Luật quốc tế với hệ thống các công ước quốc tế về quyền con người đã trở lên phổ quát; pháp luật của nhiều quốc gia không những nội luật hóa các quyền con người, mà còn thể hiện quan điểm chủ động tôn trọng, ghi nhận các quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời thừa nhận nghĩa vụ bảo vệ, thực hiện quyền con người. Trường Đại học Công đoàn, là cơ sở đào tạo đa ngành, có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho tổ chức công đoàn đã tiếp cận và có nhận thức về giá trị của quyền con người, thấy rõ sự cần thiết phải tiếp cận, truyền tải giá trị quyền con người vào hoạt động đào tạo của Nhà trường.

1. Tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động trên cơ sở nhận thức các giá trị về quyền và sự cần thiết phải giáo dục quyền.

Ngày nay, quyền con người đã trở thành những chuẩn mực, tiêu chuẩn, đòi hỏi chung của nhân loại trong mọi lĩnh vực của đời sống. Luật quốc tế với hệ thống các công ước quốc tế về quyền con người đã trở lên phổ quát; pháp luật của nhiều quốc gia không những nội luật hóa các quyền con người, mà còn thể hiện quan điểm chủ động tôn trọng, ghi nhận các quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời thừa nhận nghĩa vụ bảo vệ, thực hiện quyền con người. Mặc dù vậy, ở thời điểm những năm 1990, thế giới thừa nhận việc hiểu biết về quyền con người còn hạn chế, việc vi phạm các quyền con người còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy mà Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị nhân quyền thế giới, đưa ra Tuyên bố Viên về Chương trình Hành động năm 1993, tiếp theo đó là Chương trình Thập kỷ giáo dục quyền con người, kéo dài từ năm 1995 – 2004, và thực hiện ba giai đoạn bổ sung cho Chương trình đến năm 2019 (giai đoạn thứ nhất từ năm 2005-2009, tập trung giáo dục cấp tiểu học và trung học với mục tiêu là tiếp cận giáo dục dựa trên quyền; giai đoạn thứ 2 từ năm 2010-2014, tập trung giáo dục cho cấp đại học, đội ngũ giảng viên, cán bộ thực thi pháp luật, sỹ quan và quân nhân; giai đoạn thứ ba từ năm 2015-2019, củng cố cho 2 giai đoạn trước và thúc đẩy đào tạo giới truyền thông, báo chí)[1].

Ở Việt Nam, từ những năm 1990, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rõ ràng sự quan tâm tới việc tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Sự quan tâm này thể hiện ở việc Đảng ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Nhà nước ban hành pháp luật và tiếp tục tham gia các điều ước quốc tế về nhân quyền, ký kết các hiệp định, công ước ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại với các đòi hỏi về quyền của người lao động, công đoàn, …. cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện. Ý thức rõ về giá trị của quyền con người, hướng tới bảo đảm thực hiện quyền con người, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2013 phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân…. Có thể thấy, từ nhận thức, tư duy đến các hành động, xu hướng tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy thực hiện quyền con người, đáp ứng các yêu cầu về quyền con người trong tình hình mới đã đi vào chủ chương, chính sách, hoạt động… của cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội (bao gồm cả tổ chức của Việt Nam và quốc tế) và ngày càng trở lên hiệu lực, hiệu quả hơn, hướng tới quyền con người, vì quyền con người.

