Công lý phục hồi trong bạo lực học đường được hiểu là lý thuyết tập trung vào hòa giải, thỏa thuận hơn là trừng phạt nhằm yêu cầu học sinh, sinh viên sửa đổi hành vi bạo lực học đường sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai dựa trên nguyên tắc nhân đạo và thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng trong cộng đồng xã hội.
Tranh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
1. Khái niệm
Hiện nay, trong nghiên cứu khoa học thuật ngữ “công lý phục hồi” được nhắc đến nhiều hơn trước và cũng có nhiều định nghĩa khác nhau về cụm từ công lý phục hồi (Restorative justice). Một số định nghĩa về công lý phục hồi, có thể kể đến Tony Marshall hay Howard Zerh, tuy nhiên, những nghiên cứu này còn khá chung chung và mang tính khái quát. Ví dụ, Tony Marshall cho rằng : “Công lý phục hồi là một quy trình thông qua đó những bên liên quan tới một vi phạm cùng nhau quyết định về cách thức giải quyết những bước tiếp theo của vi phạm này và các hậu quả trong tương lai”; còn theo định nghĩa của Howard Zerh thì: “Công lý phục hồi là một quy trình nhằm mục đích tập hợp, càng nhiều càng tốt, tất cả các bên liên quan đến một hành vi phạm tội cụ thể và tìm cách cùng xác định và giải quyết sự đau đớn phải gánh chịu, nhu cầu và nghĩa vụ, để chữa lành và khắc phục nhiều nhất có thể”. Prison Fellowship International, một tổ chức phi lợi nhuận, thành lập năm 1979 và hoạt động trên 129 quốc gia lại cho rằng công lý phục hồi là lý thuyết về công lý nhấn mạnh tới việc khắc phục hậu quả trong các vụ việc hình sự mà tiến trình gặp gỡ giữa các bên (nạn nhân, người phạm tội, gia đình của họ và cộng đồng liên quan trong vụ việc) đóng vai trò chính. Hai định nghĩa về công lý phục hồi của Tony Marshall hay Howard Zerh mang tính khái quát, trong khi, định nghĩa về công lý phục hồi của Prison Fellowship International là rõ nét hơn cả.
Vậy công lý phục hồi có những đặc điểm đặc thù nào?
Thứ nhất, Công lý phục hồi là lý thuyết tập trung vào hòa giải, thỏa thuận hơn là trừng phạt. Điều này có nghĩa là công lý phục hồi luôn tuân thủ theo nguyên tắc người phạm tội phải nhận trách nhiệm đối với bị hại và đền tội với nạn nhân. Tuy nhiên, công lý phục hồi không đề cao giam giữ tội phạm, trừng phạt tội phạm thông qua hình phạt nghiêm khắc nhất là phạt tù, mà công lý phục hồi yêu cầu họ sửa đổi hành vi sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai. Trên cơ sở đó, giáo dục tính người của hành vi phạm tội và giúp họ hòa nhập với cộng đồng thay vì phạt tù.
Thứ hai, Công lý phục hồi góp phần xây dựng một hệ thông tư pháp hình sự dễ tiếp cận, nhân ái và công bằng; thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng xã hội. Bởi trong hệ thống này, các hoạt động chính có thể bao gồm: cuộc gặp gỡ thảo luận bằng sự tự nguyện của các bên, thực hiện sửa đổi thông qua quá trình xin lỗi và bồi thường; giúp cho nạn nhân và tội phạm có thể tái hòa nhập.
Thứ ba, Công lý phục hồi sẽ xem tất cả các bên đã bị tổn thương trong vụ việc và mỗi bên đều cần giải quyết những vấn đề của mình.
Vậy ý nghĩa thực tiễn của công lý phục hồi là gì?
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây đó là công lý phục hồi có làm giảm đáng kể tình trạng tái phạm đối với một số người phạm tội hay không? Theo các nghiên cứu trước đó và hiện nay, đa phần các nghiên cứu đều nhận thấy được hiệu quả của hoạt động này như Giảm đáng kể tình trạng tái phạm đối với một số người phạm tội. Giảm các triệu chứng căng thẳng sau sang chấn của nạn nhân và giảm các chi phí liên quan khác. Cả nạn nhân và người phạm tội đều cảm thấy hài lòng hơn với công lý, giảm ham muốn trả thù bạo lực và giảm chi phí của tư pháp hình sự.
