Quyền con người là vấn đề vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc thù, liên quan đến mỗi cá nhân và các quốc gia, dân tộc. Những năm qua, việc thực thi và bảo đảm quyền con người ở nước ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào mục tiêu phát triển con người bền vững. Tuy nhiên, những hạn chế về nhận thức, rào cản về thể chế, chính sách và những tập tục trong văn hóa truyền thống khiến việc thực thi quyền con người gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xây dựng và hình thành văn hóa quyền con người với trọng tâm là giáo dục, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn về quyền con người sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập đó, tạo môi trường thuận lợi, an toàn để mỗi cá nhân không ngừng trưởng thành, phát triển.
1. Quan niệm về văn hóa quyền con người
Thuật ngữ “Văn hóa quyền con người” (Human rights culture) xuất hiện lần đầu trong Kế hoạch hành động của Chương trình Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995-2004) nhưng chưa được định nghĩa và giải thích đầy đủ, phải đến khi Chương trình thế giới về quyền con người (2005-2007) được xây dựng, phát động, thuật ngữ “Văn hóa quyền con người” mới được đề cập, gắn với những mục tiêu cụ thể liên quan đến việc giáo dục quyền con người phổ quát cho mọi người.
Chương trình thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 14-7-2005 nhấn mạnh mục tiêu của giáo dục quyền con người là “giáo dục, nghiên cứu và quảng bá thông qua việc truyền đạt tri thức và kỹ năng cũng như hình thành thái độ nhằm mục đích xây dựng văn hóa quyền con người phổ biến”1.
Sự ra đời của “Văn hóa quyền con người” là sự tiếp nối của những chương trình, mục tiêu lớn mang ý nghĩa nhân văn mà UNESCO kiên trì theo đuổi và thực hiện. Năm 1988, trước những mâu thuẫn xã hội khi kinh tế ngày càng phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo lại gia tăng, mức thụ hưởng về văn hóa giữa các giai tầng có sự khác biệt lớn; tình trạng đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng xã hội và nạn ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều quốc gia, khu vực, đặt ra nhiều vấn đề về phát triển bền vững, cân bằng, bao trùm. Những vấn đề đó khiến cho những nhà chức trách, các tổ chức quốc tế đã có những nhận thức lại về mục tiêu của sự phát triển, tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng mất cân bằng đó. Một trong những giải pháp được nhấn mạnh và kỳ vọng, đó là cần gia tăng giá trị và hàm lượng văn hóa sẽ góp phần cải thiện những bất cập, xung đột, mâu thuẫn, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tại Lễ phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (tại Paris ngày 21/1/1988), nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Péze de Cuellar nhấn mạnh: “Phát triển, tất nhiên có nghĩa là sự thay đổi, nhưng sự thay đổi không phải sẽ tạo nên sự cách biệt mà nó sẽ tạo ra những đặc tính đặc trưng của xã hội và cá nhân; đầu tiên và trên hết, sự thay đổi phải đem lại cuộc sống phồn vinh và có chất lượng, được mỗi cộng đồng chấp nhận. Tôi tin rằng, đây là định nghĩa và ý nghĩa của của sự phát triển, sẽ được khởi đầu và được truyền bá bởi văn hóa”2.
Việc phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, góp phần định vị và khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển. Một trong bốn mục tiêu lớn mà Thập kỷ phát triển văn hóa hướng đến, đó là mở rộng quyền văn hóa của con người: “Mở rộng sự tham gia vào đời sống văn hóa, huy động các lực lượng và tự do sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng, vì quyền con người tự do ý chí và độc lập về trí tuệ với hai lĩnh vực ưu tiên: Tham gia vào đời sống văn hóa; Tăng cường và sáng tạo”3.
Nhằm cụ thể hóa các chương trình, mục tiêu của Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, các thuật ngữ “Văn hóa khoan dung”, “Văn hóa môi trường”, “Văn hóa hòa bình”... đã được ra đời. Năm 2005, thuật ngữ “Văn hóa quyền con người” lần đầu tiên được đề cập, gắn với những mục tiêu giáo dục về quyền con người, khẳng định vai trò, ý nghĩa của giáo dục trong việc bảo đảm giá trị, quyền con người trong bối cảnh mới.