Trong xu hướng của quyền con người nêu trên, gắn với tổ chức công đoàn, Trường Đại học Công đoàn, là cơ sở đào tạo đa ngành, có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, cho tổ chức công đoàn đã tiếp cận và có nhận thức về giá trị của quyền con người, thấy rõ sự cần thiết phải tiếp cận, truyền tải giá trị quyền con người vào hoạt động đào tạo của Nhà trường. Quá trình xây dựng mục tiêu, chiến lược, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn của mình, dù chưa chỉ đích danh hay trực tiếp sử dụng thuật ngữ “quyền con người” trong đó, nhưng Nhà trường đã ý thức rõ về tiếp cận các giá trị quyền con người, tiếp cận định hướng thúc đẩy, thực hiện quyền con người, tôn trọng các giá trị quyền con người trong bối cảnh, tình hình mới của xã hội. Điều này đã có tương thích nhất định với mục tiêu giáo dục quyền con người nói chung. Cụ thể, Trường Đại học Công đoàn xác định sứ mệnh là: đào tạo đội ngũ cán bộ cho tổ chức Công đoàn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu khoa học về công nhân, công đoàn, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng các chính sách về người lao động. Về triết lý giáo dục: học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để hội nhập, học để kiến tạo tương lai”. Về mục tiêu giáo dục: năng động, sáng tạo, trung thực, tinh thần trách nhiệm, khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa”. Về tầm nhìn đến năm 2030: trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong khu vực về công nhân, công đoàn, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động)[2]. Với mục tiêu và sứ mệnh …. nêu trên, Nhà trường đã có chú trọng tiếp cận, truyền tải kiến thức, giá trị và thực tiễn về quyền con người trong công tác đào tạo nói chung và hoạt động giảng dạy cho sinh viên, học viên các lớp, khóa, các hệ đào tạo của Nhà trường. Theo đó, quá trình xây dựng chương trình đào tạo, nhất là ở một số nhóm ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, Nhà trường đã xây dựng riêng môn học Lý luận và pháp luật về quyền con người cho các ngành Luật, ngành Xã hội học, ngành Công tác xã hội, mặc dù trong các học phần thuộc khối kiến thức lý luận chính trị, pháp luật nói chung đã tiếp cận các giá trị quyền con người theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Trường Đại học Công đoàn luôn giới thiệu, quảng bá với xã hội và được xã hội biết đến là cơ sở đào tạo chú trọng, nhấn mạnh, đi sâu đào tạo cho người học mảng kiến thức, “chùm kiến thức” thuộc lĩnh vực pháp luật lao động, công đoàn, an sinh xã hội, ưu đãi và cứu trợ xã hội cùng nhiều kỹ năng áp dụng kèm theo để đưa các kiến thức đi vào đời sống (đây cũng là điểm khác biệt của Trường Đại học Công đoàn với các đơn vị đào tạo khác). Theo đó, lãnh đạo Nhà trường và nhiều giảng viên khối ngành xã hội của Nhà trường đã được cử đi đào tạo ở trình độ tiến sĩ, học tập các lớp ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người, tạo cơ sở lý luận và tiền đề để tiếp cận, nắm bắt trong nội hàm… quyền con người để ứng dụng, vận dụng vào hoạt động giảng dạy của giảng viên, bảo đảm phù hợp với thời đại, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong quá trình giảng dạy các học phần nói chung và các học phần về Luật Lao động, liên quan đến Luật Lao động nói riêng.

Như vậy về mặt nhận thức của lãnh đạo và giảng viên của Trường Đại học Công đoàn đã tiếp cận, lĩnh hội được xu hướng, bối cảnh và giá trị của quyền con người và sự cần thiết đưa giáo dục quyền con người vào trong hoạt động xây dựng mục tiêu chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn của Nhà trường; trong các chương trình đào tạo của Nhà trường, trong giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chung, đích danh học phần chuyên ngành về quyền con người, học phần Luật Lao động và những học phần khác liên quan đến Luật Lao động.

2. Thực tiễn tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật lao động cho sinh viên

2.1. Về cơ hội (thời cơ) tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động:

Thứ nhất, cơ hội về mối quan hệ mật thiết giữa Luật Lao động và Quyền con người: Luật lao động là lĩnh vực xoay quanh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, xong lại có nội dung và phạm vi tác động tương đối rộng. Nhìn từ góc độ Bộ Luật lao động, chúng ta thấy Luật Lao động xác định phạm vi điều chỉnh là các “quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.” (Điều 1, Bộ Luật lao động năm 2019). Các quy định của Bộ Luật lao động tập trung các vấn đề: Chính sách của Nhà nước về lao động; Quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; Xây dựng quan hệ lao động; Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; Hợp đồng lao động; Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề; Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể; Tiền lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; An toàn lao động, vệ sinh lao động; Những quy định riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới; đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Giải quyết tranh chấp lao động; Quản lý nhà nước về lao động; Thanh tra lao động, xử lý vi phạm pháp luật lao động. Mở rộng hơn nữa, Luật Lao động còn hàm chứa các quy định ở hệ thống các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nghiên cứu tới các tiêu chuẩn lao động được thoả thuận trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)....

