Trước luận điệu xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch, cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không còn phù hợp trong giai đoạn cách mạng hiện nay, bài viết làm rõ những giá trị hiện thực rất tiến bộ của tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền của phụ nữ, những đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trên trường quốc tế, Việt Nam không chỉ được biết đến là một dân tộc kiên cường, bất khuất đấu tranh cho chính nghĩa, cho những quyền dân tộc chính đáng mà Việt Nam còn ghi dấu ấn bởi những thành tựu về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Bắc năm 1959. Nguồn: bqllang.gov.vn.
“Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa và kết tinh những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại”1. Phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền của phụ nữ là nét đặc sắc trong tư tưởng của Người. “Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người chiến sĩ tiên phong vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam. ... Người đã đưa ra những quan điểm sâu sắc, toàn diện và triệt để về bình đẳng giới, về giải phóng và phát triển phụ nữ”2.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của phụ nữ
Khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam, Người cho rằng sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia: “…Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tấn bộ ra thế nào?”3. Trong Thư gửi phụ nữ nhân Kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Tại Lễ kỷ niệm 36 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966), Người phát biểu: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân cho đến nay, mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Hay trong Thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (năm 1963), Người cũng nhấn mạnh: “Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho những người phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng danh giá: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Phụ nữ có vai trò, vị trí rất quan trọng như vậy nhưng theo quan niệm cũ, lạc hậu và trên thực tế thì quyền của phụ nữ chưa được trọn vẹn. Vì vậy, bảo đảm quyền của phụ nữ luôn là vấn đề cần có sự quan tâm đặc biệt.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền của phụ nữ
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền của phụ nữ không chỉ là việc ghi nhận, bảo đảm quyền từ phía Nhà nước và xã hội mà còn tiếp cận từ khía cạnh phụ nữ là chủ thể của quyền, nắm giữ vai trò chủ động trong việc thực hiện và biết tự bảo vệ các quyền của mình. Có thể nói, cách tiếp cận về quyền và bảo đảm quyền của phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất biện chứng và phản ánh tầm nhìn hiện đại dưới góc độ quyền, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, bảo đảm quyền của phụ nữ, giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
Trên cơ sở tiếp cận biện chứng giữa quyền con người gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, bảo đảm quyền của phụ nữ không tách rời với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người: “Đàn bà, con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”4. Bởi lẽ, phụ nữ - nhóm xã hội thường hay chịu thiệt thòi, bất bình đẳng, khi đất nước lầm than, nô lệ, họ không thể có các quyền con người theo đúng nghĩa. Vì thế, phụ nữ phải tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có giải phóng phụ nữ. Con đường cách mạng vô sản là con đường duy nhất đúng đắn để phụ nữ giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc, áp bức bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân. Chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chung, nữ giới mới hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Nhấn mạnh vấn đề này, Người luôn phê phán những quan điểm tách rời đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi sự nghiệp cách mạng chung: “Không có gì nguy hiểm và sai lầm lớn hơn là chỉ lo giành nữ quyền, không tham gia vào đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Phụ nữ chỉ có thể đạt tới sự bình đẳng với nam giới một khi dân tộc ta đã giành được độc lập tự do, những người lao động công nhân, nông dân thoát khỏi sự bóc lột của tư sản, địa chủ”5.
Thứ hai, khẳng định phụ nữ bình đẳng với nam giới về quyền trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa
Để xóa bỏ sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, trước hết phải xóa bỏ những tư tưởng, quan niệm lạc hậu “trọng nam khinh nữ” đã tồn tại hàng nghìn năm. “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”6. Người xác định đây là cuộc đấu tranh khó khăn và lâu dài, dai dẳng vì cuộc cách mạng này “không thể dùng vũ lực mà tranh đấu” mà “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật”. Phạm vi đấu tranh là “từng người, từng gia đình, đến toàn dân”.
