Văn hoá pháp đình là một trong những loại hình quan trọng và đậm nét nhất của văn hoá nhân quyền. Tuy đã có nhiều quan tâm cho việc tạo dựng, nhưng loại hình văn hoá này vẫn phải gạt bỏ những hạn chế, lệch lạc cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô đang làm giảm đi giá trị của văn hoá nhân quyền ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn

1. Một vài khái niệm

 Những năm gần đây các thuật ngữ “Nhân quyền”, “pháp quyền”, rồi sau đấy là “văn hóa pháp đình”, “văn hóa nhân quyền” xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên các diễn đàn khoa học về xã hội - nhân văn, khoa xã hội, luật học không mấy hội nghị vắng bóng những thuật ngữ này. Nếu “văn hóa” có hơn 400 định nghĩa khác nhau theo thống kê của Liên Hợp quốc, đã được rất nhiều người thừa nhận, thì thế nào là “văn hóa nhân quyền” và thế nào là “văn hóa pháp đình”, cũng rất khó có những định nghĩa chung. Theo UNESCO, văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc. Tôi muốn đưa ra một định nghĩa chung của mình cho dễ hiểu, văn hóa là những giá trị dẫn dắt những hành vi của con người phải đạt tới và phải được mọi người thừa nhận. Từ đây cũng cho ta tới định nghĩa thế nào là văn hoá nhân quyền và văn hoá pháp đình.

Văn hóa nhân quyền là những giá trị dẫn dắt những hành vi của con người phải đạt tới và phải được mọi người thừa nhận trong lĩnh vực quyền con người.

Văn hóa pháp đình là những giá trị dẫn dắt những hành vi của con người phải đạt tới và phải được mọi người thừa nhận trong các lĩnh vực tư pháp, liên quan đến hoạt động xét xử.

Nhân quyền là một vấn đề phức tạp. Trước hết, đòi hỏi mọi người phải nhận thức được nhân quyền - những quyền mà con người cần được hưởng như một con người, ngay sau đấy phải nhận ra những vấn đề vi phạm những quyền con người được nhận thức ra. Cũng tương tự như vậy, văn hoá nhân quyền là những giá trị phải đạt được, nhưng ngay sau đấy phải thể hiện thái độ đối với những hành vi vi phạm, hoặc chưa đạt được tới chuẩn giá trị. Nhân quyền phải được quy định cho tất cả mọi người, nhưng khi thực thi thì lại phải chú ý đến những người yếu thế, tàn tật, nghèo khổ, nhất là những nơi có nhiều nguy cơ vi phạm các quyền con người. Tương tự như vậy, văn hoá nhân quyền cho tất cả, nhưng phải tập trung đảm bảo nhân quyền cho những nơi ranh giới mong manh giữa bảo đảm và sự mất bảo đảm nhân quyền. Không ở đâu mà giá trị của nhân quyền được tập trung thể hiện hơn ở những nơi phải tiến hành giải quyết các tranh chấp về sự thi hành quyền con người hay tước bỏ quyền con người. Đó là những nơi xét xử - pháp đình, hình thành nên văn hóa pháp đình, một phần quan trọng của văn hóa nhân quyền.

 Văn hoá pháp đình được hiểu ở 2 giác độ vật chất và phi vật chất, gồm các thiết bị phòng ốc, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tiến hành các hoạt động tư pháp, và cách ứng xử, nói năng, phát ngôn của các bên tại phiên toà và nhiều vấn đề khác liên quan thể hiện rõ nhất mức độ giá trị của nhân quyền...

Những năm qua của công cuôc đổi mới Việt Nam đã có nhiều cố gắng cho việc nâng cấp các giá trị văn hóa này, nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, văn hoá pháp đình ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Để nâng cao văn hoá pháp đình, rất cần sự tham gia của nhiều bên để cùng hướng đến một mục tiêu đảm bảo văn hoá pháp đình, qua đó thể hiện được sự tôn nghiêm, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, có thể kết luận rằng pháp đình là nơi thể hiện rõ nét nhất giá trị nhân quyền của mỗi quốc gia. Hãy xem những dẫn chứng dưới đây trong thực tế xét xử ở Việt Nam để có có thể thấy mức độ văn hoá nhân quyền của Việt Nam hiện nay.