Từ các quy định của Bộ Luật lao động và các công ước, hiệp định quốc tế liên quan, gọi chung là Luật lao động, đặt trong mối quan hệ với các quy định của Luật nhân quyền, các quy định về quyền con người trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam, chúng ta thấy đó là mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, ở tất cả các khía cạnh của quyền dân sự chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương. Các quyền của người lao động trước nhất và chủ yếu gắn kết mật thiết với các quyền về kinh tế, văn hoá và xã hội, tập trung nhất là ở các quyền làm việc và hưởng thù lao công bằng, được thành lập, tham gia tổ chức công đoàn để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế xã hội của mình (Điều 23 của UDHR, Điều 6,7,8 của ICESCR) quyền được hưởng an sinh xã hội (Điều 23 của UDHR, Điều 9 của ICESCR), bên cạnh đó, quyền của người lao động cũng có quan hệ ràng buộc, điều kiện tương hỗ với quyền được hưởng và duy trì tiêu chuấn sống thích đáng, quyền được hỗ trợ về gia đình, quyền được hưởng sức khoẻ về thể chất và tinh thần, quyền giáo dục, quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và được hưởng các thành tựu của khoa học. Đồng thời, các quyền của người lao động còn có liên quan mật thiết với các quyền dân sự, chính trị theo Luật nhân quyền, cụ thể là các quyền: được bảo vệ để khỏi bị bắt làm nô lệ hay nô dịch (trong đó thừa nhận rằng: Không ai bị yêu cầu phải lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức (Điều 4 UDHR, Điều 8 ICCPR). Đặc biệt là Luật lao động có mối quan hệ gắn bó không tách rời với các quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương trong luật nhân quyền, như: quyền của phụ nữ và bảo đảm bình đẳng giới, quyền của trẻ em; quyền của người khuyết tật, quyền của người lao động di trú….

Nhiều chuyên gia quyền con người, về Luật Lao động, cũng như các chuyên gia luật học, xã hội học khác tại Trường Đại học Công đoàn đã khẳng định Luật Lao động mặc dù không sử dụng thuật ngữ quyền con người nào trong toàn văn Bộ luật, nhưng rõ ràng nó đã cụ thể hoá các giá trị của quyền con người vào quyền của người lao động và xác lập, khẳng định nghĩa vụ của người sử dụng lao động, của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước người lao động, đồng thời theo đó là cơ chế bảo vệ cho người lao động[3].

Thứ hai, cơ hội về số lượng nhiều học phần trong nhiều Chương trình đạo tạo của Trường Đại học Công đoàn có giảng dạy kiến thức về lao động, về các quy định của Luật Lao động, cùng số lượng lớn người học trên phạm vi cả nước, đội ngũ giảng viên bảo đảm về chuyên môn[4]: Trường Đại học Công đoàn là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa nghề, nhưng với tên gọi gắn của tổ chức công đoàn, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên ngay trong mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của Nhà trường (như đã giới thiệu ở mục 1) luôn gắn bó với tổ chức công đoàn, chú trọng tới lĩnh vực pháp luật lao động, quan hệ lao động trên nền tảng nhu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội chung của Việt Nam. Bởi vậy có rất nhiều các học phần trong cấu trúc của các Chương trình đào tạo của Nhà trường giảng dạy về lĩnh vực lao động nói chung và các quy định của Luật Lao động nói riêng. Hàng năm có khoảng hơn 2200 sinh viên tiếp cận, lĩnh hội kiến thức về lĩnh vực lao động và các quy định của Luật Lao động, trong đó khoảng hơn 1000 sinh viên trực diện nghiên cứu học phần Luật Lao động, số sinh viên còn lại các sinh viên cứu một phần các quy định của Luật Lao động trong các học phần khác nhau, như: An sinh xã hội, Pháp luật về an sinh xã hội, Luật Công đoàn, Quan hệ lao động, Đối thoại xã hội trong quan hệ lao động, Kỹ năng thương lượng trong quan hệ lao động, Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động Công tác xã hội với người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, Công tác xã hội với trẻ em, Tranh chấp lao động và đình công…. Các học phần này được giảng dạy bởi đội ngũ các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hoạt động thực tiễn bảo đảm về chuyên môn ở cả trong và ngoài Trường. Bên cạnh sinh viên, tại Trường Đại học Công đoàn còn có một lực lượng lớn các học viên sau đại học, các học viên đào tại theo các hệ vừa làm vừa học, các học viên bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ công đoàn, về kiến thức pháp luật lao động ở công đoàn các cấp, ngành, các doanh nghiệp trên cả nước.

