Thanh Chương là một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Nghệ An, trong đó các xã miền núi vùng biên giới, bao gồm 05 xã Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Sơn, là những xã có điều kiện kinh tế khó khăn với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong tổng số 30.242 người dân sinh sống ở khu vực này, có 13.028 người là người dân tộc thiểu số thuộc 14 dân tộc: Hoa, Thái, Khơ Mú, Mường, Phù Lá, Khơ Me, H’Rê, H’Mông,…, chiếm 43% dân số của địa bàn

Thanh Chương là một huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Nghệ An, trong đó các xã miền núi vùng biên giới, bao gồm 05 xã Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thanh Sơn, là những xã có điều kiện kinh tế khó khăn với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong tổng số 30.242 người dân sinh sống ở khu vực này, có 13.028 người là người dân tộc thiểu số thuộc 14 dân tộc: Hoa, Thái, Khơ Mú, Mường, Phù Lá, Khơ Me, H’Rê, H’Mông,…, chiếm 43% dân số của địa bàn[1].

Nơi đây điều kiện kinh tế và giao thương đi lại còn nhiều khó khăn; đời sống và thu nhập bình quân đầu người năm 2021 chỉ hơn 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo nhiều xã còn xấp xỉ 40% [2]. Với thành phần dân tộc phức tạp, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nhiều phong tục tập quán khác nhau là một rào cản không nhỏ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Thanh Chương đã xác định rõ, công tác tuyên truyền pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và sáng tạo, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội. Công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới huyện qua các năm tăng lên rõ rệt cả về số cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật và cả lượt người tham gia. Tính trong khoảng 05 năm (từ 2017 đến hết 2021), toàn huyện đã tổ chức được 638 cuộc phổ biến trực tiếp với 82.773 lượt người tham gia; cấp phát 28.960 tài liệu miễn phí cho các đối tượng được tuyên truyền; tổ chức được 87 cuộc thi với 21.957 lượt người tham gia. Tổng kinh phí trên toàn huyện phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật trong 05 năm qua là 2.761.391.000 đồng[3].

Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền pháp luật tại một số xã vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Một số công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa phát huy được vai trò của mình, cũng như việc tiếp cận, nâng cao năng lực pháp luật còn hạn chế. Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ma túy, đất đai.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền pháp luật chưa đầy đủ, thiếu sự quan tâm và phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, trình độ chưa đồng đều.

Từ thực trạng trên, việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận pháp luật là giải pháp quan trọng để thực hiện quyền con người nhìn từ địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Theo đó, trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, về nội dung tuyên truyền. Do đặc thù đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện sinh sống ở khu vực biên giới nên nội dung tuyên truyền pháp luật cần tập trung vào các lĩnh vực về: an ninh biên giới; bảo vệ môi trường; đất đai; pháp luật hình sự, đặc biệt là mua bán người; pháp luật về hôn nhân gia đình; pháp luật về phòng, chống ma tuý v.v.. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số phải được đặt trong mối quan hệ hài hòa với giáo dục các tri thức tiến bộ của luật tục, tín ngưỡng. Thực tế cho thấy luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn luôn tồn tại do tính hợp lý của nó và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều chỉnh các hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thành thói quen ứng xử của họ trong cuộc sống, trong lao động sản xuất. Các luật tục này đã trở thành môi trường cho sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, là chất liệu tạo nên sự mềm dẻo của pháp luật, làm cho nội dung của pháp luật trở nên phong phú hơn, sát với thực tế hơn và đặc biệt là được cộng đồng người dân tộc tự nguyện thi hành.

Thứ hai, về hình thức tuyên truyền. Do đối tượng của phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện là những người dân thuộc nhiều cộng đồng dân tộc ít người khác nhau, có trình độ dân trí thường thấp hơn mức trung bình chung, nên việc tuyên truyền cần chú trọng tính chất trực quan, sinh động. Các hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp có thể áp dụng là: sân khấu hoá; tổ chức phiên toà giả định; tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí; tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh tại các điểm trường dân tộc thiểu số thông qua hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi, các buổi nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền pháp luật thông qua những tấm gương người tốt, việc tốt, thông qua các phóng sự truyền hình, các bộ phim ngắn,…

Đặc biệt tại địa bàn các xã biên giới huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thì hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động là một trong những hình thức phù hợp nhất với người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện kinh tế khó khăn, đi lại không thuận tiện, ngôn ngữ tiếng phổ thông còn hạn chế, thậm chí không biết đọc, biết viết. Với việc trợ giúp pháp lý đến tận các bản, làng, giải đáp các thắc mắc pháp luật, nghe sinh hoạt chuyên đề pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật... góp phần đưa pháp luật về với các bản, làng, từng bước nâng cao dân trí pháp lý và ý thức chấp hành pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện cho những người yếu thế trong xã hội có một “kênh” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm.

Thêm vào đó, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hòa giải cơ sở (các tổ hòa giải) với thành phần có sự tham gia của già làng, trưởng bản là những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, am hiểu về phong tục, tập quán của địa phương và các quy định của pháp luật thực định giúp cho những quy định của pháp luật đến được với người dân một cách dễ dàng hơn.

Thứ ba, về chủ thể tuyên truyền. Đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát từ đặc thù về đối tượng nên chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng này cần phải có những kiến thức, kỹ năng đặc thù để có thể tham gia hiệu quả vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, phải kể đến đó là khả năng hiểu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở địa phương; hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng và đặc trưng tính cách, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu, rào cản tiếp cận pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An thì các già làng, trưởng bản là một trong những chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả và đóng vai trò nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật thực định, tri thức pháp luật, tri thức đời sống và kiến thức về nông, lâm nghiệp, kinh doanh trang trại, chế biến nông sản, du lịch cộng đồng... cho đội ngũ này, để họ trở thành hạt nhân của các bản, làng và trở thành những chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, các chiến sĩ đồn biên phòng cũng là một trong những chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật tích cực và hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Thứ tư, về nguồn lực vật chất cho công tác tuyên truyền. Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm: hệ thống thông tin truyền thông (mạng internet, phát thanh, truyền hình,…); các thiết bị kỹ thuật số (ghi âm, ghi hình, máy chiếu, máy quay,…), và đặc biệt sự đầu tư nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Văn Chiến

Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An


[1] Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc, miền núi năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

[2] Báo cáo kết quả thực hiện chính sách dân tộc, miền núi năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

[3] Báo cáo tổng kết công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật năm 2021 của UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.