Bảo đảm quyền của phụ nữ phải được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Tư tưởng về pháp quyền ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có từ rất sớm, năm 19197. Cũng như các quyền con người khác, quyền của phụ nữ được hiện thực hóa tốt nhất khi được bảo đảm bằng pháp quyền mà trước hết là ghi nhận và bảo đảm trong Hiến pháp. Ngay tại Điều thứ 1 bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta, Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều thứ 6). “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9). Tư tưởng bình đẳng nam nữ này tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1959: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Bên cạnh đó, Người tham gia tích cực vào việc soạn thảo và ban hành Luật Hôn nhân và gia đình, coi đó là “luật giải phóng phụ nữ”. Trong thực tế, Người luôn lên án những quan niệm hẹp hòi, định kiến, các hành vi phân biệt đối xử, coi thường phụ nữ trong quản lý, lãnh đạo, lao động sản xuất và trong gia đình, nạn bạo lực trong gia đình, phê phán quan niệm giản đơn, hình thức về việc thực hiện bình đẳng trong gia đình8.
Bảo đảm quyền của phụ nữ phải toàn diện trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Quan điểm này cho thấy sự tiến bộ và tính toàn diện, triệt để và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ. Người đã nhắc lại nhiều lần quan điểm này trong các bối cảnh lịch sử khác nhau: “Giải phóng phụ nữ trong gia đình phải đi liền với giải phóng phụ nữ về mặt xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội”9. “Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”10. “...5. Phụ nữ. Về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”11. “Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ ta đã được bình quyền về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”12. “Giải phóng phụ nữ trên mọi phương diện, từ gia đình đến xã hội, cả về kinh tế, chính trị và văn hóa tư tưởng đã thể hiện tính toàn diện và triệt để trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ có quyền bình đẳng thực sự, vững chắc, đồng thời phát huy cao nhất vai trò của người phụ nữ trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội”13.
Thứ ba, bảo đảm quyền của phụ nữ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, đề cao công cuộc giải phóng phụ nữ và bảo đảm quyền của phụ nữ, coi đây là nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Trách nhiệm này phải thể hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ miền xuôi đến miền ngược, từ những vấn đề nhỏ trong tập thể nhỏ đến những vấn đề lớn trong tập thể lớn và không có cán bộ, đảng viên nào ở ngoài cuộc. “... Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất xem trọng vai trò phụ nữ và đó cũng là một thắng lợi của nhân dân ta... Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa”14. “... 6. Đảng ủy các cấp ở miền núi cần phải ra sức phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ, cần phải đào tạo và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc. Đó là nhiệm vụ mà Trung ương và Bác giao cho các đồng chí phải làm cho tốt”15.
Thứ tư, phụ nữ phải biết phấn đấu, bảo vệ quyền của mình cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc
Phụ nữ là một phần của nhân loại. Phụ nữ bình đẳng với nam giới về quyền. Phụ nữ là chủ thể của quyền. Vì vậy, họ phải làm chủ được quyền của mình, khi cần thiết phải biết đấu tranh đòi quyền mà không chỉ thụ động trông chờ từ phía Nhà nước và xã hội. Quan niệm biện chứng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện vấn đề quan trọng trong lý luận về quyền con người, đó là quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm, mà ở đây trước hết là nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ đối với chính các quyền của mình. Phụ nữ hơn ai hết, “Mình phải tôn trọng quyền của mình”16. Khi biết tôn trọng quyền của chính mình thì họ sẽ biết làm gì để thực hiện và bảo vệ các quyền đó của mình. “Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông”17; “...Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”18; “...chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...”19.
Để thực hiện nghĩa vụ đó, phụ nữ phải không ngừng phấn đấu, phát triển bản thân. Người rất thấu hiểu những khó khăn, điểm yếu của phụ nữ: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng còn gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái”20. Vì vậy, Người luôn động viên, khích lệ phụ nữ vượt qua khó khăn, rào cản để phấn đấu, tự phát triển bản thân. “Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”21.
Bên cạnh đó, Người rất tin tưởng vào khả năng, năng lực làm chủ của phụ nữ. “ Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm...”; “Phụ nữ cần phải xung phong trong việc xây dựng đời sống mới”. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, động viên phụ nữ phải cố gắng phấn đấu, vươn lên, hăng hái học tập, nâng cao trình độ, bởi “đó là cơ hội để nữ giới bình đẳng với nam giới”: “Để làm tốt những việc nói trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...”22. Người nhiều lần nhắc nhở: “Một điều nữa Bác cần nói là: …Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông...”23.