Như vậy có thể thấy cơ hội (thời cơ) tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động tại Trường Đại học Công đoàn là rất lớn, với phạm vi nhiều các học phần giảng dạy về Luật Lao động, số lượng người học các hệ đào tạo, phủ rộng trên cả nước, đội ngũ giảng viên bảo đảm yêu cầu về chuyên môn.

2.2. Về kết quả đạt được:

Với nhận thức và cơ hội tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động như đã phân tích ở mục 1, mục 2.1, nhiều giảng viên đã thấy rõ được sứ mệnh, trách nhiệm và chú ý, tích cực tiếp cận, truyền tải các giá trị của quyền con người tới sinh viên trong giảng dạy về Luật Lao động. Sau khi phân tích nội hàm kiến thức, nội dung các quy định pháp luật Lao động, thì giảng viên sẽ kết nối, chỉ ra mối liên hệ với các giá trị quyền con, chỉ đích danh tên quyền trong mối quan hệ với quyền của người lao động, mối liên hệ trong cơ chế bảo vệ quyền của người lao động với cơ chế bảo vệ quyền con người, trong xu thế của thời đại, sự đòi hỏi các tiêu chuẩn, yêu cầu về quyền con người.

Thực tế các sinh viên, học viên của Trường Đại học Công đoàn đã được tiếp cận, lĩnh hội các giá trị của quyền con người, không chỉ thông qua học phần chuyên biệt về quyền con người, mà qua nhiều học phần giảng dạy về Luật Lao động. Nhưng không chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, lý luận, mà người học còn ứng dụng vào thực tiễn thông qua các hoạt động ngoại khóa của sinh viên, khi đi đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài Trường để thực hành các kiến thức đã học, dưới sự hướng dẫn, định hướng của giảng viên – các sinh viên được kiểm nghiệm, kiểm chứng, thực hành các kiến thức và giá trị quyền con người trong thực tế. Các sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp ra trường, đảm nhận các vị trí công tác trong tổ chức công đoàn, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khác đã mang theo các giá trị quyền con người vào cuộc sống. Nhiều phản hồi tốt đẹp của nhà tuyển dụng đã dành cho người học từ Trường Đại học Công đoàn về kiến thức, tinh thần trách nhiệm với chuyên môn, biết tôn trọng, thực hiện, bảo vệ, thúc đẩy các giá trị quyền con người bằng kỹ năng, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần pháp quyền và vì con người.

2.3. Hạn chế

Thứ nhất, việc tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động chưa đồng đều, chưa thống nhất giữa các giảng viên giảng dạy kiến thức và các quy định của Luật Lao động[5]. Nguyên nhân của hạn chế này, theo tác giả, là do kinh nghiệm giảng dạy khác nhau, sự tiếp cận, tích lũy kiến thức chuyên môn với quyền con người của giảng viên trẻ tuổi và có kinh nghiệm là khác nhau. Một số giảng viên còn nặng về phân tích, giảng dạy nội hàm các quy định của Luật Lao động mà chưa xem nhẹ hướng tiếp cận quyền con người, có lẽ bởi bản thân Bộ Luật Lao động đồ sộ như vậy nhưng không sử dụng thuật ngữ quyền con người nào trong các điều luật, trong khi đó phạm vi các vấn đề của Luật Lao động là rộng và khá lớn; hoặc một số giảng viên chỉ giới thiệu ở mức rất khái quát về giá trị quyền con người cho người học, bởi cho rằng đó là nhiệm vụ của học phần chuyên biệt Lý luận và pháp luật về quyền con người. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chưa có Chương trình hành động rõ ràng về tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động và hay các kiến thức nói chung về lao động. Những tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt khoa học với chủ đề về tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động tại các Khoa, hoặc liên kết giữa các Khoa hầu như chưa được tổ chức[6].

