Tiếp cận dựa trên quyền con người là một phương thức tiếp cận hiện đại dựa trên những nguyên tắc, tiêu chuẩn của pháp luật nhân quyền quốc tế trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Bài viết này sẽ trình bày các vấn đề lý luận về nhân quyền và mối tương quan của nó trong luật sở hữu trí tuệ và luật an ninh mạng; thực trạng tiếp cận quyền con người trong hoạt động giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó đề xuất áp dụng quy trình thực thi tiếp cận quyền con người trong giảng dạy luật sở hữu trí tuệ và luật an ninh mạng.

(Tiếp theo kỳ trước)

3. Tiếp cận quyền con người trong giảng dạy luật sở hữu trí tuệ và luật an ninh mạng cho SV ĐH CNTT.

a) Thực trạng tiếp cận quyền con người tại trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM

Bởi vì HRBA vẫn còn là một vấn đề tương đối mới ở Việt Nam (Vũ Công Giao, 2020). Chính vì vậy mà các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập về luật nói chung, bao gồm luật sở hữu trí tuệ, luật an ninh mạng đều do các cơ sở đào tạo cử nhân Luật đảm nhiệm, điều này là phù hợp theo chức năng của các Trường. Tuy nhiên, đứng trước xu thế mới, các cơ sở đào tạo đã bổ sung thêm các nội dung cơ bản về luật sở hữu trí tuệ, luật an ninh mạng và đặc biệt là lồng ghép các nội dung về tiếp cận quyền con người trong chương trình đào tạo bậc Đại học và Sau đại học, nhưng với đơn vị tín chỉ còn khá thấp (khoảng 02 tín chỉ).
Hoạt động giáo dục nhân quyền tại Trường ĐH CNTT nhằm trang bị kiến thức về nhân quyền cho sinh viên, hướng tới sự tôn trọng quyền con người, được thực hiện bằng cả hình thức chính khóa và không chính khóa. Hình thức không chính khóa chủ yếu được thực hiện thông qua tuần sinh hoạt công dân ngay khi sinh viên mới nhập trường, hoặc thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Đoàn - Hội tổ chức. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức các buổi tư vấn ngoại khoá về An toàn thông tin định kỳ, có phối hợp với Trung tâm An ninh mạng thực hiện.

Hình thức chính khóa thông qua giảng dạy môn học “Pháp luật đại cương”, các môn chính trị học. Các nội dung giáo dục về quyền con người như giáo dục về quyền sở hữu, quyền thừa kế, đảm bảo anh toàn an ninh thông tin,... được lồng ghép ở một số chương trong Luật Dân sự, Luật an ninh mạng... Tuy nhiên, với thời lượng cho phép, các nội dung nhân quyền được giảng dạy trong các môn học còn sơ khai, mang tính chất tổng quát bởi vì nó phụ thuộc vào yêu cầu của các bộ môn đối với giảng viên và đặc biệt là kiến thức của giảng viên về lĩnh vực quyền con người.

