Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập quốc tế, các mối quan hệ xã hội cũng đang ngày càng đa dạng hơn. Điều này dẫn đến yêu cầu nhận thức xã hội phải được nâng cao và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về quy tắc ứng xử, về bảo vệ quyền lợi các bên trong các mối quan hệ, đặc biệt là vấn đề quyền con người. Đối với sinh viên ngành Luật nói chung và Luật Kinh tế nói riêng, tầm quan trọng của việc hiểu rõ và có ý thức tôn trọng quyền con người càng được nhấn mạnh. Bởi lẽ, đây chính là đội ngũ tư vấn, thực hành pháp luật trong tương lai, là một trong những lực lượng chính yếu thúc đẩy nâng cao nhận thức cộng đồng về tôn trọng quyền con người.

1. Quyền con người và Giáo dục quyền con người

1.1 Quyền con người

          Pháp luật quốc tế về Quyền con người được thể hiện qua nhiều văn kiện pháp lý, trong đó có thể kể đến loạt Công ước quan trọng của Liên hợp quốc về QCN:

  • Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948)
  • Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (1966)
  • Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966)
  • Công ước về việc ngăn cấm và trừng phạt tội diệt chủng (1948)
  • Công ước về chống tra tấn và trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục (1984)
  • Công ước quốc tế về việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (1965)
  • Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (1979)
  • Công ước về quyền trẻ em (1989)

Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc thì: ʺQuyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát (universal legal guarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements) và tự do cơ bản(fundamental freedoms) của con ngườiʺ[1]

Pháp luật Việt Nam cũng rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ QCN. Khoản 1 Điều 14  Hiến pháp 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp này đã dành hẳn 21 điều để quy định về QCN, thể hiện rõ mức độ quan tâm và đề cao thực hiện QCN khi lập pháp.

1.2 Giáo dục Quyền con người

Việc đẩy mạnh giảng dạy về QCN đã được đề cập trong chương trình hành động của Liên hiệp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Nghị quyết số 49/184 của Đại hội đồng ngày 23/12/ 1994, thông báo về Thập kỷ giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc HRE nêu rõ: “…Giáo dục quyền con người không chỉ đề cập tới quy định thông tin mà còn cần thiết lập một quá trình phát triển lâu dài toàn diện để mọi người ở mọi trình độ phát triển và ở mọi tầng lớp xã hội đều học hỏi cách tôn trọng nhân phẩm của người khác và các biện pháp và phương pháp bảo đảm sự tôn trọng đó trong mọi xã hội”.[2]

Như vậy, chúng ta tiếp cận QCN trong giảng dạy không chỉ đơn thuần là việc cung cấp các quy định pháp lý liên quan mà cần phải đan xen nội dung này trong suốt quá trình đào tạo. Đồng nghĩa với việc xây dựng môi trường giáo dục, rèn luyện hành vi, tư duy người học gắn kết với sự hiểu biết và thực hành tôn trọng QCN.

2. Tiếp cận giáo dục Quyền con người tại Đại học Hoa Sen (HSU)

Trường Đại học Hoa Sen xây dựng môi trường và các chương trình đào tạo với tinh thần “Giáo dục khai phóng” - triết lý giáo dục nhằm tạo ra những con người có tinh thần tự do, sử dụng quyền tự do một cách có trách nhiệm, độc lập trong suy nghĩ, chấp nhận sự đa dạng và khác biệt. Một trong những giá trị cốt lõi cho hoạt động đào tạo của nhà trường là tôn trọng sự khác biệt. “Duy nhất tại trường Đại học Hoa Sen, mọi rào cản đều bị phá bỏ. Các bạn sinh viên được Nhà trường tạo bệ phóng để tỏa sáng và cảm thấy hạnh phúc thông qua các trải nghiệm sôi nổi và đầy sáng tạo theo cách riêng của chính mình”[3].

Nhìn nhận ở khía cạnh QCN, triết lý trên chính là phương châm giáo dục thể hiện sự tôn trọng người học, tôn trọng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của từng cá thể trong môi trường học tập. Đồng thời, chính tinh thần đào tạo này cũng giúp sinh viên xây dựng được khả năng tự nhận thức và hành động để phát huy năng lực, bảo vệ quyền lợi của mình và tôn trọng quyền lợi của mọi người. Đấy có thể được xem là những nấc thang đầu tiên để dẫn lối người học thông hiểu và hiện thực hóa những lý luận về QCN vào cuộc sống.

