Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách là một xu hướng tích cực trên thế giới hiện nay, đã và đang được vận dụng một cách linh hoạt trong hoạt động thực tiễn thường nhật. Lợi ích lớn nhất của vận dụng cách tiếp cận này trong hoạch định chính sách là góp phần bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đồng thời nâng cao chất lượng của chính sách và hiệu quả của thực thi chính sách. Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách trên thế giới, qua đó rút ra một số giá trị tham khảo trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

1. Nhận thức chung về tiếp cận dựa trên quyền con người
Quyền con người là một trong những giá trị chung của nhân loại, thể hiện tư tưởng nhân văn và cao quý trong sự tôn trọng con người và phẩm giá con người. Quyền con người không chỉ là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại nhằm giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bất công, mà đó còn là khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc, hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và thực sự vì con người. Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng là sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức quốc tế có quy mô lớn nhất thế giới, được ghi nhận trong Hiến chương của tổ chức này. Từ khi thành lập đến nay, LHQ không ngừng thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu, bảo vệ quyền con người của các chủ thể quyền (đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương), đồng thời nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền (đặc biệt là các nhà nước). Trong số những sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền con người của LHQ trong nỗ lực cải tổ tổ chức này, ý tưởng về tiếp cận dựa trên quyền con người do Tổng thư ký LHQ đưa ra vào cuối những năm 1990 được đánh giá là mang lại nhiều ý nghĩa tích cực và lâu dài cho cộng đồng quốc tế.
Ý tưởng ban đầu về tiếp cận dựa trên quyền con người trước hết hướng đến việc lồng ghép nội dung quyền con người vào trong các chương trình, chính sách phát triển của LHQ và kêu gọi sự hưởng ứng, tham gia của tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc hệ thống LHQ. Sau đó, qua những đóng góp đáng kể mang tính chuyên môn tại một số hội nghị, hội thảo quốc tế về quyền con người do LHQ tổ chức, tiếp cận dựa trên quyền con người đã dần trở thành một khung lý thuyết với nội dung ngày càng hoàn thiện và được vận dụng linh hoạt trên thực tiễn, không chỉ trong khuôn khổ hệ thống LHQ mà còn mở rộng sang các nhóm chủ thể khác, nhất là các quốc gia thành viên của LHQ. Hiện nay, về mặt lý thuyết, tiếp cận dựa trên quyền con người được hiểu là “khung khái niệm đối với quá trình phát triển con người dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người”1. Theo đó, quyền con người được sử dụng như một tiêu chí, một chỉ số, một căn cứ mà dựa trên đó, chính sách được hoạch định, đồng thời quyền con người cũng được dùng làm thước đo đánh giá hiệu quả và tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiếp cận dựa trên quyền con người được thực hiện nhằm đáp ứng các quyền cơ bản của con người, đảm bảo các nền tảng ổn định cho sự phát triển con người dựa trên những chuẩn mực quốc tế về quyền con người, do đó mang tính đạo đức, nhân văn, bình đẳng và công bằng xã hội. Hơn nữa, cách tiếp cận này còn giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ thể quyền (rights holder) và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền (duty bearer). Nói cách khác, tiếp cận dựa trên quyền con người khẳng định các quyền, lợi ích và tự do vốn có của các chủ thể quyền, cũng như xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý tương ứng của các chủ thể có nghĩa vụ. Trong đó, đáng lưu ý là việc bảo đảm sự tham gia của chủ thể quyền trong quá trình hoạch định chính sách, bảo đảm tiếng nói và nguyện vọng của họ được các nhà hoạch định chính sách lắng nghe và lưu tâm đúng mức. Song song với đó, phải bảo đảm trách nhiệm giải trình của các chủ thể có nghĩa vụ, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong suốt quá trình hoạch định chính sách, giảm thiểu “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, giảm nguy cơ xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Như vậy, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt là trong hoạch định chính sách xã hội, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền của các nhóm yếu thế nói riêng, vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những chính sách xã hội được xây dựng trên cơ sở vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người sẽ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân, mà còn bảo đảm tính khả thi, dễ vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ở mức cao nhất có thể. Vì lẽ đó, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách đã và đang trở thành một xu thế tích cực trên thế giới, được nhiều nhiều quốc gia lựa chọn như một phương thức hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, mang lại sự phồn vinh cho xã hội và hạnh phúc cho mỗi người dân.