3. Giá trị hiện thực tiến bộ của tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm quyền của phụ nữ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền và bảo đảm quyền của phụ nữ đã trở thành một trong những nội dung nền tảng tư tưởng chính trị quan trọng của Đảng ta trong suốt thời kỳ cách mạng của dân tộc và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Trải qua hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đúng đắn vai trò, vị trí của phụ nữ; coi trọng công tác giải phóng phụ nữ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của phụ nữ.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để quy tụ, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam, Đảng đã chỉ đạo thành lập các tổ chức phụ nữ như: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (năm 1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (năm 1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (giai đoạn 1941 - 1945) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1946) nhằm xây dựng hạt nhân đoàn kết, tổ chức phụ nữ trong các phong trào cách mạng, chăm lo đời sống và phấn đấu thực hiện bình đẳng giới, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ... “Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng, chính quyền và hợp tác quốc tế. Phụ nữ các dân tộc, theo tôn giáo, công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, trên cương vị của người lãnh đạo, quản lý hay người lao động... đã đoàn kết, thi đua phát huy sức mạnh nội lực, tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước”24.
Trong suốt thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, về quyền của phụ nữ, đồng thời, đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung và nguyên tắc bình đẳng giới nói riêng. Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Với những nỗ lực đó, các quyền của phụ nữ được bảo đảm toàn diện và đạt kết quả rõ rệt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, nhất là khi trong giai đoạn này, một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp do phụ nữ tham gia và nắm giữ. “Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,26% (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp”25.
Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.
Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã đề ra nội dung hướng tới “chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử; xóa bỏ bạo lực và các tập tục có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; giải quyết vấn đề về công việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả công; bảo đảm sự tham gia hiệu quả của phụ nữ ở mọi cấp độ ra quyết định, và tiếp cận phổ cập đến quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục” (Mục tiêu số 5 - Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030).
Tất cả các chủ trương, chính sách và số liệu thực tế trên đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với phụ nữ nói chung và bảo đảm quyền của phụ nữ nói riêng.
Như vậy, thực tiễn đã chứng minh rõ ràng rằng những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền của phụ nữ rất đúng đắn, vừa thấm đẫm truyền thống văn hóa, tinh hoa của dân tộc đồng thời đã tiếp cận được những tiến bộ, những giá trị về quyền con người của nhân loại. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề bảo đảm quyền của phụ nữ ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, giúp đất nước ta vững tin trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Qua đó, góp phần xây dựng sự nghiệp cách mạng của Đảng trong giai đoạn phát triển đất nước đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử rất to lớn; nâng cao cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
ThS. Đặng Thị Loan
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 1/2023
*****
Tài liệu trích dẫn
(1) TS.Vũ Hùng (2000), Quyền con người một vấn đề lớn và đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Thông tin lý luận, số 7/2000.
(2);(9) Minh Duyên (2022), Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ và giải phóng phụ nữ, Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 03/03/2022, truy cập tại https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-vai-tro-cua-phu-nu-va-giai-phong-phu-nu.html.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.313
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.506
(5) Dương Thoa: Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam, Nxb. Phụ nữ, 1982, tr.16
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.7, tr.342.
(7) Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển thể thành bài Việt Nam yêu cầu ca, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.1, tr.472, 473.
(8);(13);(24) PGS,TS. Nguyễn Ngọc Hà - ThS. Trần Thị Vân (2021), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, Tạp chí Cộng sản, ngày 04/04/2021, tapchicongsan.org.vn.
(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.2, tr.313.
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.3, tr.631.
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.10, tr.282.
(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.639, 640.
(15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.264.
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.295.
(17);(23) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.15, tr.260.
(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.524.
(19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.60.
(20);(21) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.12, tr.640.
(22) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.263.
(25) Hà Nhân (2022), Thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền con người tại Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 31/03/2022, nhandan.vn. Truy cập tại https://nhandan.vn/thuc-day-binh-dang-gioi-bao-dam-quyen-con-nguoi-tai-viet-nam-post691450.html.