2. Muôn mặt đời thường văn hóa pháp đình

a) Pháp đình hay còn được gọi là tòa án - biểu hiện của luật pháp và công lý. Văn hóa pháp đình được biểu hiện dưới hai phạm trù: văn hóa vật thể pháp đình (cơ sở vật chất của tòa án) và văn hóa phi vật thể pháp đình (việc xử lý các mối quan hệ trong tố tụng và việc ứng xử trong phiên tòa của những người tham gia tố tụng). Để bảo đảm tính tôn nghiêm và văn hóa ở chốn pháp đình, tòa án nào cũng có những nội quy buộc những người đến tòa án phải tuân theo. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những nơi, những lúc văn hóa pháp đình bị “bỏ quên”, xem nhẹ.

Tòa án uy nghi thể hiện tính quyền lực nhà nước. Trước mỗi tòa án đều có gắn quốc huy - biểu tượng của quốc gia, thể hiện chế độ, hình ảnh đặc trưng của quốc gia đó. Cách bố trí các vị trí của hội đồng xét xử (các thẩm phán) - công tố (viện kiểm sát) - bồi thẩm đoàn (ở Việt Nam gọi là hội thẩm nhân dân) - luật sư của các quốc gia khác nhau cũng có sự khác nhau. Nếu như ở Thụy Điển, chiếc bàn trong phòng xử hình vòng cung, HĐXX (gồm một thẩm phán và bốn hội thẩm) ngồi ở đầu trên, phía bên trái dành cho ủy viên công tố và nạn nhân; phía bên phải là luật sư và bị cáo; đối diện HĐXX là chiếc ghế tách rời dành cho nhân chứng; phía sau nhân chứng là những hàng ghế dành cho những người tham dự, thì ở Mỹ, trên cùng là thẩm phán chủ tọa phiên tòa, ngồi dưới là thư ký phiên tòa, 2 hàng ghế ngang nhau: 1 bên trái giành cho công tố và người bị hại và nhân chứng; hàng ghế bên phải giành cho luật sư cùng bị cáo, nhân chứng, bồi thẩm đoàn là hàng ghế được giành riêng vuông góc với hàng ghế của công tố và luật sư. Nên chú ý ở 2 nhà nước dân chủ tư sản này, luật sư và bị cáo, luật sư buộc tội và người bị hại luôn luôn ngồi liền với nhau thành 2 bên đối lập để tiện cho việc trao đổi giữa họ. 

Ở Tòa án Việt Nam, trước đây HĐXX được bố trí ngồi giữa, bên trái HĐXX là bàn thư ký, bên phải là bàn của kiểm sát viên, bàn luật sư thường được bố trí phía dưới. Với cách bố trí này, vị trí của luật sư tạo ra vị thế dường như không được bình đẳng so với VKS. Sau nhiều lần thay đổi, năm 2017, Tòa án đã sắp xếp kiểm sát viên ngang bằng với luật sư bào chữa. Xem hình dưới đây.

Mô tả:
(1) Vị trí của Hội đồng xét xử (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, nếu vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn) được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy;
(2) Vị trí của Thư ký phiên tòa được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa);
(3) (4) Vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện với nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên tòa;
(5) (6) (7) Vị trí bục khai báo của những người tham gia tố tụng khác, vị trí bục khai báo của bị cáo và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngang hàng và phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;
(8) Vị trí của bị cáo được bố trí phía sau bục khai báo của bị cáo;
(9) Vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa được bố trí phía sau vị trí của bị cáo;
(10) (11) (12) Vị trí của những người tham gia tố tụng khác được bố trí phía sau vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa;
(13) Vị trí hàng rào đặt giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với người tham dự phiên tòa;
(14) (15) Vị trí của những người tham dự phiên tòa được bố trí ngay sau hàng rào theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;
(16) (17) Vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên tòa được bố trí ngay sau vị trí của người tham dự phiên tòa theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;
(18) (19) Vị trí của phóng viên, nhà báo được bố trí phía sau cùng của phòng xử án theo sự điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
1.

Những năm trước đây, mặc dù các tòa án được trùng tu, xây dựng khang trang hơn thời kỳ trước, nhưng ở một số nơi, tòa án quận, huyện vẫn còn tình trạng nhếch nhác, đã làm mất đi tính uy nghiêm của chốn pháp đình do cơ sở vật chất thiếu thốn. Bàn, ghế ngồi của luật sư khập khiễng; ghế ngồi cho người tham dự thiếu và quá cũ kỹ;... Nhiều phiên xử, người tham dự phải đứng chen chúc bên ngoài phòng xử vì bên trong chỉ có hai - ba hàng ghế. Cho đến nay, tình trạng này đã dần được khắc phục qua các lần thực hiện các Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị về  hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp năm 2005.