Thứ hai, chưa có tài liệu chuyên biệt, các tài liệu đang được sử dụng để giảng dạy, học tập về Luật Lao động tại Trường Đại học Công đoàn hầu như chưa có phần, mục chuyên biệt nghiên cứu, phân tích về quyền con người của người lao động, về mối quan hệ giữa lao động, Luật Lao động với quyền con người. Cụ thể như giáo trình Pháp luật lao động tại Khoa Luật được biện soạn từ năm 2010, tái bản năm 2014 hiện nay chưa biên soạn tái bản lần 3 hay biên soạn mới để cập nhật, tiếp cận các giá trị về quyền con trong nó. Nhà trường hiện cũng chưa biên soạn được giáo trình chuyên biệt cho học phần Lý luận và pháp luật về quyền con người để xác lập, nhấn mạnh vấn đề quyền con người, quyền của người lao động và mối quan hệ giữa các quyền.

3. Một số phương hướng đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp cận con người trong giảng dạy Luật Lao động cho sinh viên Trường Đại học Công đoàn

Nhằm thực hiện tốt và hiệu quả hơn nữa việc tiếp cận các giá trị quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động tại Trường đại học Công đoàn thì Nhà trường và giảng viên cần triển khai một số phương hướng như sau:

Một là, Nhà trường nên nghiên cứu để sử dụng thuật ngữ quyền con người, giáo dục quyền con người, hướng tới các giá trị quyền con người, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trong mục tiêu chiến lược, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, tầm nhìn… của Nhà trường. Từ đó có chương trình, kế hoạch cụ thể về tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động thống nhất trong toàn Trường, tiến tới thống nhất được hành động tiếp cận quyền con người về mức độ, phạm vi, tần suất trong giảng dạy Luật Lao động, cũng như giảng dạy các môn học khác về lao động nói chung.

Hai là, lãnh đạo các khoa có giảng dạy về Luật Lao động cần triển khai nhiều các tọa đàm, hội thảo về quyền con người, giáo dục quyền con người ở cả trong nội bộ hoạt động của khoa và liên kết với các khoa khác. Từ đó lan tỏa, trao đổi rõ định hướng tiếp cận quyền con người trong giảng dạy Luật Lao động.

Ba là, Nhà trường cần tập trung biên soạn tái bản, biên soạn mới giáo trình, tài liệu giảng dạy về Luật Lao động mà có hàm chứa giá trị quyền con người trong đó, biên soạn giáo trình riêng biệt của Nhà trương về học phần Lý luận và pháp luật về quyền con người có nhấn mạnh, chú trọng tới vấn đề quyền con người của người lao động, trong quan hệ lao động./

TS. Nguyễn Thị Thanh

Khoa Luật – Trường Đại học Công đoàn


[3] Kết quả phỏng vấn một số giảng viên của Khoa Luật, Khoa Xã hội học, Khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Công đoàn, Hà Nội, ngày 08/8/2022.

[4] Chương trình đạo tạo gần đây nhất (năm 2014, năm 2019, năm 2021) của các Khoa Luật, Khoa Công tác xã hội, Khoa xã hội học, Khoa Quan hệ lao động, Khoa Quản trị nhân lực của Trường Đại học Công đoàn, website: http://dhcd.edu.vn/b/Tin-Khac/CHUONG-TRINH-DAO-TAO-LUAT.html

[5] Phỏng vấn giảng viên giảng dạy học phần Luật Lao động của Khoa Luật, và một số giảng viên giảng dạy học phần có kiến thức về Luật Lao động tại Khoa Công tác xã hội, Xã hội học và Quan hệ lao động.

[6] Phỏng vấn giảng lãnh đạo của các khoa: Khoa Luật, và một số giảng viên giảng dạy học phần có kiến thức về Luật Lao động tại Khoa Công tác xã hội, Xã hội học và Quan hệ lao động.