Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động giáo dục quyền con người ở Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết chỉ ra thực trạng và một số giải pháp nhằm phát triển giáo dục quyền con người tại Trường Cao đẳng Hàng hải I

1. Khái niệm quyền con người

Quyền con người là quyền của thành viên trong xã hội loài người - quyền của tất cả mọi người. Đó là nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích và năng lực của con người được thể chế hoá (ghi nhận) trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

Quyền con người đó chính là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành. Đây là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm do đấng tạo hóa ban cho con người như: quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, hay những quyền tối thiểu của con người mà bất kì quốc gia nào cũng phải bảo vệ.

Quyền con người không những được nhìn nhận trên quan điểm các quyền tự nhiên mà nó còn được nhìn nhận trên quan điểm các quyền pháp lý.

2. Tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Quyền con người hay nhân quyền là một trong những giá trị pháp lý cơ bản và quan trọng của nhân loại. Đó là thành quả của sự phát triển lịch sử nhân loại, là đặc trưng của xã hội văn minh. Quyền con người cũng là một quy phạm pháp luật, do đó nó đòi hỏi tất cả mọi thành viên của xã hội, không loại trừ bất cứ ai, đều có quyền và nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền và tự do của mọi người. Quyền con người được quy định một cách rõ ràng, logic và hệ thống trong pháp luật thế giới và Việt Nam.

2.1. Trên thế giới

Theo Liên Hợp quốc, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và quyền tự do cơ bản của con người. Quyền con người được hiểu là những sự được phép mà tất cả các thành viên của cộng đồng nhân loại, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội... đều có ngay từ khi sinh ra bởi đơn giản chỉ vì họ là con người.

Với việc thông qua Tuyên bố của Liên hợp quốc về Giáo dục và Đào tạo Nhân quyền vào ngày 19 tháng 12 năm 2011 - đã bày tỏ sự đồng thuận về tầm quan trọng của giáo dục nhân quyền như một quá trình xây dựng kiến thức, kỹ năng và thái độ thúc đẩy hành vi đề cao quyền con người. Có thể khẳng định rằng, “giáo dục và đào tạo về nhân quyền cần thiết cho việc thúc đẩy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu tất cả các quyền con nguời và tự do căn bản cho tất cả mọi người …”

2.2. Ở Việt Nam

Đã có nhiều nhà khoa học, chuyên gia có quan niệm chung coi quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận về pháp lý quốc tế.

Đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những chương trình hành động lớn và rộng khắp trên thế giới về nhân quyền. Trong nước, giáo dục quyền con người đã trở thành một phần trong chương trình giáo dục của nhiều nước, tuy có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức tổ chức hoạt động.

Giáo dục quyền con người đã được thực hiện trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, từ các trường cao đẳng đến đại học. Thực hiện Chiến lược giáo dục đào tạo, Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 5-9-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, hoạt động giáo dục quyền con người đã được tăng cường thêm một bước, xét cả về nội dung và phạm vi tổ chức. Thực tế trên thế giới đã chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay từ khi còn trẻ tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động giáo dục nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu như mục tiêu của giáo dục quyền con người ở cấp độ Đại học trong các trường chuyên luật là để đào tạo các chuyên gia trên lĩnh vực này thì vấn đề giáo dục quyền con người ở các trường Đại học, Cao đẳng không chuyên luật nhằm hình thành nhân cách, nhận thức và thái độ ứng xử đúng đắn cho các công dân trẻ trong các vấn đề về quyền con người, cả ở hiện tại và trong tương lai.