Vậy, công lý phục hồi được hiểu là lý thuyết tập trung vào hòa giải, thỏa thuận hơn là trừng phạt nhằm yêu cầu họ sửa đổi hành vi sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai dựa trên nguyên tắc nhân đạo và thúc đẩy sự an toàn, hạnh phúc trong cộng đồng xã hội.
Bạo lực học đường là hiện tượng đang ngày càng phổ biến và mang tính chất nghiêm trọng, nguyên do từ rất nhiều phía: gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân học sinh sinh viên. Do tính nghiêm trọng của hành vi, tác động xấu đến xã hội, vì vậy, tại khoản 5, Điều 2 của Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định bạo lực học đường là hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành; làm tổn hại đến sức khỏe, thân thể; sỉ nhục, lăng mạ đến danh dự và nhân phẩm; tẩy chay, cô lập, ruồng rẫy và những hành động gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn học trong các tổ chức, cơ sở giáo dục.
Vậy công lý phục hồi trong bạo lực học đường được hiểu là gì? Công lý phục hồi trong bạo lực học đường được hiểu là lý thuyết tập trung vào hòa giải, thỏa thuận hơn là trừng phạt nhằm yêu cầu học sinh, sinh viên sửa đổi hành vi bạo lực học đường sai trái của mình và thay đổi cách thức của họ trong tương lai dựa trên nguyên tắc nhân đạo và thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng trong cộng đồng xã hội.
2. Tiếp cận công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường
a) Chú trọng hòa giải và khắc phục hậu quả thay vì trừng phạt
Bạo lực học đường sẽ gây ra cho trẻ em một số biểu hiện tác động đến tinh thần, thể chất và khả năng học tập, có thể kể đến như: Trẻ khó ngủ, mất ngủ vì lo lắng, sợ hãi thường xuyên; Trẻ thường xuyên bị mất hoặc bị phá hoại sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân; Trẻ tìm mọi lý do để không phải đến trường như giả bệnh, khóc lóc; Trẻ thay đổi thói quen hàng ngày như bỏ ăn hoặc ăn quá nhiều; Trẻ gặp phải những vấn đề bất thường về sức khỏe như đau đầu, đau bụng, rụng tóc, có vết bầm tím… thường xuyên; Trẻ có hành vi tự làm tổn thương bản thân, có biểu hiện muốn tự sát, có suy nghĩ tự tử; Trẻ lầm lì, ít nói, luôn ở trạng thái lo lắng, mất tự tin, ngại tiếp xúc với mọi người; Trẻ có những vết thương trên thân thể mà không thể giải thích được, hay các vết thương ở những vị trí bất thường không phải do bất cẩn gây ra..Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Tuy nhiên, đối tượng có hành vi gây ra vấn nạn bạo lực học đường hay đối tượng bị bạo lực học đường lại có thể rơi vào nhóm trẻ em dễ bị tổn thương “kép” như trẻ từng bị bỏ bê không được dạy dỗ, chăm sóc, bị lạm dụng, chấn thương tâm lý thường gia tăng hành vi bạo lực và hung hang; Trẻ từng chứng kiến hoặc tiếp xúc bạo lực từ gia đình, nhà trường, xã hội; Trẻ từng có hành vi bạo lực, tính cách hung hăng mất kiểm soát; Trẻ gặp phải vấn đề về sức khỏe tinh thần, đau khổ về cảm xúc; Trẻ nhận thức kém, rối loạn học tập, thiếu chú ý và bị tăng động; Trẻ từng tham gia vào hoạt động bất hợp pháp, chống đối xã hội, tham gia vào tệ nạn xã hội như uống rượu bia, sử dụng chất kích thích… Cộng với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em ở giai đoạn này chưa trưởng thành, chưa nhận thức đầy đủ, vì vậy, cần phải có thời gian để giáo dục và dạy dỗ, đặc biệt là tuổi dậy thì với những hội chứng nổi loạn.
