Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi người về quyền con người là một trong những yêu cầu quan trọng đối với giáo dục hiện nay và giáo dục bản thân nó vừa là một quyền con người vừa là một trong các phương tiện không thể thiếu để hiện thực hóa các quyền con người. Xuất phát từ tiếp cận quyền con người trong lĩnh vực giáo dục, bài viết đề cập đến một số nội dung về tiếp cận và lồng ghép quyền con người trong giảng dạy môn Luật Hành chính, cụ thể hóa và hiện thực hóa quyền con người trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất một số kiến nghị.
- Quan niệm chung về quyền con người, quyền công dân theo pháp luật Việt Nam
1.1.Quan niệm chung về quyền con người
Có nhiều cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau về quyền con người, trong tuyên bố Viên và Chương trình hành động (1993) định nghĩa: "Quyền con người và tự do cơ bản là quyền bẩm sinh của mọi người được hưởng; việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền đó là trách nhiệm trước tiên của Chính phủ"; quyền con người được quan niệm [3]: “Quyền con người là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống, tồn tại và phát triển bình thường như một con người". Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người thì "Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người". Viện Nghiên cứu Quyền con người[1] đưa ra khái niệm quyền con người phản ánh khá đầy đủ các thuộc tính trong nội hàm khái niệm quyền con người như sau: Quyền con người là khả năng thực hiện các đặc quyền tự nhiên và khách quan của con người, với tư cách là con người và với tư cách là thành viên xã hội, được bảo đảm bằng hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế về các giá trị con người trong các quan hệ vật chất, văn hóa, tinh thần, các nhu cầu tự do và phát triển”.
Từ một cách khái quát thì quyền con người có thể được xem là [4] "Quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”.
1.2. Quyền con người, quyền công dân theo pháp luật Việt Nam
Ngay từ rất sớm, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người đã minh định trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.
Từ đó đến này, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân càng ngày càng được quy định đầy đủ hơn qua các bản Hiến pháp từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1950, Hiến pháp 1980; Hiến pháp 1990 và đến Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật. Tuy mỗi thời kỳ có sự ghi nhận và bảo đảm khác nhau về quyền con người, nhưng nhìn một cách khái quát thì có thể thấy, thì càng ngày cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội thì thì quyền con người được đề cao, phát triển đầy đủ, được bảo đảm thực hiện trên thực tế hiệu quả và toàn diện hơn. Pháp luật Việt Nam luôn khẳng định rõ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân, ý thức về dân chủ trong xã hội được nâng lên.
Hiến pháp năm 2013, tại chương 2 (từ điều 14 đến điều 49) chế định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Hiến pháp gồm 120 điều, trong đó có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”[2] và “ Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”[3].
- Tiếp cận chung quyền con người trong lĩnh vực giáo dục
Quyền con người là một phạm trù đa diện, do đó, việc nghiên cứu, giảng dạy về quyền con người đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và trong mỗi ngành khoa học tiếp cận quyền con người được bàn thảo dưới nhiều góc độ, mức độ khác nhau.
Từ góc độ luật học, tiếp cận dựa trên quyền nói chung và quyền con người là lấy các nguyên tắc, chuẩn mực giá trị về quyền con người làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình phát triển để đạt được kết quả mong đợi nhằm bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ chủ thể nghĩa vụ và chủ thể quyền, bảo đảm để không nhóm đối tượng nào trong xã hội bị mất cơ hội và các “quyền con người không phải là một hệ tư tưởng, mà là một lý tưởng, đồng thời là một quá trình” [5].
Giáo dục thông qua quyền con người là việc triển khai các hoạt động của quá trình dạy và học trên cơ sở phù hợp với chuẩn mực quyền con người và tôn trọng quyền của người học và người dạy không chỉ trong nội dung chương trình mà cả thông qua phương pháp giảng dạy. Sản phẩm của quá trình đào tạo là những người có trình độ luật học được trang bị kiến thức về quyền con người sẽ góp phần tích cực vào hoạt động xây dựng thực thi pháp luật quản lý xã hội.
Giáo dục quyền con người là giáo dục và đào tạo quyền con người bao gồm tất cả các hoạt động giáo dục, đào tạo, thông tin nâng cao nhận thức và học tập nhằm thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ phổ quát tất cả các quyền con người và tự do cơ bản nhờ đó góp phần ngăn ngừa những hành vi xâm phạm và lạm dụng quyền con người thông qua việc trao cho mọi người kiến thức kỹ năng sự hiểu biết và hình thành thái độ cũng như hành vi nhằm trao quyền cho họ để họ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy một nền văn hóa phổ quát về quyền con người (Khoản 1 - Điều 2 - Tuyên ngôn về giáo dục và đào tạo quyền con người UNGA).