Trường ĐH CNTT là cơ sở đào tạo về máy tính và công nghệ thông tin, đặc thù khác xa so với cơ sở đào tạo chuyên ngành luật. Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo ngành an toàn thông tin ở bậc đại học và sau đại học, Nhà trường đã chủ trương xây dựng các nội dung môn học giúp sinh viên nhận thức được các nội dung cơ bản và chuyên sâu về an ninh mạng. Cụ thể, đối với ngành An toàn thông tin trình độ Thạc sĩ, tổng thời gian đào tạo là hai năm tương ứng bốn học kỳ và khoảng 60 tín chỉ; trình độ đại học chính quy kéo dài 3.5 năm đến 4 năm với khoảng 120 tín chỉ. Chương trình đào tạo bao gồm hai nội dung: khối kiến thức giáo dục đại cương và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp có hai phần: đào tạo chung (kiến thức cơ sở khối ngành và ngành) và đào tạo chuyên ngành (kiến thức ngành). Mặc dù trong toàn bộ chương trình đào tạo bắt buộc ở trên không có nội dung (môn học) về quyền con người, luật sở hữu trí tuệ hay luật an ninh mạng theo nghĩa là một phân môn độc lập. Song, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cho rằng chương trình đào tạo tại Nhà trường không đào tạo những vấn đề về nhân quyền, an ninh thông tin, quyền tác giả. Thực tế, trong chương trình đào tạo, các nội dung này thường được tiếp cận dưới góc độ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được giảng dạy trong môn học Quản lý hệ thống CNTT, An toàn và bảo mật thông tin, Phân tích an ninh cho các giao thức mạng, Pháp chứng số trên máy tính và mạng, Các kỹ thuật phân tích mã độc nâng cao (chương trình đào tạo Thạc sĩ); An toàn mạng không dây và di động, quản lý rủi ro và an toàn thông tin trong doanh nghiệp, Bảo mật web và ứng dụng, pháp chứng kỹ thuật số, Bảo mật Internet of things, An ninh nhân sự định danh và chứng thực, Hệ thống tìm kiếm, phát hiện và ngăn ngừa xâm nhập,...(chương trình đào tạo đại học). Ngoài ra, các bộ môn khác tùy theo đặc thù của nội dung môn học, ở các mức độ khác nhau cũng đề cập đến quyền con người, ví dụ: vấn đề con người trong triết học Mác - Lênin (môn Triết học Mác - Lênin); vấn đề dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội (môn Chủ nghĩa xã hội khoa học); các vấn đề về bảo mật, quyền tiếp cận thông tin (môn An toàn và bảo mật Hệ thống thông tin, Mạng xã hội, Khai thác dữ liệu) quyền dân sự của công dân (môn Pháp luật đại cương); quyền tự do trong kinh doanh (môn Thương mại điện tử); quyền tự do việc làm (môn Kỹ năng nghề nghiệp). Những nội dung của các môn học trên tập trung vào cung cấp cho sinh viên các kiến thức về bảo đảm an ninh trong áp dụng các thiết bị số; hiểu rõ các nội dung cơ bản của luật an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân, ý thức các quyền được thực hiện và không được phép sử dụng, gây tổn hại đến an ninh, an toàn của con người. Sinh viên sau khi học các môn học này, có trách nhiệm tham gia môi trường mạng, cần tuân thủ nghiêm những quy định của Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet; cân nhắc trước khi tiếp nhận thông tin, thận trọng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên MXH tránh gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể (tổn hại quyền con người), thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội. Tuy nhiên hiện nay, giáo trình giảng dạy các môn học này do các trường trực tiếp biên soạn nên liều lượng và mức độ của các nội dung nói trên cũng có sự khác nhau nhất định, theo đặc thù của các môn học hoặc chuyên ngành.

Đặc biệt hơn, khi so sánh với nội dung thuộc về an toàn, an ninh thông tin thì nhìn chung hàm lượng giảng dạy về luật sở hữu trí tuệ theo tiếp cận quyền con người tại Trường ĐH CNTT còn khá hạn chế. Cụ thể, Nhà trường không có môn học về sở hữu trí tuệ riêng biệt mà thông thường được giảng viên đề cập đến thông qua một số môn học nhất định như đồ án, luận văn, khoá luận, hoặc các sản phẩm tạo ra trong quá trình thực tập của sinh viên (phát sinh quyền tác giả và quyền liên quan), và thời lượng nhiều nhất mà sinh viên có cơ hội tiếp cận với quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại Trường là ngành học thương mại điện tử (TMĐT). Sinh viên có cơ hội tiếp cận quyền con người và các vấn đề SHTT trong môi trường TMĐT (tên miền, trang web và sử dụng nhãn hiệu trên môi trường mạng). Qua đó, trang bị cho sinh viên có ý thức và trách nhiệm trong việc thực thi các quyền lợi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đồng nghĩa với việc bảo đảm an toàn cho các hoạt động thương mại điện tử. Bất cứ hình thức xâm phạm nào đến các quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử như đánh cắp thương hiệu hay cướp lấy tên miền đều gây ra sự tổn hại nhất định. Ngoài ra, trong chương trình đào tạo khung của Bộ cũng như nội dung đào tạo của các trường cho các ngành kỹ thuật và máy tính không có một bộ môn độc lập về quyền con người hoặc tiếp cận quyền con người. Vấn đề quyền con người được đưa vào chương trình tự chọn cho luật chuyên ngành một số trường và vì thế, số lượng sinh viên dự học môn này cũng rất hạn chế.

b) Đề xuất quy trình tiếp cận quyền con người trong giảng dạy luật sở hữu trí tuệ và luật an ninh mạng

