Quyền giáo dục là một quyền con người cơ bản nhưng khó được bảo đảm đối với người khuyết tật (NKT). Để bảo đảm quyền giáo dục của NKT trong điều kiện đất nước có nhiều đổi thay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, luật pháp liên quan đến giáo dục cho NKT. Trong phạm vi bài viết, qua việc hệ thống hóa các nguồn tài liệu có liên quan tới giáo dục của NKT, tác giả đi đến nhận diện thực trạng tổ chức thực hiện giáo dục của NKT. Qua những hạn chế, rào cản trong việc thực hiện giáo dục cho NKT để đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục cho NKT ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn.

1. Đặt vấn đề

Theo Điều 2 - Luật Người khuyết tật năm 2010, NKT được định nghĩa “là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Theo Báo cáo điều tra quốc gia về NKT năm 2016, ở Việt Nam có khoảng 7,06% dân số là NKT từ 2 tuổi trở lên. Số lượng NKT hiện nay là khoảng 6,2 triệu người. Trong đó tỷ lệ khuyết tật trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,83% và người lớn là 8,67%. Tỉ lệ NKT sống ở khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần so với khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ khuyết tật của nhóm 20% dân số nghèo nhất là 11,2% cao gấp 3 lần so với nhóm 20% dân số giàu nhất. Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng lên theo tuổi, tỷ lệ nữ cao hơn nam. Có khoảng 17,8% NKT từ 2 tuổi trở lên đang sống trong hộ gia đình nghèo đa chiều1. Hiện nay, NKT vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rào cản trong việc tiếp cận và tham gia vào đời sống xã hội; khả năng hòa nhập của NKT nói chung, đặc biệt là ở khu vực nông thôn rất khó khăn.

Giáo dục cho NKT để tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận, hòa nhập xã hội là một giải pháp quan trọng. Trong thực tế, giáo dục cho NKT luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta từ phương diện ban hành chính sách đến tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian qua giáo dục cho NKT bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, rào cản đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

2. Thực trạng thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật ở Việt Nam

a) Những kết quả đạt được

Thực hiện giáo dục hòa nhập đối với cho người khuyết tật

Thực hiện Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục hòa nhập đối với NKT được quan tâm thực hiện, các chương trình giáo dục hòa nhập các cấp được xây dựng, ban hành, tạo điều kiện cho NKT đặc biệt là trẻ khuyết tật (KT) có cơ hội tiếp cận giáo dục. Đến nay Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em KT và triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông2. Số trẻ KT được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ KT khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,63.

Hiện nay, cả nước có 2 trường Đại học Sư phạm và 3 trường Cao đẳng Sư phạm mở mã ngành đào tạo sư phạm giáo dục đặc biệt. Hàng nghìn giáo sinh đã được đào tạo chính quy về giáo dục NKT và đang làm việc trực tiếp trong các cơ sở giáo dục NKT hoặc làm việc trực tiếp với NKT. Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đào tạo đến trình độ tiến sĩ về Giáo dục đặc biệt và đào tạo ngành Hỗ trợ giáo dục người NKT trình độ đại học4.

Bên cạnh đó, có 4 trường Đại học Sư phạm và 3 trường Cao đẳng Sư phạm thành lập khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ KT và hàng năm, các trường này đào tạo được gần 600 giáo viên dạy trẻ KT. Hàng năm tập huấn giáo dục hòa nhập cho 600 - 700 cán bộ quản lý và từ 2.000 - 2.500 giáo viên mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán của 63 tỉnh/thành phố về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh KT để những người này tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên tại các địa phương về giáo dục hòa nhập, tiếp tục phát triển mạng lưới giáo viên dạy trẻ KT trong cả nước5.

Đào tạo nghề và việc làm đối với người khuyết tật

Hiện nay cả nước có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong số các cơ sở dạy nghề cho NKT có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho NKT là 3.359 giáo viên6.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương hàng năm dành tối thiểu 5% chỉ tiêu hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn từ ngân sách nhà nước để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Đến nay, các địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, phê duyệt 4.355 lượt danh mục nghề đào tạo, 3.657 định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT; các địa phương đã lựa chọn, phê duyệt danh mục và định mức chi phí đào tạo cho trên 950 lượt nghề để tổ chức đào tạo chuyên biệt đối với NKT. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 25.000 - 27.000 NKT được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn7.

Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức của/vì NKT ở Trung ương và các địa phương bình quân mỗi năm ước tính cũng dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho khoảng 10.000 NKT, như: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức dạy nghề cho 1.250 NKT và trên 80% đã có việc làm sau học nghề; Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam và các thành viên đã tổ chức dạy nghề cho 3.046 NKT, trong đó đã tạo việc làm cho 2.632 NKT; Hội người mù đã tổ chức dạy nghề cho trên 8.000 hội viên với các nghề xoa bóp, bấm huyệt, cơ khí, mộc, điện dân dụng, quản lý 334 cơ sở sản xuất tập trung8.

Hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng ở các cấp độ cho giáo viên dạy nghề về kỹ năng giảng dạy theo chương trình khung; kỹ năng giảng dạy theo năng lực thực hiện; công nghệ mới cho giáo viên dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và giáo viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp; đánh giá dựa trên năng lực thực hiện cho giáo viên giáo dục nghề nghiệp, v.v.. trong đó thực hiện việc lồng ghép dạy nghề cho NKT.

b) Hạn chế, rào cản trong thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng trên thực tế, cơ hội tiếp cận trường học của trẻ em KT luôn thấp hơn nhiều trẻ em không KT. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 81,69%, trong khi tỷ lệ này của trẻ không KT là 96,05%. Chênh lệch về tỷ lệ đi học giữa trẻ KT và không KT tăng lên ở các cấp học cao hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có 1/3 trẻ KT đi học đúng tuổi (33,6%), so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không KT (88,6%)9.

Số lượng trường học có thiết kế phù hợp với học sinh KT còn rất ít. Cụ thể cứ 100 trường học, chỉ có 3 trường có thiết kế phù hợp (2,9%), 8 trường có lối đi dành cho NKT (8,1%) và 10 trường có công trình vệ sinh phù hợp với trẻ KT (9,9%). Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, có gần 3/4 số trường thiếu giáo viên giảng dạy học sinh KT (72,3%), cứ 7 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thì mới có 1 người được đào tạo để giảng dạy cho học sinh KT (14,1%)10.

Ngoài ra trong giáo dục - đào tạo nghề có sự chênh lệch rõ rệt, cứ 100 NKT từ 15 tuổi trở lên thì chỉ có 7 người được dạy nghề (7,25%), trong khi con số này ở người không KT là 22 người (21,93%)11.

Những hạn chế trên bắt nguồn từ một số rào cản sau:

Rào cản từ phía gia đình học sinh KT: một số trẻ KT có khả năng đi học nhưng chưa tiếp cận được giáo dục tiểu học do công tác tuyên truyền, vận động và nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà xa trường học hoặc bị từ chối dưới các hình thức khác nhau. Một số học sinh KT đi học muộn so với tuổi do gia đình thương con, hoặc do tiếp cận thông tin muộn. Việc học sinh KT đi học muộn so với tuổi dù vì bất cứ lí do gì cũng dẫn đến những hậu quả là i) Thông thường khi quá tuổi, bản thân học sinh KT và gia đình sẽ không muốn đi học nữa, nhà trường cũng ngại nhận; ii) Dù có đi học nhưng tâm lý không muốn đi học với trẻ nhỏ hơn của học sinh KT lớn tuổi hơn có thể cũng sẽ dẫn đến việc các em bỏ học. Tỉ lệ học sinh KT cấp THCS thấp hơn rất nhiều so với cấp tiểu học do gia đình trẻ KT bằng lòng với mục tiêu là trẻ biết đọc, biết viết sau khi học hết chương trình tiểu học. Hơn nữa, học sinh KT đã nhiều tuổi, có thể lao động giúp gia đình hoặc kiếm sống. Đặc biệt, chương trình THCS khó hơn so với tiểu học.

Rào cản từ sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong tổ chức giáo dục hòa nhập còn lỏng lẻo. Do hạn chế về nhận thức, có những gia đình học sinh KT (thậm chí cả người có tri thức) không muốn chấp nhận con mình có KT, sợ bị kì thị, nên không đưa con đi khám theo tư vấn của cán bộ quản lí giáo dục hoặc giáo viên. Hiện tượng cha mẹ không đồng thuận là con bị KT ngay cả khi y tế cơ sở khám và kết luận là hiện tượng phổ biến, xảy ra ở tất cả các nơi mà nhóm tiến hành khảo sát. Nhà trường chưa thu hút được gia đình vào việc lập và thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân. Nhìn chung chưa hướng dẫn được gia đình cách giúp học sinh KT học ở nhà và rèn luyện các kỹ năng đặc thù. Một số nơi chưa tham mưu được cho chính quyền và các ban ngành đoàn thể trong cộng đồng cùng tham gia vận động trẻ KT đi học, xác nhận hồ sơ KT, hỗ trợ học sinh KT học tập và tạo môi trường vật lý, tinh thần thuận lợi cho các em phát triển.