Tòa án là nơi tôn nghiêm, tất cả mọi công dân khi đến tòa án phải có ý thức tôn trọng. Tuy nhiên, trong giờ xét xử, có nhiều người thường đi ra đi vào; điện thoại di động không tắt chuông, tắt máy hoặc cách ăn mặc xuề xòa, thiếu nghiêm túc của người đến tham dự phiên tòa... đã làm cho pháp đình thiếu đi tính tôn nghiêm.  Theo quy định của Hiến pháp, Toà án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, thì nguyên tắc hoạt động, tổ chức của Tòa án phải khác căn bản với nguyên tắc tổ chức và hoạt động trước đây chỉ bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước.

Mục đích vì công lý của Tòa án đã được xác định rõ bằng quy định của Hiến pháp. Đây là một trong những thành công lớn của Hiến pháp năm 2013. Nhưng những khẳng định đó cần phải được thực hiện bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, hữu hiệu kèm theo và phải được thể chế hóa thành các quy định của các đạo luật dưới Hiến pháp, đặc biệt là trong các luật: Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, v.v..

Bên cạnh việc quy định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân, Hiến pháp còn quy định một số nguyên tắc làm nền tảng cho việc bảo vệ công lý của Tòa án. Ví dụ như: nguyên tắc tranh tụng và quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; nguyên tắc suy đoán vô tội kèm theo nó là quyền im lặng của bị can, bị cáo; xét xử nhanh chóng, công bằng và công khai...

Nếu chuyển sang tranh tụng trong xét xử thì cần phải có các điều kiện kèm theo để phục vụ cho nguyên tắc này. Phiên xét xử phải được hình thành như một thế trận cân bằng để các bên có quyền đưa ra các chứng cứ của mình, mà không chỉ dừng lại chỉ ở chứng cứ đã được thu thập của bên buộc tội. Bên buộc tội có những quyền hạn gì, thì bên gỡ tội cũng có những quyền tương tự, một cách công khai bình đẳng và càng không thể chấp nhận chứng cứ một cách bất ngờ cho đối phương. Cũng tương tự như vậy của phiên xét xử dân sự: quyền hạn bằng nhau giữa hai bên, bên nguyên và bên bị. Trong mọi trường hợp, thẩm phán chỉ đóng vai như là một trọng tài của trận tranh tụng giữa hai bên luật sư và sẽ phán quyết nghiêng về bên nào có chứng cứ, lập luận đúng hơn. Quyết định án của thẩm phán phải kèm theo sự lập luận chuẩn xác theo pháp luật và theo lương tâm của người thẩm phán.

Hiến pháp năm 2013 còn khẳng định rõ nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý trước các nhiệm vụ khác của tòa, đây là khiên đỡ cuối cùng của tự do. Hoạt động điều tra phải hạn chế được hoạt động truy tố, hoạt động truy tố phải hạn chế được hoạt động xét xử, hoạt động xét xử phải hạn chế được hoạt động truy tố buộc tội và gỡ tội, và thi hành án hình sự phải hạn chế được hoạt động xét xử... Cứ như vậy, công lý sẽ được bảo đảm, cuối cùng quyền con người sẽ nhiều cơ hội cho việc được bảo đảm, văn hoá nhân quyền sẽ được nâng cao.

Một khi đã quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp và có nhiệm vụ bảo vệ công lý, thì đã mở ra khả năng cho việc cần phải phân định rõ ràng giữa 3 chức năng hoạt động tư pháp: buộc tội, gỡ tội và xét xử. Tương ứng với 3 chức năng này là các chủ thể: buộc tội gồm công tố, điều tra, người bị hại, nhân chứng, vật chứng phục vụ cho việc buộc tội; với chức năng gỡ tội gồm: luật sư bào chữa, bị can, bị cáo, người làm chứng; chức năng xét xử do Tòa án đảm nhiệm với chủ thể là các thẩm phán và đoàn bồi thẩm với bản tính vô tư và độc lập. Đây là cách phân quyền phổ biến trong hiến pháp của các nước trên thế giới.