3. Thực trạng hoạt động giáo dục quyền con người cho học sinh, sinh viên (HSSV) tại trường Cao đẳng Hàng hải I

Trong quá trình đào tạo HSSV tại Trường Cao đẳng Hàng hải I, những nội dung giáo dục quyền con người được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau:

Thứ nhất, lồng ghép vấn đề về quyền con người trong giảng dạy môn học pháp luật thông qua việc tìm hiểu khái quát các ngành luật cụ thể để có thể thấy được quyền con người gắn liền với nhóm chủ thể được ngành luật đó điều chỉnh, cụ thể:

- Trong bài Luật Hiến pháp (2 tiết) thì nội dung quyền con người gắn liền với quyền công dân như: quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về đời tư; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền khiếu nại tố cáo; quyền không bị coi là có tội cho đến khi có bản án kết tội của tòa có hiệu lực; quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế; quyền tự do kinh doanh; quyền kết hôn, ly hôn; quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và hưởng thụ các lợi ích từ hoạt động đó; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền được sống trong môi trường trong lành. Hiến pháp 2013 còn quy định các quyền cơ bản của công dân: quyền có nơi ở hợp pháp; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình; quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước; quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền có việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, nơi làm việc; quyền học tập; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Tuy nhiên, với thời lượng 2 tiết học thì giáo viên cũng chỉ nêu khái quát được tầm quan trọng của Hiến pháp Việt Nam, phân tích một số nội dung liên quan đến chế định về chế độ chính trị, kinh tế, do đó việc giảng dạy chế định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn hạn chế do việc phân phối số tiết ít.

- Trong bài Luật dân sự (5 tiết) nội dung quyền con người gắn liền với chế định về quyền sở hữu, quyền được tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng dân sự.

- Trong bài Luật lao động (7 tiết) nội dung quyền con người gắn liền với quyền của người lao động như: quyền được làm việc, quyền được hưởng các lợi ích xã hội, lợi ích tập thể, quyền được nghỉ ngơi, quyền được bảo hộ lao động, quyền được tôn trọng hay khiếu nại, tố cáo trong quá trình sử dụng lao động.

- Trong bài Luật hình sự (5 tiết) quyền con người được tìm hiểu thông qua việc giáo viên chủ động bổ sung thêm phần tố trụng hình sự để HSSV hiểu rõ hơn quyền công dân trong lĩnh vực tố tụng nhằm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như: tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền im

lặng, quyền được sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc; hay quyền con người của bên bị hại, đó là quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự…

- Trong bài Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (1 tiết) quyền con người chính là nhóm quyền: được cung cấp thông tin, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp (bên bán).

Mặc dù với nhiều quyền gắn với sự an toàn về sức khỏe, thâm chí là tính mạng của con người nhưng với thời lượng 1 tiết học thì không thể phân tích để làm sáng tỏ vấn đề, cũng như trong việc giúp người học có thể hiểu rõ và kỹ hơn quyền con người trong các giao dịch của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, qua việc giảng dạy môn học pháp luật trong chương trình đào tạo chính khóa, việc giới thiệu và phân tích quy phạm pháp luật của các ngành luật cụ thể đã góp phần làm sáng tỏ quyền con người của công dân Việt Nam trong quan hệ với Nhà nước hay trong các mối quan hệ pháp luật cụ thể khác. Nhưng với số tiết phân phối cho môn học này là 30 tiết theo đề cương môn học của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội thì việc giáo dục quyền con người cho HSSV vẫn chỉ mang tính hình thức, khái quát khó có thể thể giúp người học có đủ những kiến thức cơ bản mang tính chất pháp lý để thực hiện cũng như bảo vệ nhân quyền cho chính bản thân mình trong môi trường học tập, lao động, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ hai, giáo dục quyền con người trong nhà trường còn được thực hiện thông qua việc tổ chức cho HSSV tham gia các buổi hội thảo chuyên đề về: Bạo lực học đường; Giới và bình đẳng giới… Qua đó, HSSV nhận thức rõ hơn những quyền con người được tôn trọng và bảo vệ ngay trong chính môi trường mình đang học tập. Từ đó, kiên quyết đấu tranh và tố cáo những hành vi sai trái thiếu tôn trọng bạn bè, thầy cô, hay hành vi xâm phạm làm tổn hại đến thể chất và tinh thần của ngưởi học góp phần bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