Việc áp dụng HRBA trong một chính sách cụ thể cần được thực hiện qua các bước cơ bản như sau (Vũ Công Giao và Ngô Minh Hương, 2014): 1- Phân tích bản chất của vấn đề đang gặp phải, những chủ thể chịu tác động của vấn đề và hệ thống các nguyên nhân dẫn tới vấn đề đó; 2- Xác định các văn bản, pháp lý có thể điều chỉnh hoặc liên quan đến vấn đề cần giải quyết; 3- Xác định mối quan hệ quyền - trách nhiệm giữa các chủ thể chính và dựa trên phân tích mô hình để chỉ ra những đòi hỏi cơ bản của chủ thể quyền cần được đáp ứng cũng như những nhiệm vụ chính của chủ thể có nghĩa vụ; 4- Phân tích và đánh giá điều kiện, năng lực của chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền; xác định được những thiếu hụt năng lực của các bên để xây dựng phương án phù hợp nhất; và 5- Lựa chọn các biện pháp tác động một cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.

Trong nghiên cứu này, trên cơ sở vận dụng theo tiếp cận của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (United Nations Population Fund), tác giả đề xuất quy trình xác lập, thực hiện dựa trên HRBA trong giảng dạy cần trải qua bốn giai đoạn (UNFPA, 2010): 1) Xác định vấn đề, phân tích tình hình (SAA: Situation assessment and analysis); 2) xây dựng và thiết kế chương trình (PPD: Programme planning and design); 3- Triển khai (I: Implementation); và 4) giám sát và đánh giá (ME: monitoring and evaluation):

1- SAA: xác định các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và anh ninh mạng đối với sinh viên, học viên nhóm ngành công nghệ thông tin (khoa học kỹ thuật). Thu thập các thông tin liên quan đến các vấn đề đang thực hiện ở mức độ nào, kết quả như thế nào. Xây dựng một bảng checklist các câu hỏi để đánh giá thực trạng dựa trên khung hành lang pháp lý, tính giá trị, khả năng tiếp cận, khả năng chấp nhận và chất lượng của các chủ thể (giảng viên, sinh viên), các điều kiện thực hiện,...cuối cùng chọn lựa các vấn đề ưu tiên.

2- PPD: dựa trên việc phân tích ở giai đoạn 1, các nhà quản lý, trưởng các Khoa/Bộ môn sẽ xây dựng và thiết kế chương trình giảng dạy, chiến lược giảng dạy (mục tiêu, phương pháp, công cụ). Cụ thể xác định rõ các nội dung giảng dạy phù hợp với sinh viên công nghệ thông tin là các quyền bảo hộ phát minh, sáng chế, quyền tác giả, quyền truy cập internet, quyền bảo mật và khai thác thông tin,... Đối với mỗi nội dung cần được phân tích, đánh giá trách nhiệm pháp lý, phạm vi giới hạn,..Kết quả của xây dựng chương trình cần đảm bảo đạt được các mục tiêu mong đợi, có nghĩa là cần thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa các kết quả dự kiến ở các mức độ khác nhau (chuỗi kết quả: results chain)

3- I: các kế hoạch hoạch ở giai đoạn trước sẽ được hiện thực hóa. Tương ứng với các nội dung, vấn đề đã xác định sẽ có một chuỗi các hoạt động để thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra.

4- ME: quan sát, theo dõi và đánh giá thực tế kết quả của quá trình thực hiện; sự tác động, tính hiệu quả và bền vững. Để đánh giá đảm bảo độ tin cậy và tính giá trị cần trả lời được ba câu hỏi: đo cái gì (what to measure?) làm cách nào để đo? (how to measure?) và liên quan đến ai ? (who to involve?)

Nhìn chung, để áp dụng HRBA trong quy trình này phải đảm bảo các nguyên tắc và tiêu chuẩn về nhân quyền trong suốt chu trình, đặc biệt tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản (UN): 1- không làm tổn hại đến quyền con người (nguyên tắc “Do No Harm”): không được tạo ra những tác động tiêu cực bất hợp lý đến nhân quyền; 2- tối đa hoá các tác động tích cực với quyền con người (nguyên tắc “Do Maximum Good”): tìm mọi cách hướng kết quả của dự án vào việc thúc đẩy các quyền con người, chẳng hạn như trong trường hợp này là tăng cường năng lực và đào tạo về quyền con người cho các chủ thể có liên quan, thúc đẩy sự tham gia của giảng viên, sinh viên, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình

Trên đây là phác thảo cơ bản của việc áp dụng HRBA trong giảng dạy luật sở hữu và luật an ninh mạng cho sinh viên ĐH CNTT

4. Kết luận và khuyến nghị

Tiếp cận HRBA chưa được quy định cụ thể như là một cách tiếp cận nền tảng, vì thế nên hiệu quả lồng ghép các yếu tố của HRBA trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta nói chung và hoạt động giảng dạy đều ở mức hạn chế.