Giáo dục quyền con người là dành cho tất cả mọi người, có ba nhóm để nhận diện: (i) chủ thể quyền là những người được hưởng quyền con người và nhận được sự bảo vệ nhất định là những người dễ có nguy cơ bị vi phạm quyền nhất; (ii) chủ thể chịu trách nhiệm về quyền là những cá nhân hoặc tổ chức có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền của chủ thể quyền; (iii) cá nhân có ảnh hưởng những người có khả năng thuyết phục chủ thể chịu trách nhiệm về quyền thực hiện nghĩa vụ của mình và những chủ thể quyền có thể hiểu và đòi quyền của mình.
Để đưa quyền con người vào chương trình giảng dạy hoạt động quản lý giáo dục và hoạt động dạy học đại học ở Việt Nam, cần phải tiếp cận và đạt các mục tiêu về kiến thức, thái độ, kỹ năng và thông qua chương trình giáo trình hoạt động quản lý giáo dục hoạt động giảng dạy của giảng viên. Để người học nắm được một số vấn đề lý luận về quyền con người, quyền công dân (khái niệm, nguồn gốc lịch sử…Kỹ năng khả năng thực hiện qua trải nghiệm về việc tham gia và hợp tác khả năng cân nhắc và đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng; khả năng triển khai các cái chương trình học mang tính chủ động tương tác phù hợp với người học các kỹ năng đánh giám, sự linh hoạt và khả năng thích nghi. Giảng dạy về quyền con người thông qua quyền con người, để tăng cường kỹ năng, thái độ dạy vì quyền con người. Bên cạnh đó củng cố niềm tin, nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; tích cực đấu tranh phòng và chống các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
- Tiếp cận lồng ghép quyền con người và một số kiến nghị về lồng ghép quyền con người trong giảng dạy môn học Luật Hành chính
Luật học nói chung, các khoa học pháp lý chuyên ngành nói riêng xác lập các quy tắc sử xử chung để đảm bảo nhân phẩm và các quyền tự nhiên, chính đáng của mọi cá nhân đều được tôn trọng, bảo vệ; cũng như xác lập các cơ chế, biện pháp, chế tài để bảo đảm các quy tắc cư xử chung đó được thực hiện.
Quyền con người không thể được bảo đảm đầy đủ nếu không được ghi nhận bằng pháp luật, thể chế hóa bằng những quy tắc sử xử chung, có hiệu lực bắt buộc và thống nhất với cho tất cả mọi chủ thể trong xã hội. Pháp luật có vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm quyền con người, pháp luật là “phương tiện chính thức hoá, pháp lý hoá giá trị xã hội của các quyền tự nhiên và là phương tiện bảo đảm giá trị thực tế của các quyền con người [6]
Ở cấp độ quốc tế, cho đến nay pháp luật quốc tế đã xác lập một hệ thống các chuẩn mực quốc tế về quyền con người (international human rights standards) và các cơ chế quốc tế để bảo đảm các tiêu chuẩn đó được thực hiện trên thực tế. Luật nhân quyền quốc tế (international human rights law) hiện đã được công nhận là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật quốc tế nói chung.
Đối với mỗi quốc gia, tùy hoàn cảnh, điều kiện của mỗi nước quyền con người có thể được đề cập bởi nhiều ngành luật. Ở Việt Nam, pháp luật đã ghi nhận và bảo vệ quyền con người từ Hiến pháp năm 2013 và được quy định cụ thể hóa, chi tiết trong nhiều ngành luật từ Luật Hiến pháp, Luật Hành chính cho đến Luật Hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...
-
- Lồng ghép quyền con người trong giảng dạy môn học Luật Hành chính
Hiện nay, trên tinh thần Hiến pháp 2013 thì nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam đang được chú trọng phát triển nhanh chóng, toàn diện. Bộ Giáo dục - Đào tạo hiện nay đã nghiên cứu và triển khai thực hiện xây dựng chương trình giáo dục về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong đó, chuyên ngành giảng dạy về Luật Hành chính, là một ngành luật giữ vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa, tác động trực tiếp đến quyền con người về cả góc độ giá trị pháp lý và giá trị hiện thực. Quyền con người trong pháp luật hành chính sẽ đề cập đến: (i) các quyền con người nào được bảo vệ trong luật hành chính; (ii) những quy định của pháp luật hành chính nào được sử dụng để hạn chế quyền con người; (iii) chủ thể nào có trách nhiệm bảo vệ quyền con người.