2. Thực tiễn vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách trên thế giới
Tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách nói chung được vận dụng bởi nhiều chủ thể khác nhau trên thế giới, từ cấp độ quốc gia tới khu vực và quốc tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của chính sách, thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Trong thời gian qua, một số chủ thể đã đạt được những kết quả tích cực khi vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách, với những kinh nghiệm thực tiễn đáng lưu ý.
a) Kinh nghiệm của một số tổ chức quốc tế
- Kinh nghiệm của Liên hợp quốc: LHQ là tổ chức quốc tế khởi xướng và đi đầu trong việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách phát triển. Tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống LHQ đã tích cực lồng ghép nội dung quyền con người trong các chương trình, dự án, chính sách, đặt con người ở vị trí trung tâm cũng như lấy quyền con người là tiêu chí, thước đo quan trọng cho hoạt động xây dựng chương trình, hoạch định chính sách của mình. Trong đó, nổi bật là các cơ quan, tổ chức như UNDP (Chương trình phát triển LHQ), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ), WHO (Tổ chức Y tế thế giới), UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ), UNFPA (Quỹ Dân số LHQ), ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ), v.v.. Mỗi cơ quan trong số này đều chú trọng đến khía cạnh quyền con người trong các hoạt động chuyên môn thường nhật, hướng tới việc bảo đảm tốt nhất quyền con người của các nhóm chủ thể quyền cụ thể trong từng lĩnh vực cụ thể. Có thể nói, các cơ quan, tổ chức này của LHQ có địa bàn hoạt động trải rộng khắp thế giới và có tầm ảnh hưởng toàn cầu, do đó việc dụng tiếp cận dựa trên quyền con người không chỉ phát huy hiệu quả trong nội bộ cơ quan, tổ chức mà còn tác động sâu rộng trên toàn cầu. 
Trong hoạt động cụ thể, đặc biệt là hoạt động hợp tác và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, các cơ quan chuyên môn nói trên của LHQ thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn kiến thức cũng như kỹ năng về quyền con người cho đội ngũ nhân viên và cho các đối tác của họ. Điều này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia về tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền con người thông qua các dự án, chương trình, chính sách có quy mô quốc tế, mà còn là biện pháp hiệu quả nhằm xây dựng năng lực hoặc bù đắp sự thiếu hụt năng lực cho các chủ thể có liên quan.
Một trong những kinh nghiệm nổi bật nhất của LHQ trong vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người là việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số quyền con người (Human Rights Indicators). Chỉ số quyền con người là những thông tin cụ thể được sử dụng để đánh giá và giám sát hiệu quả của việc thực thi quyền con người. Liên hợp quốc sử dụng các cặp chỉ số như chỉ số định tính và chỉ định lượng, chỉ số kết quả và chỉ số quá trình, chỉ số khách quan và chỉ số chủ quan, v.v.. để đánh giá hiệu quả các chính sách của chính phủ các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm quyền con người cũng như mức độ thụ hưởng quyền trên thực tế của người dân, đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương2. 
Các chỉ số quyền con người được xem là những thước đo tương đối chính xác, có căn cứ khoa học, dựa trên số liệu đáng tin cậy để đo lường quyền con người và đo lường hiệu quả thực thi quyền con người. Việc xây dựng và áp dụng một cách hiệu quả các chỉ số quyền con người góp phần nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về nội dung chính sách được ban hành, tạo sự đồng thuận cho việc thực thi chính sách trên thực tế. Hơn nữa, việc áp dụng các chỉ số quyền con người một cách đúng đắn còn mang lại công cụ quyền lực để thiết lập chế độ công khai, minh bạch và văn hóa trách nhiệm giải trình trong hoạch định chính sách cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Nói cách khác, các chỉ số quyền con người là những thành tố bổ trợ quan trọng của tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách.
- Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU): EU là tổ chức quốc tế cấp khu vực có nhiều kinh nghiệm trong vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách nói chung và hoạch định chính sách hợp tác phát triển nói riêng. Là một trong những nhà tài trợ quốc tế hàng đầu thế giới, EU tích cực hỗ trợ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong hoạt động nội bộ của mình cũng như trong quan hệ với các đối tác, với tư cách là một tổ chức quốc tế, EU luôn coi trọng tiếp cận dựa trên quyền con người và xem đó như là nguyên tắc hoạt động có tính chất nền tảng, xuyên suốt. Liên minh châu Âu không chỉ đặt ra yêu cầu thực hiện tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chương trình, chính sách của nội bộ tổ chức, mà còn đòi hỏi các đối tác phải vận dụng những nguyên tắc cốt lõi của tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Khi vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chương trình, chính sách và dự án phát triển, EU chú trọng đến việc tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: không gây tổn hại đến quyền con người (Do No Harm) và tối đa hóa các tác động tích cực của quyền con người (Do Maximum Good)3. Theo đó, việc hoạch định chính sách cũng như các chương trình, dự án phát triển của EU phải bảo đảm không gây rủi ro cho những người có liên quan, nhất là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đồng thời định hướng các kết quả của chương trình, dự án, chính sách phát triển vào việc thúc đẩy quyền con người nói chung, trao quyền cho người dân và nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các thiết chế nhà nước.
b) Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ về việc lồng ghép nội dung quyền con người vào các hoạt động thực tế  và học hỏi kinh nghiệm từ chính các cơ quan, tổ chức của LHQ, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền con người.