3. Giáo dục QCN trong chương trình đào tạo sinh viên Luật Kinh tế của HSU

3.1 Sự cần thiết xây dựng nội dung QCN trong chương trình đào tạo

Như đã trình bày ở đầu bài viết, xã hội giàu mạnh thì phải đi đôi phát triển cả năng lực kinh tế và trình độ nhận thức của các chủ thể. Một trong những vấn đề cần nâng cao nhận thức chính là ý thức tôn trọng và bảo vệ QCN. Các cử nhân Luật là lực lượng sẽ góp phần mạnh mẽ tác động vào ý thức hệ của xã hội nên cần được trang bị kiến thức và tư duy đúng đắn về QCN ngay từ giảng đường.

Không chỉ biết về QCN để tuyên truyền một cách chung chung, sinh viên luật cần hiểu rõ quy định pháp lý và có ý thức chủ động thực hiện ngay trong quá trình học tập và hành nghề sau này. Có được nền tảng lý luận vững chắc về QCN sẽ giúp các em góp tiếng nói thuyết phục để bảo vệ công bằng xã hội, hành nghề trong tâm thế vững vàng tri thức và cân bằng lợi ích hợp pháp các bên. Ngược lại, nếu các em không biết hoặc nhận thức sai lệch về mảng quy định này thì có nguy cơ rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của những người có tương tác trực tiếp và lan truyền ra cả diện rộng trong xã hội. Với sinh viên ngành Luật Kinh tế thì vấn đề này càng cần lưu tâm. Bởi lẽ, trong nền kinh tế thị trường luôn có sự đối kháng nhất định về lợi ích giữa các thành phần kinh tế, có sự chênh lệch về vị thế và sức mạnh kinh tế giữa người thuê nhân công và người lao động… từ đó QCN có thể bị xem nhẹ nếu bên chiếm lợi thế đặt nặng lợi ích vật chất. Bối cảnh đó là nơi các cử nhân Luật Kinh tế cần có sự hiểu biết và cẩn trọng, các hành xử của bản thân cũng như hoạt động tư vấn pháp lý luôn có sự cân nhắc phù hợp đảm bảo QCN trong mọi hoàn cảnh.

Từ phương diện của người làm công tác giảng dạy, chúng ta kỳ vọng đào tạo được các cử nhân luật nhận thức được cả nguyên nhân, ý đồ lập pháp qua các quy định cụ thể về QCN. Có như vậy, tinh thần của các quy định mới được truyền tải và thực hiện một cách trọn vẹn, hiệu quả. Muốn đạt được kỳ vọng đó, việc quan tâm xây dựng phương pháp đào tạo và dành thời lượng để giáo dục QCN cho sinh viên là điều kiện tiên quyết cần thực hiện.

3.2 Thực trạng giáo dục QCN

          Sinh viên ngành Luật Kinh tế của HSU được tiếp xúc với lý thuyết QCN ngay từ năm đầu tiên. Hiện nay chương trình đào tạo không có môn học riêng về QCN nhưng sinh viên được tiếp cận với nội dung này thông qua các học phần: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Luật Hiến pháp, Công pháp quốc tế, Luật Lao động… Trong đó, bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh với những dẫn chứng và tuyên bố đanh thép thể hiện rõ quan điểm sâu sắc về QCN thường xuyên được nhắc nhớ, phân tích cho sinh viên.

          Riêng môn học Luật Hiến pháp, là môn học cung cấp kiến thức về văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của Việt Nam, luôn được giảng viên giới thiệu và nhấn mạnh các quy định về QCN. Tuy nhiên, thời lượng dành cho nội dung này có giới hạn nhất định nên chưa thể đi sâu phân tích hết tư tưởng lập pháp về QCN của pháp luật Việt Nam. Thay vào đó, các quy định mang tính chất triển khai QCN trong những văn bản luật và dưới luật tiếp tục được giảng viên lồng ghép giới thiệu trong các môn học khác xuyên suốt chương trình.

          Về phương pháp giảng dạy, sinh viên luôn được khuyến khích thể hiện quan điểm về quy định pháp luật, nghị luận các vấn đề xã hội… là cách để các em được sử dụng QCN trong học tập. Đồng thời, thông qua hình thức phản biện, giảng viên cũng hướng dẫn sinh viên nhận định rõ giới hạn của mỗi chủ thể để đảm bảo QCN của người khác, xây dựng xã hội văn minh và tôn trọng QCN của mọi thành phần. Song cũng cần nhìn nhận thực trạng phần lớn sinh viên chưa quan tâm tự nghiên cứu để mở rộng hiểu biết về QCN. Các em chỉ mới dừng lại ở việc hiểu và nhận thức về QCN thông qua bài học cụ thể và những gì giảng viên giới thiệu tại lớp học.