Rào cản từ các trường hòa nhập: cán bộ quản lý và giáo viên chưa được bồi dưỡng chuyên môn, thiếu các phương tiện đặc thù như sách giáo khoa chữ nổi, giáo viên không biết chữ nổi hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu như trong trường chuyên biệt. Chưa có quy chế chuyển cấp từ THCS lên THPT cho học sinh KT. Học sinh KT học chuyên biệt có khả năng học tiếp gặp khó khăn khi chuyển hòa nhập cấp THCS, hoặc THPT vì các trường chưa đủ điều kiện để tiếp nhận. Hầu hết các trường hòa nhập chưa có cải thiện về cơ sở vật chất cho phù hợp với học sinh KT, có trường còn chưa bố trí lớp học phù hợp cho học sinh KT vận động trong điều kiện sẵn có. Môi trường chuyên biệt cũng chưa đảm bảo thuận tiện, an toàn cho học sinh KT, thậm chí có trường mới xây cũng không đảm bảo yêu cầu này. Thực tế này cho thấy các trường hòa nhập còn chưa đảm bảo những tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng trường học thân thiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh KT ở các cơ sở giáo dục hòa nhập (và chuyên biệt) còn chưa thật phù hợp hoặc còn mang tính hình thức, thậm chí có trường tiểu học không làm. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình dạy học, đánh giá kết quả và sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh của học sinh KT. Do thiếu tiêu chí và công cụ đánh giá trẻ KT nên không đánh giá đúng khả năng của học sinh KT gây ảnh hưởng đến xác định mục tiêu và biện pháp tác động đến từng em. Học sinh KT thường được xác định khả năng dưới mức độ phát triển nên khi dạy học giáo viên không đặt kỳ vọng đúng mức với trẻ, hoặc giáo viên nhầm lẫn dạng và mức độ khó khăn dẫn đến sai lệch trong sử dụng phương tiện hỗ trợ học sinh KT.

Rào cản trong việc thừa nhận là NKT: mặc dù Luật Người khuyết tật đã có hiệu lực nhưng chính quyền cấp xã, phường có thể vẫn từ chối việc xác nhận trẻ KT, điều này có nghĩa là trẻ KT khó có được giấy xác nhận KT theo quy định tại Điều 15 và 16 Luật Người khuyết tật và Điều 2,3 của Nghị định 28/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 hướng dẫn xác định dạng tật và đánh giá mức độ tật. Do đó dẫn đến khó khăn trong việc lập được hồ sơ học sinh KT. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh lưu ban của trường hòa nhập, mà còn dẫn đến hậu quả là học sinh KT quá tuổi tiểu học nhưng chưa hoàn thành chương trình tiểu học và phải nghỉ học, không có cơ hội học tiếp lên THCS12.

Rào cản từ việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục hòa nhập: về cơ bản có rất ít giáo viên trường THCS được tập huấn bài bản về dạy hòa nhập học sinh KT, cũng như còn tỉ lệ đáng kể giáo viên tiểu học dạy hòa nhập cũng chưa được tập huấn. Rõ ràng là có một khoảng cách lớn giữa quyền được đào tạo, tập huấn của giáo viên với thực tế dạy học hòa nhập học sinh KT mà họ đang đảm nhiệm. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục hòa nhập. Trách nhiệm này thuộc cả quản lý cấp sở và cấp phòng giáo dục - đào tạo13.

Rào cản từ sự phân biệt đối xử của bạn học: trong môi trường giáo dục hòa nhập còn tồn tại phổ biến tình trạng học sinh KT bị trêu chọc và xa lánh, gây tổn thương cho các em. Sự phân biệt đối xử với bạn KT ở môi trường hòa nhập THCS thể hiện rõ hơn ở tiểu học. Hiện tượng bắt nạt, trêu chọc nhau cũng xảy ra ở cả trong môi trường giáo dục chuyên biệt. Ban Giám hiệu và giáo viên chưa quan tâm tìm hiểu những hiện tượng xa lánh, trêu chọc, kỳ thị học sinh KT nằm sâu dưới bề mặt quan hệ trong sinh hoạt hàng ngày để có biện pháp khắc phục kịp thời, giúp các em tránh bị tổn thương, tự ty, mặc cảm để hòa nhập tốt hơn. Điều này dẫn đến tình trạng là Ban Giám hiệu và giáo viên không nắm được những gì mà một số học sinh KT đang phải chịu đựng. Mặc dù một số trường đã quan tâm tổ chức các nhóm bạn giúp học sinh KT trong học tập, sinh hoạt14.

