“Không để ai bị bỏ lại phía sau” (tiếng Anh: Leave no one behind - LNOB) là trung tâm, mục tiêu hướng tới của Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). LNOB là một trong sáu Nguyên tắc Định hướng Khung hợp tác của Liên hợp tác về Phát triển bền vững (UN Sustainable Development Cooperation Framework) đề cập tới cam kết của tất cả các thành viên Liên hợp quốc. Bài viết này phân tích, tổng hợp cơ sở lý luận của các chính sách LNOB và thực tiễn triển khai tại Việt Nam để đạt được mục tiêu LNOB trong SDGs.
Ảnh minh họa. Nguồn: moit.gov.vn.
1. Đặt vấn đề
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” (LNOB) không chỉ yêu cầu tiếp cận người nghèo nhất trong số người nghèo mà còn nhấn mạnh mục tiêu chống phân biệt đối xử và bất bình đẳng đang có xu hướng gia tăng tại các quốc gia trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, nguyên nhân chính khiến mọi người bị bỏ lại phía sau là các hình thức phân biệt đối xử bao gồm: (1) Phân biệt đối xử và (2) Phân biệt trong khả năng tiếp cận nguồn lực xã hội.
Sự tồn tại của phân biệt đối xử về giới khiến các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng giới (đơn cử như LGBT) bị gạt ra ngoài lề, bị hạn chế và thậm chí bị tước đoạt các quyền chính đáng. Việc chống phân biệt đối xử về giới dựa trên các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc, Luật nhân quyền quốc tế và hệ thống pháp luật quốc gia trên toàn thế giới.
LNOB còn đề cập tới sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong quyền tự quyết và khả năng tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực và cơ hội. Điều này xuất phát từ sự thiếu thốn về nguồn lực, hệ quả của luật pháp và thể chế, chính sách và thực tiễn thực thi còn tồn tại sự phân biệt đối xử khiến các nhóm người cụ thể ngày càng bị bỏ lại phía sau.
Cách tiếp cận về LNOB kể trên của Liên hợp quốc được ghi nhận trong Khung Chia sẻ về LNOB: Bình đẳng và không phân biệt đối xử là một trọng tâm của SDGs, được Ban Giám đốc điều hành thông qua tháng 11/2016. Khung này bao gồm một khuôn khổ hành động chung để đảm bảo yêu cầu chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực của Liên hợp quốc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
2. Sự hình thành của mục tiêu LNOB
Khởi phát mục tiêu LNOB có thể được ghi nhận từ thời điểm hình thành sáng kiến Phát triển bền vững. Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người (Hội nghị Stockholm) năm 1972 là hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc tập trung vào các vấn đề môi trường quốc tế, và sau đó là sự ra đời của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED) năm 1983 nhằm đoàn kết các quốc gia để cùng nhau theo đuổi sự phát triển bền vững. Chương trình Nghị sự 21 đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Môi trường và Phát triển (Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio de Janeiro) năm 1992 với sự tham dự của 179 quốc gia đặt ra kế hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.
Tuyên bố Thiên niên kỷ thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2000 đặt ra 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Các mục tiêu xã hội và môi trường được phản ánh trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Chương trình Nghị sự 21 tiếp tục được bàn thảo, bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002.
Tháng 9/2000, Việt Nam cùng với 188 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc ký Tuyên bố Thiên niên kỷ thể hiện cam kết hợp tác toàn cầu mới về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường, với 8 mục tiêu chung và 18 mục tiêu cụ thể. MDGs nhằm tiến tới xây dựng một thế giới không còn nghèo đói, tất cả trẻ em được học hành, sức khỏe của người dân được nâng cao, môi trường được duy trì bền vững và mọi người được hưởng tự do, công bằng và bình đẳng.