    1. Thuận lợi và khó khăn trong giáo dục QCN cho sinh viên Luật Kinh tế
      1. Thuận lợi

Thứ nhất, tại HSU sinh viên được thẩm thấu và hình thành cách sống, học tập tôn trọng QCN từ chính môi trường và phương pháp giáo dục dựa trên triết lý “Giáo dục khai phóng” và chọn “Tôn trọng khác biệt” làm giá trị cốt lõi. SV được xây dựng thói quen hành động, tư duy tôn trọng từng cá thể và có trách nhiệm với cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để việc giáo dục QCN trở nên thiết thực và dễ tiếp cận hơn đối với các em so với chỉ nghe và đọc các lý luận trên văn bản.

Thứ hai, tăng cường giáo dục QCN là hoạt động phù hợp và được ủng hộ tại HSU vì phù hợp với tầm nhìn HSU là trường đại học quốc tế theo hướng ứng dụng. Các chương trình đào tạo được xây dựng và cập nhật thường xuyên để ngày càng tiệm cận với xu hướng giáo dục của thế giới. Vì lẽ đó, trong thời đại QCN đang được nâng cao và tuyên truyền mạnh mẽ trên nhiều quốc gia và được thúc đẩy tại Việt Nam, nội dung này cũng được quan tâm cập nhật tại HSU.

Thứ ba, chương trình đào tạo ngành Luật Kinh tế HSU được thiết kế và triển khai theo định hướng ứng dụng cao, có sự lồng ghép lý thuyết vào các hoạt động thực hành giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ. Trong các giờ học giới thiệu về QCN, các tình huống thực tiễn cũng được thảo luận, phân tích để sinh viên tự đúc kết và hiểu rõ bản chất vấn đề, không máy móc thuộc lòng lý thuyết.

Thứ tư, HSU đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo. Đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và thực tế hoạt động pháp lý, có khả năng dẫn dắt kiến thức về QCN từ lý thuyết đến thực tiễn để truyền đạt cho sinh viên một cách sinh động.

Thứ năm, sinh viên luật có khả năng nắm bắt tốt các kiến thức về QCN, năng lực đọc hiểu và tư duy phân tích các quy định pháp luật là lợi thế của các em so với các ngành đào tạo khác. Ngoài ra, thực chất các kiến thức chuyên ngành, các quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực cũng chính là những mảnh ghép về QCN mà các em được đào tạo ở nhiều góc độ trong quá trình học.

      1. Khó khăn

Thứ nhất, do khối lượng kiến thức và kỹ năng cần truyền tải cho sinh viên luật khá lớn nên có giới hạn nhất định về thời lượng giáo dục QCN, ngành chưa xây dựng nội dung này thành môn học độc lập. Sinh viên chỉ được trang bị quy định cơ bản và một số diễn giải mở rộng thông qua các học phần khác nhau nên có ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận toàn diện về nội dung QCN.

Thứ hai, HSU đào tạo theo hệ thống tín chỉ, vì vậy một số kiến thức về QCN được truyền tải trong các môn học tự chọn có thể không đến được tất cả sinh viên luật. Vì vậy mức độ tiếp cận QCN về lý luận phụ thuộc vào mức độ quan tâm và sự lựa chọn học tập của sinh viên khi chọn đăng ký môn học.

Thứ ba, hiện nay chưa có giáo trình chính thống và đầy đủ về QCN để làm tài liệu giảng dạy và học tập. Điều này dẫn đến nội dung giảng dạy phụ thuộc vào nhận định của giảng viên, sinh viên cũng khó khăn trong việc hệ thống kiến thức. Để đẩy mạnh nội dung đào tạo này, giảng viên cần có thời gian và được đầu tư các điều kiện (nguồn tài liệu, hoạt động thực tế, khung nội dung, quan điểm thống nhất về QCN…) để xây dựng cơ sở học liệu hoàn chỉnh.

Thứ tư, sinh viên với tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống còn hạn chế nên việc liên hệ lý thuyết đến thực tiễn về QCN còn khá mơ hồ, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cần thiết của quyền này. Vì vậy việc giảng dạy QCN cũng mất nhiều thời lượng và có khó khăn nhất định.