Thứ nhất, việc tiếp cận HRBA trong các môn Luật học chỉ dành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành, các Trường khác chỉ dừng ở mức là môn học tự chọn. Đồng thời, bên cạnh đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần tiếp tục nghiên cứu từng bước xây dựng và biên soạn tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, chuyên ngành đào tạo.

Thứ hai, dung lượng kiến thức và đơn vị tín chỉ về giáo dục quyền con người được lồng ghép trong chương trình giảng dạy của Nhà trường còn ít, chưa đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh công nghiệp cách mạng 4.0; đặc biệt chưa có tính đặc thù về HRBA trong đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin dựa trên luật an ninh mạng và sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, chưa có văn bản thống nhất, hoàn chỉnh nhằm hướng dẫn Nhà trường xây dựng các nội dung giảng dạy luật sở hữu trí tuệ và an ninh mạng theo tiếp cận quyền con người. Các tài liệu giảng dạy, học tập về tiếp cận quyền con người cho sinh viên công nghệ thông tin còn mang tính chất định hướng chung và được lồng ghép trong các môn học khác, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên của Nhà trường chưa được trang bị các kiến thức cơ bản về giáo dục quyền con người. Sự hạn chế này ảnh hưởng lớn đến nhận thức, kỹ năng triển khai giáo dục quyền con người trong các nhiệm vụ đào tạo mà Nhà trường đang thực hiện.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về luật sở hữu trí tuệ và luật an ninh mạng cũng như bảo đảm hơn nữa quyền con người cần:

Thứ nhất, tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện công tác giảng dạy các môn học liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quyền an ninh mạng tại Nhà trường để qua đó nhận diện những hạn chế và tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập tồn tại.

Thứ hai, phối hợp với các tổ chức, cơ quan Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật an ninh mạng và các văn bản có liên quan theo hướng tiếp cận quyền con người trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, tập trung vào giáo dục quyền con người qua hai hình thức: Giáo dục chính thức qua các môn học; và Giáo dục không chính thức thông qua mô hình, chủ điểm sinh hoạt “Ngày hội Pháp luật”; “Tháng an toàn, an ninh thông tin”, “Tuần sở hữu trí tuệ”,...được diễn ra định kì tại Trường để tuyên truyền và giáo dục nhân quyền cho sinh viên trong mối quan hệ với các môn học, luật học.

Thứ tư, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ về giảng dạy luật sở hữu trí tuệ, luật an ninh mạng theo tiếp cận quyền con người trong Nhà trường. Đội ngũ giảng dạy pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục quyền con người hiện nay, vì thế cần thực hiện một số giải pháp cụ thể: Xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm về chất lượng; Đẩy mạnh; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức Đoàn- Hội, Công đoàn trong tiếp cận và giáo dục quyền con người;...

Thứ năm, bổ sung và biên soạn đầy đủ giáo trình, tài liệu tham khảo chính thống cho các Nhà trường nhằm giúp các cơ sở đào tạo định hướng nội dung, bảo đảm tính nhất quán trong giảng dạy.