Trong giai đoạn 2012-2013, Chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc năm 2015 với 17 mục tiêu phát triển bền vững được bước đầu xây dựng và bàn thảo. Chương trình Nghị sự 2030 (như đề cập) với 17 mục tiêu phát triển bền vững chính thức được thông qua ngày 25/9/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên. Chương trình Nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình Nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau. Nếu như MDGs chỉ gồm 8 mục tiêu chung, 18 mục tiêu cụ thể và 48 chỉ tiêu, thì SDGs có 17 mục tiêu chung, 169 mục tiêu cụ thể và 230 chỉ tiêu được thực hiện từ năm 2015 đến 2030. Trong đó, nhiều mục tiêu rất cụ thể như đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho tất cả mọi người, tạo việc làm đầy đủ và việc làm tốt cho tất cả mọi người là cơ sở để đạt mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua 15 năm thực hiện MDGs, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã gặt hái được thành công nhiều nhất. Cụ thể, trong 8 mục tiêu đặt ra tại MDGs, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 4 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, tăng cường sức khỏe bà mẹ); 4 mục tiêu còn lại đạt được nhiều tiến bộ.
Từ các mục tiêu SDGs, Việt Nam lượng hóa ra 158 chỉ tiêu và 115 mục tiêu cụ thể. Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi cần có nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững1, quan điểm chủ đạo của Việt Nam là “phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
3. Thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam
a) Nỗ lực chống phân biệt đối xử
Thứ nhất, Việt Nam cơ bản hoàn thiện các quy định về chống phân biệt đối xử về giới.
Trong số các công ước khung về nhân quyền quốc tế, Việt Nam đã ký kết rất sớm Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ năm 1980 (CEDAW) và thực tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong nội luật hóa cam kết quốc tế. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Việt Nam đã hiến định vấn đề bình đẳng giới tại Điều 26 Hiến pháp năm 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 688/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc làm cơ sở để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW phù hợp kế hoạch, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Một nội dung quan trọng trong Quyết định 688 là yêu cầu Bộ Tư pháp rà soát đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định chính sách về cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động.
Quyền về chính trị của phụ nữ được ghi nhận tại khoản 3 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 về tiêu chí bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”.
Trong lĩnh vực y tế, bình đẳng giới được ghi nhận tại Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009: “bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh”. Về giáo dục, quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi nhận tại khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”. Trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới được thể hiện ở chế độ hôn nhân gia đình Việt Nam theo nguyên tắc một vợ một chồng, hôn nhân bình đẳng tự nguyện tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong lĩnh vực lao động, bình đẳng được ghi nhận tại khoản 7 Điều 4 Bộ Luật lao động năm 2019 “Bảo đảm bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên”.
Năm 2021, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Thứ hai, Việt Nam từng bước bổ sung các quy định về chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Hướng tới mục tiêu “Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, thời gian qua Việt Nam đã và đang từng bước ghi nhận bổ sung các quy định về chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Điều này được cụ thể hóa thông qua sự tham gia của Việt Nam tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và bước đầu chấp nhận, triển khai nhiều khuyến nghị liên quan đến chống phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại chu kỳ 2 và 3 của rà soát. Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã loại bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định quyền chuyển đổi giới tính.
Đối với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTI) và người có bản dạng giới khác, việc chống phân biệt đối xử đã được ghi nhận như một nội dung cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với tầm nhìn về một thế giới không còn phân biệt đối xử và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của Việt Nam cũng đang được lấy ý kiến. Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV còn đề xuất tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong Đánh giá định kỳ toàn cầu lần thứ hai năm 2014, Việt Nam cam kết ban hành luật chống phân biệt đối xử bảo đảm bình đẳng bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới, và Việt Nam đã thực hiện các bước pháp lý quan trọng đối với việc bảo vệ quyền con người của người LGBT.
Thứ ba, Việt Nam hoàn thiện các quy định về chống phân biệt chủng tộc.
Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Công ước CERD ra đời với mục tiêu lên án, tiến tới xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, đồng thời xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số. Từ Hiến pháp năm 1946, Việt Nam đã khẳng định tại Điều 6 “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” và tới nay, Điều 5 Hiến pháp năm 2013 xác định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”.
b) Nỗ lực tăng cường năng lực tiếp cận nguồn lực xã hội
Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Thứ nhất, tăng cường năng lực tiếp cận nguồn lực xã hội đối với người nghèo theo chuẩn mới.
Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021, trong đó: 1) Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 gồm: thu nhập; mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; 2) Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025: là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022) và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022).
Thứ hai, tăng cường tiếp cận nguồn lực y tế.
Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5316/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ 4.0. Bộ Y tế cũng triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”, cung cấp cho người nghèo, vùng sâu vùng xa một cách tiếp cận không chỉ giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa mà còn nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại trạm y tế xã, thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn.