Rào cản từ việc đánh giá kết quả học tập: việc đánh giá kết quả học tập hay sự tiến bộ của học sinh KT ở Tiểu học dựa vào hướng dẫn của Thông tư 32 và học sinh KT ở THCS theo hướng dẫn của Thông tư 58 vẫn còn chưa phù hợp, mỗi nơi mỗi khác. Có nơi theo quy định chung yêu cầu học sinh KT phải đạt điểm trung bình ở 2 môn tiếng Việt và Toán dẫn đến tình trạng đã quá tuổi học tiểu học mà chưa hoàn thành chương trình tiểu học, từ đó không có cơ hội học lên THCS; có nơi có quan điểm tích cực trong đánh giá hoặc cho HSKT lên lớp dựa trên sự tiến bộ của các em; cũng có nơi không dựa vào nội dung đã điều chỉnh để ra đề kiểm tra đánh giá các em, mà ra đề thi/kiểm tra chung sau đó nhân đôi số điểm thực cho HSKT khi đánh giá. Ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt chưa tiếp cận được chương trình Bộ đã ban hành năm 2010, nên mỗi nơi tự xây dựng không có sự chia sẻ, tham khảo lẫn nhau. Chương trình dạy học là một cơ sở để giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh KT, cho nên việc đánh giá chất lượng ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt cũng không thống nhất15.

Rào cản từ phía công tác quản lý giáo dục trẻ KT: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức giáo dục hòa nhập  như Quyết định số 23/2006/QĐ- BGD&ĐT và Thông tư số 39/2009/TTBGD-ĐT quy định về giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Tuy nhiên, có trường cán bộ quản lý và giáo viên chưa tiếp cận được những hướng dẫn này nên tổ chức giáo dục học sinh KT còn theo kinh nghiệm, do đó vẫn tồn tại những rào cản trong phương pháp dạy học, môi trường nhà trường đối với học sinh KT như đã đề cập ở trên. Cán bộ quản lý nhà trường thiếu các biện pháp hỗ trợ và phát triển chuyên môn dạy học hòa nhập cho giáo viên, chưa có quy chế thi đua khen thưởng giáo viên dạy hòa nhập. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên dạy hòa nhập chưa được đảm bảo quyền lợi tương xứng với trách nhiệm phải thực hiện.

Các cấp quản lí Sở, phòng GD-ĐT thiếu chỉ đạo sát sao và quản lí chặt chẽ về giáo dục hòa nhập trẻ KT. Thông thường các Sở, phòng GD-ĐT chỉ đạo giáo dục trẻ KT chung trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm học mới, thiếu tập huấn và thiếu chỉ số giám sát, cho nên một số cán bộ quản lí nhận thức việc tổ chức giáo dục hòa nhập trẻ KT không thống nhất. Việc thu thập thông tin phản hồi từ các trường thông qua lồng ghép trong kế hoạch năm học, trong báo cáo tổng kết chỉ để theo dõi sự tăng giảm số học sinh KT, hoặc để không tính học sinh KT trong tỉ lệ đánh giá thi đua và phổ cập, mà chưa nhằm mục đích để có biện pháp hỗ trợ, cải thiện các điều kiện và cải tiến phương pháp dạy học phù hợp với học sinh KT... làm cho việc thực hiện giáo dục hòa nhập thiếu hiệu quả.

Ngoài ra trong Luật Giáo dục năm 2019 mới chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS nhưng chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo; các chính sách, pháp luật để hỗ trợ NKT ban hành ở cấp quốc gia đã được áp dụng và triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các nguồn lực địa phương, việc thi hành và thực hiện chính sách đa dạng và mức độ của dịch vụ trợ giúp NKT là khác nhau.

Đối với đào tạo nghề: công tác huy động NKT tham gia học nghề còn rất khó khăn do chưa đánh giá được nhu cầu học nghề của NKT, nghề đào tạo chưa phù hợp với các dạng tật và nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ NKT sau đào tạo nghề có việc làm thấp; hạ tầng cơ sở dạy nghề, nơi ăn nghỉ, máy móc, thiết bị dạy nghề chưa đảm bảo điều kiện học tập của NKT; đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn việc làm cho NKT còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Các quy định, thủ tục về tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật còn phức tạp để triển khai dạy nghề cho NKT do đó chưa khuyến khích được sự tham gia của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

3. Một số giải pháp bảo đảm thực hiện quyền giáo dục của người khuyết tật ở Việt Nam

Một là, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá các Chương trình, đề án về giáo dục NKT. Theo đó cần đánh giá hiệu quả thi hành những nội dung về giáo dục trong Luật Người khuyết tật và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật phù hợp với thực tiễn và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục NKT; Kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn các địa phương thực hiện các văn bản về giáo dục NKT; Ban hành danh mục thiết bị tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi đặc thù; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn trang thiết bị phục vụ giáo dục NKT; Nghiên cứu đề xuất nội dung về giáo dục NKT với các Chương trình, đề án liên quan đến NKT giai đoạn 2021 - 2030.