- Kinh nghiệm của Brazil: Hiến pháp năm 1998 của Brazil ghi nhận một loạt các quyền con người thuộc nhóm quyền xã hội (social rights) cũng như các tiêu chuẩn bảo trợ xã hội đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương (đặc biệt là trẻ em). Hiến pháp Brazil cũng chứa đựng nhiều quy định quan trọng về xây dựng và vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người đối với việc hoạch định các chính sách bảo trợ xã hội như quyền được tham gia của công chúng vào việc hình thành chính sách, quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của chính quyền tất cả các cấp (Điều 204), quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền tiếp cận thông tin, v.v.. Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc hiến định này về quyền con người, Brazil từng bước xây dựng các khung pháp lý và thể chế cho việc bảo trợ xã hội toàn diện, trong đó đáng chú ý là việc thông qua Luật Trợ giúp xã hội năm 1993 và thiết lập một loạt các thiết chế nhằm hỗ trợ và điều phối các chương trình xã hội, bao gồm cả việc thiết lập Bộ Phát triển xã hội và chống đói vào năm 20044.
- Kinh nghiệm của Áo: Cộng hòa Áo có một hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội tương đối toàn diện với các chương trình bảo trợ xã hội dựa trên việc đóng góp (contributory) hoặc không đóng góp (non-controbutory). Hệ thống này phù hợp với nhiều nguyên tắc được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế và khu vực về quyền con người. Chính quyền Áo coi chính sách xã hội là một công cụ then chốt trong nỗ lực cải thiện cơ hội cho mọi người trong cuộc sống, giảm thiểu rủi ro và quản lý khủng hoảng. Theo quy định của pháp luật Áo hiện nay, một tỷ lệ đáng kể GDP - khoảng từ 28-31% - được sử dụng cho các hoạt động về bảo trợ xã hội, bao gồm cả hoạt động hoạch định chính sách liên quan đến bảo trợ xã hội trên phạm vi toàn quốc5.
Vận dụng tiếp cận dựa trên quyền trong hoạch định chính sách, Áo đã thiết kế hệ thống bảo trợ xã hội thành hai cấp, trong đó, bảo hiểm xã hội chi trả cho tất cả những người lao động (và những người phụ thuộc) trong các trường hợp ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp, hưu trí và các khoản trợ cấp thai sản khác. Hệ thống phúc lợi được thiết lập hướng đến việc bảo vệ các chủ thể quyền - những người không tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Các chương trình phúc lợi do các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương điều hành và quản lý. Bên cạnh đó, nhà nước còn triển khai các chương trình bảo trợ xã hội phổ cập, trong đó bao gồm chế độ miễn thuế cho trẻ em, trợ cấp cho trẻ em và các hệ thống đền bù xã hội cho các nạn nhân của chiến tranh và tội phạm cũng như các cựu chiến binh. Các dịch vụ xã hội khác trong khuôn khổ hệ thống bảo trợ xã hội của Áo bao gồm: hỗ trợ nhà ở cho người già, trại dưỡng lão, hệ thống tạo việc làm cho bộ phận dân cư có nhu cầu đặc biệt (như người khuyết tật). 
- Kinh nghiệm của một số nước Bắc Âu (Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch): Các quốc gia Bắc Âu luôn có thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng thế giới về các chỉ số phát triển con người (như HDI) và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia này cũng đi tiên phong trong việc vận dụng tiếp cận quyền con người trong hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại. Quyền con người thường được đặt ở vị trí trung tâm trong hoạch định chính sách của các quốc gia Bắc Âu6 và là nền tảng cho hoạt động của chính quyền nhà nước tại các quốc gia này. 
Việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách được các quốc gia Bắc Âu thực hiện nhất quán trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó nổi bật là lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Việc hoạch định chính sách trong các lĩnh vực này đều ưu tiên bảo đảm các quyền con người theo những chuẩn mực quốc tế, bảo đảm hiện thực hóa các quyền con người một cách cụ thể và hiệu quả.