Như vậy, thuật ngữ “Văn hóa quyền con người” được sử dụng với nội hàm ban đầu nhấn mạnh đến quá trình giáo dục, thể hiện trình độ văn hóa, nhận thức; khả năng tri nhận của con người về những vấn đề liên quan đến quyền con người. Điều này cũng phù hợp với nhiều quan niệm về văn hóa khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Văn hóa phản ánh “lực lượng bản chất người” của con người; văn hóa chỉ năng lực, trình độ và sự phát triển của loài người trong tiến trình phát triển. Trong công trình Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture, 1871), nhà nhân học người Anh Edward B. Tylor cho rằng: “Hiểu theo nghĩa dân tộc học rộng rãi của nó, Văn hoá hay văn minh là cái toàn thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và bất kỳ một khả năng, tập quán nào khác mà con người thu nhận được trong tư cách là thành viên của xã hội”4. Ở quan niệm này, có thể thấy văn hóa thuộc về con người và chỉ có con người mới tạo ra văn hóa. Văn hóa là tổng thể của những tri thức, kinh nghiệm, tập quán, thói quen... mà con người thu nhận, tích lũy được trong quá trình cải biến tự nhiên, xã hội và cải biến chính cái tự nhiên trong mỗi người để ngày càng trở nên văn hóa, nhân văn, tốt đẹp hơn.
Văn hóa quyền con người được đề cập trong Chương trình thế giới về quyền con người, được cụ thể hóa trong 6 mục tiêu và 9 nguyên tắc của giáo dục quyền con người. Sáu mục tiêu của Chương trình thế giới về quyền con người bao gồm:
(1) Tăng cường sự tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản
(2) Phát triển toàn diện nhân cách và hiểu biết về sự tôn nghiêm của nhân cách
(3) Tăng cường hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa tất cả các dân tộc, dân bản xứ, giữa các nhóm nhân chủng, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ
(4) Đảm bảo để mọi công dân đều có khả năng tham gia hiệu quả vào xã hội tự do và dân chủ trong khuôn khổ pháp luật
(5) Xây dựng và gìn giữ hòa bình
(6) Đẩy mạnh sự phát triển, duy trì được vị trí con người là trung tâm và chính nghĩa trong xã hội5.
Căn cứ vào những mục tiêu, nguyên tắc được đề cập trong giáo dục quyền con người cũng như xem xét nội hàm và những cách tiếp cận hai thuật ngữ “văn hóa” và “quyền con người”, nhà nghiên cứu Vũ Thị Minh Chi cho rằng: “Văn hóa quyền con người là một tổng thể phức hợp hệ thống khái niệm về quyền con người được sử dụng chung, chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong một cộng đồng, khiến cho các cộng đồng vừa mang tính chung vừa mang tính đặc thù riêng”6.
Tiếp cận văn hóa quyền con người từ góc độ giá trị, chúng tôi cho rằng: Văn hóa quyền con người là hệ thống các giá trị, tri thức, quan niệm, niềm tin của con người về quyền con người, định hình phương thức hành động và hành vi ứng xử của cá nhân, cộng đồng nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cũng như thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ, tạo ra sự đa dạng văn hóa trên nền tảng của những giá trị chung, phổ quát.
Hạt nhân cốt lõi của văn hóa quyền con người là hệ thống các giá trị mà nhân loại đã xây dựng, định hình và khẳng định, đó là các giá trị về quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền được sung sướng và quyền mưu cầu hạnh phúc... Đây là những giá trị mang tính phổ quát thuộc về những khát vọng, mong ước của con người. Những giá trị đó góp phần kết nối, giúp con người xích lại gần nhau để cùng hướng đến những mục tiêu tốt đẹp, nhân văn.
Văn hóa quyền con người còn thể hiện ở hệ thống tri thức, kinh nghiệm mà con người đúc kết từ thực tiễn lao động, sản xuất; từ quá trình đấu tranh để sinh tồn. Những tri thức đó mang tính nền tảng, là chìa khóa để mỗi người học tập, tiếp thu, từ đó ý thức sâu sắc hơn về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với cộng đồng, xã hội.
Văn hóa quyền con người quy định và chi phối phương thức ứng xử, hành vi của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội. Tùy vào năng lực tiếp nhận những giá trị, tri thức về vấn đề quyền con người; đặc điểm của thể chế chính trị; truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt của cộng đồng mà văn hóa quyền con người ở mỗi quốc gia, dân tộc có sự khúc xạ, biểu hiện ra bên ngoài với những sắc thái đa dạng.
Từ những giá trị chung, mang tính phổ quát về quyền con người, được các thế hệ, các quốc gia vun đắp, hình thành trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi nước lại có sự kế thừa, bổ sung, vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quốc gia, dân tộc mình. Và trong khi thực thi, triển khai những nguyên tắc để đảm bảo quyền con người, các quốc gia lại góp phần bổ sung những giá trị mới cho hệ giá trị quyền con người thế giới, tạo nên bức tranh văn hóa quyền con người thống nhất trong đa dạng.
Việc xây dựng và thực thi văn hóa quyền con người sẽ có ý nghĩa quan trọng nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn; nâng cao trình độ nhận thức và sự hiểu biết của con người, nhất là thế hệ trẻ về quyền con người, từ đó hình thành chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự trên tinh thần tôn trọng, hòa hợp, đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau phát triển, cùng chung tay gìn giữ và bảo vệ hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại.
Để xây dựng và thực thi văn hóa quyền con người cần phải đảm bảo tốt các điều kiện như:
- Xác lập được hệ giá trị quyền con người phổ quát toàn nhân loại và những giá trị quyền con người mang tính đặc thù của từng quốc gia, dân tộc.
- Xây dựng cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực thi những cam kết chung về quyền con người; tạo cơ sở hành lang pháp lý để bảo đảm quyền con người; có biện pháp mạnh để ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xâm hại quyền con người. Có chính sách đề đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, lan tỏa những giá trị của văn hóa quyền con người trong toàn xã hội.
- Phát huy vai trò của hệ thống các thiết chế văn hóa đặc biệt như: gia đình, nhà trường và các không gian sinh hoạt văn hóa công cộng trong giáo dục về quyền con người. Hình thành mạng lưới các tổ chức bảo vệ quyền con người từ trung ương đến cấp cơ sở.
- Tăng cường sự liên kết, phối hợp và sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể trong việc thực thi và đảm bảo quyền con người, đó là vai trò của các tổ chức quốc tế; chính phủ các quốc gia, các đoàn thể chính trị - xã hội và đặc biệt là quần chúng nhân dân. Nhân dân là đối tượng cần được bảo vệ những quyền cơ bản nhưng đồng thời chính họ cũng chính là người đề xuất, tham mưu và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để cùng với các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước thực thi và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Con người luôn là trung tâm trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Nguồn: cand.com.vn
2. Xây dựng và thực thi văn hóa quyền con người ở nước ta hiện nay
Vấn đề quyền con người và thực thi quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, chú trọng, coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Văn hóa quyền con người là khái niệm mới, xuất hiện muộn nhưng qua những quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng chung tay bảo vệ quyền con người, đã phản ánh những chiều cạnh của văn hóa quyền con người. Điều này được thể hiện ở những phương diện như:
Thứ nhất, khẳng định và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn của văn hóa quyền con người.
Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, trong lịch sử, Việt Nam luôn bị các thế lực ở phương Bắc, phương Tây nhòm ngó, xâm lăng và đô hộ. Hoàn cảnh, điều kiện lịch sử đó đã hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đại đoàn kết; quyết tâm gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc và khát vọng cháy bỏng về nền hòa bình, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào về nền độc lập tự do của dân tộc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”7.
Nói về bản chất của chế độ và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong tác phẩm Dân vận viết năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Ðoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”8.
Kế thừa truyền thống thân dân, trọng dân, yêu dân, khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc trong văn hóa truyền thống, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những giá trị đó, thể chế hóa trong các văn bản mang tính quyền lực, pháp lý.
Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm nội hàm và những giá trị mới liên quan đến việc bảo đảm quyền, lợi ích của con người và cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”9.
Mới đây, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định quan điểm nhất quán đã được nêu ra tại các kỳ Đại hội trước, đó là: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”10.
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, khi đề cập đến việc nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”11.
Như vậy, trên cơ sở những giá trị chung, phổ quát được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và các Công ước quốc tế về các quyền con người, Đảng, Nhà nước Việt Nam qua các giai đoạn, thời kỳ luôn đề cao những giá trị, các quyền cơ bản của con người, đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”12.
Các giá trị thuộc về quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên trì thực hiện, xác định đó là mục tiêu cao đẹp trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Các giá trị quyền con người tiêu biểu như: con người được sống trong một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, pháp quyền; có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; được phát huy năng lực, sở trường; được hưởng môi trường an toàn, lành mạnh; thật sự là chủ thể quan trọng nhất trong quá trình phát triển.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để đảm bảo và thực thi văn hóa quyền con người
Việt Nam tham gia Liên hợp quốc năm 1977, từ đó cho đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thực hiện tốt những điều ước, quy tắc mà Việt Nam đã ký kết tham gia, đồng thời có nhiều sáng kiến, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định chính trị, an toàn xã hội và sự phát triển, thịnh vượng chung của nhân loại.
Ngày 11-2-2022, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau nhiệm kỳ thứ nhất (2014-2016), sự kiện này góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế với những cam kết, nỗ lực bảo đảm quyền con người.
Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền cơ bản của con người, Việt Nam đã tham gia ký kết và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Tính đến năm 2022, “Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia 7 trong số 9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn và tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản”13.
Trong xây dựng và phát triển Văn hóa quyền con người, vấn đề thể chế, chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo môi trường, hành lang pháp lý quan trọng để qua đó các giá trị được bảo vệ và quyền con người được thực thi. Chỉ tính từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, tương thích với các điều ước quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp và huy động, tổ chức tốt các nguồn lực cùng tham gia bảo đảm quyền con người, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, mở rộng cơ hội tiếp cận về sức khỏe, y tế, giáo dục, văn hóa, giúp con người phát triển một cách toàn diện. Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (xếp hạng 116/189 quốc gia); Chỉ số bình đẳng giới (xếp hạng 67/160 quốc gia)14.