Thứ ba, giáo dục quyền con người cho HSSV còn được thực hiện thông qua việc Nhà trường tổ chức và triển khai lấy ý kiến chia sẻ từ phía người học về: nội dung chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức phân bổ trong mỗi kỳ học, sắp xếp thời khóa biểu đã phù hợp chưa? Tác phong, trách nhiệm và phương pháp giảng dạy của giảng viên có hiệu quả không? Cơ sở vật chất của Nhà trường đã đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt của HSSV khi học tập tại trường? Và những điều HSSV mong muốn, đề xuất với Nhà trường vầ thầy, cô.

Chính điều đó giúp mang lại hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà trường, kịp thời có sự điều chỉnh nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm của giáo viên trong công tác giảng dạy và giao tiếp với HSSV. Và quan trọng hơn là thông qua đó, HSSV thấy được quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người học trò trong quan hệ với thầy cô luôn được Nhà trường đề cao và bảo vệ, giúp các em yên tâm và cảm thấy yêu thích môi trường mình đang học tập. Từ đó sẽ tạo nên thế hệ HSSV năng động, tự tin, dám thể hiện bản thân, phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập, thân thiện, cởi mở với bạn bè, thầy cô.

4. Một số đề xuất phát triển giáo dục quyền con người tại trường Cao đẳng Hàng hải I

Để hoạt động giáo dục quyền con người tại trường Cao đẳng Hàng hải I đạt hiệu quả cao, góp phần hình thành các thế hệ HSSV hiểu biết pháp luật, có tri thức về pháp luật nhân quyền quốc tế, quốc gia và có tinh thần thúc đẩy phát triển nhân quyền trong tương lai, với góc độ là giảng viên bộ môn pháp luật tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Nội dung giáo dục về quyền con người nên được xây dựng đảm bảo tương xứng giữa thời lượng giảng với mục tiêu giáo dục;

- Nghiên cứu, xem xét việc lựa chọn những nhóm quyền thường xuyên được sử dụng hay thường xuyên bị lạm dụng, xâm hại như: quyền sống, quyên bất khả xâm phạm về thân thể, quyền an toàn tình dục, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và danh dự, quyền tự do dân chủ…để xây dựng cụ thể trong chương trình đào tạo;

- Nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên. Đảm bảo giảng viên phải đáp ứng được cả về trình độ lý luận về quyền con người như việc nắm chắc, hiểu sâu, rộng các vấn đề quyền con người và đáp ứng được khả năng giải quyết các tình huống thực tế để HSSV có thể tham vấn và giải quyết các phản biện của học viên.

- Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức giáo dục quyền con người cho HSSV. Tổ chức cho giáo viên, HSSV đến các cơ sở mà ở đó vấn đề nhân quyền được đặc biệt quan tâm.

Tóm lại, vấn đề giáo dục quyền con người tại trường Cao đẳng Hàng hải I tuy không được cụ thể hóa bằng môn học riêng hay tên gọi cụ thể nhưng thực tế trong hoạt động đào tạo đã được Nhà trường quan tâm thông qua việc lồng ghép giảng dạy trong môn học pháp luật; các buổi hội thảo chuyên đề dành cho HSSV; hay hình thức lấy phiếu đánh giá, cung cấp thông tin từ HSSV về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên…Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội trong thời gian tới, đặc biệt nguồn nhân lực trong ngành hàng hải trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc xem xét và cân nhắc một số đề xuất là rất cần thiết để HSSV sau khi ra trường có tri thức về nhân quyền, có thái độ, có khả năng nhận diện các tình huống vi phạm nhân quyền và có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển nhân quyền trong xã hội gắn liền với nghề nghiệp, công việc trong tương lai.

Th.S Trần Thị Lan Hương

Giảng viên bộ môn Pháp luật - Trường Cao đẳng Hàng hải I