Các quyền con người được thể chế hóa thành quyền công dân được bảo vệ bằng Luật Hành chính
Luật Hành chính là ngành luật về quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và “hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện thông qua các quan hệ xã hội được các quy phạm của Luật Hành chính điều chỉnh” [7]. Về cơ bản các quy định của Luật Hành chính đều thể hiện quyền con người ở nhiều mức độ khác nhau.
Từ góc độ tiếp cận chung
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật trên tất cả các lĩnh vực quản lý từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng…mà không có sự phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào như địa vị, kinh tế, giới tính, tôn giáo và được pháp luật bảo vệ bình đẳng, cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, quy định trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ mội hình thức phân biệt đối xử nào;
Nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước, tại điều 3 - Hiến pháp năm 2013 khẳng định “ Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân”, quyền được tham gia vào quản lý các công việc nhà nước và xã hội là quyền cơ bản của công dân và nguyên tắc được cụ thể hóa bằng: sự tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tham gia vào các tổ chức xã hội, vào hoạt động tự quản ở cơ sở, trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lý hành chính nhà nước, tham gia “quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” [8]. Nguyên tắc này thể hiện tập trung một số quyền quan trọng cơ bản của công dân trong lĩnh vực chính trị - hành chính…như quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân; quyền đóng góp dự cho các dự thảo luật…liên quan đến lợi ích cá nhân, cộng đồng;
Bình đẳng giữa các dân tộc, nguyên tắc này được cụ thể hóa trong các lĩnh vực khác nhau và nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân tộc thiểu số phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ góc độ cụ thể
Quyền tự do cá nhân công dân được thể hiện cụ thể trong quy chế pháp lý hành chính của công dân bao gồm tổng thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước, được quy định trong các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Ngoài ra, quyền con người được thể hiện tập trung một số quyền với đối tượng cụ thể: quyền bình đẳng nam – nữ; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền đối với trẻ em và các nhóm yếu thế…
Luật Hành chính là phương tiện để giới hạn quyền lực của hệ thống cơ quan công quyền thông qua quy định về tổ chức và thẩm quyền hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương do vậy để giới hạn quyền lực công quyền, Luật quy định cụ thể về thẩm quyền của bộ máy hành chính đồng thời quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Các quy định hạn chế quyền và tự do cá nhân như việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính; các biện pháp giáo dục người vi phạm tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Các biện pháp ngăn chặn đảm bảo xử lý vi phạm hành chính như tạm giữ người; áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính; tước giấy phép chứng chỉ hành nghề; khám người khám phương tiện vận tải đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật phương tiện vi phạm hành chính quản chế hành chính
Chủ thể có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, không những là công việc nhà nước, của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua các biện pháp pháp lí, mà còn là công việc của cả cộng đồng thực hiện bằng cả các biện pháp mang tính xã hội. Trong đó, vai trò của nhà nước, các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người là quan trọng nhất.
-
- Một số kiến nghị về lồng ghép quyền con người trong giảng dạy môn học Luật Hành chính
Cần khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của quyền con người trong sự phát triển xã hội. Quyền con người đã được thể chế hoá thành các quyền cơ bản của công dân và bảo đảm về mọi mặt trong việc hiện thực hóa các quyền dân sự, quyền chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá.
Quyền con người là vấn đề liên quan đến tất cả các lĩnh vực xã hội trong đó con người tồn tại và khẳng định phẩm giá của mình. Luật hành chính “với tư cách là ngành luật quản lí mọi mặt đời sống xã hội với mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu mọi mặt của con người nên vấn đề quyền con người được thể hiện ở tất cả các khía cạnh khác nhau của ngành luật này” cần được lồng ghép nội dung quyền con người trong giảng dạy môn học luật hành chính và cần được tiếp tục triển khai thực hiện.
