Quyền tự do trên không gian mạng ở mỗi quốc gia gắn liền với quyền tự do ngôn luận và báo chí. Việt Nam là một thành viên của các công ước quốc tế quan trọng và luôn tôn trọng các quy định trong Công ước. Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt được ghi nhận đầu tiên trong Điều 19 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người. Theo đó, Việt Nam thừa nhận và tôn trọng những nguyên tắc cơ bản đó là mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchicongsan.org.vn.
1. Quyền tự do trên không gian mạng được tôn trọng và bảo đảm ở Việt Nam
Không gian mạng hay không gian ảo (cyberspace) là một không gian[1], môi trường, một hệ thống điện tử[2] nơi cho phép người dùng sử dụng các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì thuật ngữ “không gian mạng” được định nghĩa: “là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.
Trong cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet vạn vật (Internet of Thing- IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Thực tế ảo (Virtual Reality - VR), Tương tác ảo (Augmented Reality - AR), Điện toán đám mây (I-Cloud), Dữ liệu lớn (Big Data) … đã và đang mang lại những tác động tích cực tới đời sống con người – đó chính là lực hấp dẫn không nhỏ đến từ không gian mạng nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và quốc gia.
Quyền tự do trên không gian mạng ở mỗi quốc gia gắn liền với quyền tự do ngôn luận và báo chí. Việt Nam là một thành viên của các công ước quốc tế quan trọng và luôn tôn trọng các quy định trong Công ước. Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt được ghi nhận đầu tiên trong Điều 19 Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người. Theo đó, Việt Nam thừa nhận và tôn trọng những nguyên tắc cơ bản đó là mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới. Quyền tự do ngôn luận được hiểu bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ[3].
Quyền tự do truy cập Internet được thừa nhận là một quyền con người. Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về quyền tự do truy cập Internet vào tháng 7 năm 2016 [4]. Liên hợp quốc khẳng định, quyền truy cập Internet là một trong những quyền cơ bản của con người; theo đó, việc chặn, cắt mạng, không cho người dân truy cập Internet được coi là hành động vi phạm quyền con người và đi ngược lại luật pháp quốc tế; đồng thời Liên hợp quốc yêu cầu Chính phủ các nước phải bảo vệ quyền riêng tư của người dân khi họ truy cập Internet. Nghị quyết nêu rằng tất cả những quyền con người có trong cuộc sống hàng ngày phải được áp dụng tương tự và được bảo vệ trong môi trường Internet, những quyền tương tự mà mọi người ngoại tuyến cũng phải được bảo vệ trực tuyến, đặc biệt liên quan đến quyền tự do ngôn luận đã được bảo vệ bởi các điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và chính trị.
Ở Việt Nam, quyền tự do trên không gian mạng được thể hiện ở việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Những quyền này đã được nêu rõ trong Điều 25 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" và những văn bản pháp luật quan trọng khác như Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016... Trong thời gian gần đây, nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng đã được ban hành, theo đó, các quyền tự do cá nhân trên không gian mạng được bảo đảm thực hiện, đồng thời các hành vi vi phạm trên không gian mạng cũng bị xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm các quyền dân sự chính trị cũng là điều kiện để bảo đảm cho các quyền khác, đặc biệt là các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội được thực hiện cho mỗi cá nhân, mỗi công dân ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, vẫn xuất hiện những luận điệu cho rằng: ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Một số người hoặc ngộ nhận, hoặc cố ý đánh tráo khái niệm “quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí” để xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại sự bền vững và phát triển của Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những nền tảng pháp lý vững vàng như ở trên và thực tế phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí trong đó có hệ thống báo mạng về số lượng và chất lượng cũng như số lượng người dùng và chất lượng thực hiện quyền được sử dụng internet rộng rãi ở Việt Nam chính là sự phản bác rõ ràng nhất của những luận điệu xuyên tạc này. Đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu, tương đương với 164,0% tổng dân số[5]. Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình[6]. Những trang báo mạng và trang thông tin điện tử có xu hướng phát triển trên nền tảng kỹ thuật số Những con số này cho thấy những bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do trên không gian mạng.
2. Xây dựng “Đường biên giới trên không gian mạng”
Không gian mạng là một thế giới mở, song trong việc quản trị của mỗi quốc gia thì ngay cả nơi mở nhất đó cũng cần được quản lý để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi thành thành viên trong quốc gia đó. Đường biên giới trên không gian mạng hay nói cách khác đó là những giới hạn, ranh giới của việc được phép thực hiện và những việc không được phép thực hiện khi tham gia những hoạt động cụ thể trên không gian mạng.