    1.  Giải pháp để đẩy mạnh giáo dục QCN trong giảng dạy Luật Kinh tế tại HSU

Với định hướng đẩy mạnh giáo dục QCN cho sinh viên, từ thực trạng đào tạo với những thuận lợi và khó khăn nêu trên, ngành Luật Kinh tế HSU đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu cân nhắc thời lượng thích hợp để tách nội dung QCN thành môn học độc lập hoặc có quy định thời lượng cụ thể về QCN trong một số môn học, đặc biệt là môn Công pháp quốc tế, Tư pháp quốc tế và Luật Lao động. Giải pháp này ngoài việc tạo quỹ thời gian cho việc truyền tải quy định về QCN còn thể hiện tầm quan trọng của kiến thức đối với người dạy và học.

Thứ hai, tăng cường tổ chức sân chơi và hoạt động trải nghiệm cho sinh viên có gắn kết với nội dung QCN. Các hoạt động này có thể linh hoạt với nhiều hình thức để thu hút sự quan tâm và tham gia của sinh viên như cuộc thi hùng biện, thi tìm hiểu quy định pháp luật về QCN, tổ chức phiên tòa giả định có nội dung xét xử liên quan đến QCN… Thông qua đó, các em tự tìm tòi và thể hiện các kiến thức về QCN mà bản thân đã thẩm thấu được. Sinh viên thoát khỏi tâm lý bị bắt buộc dung nạp nội dung, áp lực học tập được chuyển thành cảm hứng thể hiện năng lực cá nhân.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động học thuật dành cho sinh viên về QCN như tổ chức các seminar, webinar về QCN, hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học với đề tài xoay quanh QCN. Giải pháp này góp phần giải quyết khó khăn về thời lượng đào tạo, đây cũng là một hình thức trang bị kiến thức mở rộng về QCN cho sinh viên ngoài các bài giảng trên lớp.

Thứ tư, tổ chức hội thảo chuyên môn về QCN để giảng viên có cơ hội cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn. Các buổi sinh hoạt này sẽ là nơi để thống nhất chủ trương, quan điểm giáo dục QCN và các nội dung đào tạo. Có vậy mới tránh được sự chồng chéo kiến thức hoặc mâu thuẫn nhận định khi truyền đạt nội dung QCN đến sinh viên.

Thứ năm, tăng cường hoạt động hợp tác với các đối tác là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư, các đơn vị quản lý nhà nước liên quan đến QCN để trao đổi thông tin, thu thập thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc. Lãnh đạo Khoa và nhà trường cũng có cơ chế phù hợp khuyến khích và thúc đẩy giảng viên chủ động tìm hiểu, thu thập thêm tài liệu và xây dựng bài giảng chặt chẽ, gắn kết lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục QCN.

          Tóm lại, giáo dục QCN đã được lồng ghép tại HSU thông qua môi trường học tập, đặc biệt với sinh viên ngành Luật Kinh tế thì đã được tiếp cận nội dung các quy định ở một số môn học. Tuy nhiên việc giáo dục này chưa được thiết lập thành môn học riêng cũng như chưa có quy định thời lượng rõ ràng trong các môn học liên quan. Với tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về QCN trong cơ sở giáo dục, việc truyền đạt cho sinh viên sẽ được quan tâm đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Để thực hiện được điều đó, cần có sự nhìn nhận khách quan, toàn diện về thực trạng giáo dục tại đơn vị và phối hợp hiệu quả các giải pháp. Với tôn chỉ ươm tạo tài năng, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho kinh tế, xã hội và cộng đồng, HSU nói chung và ngành Luật Kinh tế nói riêng đã, đang và sẽ lồng ghép nội dung QCN trong xây dựng môi trường giáo dục cũng như nội dung đào tạo chuyên ngành cho sinh viên.

ThS. Trần Ngọc Nhã Trân

Giảng viên Khoa Khoa học xã hội – Luật, Đại học Hoa Sen


[1] United Nations, Human Rights: Questions and Answers, New York and Geneva, 2006.

[2] Trích từ “Tìm hiểu về quyền con người – Tài liệu hướng dẫn về giáo dục quyền con người”, Wolfgang Benedek (tài liệu dịch), NXB Tư Pháp, 2008

[3] https://www.hoasen.edu.vn/ve-hsu/tam-nhin-su-menh-gia-tri-cot-loi/