Quyền con người là thành quả về giá trị pháp lý quan trọng, đánh dấu một bước phát triển trong lịch sử văn minh nhân loại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục quyền con người đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sinh viên các trường đại học, trong đó có Học viện An ninh Nhân dân. Giáo dục quyền con người đưa vào chương trình giảng dạy tại Học viện giúp sinh viên có ý thức tự bảo vệ quyền của bản thân, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Quyền con người (hay nhân quyền) là sự đòi hỏi tất cả mọi thành viên của xã hội, không loại trừ bất cứ ai, đều có quyền và nghĩa vụ tôn trọng sự tự do của mọi người. Liên Hợp quốc là tổ chức ngay từ khi mới thành lập đã khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền con người: “phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh, gây cho nhân loại đau thương không kể xiết… cần phải thực sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng ở các nước lớn và nước nhỏ”[1]. Theo Liên Hợp quốc, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự cho phép và quyền tự do cơ bản của con người. Hiện nay, vấn đề đói nghèo, tôn giáo, tình trạng kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, thi hành chính sách cực đoan, chống lại những giá trị cơ bản về quyền con người… vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Quyền con người vì thế vẫn là mơ ước, là khao khát mãnh liệt, mục tiêu của toàn nhân loại.
Giáo dục quyền con người là một cách thức để xây dựng và đẩy mạnh kiến thức về quyền con người, thiết lập thái độ và kỹ năng cần thiết để thực hiện quyền con người, từ đó nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa các hành vi vi phạm và giúp người thụ hưởng biết cách tự bảo vệ các quyền và tự do của bản thân và của người khác. Lực lượng Công an nhân dân với chức năng là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi sinh viên các trường Công an nhân dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải nhận thức đầy đủ, quán triệt nghiêm túc vai trò và nâng cao trách nhiệm học tập quyền con người để trang bị cho bản thân kỹ năng thực hiện tốt hoạt động ngăn ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm, giúp các chủ thể thu hưởng quyền lợi của họ theo quy định pháp luật.
1. Tầm quan trọng của việc tiếp cận quyền con người trong chương trình giảng dạy cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân
Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam luôn thấm thía về những giá trị của độc lập, tự do, được đảm bảo về quyền con người. Quyền con người được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng, được thể hiện ngay từ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp 2013 có nhiều đổi mới và chế định đầy đủ về quyền con người. So với hiến pháp của nhiều quốc gia, Hiến pháp năm 2013 của nước ta thuộc vào những hiến pháp ghi nhận một số lượng cao về quyền con người. Trong các bản hiến pháp trước đây, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992, nội hàm của quyền con người chỉ dừng lại ở khái niệm chủ thể là “công dân”, chứ không phải là “mọi người”. Trong Hiến pháp năm 2013, các chủ thể quyền được mở rộng, không chỉ là “công dân”, mà còn là “mọi người”, “tổ chức” hay nhóm xã hội và cộng đồng, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, thanh niên, người cao tuổi).
Hiến pháp đã dành 36 điều ở Chương II trên tổng số 120 điều của Hiến pháp cho việc chế định trực tiếp các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, dành một số điều chế định sự bảo hộ hay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản hợp pháp, sử dụng đất, lao động và việc làm (Điều 51, 54, 57). Việc sắp xếp quyền con người phù hợp với việc sắp xếp các nhóm quyền của luật nhân quyền quốc tế là quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa[2].
Quyền con người được quy định bao gồm: bình đẳng trước pháp luật; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bảo vệ đời tư; tiếp cận thông tin; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; bình đẳng giới; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; được xét xử công bằng, công khai; bảo đảm an sinh xã hội; quyền việc làm;...
Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của việc hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người của các cá nhân ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Giáo dục quyền con người đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục ở nhiều quốc gia, tất nhiên vẫn có sự khác nhau về phạm vi, mức độ và cách thức thực hiện. Chính vì thế, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, nhìn nhận được tầm quan trọng của việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 phê duyệt Đề án đưa nội dung giáo dục quyền con người vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân[3]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra Thông báo Kết luận số 46-TB/TW ngày 06/02/2018 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới, nhiệm vụ giáo dục quyền con người lại được tăng cường thêm một bước. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó đưa ra yêu cầu quan trọng là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục quyền con người cho thấy sự quan tâm đặc biệt và đánh giá ngày càng cao về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
Giáo dục quyền con người ở Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ sinh viên, trong đó có sinh viên Học viện An ninh Nhân dân. Việc nâng cao nhận thức của sinh viên Học viện là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc và tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, trong khi các thông tin trên mạng xã hội hết sức đa chiều, có chứa thông tin xấu, độc, không chính xác đang ngày càng phổ biến, gây nhiễu cho người dân. Giáo dục quyền con người cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân giúp hình thành nhận thức đúng đắn về quyền con người, củng cố niềm tin của sinh viên với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sinh viên cần hình thành nhãn quan chính trị vững vàng, trách nhiệm bảo đảm quyền con người, kiên quyết đấu tranh với những hoạt động lợi dụng chiêu bài về tự do tôn giáo, nhân quyền của các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, chống phá quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần định hướng cho người dân nắm bắt được đầy đủ về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nhằm đem lại quyền lợi xứng đáng cho nhân dân.