Vậy, trong trường hợp này, có nên sử dụng công lý trừng phạt hay không? Đặt giả định, trong trường hợp này sử dụng công lý trừng phạt như có thể áp dụng hình phạt nặng nhất cho năm học sinh đánh bạn: “phạt 1 năm tù”, “đuổi học vĩnh viễn”, “cần đưa vào trường giáo dưỡng”, “truy tố hình sự”, v.v. Kiểu công lý “ăn miếng trả miếng” không loại trừ bất kỳ ai, dù người phạm lỗi chỉ là những đứa trẻ. Trong quan niệm này, đa phần họ cho rằng rừng phạt mới có thể giải quyết được vấn đề, mới răn đe được những đứa trẻ hư hỏng và trả lại công lý cho nạn nhân. Quan niệm này sẽ gây ra nhiều hệ lụy và phần lớn không công bằng đối với hành vi vi phạm của trẻ em. Sự không công bằng được thể hiện ở chỗ, tuổi dậy thì với những hội chứng nổi loạn không thể tránh khỏi những sai lầm, nhân cách chưa hoàn thiện, tâm thức chưa hoàn thiện đầy đủ hoặc sinh ra trong hoàn cảnh gia đình bất hạnh, không được quan tâm. Nếu như sử dụng công lý trừng phạt, nhiều trẻ em sẽ mất đi cơ hội phát triển tương lai, dễ bị tổn thương khi bị hoàn thành xong hình phạt đó và nhiều hệ lụy khác sau đó. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng công lý trừng phạt không làm đứa trẻ đó tốt lên mà có thể kìm hãm sự phát triển của đứa trẻ đó.
Trong khi đó, sử dụng công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường, thay vì nhìn nhận những đứa trẻ phạm lỗi là không thể thay đổi thì có một cách tiếp cận khác ủng hộ việc nhìn nhận bên gây ra lỗi lầm cũng là nạn nhân và cần được hỗ trợ, được gọi là công lý phục hồi (restorative justice). Công lý phục hồi sẽ nhìn nhận vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến em học sinh bị đánh mà cho rằng cả năm học sinh đã gây ra lỗi lầm cũng đã bị tổn thương trong vụ việc. Vậy, tiếp cận công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường trong những vụ việc cụ thể sẽ như thế nào?
* Bạo lực về thể chất: Bạn học sinh bị đánh cần phải được xin lỗi và bồi thường, được chăm sóc y tế và được hỗ trợ về sức khoẻ tâm lý. Các bạn học sinh đánh bạn cần phải xin lỗi, hiểu được hậu quả mà các em đã gây ra (trẻ em khi chưa đến tuổi trưởng thành không ý thức được đầy đủ hậu quả của những gì chúng làm), và cần biết cách chịu trách nhiệm phù hợp về vụ việc. Gia đình của các em học sinh phạm lỗi nên thừa nhận khuyết điểm trong việc giáo dục con cái, xin lỗi và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Nhà trường cần phải thừa nhận lỗi lầm của mình và có kế hoạch tốt hơn để tạo ra một trường học an toàn, giúp cho học sinh và các phụ huynh yên tâm hơn sau vụ việc.
* Bạo lực về tinh thần: Bị cô lập, không có bạn bè cùng chơi; bị bêu xấu, “bóc phốt” trên mạng xã hội… là những kiểu bạo lực tinh thần học đường mà không ít học sinh gặp phải. Hình thức bạo lực này khiến nạn nhân rơi vào khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học. Trên thực tế, bạo lực học đường có nhiều hình thức, trong đó có những hình thức thuộc về bạo lực tinh thần, tác động trực tiếp về mặt cảm xúc đối với nạn nhân. Chẳng hạn, hình thức dùng lời nói, cử chỉ mang tính xúc phạm, dọa nạt, sỉ nhục, đổ oan, dựng chuyện, vu khống, tẩy chay, cô lập… Nạn nhân của những vụ bạo lực tinh thần này thường sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, thậm chí trên thực tế đã có học sinh không chịu đựng được áp lực đã chọn cách tự tử để giải thoát cho chính mình. Những nạn nhân bị bạo lực thường là đối tượng yếu thế: tương tác xã hội kém, chậm phát triển về trí tuệ; có khiếm khuyết về hình thể…Ví dụ, 01 case điển hình sau: câu chuyện của một học sinh đồng tính lớp 11 (Hà Nam): “Cô đơn, bị hắt hủi, em chỉ có thể trút nỗi lòng vào nhật ký, làm bạn với nhật ký. Nhưng rồi một ngày, bạn bè lục cặp em, ăn cắp nhật ký rồi nộp cho cô chủ nhiệm. Điều khiến em sốc nhất chính là việc cô giáo đã đọc nhật ký của em giữa lớp, kèm theo những lời bình phẩm: “Tôi không ngờ lớp tôi lại có kẻ đồi bại, bệnh hoạn như vậy. Đọc nhật ký của anh mà tôi thấy ghê tởm, sởn gai ốc”. Lại có em sau bị mẹ đọc được lá thư bày tỏ tình cảm với bạn cùng giới, rồi người mẹ đã đưa cho cô giáo chủ nhiệm nhờ “dạy dỗ, uốn nắn”. Và cô giáo đã đọc lá thư của em trước toàn trường...”[1]. Công lý phục hồi trong trường hợp này giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, gia đình, cha mẹ cần phải có những nhận thức đúng đắn về giới tính và về cộng đồng LGBT, trên cơ sở đó, loại bỏ cái nhìn miệt thị, sai lệch về cộng đồng LGBT, thay vào đó là sự đồng cảm, cảm thông và khích lệ sự tự tin, hòa nhập của nạn nhân, và giáo dục lại đối với trẻ em, với tư cách là người có hành vi miệt thị, khinh miệt nạn nhân, đó là khi một cá thể được ra đời là sự may mắn của tạo hóa ban tặng, vì vậy, con người cần tôn trọng sự khác biệt của tạo hóa. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đến việc bảo vệ các con, trường hợp nếu thấy tâm lý con bất ổn, hoảng loạn, ám ảnh, cần phải can thiệp ngay lập tức để bảo vệ con. Nếu con có những bất ổn về tâm lý và tinh thần mà bố mẹ không thể hiểu, thì cần sự hỗ trợ của những người có đủ năng lực và chuyên môn có thể hiểu và giúp hỗ trợ được vấn đề. Cha mẹ nên nói chuyện, quan sát và đồng hành với con để hiểu suy nghĩ, cảm xúc và nắm được sự thay đổi tâm lý, hành vi của con. Trong trường hợp nêu trên, cha mẹ chưa hiểu đúng, dẫn tới để con lạc long, cô đơn và vô tình bị tổn thương về mặt tâm lý bởi chính những người thân yêu trong gia đình. Sự vô cảm từ gia đình chính là nguyên nhân khiến bạo lực học đường về cả phía nạn nhân hay thủ phạm trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, cũng cần sự huy động sự hỗ trợ từ phía thầy cô, nhà trường và phụ huynh của các em gây ra bạo lực.
* Bạo lực về tình dục: Bao gồm các hành vi như quấy rối tình dục, tấn công tình dục, phân biệt đối xử dựa vào giới tính. Cụ thể, Bạo lực tình dục trong học đường bao gồm các hành vi như hiếp dâm, quấy rối tình dục và việc sử dụng sức mạnh tình dục để đe dọa hoặc tấn công người khác. Đây là một dạng bạo lực nghiêm trọng và có thể gây ra hậu quả về tâm lý và tinh thần đặc biệt lớn đối với nạn nhân. Ví dụ: Giả định trường hợp X (dưới 16 tuổi) có hành vi hiếp dâm nạn nhân E (13 tuổi). Luật sư sẽ đóng vai trò trung gian kết nối cuộc nói chuyện, đối thoại giữa gia đình, nhà trường, nạn nhân và người có hành vi vi phạm. Vai trò của Luật sư chỉ ra những yếu tố lợi và hại khi theo tiếp cận công lý trừng phạt hay theo công lý phục hồi. Trên cơ sở đó, gia đình nạn nhân sẽ đưa ra quyền quyết định. Trong trường hợp này, khi luật sư hướng các bên trong vụ việc tới công lý phục hồi vì nhìn nhận rằng, các bên đều có thể bị tổn thương và sự phát triển trong tương lai sẽ xấu đi nếu như tiếp cận công lý trừng phạt.
Cần phải thuyết phục gia đình nạn nhân quyết định không truy cứu đến cùng cậu bé, mong muốn cậu bé nhận lỗi và không tái phạm nữa, có thể đưa ra một thử thách (ba tháng – 1 năm) tùy các bên thỏa thuận để giáo dục cậu bé, nếu không đạt được kết quả khả quan thì sẽ có những biện pháp nặng hơn, bao gồm cả việc đưa ra pháp luật. Gia đình cậu bé phải cam kết dành nhiều thời gian cho con mình, để cậu bé nói chuyện định kỳ với vị luật sư – vốn là một chuyên gia về tâm lý và sức khoẻ giới tính – để quan sát sự thay đổi của cậu bé.