Thay cho việc phân biệt 3 chức năng: buộc tội, gỡ tội cân bằng cho 2 bên, và tư pháp - tòa án độc lập vô tư, giữa 2 bên như phân tích ở phần trên, thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại phân thành hai chương căn bản. Ngoài Phần thứ nhất - những quy định chung của Bộ luật này làm tư tưởng xuyên suốt trong tinh thần cũng như quy định của tố tụng hình sự Việt Nam, tại Chương III quy định về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiến hành tố tụng, và Chương IV quy định về người tham gia tố tụng. Như vậy, những người đại diện cho Nhà nước gồm có thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên vào một bên; còn người dân thường gồm cả luật sư, bị cáo, bị hại, nhân chứng – tức là người dân - vào một bên. Cách quy định này chưa phân định rõ các chức năng buộc tội, gỡ tội và cân bằng cho 2 bên như mô hình phổ biến hiện nay trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc phân biệt chức năng này còn phải được tiến hành giữa chủ thể quản lý trại tạm giam và chủ thể có quyền điều tra người tạm giam, giữa chủ thể điều tra với chủ thể thi hành án phạt tù.Trong tư pháp hình sự, nếu các công an viên vừa là người làm thủ tục và thực thi việc bắt giam, vừa là người điều tra, xét hỏi kẻ bị họ nghi có tội, lại vừa là chủ thể trực tiếp quản lý trại giam cả trong giai đoạn chưa thành án và cả giai đoạn sau thi hành án, thì việc oan sai và dùng nhục hình trong điều tra, xét hỏi và cả trong giai đoạn thi hành án (sau khi bản án do tòa án tuyên có hiệu lực) là dễ xảy ra.

b) Về phía người dân tham dự phiên toà, ứng xử của họ cũng góp phần tạo nên văn hoá pháp đình. Trong thực tế, không ít người dân, với tư cách đương sự, và người nhà của đương sự luôn thể hiện sự bức xúc thường hay lớn tiếng làm huyên náo phiên toà. Chẳng hạn, ngày 24/9/2019, TAND Thành phố Vĩnh Long đưa ra xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Nguyễn Đức H và bị đơn Trần Thị N. Trong quá trình Hội đồng xét xử nghị án, thì bà N thực hiện hành vi gây rối, làm mất trật tự phiên tòa bằng cách la hét, dùng lời thô thiển xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông H. Đồng thời, bà N nhiều lần xông đến vị trí ông H khiến lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải liên tục can ngăn. Việc gây rối kéo dài khoảng 20 phút khiến HĐXX không thể tiến hành. Đến khi đương sự rời khỏi phòng xử án thì HĐXX mới tiếp tục xét xử được. Vì hành vi “trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử; gây mất an ninh trật tự tại TAND Thành phố Vĩnh Long; gây hoang mang, bức xúc của những người tham dự phiên tòa”, sau đó bị cáo Trần Thị N bị xử phạt 9 tháng tù theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 21/5/2014, người nhà bị cáo Ngô Thị Ngọc H ngụ ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã gào thét, quậy phá tại TAND tỉnh Bình Phước. Khi bị cáo được lực lượng hỗ trợ tư pháp dẫn giải ra xe chuyên dụng chở về trại tạm giam thì bất ngờ bà Ngô Thị Ngọc U (chị ruột của bị cáo H) đứng giữa sân gào thét, chửi rủa vì cho rằng bị cáo bị oan. Dù được lực lượng công an và bảo vệ khuyên giải nhưng bà U vẫn không chịu rời đi, mà còn lăng mạ HĐXX và công an đang làm nhiệm vụ, buộc lực lượng công an hỗ trợ tư pháp phải dùng biện pháp cưỡng chế, đưa người phụ nữ này lên xe chở về UBND phường để xử lý hành vi vi phạm.

Không chỉ người dân bình thường mà ngay cả những người được uỷ quyền tham gia tố tụng cũng có tình trạng thiếu văn hoá ứng xử nơi toà án. Trường hợp Trần Thị Ngọc N ở Bình Thuận là ví dụ. Theo bản án, bà N được ủy quyền tham gia tố tụng và giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ án dân sự “Tranh chấp về tài sản chung sau ly hôn” do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm ngày 23/5/2018. Mặc dù đã được TAND tỉnh giải quyết, nhưng bà N không thực hiện quyền của mình theo trình tự pháp luật, mà nhiều lần đến trụ sở TAND tỉnh gây rối, chửi bới, xúc phạm các thẩm phán, chánh án TAND tỉnh. Chiều 23/3/2021, TAND thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) tuyên án 9 tháng tù giam đối với bị cáo Trần Thị Ngọc N (44 tuổi, ngụ thành phố HCM; tạm trú phường Mũi Né) cho hành vi hai lần đến TAND tỉnh Bình Thuận quậy phá, chửi bới rồi phát lên mạng xã hội2.