2. Thực trạng giáo dục quyền con người cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân đã bám sát Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc về tiếp cận quyền con người trong chương trình giảng dạy cho sinh viên Học viện. Các môn học trong chương trình đào tạo cơ bản được cập nhật nội dung về quyền con người. Ở Học viện An ninh Nhân dân, nội dung quyền con người đã được đưa vào chương trình giảng dạy gắn với ba nhóm kiến thức: nhóm kiến thức giáo dục chính trị, tư tưởng về quyền con người; nhóm kiến thức pháp luật về quyền con người; Nhóm kiến thức nghiệp vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, chống phá hoại tư tưởng về bảo vệ quyền con người. Đây là những vấn đề được xác định hết sức cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và bảo vệ quyền con người của lực lượng Công an nhân dân. Tại Học viện, tiếp cận quyền con người chưa phải là một môn học độc lập, nhưng được giảng dạy thông qua một số môn học thuộc hệ đào tạo chính quy, chú trọng tới nội dung các báo cáo thực tế môn học với nhiều báo cáo chuyên sâu về quyền con người và đảm bảo quyền con người trong đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân.
Sinh viên Học viện An ninh Nhân dân được học nguồn gốc, bản chất và tính chất của quyền con người, quyền công dân; nội hàm của các quyền con người được quy định trong công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và công ước quốc tế khác; các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội; quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền con người... Sinh viên được chú trọng đào tạo với định hướng theo 03 nhóm kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, hướng đến mục tiêu trở thành cán bộ, chiến sỹ Công an thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người và đấu tranh chống lợi dụng, xâm phạm quyền con người, góp phần xây dựng đất nước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Với đòi hỏi khắt khe phải nắm chắc và tuân thủ theo pháp luật, sinh viên Học viện An ninh Nhân dân còn phải chấp hành nghiêm Điều lệnh, quy định của Bộ, ngành và Học viện An ninh Nhân dân. Nhờ vậy, quá trình giáo dục quyền con người trong sinh viên Học viện đảm bảo tính tập trung, thống nhất.
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên trong Học viện được quán triệt, thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm phục vụ công tác giảng dạy với những nội dung liên quan đến quyền con người.
Tổ chức các hoạt động bổ trợ học tập cho sinh viên như câu lạc bộ học tập, xêmina, thảo luận chuyên đề, tham quan thực tế, tổ chức các khóa đi thực tập tốt nghiệp, thực tế chính trị - xã hội tại Công an các đơn vị, địa phương tổ chức các Hội thi học tốt theo hình thứ sân khấu hóa với khí thế thi đua sôi nổi, qua đó lồng ghép các nội dung phổ biến pháp luật về quyền con người và bảo đảm quyền con người gắn với nhiệm vụ thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh chống xâm phạm quyền con người...