Sau khi hai gia đình thống nhất cách giải quyết, cậu bé được gọi vào và xin lỗi gia đình nạn nhân cũng như chấp nhận thử thách và hứa sẽ trở thành người tốt hơn. Trước khi chọn cách giải quyết này, vị luật sư đã tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc và luôn tôn trọng quyết định của gia đình nạn nhân. Cách giải quyết này trước hết không để lại những tổn thương đối với cậu bé và bố mẹ của cậu ta nếu yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp và vụ việc bị đưa lên mặt báo. Gia đình nạn nhân cũng không xem cậu bé như một ác quỷ cần phải bị trừng phạt. Họ cho cậu bé một cơ hội để sửa sai và cho đến nay, họ đã không lầm. Giả sử, vụ việc này được đưa ra pháp luật thì việc đối thoại giữa hai gia đình là rất hạn chế. Các biện pháp cứng nhắc của thủ tục tố tụng có thể làm tổn thương thêm cho cậu bé và gia đình của hai bên[2].
b) Tiếp cận công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự dễ tiếp cận, nhân ái và công bằng; thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng xã hội
Điều này có nghĩa là khi tiếp cận công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường giúp cho cả nạn nhân và trẻ có hành vi bạo lực nhận ra sai lầm, đúc rút kinh nghiệm và hứa không tái phạm, hoàn thiện nhân cách, giúp các bên sửa đổi lỗi lầm và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, tiếp cận công lý phục hồi trong giải quyết bạo lực học đường góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự dễ tiếp cận, nhân ái và công bằng; thúc đẩy sự an toàn và hạnh phúc trong cộng đồng xã hội. Bởi vì, công lý phục hồi sẽ xem tất cả các bên đã bị tổn thương trong vụ việc, và mỗi bên đều cần giải quyết những vấn đề của mình theo hướng nhân văn, nhân đạo, hợp tình hợp lý dựa trên cuộc nói chuyện, thỏa thuận giữa các bên, đó là gia đình, nhà trường, và nạn nhân, người có hành vi vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, hình phạt tù giam vẫn được áp dụng để cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Công lý phục hồi cũng có thể được áp dụng sau quá trình xét xử để giúp cả nạn nhân và thủ phạm vượt qua được sự việc.
c) Công lý phục hồi trong bạo lực học đường sẽ xem tất cả các bên đã bị tổn thương trong vụ việc, và mỗi bên đều cần giải quyết những vấn đề của mình.
Điều này xuất phát từ các cá thể trong vụ việc, cụ thể, trong bạo lực học đường thì trong phần lớn các trường hợp, cả nạn nhân và người có hành vi vi phạm đều có những yếu tố bị tổn thương. Yếu tố đó có thể xuất phát từ gia đình, nhà trường, xã hội, hay chính bản thân nạn nhân hay người có hành vi vi phạm (đã phân tích ở trên).
3. Giải pháp thúc đẩy công lý phục hồi trong bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục về nội dung công lý phục hồi trong bạo lực học đường tới Luật sư, gia đình, nhà trường. Bởi đây là chủ thể sẽ tiếp cận công lý phục hồi trong bạo lực học đường nếu như có vụ việc xảy ra. Nếu không nhận thức được vấn đề này, thì có thể gây tổn thương cho cả nạn nhân và người có hành vi vi phạm.
Thứ hai, xây dựng quy trình công lý phục hồi đối với từng dạng thức bạo lực.
Có thể xây dựng từng trường hợp điển hình, với những cách thức cụ thể, để luật sự, gia đình, nhà trường có thể tiếp cận. Trên cơ sở đó, khi phát sinh vụ việc thì Luật sư, gia đình, nhà trường có thể áp dụng được những vụ việc tương tự.
Thứ ba, đào tạo các khóa tâm lý học đến Luật sư, cá nhân, gia đình, nhà trường tiếp cận những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần. Thông thường, trên thực tế, những nạn nhân bị rơi vào những trường hợp nêu trên thường bị khủng hoảng, bị hoảng loạn, sống thu mình, khó tiếp xúc và nói chuyện. Vì vậy, công tác đào tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
ThS. Nguyễn Phương Nhung
Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Diệu Linh (2012), Bi kịch học sinh đồng tính bị cô giáo đem nhật kí đọc trước lớp, truy cập tại: http://danviet.vn/song-tre/bi-kich-hoc-sinh-dong-tinh-bi-co-giao-dem-nhat-ky-doc-truoc-lop-135701.html
[2] Trần Phương (2019), Công lý phục hồi – một cách tiếp cận với bạo lực học đường, https://www.luatkhoa.com/2019/04/cong-ly-phuc-hoi-mot-cach-tiep-can-voi-bao-luc-hoc-duong/