Trên thực tế, Tòa án nào cũng treo một bản nội quy tòa án trước phòng xử. Tuy nhiên, đó chỉ là những quy định chung, còn quy chế cụ thể để quy định về tác phong đi đứng, cách ăn mặc, cách ứng xử... cho người đến chốn pháp đình (cho dù với bất kỳ tư cách nào), cũng như các biện pháp chế tài đối với người vi phạm hầu như chưa có, trong khi ý thức của mỗi cá nhân quá kém. Ở phiên tòa dân sự, khi phán quyết của tòa án gây bất lợi cho nguyên đơn hoặc bị đơn, một số người đã không kiềm chế, có những lời nói thóa mạ, những hành động quá mức cho phép như ném đá, đánh luật sư, thư ký, thẩm phán...

Với giới luật sư ở chốn pháp đình cũng không ít vấn đề nổi cộm. Không hiếm trường hợp luật sư tranh luận xúc phạm đồng nghiệp, ví von khó nghe... mà quên mất rằng là luật sư thì bên cạnh việc tôn trọng pháp luật còn cần tôn trọng quy tắc nghề nghiệp trong Bộ quy tắc ứng xử của Luật sư. Ở phiên toà có thể là đối tụng với nhau nhưng ra ngoài vẫn là đồng nghiệp, cần giữ gìn hình ảnh luật sư3.

c) Văn hoá tranh luận 

Từ khi thực hiện cải cách tư pháp, rõ ràng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa đã được cải thiện. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thấy những hiện tượng đôi co, mạt sát đối phương giữa kiểm sát viên thực hiện quyền công tố với luật sư. Có không ít phiên xử, công tố viên của Viện kiểm sát hỏi một cách mạt sát: “Tôi không biết luật sư học luật ở đâu?”. Luật sư cũng không vừa, đốp lại: “Tôi học ở trường mà kiểm sát viên học”. Tại một phiên tòa ở Đắk Lắk, luật sư nói thẳng trước pháp đình: Viện kiểm sát “truy tố bị cáo như thế là vô nhân đạo”. Đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng độp lại không kém cạnh: “Bài bào chữa của luật sư trơ trẽn như lời biện hộ của bị cáo”4.

Một số luật sư “kêu ca” rằng, kiểm sát viên thực hiện quyền công tố khi bí không giải trình được, thì thường kết thúc bằng câu đặt dấu chấm hết cho việc tranh tụng: “Viện kiểm sát chúng tôi giữ nguyên quan điểm truy tố”. 

Bên cạnh như hành vi trên, đã có nhiều những ứng xử rất văn hoá pháp đình. Ông Nguyễn Văn Tùng, Kiểm sát viên cao cấp khi thực hành công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại thành phố HCM từng bị luật sư nhắc nhở “Công tố viên chưa tranh luận hết các vấn đề luật sư đề cập”, khi đó ông nói xin lỗi và tranh luận tiếp vì một lý do tế nhị mà trước đó ông chưa tranh luận. Theo ông, không chỉ công tố viên mà câu chuyện luật sư xin lỗi trước tòa thay cho bị cáo đối với gia đình bị hại trong vụ án giết người cũng là một nét văn hóa. Để pháp đình có văn hóa, tranh luận có kết quả, không mạt sát nhau, đòi hỏi kiểm sát viên phải biết lắng nghe, có thái độ bình tĩnh, kiên quyết, có tình, có lý; đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật5...

d) Pháp đình lưu động và mục tiêu tuyên truyền, giáo dục pháp luật 

Xét xử lưu động hay còn được gọi một cách văn hóa là pháp đình lưu động là những phiên toà được diễn ra trong một khoảng không gian công cộng ngoài trụ sở của toà án, chủ yếu là các vụ án hình sự. Đây là hình thức xét xử của toà án các nước xã hội chủ nghĩa với mục đích thông qua xét xử nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Hoạt động xét xử này còn là một trong những tiêu chí thi đua của ngành toà án.