NCS. Lê Thị Phương

Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM

-----

Tài liệu tham khảo

  1. AHRC. (nd). An Introduction to Human Rights. Retrieved September 12, 2022, from https://humanrights.gov.au/our-work/education/introduction-human-rights
  2. Brander, P.,  Witte, L, D.,  Ghanea, N.,  Gomes, R., Keen, E., Nikitina, A., & Pinkeviciute, J. (2nd edition, 2020). COMPASS Manual for Human Rights Education with Young People. Retrieved September 5, 2022, from https://rm.coe.int/compass-eng-rev-2020-web/1680a08e40
  3. Cao Đức Thái & Vũ Trọng Lâm. (2019). Luật An ninh mạng - một bảo đảm quan trọng trong thực thi quyền con người. Truy xuất ngày 08/09/2022 từ http://m.tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/luat-an-ninh-mang-mot-bao-dam-quan-trong-trong-thuc-thi-quyen-con-nguoi-13080.html
  4. Đinh Thị Thương. (2016). Giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Truy xuất ngày 12/09/2022 tại https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/15907/giao-duc-nang-cao-nhan-thuc-ve-quyen-con-nguoi-o-viet-nam-hien-nay
  5. HCHR. (2016). Frequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva. Retrieved September 7, 2022, from https://www.ohchr.org/sites/default/files/Documents/Publications/FAQen.pdf
  6. Helfer, L. (2003). Human rights and intellectual property: conflict or coexistence?. Minnesota Intellectual Property Review, 5(1), 47-61.
  7. Hội đồng Anh. (2000). Giáo dục quyền công dân và giáo dục quyền con người: các khái niệm và tranh luận chính, Tập 1.
  8. Lê Xuân Tùng. (2020). Thực tiễn vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách phát triển ở Việt Nam. Tạp chí Lý luận chính trị, 12, 90-96.
  9. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao & Lã Khánh Tùng. (2012). Hỏi đáp về quyền con người. Hà Nội: NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội
  10. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao & Lã Khánh Tùng. (2011). Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  11. Nguyễn Duy Sơn & Trần Thị Hòe. (2013). Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam. Truy xuất ngày 6/9/2022 tại http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/595-tiep-can-dua-tren-quyen-con-nguoi-trong-hoach-dinh-va-thuc-thi-chinh-sach-o-viet-nam.html
  12. Nguyễn Thị Dung. (2020). https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/tiep-can-dua-tren-quyen-con-nguoi-trong-viec-xay-dung-thuc-hien-phap-luat-ve-quyen-cua-nhom-de-bi-ton-thuong-thuc-trang-va-kien-nghi-190409.html
  13. Nguyễn Thị Thu Thuỷ. (2013). Giáo dục nhân quyền trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. (Luận văn Thạc sỹ). Đại học Quốc gia Hà Nội.
  14. Nguyễn Văn Phúc. (2022). Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 tiếp cận theo quyền được chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 8 (456), 44-53.
  15. Nhân dân. LHQ xếp hạng về Chính phủ điện tử: Việt Nam tăng 2 bậc. Truy xuất ngày 09/09/2022 tại https://nhandan.vn/lhq-xep-hang-ve-chinh-phu-dien-tu-viet-nam-tang-2-bac-post608578.html
  16. NHRIs. (nd). Human rights- based approach. Retrieved September, 5, 2022, from https://ennhri.org/about-nhris/human-rights-based-approach/
  17. OECD. (2019). Recommendation of the Council on Artificial Intelligence. Retrieved September 10, 2022, from 22/05/2019. https://legalinstruments.oecd.org/en/instruments/OECD-LEGAL-0449.
  18. Pavlova, P. (2020). Human Rights-based Approach to Cybersecurity: Addressing the Security Risks of Targeted Groups. Peace Human Rights Governance, 4(3), 391-4
  19. Rossini, C., & Green, N. (nd). Cybersecurity and human rights. Retrieved September 13, 2022, from https://www.gp-digital.org/wp-content/uploads/2015/06/GCCS2015-Webinar-Series-Introductory-Text.pdf
  20. Schmitt, M. (2017). Tallinn Manual 2.0 on the International Law Applicable to Cyber Operations. Retrieved September 13, 2022, from https://assets.cambridge.org/97811071/77222/frontmatter/9781107177222_frontmatter.pdf
  21. Thịnh Anh. (2017). Vấn đề quyền con người trong chính sách về sở hữu trí tuệ. Truy xuất ngày 08/09/2022 tại https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2231
  22. UNDG. (nd). Rights Based Approach to Development Cooperation Towards a Common Understanding Among UN Agencies. Retrieved September, 6, 2022, from www.undg.org/archive_docs/6959-The_Human_Rights_Based_Approach_to_Development_Cooperation_Towards_a_Common_Understanding_among_UN.pdf
  23. UNFPA. (2010). A human rights- based approach to programming: Practical implementation manual and training materials. Retrieved from https://www.unfpa.org/sites/default/files/resource-pdf/hrba_manual_in%20full.pdf
  24. UNSDG. (nd). Principle One: Human Rights-Based Approach. Retrieved September, 6, 2022, from https://unsdg.un.org/2030-agenda/universal-values/human-rights-based-approach
  25. Vũ Công Giao & Ngô Minh Hương (đồng chủ biên). (2014). Tiếp cận dựa trên quyền con người: Lý luận và thực tiễn. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  26. Vũ Công Giao. (2019). Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở việt nam hiện nay. Nghiên cứu lập pháp, 18(394), 3-11.