Một trong những điểm nổi bật nhất trong cách thức vận dụng tiếp cận dựa trên quyền trong hoạch định chính sách của các nước Bắc Âu là dành sự quan tâm đặc biệt tới các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và cộng đồng LGBTIQ+. Hầu hết các nước Bắc Âu đều xây dựng những đạo luật chuyên biệt về bình đẳng và chống kỳ thị, phân biệt đối xử, thiết lập những bảo đảm pháp lý cần thiết và trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương (một trong những thành tố cốt lõi của tiếp cận dựa trên quyền con người) để họ có được các cơ hội bình đẳng nhằm phát huy khả năng của mình, đóng góp cho xã hội. Thụy Điển có Luật Chống phân biệt đối xử năm 2008, Na Uy thông qua Luật Bình đẳng và chống phân biệt đối xử năm 2018, đặc biệt Đan Mạch còn xây dựng cả một hệ thống các đạo luật về bình đẳng và chống phân biệt đối xử. Chẳng hạn, Luật Bình đẳng giới năm 2000, Luật Đối xử bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận việc làm năm 1998 (sửa đổi bổ sung năm 2018), Luật Cấm phân biệt đối xử trên thị trường lao động năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Đối xử bình đẳng về sắc tộc năm 2003, Luật Cấm phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc chủng tộc, màu da, dân tộc hoặc sắc tộc, tín ngưỡng, hoặc khuynh hướng tình dục năm 1971, Luật Cấm phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)7, v.v..
Những đạo luật có ý nghĩa nhân văn nói trên một mặt thiết lập khuôn khổ pháp lý minh bạch về bình đẳng và chống phân biệt đối xử, tạo thuận lợi cho các chủ thể quyền (right holder) hưởng thụ các quyền của mình, nâng cao nhận thức của xã hội về một chủ đề rất quan trọng trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người tại các quốc gia Bắc Âu. Mặt khác, các đạo luật đó còn góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước tại các nước này - các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền (duty bearer) - trong việc tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc luật định về bình đẳng và chống phân biệt đối xử trong quá trình hoạch định chính sách liên quan đến các nhóm yếu thế trong xã hội.
Trong quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong dự án hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển trên thế giới, với tư cách là nhà tài trợ, các quốc gia Bắc Âu cũng đặt ra yêu cầu đối với các đối tác trong việc áp dụng các nguyên tắc của tiếp cận dựa trên quyền con người khi xây dựng chương trình, dự án, chính sách có liên quan, trong đó nhấn mạnh đến việc trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương và nâng cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch của các chủ thể có liên quan. Qua đó, các quốc gia Bắc Âu góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa quyền con người, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như thúc đẩy các giá trị phổ quát về quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
- Kinh nghiệm của Hàn Quốc: Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á, Hàn Quốc không chỉ đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, mà còn thu hút những kết quả tích cực, đáng chú ý trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó có việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách. Trong những năm qua, Hàn Quốc đã ban hành nhiều chiến lược và chính sách nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. 
Một trong những thành tựu đáng kể của Hàn Quốc là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quốc hội Hàn Quốc đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng như Luật Công bố thông tin, Luật Công vụ, Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, Luật Chống tham nhũng, Luật Đạo đức công chức, Luật Kiểm toán và thanh tra, Luật về Lương và điều kiện xã hội8, v.v. nhằm minh bạch hóa hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Nhờ đó, người dân có thể tham gia đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ quan nhà nước, đóng góp ý kiến vào việc hình thành chính sách, xây dựng và ban hành chính sách, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn xây dựng một loạt các chính sách khác nhằm kiểm soát đội ngũ công chức và củng cố chế độ công khai, minh bạch của hệ thống các cơ quan nhà nước. Hàn Quốc đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của công chức (năm 2003), Quy tắc ứng xử cho các Hội đồng địa phương (năm 2010) song song với nỗ lực cải cách hành chính, tinh giản bộ máy và đẩy mạnh chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn.  Ngoài ra, Hàn Quốc cũng không ngừng xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thông tin trên cơ sở ứng dụng những thành tựu đột phá về công nghệ, qua đó tạo thuận lợi cho sự tham gia của người dân cũng như góp phần hỗ trợ thực hiện minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình một cách hiệu quả trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tuy tiếp cận dựa trên quyền con người được biết đến ở Việt Nam muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng trong những năm qua, các cơ quan nhà nước ở trung ương và chính quyền các địa phương đã từng bước vận dụng cách tiếp cận này trong hoạch định chính sách và đạt một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và một số quốc gia nói trên, có thể rút ra một số bài học có giá trị tham khảo giúp Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả vận dụng cách tiếp cận này trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tới đây.