Khẳng định những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong chính sách phát triển con người, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD.
Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển15.
Thứ ba, thiết lập mạng lưới và hệ thống các thiết chế để phổ biến, lan tỏa và thực thi văn hóa quyền con người
Để bảo đảm và thực thi quyền con người cũng như xây dựng văn hóa quyền con người cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước. Việc trao quyền và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban ngành đảm trách về vấn đề quyền con người có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự vận hành thông suốt với sự thống nhất trong nhận thức và hành động, từ đó có biện pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ tốt nhất những quyền cơ bản thuộc về con người.
Tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, ngày 31-12-2019 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, một trong những mục tiêu của kế hoạch là: Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người; Bảo đảm phân công trách nhiệm và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR mà ta chấp thuận; tạo khung tổng thể, phối hợp hài hòa các kế hoạch riêng của các cơ quan về thực hiện các khuyến nghị UPR trong lĩnh vực mình phụ trách. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an chủ trì, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao nghiên cứu việc xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia.
Ở nước ta hiện nay, ngoài các cơ quan, bộ phận chuyên trách về vấn đề quyền con người, đặc biệt là các cơ quan thực thi pháp luật, luôn có sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, và đặc biệt là hệ thống các cơ sở giáo dục trên cả nước.
Thông qua các chương trình, hoạt động giáo dục tại các cấp học, vấn đề quyền con người đã được lồng ghép, giới thiệu một cách hợp lý, giúp các em học sinh hiểu và ý thức ngày càng sâu sắc hơn về quyền, trách nhiệm, bổn phận cá nhân với gia đình, nhà trường, xã hội. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quyền cơ bản của con người thông qua các chương trình giáo dục sinh động, phù hợp, thiết thực sẽ góp phần quan trọng vào việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp, hình thành những hành vi ứng xử văn minh, lịch sự, tiến bộ trong xã hội hiện đại.
Đặc biệt đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp các ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về quyền con người, đặc biệt là quyền văn hóa nhằm nâng cao trình độ nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống và môi trường sống, giúp đồng bào ngày càng ý thức sâu sắc về truyền thống văn hóa, gìn giữ bản sắc tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bên cạnh nhiều chính sách, chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa vùng đào bào dân tộc thiểu số, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số: 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Những chính sách kịp thời và thiết thực đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất mà còn hướng đến đảm bảo tốt nhất quyền con người, nhất là những người ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thể hiện tính chất ưu việt của chế độ cũng như những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm.
Có thể khẳng định rằng, những hành động thiết thực của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, bộ ngành và các cấp chính quyền ở Việt Nam, nhất là từ Đổi mới đến nay là những minh chứng sinh động cho thấy những nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người, hướng đến xây dựng và hình thành nét đẹp của văn hóa quyền con người dựa trên những giá trị chung, phổ quát và những nét đặc thù, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của một quốc gia, dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời.
Tôn trọng, bảo vệ quyền con người không chỉ là yêu cầu mang tính bắt buộc mà đó còn là thước đo căn bản thể hiện trình độ văn hóa, văn minh của các quốc gia, dân tộc. Bảo đảm và thực thi tốt vấn đề quyền con người, hướng đến xây dựng, hình thành văn hóa quyền con người với những giá trị tốt đẹp sẽ tạo những động lực nội sinh, bước đột phá mới để tạo sự thay đổi tích cực của nhân loại, giúp con người có cuộc sống an toàn và ngày càng tốt đẹp, nhân văn hơn.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2023
-----
Tài liệu trích dẫn
(1) Vũ Thị Minh Chi: “Văn hóa quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2- 2007, tr. 28
(2) Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992, tr. 16
(3) Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992, tr. 6
(4) Edward B. Tylor, Văn hóa nguyên thủy (Huyền Giang dịch), Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2001, tr. 13
(5) Dẫn theo Vũ Thị Minh Chi, “Văn hóa quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2- 2007, tr. 29
(6) Vũ Thị Minh Chi, “Văn hóa quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2- 2007, tr. 27
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 3
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 232.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 13-14
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 71
(11) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 170-171.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 47
(13) Mai Ngọc, “Việt Nam khẳng định vị thế quốc tế, tích cực đấu tranh bảo đảm quyền con người”, Chuyên san Hồ sơ sự kiện, số 493 (25-4-2023), tr. 16
(14) Nguyễn Đình Bằng, Bùi Thị Hoàn, “Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 13-4-2021. Nguồn: http://m.tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/quan-diem-dai-hoi-xiii-cua-dang-ve-bao-dam-va-thuc-day-quyen-con-nguoi-16961.html
(15) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 170-171.