Nhưng từ sự đa dạng cách hiểu, cách tiếp cận, nội hàm của chính khái niệm quyền con người và chưa có sự thống nhất phương pháp tiếp cận, nội dung cụ thể và dung lượng kiến thức cần lồng ghép làm hạn chế khả năng chuyển tải kiến thức của giảng viên cũng như mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên về vấn đề quyền con người trong chương trình môn học Luật Hành chính. Do vậy, khi xây dựng chuẩn đầu ra của môn học, cần ghi nhận yêu cầu lồng ghép về quyền con người trong chuẩn đầu ra cụ thể của môn học.
Trong thời gian tới, cần có sự thống nhất, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo của các cơ sở đào tạo khác trong các trường đại học giảng dạy về môn Luật Hành chính, từ đó, những thống nhất chung là hết sức cần thiết nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ để tiếp cần toàn diện cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển.
Ngoài chương trình học tập trên lớp, về hoạt động giáo dục quyền con người có thể thông qua một số hoạt động ngoại khóa các hoạt động nghiên cứu khoa học diễn án ở các trường luật tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về quyền con người chuyên mục giáo dục quyền con người trên trang thông tin điện tử một số hoạt động ngoại khóa khác phù hợp với điều kiện thực tế của trường theo chương trình giáo dục ngoại khóa do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.
Cách thức triển khai các hoạt động giáo dục ở trường phải phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quyền con người cần có tiếp cận và phương pháp sư phạm dựa trên quyền, trong đó các quyền của cả người dạy và người học được tôn trọng và củng cố cho nội dung dạy học thống nhất giữa nội dung giảng dạy về quyền con người và việc thực hành quyền trong một môi trường học đường. Đây là quá trình xây dựng kỹ năng, thái độ giá trị để người học có được khả năng áp dụng các giá trị chuẩn mực quyền con người vào đời sống của mình và chủ động tham gia các hoạt động thúc đẩy bảo vệ quyền con người là mục tiêu cuối cùng của việc dạy học và trao quyền để mọi người được thụ hưởng và thực hành quyền của mình và để tôn trọng quyền của người khác.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực và phẩm chất, có số lượng phù hợp để tham gia vào quá trình giáo dục quyền con người, quyền công dân ở các môn học luật nói chung và môn học luật Hành chính.
Kết luận
Giáo dục về quyền con người là các hoạt động để phổ biến kiến thức về quyền con người về các chuẩn mực nguyên tắc giá trị quyền con người vào hệ thống pháp luật, cơ chế bảo vệ các quyền đó, giảng dạy các nội dung về chuẩn mực quy định về quyền con người để tăng kiến thức và sự hiểu biết cho người học. Từ đó trao quyền nâng cao năng lực về quyền, mục tiêu của giáo dục về quyền con người và giáo dục thông qua quyền con người và giáo dục vì quyền con người. Giáo dục quyền con người phải nhằm tăng cường tôn trọng quyền con người, phát triển đầy đủ nhân cách và ý thức về nhân phẩm, nâng cao hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và giữa các dân tộc, các nhóm xã hội. Luật hành chính với vai trò là ngành luật quản lí hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội “nên vấn đề quyền con người được thể hiện ở tất cả các khía cạnh khác nhau của ngành luật này”, từ đó cần lồng ghép nội dung quyền con người trong giảng dạy môn học luật hành chính từ góc độ chung đến quy định cụ thể với các nhóm đối tượng cụ thể. Trên cơ sở đó, cần có sự thống nhất phương pháp tiếp cận, nội dung cụ thể và phần kiến thức cần lồng ghép để phát huy khả năng “chuyển tải kiến thức của giảng viên cũng như mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên” về vấn đề quyền con người trong chương trình môn học Luật Hành chính, như vậy, khi xây dựng đề cương giảng dạy cần ghi nhận yêu cầu lồng ghép về quyền con người như là một yếu tố trong chuẩn đầu ra cụ thể của môn học.
ThS. Nguyễn Thị Thục
Học viện Ngân hàng
---
Tài liệu tham khảo
- Quốc hội, Hiến pháp năm 2013, Khoản 1, Điều 14.
- Quốc hội, Hiến pháp năm 2013, Khoản 2, Điều 14.
- Đại học Quốc gia Hà Nội, Hỏi - Đáp về quyền con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015, tr23
- Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2015, tr 30
- Phạm Khiêm Ích, Hoàng Văn Hảo, “Quyền con người trong thế giới hiện đại”, Viện thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội 2014, tr 158
- Đại học quốc gia Hà Nội, Khoa Luật, Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2015, tr 19
- Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, NXB Công an nhân dân, tr21.
- Quốc hội, Hiến pháp năm 2013, Điều 2