Hai là, tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục NKT. Cụ thể: phát triển Chương trình, tài liệu hỗ trợ giáo dục NKT theo tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; phát triển Chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng về phát hiện, can thiệp, chăm sóc và giáo dục NKT; biên soạn và triển khai nội dung giáo dục hòa nhập trong các Chương trình đào tạo, bồi đưỡng giáo viên tại các trường đại học và cao đẳng có đào tạo giáo viên.

Ba là, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ NKT. Cụ thể: hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và tổ chức hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và tổ chức hoạt động của Phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Bốn là, đảm bảo thực hiện trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương để đảm bảo giáo dục hòa nhập. Điều cần thiết là phải xây dựng năng lực của NKT thông qua loại bỏ các rào cản trong giáo dục, đặc biệt trong giáo dục đại học và đào tạo nghề. Điều này phải được thực hiện cùng với việc nâng cao năng lực nhận thức của cả chính quyền Trung ương và địa phương trong quá trình phân bổ ngân sách cho NKT để đầu tư vào giáo dục và phục hồi chức năng.

Tùy từng loại KT và mức độ KT để xác định nội dung giáo dục kỹ năng sống và nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu và khả năng của các em. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề cho NKT.

4. Kết luận

Hệ thống chính sách, pháp luật về quyền giáo dục của NKT đã được Đảng, Nhà nước ta thường xuyên quan tâm hoàn thiện. Những hạn chế, bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục của NKT cũng từng bước được khắc phục theo hướng tạo điều kiện tối đa về cơ hội bình đẳng trong tiếp cận và quyền được học tập cho NKT. Tuy vậy, trong thực tiễn thực hiện quyền giáo dục của  NKT ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản. Những hạn chế, rào cản đó xuất phát từ những nguyên nhân là:  chính sách, pháp luật vẫn còn tồn tại một số bất cấp; nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự hòa nhập, phát triển của NKT;  sự thiếu quan tâm từ những người thân của NKT trong việc tạo ra cơ hội được học tập của chính họ... Để khắc phục những hạn chế, bất cập và gỡ bỏ những rào cản trong giáo dục, quyền giáo dục của NKT ở nước ta hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính thể chế, chính sách từ Đảng, Nhà nước; từ sự nỗ lực cố gắng của hệ thống các nhà trường và bản thân NKT trong việc khắc phục khó khăn trong quá trình học tập để tạo ra sự đầy đủ những hành trang cần thiết, bền vững khi tham gia, hòa nhập xã hội.

ThS. Nguyễn Hữu Tài

Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng

Bài viết được đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 6 (35) - 2023

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Tổng cục Thống kê (2018), Việt Nam Điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.126.
(2) Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Báo cáo đánh giá về hỗ trợ đối với Người khuyết tật trong giai đoạn 2012 - 2012, Hà Nội
(3) Tổng cục Thống kê (2018),tlđd, tr.19.
(4) Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, Hà Nội, tr.41.
(5) Phí Mạnh Thắng, Đào Trọng Độ (2020), Một số vấn đề đặt ra trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật, Trang thông tin điện tử Hội đồng lý luận trung ương. Truy nhập từ http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-dat-ra-trong-viec-xay-dung-ban-hanh-to-chuc-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-doi-voi-nguoi-khuyet-tat.html.
(6) Phí Mạnh Thắng, Đào Trọng Độ (2020), Tlđd.
(7) Phí Mạnh Thắng, Đào Trọng Độ (2020), Tlđd.
(8) Phí Mạnh Thắng, Đào Trọng Độ (2020), Tlđd.
(9) Tổng cục Thống kê (2018), Việt Nam Điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.19.
(10) Tổng cục Thống kê (2018) Tlđd, tr.19.
(11) Tổng cục Thống kê (2018) Tlđd, tr.84.
(12) Nguyễn Thanh Bình (2013), Những rào cản chất lượng học tập của trẻ khuyết tật ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Nghiên cứu Giáo dục, Tập 29, Số 2 (2013), tr.64-71.
(13) Nguyễn Thanh Bình (2013),Tlđd.
(14) Nguyễn Thanh Bình (2013),Tlđd.
(15) Nguyễn Thanh Bình (2013), Tlđd.