Thứ ba, tăng cường tiếp cận nguồn lực giáo dục.
Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Ðảng ta khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”.
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 khẳng định mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Bên cạnh đó, Đề án đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời. Ðiều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”.
4. Giải pháp và kiến nghị
Thứ nhất, từng bước hoàn thiện cơ chế bảo vệ bình đẳng.
Trong nghiên cứu của mình2, TS. Lã Khánh Tùng có đề cập tới “Quyền có cơ chế bảo vệ quyền (cơ chế khắc phục) hiệu quả (right to an effective remedy), được quy định trong nhiều công ước mà Việt Nam là thành viên, xác định một cách rất rộng, rằng biện pháp khắc phục đối với các vi phạm nhân quyền sẽ được thực thi bởi các cơ quan tư pháp, hành pháp hoặc lập pháp có thẩm quyền hoặc bất kỳ cơ quan nào khác có thẩm quyền”. Đây là một gợi mở thú vị để điều chỉnh chính sách liên quan theo hướng thay vì tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý thì quan tâm hơn tới cơ chế thực thi và bảo đảm cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật. Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 37).
Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng luật đảm bảo mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”
Như đề cập, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu LNOB trong SDGs, nhiều dự án luật có liên quan đang được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội như: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Học tập suốt đời. Tuy nhiên, tiến trình và tiến độ thực hiện còn chậm là rào cản lớn đối với nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý nói chung. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, trong đó, đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Nghị quyết còn yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP, trong đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc xử lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các đề án, tài liệu, báo cáo, văn bản đề xuất khác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phân cấp, phân quyền phù hợp; có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không tuân thủ nghiêm quy định của Quy chế để bảo đảm tiến độ ban hành văn bản. Những động thái này cần tiếp tục được nhấn mạnh và đôn đốc đặc biệt liên quan tới các văn bản thực thi mục tiêu LNOB.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả giảm nghèo thông qua chuyển đổi số.
Việc ứng dụng công nghệ số tại các địa bàn còn khó khăn đã góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao được tính chủ động, khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin ở các hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động tìm hiểu thông tin để thực hiện các giải pháp thoát nghèo hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội. Chuyển đổi số là cơ hội lớn để phụ nữ xóa bỏ rào cản phân biệt đối xử về giới để nắm bắt nhanh chóng thông tin tình hình thị trường tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó xác định: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế. Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xác định: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” là khâu đột phá quan trọng trong giai đoạn tới, nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, và tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã đưa vào nội dung: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
5. Kết luận
Mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc cảnh báo, thế giới có nguy cơ bỏ lỡ SDGs nếu không tăng gấp hai lần nỗ lực toàn cầu để hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này. Trải qua 20 năm nỗ lực thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu mà thế giới ghi nhận, tuy nhiên, trong bối cảnh mới với các mục tiêu cụ thể và tham vọng hơn, cần thiết có những quyết tâm chính trị và hiện thực hóa bởi các quy định pháp luật và cơ chế thực thi hiệu quả thì Việt Nam mới sớm đạt được mục tiêu tham vọng “không ai bị bỏ lại phía sau”.
TS. Nguyễn Như Hà
Khoa Luật kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 6 (35) - 2023
---
Tài liệu trích dẫn
(1) Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Lã Khánh Tùng (2022), Lập pháp bảo đảm bình đẳng tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (453), tháng 03/2022.
Tài liệu tham khảo
1. UN Stainable Development Group (2022), Operationalizing leaving no one behind: Good practice note for UN Country teams, UNSDG;
2. Hiến pháp 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn;
3. Báo cáo rà soát bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiến nghị, Dự án 58492, “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, 2013.
4. CEDAW và bình đẳng giới ở Việt Nam, Tài liệu tập huấn về CEDAW, Dự án VNM8P06, 2012
5. Tài liệu Hội thảo “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” tại thành phố Hà Nội, ngày 20/4/2015;
6. Lã Khánh Tùng (2022), Lập pháp bảo đảm bình đẳng tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (453), tháng 03/2022;
7. Nguyễn Thị Lê (2022), “Không ai bị bỏ lại phía sau”: Từ quan điểm chính sách đến thực tiễn trong tiếp cận y tế của người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu con người số 1(118) (2022).