Tổ chức, hướng dẫn cho sinh viên tích cực tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, thi viết chuyên đề, thi Olympic và các cuộc thi tìm hiểu. Phong trào “Sinh viên nghiên cứu khoa học” được tổ chức phát động trong 100% sinh viên toàn Học viện, có sự đổi mới thường xuyên về hướng triển khai, phương pháp tổ chức và cách thức đánh giá[4]. Trong các chủ đề gợi mở cho sinh viên, phòng Quản lý nghiên cứu khoa học có nhiều hướng tiếp cận quyền con người, tạo điều kiện khuyến khích cho sinh viên thực hiện các đề tài mang tính lý luận về quyền con người; quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người của Việt Nam; Nâng cao hiệu quả giáo dục về quyền con người cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân…
Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Học viện An ninh Nhân dân đã xây dựng và thường xuyên duy trì, củng cố hoạt động của các câu lạc bộ, kênh truyền thông để thực hiện công tác giáo dục sinh viên Học viện. Câu lạc bộ Nội san Dưới cờ truyền thống tích cực biên tập và xuất bản đều đặn hàng tháng. Câu lạc bộ Truyền thanh phát các bản tin trên hệ thống loa truyền thanh (tần suất 02 bản tin/1 tuần). Câu lạc bộ Truyền thông và truyền hình C500 đồng hành cùng Đoàn thanh niên, xuất bản gần 200 bộ phim, phóng sự, đưa gần 3.500 bản tin trên các trang báo điện tử, website và fanpage của Đoàn Thanh niên Học viện[5]. Với nhiều thông tin hữu ích về hoạt động của sinh viên, đoàn viên góp phần xây dựng Học viện, tham gia các hoạt động hỗ trợ xã hội và nhất là những thành quả đáng ghi nhận về tuyên truyền đối với quyền con người và trách nhiệm bảo đảm quyền con người, phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái về việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, các câu lạc bộ, kênh truyền thông trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của sinh viên Học viện An ninh Nhân dân, định hướng sinh viên nắm bắt về quyền con người hết sức sống động.
Tuy nhiên, hiện nay việc giáo dục quyền con người ở Học viện còn tồn tại những hạn chế. Trong chương trình đào tạo bắt buộc không có môn học độc lập về quyền con người để giảng dạy cho sinh viên. Chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy về quyền con người vẫn chưa cao, còn mang tính hình thức, chưa thực sự cung cấp những thông tin đầy đủ, cần thiết đáp ứng nhu cầu nhận thức của sinh viên Học viện An ninh Nhân dân. Vẫn có sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên đảm nhiệm vấn đề quyền con người, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Thiếu thốn nguồn tài liệu tham khảo về quyền con người và đảm bảo quyền con người, trong khi đó, việc biên soạn tài liệu, giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo về quyền con người của Học viện còn chậm.
Trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, nội dung quyền con người thường được tiếp cận theo góc độ hẹp là quyền cơ bản của công dân, khi giảng dạy, các giảng viên thường tiếp cận thuần túy ở nội dung khoa học của môn học, ít tiếp cận ở góc độ quyền con người. Vẫn có tình trạng e ngại, né tránh vấn đề quyền con người khi nghiên cứu, giảng dạy, vì thế tiếp cận quyền con người chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức, số lượng sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình phục vụ giảng dạy quyền con người trong Học viện còn hết sức hạn chế.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân về quyền con người trong bối cảnh hiện nay
Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ra sức lợi dụng vấn đề nhân quyền hòng vu khống, xuyên tạc rằng Việt Nam không bảo đảm quyền con người, từ đó kích động gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp cách mạng, gây mất ổn định an ninh, trật tự. Để nâng cao hiệu quả việc giảng dạy về quyền con người cho sinh viên Học viện An ninh Nhân dân trong tình hình mới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò giáo dục quyền con người cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên Học viện An ninh Nhân dân trong chương trình đào tạo, coi đó là một yêu cầu tất yếu khách quan đối với việc dạy và học, giúp sinh viên có định hướng, hiểu được quyền và nghĩa vụ của bản thân, sự tự hào và tôn trọng giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, sự bình đẳng trong quan hệ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hai là, giảng viên Học viện cần hoàn chỉnh khối kiến thức và sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, xây dựng bài giảng hiện đại, hấp dẫn; đưa nhiều ví dụ minh họa thực tiễn vào bài học; sử dụng tình huống thực tế, phân tích tình huống để tăng thêm tính hiệu quả cho việc giảng dạy, bởi nội dung về quyền con người mang nặng tính hàn lâm, khối lượng kiến thức lý luận to lớn, bao gồm hệ thống nhiều văn bản pháp luật quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quyền con người. Cần thường xuyên cho sinh viên tham gia trao đổi, thảo luận về quyền con người trên lớp, làm bài tập theo nhóm, cho sinh viên đóng vai để giải quyết bài tập. Tổ chức các buổi hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn… về chủ đề chia sẻ kinh nghiệm, thông tin trong giáo dục quyền con người ở các trường đại học, giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc, lãnh đạo các phòng ban, khoa giảng dạy và sinh viên tiếp nhận, bổ sung, cập nhật kiến thức mới về quyền con người được dễ dàng, thường xuyên. Khuyến khích sinh viên thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành, từ đó lồng ghép việc học tập, sinh hoạt chủ đề môn học theo hàng tuần, hàng tháng, cùng thảo luận những vấn đề còn vướng mắc khi tiếp cận quyền con người trong chương trình học tập.