Tuy nhiên, hình thức xét xử này cũng cần phải xem xét lại dưới giác độ văn hoá pháp đình cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Vì rằng việc dịch chuyển địa điểm xét xử cùng những trang thiết bị kèm theo phục vụ cho công tác xét xử là khó có điều kiện phù hợp, và nhất là môi trường đông đảo người dân gây nhiều áp lực cho cả bị cáo, luật sư, công tố và cho cả HĐXX. Mục tiêu giáo dục pháp luật thường không được bảo đảm vì đôi khi phải nằm dưới mục đích tò mò, xỉ báng bị cáo của đông đảo người dân6.

3. Nâng tầm văn hoá pháp đình

Văn hoá tố tụng nói chung và văn hoá pháp đình nói riêng được thể hiện ở hành vi của các luật sư, luật sư với các bị can, bị cáo, người bị hại và giữa những người tham gia tố tụng với HĐXX. Muốn có được văn hoá pháp đình, bản thân các chủ thể tiến hành tố tụng phải nỗ lực trong việc học hỏi trau dồi kiến thức và nhân quyền, cũng các kỹ năng khác như xét xử  tranh trụng, giao tiếp... Trọng tâm của văn hoá pháp đình là mọi chủ thể tham gia hay dẫn dắt  phiên toà phải thực hiện đúng vai trò vị trí của mình theo quy định của pháp luật.

Văn hoá tố tụng trước hết phải tôn trọng pháp luật theo sự điều hành của chủ toạ phiên toà. Sau đó các chủ thể phải có thái độ làm việc tôn trọng lẫn nhau bởi mục đích chính vẫn là bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật. Trong quá trình tranh luận tại phiên toà, luật sư và đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố phải có thái độ bình tĩnh, thậm chí phái kìm nén những cảm xúc không cần có của bản thân để không sử dụng từ ngữ mang tính chất mạt sát, hạ thấp danh dự của đối phương. Điều này là đạo đức nghề nghiệp được thể hiện trong Bộ quy tắc ứng xử của Luật sư.

Để nâng cao văn hoá pháp đình, lực lượng hỗ trợ tư pháp - cảnh sát tư pháp cần túc trực tại phiên toà để áp dụng nghiêm các lệnh của chủ toạ phiên toà như yêu cầu mọi người rời phiên toà, bắt giữ hoặc xử phạt hành chính người có hành vi gây rối phiên toà.

Kết luận

Văn hoá pháp đình là một trong những loại hình quan trọng và đậm nét nhất của văn hoá nhân quyền, vì ở đây có rất nhiều biểu hiện rất dễ nhận thấy và rất dễ đánh giá nhất giá trị của công cuộc xây dựng văn hoá nhân quyền. Đảng và Nhà nước Việt Nam tuy đã có nhiều quan tâm cho việc tạo dựng loại hình văn hoá này và đã có một số thành công so với thời kỳ trước, như việc cung cấp các trang thiết bị, xây trụ sở mới cho các toà án, trong đó có các phòng xét xử khang trang, nhưng trong điều kiện mới cần phải quan tâm hơn nữa để nhanh chóng gạt bỏ những hạn chế, thậm chí cần phải bỏ hẳn những lệch lạc làm giảm đi giá trị của văn hoá nhân quyền ở Việt Nam, từ cả ở tầm vĩ mô như các thể chế, chế định của Nhà nước đến cả các hành vi vi mô của các bên tham gia tố tụng.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 5/2023

-----

Tài liệu trích dẫn

(1) Phụ lục số 01 Thông tư số 01/2017/TANDTC Quy định về phòng xử án

(2) Trịnh Ninh - Lương Liễu, Văn hóa pháp đình - sự tôn nghiêm, tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam ngày 6-10-2022

(3) Trịnh Ninh - Lương Liễu,Tlđd.

(4) Bi hài văn hoá pháp đình, bài 2: bên buộc, bên gỡ, http://chobinhtay.gov.vn/vi/tin-tuc/bi-hai-van-hoa-phap-dinh-bai-2-ben-buoc-ben-go/3502; truy cập 15/8/2023.

(5) Bi hài văn hoá pháp đình, bài 2: bên buộc, bên gỡ, http://chobinhtay.gov.vn/vi/tin-tuc/bi-hai-van-hoa-phap-dinh-bai-2-ben-buoc-ben-go/3502; truy cập 15/8/2023.

(6) Đặng Hoàng Giang: Thiện, ác và Smartphone, Nxb. Hội Nhà văn 2017 tr. 57.