộ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2003 tại laws (npc.gov.cn) (truy cập ngày 24/4/2022).
(17) Automated Vehicle Safety | NHTSA (truy cập 25/4/2022).
(18) Luật sửa đổi bổ sung Luật giao thông đường bộ và luật bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của Đức đã có hiệu lực vào ngày 28 tháng 7 năm 2021 và cho phép xe tự động không người lái tham gia giao thông chung trong đường công cộng ở những địa bàn xác định, xem: Germany: Road Traffic Act Amendment Allows Driverless Vehicles on Public Roads | Library of Congress (loc.gov) (truy cập 28/4/2022).
(19) Tech Target, Self-driving car (autonomous car or driverless car) tại What are Self-Driving Cars and How Do They Work? (techtarget.com) (truy cập 25/4/2022).
(20) Constitution of the World Health Organization (who.int) (truy cập 28/4/2022). 
(21) General comment No. 14: The right to the highest attainable (refworld.org) (truy cập 28/4/2022).
(22) Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, xem tại: https://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/255/hdr_1994_en_complete_nostats.pdf, trang 27 - 28 (truy cập 28/4/2022).
(23) Xem phát biểu của PGS.TS. Tường Duy Kiên về nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ góc độ quyền con người tại: Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải tiếp cận quyền con người trong tình hình hiện nay (bocongan.gov.vn) (truy cập 22.4.2022).
(24) Trong Dự thảo Luật TTATGTĐB chỉ quy định nhường đường cho xe xin vượt và một số trường hợp khác, không liên quan đến chủ động nhường đường cho xe ưu tiên.
(25) Điều 78 – 79 Luật An toàn giao thông đường bộ và đường bộ Bang Victoria, Australia năm 2017 (sửa đổi năm 2021) tại: ROAD SAFETY ROAD RULES 2017 (austlii.edu.au) (truy cập 24/4/2022). Article 78: Keeping clear of police vehicles, emergency vehicles, enforcement vehicles and escort vehicles; Article 79: Giving way to police vehicles, emergency vehicles, enforcement vehicles and escort vehicles.
(26) Xem Báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc năm 1994, xem tại: https://hdr.undp.org/sites/default/files/reports/255/hdr_1994_en_complete_nostats.pdf, trang  28 - 29 (truy cập 28/4/2022). 
(27) Xem Additional Protocol to the American Convention on Human Rights in the Area of Economic, Social and Cultural Rights, tại protocol-san-salvador-en.pdf (oas.org) (truy cập 28.4.2022)
(28) Xem thêm: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao và Lã Khánh Tùng (2013), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người (dùng cho hệ cử nhân, tái bản lần thứ nhất có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 123. 
(29) Xem: Thế Hoằng, Kiểm soát khí thải của các phương tiện giao thông (dangcongsan.vn) (truy cập 28/4/2022).