Ba là, chú trọng việc đưa nội dung quyền con người khi biên soạn giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo, tài liệu giáo dục cho sinh viên trên cơ sở gắn kết vấn đề quyền con người với bảo vệ quyền con người trong bối cảnh quốc tế tương đối phức tạp hiện nay.
Bốn là, nên đưa chương trình giáo dục quyền con người vào chương trình giáo dục đại học ở tất cả các ngành học, các môn học để vừa đảm bảo tính thống nhất liên thông các chương trình, đảm bảo sự thường xuyên, liên tục củng cố và trang bị cho sinh viên khối lượng kiến thức đủ để khi ra trường vận dụng tốt vào công tác thực tiễn đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cần sự quyết tâm về chính trị trong tiếp nhận và đổi mới chương trình đào tạo cử nhân và về quyền con người. Phối hợp với đội ngũ lãnh đạo, các nhà khoa học, giảng viên và các đơn vị chức năng thuộc Ban Điều hành Đề án giáo dục quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án. Phải sớm đưa môn học quyền con người và bảo đảm quyền con người là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo chính quy để sinh viên có cái nhìn hệ thống, toàn diện về vấn đề này. Trong nội dung chương trình môn học về quyền con người, cần tổng quát lịch sử quan niệm về quyền con người, nhất là những quan niệm về quyền con người đương đại của các quốc gia trên thế giới; nhìn nhận lý luận chung về quyền con người; hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người; Vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay và nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về tự do ngôn luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam.
Năm là, đào tạo đội ngũ giảng viên cốt cán có chuyên môn sâu về quyền con người. Đây là điều kiện quan trọng để đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy trong chương trình đào tạo sinh viên. Trước hết là đào tạo giảng viên từ đội ngũ giảng viên đang giảng dạy các môn học có liên quan trực tiếp tới quyền con người, từ đó đào tạo thành giảng viên đảm nhiệm cả môn học về quyền con người chứ không phải là giảng viên tạm thời hay kiêm nhiệm. Các giảng viên này phải được đào tạo bài bản ở những cơ sở đào tạo chuyên sâu về quyền con người. Thường xuyên tổ chức tập huấn để cập nhật kiến thức mới và tình hình thực hiện đảm bảo quyền con người cho giảng viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý.
Sáu là, gắn với việc học tập về quyền con người, cần khuyến khích sinh viên tham gia viết bài thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền con người. Hỗ trợ sinh viên góp ý xây dựng các chuyên mục, chương trình thường xuyên, liên tục và rộng khắp cho hoạt động này./.
TS. Nguyễn Đức Hà - Học viện An ninh nhân dân
TS Mai Diệu Anh - Học viện An ninh nhân dân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội
2. Học viện An ninh Nhân dân (2021), Kỷ yếu Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua học tập - rèn luyện tốt trong học viên Học viện An ninh Nhân dân giai đoạn 2019-2021, Hà Nội.
3. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
4. Đỗ Thị Ngọc Lan (2018), Vai trò và trách nhiệm bảo đảm quyền con người trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Công an nhân dân, https://tapchitoaan.vn/vai-tro-va-trach-nhiem-bao-dam-quyen-con-nguoi-trong-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-cua-cong-an-nhan-dan cập nhật ngày 28/07/2018
5. Phạm Thị Hồng Nghĩa – Trần Thị Việt Hà, Vai trò của cơ sở pháp lý trong đối thoại và đấu tranh về quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự của lực lượng Công an nhân dân, Tạp chí Khoa học và Giáo dục An ninh, số 05/2022
6. Nguyễn Thị Hồng Yến, Mạc Thị Hoài Thương (2022), Quan điểm của Liên Hợp quốc và Việt Nam với vấn đề giáo dục quyền con người, Tạp chí Nhân quyền, số 6/2022
[1] Nguyễn Thị Hồng Yến, Mạc Thị Hoài Thương (2022), Quan điểm của Liên Hợp quốc và Việt Nam với vấn đề giáo dục quyền con người, Tạp chí Nhân quyền, số 6/2022, tr44,45
[2] Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
[3] Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/09/2017 Phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân
[4] Học viện An ninh Nhân dân (2021), Kỷ yếu Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua học tập - rèn luyện tốt trong học viên Học viện An ninh Nhân dân giai đoạn 2019-2021, Hà Nội, tr13.
[5] Học viện An ninh Nhân dân (2021), Kỷ yếu Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua học tập - rèn luyện tốt trong học viên Học viện An ninh Nhân dân giai đoạn 2019-2021, Hà Nội, tr84.