Thiết lập đường biên giới trên không gian mạng trước hết cần thực hiện nguyên tắc của pháp luật quốc tế và quốc gia về việc hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin. Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948 đã có một quy định chung về những hạn chế khi thực hiện các quyền của mình tại Điều 29, theo đó “mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng” và “mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ”. Nguyên tắc này đã được chỉ ra trong pháp luật quốc tế với quy định tại Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hoá năm 1966[7].
Đề cập rõ hơn những hạn chế khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị đã xác định quyền tự do biểu đạt không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật. Những hạn chế này là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội. Các hạn chế này có thể theo “nguyên tắc gây hại” (harm principle) hoặc “nguyên tắc xúc phạm” (offense principle), ví dụ trong trường hợp khiêu khích hoặc các nội dung thù ghét (nhằm hạ thấp một cá nhân hay nhóm người vì chủng tộc, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, định hướng tình dục, tật nguyền, khả năng ngôn ngữ, hệ tư tưởng, địa vị xã hội, nghề nghiệp, ngoại hình, khả năng tư duy hay bất cứ dị biệt nào...).
Trước đó, một số nội dung của Điều 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966 được Ủy ban Nhân quyền nêu rõ hơn trong Bình luận chung số 11 được thông qua tại phiên họp lần thứ 19 năm 1983 của Ủy ban. Theo đó, việc cấm các hình thức tuyên truyền cho chiến tranh, gây hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hay kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực là cần thiết và không mâu thuẫn với quyền tự do biểu đạt quy định ở Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị năm 1966. Bởi lẽ điều 19 đã nêu rõ việc thực hiện quyền tự do biểu đạt phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.[8] Hơn nữa, các hình thức tuyên truyền, đe dọa thực hiện hành động xâm lược hay phá hoại hòa bình trái với Hiến chương Liên hợp quốc cũng bị cấm theo Khoản 1 Điều 20.
Ở Việt Nam, nguyên tắc này cũng đã được thể hiện ở khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận một số quyền con người có thể bị hạn chế trong những bối cảnh cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, trong đó quyền tự do ngôn luận hay tiếp cận thông tin cũng có thể bị hạn chế trong những tình huống này. Rõ ràng là cộng đồng quốc tế cũng như Việt Nam đã khẳng định trên không gian mạng, biên giới không thể có sự xâm lấn trong những bối cảnh cần phải hạn chế quyền vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Khía cạnh thứ hai của “đường biên giới trên không gian mạng” chính là nhận thức của người tham gia không gian mạng. Nhận thức về quyền và lợi ích của cá nhân và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng sẽ tạo nên đường biên giới vững chãi trên không gian mạng. Điều này đòi hỏi không chỉ hiểu biết và tuân thủ pháp luật mà còn đòi hỏi người dùng phải có kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin mạng, có văn hoá giao tiếp trên không gian mạng. Việc nâng cao văn hoá giao tiếp trên không gian mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ trên không gian mạng cần được đưa vào trường học, công sở và thôn xóm để mỗi cá nhân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trên không gian mạng.
TS. Trần Thị Hồng Hạnh
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[2] https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/cyberspace
[3] Khoản 1, 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị .
[4] Nghị quyết về quyền tự do truy cập Internet, tài liệu có tại: https://www.article19.org/data/files/Internet_Statement_Adopted.pdf, truy cập ngày 20/7/2023
[5] Xu hướng phát triển Internet Việt Nam 2023, https://www.vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/
[6] Theo Thông tấn xã Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/so-lieu-ve-cac-co-quan-bao-chi-viet-nam-nam-2022-18260
[7] Nguyên tắc này đã được chỉ ra trong pháp luật quốc tế với quy định tại Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị:
1. Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.
2. Điều này không được áp dụng để hạn chế các quyền quy định trong điều 6, 7, 8 (các khoản 1 và 2), 11, 15, 16 và 18.
3. Bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này khi sử dụng quyền được hạn chế nêu trong điều này đều phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác, thông qua trung gian là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, về những quy định mà quốc gia đó đã hạn chế áp dụng và lý do của việc đó. Việc thông báo tiếp theo sẽ được thực hiện, cũng thông qua trung gian trên, vào thời điểm quốc gia chấm dứt việc áp dụng sự hạn chế đó.
Điều 4 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế xã hội và văn hoá năm 1966 cũng ghi nhận:Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng, trong khi ấn định các quyền mà mỗi cá nhân được hưởng phù hợp với các quy định của Công ước này, mỗi quốc gia chỉ có thể đặt ra những hạn chế bằng các quy định pháp luật trong chừng mực những hạn chế ấy không trái với bản chất của các quyền nói trên và hoàn toàn vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
[8] Đoạn 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.