Một là, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới hiện nay. Các chính sách quốc gia của nhiều nước trên thế giới ngày càng có xu hướng được thiết kế theo mục tiêu bảo đảm quyền con người, mang lại những tác động tích cực đối với quyền con người cả trong ngắn hạn và về lâu dài. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách, coi đó như một nguyên tắc xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Hai là, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách cần gắn với nguyên tắc đặt người dân ở vị trí trung tâm, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, lấy quyền con người là tiêu chuẩn cho việc thiết kế chính sách và là thước đo chất lượng và hiệu quả chính sách. Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”9. Đó vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu hướng tới trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch và chặt chẽ, làm nền tảng cho việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách. Trong thời gian tới, trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quyền con người, Quốc hội có thể xem xét ban hành một số đạo luật chuyên biệt, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các thành tố cốt lõi của tiếp cận dựa trên quyền con người cũng như việc vận dụng cách tiếp cận này trong hoạch định chính sách tại Việt Nam. Chẳng hạn như xây dựng Luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nâng cấp Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn lên thành luật (có thể đặt tên là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn hoặc Luật Dân chủ cơ sở), xây dựng Luật về bình đẳng và chống phân biệt đối xử, v.v.. Việc ban hành những luật mới này sẽ góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc gia về quyền con người trên cơ sở tương thích với các chuẩn mực quốc tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể nghiên cứu xây dựng và ban hành Bộ chỉ số quyền con người nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động về vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách trên phạm vi toàn quốc.
Bốn là, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách cần dựa trên cơ sở các cải cách mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về quyền con người và bảo đảm quyền con người. Bộ máy nhà nước (thông qua đội ngũ cán bộ công chức) chính là những chủ thể trực tiếp vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách. Chất lượng của chính sách và hiệu quả của việc thực thi chính sách phụ thuộc chủ yếu vào tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương cũng như chính quyền địa phương các cấp. Do đó, cải cách hành chính cần được tiến hành đồng bộ với giáo dục quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả của vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách.
Năm là, tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách cần được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể, đặc thù về chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống, đạo đức, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức cũng như tùy thuộc vào bối cảnh thực tế. Mặc dù vậy, phải luôn đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi về tăng cường sự tham gia của người dân, sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trên cơ sở tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cũng như các giá trị phổ quát về quyền con người. Bên cạnh đó, việc vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách cần được kết hợp một cách đồng bộ với các cách tiếp cận khác như tiếp cận dựa trên nhu cầu (need-based approach), tiếp cận dựa trên lòng nhân ái/từ thiện (charity-based approach), tiếp cận trên cơ sở nhạy cảm giới (gender-sensitive approach), v.v.. Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng đều có thể bổ sung và hỗ trợ cho nhau thông qua một hệ thống các biện pháp tác động tích cực tới quyền con người, hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người một cách hiệu quả nhất. Việc kết hợp những ưu điểm của các cách tiếp cận khác nhau trong hoạch định chính sách trên cơ sở lấy quyền con người là mục tiêu nhất quán sẽ góp phần tạo ra những chính sách nhân văn, khả thi và có chất lượng tốt.
Tóm lại, vận dụng tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định chính sách là một xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Tham khảo kinh nghiệm hữu ích của nước ngoài là cần thiết để Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh vận dụng cách tiếp cận này trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian tới. Việc vận dụng này phải luôn đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với những điều kiện đặc thù của Việt Nam. Có như vậy, chất lượng của những chính sách được hoạch định và hiệu quả của việc thực thi những chính sách đó mới được nâng cao, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn hiện nay.
 

TS. Lê Xuân Tùng

Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4/2022

---

Tài liệu trích dẫn
(1) Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights (2006), Frequently Asked Questions on a Human Rights-Based Approach to Development Cooperation, United Nations, New York and Geneva, p.17.
(2) United Nations, Human Rights Office of the High Commissioner (2012), Human Rights Indicators: A Guide to Measurement and Implementation, New York and Geneva..
(3) Vũ Công Giao (2019), “Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và khả năng áp dụng vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18 (394).
(4) United Nations Research Institute for Social Development (2016), The Human Rights-Based Approach to Social Protection, Geneva.
(5) Austria’s Federal Ministry of Labour, Social Affairs and Consumer Protection (2014), Social Protection in Austria, http://www.sozialministerium.at 
(6) Hadi Strømmen Lile (2019), The Realisation of Human Rights Education in Norway, Nordic Journal of Human Rights, Vol.37, Issue 2, p.143.
(7) Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Đan Mạch, chu kỳ III năm 2021. https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/G21/045/95/PDF/G2104595.pdf?OpenElement.
(8) Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành (đồng chủ biên), Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, tr.145-151.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H., Tập 1, tr.28.